“HÃY ĐỌC THÔNG BÁO ẤY: một loại mời chào mà không phải ngày nào cũng đăng đâu. Hãy đọc đi đọc lại thông báo đó. Nó dường như nhằm vào bạn, chứ không phải bất kỳ ai khác,” cho đến khi bạn, hay chính là nhà sử học trẻ tuổi đang hồi thất nghiệp Felipe Montero, trả lời thông báo và bước chân vào ngôi nhà tăm tối, ẩm ướt và lạnh lẽo đến kỳ bí, nơi góa phụ 105 tuổi Consuelo Llorente sống cùng cô cháu gái mắt xanh Aura. Theo đề nghị của Consuelo, Felipe sẽ ở lại ngôi nhà để viết một cuốn hồi ký về người chồng quá cố nguyên là một tướng quân của bà, đổi lại là một khoản thù lao hậu hĩnh. Chàng trai trẻ bắt tay ngay vào công việc. Nhưng rồi, chàng rơi vào mối tình với Aura xinh đẹp, để rồi từ đó chàng dần dần chứng kiến những sự thật kinh hoàng về thân phận thật chính mình và hai người phụ nữ trong căn nhà ma quái…
“Ông là một nhà văn đại tài, và (ngạc nhiên hơn) có phong cách viết rất đặc biệt ở thể loại truyện kinh dị.”
– Pseudointellectualreviews
Đàn ông đi săn và chiến đấu. Đàn bà mưu mô và mơ ước; là mẹ của trí tưởng tượng, của các vị thần. Đàn bà có được tầm nhìn thứ hai, những đôi cánh cho phép bay tới cõi hư vô của ham muốn và trí tưởng tượng… Các vị thần cũng giống như những người đàn ông, được sinh ra và chết đi trên ngực của một người đàn bà…Jules Michelet***Review sách “Nàng Aura” – Carlos Fuentes
Do năm nào cũng thấy Nàng Aura vào trong danh sách đại giảm giá của đợt Xả kho, nên mình muốn viết 1 bài giành lại justice cho tác phẩm này, rằng nó rất hay và độc đáo. Hy vọng trong những đợt dọn kho kế kiếp các bạn sẽ không “dòng người vội vàng lướt qua” em nó…
NÀNG AURA VÀ OLALLA – MỐI TƯƠNG QUAN KÌ LẠ
Năm 1885, khi đang rà soát lại bản thảo của cuốn sách rồi đây sẽ trở thành kinh điển – Chuyện về bác sỹ Jekyll và ông Hyde – Robert Louis Stevenson đã mơ một giấc mộng, để rồi sau này trở thành hiện thân cho tiểu thuyết ngắn Olalla. 77 năm sau, Carlos Fuentes viết ra một kiệt tác khác – Nàng Aura vào năm 1962 mà không dư hay thiếu chữ nào, để rồi sau đó sẽ bị cấm vì các dụng ý “gợi dục”. Cách nhau gần 80 năm, thế nhưng có thể nói ý tưởng về hai kiệt tác như cuộc “đồng mộng dị sàng” thú vị của hai nhà văn thuộc hai thời đoạn, hai nền văn hóa và hai phong cách hoàn toàn riêng biệt.
*
Có thể thấy rằng, Mỹ Latin dường như là cái nôi mắn đẻ cho những bối cảnh cần đến phép màu. Nơi đây không cần những người con sinh ra từ đất, mà ngay cả những bên tham chiến trong cuộc chiến tranh Bán đảo giữa khối Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha với Liên hiệp Anh cũng có thể mang trong mình một tàn lửa nhất định, và rất có thể Stevenson là một trong số đó. Không cần Freud giải mã giấc mơ, dường như chính miền đất huyền diệu ấy đã phôi thai và ám hương lên hình dung của Stevenson; để những câu chuyện kì dị, gothic, liêu trai thành hình, dù cho khái niệm gothic không đến từ vùng đất này.
Riêng với Carlos Fuentes – gã khổng lồ của văn chương Mexico nói riêng và châu Mỹ Latin nói chung; vùng đất của ông vừa hoang dại nhưng cũng đậm dấu ấn một cách không ngờ. Trong văn chương của Juan Rulfo, người ta nhận ra cái nóng hầm hập ngày càng đi xuống như của một cổ quan tài, nơi không có gió và chỉ có riêng tiếng sỏi lạo xạo. Triển khai từ chính cái lặng im đấy, Fuentes mang gothic vào đô thị, nhưng giờ đây cũng triệt tiêu hoàn toàn dải âm nghe thấy, để đọng lại những tạp âm trắng duy nhất về sự xôn xao của một cõi lòng xáo động.
BỐI CẢNH SONG SONG
Câu chuyện của Fuentes và Stevenson nhìn chung là có sự tương đồng khá thú vị. Hai nhân vật chính đều là nam giới, và định mệnh run rủi cho họ vào một tình cảnh không thể đoan trước. Trong Nàng Aura, đó là nhà sử học Montero làm việc viết sử cho một góa phụ có chồng đã chết; trong khi Olalla là một chàng lính Anh nghỉ dưỡng sau khi bị quân đội bỏ lại. Cả hai đã hơn một lần khước từ ngẫu nhiên, để nằm sau các cách cấu thành cốt chuyện, đó là trò chơi định mệnh, khi Montero không chỉ thấy một lần mẫu tin rao vặt cần một sử gia thạo tiếng Pháp, còn chàng lính Anh cũng không nguôi được nghỉ dưỡng ở gia tộc nay suy tàn dẫu cho đã được cảnh báo.
Bối cảnh cách nhau một thời gian dài, nhưng nhìn chung cả hai nhà văn đều mang được sắc màu của thời đại vào tác phẩm mình. Nếu Stevenson viết trong thời đoạn Chiến tranh Bán đảo, nơi dinh thự có các cầu thang đá lớn, cửa kiểu Moor; thì Fuentes hiện đại hơn, với tòa nhà phong cách Baroque Mexico cùng các tượng thánh, giàn nho phất phơ cũng như mùi rêu ẩm mốc cùng phong cách thuộc địa cũ. Gothic trong phong cách kiến trúc được hai nhà văn khắc họa một cách rõ ràng, dẫu ở đâu thì vùng đất ấy đã mang sẵn trong mình một sự huyền ảo.
“Nhân sư” dẫn dắt nhân vật chính đi vào đóng hỗ lốn của mình cũng đặc biệt giống nhau. Nếu chàng Montero luôn được một thiếu phụ áo xanh, thân thể trắng muốt, dong dỏng cao dẫn dắt trong những mê lộ hành lang của căn nhà thiếu ánh sáng vì đô thị xung quanh xây chen; thì trong Olalla, người đảm nhận vai trò này, mà khốn thay, cũng trùng cái tên Filipe như chàng Montero – em trai của Olalla. Filipe được mô tả lúc thì ngây ngô hát những bài đồng dao, nhưng cũng có khi tàn ác như khi vặn cổ chú sóc. Hai dáng hình ấy đưa nhân vật vào một không gian chung của câu chuyện có phần tương đồng, nhưng chính ở đây mọi thứ rẽ khác.
HIỆN THỰC – KÌ ẢO
Nếu Stevenson mang được chất huyền ảo của Latin vào trong bối cảnh nhưng hầu như câu chuyện là thực; thì Fuentes tiếp nhận và nâng cao chất kì ảo đặc trưng của dải đất quê hương, nơi ông xây dựng Nàng Aura như một hỗn hợp vừa thực mà cũng không thực- vẩn vơ, bảng lảng và mù sương khói. Stevenson vẫn dùng văn chương thuần tuyến tính của phương Tây vào thời điểm đó, ông không cách tân lối viết, tuy có dùng những yếu tố như khởi nguồn đặc trưng sau này của châu Mỹ Latin, như hình tượng cơn gió độc, bà mẹ ủ ê, thú tính vật vờ trong ánh sáng ban ngày.
Hoàn toàn ngược lại, Fuentes đóng kín nhân vật của mình trong ngôi nhà số 815 phố Donules, để người đọc thấy được vòng tròn quẩn quanh mà ông tạo ra, như một kiểu mê cung của Borges. Chàng sử gia Montero hết đi đến phòng trên cao rồi lại đến chỗ bàn ăn, từ bàn ăn đi vào phòng ngủ nơi chứa những tập bản thảo cũ mốc… Câu chuyện được tiếp diễn qua vài ba vòng lặp như thế, để cứ mỗi một lần như lát cắt phạm, Fuentes tung ra sự thật từng chút một; từ cô gái trẻ xanh xao không bao giờ dùng bữa, cho đến sự xuất hiện hầu như bất động khi có mặt đồng thời bà góa và cô nàng thanh xuân, cho đến con thỏ và cuối cùng là ba đêm tội lỗi.
Tuy Stevenson rất có thể nói là người đặt nền móng cho yếu tố kỳ ảo đậm chất Latin trong tác phẩm của mình; thế nhưng Fuentes mới là người nhân nó lên và biến nó trở thành đặc biệt. Olalla của Stevenson đến sau cùng vẫn tồn tại và có thật, cô không giống Aura của Fuenets, mang nhiều dáng hình cũng như cảm xúc. Fuentes với cách viết nhiều vòng tròn đồng tâm lan ra từ từ, kết hợp với yếu tố gothic – kinh dị, khóa chặt người đọc vào văn bản của mình. Ông là nhà văn thiên về tâm lý, trong khi Stevenson chỉ đơn giản thuật lại, tuy là mới mẻ nhưng không đào bới tận cùng. Với hai cách diễn đạt khác nhau, nhưng bất ngờ thay, sau cuối cả hai đều là những câu chuyện tình đau thương.
GIỌT MÁU CHUNG TÌNH
Tuy tiếp cận câu chuyện từ hai hướng và hai phong cách viết, thế nhưng ẩn sau tầng tầng lớp lớp yếu tố kì dị, thì tình yêu ngăn cấm là thứ mà hai nhà văn hướng đến. Stevenson không những dùng sớm yếu tố kì ảo, mà còn cho thấy vấn đề muôn thủa của lục địa này, để rồi sau đó chính Marquez sẽ nhân nó lên làm thành tác phẩm huy hoàng nhất của mình – hôn phối cận huyết. Chính yếu tố sáng rõ này là thứ phân đôi tình yêu của Olalla và chàng lính trận, để kết thúc dòng máu suy vong, để ấn định cái kết của một gia tộc. Có lẽ nào chính ngọn gió độc, tiếng thét điên cuồng của bà mẹ điên trong đêm đen thẫm hay cơn khát máu bập vào thịt sống; là những dấu chỉ rõ nhất cho thứ bệnh điên cần được loại bỏ?
Hơn một lần Olalla cầu xin chàng ta rời khỏi nơi đó, để cuối cùng trên ngọn đồi cắm phập thánh giá, một lần nữa họ gặp lại nhau để Stevenson “thánh hóa” sự hy sinh của tình yêu không được đền đáp. Lần gặp thứ hai như xác tín cho đức tin, sự minh triết cũng như những gì họ đã bỏ qua. Cũng thư thế, Fuentes mất đến ba đêm để chắc chắn thứ trước mắt chàng Montero không là ảo ảnh. Từ hành động lột da dê song song ở hai người đàn bà, một ở bếp và một ở phòng ngủ, Montero bắt đầu có những nghi ngại đầu tiên. Thế nhưng bởi dục vọng chìm đắm trong sắc đẹp của Aura, chàng đã ở lại với đôi mắt thỏ và những linh hồn lẩn khuất trong đêm.
Đêm đầu tiên, chàng cảm thấy da thịt của một cô gái trẻ, đúng là Aura với chiếc váy xanh mà chàng thèm muốn. Thế nhưng đến đêm thứ hai, đó đã là da thịt trưởng thành, cứng lại, rắn đanh, mang dấu ấn thời gian của người đàn bà trung niên với tình yêu dường như đã đi qua một nữa đời mình. Đêm thứ ba, đêm cuối cùng; da thịt mơn man đã về lại với nhăn nheo ở quãng đời cuối, của sự co lại, gập gềnh núi đá lởm chởm, đó cũng là khi Montero biết mình dấn thân vào câu chuyện gì.
Cả Fuentes và Stevenson không kết thúc một cách rõ ràng câu chuyện của mình. Montero bừng tỉnh trong đêm thứ ba và câu thoại (hay là tuân mệnh?) đi tìm Aura thanh xuân; trong khi anh lính trẻ không ngừng quay lại để thấy Olalla đứng mãi bên cây Thánh giá. Nàng đã hóa thánh, được gột rửa sạch và nhận hết mọi tội lỗi của dòng tộc suy vong; trong khi giờ đây Montero như bị thôi miên trong những vòng màu đan cài, giữa thời khắc của cổng thời gian kéo dài ba ngày, có thể mãi mãi hay không bao giờ đóng, liệu còn gắn bó hay sẽ chia phôi với Nàng Aura, ai biết. Nhưng dẫu sao đó là chuyện tình đau thương và đầy muộn phiền của sự đứt gánh.
*
Là mối tương giao kì lạ của hai nhà văn ở hai thời kì, Nàng Aura và Olalla mang trong mình sự tương đồng ở nhiều yếu tố trong cốt truyện, thế nhưng bằng phong cách viết cũng như triển khai cốt truyện khác nhau, phản ảnh 1:1 giữa hai tác phẩm cho ta góc nhìn thú vị về câu chuyện tình yêu vừa đẹp đẽ nhưng cũng đau đớn. Stevenson dưới cách thể hiện khác lạ nhiều yếu tố Latin mang đến Olalla lạ lẫm và đầy say mê; trong khi Fuenetes quán triệt đặc trưng của lãnh địa mình, hình thành một vòng thời gian khác lạ và đầy thôi miên. Một sự tương đồng độc đáo.Review của độc giả Ngô Minh – Nhã Nam reading club“NÀNG AURA” (Carlos Fuentes) – Nhân duyên tiền định hay dục vọng vô biên?
Ra mắt năm 1962,*** Nàng Aura*** ***(Aura) ***là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của tác giả Carlos Fuentes, cũng là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của nền văn học Mỹ Latin đương đại. Vinh dự được trao giải thưởng cao quý Miguel de Cervantes Saavedra, tác phẩm đã đưa Fuentes trở thành một trong những tượng đài lớn của văn học Mỹ Latin bên cạnh Gabriel Garcia Marquez, Mario Vargas Llosa, …
Câu chuyện của Nàng Aura bắt đầu từ đoạn tình cảm lỡ dở, gập ghềnh và trắc trở kéo dài 27 năm đằng đẵng giữa Giorente và Consuelo. Khi còn trẻ, họ đã đến với nhau bởi tiếng sét ái tình và trở thành đôi vợ chồng đầu ấp tay gối đến tận lúc đầu bạc răng long. Tưởng rằng cái c.h.ế.t sẽ là dấu chấm hết cho mối tình đẹp đẽ, nhưng Consuelo lại không nghĩ như vậy. Consuelo sở hữu một pháp lực trời ban, cùng niềm khao khát thanh xuân vĩnh cửu, bà đã nhập thân vào hình hài cô gái đôi mươi Aura để sống một cuộc đời trẻ mãi không già. Nhưng cũng bởi vậy, bà cũng phải chứng kiến sự già đi rồi chết dần của Giorente, người mình yêu thương nhất.
Cứ vậy, suốt 27 năm về sau, Consuelo, trong thân phận “nàng Aura”, vẫn sống một kiếp đời bất tử trong nỗi nhớ nhung da diết giày vò từng ngày từng đêm. Để rồi khi một chàng trai trẻ tên Felipe xuất hiện, ngọn lửa tình yêu cuồng nhiệt lại nhen nhóm trong Consuelo một lần nữa. Bởi Consuelo biết, anh chính là chuyển thế của Giorente, được định mệnh sắp đặt để tái ngộ với bà.
Cách Felipe đến với “nàng Aura” hệt như Giorente thuở nào, từ ánh mắt si tình chỉ trong lần đầu gặp gỡ “nàng Aura”, đến cái cách anh nâng niu từng trang sách lịch sử, những trang hồi ký của người chồng quá cố. Tiếc rằng, chỉ có khuôn mặt kia, đã không còn là Giorente bà từng biết nữa. Nhưng với ma pháp cao cường của Consuelo, bà rắp tâm biến mọi thứ không thể phải thành CÓ THỂ.
Một âm mưu kinh hoàng dần được bày ra, với hàng loạt những ám thị nối đuôi nhau.
Những bí mật khuất lấp dần được hé lộ, về người đàn bà Consuelo, và về ngôi nhà cổ quái của bà ta.
Một bí mật về tuổi xuân vĩnh cửu, về dục vọng ẩn sâu. Và đó cũng là câu chuyện tình vượt thời gian, vượt qua cả cái c.h.ế.t, bất chấp mọi giới hạn mà con người có thể tưởng tượng ra.
Bằng một câu chuyện giản đơn chỉ vỏn vẹn chưa đầy trăm trang giấy, Carlos Fuentes đã dẫn độc giả bước vào không gian Mỹ Latin cổ xưa đậm chất Gothic ma mị nhưng không kém phần quyến rũ. Lồng ghép trong một câu chuyện tình vượt thời gian, cốt truyện cũng sử dụng những nút thắt mở tài tình, khiến cho độc giả phải xoay mòng mòng trong những giác cảm mơ hồ giữa thực và mơ, giữa quá khứ và hiện tại.
**Nàng Aura **bắt đầu bằng một không gian Mỹ Latin đầy hoài niệm: đó là khung cảnh những dinh thự cổ có kiến trúc kiểu Baroque Mexico từ thời thuộc địa, với những bức tượng thánh cổ quái cùng những hành lang tróc sơn cũ kĩ. Ở nơi đó cũng thấp thoáng những dấu hiệu chuyển giao thời đại, với những khu dân cư hỗn tạp đủ mọi mọi ngành nghề dần chiếm chỗ khu dinh thự, với nhịp sống hối hả và bộn bề tấp nập đang từng bước thay thế đời sống cũ. Những đoạn văn gợi tả đó, dù chỉ ngắn gọn trong vài trang đầu, nhưng đủ để làm nền cho cảnh trơ trọi lẻ loi của ngôi nhà cổ quái của Consuelo giữa trung tâm khu phố xưa, làm bật lên vẻ ma mị đáng sợ cổ quái với những ai ghé thăm nơi đây lần đầu tiên.
Motif kinh dị lãng mạn của** Nàng Aura** có thể nói là không quá mới mẻ, nhưng chất liệu Mỹ Latin lại là nhân tố đáng chú ý khiến mình phải lưu tâm tới. Không gian trong Nàng Aura được bao trùm bởi màu sắc hiện thực huyền ảo hiển hiện trong nhiều chi tiết, từ sự già đi bất thường của “nàng Aura” đến màn hóa thân gây choáng váng của nàng. Nó còn ẩn hiện trong những hành tung kì quái và sự xuất hiện đồng thời của cả hai người phụ nữ là Consuelo và “nàng Aura”, đến những ảo giác ma quỷ thoắt ẩn thoắt hiện trong tiềm thức Felipe mỗi đêm.
Không chỉ vậy, Carlos Fuentes cũng thể hiện xuất sắc trong việc khắc họa bầu không khí Gothic vừa quỷ dị vừa huyền ảo trong căn nhà của Consuelo. Ngôi nhà bị bao trùm bởi bóng tối dày đặc, chìm nghỉm lúc nhúc giữa các tòa nhà hiện đại đan xen nhau, tựa như hình ảnh người chủ nhân phải chịu cảnh cô đơn hiu quạnh suốt năm tháng. Trong cái không gian chật hẹp đó, những tiếng mèo kêu nhức óc, lũ chuột và con thỏ mắt đỏ được thêm thắt vào như là những yếu tố gợi mở đầy ẩn ý. Trong căn phòng được bày ngổn ngang các dụng cụ thờ cúng, nhưng thực ra lại để dành cho một nghi thức tà đạo ma quái. Chỉ có ánh nến lờ mờ dường như là nguồn sáng duy nhất hiện diện giữa bóng tối u minh. Nhưng đâu ai biết, những lúc chập chờn, lúc chạng vạng có hay mới là lúc ma quỷ hiện diện rõ ràng nhất.
Sự khắc họa những góc tối sâu thẳm trong nhân tâm của truyện cũng khiến mình băn khoăn rất nhiều, trước khi nút thắt cuối cùng được bật mở. Đó là một Consuelo bị ám ảnh bởi cái c.h.ế.t và tuổi xuân vĩnh hằng. Đó là Giorente – kẻ mà dù ở kiếp nào, dù mang hình hài Llorente hay Fellipe, đều tỏ rõ là hạng người dễ bị cám dỗ bởi dục vọng và dường như không có khả năng kháng cự lại nó. Nực cười là, Giorente đã từng chê trách rằng Consuelo “đã từ thiên thần hóa quỷ dữ”, rằng bà đã quá tham lam khi cố níu kéo thanh xuân, nhưng chẳng phải chính bản thân ông ta, ở cả hai kiếp sống, cũng không thể cưỡng lại sự ham muốn với vẻ đẹp của “ác quỷ” đó sao? Chẳng phải chính ông cũng giấu trong lòng cơn thèm khát không thể tả bằng lời với nét thanh xuân rạng rỡ của “nàng Aura” sao?
Tuy vậy, khi gấp lại cuốn sách, mình hoàn toàn không cảm thấy đáng sợ hay căm ghét họ, bởi xét cho cùng, dục vọng của họ chỉ là đại diện cho ước mơ muôn thuở của con người. Khi còn trẻ, chúng ta giống Felipe, khao khát yêu đương, khao khát sống hết mình vì tuổi trẻ. Còn khi về già, chúng ta trở thành Giorente và Consuelo, lại hoài niệm về thanh xuân, hoài niệm đến ăn mày dĩ vãng, dẫu cho đó là điều bất khả không bao giờ trở thành hiện thực được, chỉ trừ trong** Nàng Aura.**Review của độc giả Kiên Trần – Nhã Nam reading club
Mời các bạn mượn đọc sách Nàng Aura của tác giả Carlos Fuentes & Phạm Triệu Lập (dịch).