Jo Kyung Ran đã viết nên một tác phẩm mang nhiều sắc thái của tình yêu có lúc yên bình khi lại vô cùng dữ dội, thông qua “lưỡi” – một hình ảnh trần trụi khiến người ta phải tò mò.
Jo Kyung Ran viết Lưỡi xoay quanh một đầu bếp người Hàn chuyên ẩm thực Ý. Mối tình 7 năm của cô vừa kết thúc, cô dần mất niềm đam mê cho nấu ăn và mất cả vị giác. Tác phẩm như một làn gió mới trong nền văn học Hàn hiện đại khi nó không đặt nặng yếu tố văn hóa quốc gia như thường thấy.
Sách viết theo ngôi thứ nhất, với nhân vật chính kể về nỗ lực cô tiếp tục sống sau tan vỡ tình cảm, niềm đam mê ẩm thực, ký ức tuổi thơ và về cuộc sống đời thường của cô đầu bếp trẻ. Dù không yêu thích nấu ăn nhưng có lẽ bạn vẫn sẽ bị Lưỡi cuốn hút bởi những khía canh khác tình cảm, gia đình, xã hội… được Jo Kyung Ran thể hiện nhiều trong cuốn sách.
Tiểu thuyết Lưỡi vượt ra khỏi ranh giới Hàn Quốc, được cộng đồng độc giả Anh ngữ đánh giá cao.
Những câu văn Jo Kyung Ran miêu tả thực phẩm, quá trình chế biến, phục vụ và thưởng thức đồ ăn thật sự độc đáo, chúng được tác giả sử dụng như ẩn dụ cho tình yêu và đôi lúc là cả tình dục. Nét miêu tả của tác giả biến hóa vô cùng đa dạng từ gợi hình gợi cảm của một trái táo tầm thường: “Táo có hương vị của tự nhiên , của huyền bí, của hình dáng những đám mây và tiếng gió luồn qua kẽ lá, nhưng chính các tăng lữ lại cấm người ta ăn táo. Tất cả là do vị ngọt ngập đầy khoang miệng khi vừa bập răng vào”.
Nhưng ngay lập tức lại khiến người đọc cảm thấy rợn người với cách người ta làm ra một món ăn xa xỉ như gan ngỗng: “Để có gan ngỗng béo, người ta gây sốc điện trên não bộ con ngỗng, thậm chí khoét mắt nó, vậy là con vật chẳng bận tâm điều gì khác ngoài thao tác ăn cặm cụi như máy bất chấp đói no cho đến khi béo xù đủ đem mổ thịt”.
Nữ nhà văn cũng nhiều lần đưa đầu mối về nội dung đoạn kết xuyên suốt tập truyện để người đọc giải mã nhưng cho đến chương cuối vẫn là một kết cục bất ngờ.
Jo giữ vững văn phong giàu tính biểu tượng của mình như một tuyên ngôn bất hủ về tình yêu: “Đem lòng yêu cũng giống như xăm chữ lên mu bàn tay. Dù cố sức tẩy xóa thì về sau vẫn còn dấu tích mờ. Bởi vậy cậu phải chắc chắn rằng cậu thực sự muốn thế. Phải chắc chắn rằng cậu đã suy nghĩ kỹ càng”.
Tình yêu còn được Jo lồng ghép vào những món ăn qua cách miêu tả gia vị cũng giàu hình tượng càm cảm xúc. Với cô, lá húng quế là biểu tượng của nỗi buồn, dù điều này có thể khiến các ẩm thực gia phản đối.
Xuyên suốt tác phẩm, nhà văn 45 tuổi đổi giọng văn liên tục để tách biệt suy nghĩ của cô về tình yêu và cuộc sống. Tác giả đưa vào truyện một vụ tự tử – một cái chết buồn – chi tiết hay được Jo đưa vào truyện của mình.
Cô xuất sắc lựa chọn câu chữ thể hiện rõ nét buồn và bất ổn trong tính cách nhân vật chính, qua việc cô đầu bếp xui xẻo thay đổi tâm trạng và nơi ở liên tục. Câu chuyện nhiều tình tiết kết nối, nút thắt, là kiệt tác viết về một tâm hồn trẻ tan vỡ, mất định hướng trước cuộc sống.
Nhưng đôi khi người đọc lại cảm thấy không hài lòng về lối viết văn tự sự chắp nối nhiều câu chuyện của tác giả. Dù cho những ai yêu thích văn chương Hàn đều nhận ra đó là phong cách viết rất được ưa chuộng nhất trong thể loại văn viễn tưởng tại quốc gia này.
Và còn một điều lạ lùng nhất khiến nhiều người đọc thắc mắc sau khi khép cuốn sách lại đó chính là các nhân vật trong Lưỡi ăn uống với tốc độ tia chớp – điều được Jo đưa vào tác phẩm để nhấn mạnh tới chủ đề nỗi ám ảnh.
Jo Kyung Ran sinh năm 1969 tại Hàn Quốc, tốt nghiệp khoa Sáng tác Học viện Nghệ thuật Seoul, từng tham gia Chương trình Viết văn Quốc tế của Đại học Iowa. Từ khi ra mắt tác phẩm đầu tay vào năm 28 tuổi đến nay, cô đã giành được nhiều giải thưởng văn học, đáng kể nhất là Giải Văn học Dong-in, Giải Nghệ sĩ Trẻ Ngày nay của Bộ Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc…
Đồng tử to, ánh đen và nâu nhạt. Đôi mắt này từng lấp lánh vì ý chí mạnh mẽ, từng lung linh vì khoái cảm mãnh liệt. Tôi không thể chịu đựng được chúng – đôi mắt đẫm lệ đang phản chiếu dưới đáy nồi đồng, đôi mắt mong chờ một điểu gì từ ai đó mặc dù biết rõ kết quả chỉ là thất vọng mà thôi. Đừng khóc nào, mình không thể khóc được. Tôi nhắm mắt, rồi lại mở ra. Giờ thì ổn rồi. Tôi lật nghiêng cái nồi và treo nó lên móc. Thật may, nước mắt không ứa ra. Tôi chuyển hướng đến cái giá xoay chất đầy dầu mỡ, chọn lấy một chai dầu ô liu nguyên chất và quay lại với chín học viên đã tụ tập ở đây từ bảy giờ tối, trong những trang phục nhăn nhúm lúc cuối ngày.
Chúng tôi đang tập trung ở đây – Bếp Won – giữa lò nướng pizza bằng đá sứ, tủ lạnh, máy rửa bát đĩa, máy pha cà phê, máy xay, máy trộn, máy nghiền thực phẩm, nồi cơm điện, bếp ga. Trên tường, từ cao xuống thấp là nồi đồng và chảo thép không gỉ treo lẩn lượt theo cỡ: to-vừa-nhỏ. Ngoài ra còn ly cốc tách, quạt thông gió, máy nghiền-nén thức ăn thừa, vỉ điện, chạn, chụp hút khói, lò hâm nóng, bàn bếp, ghế đẩu, và một nồi nước sôi sùng sục.
Bà tôi luôn kê một chiếc bàn lớn trong bếp. Cả nhà hay quây quần quanh chiếc bàn gỗ hình chữ nhật đơn giản và mộc mạc như bàn làm việc ấy đến tận khuya mới giải tán. Sau này chuyển lên thành phố ở, Bà vẫn giữ cái bàn, giữa bàn thường đặt giỏ tre đựng hoa quả hoặc rau. Cứ bày nguyên liệu nấu ăn trong tầm mắt như thế, Bà sẽ có hứng chế biến món mới mỗi lần đi ngang qua bàn. Thi thoảng trong giỏ lại xuất hiện khoai lang hoặc khoai tây luộc còn nóng, bốc hơi nghi ngút. Bà là đẩu bếp cừ nhất mà tôi từng biết, nhưng với những nguyên liệu như khoai lang, khoai tây hay bí ngô, Bà lại không làm gì cầu kỳ hơn là luộc hoặc nướng. Chỉ cần rải phô mai lên khi còn nóng hoặc thả vào nước xuýt là có ngay món xúp hay cháo đặc, nhưng Bà không làm thế. Bà nói những món này nên ăn theo cách chân chất, vì mình đang ăn tinh hoa của đất đai. Khi tôi nhận ra câu nói ấy tượng trưng cho đời Bà, cho cuộc sống giản dị và đẹp đẽ của Bà, thì Bà không còn ở bên chúng tôi nữa. Nắng sớm lăn tăn trên những bông hoa lê và hoa táo bên ngoài, chảy vào bếp qua ô cửa trổ hướng Đông, Bà che mắt cho khỏi chói và xì xụp món xúp cải dại.
Bíp. Âm báo hẹn giờ lò nướng.
Tôi rải khoai tây phơi khô, nấm xắt lát dày, lá húng quế và phô mai mozzarella lên khay bột nhào, xong rưới hai thìa dầu ô liu và đút cả vào lò đã bật nóng. Nướng mười lăm phút để phô mai chảy ra và vỏ bột sém màu bắt mắt, thế là có món chính cho buổi hôm nay, pizza-khoai-tây-khô-và-nấm. Hôm nay tôi không nghĩ mình có thể làm mấy món ân vặt để chia cho các học viên hoặc chuyện phiếm về thời tiết trong lúc đợi bánh chín như mọi ngày. Thay vào đó, tôi hướng dẫn họ cách làm khoai tây khô bằng lò sấy ở nhà. Khoai tây phơi khô tự nhiên có hương vị đậm đà hơn khoai tây tươi, nhưng lại là nguyên liệu chuyên dụng đắt đỏ. Vẫn còn mười phút. Tôi thò tay vào cái giỏ trước mặt và nhặt lấy thứ chạm đến đầu tiên. Một quả táo.
– Đa dạng và ngẫu hứng, là hai điều tối quan trọng cẩn ghi nhớ trong khi nấu nướng.
Mọi người đổ dồn mắt vào quả táo tôi đang giơ ngang tầm mắt. Theo giới tăng lữ thời Trung cổ, loại quả này chứa đựng tâm ý của đấng Sáng tạo. Táo có hương vị của tự nhiên, của huyền bí, của hình dáng những đám mây và của tiếng gió luồn qua kẽ lá, nhưng chính các tăng lữ lại cấm người ta ăn táo. Tất cả là do vị ngọt ngập đầy khoang miệng khi vừa bập răng vào. Họ tin rằng vị ngọt đó là một sự cám dỗ, khiến con người chểnh mảng với lời răn dạy của Thượng đế. Rồi khi vị ngọt qua đi, thì nơi đầu lưỡi còn lại toàn chua với gắt. Các tăng lữ cho rằng đó là hương vị của độc dược, của quỷ dữ. Vị ngọt, giôn giốt, chua gắt của táo chính là hương vị làm Eva lạc lối.
– Nếu khống thích nấm, các bạn có thể thay bằng táo. Xắt nó thành những lát mỏng cỡ năm mi-li-mét và nếm trải một sự khác biệt. Khác hắn với vị dìu dịu của nấm, táo hơi ngọt, nhưng độ giòn của nó sẽ khiến bạn thấy mới mẻ.
Giá tôi đang cẩm cà tím chứ không phải táo. Tôi chưa bao giờ làm pizza mà lại dùng táo thay cho nấm. Dối trá! Điều tôi trông chờ ở anh hóa ra lại là sự dối trá ư? Vị thứ nhất của táo, lời dụ dỗ của con rắn, ngọt ngào như mật. Vị thứ hai, tư vị khi bị trục xuất khỏi vườn Địa đàng, thì chua. Khác với trái cây thông thường, táo chín sẽ giòn lên chứ không mềm đi. Tôi rút con dao nhỏ gọt hoa quả từ giá dao mười hai chiếc. Thay vì bổ quả táo làm đôi, tôi bập chéo dao theo hình chữ V, khoét một miếng và thảy nó vào miệng.
Ngày trước, trong căn bếp đầu tiên của mình, tôi đã có đủ mọi thứ, giống như Bà. Nắng, chậu cây, đồng hồ, báo, thư, hoa quả, rau, sữa, phô mai, bánh mì, bơ, các hũ thủy tinh lớn đựng rượu trái cây, các hũ nhỏ hơn đựng gia vị, mùi cơm đẩm ấm và hương thảo ngan ngát. Có cả anh bên tôi.
Để mở trường nấu ăn, chúng tôi bắt đầu tìm một nơi khác có chỗ cho căn bếp rộng hơn. Với các cửa sổ lớn, như yêu cầu của tôi. Tôi không ngó ngàng tới dạng tầng hầm dù chúng thường rộng rãi và giá thuê rẻ như cho. Ý thích về cửa sổ có lẽ bắt nguồn từ những ký ức vể căn bếp của Bà. Tôi cho rẳng mọi thứ vào nhà qua đường bếp, vì thế chúng tôi cần những khung cửa cao đảm bảo được nguồn sáng tốt. Đi du lịch tôi cũng chỉ đến những quán hàng quay mặt ra phố. Chính anh đã tìm được ngôi nhà hai tầng nhiều cửa sổ này. Tôi vô cùng phấn khích, trước cả khi cải tạo xong căn bếp để làm cho nó rộng hơn.
…
Mời các bạn đón đọc Lưỡi của tác giả Jo Kyung-ran.