Cuốn sách “Nghệ Thuật Trì Hoãn” của John Perry đưa ra một góc nhìn mới mẻ và đầy sáng tạo về việc quản lý thời gian và công việc. Thay vì coi trì hoãn là một vấn đề, tác giả khẳng định rằng việc trì hoãn có tổ chức có thể là một cách hiệu quả để giải quyết công việc.
Trong cuốn sách, John Perry giải thích rằng việc trì hoãn có tổ chức không phải là việc chúng ta làm khi chúng ta lười biếng hoặc không muốn làm việc. Thay vào đó, đó là một chiến lược được áp dụng thông minh để tối ưu hóa thời gian và năng lượng của chúng ta. Thay vì vội vàng hoàn thành mọi việc trên danh sách, chúng ta có thể tạm gác lại một số công việc và chờ đợi cho đến khi chúng trở nên cấp bách hoặc cần thiết hơn.
Bằng cách này, chúng ta có thể tận dụng thời gian và năng lượng của mình hiệu quả hơn, tránh được cảm giác bị áp đặt bởi những công việc không quan trọng hoặc không cần thiết. Cuốn sách này cung cấp những kỹ thuật và phương pháp cụ thể để áp dụng việc trì hoãn có tổ chức vào cuộc sống hàng ngày, giúp chúng ta giải quyết công việc một cách thông minh và hiệu quả hơn.
Với cuốn sách này, bạn có thể học được cách quản lý thời gian và công việc một cách thông minh, từ đó tạo ra một cuộc sống dễ dàng và thoải mái hơn. Bạn sẽ hiểu rõ hơn về cách sử dụng việc trì hoãn một cách có tổ chức để tối ưu hóa hiệu suất cá nhân và đạt được mục tiêu của mình một cách hiệu quả nhất.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Nghệ Thuật Trì Hoãn của tác giả John Perry
► Đừng bỏ qua sách này nhé:
Phần mở đầu NGHỊCH LÝ CỦA TÍNH TRÌ HOÃN
Về bản chất, con người là một loài động vật có lý trí. Khả năng tư duy được xem là điểm khác biệt lớn nhất giữa con người và những loài động vật khác. Vì vậy, dường như chúng ta phải luôn luôn tuân theo sự mách bảo của lý trí, hành động dựa trên những suy xét kỹ càng và chỉ làm những điều mà chúng ta cho là nên làm nhất. Plato và Aristotle đã bị tư tưởng này lôi cuốn đến nỗi họ tìm ra được lý do mang tính triết học khi chúng ta đi ngược lại với tư tưởng đó: akrasia4, nguyên nhân ẩn giấu giải thích vì sao nhiều người cố tình không làm những điều mà họ biết là nên làm.
4 Tạm dịch: Sự thiếu tự chủ.
Hình ảnh ở trên mô tả con người như một thực thể có lý trí, chỉ thực hiện những điều tốt nhất ngay sau khi đã suy xét và tính toán kỹ càng, điều đó đã bám rễ trong tâm trí con người ngay khi nó được mô tả lần đầu từ thời cổ đại. Những môn khoa học xã hội thiên về định lượng, ví dụ như kinh tế học, phần lớn dựa trên quan niệm con người là loài động vật có lý trí, luôn hành động nhằm thỏa mãn những mong muốn quan trọng nhất. Cách nhìn nhận đó chưa hẳn là hoàn toàn đúng, nhất là khi những ngành khoa học xã hội khác, bao gồm tâm lý học và xã hội học, đã cung cấp những chứng cứ thuyết phục rằng chúng ta không hề hành động như thế.
Tôi không phản đối những hành động dựa trên lý trí, hay làm những điều tốt nhất bạn nên làm, hay làm những điều khiến bạn thỏa mãn nhất. Tôi cũng thử cách này nhiều lần và thi thoảng cũng thu được kết quả tích cực. Nhưng tôi cho rằng cái tư tưởng về một cỗ máy lý trí chính là ngọn nguồn của rất nhiều nỗi bất hạnh không đáng có. Đó không phải là cách mà nhiều người trong chúng ta hành động, và đó chắc chắn không phải là cách mà tôi hành động. Cách hành động thông thường của chúng ta cũng không phải là không tốt và chúng ta không cần vì thế mà phải cảm thấy xấu hổ hay tuyệt vọng tới mức không còn muốn sống nữa.
Nhược điểm cố hữu của tôi khiến tôi không thể sống theo tư tưởng này là tính trì hoãn. Năm 1995, trong khi bỏ bê những dự án đáng lẽ phải thực hiện, tôi bắt đầu cảm thấy bản thân mình như thể đang mục ruỗng. Nhưng tôi đã nhận ra một điều. Nói chung, tôi được biết đến là một con người rất được việc và có rất nhiều đóng góp cho nơi tôi làm việc – trường Đại học Stanford và cho chuyên ngành mà tôi theo đuổi – triết học. Đây hẳn là một nghịch lý. Thay vì bắt tay vào những dự án quan trọng, tôi bắt đầu suy nghĩ về vấn đề này. Tôi nhận ra tôi có thể tự gọi mình là một người trì hoãn có tổ chức: một kiểu người làm được rất nhiều việc bằng cách tránh né những việc khác. Tôi đã viết một bài luận nhỏ, chính là chương 1 của cuốn sách này và ngay lập tức cảm thấy tự tin hơn.
Bài luận đó về sau được đăng trên tờ The Chronicle of Higher Education và tạp chí khoa học mang tính châm biếm tên là The Annals of Improbable Research và tôi cũng đưa bài viết lên trang web của Đại học Standford. Hiện tại, tôi là một triết gia chuyên nghiệp, nghe khá lạ tai phải không? Tôi đã viết nhiều bài báo và một vài cuốn sách. Những bài viết và sách của tôi, khiêm tốn mà nói, tràn đầy tư tưởng sâu sắc, kiến thức uyên thâm và lập luận thông thái; chúng góp phần đưa hiểu biết của nhân loại lên một tầm cao mới về đủ các chủ đề thú vị – từ ý chí tự do tới bản dạng cá nhân rồi bản chất của tính cách. Bố mẹ tôi đã mất nên tôi là người duy nhất đánh giá cao sự nghiệp triết học của mình đến vậy. Nhưng kể từ khi tôi trở thành giảng viên chính thức của Đại học Standford, nơi mà có mơ tôi cũng không dám nghĩ rằng mình được nhận vào học dù ở bất cứ trình độ nào, nhưng công trình của tôi đã đủ để người ta giữ tôi lại làm một giảng viên dạy triết học. Vậy nên, chắc đó không chỉ là một mớ triết lý tầm phào.
Vậy mà, không một tác phẩm nào của tôi lại thu hút và đem lại nhiều lợi ích cho độc giả – ít ra họ cũng tự nói thế – cũng như nổi tiếng trong một thời gian dài như bài luận về sự trì hoãn có tổ chức. Sau nhiều năm, đó vẫn là bài viết có nhiều lượt đọc nhất mỗi khi người ta tìm kiếm từ khóa “sự trì hoãn” trên Google. Về sau, tôi chuyển bài viết từ trang web của Đại học Stanford sang một trang cá nhân do tôi lập ra (http://www.structuredprocrastination .com/) để bán áo thun có chữ Trì hoãn có tổ chức. Ban đầu, lượt truy cập có giảm đôi chút nhưng rồi cũng tăng trở lại, tới bây giờ nó không thua bài viết về sự trì hoãn của Wikipedia là bao. Hàng tháng tôi đều nhận được hơn chục email từ độc giả. Tất cả đều là những phản hồi tích cực, một số người còn nói rằng nó giúp họ tiến bộ đáng kể. Dưới đây là một ví dụ:
John thân mến,
Bài luận về tính trì hoãn có tổ chức của ông đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi đã cảm thấy tự tin hơn. Trong vài tháng qua, tôi đã hoàn thành cả ngàn công việc mà vẫn cảm thấy nặng nề vì chúng không quan trọng bằng các công việc khác trong danh sách công việc của tôi. Nhưng giờ đây đám mây đen của cảm giác tội lỗi và hổ thẹn đã từng phủ bóng lên tâm trí tôi đã bắt đầu bị xua tan… Cảm ơn ông.
Bức thư tôi thích nhất được gửi từ một người phụ nữ chia sẻ rằng bà là một người trì hoãn trong suốt cuộc đời. Bà nói tính trì hoãn đã làm cho bà khốn khổ vì người em trai không ngừng chỉ trích bà như thể đó là một thói hư tật xấu. Bài luận của tôi đã cho bà dũng khí để ngẩng cao đầu và nhận thức được rằng, mặc dù là một người trì hoãn nhưng bà vẫn là một con người có ích và đã làm được nhiều điều. Sau khi đọc bài luận, bà kể, lần đầu tiên trong đời bà dám thẳng thừng nói em trai bà ngậm miệng lại. “Nhân tiện”, bà viết tiếp, “tôi cũng đã 72 tuổi rồi.” Trong nhiều năm, tôi đã định tiếp tục phát triển nội dung bài luận nhưng bạn biết tính tôi rồi đấy, tôi cứ lần lữa mãi. Dần dần, từ những email tôi nhận được, tôi đã nghiền ngẫm rất nhiều và đọc thêm một chút để cuối cùng nhận ra rằng nắm bắt được khái niệm trì hoãn có tổ chức mới chỉ là bước đầu của một chương trình mà tôi cho là hữu ích đối với phần lớn những người trì hoãn, trong đó có tôi. Thật kỳ lạ, một khi nhận ra mình là người trì hoãn có tổ chức, chúng ta không những cảm thấy tự tin hơn mà còn cải thiện được phần nào năng suất làm việc, bởi vì, một khi bóng đen của cảm giác tội lỗi và hổ thẹn đã bị xua tan, chúng ta bắt đầu biết được điều gì làm cho chúng ta cứ lần lữa mãi.
Vì vậy, cuốn sách này chính là một chương trình kiểu triết học self-help cho những người trì hoãn đang tuyệt vọng. Thật lòng mà nói, việc gọi là chương trình thì có phần đao to búa lớn. Nó chỉ bắt đầu với một vài bước hữu ích có thể áp dụng cho người trì hoãn. Sau đó, cuốn sách sẽ đề cập đến một số ý tưởng, một vài câu chuyện và gợi ý có thể giúp ích được phần nào. Tôi cũng sẽ nhắc một chút về những vấn đề liên quan tới cách thức tổ chức công việc (the organizational problems) thường xuyên gây khó khăn cho người trì hoãn.
Không phải ai cũng là người trì hoãn và không phải người trì hoãn nào cũng có thể tìm thấy lợi ích từ phương pháp trì hoãn có tổ chức, bởi vì tính trì hoãn đôi khi là biểu hiện của những vấn đề ẩn sâu và đòi hỏi những liệu pháp trị liệu phức tạp hơn mấy lời triết lý viển vông. Dù vậy, nếu nhìn vào những email mà tôi nhận được, vẫn sẽ có nhiều người tìm thấy chính họ trong những trang sách này và kết quả là họ sẽ cảm thấy tự tin hơn. Chưa nói đến việc họ tiếp xúc được thêm những khái niệm và từ ngữ mới để miêu tả bản thân mình như là: akrasia (sự mất tự chủ), horizontal organization (tổ chức công việc theo chiều ngang), task triage (phân lọc công việc), và right-parenthesis deficit disorder (rối-loạn-thiếu-dấu- đóng-ngoặc-đơn). Và thậm chí có một số người sẽ còn làm được nhiều hơn thế.
—
Chương 1 TRÌ HOÃN CÓ TỔ CHỨC
Tôi đã định viết tiểu luận này từ mấy tháng nay rồi. Rốt cục thì điều gì đã khiến tôi chịu bắt tay vào làm? Bởi vì tôi đã nhận ra mình đang phung phí thời gian? Không phải. Tôi còn phải chấm bài, phải điền phiếu đăng ký sách, phải phản biện một đề tài từ hội Khoa học Quốc gia và phải đọc một vài đề cương nghiên cứu. Đối với tôi, việc viết tiểu luận là cách để khỏi phải làm những việc kia. Đây là biểu hiện của một khái niệm mới mà tôi gọi là trì hoãn có tổ chức, một phương pháp tuyệt vời mà tôi đã phát hiện ra để biến những người trì hoãn thành những con người làm việc hiệu quả, có thể nhận được sự tôn trọng nhờ thành quả công việc và năng suất lao động của họ.
(Nói theo một cách nào đó, tôi đã tái phát hiện ra điều này. Năm 1930, Robert Benchly đã viết một mục trên tờ Chicago Tribunes với tiêu đề “Cách để hoàn thành mọi việc”, trong đó ông chỉ ra rằng “ai cũng có thể hoàn thành bất cứ việc gì, miễn đó không phải là việc lẽ ra họ phải làm tại thời điểm đó”. Khẳng định này cho thấy Benchly đã nhìn ra một quy luật cơ bản. Và tôi cho rằng những người có thói quen trì hoãn có tổ chức như ông, nếu nghĩ sâu sắc một chút, thì cũng phát hiện ra điều tương tự. Rồi một ngày nào đó, nhất định tôi sẽ làm nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này).
Tất cả những người trì hoãn đều có thói quen để dành công việc. Trì hoãn có tổ chức chính là một nghệ thuật lợi dụng thói quen xấu đó. Điểm mấu chốt ở đây là trì hoãn không đồng nghĩa với “hoàn toàn không làm gì”. Người trì hoãn hiếm khi ngồi không, họ chỉ làm những công việc ít cần thiết hơn, như là làm vườn, gọt bút chì hay thậm chí là vẽ sơ đồ sắp xếp tài liệu, mỗi khi họ có việc gì đó cần phải làm. Tại sao những người trì hoãn lại có thói quen đó? Bởi vì đó là cách để họ không phải làm những việc quan trọng hơn. Nếu như việc duy nhất cần phải làm là gọt bút chì, thì chẳng có thế lực nào có thể bắt một người trì hoãn làm việc đó được. Người trì hoãn vẫn có động lực làm những việc khó khăn, quan trọng và hoàn thành đúng thời hạn, miễn là những việc đó giúp họ không phải làm những việc quan trọng hơn.
Trì hoãn có tổ chức là một cách sắp xếp công việc để tận dụng thói quen này. Bạn luôn luôn có một danh sách các việc cần làm sắp xếp theo độ quan trọng giảm dần (dù là nghĩ trong đầu hay liệt kê ra giấy). Bạn có thể gọi đó là danh sách công việc ưu tiên. Những nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất sẽ nằm ở đầu danh sách. Nhưng vẫn có những việc đáng làm nằm ở phía cuối danh sách và làm những việc đó chính là cách để tránh phải làm những nhiệm vụ quan trọng ở trên. Nếu biết sắp xếp danh sách công việc cần làm một cách hợp lí thì một người trì hoãn hoàn toàn có khả năng trở thành một “công dân gương mẫu”. Trên thực tế, những người trì hoãn giống như tôi đều có thể chứng tỏ là họ hoàn thành được rất nhiều việc.
Minh chứng hoàn hảo cho cách tôi áp dụng trì hoãn có tổ chức là khi vợ chồng tôi đảm nhiệm vai trò quản lí ký túc xá Soto House tại Đại học Stanford. Mỗi tối, khi phải chấm bài, soạn bài hay giải quyết công việc gì đó của trường, tôi sẽ sang ký túc xá (nhà tôi ở ngay gần đó) để chơi bóng bàn với sinh viên trong phòng sinh hoạt chung, có khi tôi vào phòng tán chuyện tào lao với sinh viên hay đơn giản tôi chỉ ngồi đó đọc báo.
Chính vì vậy mà tôi lại được tiếng là người quản lí sâu sát và là một trong số ít giảng viên dành thời gian tiếp xúc và hiểu rõ sinh viên. Thật là hãnh diện. Chơi bóng bàn, vốn chỉ là cách trốn việc, lại biến tôi thành người nổi tiếng.
Nói một cách chính xác, người trì hoãn là những người thường đi sai hướng. Họ cố gắng trốn tránh trách nhiệm, luôn tự bao biện rằng giá như họ có ít việc hơn thì họ đã không trì hoãn và hoàn thành tất cả mọi việc. Điều đó hoàn toàn đi ngược với bản chất của tính trì hoãn cũng như triệt tiêu động lực làm việc. Có ít việc hơn nghĩa là việc nào cũng trở thành quan trọng và như vậy người trì hoãn sẽ hoàn toàn không động tay làm việc gì. Họ sẽ trở thành những ông phỗng, thay vì tỏ ra hữu ích.
Đến đây bạn có thể thắc mắc rằng, “Vậy còn những việc quan trọng đứng đầu danh sách thì sao, không lẽ chúng sẽ chẳng bao giờ được hoàn thành?” Tôi hoàn toàn đồng ý đó là một nguy cơ tiềm ẩn.
Do đó bí quyết là phải biết cách chọn những công việc phù hợp để đưa lên đầu danh sách. Một cách lí tưởng, những việc đó phải thỏa mãn hai yếu tố. Thứ nhất, chúng dường như phải có thời hạn hoàn thành cụ thể (nhưng thực ra là không). Thứ hai chúng phải có vẻ là cực kỳ quan trọng (nhưng thực ra là không). May thay cuộc sống cho chúng ta đầy rẫy những công việc như vậy. Ở trường Đại học, tôi có thể liệt kê ra rất nhiều công việc kiểu như thế và tôi tin rằng các ngành nghề khác cũng vậy thôi. Lấy ngay nhiệm vụ đứng đầu danh sách của tôi làm ví dụ. Đó là một bài tiểu luận cho một tạp chí nghiên cứu ngôn ngữ học mà lẽ ra tôi đã phải hoàn thành từ mười một tháng trước. Nhưng tôi lại làm khá khá việc quan trọng khác để né tránh việc này. Vài tháng trước, tôi cảm thấy ái ngại vì tiến độ chậm chạp của mình nên tôi đã viết một bức thư xin lỗi ban biên tập và hứa sẽ hoàn thành bài báo. Tất nhiên, việc viết thư cũng là một cách để tôi không phải viết bài. Nhưng hóa ra, so với những người khác, việc trễ hạn của tôi cũng chẳng đến nỗi tệ lắm. Dù sao đi nữa, bài báo đó quan trọng tới mức nào? Thực sự cũng chẳng quan trọng lắm, nên khi nào không có công việc gì quan trọng thì tôi sẽ động đến nó.
Một ví dụ khác là phiếu đăng ký sách. Tháng Mười tới tôi sẽ có một lớp về nhận thức luận. Tại thời điểm viết bài này (tháng Sáu), tôi đã quá hạn nộp phiếu đăng ký sách.
Có thể nói đây là một việc quan trọng và có áp lực hoàn thành đúng hạn. (Đối với những người không có tính trì hoãn, tôi muốn các bạn biết rằng áp lực thời gian chỉ xuất hiện khi đã quá thời hạn khoảng một đến hai tuần.) Thư ký hành chính Khoa hầu như ngày nào cũng nhắc tôi, sinh viên thi thoảng lại hỏi họ sẽ đọc sách gì trong khóa học tới; còn tờ phiếu đăng ký sách chưa được điền vẫn đang nằm ngay giữa bàn làm việc của tôi, dưới một đống vỏ túi khoai tây chiên. Việc này gần như đứng đầu danh sách công việc của tôi, nó luôn làm phiền và khiến tôi phải làm những việc khác tuy có ích nhưng ít quan trọng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, thư viện đang vô cùng bận rộn với phiếu đăng kí của những người không có tính trì hoãn. Vì vậy nếu tôi có đợi tới giữa mùa hè mới gửi phiếu thì cũng chẳng sao. Chắc chắn là tôi sẽ đăng ký một vài đầu sách khá quen thuộc từ những nhà xuất bản làm việc nhanh chóng; tôi luôn làm như thế. Và chẳng cần nói cũng biết, tôi sẽ làm những việc khác quan trọng hơn từ giờ cho tới, giả dụ như, ngày 1 tháng Tám. Tới ngày đó tôi sẽ hoàn toàn thoải mái để điền phiếu đăng ký sách như là một cách để không phải làm một việc khác.
Đọc tới đây những độc giả tinh ý sẽ nhận thấy rằng, ở một mức độ nào đó, trì hoãn có tổ chức cần tới sự tự lừa dối, bởi vì mỗi người, trên thực tế, luôn luôn tự rà soát danh mục công việc của chính mình. Chính xác. Để có cảm giác một việc là quan trọng và cấp bách, một người cần phải tự quan trọng hóa một vài công việc và đặt cho chúng những thời hạn có phần thiếu thực tế một chút. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề với những người trì hoãn, vì dù sao họ vốn đã là chuyên gia tự lừa dối rồi. Còn gì đáng tự hào hơn khi chúng ta có thể lợi dụng một tính xấu này để cải thiện một tính xấu khác.
—
Chương 2 TRÌ HOÃN VÀ TÍNH CẦU TOÀN
Tới đây, bạn đã đọc xong chương Một và nếu theo đúng lộ trình, bạn đã nhận ra mặc dù bạn có tính trì hoãn nhưng bạn là người trì hoãn có tổ chức và bạn có thể hoàn thành rất nhiều công việc. Vì vậy, bạn không còn phải tự trách móc bản thân mình nữa. Tuy nhiên, có thể bạn vẫn đang tự hỏi liệu có cách nào làm cho bản thân mình bớt trì hoãn hay không. Trong hai chương tới, tôi sẽ trình bày một số ý tưởng có thể hữu ích cho bạn.
Tôi đã từng nhận được một email thú vị và chứa đầy tâm tư của một độc giả sau khi đọc về trì hoãn có tổ chức. Người phụ nữ này, mà tôi tạm gọi là cô Imelda, là chủ của một công ty may trang phục bằng da cho người lớn và còn đang viết một cuốn tiểu thuyết. Cô ấy viết cho tôi như sau:
Tôi muốn cảm ơn vì bài viết của ông. Tôi và chồng chưa cưới đều là những người có tính trì hoãn. Anh ấy đã gửi cho tôi bài viết của ông và tôi không thể tin được rằng những điều trong bài viết như thể nói về chính tôi vậy.
Tôi đã trải qua cảm giác tội lỗi và dằn vặt biết bao nhiêu lần bởi vì tôi không thể hoàn thành những dự định của mình hay tệ hơn, tôi đã cố tình không thực hiện. Tôi biết là tôi hoàn toàn có đủ khả năng thực hiện và hoàn thành tất cả những dự định của mình, nhưng vì một lý do gì đó, tôi lại cố ý không làm. Tôi nghĩ điều này có liên quan đến nỗi sợ thất bại, bởi tôi biết rằng mình sẽ không bị đánh giá và thất bại chừng nào những dự án của tôi chưa hoàn thành. Suy nghĩ này rõ ràng là kết quả của việc tôi quá khắt khe với bản thân. Là một người cầu toàn, điều khó khăn nhất tôi phải đối điện là vượt qua những yêu cầu chặt chẽ đối với chính bản thân mình.
Tôi còn một bộ tiểu thuyết ba tập đang viết dở, một đống đơn đặt hàng chưa may xong ở công ty, một bản thu âm thử chưa được bắt đầu, một bộ truyện tranh, vài bức tranh và rất nhiều ký họa chưa vẽ xong. Tôi cố làm những việc như rửa cọ vẽ, sắp xếp ổ cứng máy tính để dành chỗ cho các dự án âm nhạc chưa cả được bắt đầu, sắp xếp thứ tự các chương sách và viết thật nhiều thật nhiều phác thảo về các nhân vật và các tình tiết; bởi vì làm tất cả những việc này cho tôi cảm giác như thể tôi sắp thật sự bắt tay vào thực hiện các dự án. Tôi thậm chí còn cố gắng viết thư cho một vài ban nhạc và tuyên bố rằng tôi chuẩn bị cho ra một bản thu thử, coi như là để tự đặt cho mình một mục tiêu cần phải hoàn thành trong một thời hạn cụ thể. Họ trả lời rằng thấy rất thú vị và mong chờ được nghe bản ghi thử, điều đó chỉ làm lớn thêm trong tôi nỗi sợ phải bắt đầu để rồi lại bị từ chối.
Trong thâm tâm, tôi biết rõ mình là một người có tính trì hoãn đến mức mà tôi không dám hứa hẹn bất kỳ dự định nào với người khác vì tôi biết rằng thế nào rồi tôi cũng thất hứa. Việc này làm cho tôi chỉ luẩn quẩn trong sự thất vọng với bản thân vì liên tục không đạt được mục tiêu và loanh quanh với những công việc không mấy quan trọng. Bài viết của ông vô cùng trùng hợp với cuộc sống hiện tại của tôi. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên, thậm chí là chết lặng khi biết rằng ai cũng có thể ở vào tình trạng đó. Nó đã làm cho tôi hiểu chính bản thân mình, đem lại cho tôi sự động viên to lớn mà trước nay chưa một ai làm được.
Cảm ơn ông rất nhiều,
Imelda
Cô Imelda là một người trì hoãn thông thái vì cô nhận thức được mình là một người cầu toàn. Nhưng cái nào có trước – tính trì hoãn hay tính cầu toàn? Theo tôi, tính cầu toàn dẫn đến tính trì hoãn. Phải mất một thời gian tôi mới nhìn thấy mối liên hệ giữa hai tính cách này bởi vì tôi không nghĩ mình là người cầu toàn. Rất nhiều người có tính trì hoãn không nhận ra rằng họ là người cầu toàn, đơn giản là bởi vì chúng ta không bao giờ làm được việc gì hoàn hảo hay gần như thế. Chưa có ai dùng từ hoàn hảo để nhận xét về những việc chúng ta đã làm và chính chúng ta cũng chưa bao giờ tự cảm thấy mình làm được việc gì một cách hoàn hảo. Chúng ta cho rằng, một cách sai lầm, là người cầu toàn thì, thường xuyên hay thi thoảng, hay chí ít cũng một lần, làm được cái gì đó hoàn hảo. Nhưng suy nghĩ này đã khiến chúng ta hiểu sai về cách hoạt động của tính cầu toàn.
Tính cầu toàn tôi đang nói đến ở đây là một loại ảo tưởng, chứ không phải là thực tế. Đây là cách nó hoạt động trong trường hợp của tôi. Ai đó muốn tôi làm gì đó – chẳng hạn như nhà xuất bản muốn tôi viết bài phản biện cho bản thảo của một cuốn sách mới nhận được, bao gồm việc cho ý kiến cuốn sách đó có đạt yêu cầu để xuất bản hay không, và nếu đạt thì nội dung có cần sửa đổi gì hay không. Tôi nhận công việc đó, có thể là bởi vì người ta hứa sẽ trả công bằng cách tặng tôi một vài cuốn sách, mà tôi nghĩ rằng nếu mua được thì tôi sẽ đọc.
Ngay lập tức, trong đầu tôi bắt đầu xuất hiện một ảo tưởng. Tôi hình dung ra mình viết một bài phản biện tuyệt vời nhất. Tôi hình dung mình sẽ đọc bản thảo thật kỹ lưỡng và phần đánh giá của tôi sẽ giúp cho tác giả có thể viết lại hay hơn nhiều lần. Tôi hình dung biên tập viên nhận bài viết của tôi và phải thốt lên, “Chà, chưa bao giờ trong đời mình lại đọc được một bài phản biện xuất sắc đến thế”. Tôi hình dung bài phản biện của tôi hoàn toàn chính xác, hoàn toàn công tâm và hữu ích không ngờ đối với cả tác giả lẫn nhà xuất bản.
Chỉ có trời mới biết vì sao tôi hình dung ra cái viễn cảnh đó. Hoặc, may ra thì bác sỹ tâm lý của tôi mới biết. Có thể, khi còn nhỏ tôi không được bố khen ngợi đủ nhiều. Hoặc có thể ông đã khen tôi quá lời trong một lần tôi ăn may rồi làm nên việc gì đó cực kỳ tốt. Có thể cái tính ảo tưởng này là do di truyền. Nhưng thôi, không lan man nữa, những gì tôi đang viết ở đây là một bộ giải pháp thiết thực gồm nhiều bước chứ không phải là một cuốn sách về tâm lý học. (Bước một là đọc chương trước, ”Trì hoãn có tổ chức”. Chúng ta đang ở bước thứ hai. Nếu nghĩ ra thêm bước nào nữa thì tôi sẽ viết tiếp vào những chương sau.) Vậy nên chúng ta khỏi cần quan tâm đến lý do tại sao tôi, hay bạn, lại có cái ảo tưởng kiểu đó. Trọng tâm ở đây là nếu bạn là người trì hoãn, theo kiểu thường gặp nhất, thì có khả năng là mấy thứ giống như trên thường xuất hiện trong đầu bạn.