Quyển sách “Làm Ít Được Nhiều” của tác giả Chin-Ning Chu mang đến những phương pháp giải tỏa căng thẳng và học cách sống một cuộc sống cân bằng trong thời đại hiện nay, nơi mà áp lực và cạnh tranh luôn tồn tại.
Chu tập trung vào việc sử dụng “Bộ ba bí mật” để giải phóng năng lượng bản thân và đạt được hiệu suất cao mà không cần phải làm việc vất vả quá nhiều. Bằng cách đặt mình vào tâm điểm của công việc và hành động một cách tập trung, bạn có thể đạt được mục tiêu mà chỉ cần làm việc và lo lắng ít thôi.
Cuốn sách cũng giúp bạn có thời gian và không gian để thư giãn và hưởng thụ thành quả của công việc một cách thoải mái. Thay vì đổ mồ hôi và nỗ lực quá nhiều để đạt được thành công, Chin-Ning Chu nhấn mạnh vào việc tìm ra sự cân bằng giữa nỗ lực và sự thảnh thơi, giúp bạn sống một cuộc sống thịnh vượng và hạnh phúc hơn.
Tóm lại, “Làm Ít Được Nhiều” là một hướng dẫn thông minh và thực tế để giúp bạn đạt được thành công mà không cần phải hy sinh quá nhiều và duy trì sự cân bằng trong cuộc sống.
Mời các bạn đón đọc Làm Ít Được Nhiều của tác giả Chin-Ning Chu.
—-
Lời tựa
Trong quyển sách kinh điển Con đường ít người đi, M. Scott Peck đã bắt đầu với lời khẳng định “Cuộc sống thật khó khăn”.
Còn trong quyển sách nhất định cũng sẽ thành kinh điển này, Chin-Ning Chu lại lập luận rằng cuộc sống thật đơn giản. Sau khi lĩnh hội được sự thông thái được dàn trải trên những trang chữ tiếp sau đây, tôi chắc chắn bạn cũng sẽ hiểu được sự thâm thúy của Làm ít, được nhiều. Những gì có hình thức đơn giản thì thâm thúy. Sự thâm thúy tối cao có được là nhờ tính đơn giản của sự vật, sự việc. Và những gì đơn giản thì sẽ dễ nắm bắt.
Chin-Ning Chu, nhà chiến lược toàn cầu và nhà dự đoán kinh tế, là một cá nhân xuất sắc tiêu biểu với xuất thân khiêm tốn. Bà sở hữu thứ năng khiếu hiếm có nhất của con người: khả năng lý giải những chân lí vĩnh hằng và phức tạp bằng những ẩn dụ và minh họa thật dễ hiểu và đầy ý nghĩa.
Bà là người duy nhất trên thế giới có thể viết nên cuốn sách này. Nó giống một bức tranh hơn là một tổ hợp câu từ – là nhận thức dựa trên kinh nghiệm bản thân hơn là lời khuyên bảo.
Làm ít, được nhiều nhắm đúng vào gốc rễ của hiện trạng cạn kiệt văn hóa1 trong xã hội hiện đại. Chúng ta có tất cả những tiện nghi và lợi thế nhưng hiệu quả đạt được lại quá ít. Chúng ta dường như bị đẩy vào một cuộc đua không mong đợi và ngay cả đích đến ở đâu chúng ta cũng không hình dung ra được. Phần lớn chúng ta đều có nhà cửa, nhưng lại không có được cuộc sống gia đình như mong ước. Chúng ta có rất nhiều ảnh chụp và đoạn ghi hình của con cháu mình, nhưng lại không có cái sức mạnh tinh thần tạo nên nền tảng của một gia đình lành mạnh. Chúng ta hết sức bận rộn, đôi khi đến quay cuồng, nhưng lại hoàn toàn không biết được mình đang đi đến đâu. Chúng ta mãi loay hoay với những vấn đề cấp bách, nhưng lại xao lãng những việc mà ta ý thức được là quan trọng thật sự. Chúng ta thường tranh thủ thời gian cho những trò tiêu khiển, đôi khi là những thú vui rất đắt tiền, nhưng chúng ta lại không thật sự hạnh phúc. Một số người trong chúng ta đang làm những việc đúng nhưng không đúng lúc; một số khác thì lúc nào cũng toàn làm những điều sai lầm.
Khi bước vào thời đại mới, chúng ta cần phải xem xét và đánh giá lại lối tư duy của mình, và cách chúng ta tiếp nhận những thử thách của cuộc sống thường ngày trong thời buổi của những thay đổi đáng kinh ngạc. Trong kỷ nguyên mới này, kiến thức chính là nguồn sức mạnh; tư duy thông suốt và tinh thần giàu mạnh có thể trở thành những hạt giống ươm mầm cho sự hòa hợp và cao đẹp của nhân loại.
Để chăm tưới cho những hạt giống cao đẹp của loài người, Chin-Ning Chu đã triệu mời vị pháp sư cầu mưa, người sẽ chỉ bảo cho chúng ta làm thế nào để làm ít mà được nhiều.
Denis Waitley,
Giám đốc Học viện Waitley, tác giả của những quyển sách bán chạy nhất nước Mỹ “Hạt giống của sự vĩ đại” và “Đế chế của tinh thần”.
—-
LÀM ÍT ĐƯỢC NHIỀU
Khi vị pháp sư cầu mưa vừa đến ngôi làng, nạn hạn hán ở đây đang vô cùng nghiêm trọng và thảm hại. Nếu ông cũng như bạn và tôi, thì ông sẽ nhanh chóng rơi vào bận rộn: nói chuyện với dân làng về tình hình mưa nắng trước giờ và lập đàn cầu mưa – nhưng ông đã không hề tự làm mình bận rộn chút nào.
Chữ “bận rộn” trong tiếng Hoa gồm hai phần. Một phần tượng trưng cho trái tim, phần còn lại tượng trưng cho cái chết. Có nghĩa là khi một người trở nên quá bận rộn, trái tim của người đó sẽ chết. Ấy thế mà trong xã hội ngày nay, mọi người lại có vẻ coi trọng cái sự bận rộn này. Khi có người hỏi bạn “Bạn có bận không?” thì hầu như là bạn trả lời “Có chứ, tôi bận lắm, không có thì giờ để tán gẫu nữa”. Bạn sẽ không bao giờ trả lời rằng “Không, tôi không bận gì cả”, dẫu cho đó là sự thật. Chúng ta cứ liên kết “bận rộn” với “thành đạt”, nên chỉ có những người không mấy thành đạt thì mới không bận rộn. Sự thật là, chúng ta có thể thấy có khá nhiều người hết sức bận rộn mà chẳng thành công. “Bận rộn” không phải lúc nào cũng tốt, mà thông thường nó có nghĩa là tâm hồn bạn đang bị bỏ bê.
Mục đích của vị pháp sư là gọi mưa, chứ không phải là làm một màn trình diễn. Ông không cần phải tỏ ra cặm cụi cần cù để gây ấn tượng với bất cứ ai. Để được kết quả như mong muốn, ông ấy làm rất ít – dựng một ngôi lều rồi “bế quan” thiền định. Bằng cách làm việc rất ít và thong dong tự tại, ông đem trạng thái hòa hợp vào chính mình, và từ thân tâm ông trạng thái đó tuôn ra tràn ngập khắp cả ngôi làng. Bằng cách làm ít, vị pháp sư cầu mưa đã được nhiều hơn.
Một trong những nguyên lý chủ đạo của hatha yoga, hệ thống động tác thể dục trị liệu của Ấn Độ, là cho phép cơ thể được thư giãn trong một động tác yoga chứ không phải gắng sức gò bó cơ thể để đạt được một tư thế nhất định. Khi bạn nôn nóng uốn vặn cơ thể tối đa và ép buộc cơ thể vào đúng vị trí, thì chắc chắn cơ thể bạn sẽ phản kháng.
Khi bạn cởi mở và thư giãn, không gồng mình quá sức, không ép mình phải đạt được một tiến bộ tức thì nào, cơ thể bạn sẽ khai thông từ trong nội tại một cách tự nhiên và cho phép bạn dễ dàng tập các động tác duỗi người trọn vẹn và hiệu quả. Thái độ của chúng ta đối với thành công và việc gặt hái được biểu tượng thành đạt cũng hoạt động theo nguyên tắc này.
MÂU THUẪN GIỮA HÀNH ĐỘNG VÀ NỖI LO
Khi bạn theo đuổi một việc gì với nỗi lo đau đáu, bạn sẽ tốn rất nhiều nỗ lực chỉ để thu được một kết quả chẳng đáng là bao. Vì bạn đang khao khát và suy tư dữ dội, nên bạn đã mệt mỏi thậm chí trước khi bắt đầu công việc. Mặc dù cơ thể bạn chưa làm gì cả, nhưng tâm trí bạn đã lao lực để chiến đấu chống lại hoàn cảnh và điều kiện hiện tại.
Trước khi cử động một bắp cơ, thì trí óc đã phải vận hành với biên độ lớn từ trạng thái hưng phấn sang ức chế. Quá nhiều năng lượng đã tiêu hao trong trí óc trước khi bạn có cơ hội sử dụng nó vào những hành động thiết thực hơn để theo đuổi mục tiêu, cho nên nỗi lo đã đẩy bạn ra xa hơn so với mục tiêu của mình. Bạn trở nên vô tích sự như một con lật đật, lắc lư một cách vô thức. Bạn muốn được thư giãn nhưng lại không biết phải làm sao để vứt bỏ hàng tá thứ vụn vặt mà đúng ra đã được xử lý hết trong ngày hôm qua. Bạn cảm thấy tội lỗi khi thúc ép mình phải từ tốn lại.
NHỊP ĐIỆU GIỮA SỰ THƯ THẢ VÀ NỖ LỰC
Chúng ta vẫn nghĩ rằng nỗ lực là trái ngược với sự thư thả. Nhưng sự thật lại ngược đời là nỗ lực và sự thư thả không hề trái nghịch nhau – chúng bổ khuyết cho nhau. Giống như một vận động viên điển kinh Olympic, để chiến thắng trong một cuộc thi đấu bạn phải nỗ lực hết mình. Thế nhưng để bảo đảm hiệu suất tối đa, bạn phải biết cân nhắc giữa việc nỗ lực bức nước rút và việc giữ cho động tác nhịp nhàng uyển chuyển. Môn trượt băng nghệ thuật cũng như vậy. Khi vận động viên sử dụng sức lực quá mức họ sẽ mất kiểm soát trong cú xoay của mình và ngã nhào. Mặt khác, nếu họ không sử dụng những nỗ lực tối ưu của tinh thần và thể chất, họ sẽ không đạt được thành tích tốt nhất.
Mục tiêu của việc tận dụng hết sức sự nỗ lực là để đạt được sự nhuần nhuyễn, tự nhiên. Khi một nữ diễn viên múa ba-lê khiêu vũ trên những ngón chân của cô, vẻ đẹp và nét duyên dáng được bộc lộ là nhờ hàng giờ luyện tập liên tục của cô ấy. Luciano Pavarotti2 đã khổ luyện để hát cả một buổi diễn opera với chất giọng hoàn toàn thư thái.
Để có được chất giọng tự nhiên đó, ông đã phải rèn luyện cho từng thớ thịt trên cơ thể mình xử lí được nguồn lực dùng để tạo ra tiếng hát điêu luyện và tự nhiên. Bạn cũng phải trở nên mạnh mẽ để có thể thư thả và nhượng bộ trước những thử thách của cuộc sống.
Vì sự nhuần nhuyễn và thư thái được nuôi dưỡng bởi sức mạnh to lớn. Bí mật thành công này đã dẫn lối nhiều ca sĩ, vận động viên hay vũ công đẳng cấp thế giới, nó xuất phát từ cùng hệ nguyên lý có thể tạo nên vĩ nhân trong bất cứ nỗ lực nào.
SỰ HÀI HÒA GIỮA THỎA HIỆP VÀ TRANH ĐẤU
Hai mặt đối lập đầy sức mạnh của thành công là sự thỏa hiệp và tranh đấu. Hãy thử xem một dòng sông đã thể hiện hai bản chất này như thế nào. Nó thỏa hiệp với địa hình trái đất, nó mài mòn vật cản và điều chỉnh luồng chảy trong khi vẫn cuồn cuộn tiến lên phía trước, tranh đấu để đạt được mục tiêu cao nhất là hòa mình vào biển cả. Hai bản chất này luôn luôn được giữ trong trạng thái cân bằng.
Dòng sông đã thiết lập thứ tự ưu tiên cho nỗ lực của mình: đổ về biển cả là mục tiêu hàng đầu, loại bỏ hay uốn lượn quanh những tảng đá là nhiệm vụ thứ hai. Trong khi hoàn thành nhiệm vụ thứ hai của mình con sông vẫn không bao giờ bỏ quên nhiệm vụ hàng đầu của nó. Con sông không có thời gian để ngừng chảy và tập trung phá hủy một tảng đá cản đường rồi mới tiến về phía trước.
Cũng theo cách đó, trong khi bạn dồn hết sức lực của mình để quyết chí đạt được thành tựu, hãy luôn mẫn cán mà vẫn cẩn trọng tìm ra nhịp độ thư thả trên con đường hướng đến mục tiêu của mình. Nguyên tắc này vận hành xuyên suốt mọi lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta. Ví như trong đời sống hôn nhân, mục tiêu chủ đạo của chúng ta là nỗ lực để duy trì và tạo dựng tình yêu và sự hòa hợp trong gia đình. Còn mục tiêu thứ hai là vẫn không đánh mất sự độc lập của bản thân. Và để cố gắng phấn đấu cho mục tiêu hàng đầu kia, chúng ta vẫn thường phải dung hòa những khác biệt của đôi bên.
Tình huống tương tự có thể xảy ra trong những cuộc đàm phán kinh doanh. Có thể mục đích chính là tạo ra vụ hợp tác thuận lợi để tăng cường thị trường toàn cầu công ty, trong khi đó mục đích thứ yếu là đấu tranh để có được một hợp đồng có lợi nhất. Và để có được kết quả hoàn hảo nhất – ký kết một hợp đồng – người đàm phán cần phải cân bằng giữa việc giành được hợp đồng và sự thỏa hiệp cần thiết. Vì nếu không có sự thỏa hiệp, sẽ không có hợp đồng nào cả.
ÍT NGHĨA LÀ NHIỀU
Làm ít không có nghĩa là không làm gì hết. Sau đây là những ví dụ cho thấy nguyên tắc ít nghĩa là nhiều có thể vận hành trong tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta.
1. HÃY ĐỂ CHO NƯỚC SÔI
Để đun nước, bạn cho nước vào ấm rồi đặt ấm lên bếp lò. Mọi thao tác đều ảnh hưởng đến việc trao đổi năng lượng. Khi bạn đậy nắp ấm lại nghĩa là bạn đang để cho nước được sôi. Nếu như bạn quá nôn nóng và cứ luôn mở nắp ra xem nước sôi hay chưa thì bạn đã làm cản trở quá trình hấp thu nhiệt lượng và làm chậm việc đun sôi nước.
Đối với chủ doanh nghiệp hay nhân viên kinh doanh, chúng ta được dạy là cần phải sốt sắng theo đến cùng để giành lấy hợp đồng. Thậm chí một khái niệm đơn giản như “theo đến cùng” cũng có chừng mực trong sắc thái và ý nghĩa của nó. Nhiều nhân viên kinh doanh tìm thấy một bạn hàng thân thiện và tiềm năng, thế là họ bắt đầu theo đuổi đến cùng như thể là tiến hành không kích hết sức phiền nhiễu. Họ cực kì mong muốn hợp đồng được ký kết, giống như một bà nội trợ cứ luôn mở nắp ấm nước ra xem và mong cho nước mau sôi. Càng vồ vập thì càng dễ mất khách.
2. CẦN BIẾT NHỮNG GÌ NÊN TỪ BỎ
Dựa vào nguồn lực của mình, nhận biết cái gì nên từ bỏ và cái gì nên theo đuổi. Tôi biết một nhà xuất bản nhỏ ở châu Âu đã gặp khó khăn tài chính trong một thời gian dài. Nhưng năm ngoái, công ty xuất bản một quyển sách được liệt vào danh sách những đầu sách bán chạy nhất mọi thời đại. Nhờ vào thành công bất ngờ này, rất nhiều tác giả danh tiếng đã gửi bản thảo sách mới đến cho họ.
Ông chủ muốn nương cái đà này và xuất bản những đầu sách mới càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, công ty của ông lại không có đủ nguồn lực để thực hiện mong muốn đó một cách chỉn chu. Thế là ông gấp rút thuê thêm nhiều biên tập viên và nhân viên hỗ trợ mà hầu hết đều là những người không có nhiều kinh nghiệm và không kham nổi khối lượng công việc khổng lổ như thế. Nhà xuất bản đã đẩy nhân viên của mình vào tình trạng mệt mỏi cả về sức khỏe lẫn tinh thần, và kết quả tất yếu là công việc đã không được giám sát chu đáo.
Hàng loạt các đầu sách mới được tung ra thị trường, và chất lượng thật sự làm xấu hổ cả nhà xuất bản lẫn các tác giả. Tệ hơn nữa, để đầu tư cho lần tăng quy mô này, nhà xuất bản đã tận dụng hết toàn bộ số tiền kiếm được từ quyển sách thành công lần trước. Điều này đã khiến cho vị tác giả nòng cốt kiện ông vì không trả tiền bản quyền tác phẩm, ông đã vung tay quá trán và lãnh kết cục tất yếu là không có quyển sách thành công tiếp theo, cộng với một khoản thiệt hại tài chính nặng nề.
Giống như ông chủ nhà xuất bản này, nhiều người trong chúng ta cũng đã phải học khôn từ thực nghiệm sai lầm. Đôi khi chúng ta bị thôi thúc bởi lo sợ và lòng tham, nên ôm đồm quá nhiều việc và thay đổi chuẩn mực của mình “chỉ một chút thôi mà”. Thế nhưng, khi chúng ta nhìn lại, kết quả lại hiếm khi vừa lòng toại ý.
Khi chúng ta sống đủ lâu, có đủ sự thận trọng cần thiết, và đã học hỏi nhiều từ những sai lầm, thì rồi chúng ta sẽ biết rằng không nên quýnh quáng và bám riết lấy mọi cơ hội “tốt”.
Trước đây, tôi nhận được một cuộc gọi của một doanh nhân ở Singapore. Ông ấy đề nghị tôi đến Bắc Kinh để tham dự một dự hội thảo chuyển giao công nghệ quốc tế. Ông cũng đã thu xếp cho tôi một cuộc gặp với Lý Bằng, lúc bấy giờ đang là thủ tướng Trung Quốc, và Chu Dung Cơ, thủ tướng đương thời và là bậc thầy trong việc phát triển nền kinh tế Trung Hoa hiện đại.
Doanh nhân người Singapore nói với tôi là ông ấy đã giới thiệu tôi với các vị lãnh đạo Trung Hoa và rằng tôi sẽ là người lý tưởng để diễn thuyết chính trong sự kiện này. Nhưng vấn đề là tôi đã hứa sẽ có mặt trong hội chợ sách miền Nam ở Nashville, Tennessee. Kỳ hội chợ này không phải là một sự kiện lớn mang tầm cỡ quốc gia, và tôi cũng không phải là tác giả duy nhất sẽ có mặt. Tôi hoàn toàn có thể từ chối tham dự, vì nó đã được lên lịch trước những sáu tháng, thế nhưng tôi lại có cảm giác là không nên. Và tôi đã quyết định từ chối cuộc hẹn với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Tôi quyết định không gặp mặt Lý Bằng không phải vì tên tôi đã được in trên brochure của chương trình thương mại đó hay vì nhà tổ chức sẽ bất mãn nếu tôi vắng mặt. Mà là dựa trên nhận thức của tôi rằng nếu số phận đã định tôi sẽ trở thành một người nổi tiếng trong lĩnh vực của mình, thì điều đó sẽ thành hiện thực bất chấp mọi hoàn cảnh. Và gặp mặt Lý Bằng sẽ không khiến điều đó xảy ra. Vì ông gặp hàng ngàn người vô danh tiểu tốt mỗi năm; tôi cũng sẽ chỉ là một kẻ vô danh trong hàng dài những người ông lướt qua. Chỉ một lần gặp mặt sẽ không làm cho tôi có đủ đặc quyền để nhấc máy gọi điện nói chuyện với ông ấy. Ngược lại chắc chắn tôi sẽ khiến cho bản thân mình và nhiều người khác phải căng thẳng và rối ren nếu thay đổi lịch trình đã hẹn trước.
Sau nhiều năm cố gắng rèn luyện cật lực, giờ đây tôi đang tiếp cận vận mệnh của mình một cách điềm tĩnh, nhờ biết rõ cái gì nên bỏ qua.
3. HÃY ĐỂ THẦN MAY MẮN BẮT KỊP BẠN
Có những người lúc nào cũng làm việc siêng năng hơn những người khác, thế nhưng khi thần may mắn đến thăm thì họ lại để lỡ mất cơ hội.
Richard là một chủ doanh nghiệp tư nhân. Anh là một người năng nổ, quả quyết, và nhanh trí. Vậy mà, suốt một quãng thời gian dài anh không được mấy thành công. Đó chẳng phải là vì anh ấy không chịu nỗ lực mà là vì anh đã cố gắng quá sức và quá mức cần thiết. Đối với những dự án mà anh cho là sẽ đem lại những khoản lợi nhuận béo bở thì anh theo đuổi dữ dội hệt như một con chó ngao cố giữ lấy khúc xương của mình. Thế là Richard đã bóp chết những hợp đồng của mình.
Khi đi chào hàng, anh thậm chí vẫn không thôi tiếp thị cả khi khách hàng đã chọn mua. Khách hàng có lẽ cảm thấy đã tiếp nhận đủ thông tin với sự trình bày của Richard, nhưng anh lại không hiểu được là công việc đã hoàn tất. Vì thương vụ đạt được quá dễ dàng thế nên Richard cảm thấy là cần phải nói tiếp. Sau đó nữa, anh vẫn cảm thấy chưa hài lòng và lại nói thêm “một chút” nữa – cho đến khi anh trở nên phiền hà đối với khách hàng, tự mình làm hỏng hợp đồng và bị mời ra khỏi cửa.
Tình cờ tôi có dịp gặp Richard cách đây vài tháng. Khi anh kể cho tôi nghe về những thành công gần đây của mình, tôi hỏi rằng điều gì đã thay đổi trong cuộc sống của anh. Richard trả lời “Tôi đã học được cách kiềm chế sự thôi thúc làm việc quá trớn và bóp nghẹt cơ hội của mình. Tôi đã ngưng đeo đuổi thắng lợi một cách điên cuồng. Tôi giảm bớt tốc độ của mình lại và để cho thần may mắn theo kịp mình”. Cũng như Richard, phần lớn trong chúng ta cứ tiến lên phía trước mà không có định hướng, vẫn điên cuồng đeo đuổi những thành công xa vời mà không hề ý thức được là chúng ta đã vượt qua đích đến của mình rồi.
4. SỬ DỤNG LỰC HÚT CỦA SỰ HÀI LÒNG
Sự hài lòng có vẻ như là một mục tiêu khó đạt được và đi ngược lại với văn hóa hiện đại ngày nay. Trong nhận thức của mình, tất cả chúng ta đều tin rằng để có thể hài lòng thì tất cả mọi thứ trong cuộc sống đều phải thật tốt đẹp. Nhưng vấn đề là “thật tốt đẹp” thì có nghĩa gì khi tâm trí bạn vẫn không thấy hài lòng? Một tâm trí bất mãn thì luôn cảm thấy mọi thứ đều không đủ tốt đẹp. Nếu công việc kinh doanh của bạn khấm khá, thì có những người khác còn làm ăn tốt hơn. Nếu nhà của bạn đẹp, thì nhà của người khác còn to và đẹp hơn. Nếu con bạn thông minh, thì con của người hàng xóm là thiên tài!
Từ “hài lòng” thường ngụ ý là thiếu khát vọng và thụ động. Có vẻ như nó mâu thuẫn với trạng thái cần có cho nỗi khao khát hướng đến thành công. Khi bạn muốn hoàn thành mỹ mãn một mục tiêu được giao phó, thì rất có thể bạn sẽ rơi vào trạng thái mong đợi hoặc cảm thấy dở dang – tâm trạng không hài lòng này dồn bạn vào chuỗi hoạt động bất tận. Các giám đốc điều hành không bao giờ hài lòng với mức lợi nhuận sau cùng, những người giao dịch không khi nào thỏa mãn với những hợp đồng đã ký kết, cách làm việc của một nhân viên luôn luôn còn những điểm phải cải thiện, một người vợ hoặc chồng luôn mơ ước nửa còn lại của họ ân cần, chu đáo hơn. Hai tiếng hài lòng dường như là điều chẳng ai màng nghĩ tới. Ngoài mặt, một người thành đạt luôn tỏ ra không hài lòng do bị nung đốt bởi sức nóng của sự bất mãn. Tuy nhiên, điều này trông có vẻ hiển nhiên nhưng không phải lúc nào cũng đúng.
Một người thành đạt thật sự sẽ hiểu rõ lực hút của sự hài lòng. Để tiến xa hơn, bạn cần phải chấp nhận bất kỳ thành quả nào mà bạn đã đạt được – cho dẫu nó có bị xem là cỏn con – bởi lẽ, dù bạn đang đứng ở đâu thì đó vẫn là điểm khởi đầu duy nhất của bạn. Để được hài lòng không có nghĩa là vắt kiệt sức lực của bản thân quá mức cần thiết để đạt được nhiều hơn hay mải miết vượt qua người khác; cũng không phải là hả hê với những điều xoàng xĩnh.
Hài lòng nghĩa là cảm thấy vui sướng với những kết quả tích cực mà bản thân đã đạt được và đồng thời, với sự biết ơn và lòng đam mê, chúng ta thử thách bản thân và những người xung quanh theo đuổi những giới hạn cao và đẹp hơn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Sức mạnh của sự thỏa mãn sẽ sinh ra tri túc và lòng bác ái. Tình cảm này sau đó lan tỏa đến tất cả mọi vật, mọi việc mà bạn chạm phải – công việc và gia đình bạn – nhờ đó đem lại cơ hội cho sự mở mang, đổi mới.
Khi bạn làm việc trong tâm trạng hài lòng, mỗi một ngày mới đều mang đến cho bạn một điểm nhìn mới về cách thức tiếp cận những mục tiêu của bản thân. Khi mở rộng lòng mình, bạn sẽ tận hưởng được niềm vui sướng khi thực thi công việc của mình “trong thì hiện tại”. Người lao động có được niềm vui của sự lao động sẽ hiệp lực tạo ra một nguồn năng lượng mạnh mẽ mà qua thời gian có thể đem lại những thành tựu vượt xa cả những mong đợi lớn lao nhất.
Làm thế nào để một người có thể lĩnh hội được thái độ sống hài lòng này? Câu trả lời là phải cảm thấy hài lòng mọi lúc mọi nơi, kể cả khi bạn đang bất mãn tức thời.
TỔNG KẾT
Vị thần Thành công là một cô nàng kiêu kì. Nàng muốn bạn phải luôn theo đuổi nàng, ấy thế nhưng nàng chắc chắn sẽ lẩn tránh nếu bạn tấn công quá dồn dập. Để có thể chiếm được trái tim nàng, bạn cần phải kết hợp được trạng thái thanh thản. Bằng cách cân bằng nhịp điệu giữa sự thư thả và nỗ lực, hài hòa được giữa thỏa hiệp và tranh đấu, và phải lĩnh hội được nguyên lý ít nghĩa là nhiều, bạn sẽ tự khắc điều tiết được những hoạt động thường nhật của mình – từ chỗ bị chi phối bởi nỗi lo cho đến trở nên điềm tĩnh mà giành lấy thành công.
—-
HÒA GIẢI VỚI THỜI GIAN
Đề tài Làm ít, được nhiều sẽ không thể đầy đủ nếu không nói đến vấn đề hòa giải với thời gian. Khi vị pháp sư cầu mưa của chúng ta đến làng, ông đã dành bốn ngày ở trong lều của mình kiên nhẫn chờ đợi khoảnh khắc mà trời sẽ ban xuống cơn mưa ngọt lành. Ông không hề đặt ra thời hạn khi nào trời sẽ đổ mưa. Ông đã dành trọn thời gian cần có để tạo ra sự hòa hợp vô cùng to lớn trong nội tại bản thân ông để từ đó nó có thể tuôn tràn và thấm đẫm toàn bộ ngôi làng. Ông mất hết bốn ngày để hoàn thành công việc này.
Khi bắt đầu công việc của mình, ông không hề biết trước là nó sẽ mất bao lâu. Không hề có một công thức toán học nào để ông có thể tính toán được cần bao nhiêu thời gian thì ngôi làng mới đạt được đủ độ hòa hợp để đón nhận cơn mưa. Ông tập trung vào công việc hơn là vào thời gian.
BÀI TOÁN NAN GIẢI CỦA THỜI GIAN
Thời gian đã tồn tại trước cả bạn và tôi, và vẫn sẽ còn đó sau khi chúng ta tan biến vào hư không. Dù vậy, đối với tôi, thời gian tồn tại chỉ vì tôi tồn tại. Không có tôi, sẽ không có thời gian. Bởi tôi tồn tại nên thời gian có mặt ở đây để chiến đấu với tôi. Thời gian quá ngắn, quá lâu, quá chán, quá sôi nổi; thời gian vụt bay nhanh, thời gian kéo dài lê thê; chúng ta bị trễ, bị sớm; chúng ta cố gắng mua lấy thời gian, chúng ta phung phí thời gian. Chúng ta cố gắng quản lý và điều khiển thời gian, nhưng, thường thì vẫn là chính thời gian điều khiển chúng ta.
Thay vì làm chủ thời gian, chúng ta lại thường bị thời gian chi phối. Chúng ta trễ giờ trong những cuộc hẹn và buổi họp; chúng ta bị chậm tiến độ công việc; chúng ta phải hy sinh giấc ngủ để có nhiều thời gian hơn cho những việc chưa hoàn thành. Chúng ta hối hả nơi này, vội vã chỗ kia, chạy lung tung khắp nơi, và chẳng đi đến đâu.
Trong tuyệt vọng, chúng ta sáng tạo ra khái niệm “quản lý thời gian”. Việc quản lý thời gian chưa chắc có hiệu quả, nhưng miễn là chúng ta còn được tin rằng mình đang làm gì đó để quản lý nó, thì chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu với bản thân hơn. Còn về phía thời gian, nó sẽ chẳng bao giờ tham gia vào cái giao kèo này để bị đặt dưới sự quản lí của chúng ta đâu.
CHUYÊN GIA QUẢN LÝ THỜI GIAN LẠI KHÔNG CÓ THÌ GIỜ
Nhân viên điều hành một công ty sản xuất truyền thông đã kể tôi nghe một câu chuyện thú vị như sau:
Một lần nọ họ hợp tác sản xuất chương trình ghi âm với ông X, người được xem là chuyên gia quản lý thời gian. Công ty sản xuất gọi điện đến ông X để kiểm tra xem ông đã luyện tập kịch bản chưa để họ có thể lên lịch ghi âm. Mỗi lần họ gọi đến, ông X luôn luôn trả lời cùng một câu: “Tôi chưa có thì giờ để đọc nó”.
THỜI GIAN – NGƯỜI CHỦ TA KHÔNG THỂ QUẢN LÝ
Ông X đã trả lời trung thực, ông ấy quả không có thì giờ. Thật sự thì cái học thuyết về quản lý thời gian mà ông quảng bá rầm rộ với mọi người chỉ là một ảo tưởng. Hãy nghĩ xem: thời gian đã tồn tại từ khi vũ trụ xuất hiện – đến tận hàng tỉ năm. Thời gian là nhân chứng của lịch sử và tiền sử, và trước cả khi khái niệm lịch sử ra đời thì thời gian đã có mặt. Thì ông X, chỉ là một hạt bụi nhỏ nhoi trong vũ trụ bao la vô tận với dòng đời chưa đầy một trăm năm, làm sao có được bất kỳ quyền năng nào để “quản lý” thời gian? Khả quan nhất là chúng ta nên nhận thức ra rằng “quản lý thời gian” nghĩa là quản lý chính bản thân chúng ta chứ không phải thời gian. Đây chính là bí mật mà vị pháp sư cầu mưa của chúng ta đã lĩnh hội được.
Qua nhiều thế hệ, con người đã sáng chế ra nhiều công cụ – từ chiếc đồng hồ cát và đồng hồ mặt trời cho đến đồng hồ nguyên tử – với mục đích đo đạc, cảm nhận, và nhìn thấy được thời gian. Trong khi con người cứ mãi bận bịu đấu tranh để nắm bắt được thời gian, thì thời gian vẫn tồn tại vững vàng và từ tốn trôi qua chúng ta.
Có một truyền thuyết cổ xưa kể về một vị thần trên thiên đàng đã tổ chức một buổi lễ theo nghi thức cúng tế rất hoành tráng để thờ phụng Đấng sáng tạo. Sự thành kính của vị thần này đã làm Đấng sáng tạo cảm động nên Ngài muốn ban cho vị thần một ơn huệ hoặc một điều ước. Vị thần xin được bất tử. Đấng sáng tạo tỏ ra bối rối. Ngài nói với vị thần rằng đó là một điều mà chính Ngài, Đấng sáng tạo tối cao, cũng không thể đáp ứng được. Ngài phán rằng, “Vạn vật sẽ đều phải tan biến theo thời gian, kể cả những ý niệm của con người về Thượng đế và Đấng sáng tạo.”
NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA THỜI GIAN
Bây giờ chúng ta cùng xem xét thời gian ở những tính chất và khía cạnh của nó. Dẫu sao, bạn vẫn nên ghi nhớ rằng việc này không khác gì muốn đóng chai toàn bộ nước biển vào trong một công-ten-nơ. Và bởi vì chúng ta biết rõ là không thể đóng chai cả một đại dương thời gian, nên có lẽ chúng ta sẽ tìm vài nét đặc trưng cơ bản của thời gian để có thể trộm nhìn được những bí ẩn của nó. Khi chúng ta đã có một số hiểu biết về thời gian, thì câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào chúng ta có thể chuyển tải những kiến thức triết học và trừu tượng về thời gian thành một cái gì đó hữu ích để biến thời gian thành đồng minh của chúng ta chứ không phải là kẻ thù?
Hãy suy ngẫm và chiêm nghiệm những ý nghĩa hàm ẩn của những luận điểm sau đây cho đến khi nào bạn có thể trải nghiệm được chúng một cách chân thực và sống động. Bằng cách đó bạn sẽ dần dần thấu hiểu một cách kiên định rằng bạn chính là hiện thân của thời gian, kể cả khi bạn đang là một con cờ trong sự hỗn độn của những hoạt động thường nhật.
- Tính xác thực của thời gian chỉ tồn tại bên trong mỗi chúng ta.
- Sự cảm nhận về độ dài của một quãng thời gian thay đổi tùy thuộc vào trạng thái nhận thức của mỗi người. Năm phút có thể dài như vô tận, mà năm giờ có thể chỉ như một khoảnh khắc thoáng qua.
- Mặc dù thời gian bao gồm quá khứ và hiện tại, và có thể bao gồm tương lai, nhưng thời gian chỉ thực sự tổn tại trong khoảnh khắc “bây giờ”.
- Thời gian là một chuỗi vô hạn những khoảnh khắc “bây giờ” đan kết lại với nhau.
- Mỗi khoảnh khắc, mỗi một cái “bây giờ”, mang trong mình toàn bộ quá khứ và quyết định toàn bộ tương lai sau này.
- Cách chúng ta sử dụng mỗi một cái “bây giờ” tạo nên số phận của mỗi người.
- Quản lý thời gian chính là quản lý bản thân chúng ta. Đó là tập trung, hướng đích và ưu tiên. Khi chúng ta ở trong khoảnh khắc “bây giờ”, thì chúng ta đang ở trong sự vô tận – chính là sự vĩnh cửu, thời gian nối tiếp thời gian.
- Khi bạn sống bằng cách phản ứng lại với sự hỗn loạn của ngoại cảnh, có nghĩa là bạn đang khép mình chịu sự điều khiển của thời gian, và thời gian sẽ đối xử rất tàn nhẫn với bạn.
- Khi bạn điều khiển cuộc sống của mình bằng sự tĩnh lặng nội tâm, thời gian sẽ bảo vệ và phục vụ bạn.
- Khi tuổi thọ của chúng ta đã hết, không có tiền nào có thể mua thêm dù chỉ một khoảnh khắc.
- Nếu thành công không trở thành hiện thực trước khi chúng ta chết đi, chúng ta chỉ có thể trách cứ chính mình – chúng ta đã không biết cách sử dụng thời gian, những khoảnh khắc “bây giờ” của chúng ta.