“Lâu Đài Trên Mây” là một cuốn sách tiếp theo đầy hấp dẫn của loạt truyện về Lâu đài bay của pháp sư Howl của tác giả Diana Wynne Jones. Cuốn sách này tiếp tục mang đến cho độc giả những tình tiết bất ngờ, hài hước và bí ẩn như phần đầu.
Câu chuyện bắt đầu tại thành Zanzib, một thành phố thuộc vương quốc Rashpuht, nằm ở phía Nam của Ingary. Ở đây, có một người buôn thảm trẻ tuổi tên là Abdullah, người sống trong những mộng tưởng hoang đường. Mặc dù không giàu có, nhưng Abdullah luôn hài lòng với cuộc sống của mình. Cho đến một ngày, anh mua được một tấm thảm mầu nhiệm từ một lữ khách phương xa.
Mỗi đêm, tấm thảm đưa Abdullah đến một khu vườn đẹp mê hồn, nơi anh gặp và đem lòng yêu công chúa Hoa Đêm khả ái. Nhưng một đêm, công chúa lại bị ma thần cướp đi trước mắt anh. Với sự giúp đỡ của tấm thảm thần và sự lanh lợi của bản thân, Abdullah quyết định lên đường giải cứu người yêu của mình.
Cuốn sách này tiếp tục đưa độc giả vào một cuộc phiêu lưu hấp dẫn, nơi họ sẽ được trải nghiệm những bí mật và thử thách mới, cũng như khám phá sự phát triển của nhân vật và mối quan hệ giữa họ. Mời các bạn đón đọc cuốn sách Lâu Đài Trên Mây của tác giả Diana Wynne Jones
—-
Lâu Đài Trên Mây lấy bối cảnh ở các đất nước hao hao Ba Tư, với câu chuyện thảm thần không còn quá xa lạ, Diana Wynne Jones đã tạo dựng nên một câu chuyện sắc màu và mang chất rất riêng. Đó là sự mơ mộng và đi tìm hạnh phúc của một anh chàng buôn thảm sống qua ngày, là cách anh ấy gặp được người tình trong mộng, rồi tham gia một chuyến hành trình “giải cứu” thường thấy trong truyện cổ tích. Tất nhiên, tác giả không chỉ dừng ở đấy mà chắp cánh cho câu chuyện đi đường vòng y như tập 1 vậy.
Mặc dù không còn quá mới mẻ, đây vẫn là một câu chuyện thú vị, ẩn chứa những bài học nhân văn về bình đẳng giới hay về nhân cách con người. Câu chuyện này cũng có phần hài hước, châm biếm – một thứ ta hiển nhiên thấy được qua cách trò chuyện của dàn nhân vật. “Lâu đài trên mây” quả là một cuốn sách tinh tế dạy cho đối tượng thiếu nhi những bài học sâu sắc mà không quá cao siêu.
Mặc dù là tập 2 của Lâu đài bay của pháp sư Howl, bạn sẽ không hề được gặp Howl hay Sophie cho đến tận những phút cuối cùng. Đối với mình, đây là một điểm cộng khá lớn, vì mình hoàn toàn không thích hai nhân vật đó mà! Đổi lại, mình khá ấn tượng với dàn nhân vật mới trong tập này, bao gồm nhân vật chính (anh buôn thảm) và toàn bộ nhân vật phụ kèm theo. Mỗi người đều có cá tính, có chính kiến và đều đóng góp cho câu chuyện.
Tổng kết lại, dù không phải một cuốn truyện quá xuất sắc, “Lâu đài trên mây” vẫn cuốn hút hơn tập 1 rất nhiều. Một đầu sách nhẹ nhàng, thú vị cho những ngày buồn chán.
****
Lâu Đài Trên Mây là phần Hai của Lâu đài bay của pháp sư Howl. Bằng cách này hay cách khác, tin mình đi, bạn sẽ gặp lại các nhân vật quen thuộc trong phần Một. Dĩ nhiên, họ không còn là nhân vật chính nữa.
Nhân vật Abdullah (và cả người dân xứ Zanzib của cậu nữa) nói chuyện hoa mỹ vô cùng, mình ấn tượng cực mạnh chi tiết đó luôn. Đôi lúc gây cảm giác dài dòng mệt mỏi lê thê, nhưng mình nói thật nghe người ta nói tốt ai cũng thích cả haha.
Truyện phù hợp cho cả trẻ em đọc, mình lớn rồi đọc không thấy quá hấp dẫn nữa. Phần này twist theo mình đánh giá là êm hơn phần Một, nhưng bị cái cách xây dựng cốt truyện thì hổng bằng phần Một. Nó kiểu kiểu Aladdin và cây đèn thần á mấy bạn (mình nghĩ ắt tác giả lấy cảm hứng từ đó).
Còn một quyển Ngôi nhà nghìn hành lang, tập 3 của series này, mình sẽ đọc hết trong tuần để có cái nhìn tổng quát hơn về văn của bác gái. Nhìn chung, mình không quá ấn tượng.
*****
Đây là cuốn sách hài hước và bay bổng nhất mình đã đọc trong năm nay.
Cách gây cười trong truyện rất kinh điển – tiếng cười bật ra từ các tình huống bất đắc dĩ, từ tư duy lạ thường và không khớp nhau của các nhân vật. Đọc mà chết cười với đối thoại trong truyện.
Còn vì sao lại nói truyện bay bổng ấy à? Dĩ nhiên là vì Lâu đài thì trên mây và các nhân vật bay hầu hết thời gian của truyện mà :)) Đùa thôi, điều mình muốn nói là trí tưởng tượng bay bổng kì diệu của tác giả. Phép biến thân- thay hình đổi dạng ở “Lâu đài bay” lần nữa xuất hiện ở tập truyện này. Nhưng tạo ra nhiều “cú lừa” ngã ngửa hơn. Thêm một lần mình ngưỡng mộ trí tưởng tượng và cách kết cấu truyện của Diana Wynne Jones !
Đọc mấy chương đầu xong mình còn trách thầm bác nào bảo trong truyện kể về gia đình nhỏ của Sophie và Howl sau khi kết hôn. Sau đó thì mình bị cuốn vào câu truyện đến quên cả trách cứ bởi vì tình tiết truyện nhanh và kì ảo hơn cả Lâu đài bay. Đến kết truyện, hóa ra là trách oan người vô tội – truyện đúng là có kể về nhà Howl thật, nhưng theo một cách mà mình không hề ngờ tới
Gọi là tập 2 thôi nhưng bối cảnh và hệ nhân vật của tập này khác hẳn với Lâu đài bay của pháp sư Howl. Đọc “Lâu đài bay” mình liên tưởng đến Châu Âu thế kỷ 16. Còn “Lâu đài trên mây” là bối cảnh Ả Rập kiểu Nghìn lẻ một đêm. Chả hiểu sao trong truyện tác giả lại đặt hai quốc gia này là hàng xóm nữa, chắc là thế giới khác