Cuốn sách “Lập Kế Hoạch Phát Triển Kinh Doanh” không chỉ đơn thuần là một hướng dẫn về cách tạo ra một kế hoạch kinh doanh. Nó còn là một hành trình tìm kiếm sự tự nhận thức và khám phá tiềm năng bên trong mỗi người, từ việc xác định mục tiêu cá nhân đến việc xây dựng kế hoạch chi tiết để đạt được chúng.
Tác giả tôn vinh sự quyết đoán và nỗ lực của mỗi người, khẳng định rằng thành công không đến từ sự may mắn mà là kết quả của những hành động quyết định và kiên trì. Qua việc đặt ra câu hỏi, nghiên cứu và thử nghiệm, người đọc sẽ học được những phương pháp và công thức đã được chứng minh để phát triển kinh doanh của họ.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là sự tự tin và niềm tin vào khả năng của bản thân. Khi bạn tin rằng mình có thể khởi đầu và xây dựng một doanh nghiệp thành công, mọi cánh cửa sẽ mở ra trước bạn. Cuốn sách này không chỉ là một hướng dẫn, mà còn là một nguồn động viên mạnh mẽ để bạn tiến lên phía trước và biến niềm tin của mình thành hiện thực.
Lập Kế Hoạch Phát Triển Kinh Doanh của tác giả Brian Tracy
—
GIỚI THIỆU
Brian Tracy là một trong những tác giả hàng đầu thế giới về kinh doanh và thành công cá nhân. Ông từng thực hiện hơn năm nghìn cuộc nói chuyện và hội thảo trước hơn năm triệu người và là huấn luyện viên kinh doanh của những nhà lãnh đạo hàng đầu trong các ngành công nghiệp lớn trên khắp thế giới.
Trong cuốn sách Lập kế hoạch phát triển kinh doanh, Brian sẽ giúp bạn nắm vững những ý niệm hay nhất về thành công cá nhân, giàu có, hạnh phúc và viên mãn; đồng thời giúp bạn tiếp xúc với các ý tưởng sáng tạo nhất, thịnh hành nhất và quan trọng hơn cả là đã được chứng minh về phương pháp để trở nên thành công. Lập kế hoạch phát triển kinh doanh sẽ là cỗ xe “luôn luôn đưa bạn đến đỉnh cao”, như người bạn quá cố của Brian là Zig Ziglar từng nói.
Có lẽ bạn sẽ hỏi tại sao Brian lại chọn chủ đề này, chủ đề tinh thần khởi nghiệp. Có thể nói đơn giản thế này: Thế giới mà chúng ta đang sống hôm nay và thế giới mà bạn sẽ gây dựng sự nghiệp của mình luôn ưu ái những người mang tinh thần khởi nghiệp. Nếu đang ở độ tuổi 20 và 30, có lẽ bạn đang hun đúc sự nghiệp thứ hai hoặc thứ ba của bản thân như một doanh nhân khởi nghiệp; và nếu đang ở độ tuổi 40, 50 hoặc hơn thế nữa, chắc hẳn bạn sẽ ưu ái cho suy nghĩ khởi sự và làm chủ một doanh nghiệp của chính mình.
Sau đây là một vài con số thống kê: Theo tạp chí Fortune, đến năm 2016, các doanh nhân khởi nghiệp thuộc thế hệ Y, những người trong độ tuổi từ 20 đến 35 – đang thành lập nhiều công ty hơn, quản trị đội ngũ nhân viên lớn hơn và đề ra mục tiêu lợi nhuận cao hơn những bậc tiền bối thuộc thế hệ bùng nổ dân số của mình.
Có đến 52% các doanh nghiệp nhỏ hiện đặt trụ sở tại nhà và rất nhiều trong số đó được thành lập, vận hành bởi những người đang ở giai đoạn giữa sự nghiệp của họ. Trong số các doanh nghiệp này, 75% là những doanh nghiệp không nhân viên, chẳng hạn như các hộ kinh doanh cá thể.
Theo Ed Hess, giáo sư môn quản trị kinh doanh tại Trường Kinh doanh Darden thuộc Đại học Virginia, trong vòng 10-15 năm tiếp theo, 47% trong số toàn bộ công việc tại Mỹ nhiều khả năng sẽ bị thay thế bởi công nghệ, tính tổng cộng là hơn 80 triệu.
Theo Cục Thống kê Lao động, một người lao động trung bình sẽ trải qua 10 công việc khác nhau trước tuổi 40, và con số này đang có chiều hướng tăng lên. Công ty Forrester Research dự đoán rằng những người lao động trẻ nhất ngày nay sẽ trải qua từ 12 cho đến 15 công việc trong suốt cuộc đời họ.
Tất cả các con số thống kê này cho thấy điều gì? Chúng nói lên một điều rằng dù bạn đang ở giai đoạn đầu sự nghiệp hay đã ở giữa sự nghiệp, dù bạn có tham vọng điều hành một doanh nghiệp lớn hay một doanh nghiệp rất nhỏ, dù bạn khởi sự một doanh nghiệp vì đó là khát khao của bạn hay bạn buộc phải làm thế vì quá trình tự động hóa và tình trạng cắt giảm nhân sự, thì khởi nghiệp đang ngày càng trở thành một phần tương lai của bạn nhiều hơn bao giờ hết.
Và theo Brian Tracy, đó là một điều rất tốt. Bạn hãy thử nghĩ đến con số thống kê cuối mà xem, khi người ta phải nhảy việc đến 15 lần. Chẳng phải sẽ tốt hơn nếu tự mình làm chủ công việc và có quyền kiểm soát lớn hơn đối với định mệnh của bản thân hay sao? Hơn thế nữa, như Brian sẽ giải thích, chưa bao giờ việc khởi sự và điều hành doanh nghiệp của chính mình lại dễ dàng hơn lúc này.
Nhiều năm về trước, khi Brian trình làng cuốn sách How to Start and Succeed in Your Own Business (tạm dịch: Cách để khởi sự và thành công với doanh nghiệp của chính bạn), vào khoảng thập niên 1980, những trở ngại đối với việc khởi sự doanh nghiệp lớn hơn bây giờ rất nhiều. Chi phí nhân sự, chi phí tiếp thị, chi phí cho các cuộc điện thoại đường dài, sự sẵn có của nguồn vốn khởi nghiệp, và thậm chí là cơ sở hạ tầng cần thiết – tất cả khiến cho việc điều hành doanh nghiệp của riêng mình trở thành một giấc mơ xa vời với hầu hết mọi người. Ngày nay, bạn có thể khởi sự một doanh nghiệp với một chiếc máy tính xách tay, kết nối mạng không dây và một hồ sơ thật đẹp trên LinkedIn.
Rào cản đối với việc gia nhập của hầu hết các thị trường đã bị dẹp bỏ. Bạn có thể khởi sự kinh doanh với rất ít hay thậm chí không có nhân viên nào. Chi phí tiếp thị và quảng cáo đang ngày một được điều chỉnh xuống thấp và thấp hơn nữa. Bạn có thể dễ dàng mở một doanh nghiệp ngay tại văn phòng ở nhà và nguồn vốn khởi nghiệp đã trở nên dễ tiếp cận đến nỗi những trang web như kickstarter.com và các trang gây quỹ cộng đồng khác được đông đảo mọi người biết đến.
Qua cuốn sách này, Brian sẽ cho bạn thấy làm thế nào để tận dụng tất cả những quyền lợi ấy. Hãy khởi sự doanh nghiệp giàu lợi nhuận của chính bạn và phát triển doanh nghiệp đó lên bất kỳ quy mô về nhân sự và doanh thu nào mà bạn khao khát. Trên hết, Brian sẽ hướng dẫn bạn cách để làm cho doanh nghiệp của mình thành công và bền vững về lâu dài, để bạn không phải trở thành một trong những con số thống kê kém may mắn trong vòng hai đến ba năm, giống như phần lớn những người chủ doanh nghiệp khác.
Trong thế giới mới đầy mạo hiểm này, phương tiện tốt nhất để leo lên đỉnh cao và kiểm soát số phận của chính mình chính là tinh thần khởi nghiệp. Hãy sẵn sàng, khi Brian giới thiệu với chúng ta công thức “bí mật” mà phần lớn những doanh nhân thành công đã làm theo. Bạn có thể trở thành một trong số họ.
– Biên tập viên –
—-
1 – CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI THỜI ĐẠI KHỞI NGHIỆP!
Nhiều năm về trước, khi lập nghiệp, tôi bắt đầu với một hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn. Tôi không có bằng trung học. Tôi làm công việc tay chân suốt nhiều năm trời và phải vật lộn để mưu sinh. Tôi ghen tị với những ai đang có cuộc sống tốt hơn mình, và bắt đầu tự hỏi tại sao có người thành công hơn những người khác. Sau đó tôi bắt đầu nghiên cứu kinh tế học, đặc biệt là kinh tế học về khởi nghiệp. Tôi phát hiện ra rằng trong vòng 200 đến 300 năm trở lại đây, chính các doanh nhân là nguồn động lực cho xã hội của chúng ta.
Doanh nhân là người thấy được cơ hội để phục vụ mọi người dưới hình thức một sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ muốn hay cần, và sau đó có khả năng cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ đó cho khách hàng với chi phí thấp hơn những gì khách hàng sẵn lòng chi trả. Đó là một phương trình rất đơn giản. Tôi đã dành hàng trăm giờ đồng hồ để nghiên cứu phương trình này, vì nó thật sự rất thú vị. Bất kể người ta có gì, họ vẫn muốn có thêm nhiều thứ nữa, và muốn có thứ gì đó khác biệt.
Tính đến nay tôi đã chấp bút 85 cuốn sách, và tôi đang nghĩ đến việc viết một cuốn sách khác. Tôi sẽ đặt tựa cho cuốn sách này là Nhân tố HƠN, hơn trong tốt hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn, rẻ hơn… Bạn sẽ thấy tất cả loài người đều lấy chữ hơn này làm động lực cho mình. Các công ty thành công là những công ty đã mang đến cái hơn cho khách hàng xác định, vào thời điểm xác định, bằng một sản phẩm hoặc lĩnh vực dịch vụ xác định. Không hề có giới hạn nào đối với những việc bạn có thể làm.
Cách nhanh nhất để bạn có thể trở nên độc lập về tài chính, có một cuộc sống tuyệt vời và tiêu chuẩn sống tuyệt vời chính là tìm ra cách để cung cấp cho người khác những gì họ muốn và cần nhanh hơn, tốt hơn, rẻ hơn, dễ dàng hơn và tiện lợi hơn.
Tấm gương yêu thích của tôi là Jeff Bezos, CEO của Amazon. Vài thập niên về trước, thậm chí không đến vài thập niên, Jeff Bezos đã lái xe từ New York đến Seattle, và trong lúc để vợ lái thay, cậu ấy đã viết ra một bản kế hoạch kinh doanh mà chúng ta sẽ bàn đến ở phần sau. Kế hoạch kinh doanh của cậu ấy rất đơn giản. Liệu đó có phải là cái mà người ta muốn, cần và sẵn lòng chi trả để sử dụng?
Mọi người thích mua sách. Bạn đi tới cửa hàng sách, trong cửa hàng sách đó có hàng nghìn bản sao của những tựa sách khác nhau, nhưng trong nhiều trường hợp, họ không có cuốn sách mà bạn muốn mua, vậy là bạn phải đặt hàng, đưa thẻ tín dụng cho họ, rồi quay lại sau vài ngày hoặc một tuần. Họ sẽ đặt sách về cho bạn. Đó là phương pháp tiêu chuẩn để mua sách khi ấy, nếu bạn nhớ được.
Bezos nói: “Sẽ thế nào nếu mình lập một thỏa thuận với tất cả các nhà xuất bản, và khi ai đó muốn mua sách thì chỉ cần đặt hàng trực tuyến là được? Họ có thể đặt hàng trên máy tính và sách sẽ được nhà xuất bản gửi thẳng đến nhà họ. Không chỉ vậy, chúng ta có thể giảm giá cho khách hàng bởi không phải mở một cửa hàng lớn. Chúng ta không có nhân viên hay phí giao hàng.” Tất cả bắt đầu với một ý tưởng nhằm phục vụ mọi người tốt hơn, nhanh hơn, rẻ hơn và tiện lợi hơn.
Những ý tưởng như thế có ở khắp mọi nơi. Vì vậy, hãy nhìn quanh thế giới của bạn và tự thân lập nghiệp. Hãy nói: “Có cái gì mà mình muốn, cần và sẵn lòng chi trả vì nó giúp cho cuộc sống cũng như công việc của mình nhanh hơn, tốt hơn, dễ dàng hơn và ít tốn kém hơn? Liệu đó có phải là thứ mà những người khác cũng sẽ thích?” Những doanh nhân thành công là người nảy ra ý tưởng mà nhiều người thích và họ hiện thực hóa ý tưởng ấy “trước hết” và thành công “hơn hết”. Họ là người đầu tiên đặt chân vào thị trường.
Trong thế giới khởi nghiệp ngày nay, bạn có thể bắt đầu mà trong tay không có gì. Khi tôi khởi sự doanh nghiệp đầu tiên của mình cách đây 25 năm, tôi phải bỏ tiền ra thuê văn phòng trong 5 năm. Tôi phải mua một chiếc máy sao chụp lớn với giá 30 nghìn đô la. Tôi phải sắm sửa nội thất. Tôi phải thuê mướn và đào tạo nhân viên. Tôi phải chuẩn bị chỗ đậu xe và văn phòng phẩm. Chi phí để xây dựng một doanh nghiệp đơn giản lên tới mười nghìn đô la.
Ngày nay, có những người bạn sẽ nói với tôi rằng: “Anh có muốn mở một doanh nghiệp không? Đến dự hội thảo của tôi đi, nhớ mang theo máy tính xách tay đấy.” Trong chương trình của buổi hội thảo kéo dài một ngày đó, họ sẽ cho các bạn thấy cách để mở một doanh nghiệp trực tuyến, cách để tìm ra sản phẩm hay dịch vụ mà mọi người muốn hoặc cần, cách để thử nghiệm thị trường với sản phẩm đó và sau nữa là cách để đề nghị người khác mua nó, để có tiền gửi vào tài khoản ngân hàng.
Cuối cùng, chỉ với máy vi tính và các hướng dẫn để khởi sự, xây dựng và quản lý một doanh nghiệp, bạn sẽ thật sự tạo ra doanh thu và lợi nhuận, những thứ sẽ đi vào tài khoản ngân hàng của bạn. Đó là điều mà bất cứ ai cũng có thể học được.
Có những kỹ năng mà bạn phải có khi sống trong xã hội này. Bạn phải có khả năng lái xe ô tô, khả năng sử dụng máy vi tính, khả năng sử dụng iPhone, và bạn phải có khả năng làm một số thứ nhất định mà những người khác coi là điều hiển nhiên. Họ sẽ lắc đầu: Tại sao bạn phải nói những điều ấy? Quá rõ ràng còn gì.
Có một kỹ năng bạn cần, cũng như kỹ năng đọc, viết và tính toán, đó là kỹ năng khởi nghiệp. Khởi nghiệp chính là nhìn vào thế giới xung quanh như một thế giới đầy các cơ hội để tạo nên sự thịnh vượng.
Mọi thành công về tiền bạc trên đời này đều chính là tạo ra sự thịnh vượng. Là tăng thêm giá trị dưới một hình thức nào đó, là làm được việc gì đó. Jeff Bezos là một ví dụ tuyệt vời, bởi mô hình của cậu ấy thật sự rất đơn giản: Anh bán sách giảm giá, anh giao sách, anh tạo ra lợi nhuận. Rồi anh lặp lại quá trình này. Đó chính là khởi nghiệp cơ bản. Nó không hề phức tạp chút nào. Các công ty lớn là những công ty tình cờ làm được điều mà cả một thị trường lớn đang có nhu cầu.
Đôi lúc, tôi sẽ hỏi thính giả của mình rằng có ai trong số họ làm việc vì thù lao trực tiếp hay không. Sẽ có một số người giơ tay. Tôi nói: “Sự thật là thế này: tất cả chúng ta đều làm việc vì thù lao trực tiếp. Tất cả chúng ta sẽ nhận được một phần của giá trị mà mình tạo ra.”
Nếu bạn làm nghề bán hàng, bạn sẽ tạo ra sự thịnh vượng bằng cách tìm khách hàng cho sản phẩm hoặc dịch vụ mà công ty của bạn làm ra. Bạn mang giá trị đến cho mọi người. Bạn mang đến nhân tố HƠN, nếu bạn muốn, và kết quả là mọi người hạnh phúc, cảm thấy hài lòng, mua sản phẩm của bạn; còn bạn tạo ra lợi nhuận và sẽ nhận được một phần lợi nhuận đó.
Lý do hàng đầu khiến cho các doanh nghiệp gặp rắc rối chính là doanh số thấp. Lý do hàng đầu khiến cho các doanh nghiệp thành công chính là doanh số cao. Mọi thứ khác chỉ là phụ. Mọi người sẽ nói: “Chúng ta không có đủ tiền, chúng ta không thể huy động vốn,” nhưng bạn có thể giải quyết mọi vấn đề kinh doanh đơn lẻ bằng cách bán được hàng. Bạn phải bán được hàng mà mọi người muốn, cần và sẵn lòng chi trả ngay lập tức. Đó là một kỹ năng có thể học được.
Khi tôi bắt đầu lập nghiệp, bước ngoặt của đời tôi xảy ra sau khi tôi vật lộn với công việc bán hàng trực tiếp, từ giờ này sang giờ khác, đến tận 9-10 giờ tối mỗi ngày, tôi gõ từng cánh cửa chỉ để bán một món đồ lưu niệm nhỏ. Một ngày nọ, tôi đến gặp người bán hàng có doanh số đứng đầu công ty và hỏi tại sao anh ấy có thể bán được nhiều hơn người khác gấp mười lần.
Khi ấy tôi làm việc từ 8 giờ sáng cho đến 9-10 giờ tối, 5-6 ngày mỗi tuần, anh ấy đến chỗ làm vào lúc 9 giờ 30 phút hoặc 10 giờ sáng, rời đi lúc 4 giờ 30 phút để đến nhà hàng hoặc hộp đêm – vâng, một chàng trai trẻ như tôi lại có cuộc sống khấm khá đến vậy. Anh ấy nói: “Cho tôi xem phương pháp bán hàng của cậu, và tôi sẽ nhận xét giúp cậu.” Tôi đáp: “Tôi không có phương pháp bán hàng nào cả.”
“Vậy thì cậu nói gì khi gặp khách hàng?”
“Tôi chỉ nói bất cứ điều gì mình nghĩ lúc đó.” “Thế họ nói lại như thế nào với cậu?”
“Họ nói: ‘Để tôi cân nhắc xem,’ hoặc ‘Tôi không có nhu cầu,’ hoặc ‘Tôi chưa muốn mua,’ hoặc ‘Tôi mua không nổi,’ hoặc ‘Tôi không muốn món đồ này, tôi không cần, không dùng được,’…”
“Không, không được,” đồng nghiệp của tôi thốt lên. “Đó không phải cách để bán hàng đâu. Nếu cậu muốn bán thứ gì, trước hết, cậu phải tạo dựng sự tin tưởng với khách hàng tiềm năng.”
Đã có cả một trăm năm nghiên cứu cho thấy không ai mua hàng từ bạn chừng nào họ chưa cảm thấy thích và tin tưởng bạn. Vì vậy, bạn phải tạo dựng niềm tin. Bằng cách quan tâm hơn đến việc giúp khách hàng cải thiện cuộc sống cũng như công việc của họ hơn cả việc bán sản phẩm, bạn sẽ tạo dựng được sự tin tưởng từ khách hàng.
Chừng nào khách hàng còn cảm thấy tất cả những gì bạn muốn là bán cho được sản phẩm thì mọi thứ đã kết thúc. Họ không còn bất kỳ mối quan tâm nào đến việc tiếp xúc với bạn.
Vậy thì chúng ta tạo dựng sự tin tưởng bằng cách nào? Làm sao tạo dựng mối quan hệ với khách hàng? Làm thế nào để tìm hiểu nhu cầu của khách hàng?
Có cách gì để giúp khách hàng đưa ra lựa chọn đúng hay không? Làm thế nào để đảm bảo rằng khách hàng mua được sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp?
Bạn làm những điều này bằng cách đặt câu hỏi. Những người bán hàng giỏi, doanh nhân giỏi và lãnh đạo giỏi sẽ đặt rất nhiều câu hỏi để nắm thật vững thông tin.
Bạn tôi nói, “Đây mới là cách để cậu bán hàng” rồi đưa cho tôi một quy trình bán hàng cơ bản gồm đặt câu hỏi và tìm kiếm cơ hội để giúp mọi người đưa ra quyết định chi tiêu đúng đắn, trả lời những phản biện của họ và chốt đơn hàng.
Tôi cảm thấy choáng váng, và cho đến tận ngày nay, tôi vẫn chưa thôi choáng váng: trong mọi việc luôn có phương pháp. Chúng ta có phương pháp bán hàng. Chúng ta có công thức để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào. Napoleon Hill, tác giả truyền cảm hứng vĩ đại, từng nói rằng bí quyết để thành công đó là tìm ra công thức thành công cho lĩnh vực mà bạn đang cố gắng theo đuổi và sau đó bắt đầu. Việc ấy cũng giống như tìm hiểu công thức cho một món ăn trước khi bắt tay vào làm bếp vậy.
Trong vòng sáu tháng đầu tiên làm nghề bán hàng, tôi ra đường mỗi ngày. Tôi thức giấc lúc 6-7 giờ sáng và ra đường để gõ từng cánh cửa, nhưng tôi lại không có công thức. Vì vậy, tôi đã chọn một công thức hết sức đơn giản: làm quen với khách hàng, đặt rất nhiều câu hỏi, tìm ra cái khách hàng muốn và cần, sau đó cho họ thấy sản phẩm hoặc dịch vụ của mình có thể mang lại thứ họ muốn. Ngay khi tôi bắt đầu làm như thế, doanh số của tôi đã tăng gấp mười lần.
Công việc của bạn là tìm ra công thức thành công. Bạn sẽ thử nghiệm bằng phương pháp thử và sai, bạn sẽ hỏi mọi người rất nhiều câu hỏi, bạn đọc và nghiên cứu, và bạn sẽ không ngừng trở nên giỏi hơn.
Tất cả mọi công thức thành công đều có thể học được. Bạn có thể học được bất cứ thứ gì mình cần học. Hiện tại tôi đang làm việc với một nhóm chủ doanh nghiệp mà tất cả đều muốn trở thành triệu phú trong vòng 3-5 năm tới. Tôi đã hỏi họ: “Được rồi, vậy thì các triệu phú làm gì khi bắt đầu từ con số không để trở thành triệu phú?”
Khi tôi mới bắt đầu giảng dạy, có khoảng một triệu triệu phú trên toàn thế giới, hầu hết là những triệu phú tự thân. Ngày nay, đã có hơn mười triệu triệu phú, hầu hết cũng là triệu phú tự thân. Có đến 87% tỷ phú ngày nay là những tỷ phú tự thân. Nói cách khác, họ bắt đầu khi trong tay không có gì, và họ đã tìm ra công thức thành công. Họ tự mình phát triển công thức ấy, họ làm việc với những người khác, trải qua quá trình thử và sai. Họ đã phạm phải đủ loại sai lầm, và cuối cùng tìm ra được công thức cho mình.
Một khi đã tìm ra công thức – giống như công thức đồ ăn nhanh của McDonald’s – họ có thể triển khai nó, phát triển nó và khai thác nó theo bất kỳ hướng nào mà họ hình dung ra được.
Con người – đặc biệt là khi rời khỏi ghế nhà trường và mang trong mình hoài bão – luôn tự hỏi liệu họ nên đi theo con đường làm chủ hay làm công. Còn bạn, bạn quyết định như thế nào?
Nhu cầu căn bản của mỗi con người chính là sự an toàn. Kết luận này bắt nguồn từ nhà tâm lý học Abraham Maslow. Ông nhận thấy chừng nào mà nhu cầu của một cá nhân về sự sinh tồn và sự an toàn, đặc biệt là về mặt tài chính, chưa được thỏa mãn, người đó sẽ chẳng nghĩ đến thứ gì nữa. Nói cách khác, nếu bạn hết tiền, bạn sẽ chẳng nghĩ đến thứ gì ngoài tiền. Bạn bị ám ảnh với việc làm sao có đủ tiền để tồn tại. Vì vậy, khi bước ra khỏi cánh cổng trường học, mối lo đầu tiên của mọi người chính là sự an toàn – là kiếm đủ tiền để có thể nuôi sống bản thân.
Tôi từng viết một cuốn sách về cái mà tôi gọi là Nhân tố vụ lợi: con người luôn theo đuổi những phương cách nhanh nhất, dễ dàng nhất và tức thời nhất để có được cái họ muốn ngay lập tức mà quan tâm rất ít đến kết quả hoặc hệ quả lâu dài. Khi người ta rời khỏi ghế nhà trường, được đề nghị một công việc và nhận lương từ công việc đó, họ cứ thế mà làm thôi. Rất đơn giản: họ gật đầu vì họ cần có cái bỏ vào miệng.
Nếu bạn làm việc gì đó lặp đi lặp lại liên tục, bạn sẽ hình thành một thói quen. Vì vậy, những người này đã hình thành thói quen đi làm vì đồng lương. Những cá nhân khác nhau sẽ có mức độ nhu cầu khác nhau. Người nào muốn có nhiều hơn, họ sẽ đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn. Những người khác thì không nghĩ đến chuyện đó.
Trong các khóa học của tôi, tôi đặt câu hỏi: “Đâu là việc có giá trị lớn nhất và quan trọng nhất mà bạn làm?” Sau khi mọi người suy nghĩ câu trả lời một lúc, tôi nói rằng đáp án chính là tư duy – tư duy trước khi đưa ra quyết định hoặc hành động. Từ quan trọng nhất đối với thành công chính là hệ quả. Hệ quả của việc thực hiện một hành động cụ thể là gì? Bạn càng dành nhiều thời gian nghĩ thấu đáo trước về những việc mình sẽ làm và những gì có khả năng xảy ra, khả năng thành công của bạn càng cao hơn.
Đại học Harvard từng tiến hành một nghiên cứu khó tin kéo dài 50 năm, do Edward Banfield phụ trách. Họ phát hiện ra rằng nhân tố quan trọng nhất quyết định thành công về mặt kinh tế chính là tư duy dài hạn. Tư duy trước 1 năm, 2 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm.
Diễn giả truyền cảm hứng Denis Waitley từng nói rằng người thành công sẽ trồng những cái cây mà họ không bao giờ ngồi dưới bóng của chúng. Họ nghĩ cho thế hệ tiếp theo. Họ nói sự khác biệt giữa một chính trị gia và một người ái quốc đó là chính trị gia thì nghĩ về cuộc bầu cử tiếp theo, còn người ái quốc nghĩ đến thế hệ tiếp theo.
Nói đến tư duy dài hạn là nói đến mục tiêu. Nếu bạn chịu ngồi xuống và nghĩ về mục tiêu của bản thân, bạn sẽ có nhiều khả năng hơn trong việc đưa ra những quyết định đúng đắn, với những hệ quả đúng đắn để mang lại cuộc sống đúng như bạn mong ước.
Kẻ thù lớn nhất của thành công chính là “vùng an toàn”. Người ta dễ dàng làm quen với một việc gì đó và biến nó thành thói quen; kết quả là họ sẽ cảm thấy thoải mái khi làm việc ấy. Khi cảm thấy thoải mái, con người rồi sẽ sa vào lối mòn. Một diễn giả truyền cảm hứng nổi tiếng khác là Jim Rohn từng nói sự khác biệt duy nhất giữa lối mòn và huyệt mộ chỉ là độ sâu mà thôi. Bạn sa vào lối mòn, rồi bạn sẽ phải vật lộn, cố gắng và đấu tranh để được ở trong vùng an toàn của mình.
Có một thực tế thú vị về tầm ảnh hưởng của tinh thần khởi nghiệp: khoảng 80% doanh nhân đến từ những gia đình có cha và mẹ cũng là doanh nhân. Kết quả là, ở những người đó sẽ hình thành một hệ thống niềm tin – rằng họ có thể khởi sự và xây dựng nên một doanh nghiệp. Họ học được điều đó ngay từ khi còn nhỏ. Mưa dầm thấm lâu. Họ thấy cha mẹ mình bắt đầu từ con số không, làm việc chăm chỉ, tạo ra một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó, bán và phân phối sản phẩm hoặc dịch vụ ấy, chăm sóc tốt khách hàng để họ quay trở lại.
Những người như thế nghĩ: “Mình có thể làm được như vậy.” Hiển nhiên là thế, vậy nên, thành công trong vai trò doanh nhân của bạn phần lớn do niềm tin của bạn quyết định. Ví dụ, nếu bạn tuyệt đối tin rằng mình có thể mở một doanh nghiệp và trở nên thành công thì bạn sẽ thành công, bởi ngoài kia có hàng triệu sản phẩm và dịch vụ khác nhau mà mọi người muốn, cần, và họ không ngừng thay đổi, không ngừng tiến hóa theo thời gian.
80% sản phẩm và dịch vụ được sử dụng ngày nay không hề tồn tại ở thời điểm 5 năm về trước. 80% những gì chúng ta sẽ sử dụng ở thời điểm 5 năm sau không hề có ở hiện tại. Vì vậy, số lượng cơ hội hoàn toàn nằm ngoài trí tưởng tượng của con người.
Nếu bạn tuyệt đối tin rằng mình có thể khởi sự và xây dựng một doanh nghiệp thành công, bạn sẽ biến niềm tin đó thành hiện thực.