Giới thiệu, tóm tắt, review (đánh giá) cuốn sách Lời Hứa của tác giả Damon Galgut & Nguyễn Quang Huy (dịch), cũng như link tải ebook Lời Hứa miễn phí với các định dạng PDF, EPUB sẽ được ebookvie chúng mình chia sẻ trong bài viết này, mời mọi người đọc nhé
“Lời Hứa” của tác giả Damon Galgut là một cuốn sách đầy cảm xúc với nội dung xoay quanh thời kỳ hậu Apartheid ở Nam Phi. Cuốn sách được viết dưới góc nhìn linh hoạt, liên tục chuyển đổi giữa các nhân vật, tập trung vào một gia đình người Nam Phi da trắng sống tại một trang trại ngoại ô Pretoria.
Câu chuyện bắt đầu khi cả gia đình quay về họp mặt sau thời gian ly tán để tham dự tang lễ của Ma – người phụ nữ lớn tuổi đứng đầu gia đình. Hai người con thuộc thế hệ trẻ, Anton và Amor, cảm thấy phẫn nộ với những gì gia đình họ ủng hộ, đặc biệt là việc không thực hiện lời hứa với Người phụ nữ da đen Salome, người đã phục vụ gia đình họ suốt đời.
Sau nhiều năm phục vụ, Salome đã được hứa một ngôi nhà và một miếng đất riêng… Tuy nhiên, sau hàng thập kỷ, lời hứa đó vẫn chưa được thực hiện, tạo nên sự bất mãn và tiếc nuối trong lòng Salome.
Cuốn tiểu thuyết sâu sắc này của Damon Galgut đã vượt qua nhiều tác phẩm xuất sắc khác và được trao giải Booker danh giá vào năm 2021, gợi mở rằng “Lời Hứa” là một tác phẩm đáng đọc và đầy ý nghĩa với những khía cạnh xã hội nhạy cảm.
Giới thiệu sách Lời Hứa PDF
Cuốn sách Lời Hứa bắt đầu vào khoảng giữa thập niên 1980, đánh dấu thời gian cao điểm của chế độ Apartheid (phân biệt chủng tộc) và chấm dứt vào năm 2018, lúc chế độ này đã hoàn toàn lùi vào quá khứ. Đó là câu chuyện của gia đình Swarts da trắng, dòng dõi của những di dân Hòa Lan đến định cư ở Nam Phi vào thế kỷ 17. Chồng là Manie, vợ là Rachel, và ba đứa con. Con trai đầu, Anton, đang thi hành quân dịch, cô gái giữa, Astrid, ở cùng cha mẹ và cô gái út, Amor, là học sinh nội trú. Dựa vào ý tưởng chính đến từ câu chuyện của một người bạn kể lại đám tang của bốn người thân trong gia đình là cha, mẹ, anh và chị mà anh ta tham dự, Damon Galgut xây dựng truyện thành bốn phần, mỗi phần kéo dài một thập niên tập trung vào cái chết của một thành viên trong gia đình Swarts, đưa đến sự suy đồi của dòng họ Swarts.
Phần 1: Đó là vào năm 1986, bà Rachel chết, các con trở về nhà dự tang lễ mẹ. Lúc này, Nam Phi đang nằm dưới chế độ phân biệt chủng tộc. Trước khi mất, bà trối trăng lại cho chồng, ông Manie, là bà tặng cho Salome, người giúp việc da đen, ngôi nhà mà chị ta ở trên đất của gia đình, để trả ơn cho sự phục vụ tận tâm cùa chị. Manie hứa thực hiện lời vợ dặn, nhưng khi xong tang lễ, ông phủ nhận lời hứa của mình mặc dầu cô con gái út, Amor, bảo là cô đã nghe lén được lời ông hứa với mẹ. Sau tang lễ, Amor trở lại trường, Anton trở về đơn vị, nhưng rồi quyết định đào ngũ, đi trốn ở một nơi thật xa.
Phần 2: Gần một thập niên sau đám tang Rachel, ông Manie qua đời trong một trường hợp hết sức bất thường: tại một buổi họp mặt quyên tiền cho nhà thờ, Manie tình nguyện trèo vào chiếc lồng nuôi rắn của công viên nhằm thử thách đức tin của mình cũng như để phá kỷ lục là người ở lâu nhất trong lồng rắn; ông bị rắn cắn chết ngay lập tức. Tang lễ ông Manie là cơ hội cho cả ba anh chị em có dịp gặp lại nhau. Lúc này, chế độ Apartheid đã sụp đổ, ông Mandela (người bị chế độ nhốt tù 27 năm) đang làm tổng thống và người da đen được hưởng tất cả những quyền lợi như người da trắng. Theo di chúc, Anton được thừa hưởng phần lớn gia tài mà Manie để lại và hứa với Amor là sẽ thực hiện lời hứa cho Salome làm chủ ngôi nhà. Nhưng rồi Anton thất hứa.
Phần 3: Một thập niên nữa trôi qua. Astrid bỏ chồng lấy một người khác. Amor trở về từ London, làm việc cho một cơ sở y tế ở Nam Phi. Anton cưới vợ và về ở tại trang trại của gia đình. Thời gian này, tội phạm tràn lan ở Nam Phi. Trong một lần lái xe, Astrid bị ăn cướp giết chết để lấy xe đem đi bán. Cái chết của Astrid khiến Amor phải trở về nhà dự tang lễ chị. Gặp lại anh trai, cô nhắc lại lời hứa của gia đình đối với người giúp việc, nhưng Anton vẫn tiếp tục làm ngơ.
Phần 4: Đó là năm 2017, một thập niên sau khi Astrid qua đời, Anton đâm ra chán đời. Một đêm, anh ta dùng súng tự tử chết. Trở về nhà dự tang lễ anh lần này, Amor, người duy nhất còn lại trong gia đình Swarts, tìm cách làm tròn lời hứa của cha với Salome. Cô nhờ luật sư giúp đỡ và cuối cùng, sang tên căn nhà cho Salome, đồng thời biếu Salome một số tiền mà nàng thừa hưởng từ tài sản của gia đình. Tính ra, từ khi “Lời Hứa” được người mẹ đưa ra cho đến khi thực hiện, đã 31 năm. Trải qua thời gian quá dài, ngôi nhà nhỏ bây giờ đã xiêu vẹo, đổ nát và Salome tuổi thì cũng đã cao, đang sửa soạn trở về làng quê mình, nên món quà tặng muộn màng chẳng còn giá trị gì, vừa về tinh thần lẫn vật chất, so với lúc được hứa cho. Hơn nữa, thời thế thay đổi, ngôi nhà cũng chẳng còn phải là tài sản của gia đình Swarts vì gia đình này thừa hưởng nó từ những người thực dân Hòa Lan đã cướp đất của người da đen bản xứ từ những thế kỷ trước. Thành thử, tuy nhận được ngôi nhà, nhưng Salome và nhất là đứa con trai của bà, Lukas, không vui, thậm chí còn giận dỗi. Thiện chí của Amor, rốt cuộc, không giúp xóa tan được những bất công mà người da đen bản xứ nói chung, và gia đình Salome nói riêng, chịu đựng dưới chế độ phân biệt chủng tộc trong một thời gian quá dài.
Trong một cuộc phỏng vấn, Damon Galgut diễn tả gia đình Swarts là “Một mớ hổ lốn của mọi thứ khi tôi lớn lên ở Pretoria. Cũng là một hỗn hợp giữa tiếng Anh và tiếng Afrikaans, một hỗn hợp giữa tín điều và đức tin. [Điều đó] chẳng có gì là bất bình thường ở phần đất này trong thế giới. Cái làm cho chúng trở thành ‘tiêu biểu’ không phải là các nhân vật của chúng, mà là những thời đại mà họ sống qua. Tác phẩm được xây dựng chung quanh bốn đám tang, mỗi một đám tang diễn ra trong một thập niên khác, với một tổng thống khác đang nắm quyền và do đó, một tinh thần khác đang ngự trị trên đất nước. (…) Mặc dầu hầu hết chất liệu đó đều là bối cảnh, nó gợi nên một cảm thức về thời gian đang trôi qua và cũng là về đất nước đang thay đổi.” Galgut cho rằng, “thời gian và thời gian trôi qua, đó chính là đề tài thực sự của tác phẩm.”
Lời Hứa là một trong những tác phẩm có tính sáng tạo về hình thức, vay mượn những kỹ thuật diễn đạt mới đã từng được khai triển có hiệu quả trong In a Strange Room, cũng của Galgut, là tác phẩm được lọt vào vòng sơ tuyển giải Booker năm 2010. Theo nhận xét của ban giám khảo, Lời Hứa chịu ảnh hưởng của James Joyce cả về đề tài lẫn văn phong, là một thứ tiểu thuyết “tân hiện đại” (neo-modernist). Người kể chuyện giữ một vị trí mập mờ, khi thì đứng ở ngôi thứ nhất, tập trung trên một nhân vật duy nhất, khi thì đứng ở ngôi thứ ba, đưa ra một cái nhìn sâu sắc và khách quan hơn. Sự nhảy cóc này thường nằm ngay trong một đoạn, nhưng cũng có khi nằm ngay trong một câu. Có những phần và những đoạn được diễn đạt tự do, khá gần với cách diễn đạt “dòng ý thức” của Joyce.