Giới thiệu, tóm tắt, review (đánh giá) cuốn sách Marketing Là Gì? Mô Hình 3C, 4P và Các Thời Kỳ Marketing Cần Biết của tác giả MediaZ, cũng như link tải ebook Marketing Là Gì? Mô Hình 3C, 4P và Các Thời Kỳ Marketing Cần Biết miễn phí với các định dạng PDF, EPUB sẽ được ebookvie chúng mình chia sẻ trong bài viết này, mời mọi người đọc nhé
Giới thiệu sách Marketing Là Gì? Mô Hình 3C, 4P và Các Thời Kỳ Marketing Cần Biết PDF
Bạn thân mến, dưới đây là một bài chia sẻ kiến thức chuyên sâu về chủ đề Marketing. Với nội dung này bạn sẽ hiểu rõ Marketing là gì, và các định nghĩa về marketing 4P, marketing 3c, cùng với các thời kỳ của Marketing trong từng giai đoạn phát triển của xã hội.
Định nghĩa về Marketing hay Marketing là gì?
Lần đầu tiên xuất hiện tại Mỹ vào đầu thế kỉ 20, nhưng đến năm 1944 thuật ngữ Marketing chính thức được đưa vào từ điển tiếng Anh. Xét về cấu trúc, thuật ngữ Marketing gồm gốc từ “Market” có nghĩa là “cái chợ/thị trường” và hậu tố “ing” chỉ hoạt động đưa sản phẩm ra thị trường. Sau một thế kỷ hoạt động và phát triển có rất nhiều định nghĩa khác về Marketing được ra đời nhưng được nhắc đến và sử dụng nhiều nhất là định nghĩa của Philip Kotler – người được mệnh danh là cha đẻ của ngành Marketing hiện đại.
Ông định nghĩa: “Marketing is the science and art of exploring, creating, and delivering value to satisfy the needs of target market at a profit”. Tạm hiểu: “Marketing là nghệ thuật tạo ra giá trị, truyền thông và phân phối những giá trị đó nhằm thoả mãn những vấn đề của khách hàng mục tiêu để đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp”.
Như vậy, Marketing hiểu đơn giản là các hoạt động nhằm đưa sản phẩm dịch vụ của bạn đến tới khách hàng tiềm năng. Để khách hàng tiếp cận, sử dụng sản phẩm, hài lòng về dịch vụ bạn cung cấp thì chiến lược Marketing của bạn cần được triển khai với nhiều hình thức. Trong đó chiến lược Marketing Mix sẽ giúp doanh nghiệp của bạn tiếp cận gần khách hàng mục tiêu. Vậy chiến lược Marketing Mix là gì?
“Marketing với nghĩa rộng là “thị trường” là nơi thực hiện khâu lưu thông hàng hóa, không tách rời của quá trình tái sản xuất (bao gồm sản xuất, lưu thông và tiêu dùng), là nơi diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi sản phẩm hàng hóa nói chung.”
Mô hình 4P
Khi nói đến Marketing, người ta không thể không nhắc tới Marketing Mix (hay Marketing hỗn hợp). Marketing Mix là tập hợp các công cụ Marketing được doanh nghiệp sử dụng để đạt hiệu quả trong thị trường mục tiêu và được phân loại theo mô hình 4P gồm có: Product (sản phẩm), Price (giá), Promotion (xúc tiến thương mại hay truyền thông), Place (kênh phân phối), sau này được mở rộng ra với 7P khi có thêm Process (quy trình), People (con người), và Philosophy (triết lý). Sự pha trộn này đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định chiến lược tiếp thị tốt nhất cho doanh nghiệp.
Khái niệm tiên phong cơ bản vẫn còn vận dụng đến ngày nay chính là Marketing 4P, bao gồm:
• Product (Sản phẩm)
Sản phẩm ở đây chính là hàng hoá, dịch vụ được tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu cụ thể của khách hàng, bao gồm chất lượng và hình thức sản phẩm và dịch vụ hậu mãi. Nó có thể là các sản phẩm vô hình hoặc hữu hình vì nó có thể tồn tại dưới hình thức dịch vụ.
Để sản phẩm có giá trị, cần đảm bảo sao cho việc sản xuất phải đáp ứng đúng loại sản phẩm mà thị trường của bạn có nhu cầu. Sản phẩm phải cung cấp những giá trị tốt nhất cho khách hàng, nếu không chiến lược có tiếp thị có tốt tới đâu cũng không thể cứu nó khỏi sự suy giảm. Chính vì thế bạn phải thực hiện nghiêm túc công việc nghiên cứu thị trường, lên kế hoạch cho các giai đoạn khác nhau và nghiên cứu sâu rộng về vòng đời sản phẩm mà họ tạo ra.
Mỗi sản phẩm đều có một vòng đời nhất định bao gồm giai đoạn tăng trưởng, giai đoạn trưởng thành và giai đoạn giảm doanh thu. Do đó các Marketer cần thường xuyên theo dõi, cải tiến sản phẩm của mình để kích thích nhu cầu của khách hàng nhiều hơn khi sản phẩm đạt tới giai đoạn suy giảm doanh số bán hàng.
Để phát triển đúng sản phẩm, các doanh nghiệp cần phải xác định những vấn đề mà sản phẩm có thể giải quyết, bằng cách trả lời những câu hỏi sau:
• Khách hàng mong muốn gì ở dịch vụ hoặc sản phẩm?
• Khách hàng sẽ sử dụng sản phẩm/dịch vụ như thế nào và ở đâu?
• Sản phẩm có điểm gì khác biệt với đối thủ cạnh tranh?
• Tính năng nào của sản phẩm sẽ đáp ứng nhu cầu của khách hàng?
• Có tính năng cần thiết nào bị bỏ lỡ hay tính năng không cần thiết được đưa vào sản phẩm không?
• Tên của sản phẩm đã đủ hấp dẫn chưa?
• Sản phẩm trông thế nào (hình thức, kích cỡ, màu sắc…)?
Có nhiều doanh nghiệp cho rằng chữ P ở đây là việc cải tiến sản phẩm, dịch vụ dựa trên các đặc tính của sản phẩm, dịch vụ đó như việc tạo ra mẫu sản phẩm phù hợp để không bị thụt lùi so với thị trường… Tuy nhiên một số khác lại thay đổi sản phẩm, cố gắng tạo ra một khái niệm hoàn toàn mới và thoả mãn nhu cầu khách hàng.
• Price (Giá)
Giá của sản phẩm là số tiền khách hàng bỏ ra để sở hữu/sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ đó. Đây cũng là một thành phần rất quan trọng của mô hình Marketing Mix cũng như trong kế hoạch marketing vì nó quyết định đến việc sản phẩm sẽ bán như thế nào trên thị trường. Việc điều chỉnh giá cho sản phẩm sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu và nhu cầu của sản phẩm. Điều quan trọng cần lưu ý chính là “người dùng tính toán giá trị của sản phẩm qua cảm nhận tâm trí của họ trước khi họ nhìn thấy giá”.
Hãy tưởng tượng, bạn muốn mua một chiếc áo khoác mới và đã tìm thấy một cái ưng ý. Sau đấy, khi kiểm tra kỹ bạn thấy chất vải, đường chỉ may… của chiếc áo nếu so với giá thành của nó là hơi đắt. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy hoài nghi về thương hiệu. Ngoài ra, giá cả sẽ giúp hình thành nhận thức về sản phẩm của bạn trong mắt người tiêu dùng. Họ thường nhận định rằng một sản phẩm có mức giá thấp hơn bình thường có nghĩa chất lượng của sản phẩm này kém hơn các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Việc đặt giá quá thấp sẽ khiến doanh nghiệp phải tập trung bán theo số lượng lớn để thu về lợi nhuận. Do đó, nhà thiếp thị cần tìm cách nhìn sản phẩm từ con mắt của người tiêu dùng. Nếu mức giá quá cao, khách hàng sẽ dần chuyển hướng sang sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, giá cả cũng sẽ phụ thuộc vào chuỗi giá trị và các yếu tố khác bao gồm cách mà đối thủ cạnh tranh đã định giá sản phẩm tương tự.
Khi thiết lập giá của sản phẩm, các doanh nghiệp nên xem xét giá trị cảm nhận mà sản phẩm đó cung cấp, có 6 chiến lược đặt giá như sau: Định giá Premium, Giá thâm nhập thị trường, Định giá tiết kiệm, Định giá hớt váng, Định giá theo tâm lý và , Đặt giá theo gói. Và các yếu tố chính nằm trong chiến lược giá bao gồm điểm giá ban đầu, giá niêm yết, chiết khấu phần trăm, thời kỳ thanh toán…
Dưới đây là một số câu hỏi cần trả lời khi doanh nghiệp định giá cho sản phẩm:
• Chi phí sản xuất là bao nhiêu?
• Giá trị nhận thức của khách hàng về sản phẩm là gì?
• Có thể giảm giá nhẹ để tăng thị phần của doanh nghiệp trên thị trường được không?
• Giá hiện tại của sản phẩm đã phù hợp với giá mà đối thủ đưa ra so với sản phẩm tương tự hay chưa?
• Định vị sản phẩm mà bạn muốn trong tâm trí khách hàng là gì?
• Place (Phân phối)
Phân phối là hoạt động mang sản phẩm đến với khách hàng một cách hiệu quả nhất hoặc có thể là mang khách hàng đến với sản phẩm một cách tiện lợi nhất. Vị trí hay địa điểm phân phối là nơi bạn định vị và phân phối sản phẩm, nơi có thể tiếp cận được với khách hàng mục tiêu một cách tốt nhất.
Khi hiểu được khách hàng muốn gì, các doanh nghiệp sẽ tìm được các địa điểm và kênh phân phối lý tưởng để thu hút càng nhiều khách hàng tiềm năng càng tốt. Có những chiến lược phân phối như sau: phân phối chuyên sâu, phân phối độc quyền, phân phối chọn lọc, nhượng quyền thương mại.
Dưới đây là một số câu hỏi khi phát triển chiến lược phân phối của mình:
• Khách hàng có thể tìm kiếm dịch vụ hoặc sản phẩm của doanh nghiệp ở đâu?
• Khách hàng tiềm năng sẽ tìm tới những loại cửa hàng nào? (khu mua sắm/ cửa hàng tiện lợi/ trực tuyến…)
• Làm thế nào để truy cập vào nhiều kênh phân phối khác nhau?
• Bạn có chiến lược phân phối gì khác với đối thủ cạnh tranh?
• Có cần lực lượng bán hàng mạnh không?
• Có cần phải mở cửa hàng trực tuyến không?
• Promotion (Xúc tiến bán hàng)
Xúc tiến bán hàng được hiểu là các hoạt động hỗ trợ bán hàng nhằm đảm bảo cho khách hàng nhận biết được về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Khi khách hàng có ấn tượng tốt về sản phẩm hay dịch vụ, họ sẽ sẵn sàng tiến hành thực hiện giao dịch mua bán thật sự, giúp gia tăng tỷ lệ chuyển đổi với khách hàng tiềm năng.
Các hoạt động trong khâu này bao gồm quảng cáo (quảng cáo trên truyền hình, trên báo chí, trên đài phát thanh…), catalog, quan hệ công chúng và bán lẻ. Các kênh thích hợp sẽ được quyết định bởi các nhà tiếp thị theo tính chất của sản phẩm. Nếu ngân sách đủ lớn, các doanh nghiệp cũng có thể thực hiện tài trợ cho các chương trình truyền hình thu hút đông đảo công chúng theo dõi hoặc tổ chức chương trình cho các khách hàng thân thiết, triển lãm… để tăng độ nhận biết thương hiệu với khách hàng đại chúng.
Để có thể tạo ra chiến lược quảng bá sản phẩm hiệu quả, doanh nghiệp cần trả lời câu hỏi:
• Thời điểm nào là tốt nhất để thực hiện quảng bá sản phẩm?
• Làm thế nào để gửi thông điệp tiếp thị đến khách hàng tiềm năng?
• Có thể tiếp cận đối tượng tiềm năng và người mua thông qua các kênh nào?
• Chiến lược quảng cáo mà các đối thủ cạnh tranh sử dụng là gì?
Tùy thuộc vào ngân sách, thông điệp muốn truyền tải và thị trường mục tiêu đã xác định trước đó mà các doanh nghiệp có thể đưa ra chiến lược quảng cáo và cách thực hiện quảng cáo cho phù hợp.