LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN thuộc chủ đề tiểu thuyết kể về cuộc đời thiếu nữ Nghiêm Thanh Đình vô tình vướng vào vòng xoáy thời gian, bị đưa từ thế kỷ 21 hiện đại trở về thời kỳ Đại Cồ Việt của 1000 năm trước.
Giữa thời loạn lạc chinh chiến, cô buộc phải giả trai để sinh tồn, cũng từ đó kéo theo bao rắc rối, cùng những rối ren cảm tình nảy sinh giữa bản thân với tướng quân Lịch Vũ và cả chúa thượng Lê Long Đĩnh.
*******
Lấy cảm hứng từ lịch sử, “Lúc biết xuyên không thì đã muộn” xoay quanh cô gái trẻ hai mươi ba tuổi Nghiêm Thanh Đình và những biến cố thú vị trong cuộc hành trình xuyên không về Đại Cồ Việt 1000 năm trước của cô.
Điểm mình thích
1. Hệ thống nhân vật được xây dựng thành công.
Độc giả sẽ mê mẩn cái khí chất ngời ngời, sự dũng mãnh, thông minh của vị quân vương Lê Long Đĩnh, sẽ quý mến sự khẳng khái, thẳng thắn, hết lòng vì bạn bè của bộ ba La Đạc, Lê Sương, Trần Chất. Còn Đô chỉ huy sứ Lịch Vũ chung tình, dịu dàng thì lại chính là “chàng trai năm ấy chúng ta cùng theo đuổi”. Riêng nữ chính Nghiêm Thanh Đình, dù xuyên không nhưng không phải cái gì cũng biết, cũng giỏi, hoàn toàn khác với những nữ chính khác (cô đang trong thời gian c.h.i.ế.n đ.ấ.u với bệnh trầm cảm, cũng có những mất mát, tổn thương riêng…v…v…) khiến người đọc vô cùng mong chờ, t.h.í.c.h thú.
2. Giúp độc giả hiểu rõ hơn về những sự kiện lịch sử dưới thời vua Lê Long Đĩnh
Những cuộc nổi dậy của giặc Man, sự bất hoà giữa các dòng tộc; dù đã là hoàng đế nhưng trong quan hệ bang giao với nhà Tống, vua Lê Long Đĩnh vẫn phải tỏ ra nhún nhường, nhận phong vương của nhà Tống; những lần vua Lê Long Đĩnh trực tiếp cầm quân ra trận (lần cuối cùng chỉ cách 2 tháng trước khi mất); vua Lê Long Đĩnh thỉnh được bộ kinh Đại Tạng bằng chữ Hán về nước, chăm lo việc đào kênh, mở mang đường sá và đến tận sông Vũ Lung (Ái Châu) xem xét rồi xuống chiếu đóng thuyền bè đi lại cho dân… Tất tần tật những sự kiện lịch sử ấy đều được lồng ghép, đề cập khéo léo ở trong truyện.
► Các sách này cũng hay lắm nè:
3. Các trang văn viết về việc đón tiếp sứ thần Thiệu Việp quá xuất sắc
Trong lịch sử dân tộc, ngoài những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm, thì những chiến thắng về ngoại giao vừa mềm dẻo, khôn khéo vừa kiên định để tránh cho đất nước khỏi họa xâm lăng của vua, quan nước ta cũng được ghi nhận. Và, với sự kiện Thiệu Việp đến Đại Cồ Việt mưu đồ bất chính (ngoài yêu cầu tỉ thí võ nghệ, hắn còn nhiều lần tỏ ý khinh r.ẻ, manh nha làm n.h.ụ.c mệnh vua), Mật Tiễn một lần nữa đã khẳng định được tài trí, sự sáng suốt lẫn tầm nhìn xa trông rộng của vua quan nước ta. (Đọc phần này mà mình quá đỗi tự hào và không thể không nhớ đến hai vị trạng nguyên tài giỏi là Lương Thế Vinh, Mạc Đĩnh Chi, mọi người ạ ! Hị hi! ^^ )
4. Suy nghĩ nhân văn của tác giả
Làm sống lại một giai đoạn lịch sử nhiều biến động nhưng với đôi mắt khác – đôi mắt nhẹ nhàng, bao dung hơn, Mật Tiễn đã tạo động lực để người đọc tìm hiểu thêm về vua Lê Long Đĩnh – vị vua bị “đóng đinh” là xấu xa đ.ồ.i b.ạ.i nhất lịch sử, đã gieo vào lòng người đọc những hạt mầm tốt đẹp. (Tất nhiên, không thể đánh đồng các tình tiết trong truyện với chính sử, nhưng vì tất cả hậu nhân chúng ta đều không được nhìn trực tiếp vào lịch sử, thế nên theo cá nhân mình, hy vọng một chút, nghĩ thoáng một chút cũng tốt, vì biết đâu vua Lê Long Đĩnh thật sự là một vị vua anh minh, biết lo cho dân, cho nước?)
Điểm mình chưa thích lắm
– Yếu tố hài hước có phần bị lạm dụng nên càng về sau, những “mảng miếng” tác giả dùng càng ít gây ấn tượng hơn trước.
– Một số tình huống hơi khiên cưỡng. (Ví dụ tình huống ở chương 21, 22 mà Đam – tức Nghiêm Thanh Đình gặp phải.)
Đánh giá: 8/10