ĐANG CÓ cuộc sống khốn đốn ở tỉnh lẻ, một ngày kia Mattia Pascal bỗng phát hiện ra rằng mình được cho là đã chết. Anh nghĩ rằng đây chính là dịp để rũ bỏ ràng buộc cơm áo gạo tiền thường nhật, cơ hội để thoát khỏi số phận tầm thường của mình. Anh đến một thành phố mới, với một cái tên mới, một ngoại hình mới, một cuộc sống mới. Liệu đó sẽ là tự do hay bất hạnh? Thân phận đâu phải là thứ người ta có thể đơn giản mà đoạn tuyệt. Căn tính đâu phải là thứ dễ dàng từ bỏ. Phải chăng hạnh phúc không phải là được làm những gì mình thích, mà là luôn luôn thích cái mình làm?…
Để nói về cuốn sách này, tôi muốn đặt hài hước và đen tối cạnh nhau, bởi câu chuyện rất buồn cười nhưng cũng rất cay đắng.
Có cách nào thoát khỏi cuộc đời đáng chán, đáng tuyệt vọng, bế tắc và quẩn quanh không? Mattia Pascal phát hiện ra là có. Có một cách. Là chết – một cái chết chính thức, của cái nhân dạng mình, trên giấy tờ, được người thân và toàn thể cư dân chòm xóm công nhận, trịnh trọng thông cáo lên báo. Sau khi bàng hoàng đọc tin báo tử chính mình, Mattia Pascal bỗng thấy tràn trề hạnh phúc và tự do. Giờ anh có thể đi bất cứ đâu, tiêu số tiền mình có theo bất cứ cách nào mà ko phải lo về cô vợ tiều tuỵ và bà mẹ vợ ác quỷ, thoát khỏi lũ chủ nợ và tất cả những rắc rối đáng chán của cuộc đời trước kia. Ôi cuộc sống mến thương sau khi chết sao mà thênh thang thế. Anh giũ bỏ được kẻ mang tên Mattia Pascal. Anh sẽ là một con người mới, hoàn toàn khác. Một Adirano Meis.Nhưng, ơ kìa, sao hạnh phúc này lại có mùi đắng cay và tự do này lại bị những xích xiềng của dối trá bủa vây thế kia?!“Điên rồ! Làm sao tôi lại tự dối mình rằng một thân cây có thể sống sót khi bị cắt bỏ khỏi gốc rễ? Thế nhưng, thế nhưng, đó, tôi vẫn nhớ chuyến đi nọ, từ Alenga tới Torino: khi đó, tôi đã cho rằng mình hạnh phúc, cũng bằng cách ấy. Điên rồ! Tự do! Tôi đã nghĩ… Tôi đã tưởng ấy là tự do!”Sẽ thế nào khi mọi thứ thuộc về nhân dạng anh bị chôn dưới một nấm mồ, còn anh thì lang thang nay đây mai đó khắp chốn? Tới một lúc, anh nhận ra, dẫu cho nhân dạng có được chứng tử thì nó vẫn là anh và anh vẫn là nó, nó vẫn là cái bóng đi theo anh hoặc anh vẫn là cái bóng sống dưới sức kiềm toả của nó. Thiếu anh, cái tên Mattia Pascal vẫn có nghĩa, nhưng thiếu nó, anh sống không ra sống…“Người hùng, đó, tôi làm sao có thể là một người hùng thực sự được nữa. Chỉ trừ khi tôi chết đi… Nhưng tôi đã chết rồi mà!”“Giờ đây tôi là gì nếu không phải là một người giả tưởng?”Ngoài một vài đoạn hơi lê thê và đôi chỗ liên can tới kiểu cách suy nghĩ của người Ý thế kỷ trước – thứ dễ gây nhàm chán cho người thế kỷ này, thì cuốn sách là một cuộc dạo chơi ngắn thú vị vào hành trình phân tích sự tồn tại của một bản thể người. Những chương đầu sách được tác giả viết theo kiểu vừa chớt nhả vừa úp úp mở mở làm tôi cũng hơi khó khăn chạy theo, nhưng quen rồi, lại ấn tượng với nan đề “nhân dạng” mà tác giả đặt ra, thì tôi cứ thế bị cuốn đi và càng đi tới cuối thì càng thích thú mà bật cười sảng khoái!***Luigi Pirandello là nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người Italia. Ông là con thứ hai trong số sáu người con của một gia đình tư sản chủ mỏ lưu huỳnh. Tài năng văn học của ông thể hiện khá sớm, ngay từ khi còn học phổ thông. Năm 1887, ông vào học ngành ngữ văn ở Đại học Palermo và Roma. Không hài lòng với trình độ giảng dạy ở đây, ông chuyển sang Bonn học và nhận chứng chỉ tốt nghiệp vào năm 1891. Năm 1903, gia đình ông phá sản vì nước lụt phá sập hầm mỏ, người vợ mắc bệnh tâm thần nặng, nhưng ông vẫn tiếp tục sáng tác; cuốn tiểu thuyết Il fu Mattia Pascal (Mattia Pascal Quá Cố, 1904) đã mang lại cho Pirandello thành công lớn, cuốn sách luôn được xếp vào hàng kinh điển của văn chương thế giới. Được viết theo phong cách tiểu sử, Mattia Pascal đưa ra những khía cạnh về thân phận, của căn tính cá nhân và tự do trong khuôn khổ. Câu chuyện bắt đầu với cuộc sống khốn đốn và bất hạnh của một chàng trai trẻ tỉnh lẻ người Ý – Mattia Pascal – Cha chết, gia đình phá sản, chủ nợ chầu chực, hôn nhân bi thảm, bị mẹ vợ khinh bỉ và coi thường; con gái chết, mẹ cũng qua đời, Mattia rơi vào khủng hoảng, anh rời bỏ quê hương để tìm kiếm tự do và cơ hội đổi đời. Và rồi cơ hội cũng đến khi anh thắng được một số tiền lớn ở sòng bạc, anh hớn hở vui mừng định quay lại quê nhà, nhưng trên đường trở về quê Mattia Pascal bỗng phát hiện ra rằng mình được cho là đã chết. Anh nghĩ rằng đây chính là dịp để rũ bỏ ràng buộc cơm áo gạo tiền thường nhật, cơ hội để thoát khỏi số phận tầm thường của mình, một lối thoát cho một cuộc sống mới tự do, một bản ngã thay đổi không bị ràng buộc với nghĩa vụ xã hội, những rắc rối đời thường mà anh đang phải gánh. Với số tiền lớn trong túi, anh đến một thành phố mới, với một ngoại hình mới, và một cái tên mới: Adriano Meis. Tự do là điều ai cũng khao khát để thoát khỏi thực tại bất hạnh khắc nghiệt và cái chết được coi là một viễn cảnh giải phóng của Mattia khỏi toàn bộ gánh nặng kinh tế, nợ nần và cả cảm xúc. Adriano Meis được tạo ra từ những mối quan hệ bị đổ vỡ của Mattia Pascal, là bóng ma được tạo ra từ những thất bại trong cuộc sống của Mattia Pascal. Mới đầu anh thực sự hài lòng, cái tên mới, ngoại hình mới đã ban cho Mattia Pascal một cuộc sống mới dễ thở hơn, tự do tự tại hơn, cho đến khi ký ức của anh ùa về, tràn ngập những nỗi niềm hoài cổ, nhớ thương bản thể cũ, dần dần bản thể mới đã biến thành một nhà tù. Cuối cùng, cho dù đó là Mattia hay Adriano – bản thể mới của anh, chỉ đang cố phơi bày một bóng ma tự tạo vì cả hai bản thể không thể tách rời khỏi nhau. Adriano Meis không thể yêu người phụ nữ yêu anh, anh cũng không có bạn bè, khi mất trộm anh cũng không dám báo cảnh sát, khi bị xúc phạm anh cũng không thể làm gì để bảo vệ danh dự, v.v. Vì khi làm những điều này sẽ cần một tên thật, một tấm căn cước thật mà Adriano Meis không có. Ở đây Pirandello đã lý giải cho tính hợp pháp của xã hội và thực tế hình thành nên những bóng tối đã bị thuyết phục bởi những cá nhân không bao giờ có thể tự giải thoát, trừ khi cái chết vượt qua tâm trí, cơ thể và tâm hồn. Danh tính cần thiết cho đời sống dân sự hợp pháp có phải là gánh nặng của mỗi công dân? Con người tự do đến đâu trong việc xây dựng cho một bản sắc cá nhân? Đâu là tự do tuyệt đối, tự do có cần sự bảo hộ hợp pháp không? Mattia Pascal nhận ra rằng tự do của mình là giả, không tồn tại. Thực tế anh bị ràng buộc với cuộc đời cũ và luật pháp biến anh thành một bóng ma không có tự do, cuộc đời anh treo lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Phải chăng cái giá của tự do là cô đơn, cái giá của hạnh phúc là ràng buộc. Nếu anh muốn yêu thương anh phải phụng sự. Những lý giải về tự do và trách nhiệm xã hội của nhà văn xuất chúng Pirandello cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, đặc biệt nếu so sánh với những danh tác thời hiện đại. Chủ nghĩa hoài nghi của ông cho đến nay vẫn còn giúp chúng ta có được một tri kiến sáng suốt với sự tồn tại các giá trị tự thân, mặt khác cũng cảnh báo chúng ta không nên để tâm hồn chạy theo lối giáo điều thô thiển và mù quáng. Các tác phẩm của Pirandello cũng thường mang khuynh hướng duy thực, đi sâu vào tâm lý, miêu tả nỗi đau khổ của con người. Tên tuổi của Luigi Pirandello không chỉ được biết đến ở Ý mà ở toàn châu Âu. Năm 1934 ông nhận giải Nobel và đã đọc một bài diễn từ, trong đó đề cao thái độ thành thực ngưỡng mộ cuộc sống của các nhà văn, theo ông, đó là điều quyết định cho sự nghiệp.
Mời các bạn đón đọc Mattia Pascal Quá Cố của tác giả Luigi Pirandello & Trần Dương Hiệp (dịch).