Giữa những cánh đồng khô cháy tại một vùng quê hẻo lánh của nước Úc, một vụ án mạng đẫm máu xảy ra: Luke Hadler bắn chết vợ cùng đứa con trai sáu tuổi, sau đó quay súng về phía mình và bóp cò.
Khi Aaron Falk – điều tra viên của lực lượng Cảnh sát Liên bang – trở về Kiewarra để dự đám tang gia đình người bạn thân thời thơ ấu, những chi tiết về vụ án nhà Hadler bắt đầu khiến anh nghi ngờ.
Và khi Falk điều tra sâu hơn vụ giết người, những vết thương cũ bắt đầu rỉ máu vào những vết thương mới. Vì Falk và Luke cùng che giấu một điều bí mật… Điều bí mật mà Falk tưởng rằng từ lâu đã bị chôn vùi…
Cuốn tiểu thuyết đầu tay The Dry – Mùa hạn kinh hoàng của cô đã gây được tiếng vang lớn tại Giải thưởng Văn học Victorian Premier năm 2015. Không chỉ có thế, The Dry – Mùa hạn kinh hoàng còn giành được Giải thưởng Sách Anh Quốc 2018 cho Cuốn sách Trinh thám của năm, Giải thưởng Barry 2018 cho Cuốn tiểu thuyết đầu tay hay nhất, Giải thưởng của AMAZON năm 2017 cho Tiểu thuyết trinh thám hay nhất, cùng rất nhiều giải thưởng khác.
The Dry – Mùa hạn kinh hoàng cũng sẽ sớm có phiên bản điện ảnh với sự tham gia diễn xuất của “người khổng lồ xanh” Eric Bana (trong vai Aaron Falk). Bộ phim dự kiến phát hành vào cuối năm 2020.
*********
Nội dung Mùa Hạn Kinh Hoàng bắt đầu với Mật vụ Aaron Falk nhận một bức thư yêu cầu sự có mặt của mình tại đám tang người bạn thân nhất thuở niên thiếu của anh, Luke Hadler. Luke được cho là đã giết vợ và con trai của mình rồi tự sát.
20 năm trước, Aaron đã bị tình nghi cho cái chết của Ellie, một người bạn của anh và Luke. Tuy rằng Luke là người đã làm chứng rằng Aaron luôn đi cùng với mình vào hôm xảy ra bi kịch nhưng gia đình của Ellie và người dân trong làng lại không nghĩ như thế. Họ liên tục gây sức ép và khiến gia đình Aaron phải rời khỏi làng. Và trong lần trở lại này, thái độ thù địch của gia đình Ellie đối với
Aaron vẫn không thay đổi, nhưng dường như còn một người khác biết được rằng Luke đã nói dối để bao che cho Aaron vào 20 năm trước.
Càng tìm hiểu về cái chết của Luke, Aaron lại dường như quay trở về thời điểm 20 năm trước, về lời nói dối của Luke đã ám ảnh anh suốt bao năm qua…
Tốc độ truyện Mùa Hạn Kinh Hoàng chậm nhưng không gây ngán, đan xen giữa hiện thực cùng những hồi tưởng về 20 năm trước. Những tình tiết được ghép nối với nhau rất cẩn thận và khéo léo, vừa đủ để người đọc có thể tự suy luận lấy. Mặc dù lời giải của vấn đề không gây ra bất ngờ lớn (khi số lượng nhân vật trong truyện cũng không nhiều lắm), nhưng cũng không khiến người đọc cảm thấy thất vọng khi nó được hé lộ.
Điểm cộng của cuốn Mùa Hạn Kinh Hoàng này đó là những vấn đề được nhắc đến trong truyện đều được giải quyết một cách triệt để, không đọng lại cảm giác bức xúc với những câu hỏi chưa có lời giải cho người đọc. Kết thúc hay, cũng ở mức vừa đủ, không phải mở hoàn toàn mà cũng không hẳn là đóng chặt.
*********
Mùa Hạn Kinh Hoàng là một tiểu thuyết trinh thám khá “nực”.Bối cảnh trong Mùa Hạn Kinh Hoàng bắt đầu ở mùa hạn El Nino tại một thị trấn nhỏ của Úc, một án mạng đẫm máu đã xảy ra, với nhân vật Luke Hadler được cho là đã bắn chết vợ và đứa con 6 tuổi, sau đó tự sát bằng chính khẩu súng đó.
Aaron Falk là một cảnh sát kinh tế và cũng là bạn thân của Luke từ Melbourne trờ về dự đám tang của gia đình bạn thân. Anh phát hiện nhiều điểm nghi vấn về vụ án mạng và quyết định đồng hành cùng cảnh sát Raco để điều tra. Họ bắt đầu từ quá khứ 20 năm trước. Một người trong bộ tứ bạn thân tự sát. Đó là một vụ tự sát bí ẩn đã khiến các gia đình nghi hoặc lẫn nhau, gia đình Aaron phải rời thị trấn. Cái bóng vụ án năm xưa kéo dài đến hiện tại đến những người đang sống.
Quyển Mùa Hạn Kinh Hoàng này được giới thiệu là đoạt giả Barry năm 2018 ở hạng mục Tiểu thuyết đầu tay hay nhất. Tuy là hay nhưng vẫn có những hạn chế của tiểu thuyết đầu tay. Tiểu thuyết này cũng đã được dựng thành phim The dry, phát hành năm 2020. Tuy được hoàn thành năm 2016 nhưng quyển này lại vô tình đề cập đến những vấn đề nổi cộm năm 2020 – 2021. Ai quyết định đọc thì nên đọc sớm để tăng trải nghiệm mang tính thời sự nhé.
Điểm mình thích:
– Cách vào vấn đề nhanh gọn, vụ án lôi cuốn, không vòng vo. Vụ án mạn được miêu tả chi tiết và khá ghê rợn, đủ lôi kéo người đọc tới cuối.
– Vụ án được lý giải một cách logic, hợp lý, không quá đặc sắc nhưng cũng không có điểm gợn. Tuy nhiên, chỉ cần để ý đến hiện trường và cách hành động của hung thủ thì ngay từ đầu có thể đoán được sự thật cuối cùng.
– Hệ thống nhân vật phụ ổn, không quá đặc sắc nhưng ai cũng có câu chuyện riêng và tính cách được miêu tả rõ ràng.
Điểm mình chưa thích:
– Vụ án 20 năm trước tuy chiếm thời lượng đáng kể nhưng nhạt nhòa, không ấn tượng, không tạo ra được sự lôi cuốn cần thiết. Cả quyển sách có 2 dòng thời gian xen kẽ nhau, độ lôi cuốn theo biểu đồ hình sin, những chỗ nói về quá khứ là trầm lặng nhất.
– Thông thường, đối với các quyển trinh thám khác, khi bí mật của vụ án được giải đáp thì cũng là lúc kết thúc sách. Tuy nhiên, quyển này vẫn còn phân đoạn hành động phía sau khá chán và mờ nhạt, giá như không có đoạn này thì tốt hơn.
****
Hầu hết những cuốn sách văn học trinh thám tôi từng đọc đều truyền đạt thông điệp bảo vệ phụ nữ và trẻ em, nhưng không phải cuốn nào cũng ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả. Có khi nội dung còn nhạt nhẽo, hoặc diễn biến không ly kỳ. Nhưng đối với tôi, “Mùa hạn kinh hoàng” đã thể hiện vừa rõ vừa cảm động thông điệp bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Tôi mua cuốn này vào mùa đông Sài Gòn > 30 độ C nên quyết định đợi đến mùa hạ Sài Gòn > 35 độ C mới đọc, để cảm nhận sát thực tế và hòa mình vào không khí oi bức của câu chuyện. Trong và sau khi đọc, tôi biết mình đã quyết định đúng.
Sau hai mươi năm rời khỏi vùng đồng quê Kiewarra hẻo lánh để đến Melbourne sinh sống, Aaron Falk lái xe sáu tiếng để trở về dự đám tang người bạn thân thuở nhỏ – Luke Hadler. Trong vụ thảm sát xảy ra cách đó hai tuần, Luke đã bắn chết vợ và con trai sáu tuổi, sau đó đưa nòng súng vào miệng tự sát tại bãi đất trống trong cánh rừng thưa chết khô. Hạn hán đã diễn ra hai năm trên vùng đất hoang vu này, biến mọi thứ thành những chi tiết thê lương của một bức tranh khô vàng không có sức sống. Thời niên thiếu, Aaron Falk cùng Luke Hadler và Eleanor Deacon đã từng là ba người bạn khá thân, cho đến khi Eleanor trầm mình dưới sông tự sát (hay bị giết?) và Luke cùng Falk nói dối về chứng cứ ngoại phạm của nhau. Kể từ đó, mọi chuyện vĩnh viễn thay đổi theo chiều hướng ngày càng tàn bạo và tăm tối.
Ngoài lý do đợi đến lúc trời nóng để đọc “Mùa hạn kinh hoàng”, còn một lý do khác khiến tôi chần chừ khi đọc cuốn này: đó là vì sợ bắt gặp những đoạn mô tả tử thi thối rữa trong cái nóng hơn 40 độ C, thế mà ngay đoạn mở đầu, dù thật sự bắt gặp những đoạn mô tả đó, tôi lại chẳng thấy sợ, thậm chí còn bị hấp dẫn, và chậm rãi nhưng liên tục đọc một mạch đến hết cuốn này. Tôi vốn có thành kiến rằng tác giả nữ viết trinh thám không hay bằng tác giả nam, mà “Mùa hạn kinh hoàng” còn bị nhận vài lời chê, nhưng cá nhân tôi thấy thích cuốn này, hưởng thụ được quãng thời gian đọc, và đọc xong không hề hối hận.
ƯU ĐIỂM
Tác giả đã xây dựng được bối cảnh truyện Mùa Hạn Kinh Hoàng là một thị trấn nhỏ heo hút, nơi người dân dù biết nhau rất rõ nhưng vẫn đối xử với nhau một cách vô tâm, không hề nhọc công xác nhận phải trái đúng sai. Tôi vốn không thích truyện / phim có bối cảnh như thế này, vì tôi không thích chứng kiến sự thiển cận của con người, nhưng gần đây tôi tình cờ xem ba cuốn sách đều có bối cảnh là thị trấn nhỏ với phần lớn những cư dân vô tâm, đó là “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát”, “Nhà đen” (Peter May) và giờ là “Mùa hạn kinh hoàng”. Đọc truyện mà tôi nhiều lần nóng ruột bởi thái độ bất công ngu dốt mà nhân vật chính phải chuốc lấy một cách oan ức, nhưng với tư cách là một cảnh sát tài chính và là một người đàn ông trưởng thành qua nhiều đau khổ, Aaron Falk vẫn giữ được bình tĩnh để đối phó với mọi điều đảo điên đổ lên đầu mình. Đọc cuốn này, tôi manh nha ao ước Aaron Falk cũng mạnh mẽ tỉnh lạnh như Jack Reacher, để minh oan cho bản thân và trả đũa đích đáng bọn xấu.
Nhưng không, tác giả Jane Harper muốn Falk vẫn là người đàn ông bình thường, để người đọc phải lo lắng và đồng cảm với anh.
Với cách viết xen kẽ giữa hiện tại và quá khứ, câu chuyện trong Mùa Hạn Kinh Hoàng không hề bị loạn, diễn tiến không bị loãng, thay vào đó độc giả như được giải thích cặn kẽ từng chi tiết. Theo tôi thấy thì từ đầu đến cuối truyện có mối liên kết chặt chẽ, những tình tiết dường như bị bỏ lỡ thì chỉ tạm thời bị che giấu để tạo kịch tính và sẽ được hé lộ ở đúng thời điểm. Tuy có vài sự kiện không được giải thích và giải quyết nhưng độc giả vẫn có thể đoán ra, hoặc tự suy diễn theo chiều hướng tích cực.
Tuy chưa có dịp đọc nguyên tác nhưng qua bản dịch Việt thì tôi thấy văn phong của tác giả Jane Harper rõ ràng gãy gọn, tuy nhiên vẫn có sự đánh đố cần thiết trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Motip không quá mới lạ nhưng lối viết của cô vẫn khiến độc giả nhạy cảm phải rung động. “Mùa hạn kinh hoàng” khiến tôi liên tưởng đến “Trảng đất trống” của Robert Dugoni. Nạn nhân trong hai cuốn này chỉ là nhân vật trong sách, không có thật, nhưng tình cảnh và cái chết của họ khiến tôi đau lòng không dứt, dù đọc xong gấp sách lại vẫn nhớ mãi không quên.
KHUYẾT ĐIỂM
Gọi là “khuyết điểm” vì chi tiết này khiến tôi hơi bất mãn: đến cuối truyện Mùa Hạn Kinh Hoàng, tác giả vẫn không cho độc giả thấy cảnh nam chính Aaron Falk giải gỡ những oan ức hiểu lầm đã trút xuống anh suốt hai mươi năm. Thật ra truyện vẫn có kết vui (happy ending), nhưng tác giả không viết rõ ra mà chỉ để kết mở (open ending) với toàn bộ các dấu hiệu chỉ ra rằng nó sẽ tiến tới happy ending! Thế nhưng tôi vẫn không mãn nguyện.
Như đã viết ở đầu review, cuốn Mùa Hạn Kinh Hoàng này đã thành công truyền đạt thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm. Đọc xong, tâm trạng tôi chùng xuống mất nửa ngày, cảm thấy phụ nữ / trẻ em / thiếu nữ quả thật là những sinh linh cần rất nhiều sự quan tâm + bảo vệ từ người khác, từ cộng đồng, vì họ quá dễ dàng trở thành nạn nhân của bạo hành hoặc lạm dụng tình dục. Đặc biệt đáng tội nghiệp là những thiếu nữ (độ tuổi cấp 2, cấp 3) có tư duy sâu sắc nhưng hoàn cảnh sống lại khiến họ bị vây quanh bởi toàn những tên con trai có thân thể phát triển tràn đầy hormone nam tính nhưng đầu óc lại chậm lụt. “Mùa hạn kinh hoàng” cùng vài cuốn trinh thám Âu Mỹ khác cũng khiến tôi có cái nhìn tiêu cực về người mẹ, người vợ trong gia đình, khi lối sống quá thoáng nên dẫn đến phóng túng, chỉ nuông chiều dục vọng bản thân hoặc ích kỷ thờ ơ không quan tâm đến cả những người thân của mình. Khi phải sống giữa những kẻ lạnh lùng tàn nhẫn, nếu ta cũng bàng quan lạnh nhạt thì chẳng khác nào đánh mất nhân tính. Giữ trái tim ấm nóng thì khó nhưng nếu giữ được thì đến cuối đời tuyệt đối sẽ không phải hối tiếc về bất cứ điều gì.
Tôi đã bỏ ra nhiều phút nhìn kỹ bìa trước và kết luận nó được vẽ bằng máy tính chứ không phải vẽ tay trên giấy. Bìa thật đẹp, ăn khớp từng chi tiết với nội dung truyện. Vì tôi không nhớ rõ “Mùa hạn kinh hoàng” có lỗi chính tả hay lỗi biên tập nào không, nên thôi bỏ qua không bắt bẻ. Đọc được những cuốn sách như thế này góp phần tăng động lực đọc cho mọt trinh thám như tôi. Tôi từng nhìn thấy cuốn “The Dry” nguyên tác tiếng Anh, bìa cứng to dày tại nhà sách Phương Nam ở AEON Bình Dương nhưng khi đó chưa đọc nên chưa có ý định mua, sau này nếu có duyên gặp lại thì tôi sẽ cân nhắc đến việc rước em nó về.
– – –
“Giữa những cánh đồng khô cháy tại một vùng quê hẻo lánh của nước Úc, một vụ án mạng đẫm máu xảy ra: Luke Hadler bắn chết vợ cùng đứa con trai sáu tuổi, sau đó quay súng về phía mình và bóp cò.”
Cái chết của gia đình chàng nông dân Hadler đã thực sự xảy ra và gây thương tiếc biết bao, nhất là đối với người vợ tốt bụng Karen và đứa con trai Billy còn quá nhỏ để chịu nỗi kinh hoàng bị truy lùng và bắn chết ngay chính trong căn phòng ngủ của mình.
Mọi người đều oán trách Luke và tin rằng anh ta đã lên cơn và không còn chịu đựng được những khó khăn của trang trại. Dưới cái nóng như đổ lửa đấy, mọi chuyển động, mọi công việc trở nên chậm chạp và mệt nhọc. Vậy nên, ai cũng muốn tin vào những gì mình thấy và giải quyết mọi thứ nhanh chóng kể cả đổ lỗi vào ai đó thay vì cứ trì trễ tìm kiếm và khám phá giả thuyết khác dễ chịu hơn rằng: có thể có một hung thủ khác đằng sau những cái chết bàng hoàng ấy.
Nóng như muốn thiêu rụi hết tất cả, chỉ một chút rắc rối thôi cũng đủ làm ta điên người rồi. Huống chi, tại thị trấn này – thị trấn Kiewarra, đã hai năm trời không có lấy một giọt nước mưa, chỉ có nắng hạn kéo dài cùng lời nói của những người nông dân, như một câu thần chú, như một lời cầu nguyện: “Nắng mãi rồi cũng phải hết thôi”.
Phải chăng cũng vì thế mà đây trở thành một nơi hoàn hảo để thực hiện một vụ án giết người kinh hoàng?!
Khi những điều đó dần không còn quan trọng, thì Aaron Falk xuất hiện.Anh là điều tra viên của lực lượng cảnh sát liên bang. Và trước khi là một cảnh sát, anh sinh ra ở Kiewarra và là bạn thân của Luke thời thơ ấu. Việc anh xuất hiện tại đám tang gây ra không ít sự chú ý với những ánh mắt không mấy thiện cảm, chính anh cũng không muốn nán lại đây thêm một giây phút nào nhưng các chi tiết trong vụ án đã bắt đầu khiến anh nghi ngờ. Càng đi sâu, càng có những điều kỳ lạ khó hiểu thêm phần nghi ngờ.
“Luke nói dối. Cậu nói dối.”
Luke và Falk đã cùng nhau che dấu một bí mật: liên quan cái chết của cô bạn Ellie năm 16 tuổi. Tưởng chừng nó đã bị chôn vùi trong quá khứ, nay những vết thương cũ đang rỉ máu vào những vết thương mới. Falk quyết tâm mạnh mẽ tìm hiểu về sự thật ẩn sau những biểu hiện đáng ngờ của Luke năm xưa và móc nối với vụ án của hiện tại.
Diễn biến câu chuyện trong Mùa Hạn Kinh Hoàng sẽ ra sao? Tác giả Jane Harper chọn cách từ từ hé lộ những thông tin mới mẻ, đầy hoài nghi. Kịch tính tăng dần khiến mình ban đầu thấy hơi nhàm chán nhưng càng về sau lại càng không thể rời. Có thể bạn đoán biết hung thủ là ai nhưng động cơ giết người mới là điều khiến bạn bất ngờ và thú vị!
Mình thật sự ấn tượng với bối cảnh trong Mùa Hạn Kinh Hoàng là một thị trấn hẻo lánh giữa hạn hán kéo dài. Chính bối cảnh đã tác động không nhỏ đến vụ án. Mùa hạn bào mòn thân xác, nó có thể bào mòn cả nhân tính. Jane Harper đã đặt ngòi bút tài tình lên những tâm lý phức tạp của con người ở thị trấn này.
Do đó, những thành công mà cô cùng cuốn sách này đạt được hoàn toàn xứng đáng: Giải thưởng sách Anh Quốc 2018 – Cuốn sách Trinh thám của năm; Giải thưởng Barry 2018 – Tiểu thuyết đầu tay hay nhất.
Mình được biết The dry – Mùa hạn kinh hoàng sẽ sớm có phiên bản điện ảnh với sự tham gia diễn xuất của “Người khổng lồ xanh” Eric Bana (trong vai Aaron Falk), dự kiến phát hành cuối năm 2020 nên đang rất mong chờ :))
P/s: Đánh giá: 8/10.
*******
NỖI KINH HOÀNG CỦA MÙA HẠN HÁN
Giữa những cánh đồng khô cháy tại một vùng quê hẻo lánh của nước Úc, một vụ án mạng đẫm máu xảy ra: Luke Hadley đã bắn chết vợ cùng đứa con trai sáu tuổi của mình, sau đó quay súng về phía mình và tự sát. Khi Aaron Falk – điều tra viên Cảnh sát liên bang, cũng là bạn thân thời thơ ấu của Luke đã trở về Kiewarra để dự đám tang. Và khi Falk phát hiện những nghi vấn và điều tra sâu hơn về vụ giết người, những vết thương cũ từ xưa bắt đầu rỉ máu vào những vết thương trong lòng mới…
Tác giả Jane Harper đã xây dựng Mùa Hạn Kinh Hoàng được một cốt truyện khá hấp dẫn. Và mình đặc biệt ấn tượng với bối cảnh trong truyện: một nơi hẻo lánh, thêm nạn hạn hán kéo dài.
Tâm lý và cá tính các nhân vật trong truyện từ chính đến phụ được xây dựng tốt với ai cũng có nỗi niềm riêng. Từ Aaron Falk – người bị đồn là có dính líu đến những sự việc trong quá khứ mang trong mình sự thôi thúc tìm ra lời giải đáp cho vụ án mạng, đồng thời trả lại sự trong sạch của gia đình mình trong quá khứ. Hay Raco – cảnh sát của Kiewarra là một người thông minh, sắc sảo tuy nhiên có đôi lúc lại làm việc một cách máy móc…
Câu chuyện Mùa Hạn Kinh Hoàng cũng lên án một xã hội bất công, khi mà thiên nhiên không ưu đãi thì quay ra đổ lỗi cho người khác, thậm chí còn lôi kéo người khác hùa theo mình để đạt được mục đích.
Khâu biên tập của cuốn này thật sự chưa tốt. Số lượng lỗi biên tập khá nhiều, thậm chí trong một trang có vài lỗi.
Nếu như ai đã từng thích truyện trinh thám có bối cảnh thời tiết phức tạp mưa tuyết như “Cuộc thanh trừng mùa đông” thì nên đọc cả bỏ qua cuốn này để thấy được sự đối lập thú vị của bối cảnh tác động đến vụ án khác nhau như thế nào.
Điểm: 7,75/10