Trong một bức thư gởi cho Mikhail, một người anh, vào tháng 11.1845. Dostoievki đã viết: “Tôi tin là tiếng tăm của tôi đã lên đến tột đỉnh”. Lời ấy biểu lộ niềm kiêu hãnh của một nhân tài tự nhìn rõ vóc dáng lớn lao của mình đang vươn cao trên vòm trời văn hóa quê hương: nước Nga, vào lúc mà nền văn học già nua đang kỳ phát khởi lạ lùng của những công trình trường thiên bất hủ, thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ thứ 20: những công trình đã mô tả kiếp người khắc khoải trong đa mang tâm sự, lao đao trong xã hội trầm luân.
Niềm kiêu hãnh của Dostoievski giá trị như một lời tiên tri, vì dù rằng khi vừa ra đời, tác phẩm “Là Bóng hay là Hình” đã không được giới phê bình niềm nỡ đón mừng, thì càng về sau, tác phẩm này, và nói chung văn nghiệp của Dostoievski, càng được văn giới Nga, Âu Châu, và cả thế giới ân cần ngưỡng mộ.
Được xuất bản vào năm 1846, “là bóng hay là hình” vẫn là hình ảnh con người trong trong cái nhìn lạ lùng của Dostoiesvski, ném ánh mắt tinh tế vào tận nẻo thâm cùng của tâm hồn con người, những tâm hồn độc đáo, bất thường, bệnh hoạn.
Golyadkin, nhân vật của câu chuyện, và “cái bóng sống thực” của y, cho ta thấy sự hoảng hốt ngỡ ngàng của con người về chính mình: rất gần mà rất xa, thân thiết mà hận thù, thật một mà quả hai, rất hai nhưng chỉ là một. Nhưng mỗi chàng Golyadkin là một mẫu người: Nếu Golyadkin là một tích lũy của những dồn nén ẩn ức, thì Golyadkin hai là sự giải tỏa những ẩn ức dồn nén đó: nếu Golyadkin một là con người trong sạch (theo cái nghĩa gần như sơ khai, nguyên thủy) thì Golyadkin hai là một người tạo ra bởi những giả dối của xã hội văn minh. Và tâm hồn què quặt của Golyadkin là bãi chiến, là sự giằng co giữa hai con người đó.
Nhưng trong cuộc chiến này không bên nào có thể tiêu diệt hoàn toàn đối thủ của mình.
Không phải chỉ Dostoievski là người duy nhất mô tả tâm lý bằng phường cách quái lạ này, trong câu chuyện chập chờn, không hề có một phân định giữa ảo tưởng và thực tế, chập chờn như những giấc ngủ mê sảng của Golyadkin, nhưng nhân vật của ông có một sắc thái riêng, vừa huyền hoặc, vừa triết lý.
Nhân vật William Wilson của Poe chẳng hạn, không thể hòa hợp với cái “bóng sống” của mình như Golyadkin, đến như những nhân vật Jekyll và Hyde của Stevenson thì lại quá cách biệt, xa xôi.
Giới thiệu tác phẩm “là bóng hay là hình” qua Việt ngữ, chúng tôi hy vọng đã mở được một cánh cửa theo một phương vị thích hợp, để từ đó độc giả Việt Nam có thể nhìn được một mẫu hương sắc và tiêu biểu nhất cho một cánh rừng bao la: văn nghiệp Dostoievski.
Chúng tôi cũng tiếc là đã phải dịch tác phẩm này căn cứ trên bản Anh ngữ của Andrew R. Mac Andrew, do đó dầu đã cố gắng dịch sát vẫn khó có thể tránh được một khoảng cách với nguyên tác Nga ngữ, một ngôn ngữ mà người Nga vẫn tự hào là gồm đủ nét hùng vĩ của tiếng Anh, diễm lệ của tiếng Pháp, âm điệu của tiếng Ý và quý phái của tiếng Tây Ban Nha.
Cũng đã ngót tám giờ sáng lúc Yakov Petrovich Golyadkin, một viên chức nhà nước cấp nhỏ thức giấc sau một giấc ngủ khá lâu. Chàng ngáp dài, duỗi mình rồi cuối cùng mở mắt ra. Chàng nằm bất động trên giường trong vài phút, như chưa biết là mình đã thức hay vẫn còn đang ngủ, và những gì chung quanh là thật hay chỉ là nhũng giấc mơ lộn xộn kéo dài. Tuy nhiên chàng cũng nhận ra ngay là chàng đang trở về với cái cảm giác hàng ngày rõ ràng minh bạch hơn. Chàng nhận ra bức tường xanh rêu dơ bẩn, đầy bồ hóng và bụi bậm trong căn phòng, những ngăn tủ và bàn ghế bằng gỗ đào hoa, chiếc ghế nệm dài phủ vải dầu đỏ có hoa xanh, và cuối cùng bộ đồ chàng đã vội vã cởi ra đêm trước nằm một đống nhàu nát trên ghế. Sau hết cái u ám ảm đạm của một ngày mùa thu qua khung cửa sổ xanh xao hắt vào trong phòng chàng khó chịu đến nỗi Golyadkin không thể không biết là chàng không còn ở trong một nơi huy hoàng đầy sữa và mật nữa, mà đang ở trong một phòng trên lầu tư của tòa nhà khá lớn trên đường Six Shop ở Petersburg.
Nhận ra điều đó, chàng rùng mình nhắm mắt lại, như là tiếc nuối giấc mơ đã mất và đang cố tìm lại nó trong một thoáng. Nhưng một phút sau chàng nhảy ra khỏi giường, như vừa nghĩ ra được điều gì tự nãy giờ những tư tưởng rải rác, chưa kiểm soát được của chàng còn đang tìm kiếm. Đứng dậy rồi, chàng bước đến bên chiếc gương soi nhỏ trên ngăn tủ. Dầu vẻ mặt ngái ngủ với đôi lông mày thưa thớt của chàng phản chiếu trong gương không có gì quyến rũ, chàng vẫn có vẻ hài lòng. Chàng nói thầm:
“Nếu hôm nay không phải là ngày tốt, hoặc có gì không đẹp xảy đến cho mình, chẳng hạn như bỗng nhiên nổi lên một cái nhọt, hay gì gì đó… ồ, mọi sự rồi sẽ tốt đẹp hết mà”.
Bằng lòng với ý nghĩ đó, chàng đặt gương soi vào chỗ cũ. Và dầu đang mặc đồ ngủ, chàng cũng chồm ra khỏi cửa sổ, chăm chăm nhìn ra sân trước mặt. Hình như chàng đã tìm ra được điều gì đó, vì trông mặt chàng sáng lên với nét tự mãn.
Rồi Golyadkin nhìn ra đằng sau bức tường ngăn, nơi phòng của Petrushka, tên giúp việc của chàng. Thấy Petrushka không có đấy, chàng nhón gót chạy đến bàn, mở hộc bàn, lục lọi và đem ra một chiếc túi màu xanh đã sờn nhét dưới một mớ giấy tờ đã ngã màu và vài thứ đồ lặt vặt khác. Chàng cẩn thận mở túi nhìn vào. Một mớ tiền xanh, đỏ đủ màu. Golyadkin mỉm cười, đặt chiếc túi mở trên bàn và xoa tay sung sướng. Rồi chàng đổ mớ tiền ra ngoài, và là lần thứ một trăm từ ngày hôm kia, chàng đếm tiền, trang trọng giữ từng tờ giữa ngón trỏ và ngón cái.
“Bảy trăm năm chục roubles tiền giấy” chàng nói, nửa thì thầm “Một món tiền đáng kể” giọng chàng run lên vì sung sướng “Ai cũng muốn được chừng này tiền. Mình chưa gặp người nào cho là món tiền thế này là vô giá trị. Có tiền thế này… mua tiên cũng được… nhưng thằng Petrushka đâu rồi kìa?”.
Chàng nhìn qua vách lần nữa. Petrushka vẫn không có đấy, nhưng ấm nước đang thở phì phò giận dữ trên sàn, như muốn nói gì đó với Golyadkin bằng cái ngôn ngữ phức tạp của nó, chẳng hạn: “Ông nhắc tôi ra đi, tôi sôi đây. Tôi sẵn sàng rồi đây”.
“Thằng khốn Petrushka trốn đâu rồi?” – Golyadkin nghĩ – “Cái con vật lười biếng đó cũng đủ khiến người ta điên lên được”.
Chàng giận dữ bước ra lối ra vào dẫn đến sân. Mở cánh cửa cuối lối đi, chàng thấy gã người làm đứng giữa một đám gia nhân khác. Petrushka đang hùng hồn gì đó, và cả bọn đang lắng tai nghe.
Golyadkin tỏ vẻ không thích đề tài câu chuyện hay việc đang xảy ra. Chàng bực bội ra lệnh cho Petrushka trở vào. Bước vào phòng, chàng nghĩ: “Thằng cục súc đó có thể làm bất cứ việc gì với nửa kopeck, ngay cả bán chủ của nó đi. Dám chắc là nó cũng đã bán mình với giá không đầy một kopeck rồi…”
Chàng hỏi.
– Chuyện gì vậy?
– Họ đang phát đồ cho người làm, thưa ông.
– Mặc vào rồi đến đây.
Petrushka mặc bộ đồ vào, cười ngu ngốc, bước vào trong phòng chủ. Trông nó thật kỳ cục: mặc bộ đồ xanh viền chỉ vàng, rõ ràng là cắt cho người cao hơn nó cả thước, trên tay cầm một cái nón cũng viền chỉ vàng với lông chim, bên sườn lủng lẳng một thanh gươm bao da, nhưng lại đi chân đất giống ở nhà.
Golyadkin quan sát Petrushka, coi bộ vừa ý. Trông thì biết ngay là bộ đồ được mướn để dành cho một dịp nghiêm trọng đặc biệt nào đó. Trong khi đó Petrushka cũng nhìn chủ với vẻ chờ đợi khiến Golyadkin đâm ra bối rối. Chàng hỏi :
– Sao, có xe chưa?
– Xe có đây rồi, thưa ông.
– Trọn ngày?
– Vâng, và khoảng 25 roubles.
– Còn giày? Họ mang tới chưa?
– Thưa rồi.
– Đồ ngốc! Mày không nói: “Thưa ông, họ đã đem đến rồi” được sao? Mang đến đây!
Golyadkin hài lòng thấy đôi giày vừa vặn. Chàng sai Petrushka đem nước nóng để rửa mặt và cạo râu, cùng mang trà lại. Chàng cạo râu rất kỹ, nhắp vài ngụm trà, và mặc đồ. Chàng mặc chiếc quần mới vào, cùng một sơ-mi gắn nút đồng, thêm một áo chẽn có những bông sáng trông rất bắt mắt. Chàng thắt chiếc cà-vạt lụa đủ màu và sau cùng khoác bộ lễ phục mới, chải cẩn thận. Lúc mặc đồ, thỉnh thoảng chàng nhìn xuống đôi giày một cách trìu mến, và nhấc chân lên như chiêm ngưỡng kiểu giày, thì thầm gật gù tự tán thưởng mình.
Sáng nay thật sự chàng không để ý đến điều gì khác, không cảm nhận thấy những cái nhăn mặt cùng nụ cười mỉa mai của Petrushka khi giúp chàng thay y phục.
Khi đã mặc đồ xong và sẵn sàng rồi, Golyadkin bỏ bọc tiền vào túi nhìn Petrushka lúc đó cũng đã mang giày xong. Không còn gì khác, Golyadkin háo hức bước xuống lầu.
Một cỗ xe màu xanh nhạt có tay bọc chạy đến bậc cửa trong tiếng leng keng. Petrushka nháy mắt với gã đánh xe, với những người đi đường rồi đỡ chủ lên xe, và như để khỏi phải phá lên cười một cách ngu ngốc, y la lớn “chạy” và nhảy lên bậc xe. Chiếc xe leng keng ồn ào chạy về hướng đại lộ Nevsky.
Lúc xe chạy ra khỏi cổng, Golyadkin xoa hai tay mạnh vào nhau, bật cười giống như một tên ba trợn đang vui sướng vì vừa chơi khăm được ai. Nhưng cái bộ tịch vui vẻ đó mất ngay. Gương mặt Golyadkin có vẻ khác lạ. Không kể gì thời tiết xấu và ướt át, chàng hạ cửa xe xuống, quan sát người đi đường. Mỗi khi thấy ai nhìn chàng lại làm bộ nghiêm nghị. Khi xe rẽ từ đường Liteinaya đến đại lộ Nevsky, Golyadkin giật mình, có vẻ khó chịu như bị ai dẫm lên chân, và chàng chui vào trong xe coi bộ sợ hãi.
Điều làm chàng khó chịu đó là chàng bắt gặp tia mắt của hai viên chức cùng làm một sở với chàng. Golyadkin thấy họ có vẻ ngạc nhiên khi thấy một đồng sự như vậy, có người còn chỉ vào chàng. Rồi Golyadkin tưởng như người kia gọi mình. Nhưng tiếng gọi loãng mất trên đường, nên chàng làm ngơ không trả lời.
Chàng nghĩ :
“Mấy thằng con nít ngu, đi xe này có gì lạ đâu? Cần xe thì thuê, đâu có gì vô lý? Bọn con nít bẩn thỉu đáng ăn roi. Chúng nó chỉ biết vừa lãnh lương vừa nghĩ đến các trò chơi thôi. Mình có thể cho chúng nó biết như vậy, nhưng có gì đâu mà phải…”.
Tư tưởng của chàng bị ngắt ngang. Chàng há hốc mồm, sợ hãi. Một cặp song mã giống Kazan kéo một cỗ xe sáng loảng đang vượt qua chàng ở bên phải.
Người ngồi trong xe tình cờ thấy được Golyadkin khi chàng vô ý thò mặt ra ngoài xe, và có vẻ ngạc nhiên, cố chồm ra ngoài để nhìn vào trong góc tối nơi người hùng của chúng ta đang co ro. Đó là Andrei Filipovich, trưởng phòng của Golyadkin, nơi chàng làm việc với chức phụ tá cho viên thư ký trưởng.
Thấy Andrei Filipovich đã nhận ra mình, bắt gặp cặp mắt tròn xoe của ông ta, và hết chỗ trốn, Golyadkin vô cùng ngượng ngập. “Có nên cúi chào ông ta không? Có nên nhìn ông ta không? Nhận là mình, hay cứ giả vờ như ai khác giống hệt mình, rồi làm mặt lạ?”.
Golyadkin tự hỏi với vẻ khổ sở khó tả: “Đúng rồi, không phải mình, thế là xong”. Chàng nghĩ như vậy, khi đôi mắt dán vào Andrei Filipovich và lấy tay dở nón chào ông ta.
“Tôi… tôi… thưa ngài, không có gì…”. Chàng lắp bắp: “Thật thì… không phải tôi… vâng, như vậy đó”.
Tuy nhiên cỗ xe đã vượt qua và đôi mắt của vị trưởng phòng không còn ám ảnh chàng nữa. Nhưng mặt Golyadkin vẫn còn đỏ. Chàng mỉm cười:
“Mình đúng là thằng ngu mới không chào ông ta. Song mình phải có vẻ cứng cỏi hơn, nghiêm nghi hơn. Chỉ cần nói với ông ta: ‘Thưa ngài, tôi cũng được mời cơm tối’, như vậy thôi”.
Rồi nhớ lại là mình đã không làm được như vậy, người hùng của chúng ta thấy máu nóng bốc lên. Chàng nhíu cặp lông mày, nhìn vào một góc xe với cái nhìn thách thức đe dọa như thể muốn đốt kẻ thù thành tro bụi. Rồi hứng quá chàng giật cương của người đánh xe, ra lệnh cho y quay trở về đường Liteinava. Chàng thấy cần phải gặp Christian Ivanovich, bác sĩ riêng của mình, cho ông ta biết vài chuyện lý thú, như vậy chắc là thích hơn, dầu chàng chưa quen biết vị bác sĩ này cho lắm. Chàng chỉ mới gặp ông ta một lần, khoảng đầu tuần trước, để hỏi ý kiến ông về việc này nọ – Hơn nữa, người ta thường nói là bác sĩ cũng như linh mục, đối với ông ta mà còn giấu diếm thì thật rõ ngu, vì bổn phận của ông ta là phải biết rõ bệnh nhân.
Golyadkin bảo dừng trước một tòa nhà năm tầng trên đường Liteinaya và khi bước xuống, chàng nghĩ: “Có nên không? Có phải lúc không?”
Nhưng khi chàng bước lên bậc thang, thở hổn hển và cố gắng làm dịu bớt quả tim đập thình thịch, một thói quen mỗi khi vào một thang lầu lạ, chàng quyết định: «Ồ có gì đâu, chuyện này là chuyện của ta, đâu có gì sái quấy. Nếu ta giấu diếm thì thật là ngu. Ta cứ giả vờ như tình cờ đi ngang và ghé vào đây. Bác sĩ sẽ không thấy gì là kỳ cục hết…».
Golyadkin suy luận như vậy và lên đến tầng thứ nhì, đứng trước cửa phòng số 5, trên đó có tấm bảng với hàng chữ :
CHRISTIAN IVANOVICH RUTENSPITZ
Bác sĩ Y Khoa và Giải Phẫu
Người hùng của chúng ta sửa bộ nghiêm nghị nhưng vẫn có một chút thân thiện, trước khi kéo chuông cửa. Trước khi thật sự kéo, chàng tự hỏi: “Mình có nên đến vào hôm khác không, vì dù sao cũng không có gì gấp gáp…” Nhưng khi nghe tiếng chân bước lên thang, chàng vội vã quyết định rằng một khi đã có mặt tại đây thì phải tiến tới. Và chàng quả quyết kéo chuông.
…
Mời các bạn đón đọc Là Bóng Hay Là Hình của tác giả Fyodor Mikhailovich Dostoevsky.