Tác phẩm còn được xuất bản bản dịch khác với tựa đề Cơ May Thứ 2.
Chủ đề vẫn là cuộc đại chiến thứ hai, nhưng ở vào giai đoạn ác liệt nhất, giai đoạn điểm đỉnh chuẩn bị kết thúc. Một bức tranh toàn cảnh châu Âu với những cảnh tàn phá khủng khiếp, những nhà giam, những trại tập trung, những cái chết chóc, phân tán, chia ly, những nghi kỵ, âm mưu, những sự thủ tiêu, những sự phản bội…
Đặc biệt nổi bật lên ở cuốn tiểu thuyết này là cái cảnh tầng tầng lớp lớp những người dân các nước có chiến tranh đi qua, phần lớn là những trí thức, bỏ cửa nhà, làng mạc quê hương ra đi, đi rất xa, sang những nước ở bên kia Đại Tây Dương: một cuộc di tản ở quy mô có lẽ lớn nhất trong lịch sử.
Constant Virgil Gheorghiu sinh ngày 15- 9 – 1916 tại Lỗ Ma Mi, Constant Virgil Gheorghiu nghiên cứu triết học và thần học ở Gucarest và Heidelberg trước khi trở thành ký giả, rồi khâm sứ tại Bộ Ngoại giao Lỗ.
(Gheorghiu tên thật là Constantin Virgil Gheorghiu, sinh ngày 15 tháng 9 năm 1916 tại Valea Albă, một làng trong cộng đồng Războieni, quận Neamţ, xứ Romania. Cha ông là một linh mục Chính thống giáo.)
Chống đối chế độ cọng sản, ông sang Pháp ở vào 1948. Cuốn tiểu thuyết đã làm thế giới tự do biết danh ông là “Giờ Thứ Hai Mươi Lăm “; ông lại càng nổi danh hơn nhờ một cuốn khác viết về cuộc tái chiếm đóng xứ Bessarabie. Ông sang Mỹ sống một thời gian, sau đó trở lại Pháp. Ông đã dùng ngòi bút để chống đối mãnh liệt cái thời đại phi nhân của chúng ta hiện nay trong hầu hết các tác phẩm của ông (La Seconde chance, La Cravache, Les Mendiants de miracles …). Ngày 23- 5 – 1963 V. Gheorghiu được tấn phong linh mục Giáo hội chính thống.
Ngòi bút của Virgil Gheorghiu quả thật là chua chát và mỉa mai; bởi vì tác giả chống tất cả những chủ trương phi nhân. Các nhân vật của V. Gheorghiu sau những đày ải lần lượt chết đi dưới những vị kỷ khắc nghiệt được ngụy trang rất khéo léo bằng những chủ nghĩa hoa mỹ. Nhưng tất cả phải chết đi để cho ý thức nhân bản trong mỗi con người, mỗi xã hội được sống. Làm sao mà không chua chát và mỉa mai cho được khi mà hơn 20 năm sau, cuộc thế chiến hãi hùng, con người vẫn đang còn bơ vơ, lạc lõng, lo sợ trước những tranh chấp chủ nghĩa, trước những đe dọa đang đẩy họ vào những đường cùng không lối thoát. Và phải chăng V. Gheorghiu cũng đag viết về sự bế tắc của con người đau đớn trên xứ sở Việt Nam thân yêu.
Trong khu rừng, những người bỏ trốn đang kinh hoàng vì cuộc tấn công kéo dài gần một tuần lễ. Chưa bao giờ người ta giết nhiều người như thế. Chưa bao giờ người ta dội bom nhiều như thế. Chưa bao giờ người ta tấn công khu rừng nầy bằng ngần ấy lính tráng, vũ khí, thiết giáp và phi cơ.
Có tin đồn từ lâu là Sô Viết đã lùi chân và mọi người có thể bình yên trở về thị thành, làng mạc. Hồng quân đã lùi binh và người ta không còn trông thấy bóng dáng người Nga nữa. Nông dân đã dám phá ngục ở Molda vì người Nga đã rút quân. Nhưng đúng vào lúc mọi người tràn trề hy vọng là nếu không còn người Nga nữa, họ có thể trở về sinh sống trong căn nhà mà người Nga đã đuổi họ ra từ lâu, đúng vào lúc đó thì cuộc tấn công tàn nhẫn bắt đầu. Những kẻ tị nạn lại cứ tiếp tục chui rúc trong các rừng rậm, số phận của họ cũng chẳng cải thiện được chút nào.
Magdalena là người đẹp duy nhất trong rừng này, khu rừng mà từ một tuần nay con người bị cảnh sát săn đuổi như những con thú. Pillat say sưa nhìn đôi chân Magdalena. Người đàn bà bao giờ cũng là của đẹp trời cho, như bầu trời, như mặt trời. Người đàn bà soi sáng đời sống người đàn ông cho dù là trong bóng tối thâm cung nhất. Người đàn bà cũng giống như ánh trăng, đi đến đâu, bóng tối biến mất đến đó, người đàn bà làm cho mặt đất rạng rỡ thêm lên. Đôi chân Magdalena đang cử động nhanh, nàng đi mà như đang khiêu vũ, cả thân hình nàng như đang khiêu vũ với cây trong rừng. Nàng biến đi một hồi, rồi trở về òa khóc bên cạnh Pillat:
– Họ giết tướng cướp tay không rồi, rõ ràng tôi thấy tận mắt hắn chết, chết hẳn rồi.
Và nàng nức nở khóc, vì sợ hãi.
– Ai chết?
– Người nông dân có tên là tướng cướp tay không đó. Tôi dẫm phải xác hắn. Đi với tôi đi, tôi sợ phải đến gần hắn một mình. Rất có thể hắn giả vờ chết cũng nên. Đi đi. Hắn dễ sợ ngay cả khi đã chết, đúng là đồ quỷ.
Magdalena làm dấu thánh giá. Pillat cầm tay nàng đi đến nơi tướng cướp đã chết. Trong thung lũng, trên mõm đá, người nông đàn nằm ngửa mặt lên trời, ống tiêu vẫn để trên ngực, chết trong đám cỏ hoa. Magdalena che mặt để đừng trông thấy cảnh tên cướp nằm sóng sượt trên mõm đá. Cảnh sát Sô Viết đã không thể nào hạ nổi hắn ta dù họ đã từng gởi nhiều đội quân cảnh để đuổi bắt hắn, thế mà bây giờ hắn phải chết bởi cuộc săn đuổi của cảnh sát của khối Liên Quốc Gia. Magdalena che mắt chỉ:
– Đúng hắn đó.
Pillat bỗng đau đớn:
– Trời ơi hắn đây ư?
Và chàng quỳ xuống bên cạnh xác chết:
– Đúng là Ion Kostaky, cha của Marie đây rồi.
Ion Kostaky vẫn mặc bộ áo Gia Nã Đại. Pillat cầm lấy bàn tay lạnh lẽo đang nắm chặt ống tiêu để trên ngực. Chàng sững sờ nhìn chiếc nón theo lối Mỹ, quần dài theo kiểu Anh và đôi ủng nặng nề của Đức. Chàng sững sờ nhìn ống tiêu muôn đời gốc Lỗ ma ni. Chàng sững sờ nhìn miệng Ion dính đầy máu, lấy tay chùi hết máu nơi miệng. Chàng không quên vuốt đôi mắt đang mở rộng nhìn về phía đại đồng minh của người Nông dân: Trời. Kostaky vẫn hình như đang mỉm cười thỏa mãn vì đã chết bên cạnh Trời. Chàng sững sờ nhìn dây lưng gốc Sô Viết, nhìn bộ quần áo đủ mọi quốc gia, ở khắp nơi mà Kostaky đã từng đổ máu lên đó, đã từng chết dần chết mòn, mọi quốc gia đều có giết Ion một phần, và Ion tượng trưng cho xứ Lỗ ma ni bất hạnh này. Chàng bảo:
– Thôi chôn cất ông ta đi.
…
Mời các bạn đón đọc Lối Thoát Cuối Cùng của tác giả Virgil Gheorghiu.