Cuốn sách “Mindset – Tâm Lý Học Thành Công” của Carol S. Dweck là một tác phẩm quan trọng giúp độc giả hiểu rõ về khái niệm “mindset” hay “tư duy” và ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển cá nhân và thành công trong cuộc sống.
Carol S. Dweck là một nhà tâm lý học nổi tiếng, và sách của bà khám phá và giải thích về hai loại mindset chính: mindset cố định (fixed mindset) và mindset mở (growth mindset).
- Mindset cố định: Những người có mindset cố định tin rằng khả năng, tài năng, và thông minh là những đặc điểm cố định, không thể thay đổi. Họ có thể tỏ ra tự tin khi thành công, nhưng khi gặp thất bại, họ thường cảm thấy bất lực và thậm chí tránh xa khỏi những thách thức mới để bảo toàn hình ảnh về bản thân.
- Mindset mở: Ngược lại, những người có mindset mở tin rằng khả năng và tài năng có thể được phát triển thông qua nỗ lực, học hỏi, và trải nghiệm. Họ không sợ đối mặt với thách thức và thậm chí thấy thú vị khi gặp khó khăn, vì họ nhìn nhận đó là cơ hội để học hỏi và phát triển.
Cuốn sách giải thích rằng mindset không chỉ định hình cách chúng ta nhìn nhận về bản thân, mà còn ảnh hưởng đến cách chúng ta đối mặt với thách thức, nỗ lực, và thành công. Dweck cung cấp nhiều ví dụ thực tế và nghiên cứu khoa học để minh họa ý tưởng của mình.
Bằng cách đề xuất cách nhìn nhận mới về khả năng và thất bại, sách này khuyến khích độc giả phát triển mindset mở để thúc đẩy sự học hỏi, sự phát triển cá nhân, và đạt được thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Nếu bạn quan tâm đến tâm lý học tích cực và muốn hiểu rõ về cách mindset có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và sự nghiệp, cuốn sách này là một tài nguyên quý giá.
—
LỜI NGƯỜI DỊCH
134.189 từ, 272 trang, 3 tháng ròng, và gần trăm lần muốn bỏ cuộc. Nhưng giờ đây, sau khi đã dịch xong những dòng cuối cùng của cuốn sách, tôi đã chứng minh được với bản thân rằng Mình có thể làm được điều này. Các bạn hẳn vẫn nhớ được những khó khăn, vất vả khi lần đầu tiên làm việc gì đó đúng không? Đây, đây là lần đầu tiên tôi dịch sách.
Tại sao tôi lại chọn cuốn sách này là tác phẩm dịch đầu tiên? Có lẽ là vì đây là cuốn sách tổng hợp lại một cách có hệ thống nhất những gì mà bao năm nay tôi luôn muốn nói với những người mà tôi yêu thương. Tôi cũng từng là một người có Tư Duy Cố Định (một định nghĩa các bạn sẽ được học trong cuốn sách này), và có những đặc điểm kinh điển của lối tư duy này. Tôi không dám thử điều gì mới, dễ dàng bỏ cuộc trước một việc gì đó có thể làm lộ ra khuyết điểm của mình, và luôn lo lắng rằng mình trông ngu ngốc trong mắt mọi người. Thế rồi, bằng một cách nào đó, tư duy tôi tự thay đổi từ lúc nào không biết. Vẫn là cảm giác bồn chồn khi muốn thử làm điều mới, nhưng giờ đây nó là sự phấn khích, kích thích, và tôi vẫn lao đầu vào làm điều làm tôi e ngại. Vẫn có lúc tôi cảm thấy nản chí trước một nhiệm vụ khó khăn, nhưng rồi tôi lại ép mình phải tiếp tục và hoàn thiện nó. Trước đây khi có ai đó cho rằng tôi không làm được điều gì đó, tôi sẽ làm điều ngược lại để chứng tỏ rằng họ sai. Giờ đây dù có người nói với tôi điều đó hay không, tôi cũng vẫn không ngừng tìm những điều mới mẻ để thử thách bản thân, và lần này không phải là vì ai đó, hay vì sự sĩ diện, mà vì chính sự phát triển của bản thân tôi. Có những thứ mà trước đây tôi nghĩ mình sẽ không thể thay đổi được, nhất là những gì thuộc về tính cách đã sống cùng tôi 25 năm, vậy mà giờ tôi đã xóa bỏ được tương đối (nếu không muốn nói là hoàn toàn) những thói quen đó. Quan trọng hơn, giờ tôi luôn cảm thấy vui mừng mỗi khi có ai đó nhìn thấy và chỉ ra cho tôi những khuyết điểm: “Cảm ơn nhé! Tôi sẽ sửa nó! Còn khuyết điểm nào nữa không? Nói tiếp đi! Nói tiếp đi!!!” mà không hề cảm thấy bị tự ái – vẫn xấu hổ, nhưng không tự ái.
Cuộc sống của tôi khi có lối tư duy mới (tôi vẫn không biết mình đã có tư duy mới cho tới khi đọc cuốn sách này) trở nên đầy ắp những cơ hội, và tôi trở nên bận rộn hơn bao giờ hết: lúc nào cũng có những thử thách mới đầy kích thích chờ tôi vượt qua, nhìn ai cũng thấy có điểm đáng để mình học hỏi, và tôi trở thành một con người tốt hơn mỗi ngày. Nhận ra được lợi ích của những phát hiện ấy, tôi rất muốn truyền lại những điều tôi tự ngộ ra được với gia đình, bạn bè và những người khác nữa. Nhưng chỉ nói những điều mình tự phát hiện ra bằng bản năng, trải nghiệm và việc lúc nào cũng nhìn lại bản thân để chỉnh sửa những khuyết điểm có vẻ không đem lại nhiều sức thuyết phục lắm tới mọi người.
Vậy nên khi đọc những trang đầu của cuốn sách này, tôi đã đọc ngấu nghiến nó trong 2 ngày, bởi nó đã giải thích được những gì tôi đã trải qua bằng những khám phá khoa học rất rõ ràng. Tôi thực sự rất muốn tất cả mọi người đều đọc được nó, nhưng tiếc thay nó lại bằng tiếng Anh. Sau một thời gian đắn đo, cuối cùng tôi quyết định bắt đầu dự án dịch sách.
Trong khi dịch, tôi đã cố gắng dùng ý hiểu của mình, sắp xếp lại theo văn phong tiếng Việt, làm sao cho sát nghĩa nhất có thể với bản gốc. Tuy nhiên, một số chi tiết (nhỏ, không quan trọng) chỉ có nghĩa trong văn hóa Mỹ, nên tôi đã lược bỏ bớt, vì vậy bản dịch của tôi sẽ giống với bản gốc chỉ 98%. Có một số chỗ các bạn sẽ thấy tôi dùng lặp từ, đôi khi là vì văn vẻ của tôi hạn chế, phần lớn là vì bản gốc của tác giả cũng lặp lại những từ như vậy.
Tôi mong rằng, với những gì được trình bày trong sách, tất cả mọi người sẽ đều rút ra và áp dụng được những bài học quý báu ở tất cả các lĩnh vực. Chúc mọi người sẽ nhìn cuộc sống theo một góc nhìn mới mẻ hơn, có ích hơn, hạnh phúc hơn sau khi đọc cuốn sách này.
Rất mong sẽ nhận được những phản hồi về bản dịch cũng như những câu chuyện của mọi người kể về những thay đổi dựa theo những gì đã học trong sách.
GIỚI THIỆU
Một hôm, một số sinh viên ngồi nói chuyện với tôi và gợi ý tôi nên viết quyển sách này. Các bạn ấy muốn tất cả mọi người đều có thể sử dụng những kiến thức trong cuốn sách này để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây là điều mà tôi vốn đã muốn làm từ rất lâu, và giờ tôi coi nó như là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Cuốn sách này có một phần dựa trên những nền tảng về tâm lý học có liên quan tới sức mạnh của niềm tin. Đôi khi chúng ta có thể nhận thức được những niềm tin này, có thể không, nhưng chúng có ảnh hưởng rất lớn tới việc chúng ta muốn gì, hay việc chúng ta có thành công trong việc giành lấy những thứ ta muốn hay không. Những nền tảng tâm lý học còn chỉ ra việc thay đổi niềm tin của một người – dù là những niềm tin nhỏ nhất – cũng có thể có hiệu ứng lớn lao tới mức nào.
Trong cuốn sách này, các bạn sẽ được học làm thế nào mà một niềm tin hết sức đơn giản về bản thân bạn – niềm tin mà chúng tôi khám phá ra trong quá trình nghiên cứu – sẽ là kim chỉ nam trong phần lớn đường đời của bạn. Nói chính xác hơn, nó sẽ định hướng bạn trong toàn bộ quá trình phát triển của bạn. Phần lớn những thứ mà bạn định nghĩa là “nét tính cách của bạn” đều được sinh ra từ Tư Duy, và phần lớn những thứ ngăn cản bạn khai thác hết tiềm năng của mình cũng bắt nguồn từ Tư Duy.
Chưa có một cuốn sách nào giải thích về Tư Duy và hướng dẫn mọi người làm thế nào để áp dụng chúng vào cuộc sống. Các bạn sẽ hiểu tại sao có những người lại thành công trong các lĩnh vực như khoa học, nghệ thuật, thể thao, kinh doanh, và có những người lại đáng-nhẽ-có-thể-thành-công-nhưng-lại-thất-bại. Bạn sẽ thấy hiểu hơn về người bạn đời, sếp, bạn bè, và những đứa con của mình. Bạn sẽ được hướng dẫn làm thế nào để giải thoát thứ gông cùm đang kìm hãm sự phát triển của bản thân, cũng như của người khác.
Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được chia sẻ những điều này với các bạn. Bên cạnh những con người mà tôi gặp trong quá trình nghiên cứu, ở mỗi chương, tôi còn thêm vào những câu chuyện tôi góp nhặt được từ báo chí, cũng như từ chính trải nghiệm của bản thân, để các bạn hiểu rõ hơn ứng dụng thực tế của Tư Duy trong đời thường. (Trong phần lớn các tình huống, tên và thông tin cá nhân của nhân vật đã được thay đổi; tôi cũng một vài lần tổng hợp nhiều trường hợp làm một để làm rõ một luận điểm nào đó. Một số các cuộc đối thoại được trích ra từ trí nhớ, và tôi đã cố nhớ lại càng chính xác càng tốt.)
Ở cuối mỗi chương, đặc biệt là chương cuối, tôi đều gợi ý cho các bạn các cách để ứng dụng bài học ở các chương – cách để nhận biết lối Tư Duy bạn đang có, hiểu cách nó vận hành, và cách để thay đổi nó nếu bạn muốn.
Vài lời về ngữ pháp. Tôi nắm chắc ngữ pháp, tôi yêu ngữ pháp, nhưng tôi không phải lúc nào cũng dùng đúng trong cuốn sách này. Tôi bắt đầu nhiều câu bằng Và và Nhưng. Tôi kết thúc nhiều câu bằng giới từ. Tôi dùng từ họ trong những ngữ cảnh đáng nhẽ nên dùng từ anh ấy hay cô ấy. Tôi viết như vậy để ngôn từ không trở nên trịnh trọng quá, và để vào thẳng vấn đề cho dễ. Và tôi mong những độc giả khó tính sẽ bỏ qua cho tôi.
Một vài lời về bản cập nhật này. Tôi cảm thấy tôi cần phải thêm một số thông tin mới vào một vài chương trong cuốn sách này. Tôi đã thêm nghiên cứu mới của chúng tôi về tư duy trong doanh nghiệp ở chương 5 (Doanh nghiệp). Phải, doanh nghiệp cũng có thể có Tư Duy. Tôi thêm một phần mới về Tư Duy Phát Triển Lệch Lạc ở chương 7 (Phụ Huynh, Giáo Viên và Huấn Luyện Viên) sau khi tôi học được rằng những cách sáng tạo mà mọi người hiểu và ứng dụng Tư Duy Phát Triển không phải lúc nào cũng đúng. Tôi cũng thêm “Hành trình tới một Tư Duy Phát Triển Thực Sự” ở chương 8 (Thay Đổi Tư Duy) bởi rất nhiều người đã yêu cầu tôi cung cấp thêm thông tin về cách bắt đầu cuộc hành trình ấy. Tôi mong rằng những cập nhật này sẽ hữu ích cho các bạn.
Tôi muốn nhân cơ hội này để cảm ơn tới tất cả những người đã giúp đỡ tôi thực hiện các nghiên cứu cũng như hoàn thiện cuốn sách này. Các sinh viên của tôi đã giúp những nghiên cứu này trở nên hết sức thú vị. Tôi mong họ cũng học được từ tôi nhiều như tôi học được từ họ. Tôi cũng muốn cảm ơn các tổ chức đã hỗ trợ các nghiên cứu của chúng tôi: William T. Grant Foundation, National Science Foundation, Department of Education, National Institute of Mental Health, National Institute of Child Health and Human Development, Spencer Foundation, và Raikes Foundation.
Những người ở Random House là đội ngũ truyền cảm hứng nhiều nhất mà tôi từng gặp: Webster Younce, Daniel Menaker, Tom Perry, và nhất là Caroline Sutton và Jannifer Hershey, hai nhà biên tập của tôi. Sự hào hứng về cuốn sách và những gợi ý của hai người thực sự đã tạo nên sự khác biệt. Tôi muốn cảm ơn quản lý tuyệt vời của tôi, Giles Anderson, cũng như Heidi Grant – người đã giúp tôi liên lạc với Giles.
Cảm ơn tất cả những người đã cung cấp thông tin và phản hồi cho tôi, nhưng tôi đặc biệt cảm ơn Polly Shulman, Richard Dweck, và Maryann Peshkin vì những bình luận chi tiết và sâu sắc của họ. Cuối cùng, tôi muốn cảm ơn chồng tôi, David, vì tình yêu và nhiệt huyết của anh đã đem lại cho cuộc đời tôi một chiều không gian mới. Những giúp đỡ của anh trong việc hoàn thành cuốn sách này là vô cùng lớn lao.
HAI LOẠI TƯ DUY
Khi tôi còn là một nghiên cứu sinh trẻ tuổi, một điều xảy ra đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Khi đó, tôi bị ám ảnh với việc phải hiểu cho bằng được cách một người đối mặt với thất bại, và tôi quyết định sẽ nghiên cứu điều này bằng cách quan sát cách những học sinh đối phó với những câu hỏi khó. Tôi bèn đưa một vài đứa trẻ vào trong một lớp học, cho chúng thư giãn thoải mái, sau đó đưa cho chúng một tập các câu đố cho chúng giải. Những câu đầu tiên tương đối dễ, nhưng càng về sau chúng càng khó hơn. Trong lúc bọn trẻ nhăn nhó, cắn bút suy nghĩ, tôi quan sát, ghi lại cách chúng xử lý các câu đố và phân tích xem chúng đang nghĩ và cảm thấy gì. Mặc dù tôi đã dự liệu từ trước rằng mỗi đứa trẻ sẽ đối phó với khó khăn theo những cách khác nhau, nhưng điều tôi quan sát được lại làm tôi hết sức bất ngờ.
Khi gặp phải những câu đố khó, một cậu bé 10 tuổi vò đầu bứt tai, xoa hai tay với nhau, liếm môi và kêu lên sung sướng: “Con cực thích mấy câu khó khó kiểu này!”. Một cậu bé khác, cũng đang chật vật với câu hỏi khó, nhìn tôi cười hài lòng và nói: “Mấy câu này khó thật, đúng như con mong đợi”.
Điều gì đã xảy ra với hai cậu bé này? Trước đó tôi luôn nghĩ rằng hoặc là bạn sẽ tránh gặp thất bại, hoặc là bạn sẽ thất bại. Tôi chưa từng nghĩ có người sẽ thích thất bại. Chẳng lẽ mấy đứa trẻ này đến từ hành tinh khác hay sao?
Mỗi người trong chúng ta đều có một tấm gương nào đó để noi theo, một người quan trọng sẽ chỉ ra cho bạn đường đi nước bước vào những giây phút quan trọng. Những đứa trẻ này chính là tấm gương của tôi. Rõ ràng là chúng biết điều mà tôi không biết, và tôi quyết phải tìm cho ra điều đó là gì – để hiểu lối tư duy nào có thể biến thất bại thành cơ hội.
Vậy điều những đứa trẻ này biết là gì? Chúng hiểu rằng, những phẩm tính của con người, ví dụ trí thông minh, đều có thể trau dồi được. Và đó là điều mà chúng đang làm – chúng đang trở nên thông minh hơn (bằng cách làm những câu hỏi khó). Không những chúng không bị nản lòng vì thất bại (không giải được câu đố), mà chúng còn không nghĩ rằng chúng đang thất bại. Chúng nghĩ rằng chúng đang học hỏi.
Mặt khác, tôi đã luôn nghĩ rằng phẩm chất của con người mãi bất biến như được khắc vào đá. Bạn nếu không thông minh thì sẽ là đần độn, và thất bại tức là bạn không thông minh. Đơn giản vậy thôi. Nếu bạn có thể lên kế hoạch để thành công và tránh thất bại hết mức có thể, bạn sẽ luôn giữ được sự thông minh của mình. Mắc sai lầm, kiên trì hay phải vất vả làm điều gì đó là những điều tôi cố gắng không bao giờ làm.
Phẩm chất con người là thứ bồi dưỡng được hay bất biến là vấn đề đã được bàn luận từ lâu. Ý nghĩa của những ý kiến này với bạn mới là điều mà ít ai đặt câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra khi bạn cho rằng trí thông minh, hay tính cách là thứ mà bạn có thể phát triển; và điều gì sẽ xảy ra khi bạn cho rằng điều ngược lại mới đúng? Trước tiên, hãy cùng nhìn lại về bản chất con người, sau đó hẵng quay lại những câu hỏi này nhé.
Nghiên cứu của tôi là về sự phát triển, và nghiên cứu này đã giúp tôi bồi dưỡng sự phát triển của riêng mình. Tôi mong rằng nghiên cứu cũng sẽ giúp ích cho bạn.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Mindset: Tâm Lý Học Thành Công của tác giả Carol S. Dweck