Cuốn sách “MUỐI – Sự hồi sinh nơi sâu thẳm vụn vỡ” là một tác phẩm đầy tinh tế và sâu sắc, nó khám phá những khía cạnh về cuộc sống và con người thông qua hình ảnh của hạt muối. Trên thực tế, muối không chỉ là một loại gia vị, mà còn là biểu tượng của sự hợp nhất và sức mạnh.
Bằng cách nhìn vào muối, ta thấy sự phong phú và đa dạng của cuộc sống. Muối có thể tạo ra hương vị đặc biệt cho mỗi món ăn, nhưng cũng có thể tượng trưng cho sự đau khổ và cảm xúc đắng cay trong cuộc sống. Cuốn sách này khám phá những khía cạnh đối lập này và thể hiện sự đa chiều của trải nghiệm con người.
Thông qua việc so sánh con người với hạt muối, cuốn sách nhấn mạnh vào ý nghĩa của sự kết nối và sự hiểu biết lẫn nhau. Chúng ta đều phải trải qua những thăng trầm, nhưng trong quá trình đó, chúng ta cũng có thể hồi sinh và tìm thấy niềm vui và ý nghĩa mới trong cuộc sống.
Tóm lại, “MUỐI – Sự hồi sinh nơi sâu thẳm vụn vỡ” không chỉ là một cuốn sách về gia vị và cuộc sống, mà còn là một bức tranh tinh tế về sự phong phú và đa dạng của trải nghiệm con người. Mời các bạn đón đọc cuốn sách Muối: Sự Hồi Sinh Nơi Sâu Thẳm Vụn Vỡ của tác giả Tôn Tần
—-
Chương 1: Cô Đồng Mù
Thường Dũng từng vô số lần giơ tay ra trong bóng đêm, muốn nắm lấy cô bé tên gọi Thường Anh.
Nhưng, cậu không tài nào cảm nhận được bất kỳ điều gì liên quan đến cô bé, thậm chí đến hơi thở của cô cũng chẳng thể nắm bắt được. Giữa cậu và cô bé cách nhau quá nhiều thế hệ sinh vật, thời gian suốt vài thế kỷ giống như hóa thạch dần dần tích tụ lại, khiến khoảng cách giữa họ càng thêm xa mãi. Thị thoảng khi cậu hồi tưởng lại chút ký ức vụn vặt về cô bé, chẳng qua cũng chỉ giống như vuốt ve một sinh vật cổ đại đã thành hóa thạch. Cô bé là một con cá hóa thạch lắng chìm trong nơi sâu thẳm nhất của thời gian.
Khi Thường Anh được một tuổi rưỡi, bằng một cách thần kỳ cô bé biến thành một gốc cây khô héo, sau đó một cậu bé mang tên Thường Dũng từ trong gốc cây khô đó, mượn dòng máu của cô lớn lên. Cậu bé bấm đầu ngón tay nhẩm tính, từ khi bước ra khỏi gốc cây khô đã được hai mươi hai năm. Bất kể cậu có hướng về phía bầu trời để cao lên thêm bao nhiêu, thì cậu cũng biết rằng mình chẳng qua chỉ là một loài thực vật được chiết từ cơ thể của Thường Anh mà thôi.
Cô bé là rễ cây mà cậu vùi sâu trong đất. Họ mãi mãi không thể nào gặp lại nhau.
Trước năm một tuổi rưỡi, thực ra Thường Dũng tên là Thường Anh. Năm một tuổi rưỡi, Thường Anh mắc bệnh nặng, sốt cao đến mức mù cả hai mắt. Bố mẹ cô bé nghĩ đến việc phải nuôi một đứa mù mà sợ hãi, huống hồ khi đó họ đều làm việc ở mỏ chì, hoàn toàn chẳng có thời gian để chăm sóc một đứa trẻ mù. Thế là, sau cùng họ quyết định vứt bỏ Thường Anh. Ông nội cô bé là một công nhân già làm cờ lê ở xưởng kim khí đã nhận nuôi Thường Anh. Ông đổi tên cô bé thành Thường Dũng, từ đó về sau, Thường Anh biến mất trên cõi đời này, giống như một cái xác ve, gói trọn quá khứ trước một tuổi rưỡi của Thường Dũng.
Từ nhỏ ông nội đã bắt cô bé để tóc ngắn kiểu con trai, mặc quần áo con trai. Giống như Bồ-tát đúc tấm thân vàng, ông “đúc” một tấm thân con trai, sau đó nhốt cô bé ở sâu trong đó. Ông nói với cô bé một cách cố chấp và cứng rắn: “Nhớ lấy, cháu là con trai, không phải con gái, cả đời này đều là con trai, bất kể lúc nào có ai hỏi đến, cháu đều phải nói mình là con trai. Ông biết mình chắc chắn sẽ ra đi trước cô bé, ông không thể ở bên cạnh cô bé mãi được, cuộc đời ông cũng coi như sống không uổng phí, đến khi nhắm mắt cũng có thể biết sau khi mình chết sẽ xảy ra chuyện gì. Vậy nên trước khi chết, ông nhất định phải sắp xếp ổn thỏa cho cô bé mù không nơi nương tựa này rồi mới có thể yên tâm ra đi, một cô bé mù không nơi nương tựa sống trên đời thì có thể gặp vận may gì được? Chỉ cần không bị người ta cưỡng bức đã may mắn lắm rồi. Ngoại trừ bị cưỡng bức, cô bé còn có thể bị cướp, bị trộm, thậm chí bị giết để bịt miệng. Chỉ cần người khác biết được cô bé là con gái, lại còn bị mù, thì sớm muộn gì cô cũng không thể thoát khỏi số phận. Sẽ không ai coi cô bé là con người. Ở cái huyện Giao Thành này, riêng bọn lưu manh chuyên nghiệp đã không dưới năm thẳng, bọn chúng chỉ cần thấy cái lỗ là đã không chịu bỏ qua, nhất định phải đút thử vào xem sao. Huống hồ còn có hết tên lưu manh này đến tên lưu manh khác nối nhau ra đời, quanh năm dục vọng đầy mình, ánh mắt lạnh băng chẳng khác nào thứ vũ khí sắc nhọn.
Cách duy nhất để bảo vệ tính mạng cho một cô bé mù là cắt bỏ tấm thân con gái, biến cô thành một người đàn ông. Để gột sạch những dấu vết con gái của cô bé, từ nhỏ ông đã bắt cô phải đi tiểu đứng, ông nói đàn ông đều tiểu tiện như vậy. Khi cô mười ba mười bốn tuổi bắt đầu có kinh nguyệt, ông liền bảo cô nhất định không được phơi miếng lót ngoài sân, nhất định không được để người khác nhìn thấy, chỉ được giấu trong những góc tối nhất. Ông không cho cô mặc áo ngực, quanh năm dùng vải quây, ép cho ngực cô trở nên phẳng lì, chỉ hận không thể nện hai bầu ngực ấy sâu vào trong thịt giống như đầm nền nhà. Cô không được phép đeo những đồ nữ tính, bởi bất kỳ dấu hiệu nào chỉ ra cô là con gái cũng đều có thể khiến bản thân cô rơi vào chỗ chết.
Giới tính nữ trở thành một căn bệnh, một nỗi sỉ nhục, một ảo ảnh xa xôi và mơ hồ đối với cô.
Cứ thế đến năm mười tám tuổi, Thường Dũng trở thành một loại người hoàn toàn mới và xa lạ trong toàn huyện Giao Thành, tức là loại người ở giữa đàn ông và đàn bà, cắt tóc ngắn và mặc quần áo như đàn ông, đi giày vải chun giống như tất cả những gã trai quê khác, nhưng giọng lại the thé, vừa nghe đã biết là giọng đàn bà. Mặc dù ngực phẳng, nhưng cặp mông tròn trịa nảy tưng tưng trước mắt người khác, đàn ông làm gì có? Thật giống như một đóa hoa ghép trên cành cây khô. Lại thêm đôi mắt sâu hoắm, ngước lên chỉ toàn lòng trắng, như thể lòng đen đã bị chiếm hết chẳng còn lại chút nào, nhìn mà thấy ghê. Mỗi khi mọi người đoán mò về giới tính của Thường Dũng, ông nội lại dắt cô ra phố, nói: “Đây là thằng cháu tôi, hai ông cháu đi bộ ra phố Tây chơi”. Những lời của ông nội giống như một tòa lô cốt, che chắn cho thân phận mỏng manh đáng nghi của Thường Dũng, không cho phép bất kỳ ai lại gần một bước, chỉ cần có kẻ tiến đến, lập tức sẽ cảm nhận được sát khí của ông để rồi không lạnh mà run. Bởi lẽ không thể phân loại chính xác, người ta chỉ đành coi Thường Dũng là một loại người mới, đó chính là ái nam ái nữ.
Mỗi lần ông nội kéo Thường Dũng ra con đường đá xanh trên phố Khước Ba, liền có vô số ánh mắt nhìn chằm chằm vào họ. Phố Khước Ba là một con phố cổ từ thời Minh Thanh, hai bên những hàng quán xập xệ nối nhau san sát, trên mái ngói và tường gạch xanh mọc đầy cỏ dại, dưới ánh trăng trông lại càng thê lương. Phía trên những cửa hàng đã lâu không tu sửa đó còn lưu lại những dòng chữ khắc đá đã mòn: “Tiệm da Đông Quan Hợp Tâm”, “Tiệm bạc Thành Ký”, “Tiệm vải Khánh Hòa Tường”, “Cửa hàng gạo Tứ Hợp Đức”, “Phường xay bột Thiên Nghĩa Công”, những cửa hàng này đến nay vẫn vậy, vẫn bán các thức gạo bột trà dầu, có vài ngôi nhà đã sửa thành siêu thị mini. Rất nhiều gia đình sống dựa vào những cửa hàng như thế.
Lần nào ông nội cũng dùng giọng oang oang hư trương thanh thế, nói với những người ngồi trên phố: “Ông cháu tôi đi mua ít đồ về đây, mọi người cứ ngồi nhé!” Bất chấp đôi chân đang lảo đảo, ông vẫn ngẩng đầu gắng gượng tỏ ra mạnh khỏe, vẻ mặt giống như kép tuồng nhấc hai cây chùy đồng trên sân khấu để hù dọa khán giả. Thường Dũng chống gậy trúc, theo ông nội từng bước từng bước nện trên con đường đá xanh, lộc cộc, lộc cộc, chỉ nghe những âm thanh đó thôi đã cảm giác giống như có một con búp bê gỗ kinh dị đang bước một mình trên con đường cổ lát đá xanh này.
Mùa đông, khi mặt trời lười nhác như một con sâu, bò từng chút một trên con đường đá xanh, người ta lại nghe thấy tiếng gậy trúc gõ trên mặt đất. Vào ngày mưa, khi cả con đường đều vang lên những tiếng ai oán khi hạt mưa đập vào lá chuối, người ta lại nghe thấy tiếng gậy trúc gõ trên mặt đất. Thậm chí nửa đêm, khi con đường chìm trong ánh trăng, giống như một chiếc đèn lồng lấp lánh, người ta lại thoáng nghe thấy tiếng gậy trúc gõ trên mặt đất quen thuộc ấy.
Mọi người đều biết, hai ông cháu một già một trẻ đang đo đường. Đo đường chính là dùng gậy trúc để ghi nhớ xem mỗi con đường đi hết bao nhiêu bước, họ phải đo xem ra tiệm dầu vừng mất mấy bước, ra cửa hàng tạp hóa mất mấy bước, ra hàng gạo mất mấy bước, ra bến xe mất mấy bước, thậm chí ra ủy ban huyện mất mấy bước. Ông nội bảo Thường Dũng, con đường dài nhất này dùng để đi thưa kiện, nếu sau này có người ức hiếp cháu, cháu cứ đi đến hết đường. Họ tính toán cực kỳ chi tiết, mỗi bước đều giống hệt nhau, đều đặn như linh kiện có kích cỡ thống nhất đúc ra từ lò gang, mỗi đoạn đường đều lắp ráp từ những linh kiện đó, chỉ cần thiếu một đinh ốc cũng không thể đi được cả quãng đường.
Đối với Thường Dũng, tất cả những con đường trên đời đều là những con số trong bóng đen vô tận, những con số lớn nhỏ khác nhau, khi cô ôn tập và vuốt ve chúng trong bóng tối, tất cả những con đường liền giống như những đóa hoa cúc nở ra từ khắp nơi trên cơ thể cô, trở thành tất cả thế giới của cô. Đêm khuya, dưới ánh đèn mờ, ông nội lấy ra mấy đồng xu, vừa nghe thấy tiếng cô liền biết đã đến giờ học môn tiếp theo. Ông nội ngày nào cũng huấn luyện cô cách dùng đồng xu để xem bói cho người khác. Bởi lẽ, trước khi ông mất, cô buộc phải học được một nghề gì đó để kiếm ăn, mà đối với một kẻ mù, chẳng còn nghề nào tốt hơn xem bói. Kẻ mù không nhìn thấy gì, chính vì thế nên người ta mới cảm thấy họ có thể thông linh giữa người, quỷ và thần, dường như xem bói sẽ chuẩn hơn người thường. Thế là nghề xem bói cổ xưa trở thành miếng cơm manh áo cho những kẻ mù
Thường Dũng không đọc được sách xem bói, vì vậy ông nội phải truyền miệng từng câu. Xem bói mù thông thường dựa theo Thiên Can, Địa Chi, xếp năm, tháng, ngày, giờ sinh của người đi xem thành tám chữ, rồi dùng sách Can Chi xem ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ tương sinh tương khắc ra sao để dự đoán vận mệnh, cũng chính là cái mà người đời hay gọi là xem bát tự. Sắp xếp bát tự xong, đầu tiên phải xem tháng, xem ngũ hành của tháng là mộc, hỏa, thổ, kim hay thủy, đây là bước quan trọng nhất trong xem bói. Ngoài ra, có một số khẩu quyết thường dùng mà thầy bói nhất định phải nhớ kỹ, ví dụ như “Nam sợ trước sinh, nữ sợ sau sinh”, “Nam sợ đi giày, nữ sợ đội nữ”, “Người tốt mệnh không tốt, người ngoan mệnh không sợ, người tài mệnh không cho”. Nếu về tài vận thì phải nói:
“Bát tự vận số ba đời,
Sang hèn cao thấp vận trời rủi may.
Trường sinh ngộ sát tai bay,
Xung cung mộc dục đọa đày hình thương.
Mũ khăn quan vận tỏ tường,
Phùng tài thất sát đảm đương sao đành.”
Tối nào Thường Dũng cũng học khẩu quyết đến tận khuya, chưa thuộc ông nội chưa cho đi ngủ. Cuối cùng cũng đợi được đến lúc đi ngủ, ông nội tắt đèn, hai người ngồi trên tấm giấy dầu trên giường lò[1]. Ánh trăng chiếu qua khung cửa sổ rọi khắp cả căn phòng, mấy đóa mẫu đơn trên tấm giấy dầu dưới ánh trăng bỗng như nở rộ, khắp phòng thoảng một mùi hương kỳ lạ, một già một trẻ ngồi trên giường lò nở đầy hoa mẫu đơn, an tĩnh như hai bức tượng Phật trên đài sen. Ông nội đột nhiên nói với cô: “Cháu phải nhớ, sau này ông đi rồi, buổi tối chỉ có một mình cháu cũng phải bật đèn, kẻ lạ trông thấy ánh đèn giống như dã thú thấy lửa, sẽ không dám lại gần.” Thường Dũng ngồi dưới ánh trăng bỗng nhiên quay mặt lại, vừa gắng sức mở đôi mắt trắng dã trong bóng tối, vừa thất thanh hỏi: “Ông định đi đâu?” Ông nội ngồi khoanh chân trên một đóa mẫu đơn nhìn cô hồi lâu, sau đó nói một câu: “Ngủ đi.” Thường Dũng vừa nằm xuống lại lục đục bò dậy nói: “Cháu muốn đi tè. Cô xuống giường, mò mẫm tìm chậu tiểu dưới đất. Ông nội cũng bò dậy, nhét một chiếc bình vào tay cô: “Đi tiểu vào đây. Hai tay Thường Dũng ôm chiếc bình bất động, ông nội liền lặp lại: “Đi vào trong cái bình này, tiểu đứng” Thường Dũng vẫn không động đậy, ông liền đá một cái, cả Thường Dũng lẫn chiếc bình đều lăn quay ra đất. Ông nội ngồi trên mép giường lò khẽ nói một câu: “Ông đã bảo cháu bao nhiêu lần rồi, phải đi tiểu đứng như đàn ông ấy. Dậy đi, đứng mà tiểu vào cái bình này.
Thường Dũng ngã dưới đất bắt đầu thút thít, cái bình giống như một khúc xương thừa mọc ra giữa hai tay cô, như thể dù cô có cố gắng thế nào cũng không cắt bỏ được, nó cứ thế lớn lên giữa hai tay cô, vừa cứng vừa rậm rạp, trở thành một hồ nước rộng lớn, còn cô biến thành một xác chết ngâm dưới đáy hồ. Cuối cùng không nhịn được tiểu nữa, cô vừa thút thít vừa đứng dậy, phân biệt hướng của ông nội, sau đó quay lưng về phía ông cởi quần đùi, dạng hai chân dưới ánh trăng bắt đầu đi tiểu vào chiếc bình. Tiểu xong, còn chưa kéo quần, cô đã ngồi xổm xuống đất khóc òa lên, vừa khóc vừa gào: “Cháu không phải con trai, cháu là con gái, là con gái cơ mà!”
Ông nội xuống giường đỡ cô dậy, giúp cô mặc lại quần áo, sau đó dắt tay cô lên giường. Cô nằm dưới ánh trăng như nước, ông nội vẫn ngồi đó, chậm rãi nói: “Dũng à, ông nội đã già rồi, không chăm sóc cháu được bao lâu nữa. Rồi đến một ngày cháu sẽ biết, dù có đi tiểu thì cũng không phải đi cho mình xem, mà là cho người khác xem. Một bức tường hay một cánh cửa hoàn toàn không thể nào ngăn được người ta, cháu không biết đâu, sau này từng giờ từng phút cháu đều phải sống trên sân khấu kịch đèn đuốc sáng trưng đấy. Cháu làm gì cũng đều là để cho người ta xem, chỉ có khiến người khác tin cháu là đàn ông thì cháu mới sống tiếp được.
Thường Dũng khẽ thút thít, dần dần ngủ thiếp đi. Sáng sớm hôm sau khi vừa tỉnh lại, cô đã vô thức gọi một tiếng: “Ông ơi.” Không ai trả lời. Cô bò dậy mò mẫm quanh giường một lượt, không có người, chăn đã gấp gọn đặt ở góc giường. Cô vội mặc quần áo, xuống giường mò lấy giày, sau đó phân biệt phương hướng cánh cửa trong bóng đen vô tận. Cô đi về phía đó mười hai bước, cô nhớ rất rõ, đi mười hai bước là đến trước cửa phòng. Đứng trước cửa, cô lại gọi một tiếng: “Ông ơi. Vẫn không có ai trả lời. Cô bắt đầu hơi sợ, loạng choạng bước qua bậu cửa, cô nhớ ngoài cửa có bậc tam cấp bằng đá, nhưng khi đặt chân xuống vẫn bước hụt, ngã nhào xuống đám rêu xanh dưới bậc thềm. Cô bất chấp bò dậy, phân biệt hướng ra cổng trong bóng tối, cô nhớ từ bậc tam cấp ra cổng phải đi ba mươi bước. Cô hơi giang hai cánh tay đi về hướng giả tưởng đó, mỗi bước đều rất cẩn thận, chẳng khác nào diễn viên xiếc đi trên dây thép. Hết ba mươi bước, cô sờ thấy thanh chặn cửa. Ra khỏi cổng, cô lại hét lên: “Ông ơi” Vẫn không ai trả lời. Cô ngẩng đầu, mở đôi mắt trắng dã rồi lại hướng về phía hư không gọi một tiếng tuyệt vọng: “Ông ơi”
Nước mắt tuôn rơi, cô bỗng nhiên hiểu ra một kẻ mù như cô vốn dĩ chẳng thể níu giữ bất cứ thứ gì. Bất cứ ai hay thứ gì đều sẽ trôi qua đầu ngón tay cô như những giọt sương, trong khoảnh khắc biến mất khỏi bóng tối vô tận vĩnh hằng của cô. Cô từng hỏi ông nội, thế giới mà những người bình thường nhìn thấy trông như thế nào. Ông nói: “Thực ra cũng như nhau cả thôi, mọi thứ đều từ không mà có, cháu không nhìn thấy gì, đó mới là bản chất của thế giới. Đừng cố níu kéo bất cứ thứ gì, cứ mặc chúng đến rồi đi, không có được thì cũng chẳng bao giờ đánh mất, cháu sống trong sự trống rỗng đó mới là tự do thực sự, giống như con cá bơi dưới biển vậy. Hóa ra, từ lâu ông đã nói với cô rằng ngày hôm nay sẽ đến, nhưng vì sao cô vẫn thấy đau khổ và không kịp trở tay đến vậy? Cô loạng choạng chạy ra phố Khước Ba, giơ hai bàn tay mò mẫm khắp nơi, chỉ cần có người đi qua, cô liền tiến lên sờ soạng. Cô ngẩng đầu mở đôi mắt trắng dã, miệng không ngừng gọi to: “Ông ơi! Ông ơi!”
Cô không biết rằng ông nội vẫn luôn đứng cách cô hơn mười bước để lặng lẽ quan sát, lúc này cuối cùng ông cũng đi về phía cô, kéo lấy tay cô. Cô vừa nắm lấy bàn tay ấy liền nhận ra đó là tay ông nội, cô đặt bàn tay già nua đó lên mặt mình, che đi đôi mắt trắng dã trong hốc mắt sâu thẳm, nước mắt ứa qua ke tay chảy ra ngoài. Tay kia của ông nội đặt lên đầu cô, vuốt ve mái tóc ngắn của cô hồi lâu. Cô bỗng nhiên giơ tay muốn sờ lên mặt ông nội, nhưng bàn tay cô bị gạt ra, cô vùng vẫy đòi chạm vào mặt ông, nhưng ông nội lại lùi về phía sau vài bước, khiến tay cô rơi vào khoảng không. Cô không biết ông nội đứng cách hai bước đang lặng lẽ rớt nước mắt nhìn mình, trên mặt và cổ ông nổi đầy hạch, đó là triệu chứng lan rộng của ung thư hạch bạch huyết. Ông nội đứng đó bỗng nhiên nói: “Dũng, nếu có một ngày sau khi tỉnh dậy cháu lại không tìm thấy ông giống như hôm nay, cháu có thể quen với điều đó không? Cháu phải nhớ, xuống giường mười hai bước là đến cửa phòng, ra khỏi phòng có bậc tam cấp, đi thêm ba mươi bước là ra đến cổng, cháu đã nhớ chưa?”
Thường Dũng bất ngờ òa khóc, theo tiếng nói mò mẫm tóm lấy một bàn tay của ông nội: “Ông ơi, ông đang nói gì thế? Ông đang nói gì thế, vì sao ông lại muốn vứt bỏ cháu, sao ông lại không cần cháu nữa, ngay cả ông cũng không cần cháu nữa ư?”
Ông nội chảy nước mắt cười nói: “Cháu ơi, chẳng ai có thể ở cạnh cháu mãi được, ông cũng không thể, vì ông già rồi, nhất định phải đi trước một bước. Nếu có một ngày không thể tìm được ông nữa, cháu cũng đừng sợ, sớm muộn gì cháu cũng sẽ gặp lại ông thôi, ông chẳng đi đâu hết mà sẽ ở nơi đó đợi cháu, tất cả mọi người cuối cùng rồi sẽ lại được ở bên nhau. Thường Dũng ôm chặt lấy ông, khóc đến khản cả tiếng: “Ông đừng đi đâu hết, ông không cần cháu nữa thì cháu sao sống được, cháu làm sao mà sống được?” Ông nói: “Cháu phải sống đến ngày mà không thể nào sống nổi nữa, cho dù không nhìn thấy gì thì mỗi ngày cháu vẫn có thể ngửi hương hoa, nghe tiếng chim hót, thế là đủ rồi. Sống ở đời đừng nên quá tham lam.
Hôm ấy, ông bận suốt ban ngày, hết ngoài sân lại vào trong nhà, ông càng bận rộn, trong lòng Thường Dũng càng sợ, cô bèn theo sát đằng sau ông, thỉnh thoảng lại gọi ông. Cô cứ gọi là ông nội lại trả lời, nhưng hai người cũng không nói thêm được điều gì. Buổi trưa, hai ông cháu ăn mỳ xong liền nằm trên giấy dầu nghỉ ngơi, ông còn quạt cho cô. Mùa hè nóng nực, Thường Dũng cởi vải quấn ngực ra, hai bầu ngực nhún nhảy làm cô thấy xấu hổ, theo bản năng không dám dựa quá sát vào ông nội. Cô biết, người nằm ngủ với mình dù sao cũng là một người đàn ông. Cô nắm lấy một ngón tay của ông nội, dần dần thiếp đi, trong cơn mơ hồ còn nghe thấy ông nội nói: “Dũng, tối nay cháu phải nhớ bật đèn, đi tiểu đứng, tiểu vào trong bình nhé!” Cô mơ màng nhận lời, một nỗi sợ lạ lẫm mà to lớn đẩy cô vào giấc ngủ sâu, khiến cô mê mệt.
Khi Thường Dũng tỉnh lại thì trời đã xẩm tối, cánh tay đang giơ ra của cô thử nắm lại, nhưng bên trong chẳng có gì. Cô lại nắm mạnh một cái, vẫn chẳng có gì. Khắp giường đều chẳng có gì. Mười hai bước, bậc tam cấp, ba mươi bước, cô lao ra phố, hỏi từng người qua đường: “Ông cháu đâu, có thấy ông cháu đi đâu không?” Cuối cùng cũng có người nói, lúc hoàng hôn trông thấy ông nội cô mặc một bộ quần áo sạch sẽ đi một mình về phía hồ Khước Ba. Ông càng đi càng xa, dường như không hề dừng lại bên hồ, chẳng ai biết rốt cuộc ông đã đi đâu. Từ đó về sau chẳng còn ai trông thấy ông nữa.
Ông nội biến mất rồi.