Cuốn sách “Cuốn Sách Về Chủ Nghĩa Tối Giản” của tác giả Chi Nguyễn không chỉ đơn thuần là một hướng dẫn về việc loại bỏ những vật dụng không cần thiết trong cuộc sống, mà còn là một cuộc phiêu lưu sâu vào bản chất của sự thay đổi và cách thức để tạo ra một cuộc sống ý nghĩa hơn.
Cuốn sách này không đưa ra các quy tắc cứng nhắc về việc tối giản, cũng không áp đặt những định kiến về hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống lên độc giả. Thay vào đó, nó mở ra những ý tưởng mới, truyền cảm hứng và khuyến khích độc giả tự mình định hình lối sống phù hợp nhất với bản thân.
Cuốn sách được chia thành ba phần, mỗi phần đề cập đến một khía cạnh cụ thể của cuộc sống tối giản và sự thay đổi:
1. Phần Khởi Đầu giới thiệu về chủ nghĩa tối giản và khám phá các hiểu lầm phổ biến về nó.
2. Phần Tư Duy tập trung vào việc loại bỏ đồ đạc không cần thiết và tập trung vào những giá trị cốt lõi.
3. Phần Hành Động khuyến khích việc đặt ưu tiên và lựa chọn trong cuộc sống, sống trong hiện tại và phát triển tư duy tích cực.
Mỗi chương của cuốn sách đều là một hành trình khám phá và tự khám phá, đưa ra những cơ hội để độc giả hiểu rõ hơn về bản thân và tìm ra cách để thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực và ý nghĩa.
Cuốn sách cũng đề cập đến khái niệm tư duy mở và tư duy đóng, và nhấn mạnh vào việc làm thế nào để duy trì sự phát triển và thích nghi sau khi thực hiện các biện pháp tối giản.
Đọc cuốn sách mọi người sẽ hiểu được
MỞ ĐẦU
Một câu chuyện về chủ nghĩa tối giản
Tôi là ai & tại sao tôi viết cuốn sách này?
Cuốn sách này viết về điều gì?
Cuốn sách này không viết về điều gì?
PHẦN 1: KHỞI ĐẦU
CHƯƠNG 1: Một cách hiểu về chủ nghĩa tối giản
CHƯƠNG 2: Đồ đạc
CHƯƠNG 3: Chọn lựa và ưu tiên
PHẦN 2: TƯ DUY
CHƯƠNG 4: Sống cho hiện tại
CHƯƠNG 5: Tư duy tích cực
PHẦN 3: HÀNH ĐỘNG
CHƯƠNG 6: Cá nhân
CHƯƠNG 7: Thay đổi
Tóm lại, “Cuốn Sách Về Chủ Nghĩa Tối Giản” không chỉ là một cuốn sách về việc giảm bớt, mà còn là một hành trình khám phá và thay đổi từ bên trong, mang lại sự tự do và ý nghĩa cho cuộc sống của mỗi người. Mời các bạn đón đọc cuốn sách Một Cuốn Sách Về Chủ Nghĩa Tối Giản của tác giả Chi Nguyễn
—-
MỞ ĐẦU – MỘT CÂU CHUYỆN VỀ CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN
Đó là một buổi sáng tháng 6 năm 2015. Tôi tỉnh dậy trong căn hộ cho thuê ở vùng Đông Bắc nước Mỹ chỉ để nhận ra rằng mình đang sống giữa một núi đồ đạc. Hàng chục thùng các-tông chất chồng từ sàn nhà lên tới nóc, đồ đạc vương vãi khắp mọi nơi, giấy tờ bay lả tả. Tôi chỉ còn chưa đầy 48 tiếng nữa để chuyển nhà, một mình. Một cơn hoảng loạn đột ngột ập đến, tôi không thở được, toàn thân ớn lạnh, tim đập loạn lên như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, cổ họng nghẹn đắng. Vịn tay vào một góc bàn duy nhất còn trống, tôi gọi cho chồng, chực khóc: “Em không thể làm được! Có quá nhiều đồ đạc phải gói ghém và chuyển đi một mình!”
Chồng tôi, khi đó đang làm việc tại một thành phố ở vùng Đông Nam nước Mỹ, trấn an: “Em chỉ cần xếp tất cả đồ đạc vào hộp các-tông rồi chuyển xuống thùng gỗ dưới nhà, sẽ có người từ dịch vụ vận chuyển đến mang đồ đi. Đơn giản vậy thôi mà!” “Đơn giản?!” Tôi ức đến nghẹn họng, “Từ mấy tháng nay, ngày nào em cũng dọn từ sáng sớm đến tối khuya mà vẫn chưa xong. Có tới hàng trăm ngàn món đồ phải qua tay, cái gì cũng cần phải sắp xếp!” Tôi chực gào lên rằng: “Anh thử đến đây làm mà xem nó đơn giản đến thế nào!” nhưng kìm lại được, tôi im lặng.
Chồng tôi đương nhiên không biết được mọi chuyện tệ đến thế nào bởi vì anh ấy không sở hữu bất cứ món đồ nào trong căn hộ này. Tôi sống ở đây một năm trước khi kết hôn, mọi đồ đạc trong căn nhà này đều do một mình tôi mua sắm, nhặt nhạnh và lưu giữ. Tất cả mớ hỗn độn này là của tôi, do tôi tự chuốc lấy, và tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về chúng.
Đến chiều hôm đó, có lẽ nhận ra tình trạng thể chất và tinh thần của tôi ngày càng tồi tệ, chồng tôi quyết định nghỉ làm, lái xe liên tục 12 tiếng từ Nam ra Bắc, đến giúp tôi dọn đồ. Chiều hôm sau, một người bạn thân của tôi cũng đến giúp. Lôi tất cả đồ đạc từ mọi tủ, kệ, hốc, ngách trong nhà ra, cả ba chúng tôi (đặc biệt là tôi) đều không thể hiểu nổi tại sao một cô gái trẻ sống một mình (với một con mèo) trong chưa đầy một năm có thể tích trữ nhiều đồ đến như vậy. Tất cả đồ đạc chất đầy hai thùng gỗ cao gấp đôi người và đầy cả một xe ô tô bốn chỗ. Bức hình sau ghi lại buổi chiều hôm đó.
Tôi và chồng tôi (Joe) chụp với một-phần-đồ-đạc được chuyển đi ngày hôm đó
Nhìn vào nụ cười tự mãn của mình trong bức hình này, tôi chỉ muốn quay lại quá khứ và cho bản thân vài cái bạt tai (!). Sau hàng tháng trời khổ sở dọn nhà, hoảng loạn khi phát hiện ra mình có quá nhiều đồ đạc, phiền đến hai người khác giúp đỡ, chưa kể phải trả rất nhiều chi phí cho dịch vụ chuyển và lưu trữ đồ đạc, tôi dường như vẫn không cảm thấy có vấn đề gì với số lượng đồ đạc mình sở hữu. Thậm chí, phần nào đó trong tôi còn tự hào vì mình có nhiều đồ đạc. Bằng một cách ma mị nào đó, đồ đạc đã trở thành một dạng “bản ngã” của tôi, nó kiểm soát cuộc đời tôi, và cho tôi cảm giác rằng càng có nhiều đồ đạc, tôi sẽ càng hạnh phúc.
Đó là một ngộ nhận kinh khủng mà phải mất hơn một năm sau đó, sau nhiều lần lạc hướng, mất rất nhiều tiền bạc, thời gian, công sức và cùng với sự thay đổi tận gốc rễ trong tư tưởng với cái gọi là “Chủ nghĩa tối giản”, tôi mới có thể nhận ra được một cách rõ ràng.
Nhưng đó là chuyện về sau – những câu chuyện tạo nên cuốn sách này.
TÔI LÀ AI & TẠI SAO TÔI VIẾT CUỐN SÁCH NÀY?
Tên đầy đủ của tôi là Nguyễn Phương Chi, nhưng mọi người biết đến tôi nhiều hơn với bút danh Chi Nguyễn hay The Present Writer. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Việt Nam nhưng sang Mỹ du học với học bổng bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ năm 2013. Tại thời điểm viết cuốn sách này, tôi là nghiên cứu sinh năm thứ tư ngành Quản lý Giáo dục tại trường Đại học Bang Pennsylvania (The Pennsylvania State University), Mỹ[1]. Bốn năm bắt tay vào nghiên cứu khoa học cũng là bốn năm tôi khởi đầu cuộc hành trình đi tìm các giá trị cốt lõi của cuộc sống và câu trả lời cho câu hỏi: Tôi là ai?
Trong cuộc hành trình cá nhân này, tôi ghi lại những gì mình học được từ cuộc sống và nghiên cứu khoa học vào một trang blog bằng tiếng Việt có tên là The Present Writer (tạm dịch, Người viết ở thời hiện tại)[2]. Ban đầu, mục đích của blog chỉ là để tôi có một nơi viết ra những gì mình suy nghĩ và đúc kết từ cuộc sống; nhưng nhanh chóng, blog đã phát triển thành một cộng đồng lớn, lên tới hàng trăm ngàn thành viên cùng chia sẻ, học hỏi lẫn nhau để xây dựng một cuộc sống tích cực, hiệu năng và giàu ý nghĩa.
Một trong những bài viết đầu tiên của tôi trên The Present Writer có tên là: Tại sao tôi sống theo Chủ nghĩa tối giản (Minimalism)? – Bài viết giới thiệu vài nét cơ bản về Chủ nghĩa tối giản và hành trình của tôi đến với lối sống này. Bất ngờ, bài viết tạo nên sức hút vô cùng lớn với hàng trăm lượt yêu thích và chia sẻ trên mạng xã hội chỉ trong một đêm; và cho tới ngày nay, đây vẫn là một trong những bài viết được đọc nhiều nhất trên blog. Rất nhiều độc giả tìm đến với tôi từ đó.
Nhưng có một bí mật mà ít ai biết, đó là tôi vốn định không đăng bài viết này. Ở thời điểm tôi bắt đầu viết blog (khoảng giữa năm 2016), hầu như không có một bài viết hay tài liệu nào bằng tiếng Việt trọn vẹn về Chủ nghĩa tối giản; khái niệm này dường như vẫn còn khá xa lạ ở Việt Nam. Trong khi đó, Chủ nghĩa tối giản đã trở thành một trào lưu sống mới, phát triển rất mạnh mẽ tại Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu. Tôi tự hỏi: “Liệu độc giả Việt có thực sự quan tâm đến những gì mình viết không, khi Chủ nghĩa tối giản là một điều hoàn toàn mới lạ?” và “Liệu tôi có viết được súc tích, rõ ràng về một khái niệm trừu tượng đến vậy không?”. Sau vài tuần đắn đo, tôi quyết định vẫn đăng tải bài viết này như một thử nghiệm.
Thành công vượt ngoài mong đợi của bài viết có ý nghĩa khai sáng, giúp tôi nhận ra những khó khăn chung mà mọi người gặp phải trong một xã hội đang phát triển, sự đồng cảm trong mong ước và nhu cầu tối giản hóa cuộc sống, giải thoát bản thân, và tìm về những giá trị cốt lõi của hạnh phúc. Từ đó, tôi viết đều hơn và phát triển chủ đề này thành một chuỗi bài viết, giới thiệu những khái niệm mở về Chủ nghĩa tối giản, cách tối giản hóa các sản phẩm vật chất và các giá trị phi vật chất, thay đổi tư duy về công việc, cuộc sống, và các mối quan hệ xã hội… Cùng với thời gian và trải nghiệm, nhận thức của tôi về Chủ nghĩa tối giản cũng thay đổi rất nhiều, và tôi chia sẻ toàn bộ quá trình này với bạn đọc blog qua từng bài viết.
Sau hơn một năm viết blog, tôi cảm thấy đã đến lúc cần hệ thống và củng cố lại những điều mình học được từ Chủ nghĩa tối giản trong một cuốn sách có chiều sâu và chất lượng. Đây là một cuốn sách bước ra từ blog – nhưng sẽ không hoàn toàn giống với blog. Cuốn sách được viết với tư duy lô-gích, rõ ràng và sâu sắc hơn. Tôi tin nó sẽ hữu ích cho mọi đối tượng độc giả Việt Nam – từ những người chưa từng biết đến Chủ nghĩa tối giản, đến những người đã biết, đã thực hành hoặc đang cân nhắc thực hành theo phong cách sống này.
Gấp cuốn sách này lại, dù bạn có quyết định sống theo Chủ nghĩa tối giản hay không, tôi tin rằng bạn sẽ có thêm một góc nhìn mới về cuộc sống hiện tại của mình.
CUỐN SÁCH NÀY VIẾT VỀ ĐIỀU GÌ?
Đúng như tên gọi, đây có thể chỉ là một (trong nhiều) cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản bạn đã, đang và sẽ đọc trong cuộc đời. Nhưng cũng vì thế, nó mang những nét riêng độc đáo và cách tiếp cận vấn đề khác biệt so với những cuốn sách khác cùng đề tài.
Cuốn sách bước ra từ trải nghiệm cuộc sống rất riêng của tôi, một người Việt ở nước ngoài, về lối sống tối giản; dựa trên hàng trăm câu chuyện tôi từng được chứng kiến, được nghe, và chia sẻ lại trong quá trình thực hiện The Present Writer. Nó là sự lồng ghép giữa kiến thức khoa học và thường thức, giữa những bài học cuộc sống truyền cảm hứng và không gian mở để bạn có thể tự chiêm nghiệm và liên hệ với hoàn cảnh riêng của mình.
Đối với tôi, tối giản không chỉ đơn thuần là bỏ đi cái quần, cái áo dư thừa hay dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, mà là cả một cuộc hành trình thay đổi bản thân từ bên trong – tối giản hóa và tối ưu hóa mọi mặt của cuộc sống để xây dựng một lối sống tích cực và hiệu năng hơn. Tôi gọi cách tiếp cận này là holistic minimalism (tối giản toàn diện). Bởi vậy, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy những nội dung “tưởng chừng không liên quan gì đến tối giản” như làm việc hiệu quả, tư duy tích cực… trong cuốn sách này – bởi vì, đó chính là cách tôi nhìn nhận về Chủ nghĩa tối giản. Một khi bạn đã nhìn cuộc đời dưới lăng kính tối giản rồi, mọi thứ diễn ra trong cuộc đời bạn sẽ (và rất nên!) xoay quanh tư tưởng cốt lõi của Chủ nghĩa tối giản.
Vậy, “Một cuốn sách về Chủ-nghĩa-tối-giản-toàn-diện” bao gồm những gì?
Cuốn sách được chia làm ba phần: Khởi Đầu, Tư Duy, và Hành Động. Chương 1: Một cách hiểu về Chủ nghĩa tối giản phác họa một khái niệm mở về Chủ nghĩa tối giản, cũng như những hiểu lầm thường gặp và khó khăn ban đầu khi theo đuổi lối sống này. Trong chương này, bạn cũng sẽ biết thêm về những biến cố đưa tôi đến với Chủ nghĩa tối giản. Chương 2: Đồ đạc chỉ ra con đường bắt đầu tối giản hóa cuộc sống bằng việc từ bỏ những giá trị vật chất không cần thiết và tập trung vào những giá trị cốt lõi. Chương 3: Chọn lựa và Ưu tiên bàn về lý do tại sao chúng ta cần đặt ưu tiên cho mọi mặt của cuộc sống để tối giản hóa và tối ưu hóa những lựa chọn mình đưa ra hàng ngày. Chương 4: Sống cho hiện tại viết về tư duy sống cho cho ngày hôm nay (thay vì ngày hôm qua hay ngày mai) để có thể tận hưởng trọn vẹn nhất những gì mình đang có. Đọc chương này, bạn cũng sẽ hiểu lý do tại sao tôi đặt tên blog của mình là The Present Writer. Chương 5: Tư duy tích cực là tổng hợp các phương pháp giải phóng tư duy khỏi những suy nghĩ tiêu cực và tập nhìn cuộc sống dưới một lăng kính mới, tươi sáng hơn. Chương 6: Cá nhân viết về những giá trị tại thân, khuyến khích người đọc tìm về những sức mạnh bên trong mà ta có thể xem nhẹ trước khi tối giản hóa cuộc sống. Chương 7: Thay đổi giới thiệu khái niệm growth mindset (tư duy mở) và fixed mindset (tư duy đóng), đồng thời bàn về những thay đổi trong cuộc sống “hậu tối giản”.
CUỐN SÁCH NÀY KHÔNG VIẾT VỀ ĐIỀU GÌ?
Cuốn sách này sẽ không cho bạn một “công thức chuẩn” để đánh giá thế nào là tối giản và thế nào là không tối giản, hay sống như thế nào mới là hạnh phúc, là đáng sống. Thay vào đó, nó giới thiệu những khái niệm mở, truyền cảm hứng để bạn thay đổi tư duy và tự đưa ra quyết định đâu là phương pháp tối giản phù hợp nhất cho mình và làm sao để tìm được con đường riêng hướng tới hạnh phúc. Như vậy, sẽ không có điều gì hoàn toàn đúng và hoàn toàn sai từ cuốn sách này, bởi vì tất cả đều được viết bởi trải nghiệm cá nhân và thế giới quan rất riêng của tôi về cuộc sống. Tôi sẽ không áp đặt bạn phải tin theo hoàn toàn những gì tôi viết, và cũng khuyến khích bạn mang một tư duy phản biện khi đọc cuốn sách này. Nếu bạn gấp cuốn sách lại và cảm thấy mình biết thêm được ít nhất một điều nào đó mới mẻ, đáng suy ngẫm, tôi cho đó đã là thành công của cuốn sách.
Cuốn sách cũng không chỉ ra các bước rõ ràng để bạn theo đuổi Chủ nghĩa tối giản vì tôi tin rằng không có quy luật nào cố định cho việc phát triển phong cách sống, và rằng mỗi người cần tìm ra hành trình riêng của mình để đến đích (nếu cái gọi là “đích” thực sự tồn tại trong trường hợp này). Thay vào đó, cuốn sách gợi ra những ý tưởng lớn, từ cá nhân tôi và từ cộng đồng những người đang sống và viết về Chủ nghĩa tối giản, để bạn có thể thực hành ngay hôm nay, theo cách riêng của mình.
Cuốn sách sẽ không tập trung quá nhiều vào việc miêu tả các cách dọn nhà sao cho sạch đẹp, ít đồ đạc, thẩm mỹ nhất như một số cuốn sách khác cùng đề tài, vì tôi tin rằng đây không phải là điểm quan trọng nhất của Chủ nghĩa tối giản (nếu có, nó hẳn đã có tên là “Chủ nghĩa dọn dẹp”). Cũng bởi cách tiếp cận Chủ nghĩa tối giản một cách toàn diện, không áp đặt và phán xét, tôi chủ đích hạn chế chia sẻ ảnh chụp về bản thân hay không gian sống của mình trong cuốn sách, mà thay vào đó là những hình vẽ minh họa gợi mở để bạn không bị gò bó vào bất kỳ khuôn mẫu nào.
Tôi hy vọng bạn sẽ xem cuốn sách này như một sản phẩm truyền cảm hứng, một thông điệp về sống có ích và cảm nhận được tâm huyết của tôi qua từng con chữ.
Tôi biết ơn vì bạn đã chọn cuốn sách và thực sự hào hứng khi nghĩ đến những thay đổi tuyệt vời có thể đến với bạn sau khi đọc đến trang sách cuối cùng.