Giỏi vuông giỏi tròn là quy luật của tự nhiên. Trong “Kinh Dịch” có câu: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức” và “Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật”. Ở đây, tròn tượng trưng cho sự vận động không ngừng, các thiên thể tuần hoàn; vuông biểu thị mặt đất bao la rộng lớn, bằng phẳng vững vàng.
Giỏi vuông giỏi tròn là sách lược để hiểu đời, trị nước. Tròn tượng trưng cho sự tốt lành: mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Vuông tượng trưng cho cảnh: thiên hạ một lòng, khắp nơi thanh bình. Tròn được ví như tấm lòng bao la ôm cả năm châu bốn biển, dọc ngang trời đất. Vuông ví với tạo hóa: “Thời gian trôi không trở lại, vật có thật, người không thật, chỉ có núi sông là trường tồn”.
Đặng Tiểu Bình là một con người cự phách, mọi người đều ngưỡng vọng, là nhà kiến trúc sư vĩ đại, tay trái vẽ tròn, tay phải vẽ vuông. Ông là hội tụ của trí tuệ, văn hóa truyền thống Trung Hoa. Ông đã tổng kết những kinh nghiệm thành công của chiến lược, hiệp thương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mạnh dạn đề ra phương pháp “Một nước hai chế độ”. Cái gọi là “một nước” tức là lấy cái vuông – cái bất biến để ứng với một cái vạn biến, cái gọi là “hai chế độ” chính là lấy cái tròn – cái vạn biến để ứng với cái bất biến. Cách nghĩ thành công này cuối cùng đã vạch tấm màn mở đầu cho sự nghiệp thống nhất tổ quốc vĩ đại: Hồng Kông trở về thuận lợi, Ma Cao cũng sắp được trao trả. Gần đây, một hiệp hội ở Đài Loan do ông Hạnh Chấn Phủ dẫn đầu, khi về đến Bắc Kinh, phó thủ tướng Tiền Kỳ Thâm ra đón tiếp, đã nói: “Với nguyên tắc “Một nước Trung Quốc”, điều gì cũng có thể làm được”.
Xem lại phản ứng của Đài Loan khi đó, liệu có phù hợp bối cảnh lịch sử, có thuận ý dân, thuận với “vuông”, thuận với “tròn” hay không? Trong “Thiên hạ” của Trang Tử có nói: “Củ [1] tuy vẽ được vuông nhưng bản thân nó lại không vuông, quy tuy vẽ được tròn nhưng bản thân nó lại không tròn”. Trong tác phẩm “Toàn kinh” có nói: “Trong vuông có tròn, gọi là vuông tròn. Trong tròn có vuông gọi là tròn vuông”. Người xưa đã nói rõ đạo lý “Giỏi vuông giỏi tròn”.
Giỏi vuông giỏi tròn là mức độ cao nhất trong đối nhân xử thế. Làm người nên tuân theo trời đất, chứ không vô tư giống như trời; chất phác chân thật, phóng khoáng khoan dung, giống như đất. Tôn quý hay hèn hạ, khôn ngoan hay ngu đần, đắt giá hay rẻ mạt, được hay mất… đều nằm trong vuông và tròn. Tục ngữ nói: “Tròn thì không vững, vuông thì không đổ”.
“Tròn thì không vững” tức là làm người không được quá nhu nhược. Làm người mà quá nhu nhược thì sẽ chỉ là kẻ bỏ đi, làm quan mà quá nhu nhược thì không được việc, dân tộc quá nhu nhược thì chỉ là kẻ bệnh hoạn.
“Vuông thì không đổ” tức là xử lý việc không được quá cứng nhắc. Đối nhân xử thế quá cứng nhắc thì sẽ bị cô lập, làm việc quá cứng nhắc thì sẽ thành hại nước hại dân, quốc sách quá cứng nhắc thì nước sẽ thành bế quan tỏa cảng, lạc hậu, bị uy hiếp.
Làm người một tay vẽ vuông, một tay vẽ tròn là rất khó, làm người, lúc nào, việc nào, chỗ nào cũng toàn vẹn thì cực khó. Vậy nhưng, chỉ cần dũng cảm hành động, tích cực chăm chỉ… thì sẽ thấy trong khó có dễ.
Phương pháp và mưu sách trình bày trong cuốn sách này đều là bí quyết thành công của những người đi trước. Nếu có thể đúc kết kinh nghiệm làm người bằng một câu thì đó chính là: “Làm người phải theo trời đất, thuận theo vuông, thuận theo tròn”.
—
PHẦN I
LÀM NGƯỜI
Vuông – tròn là một cặp khái niệm thường gặp trong văn hóa Trung Quốc, hàm nghĩa của nó thì tùy sự khác nhau của từng đối tượng thảo luận, thứ tự thảo luận… mà sẽ khác nhau. Nói chung, hàm nghĩa của “tròn” là: ở thể động, chỉ chỉnh thể, thể, có tính viên mãn, linh hoạt…; hàm nghĩa của “vuông” là: ở thể tĩnh, chỉ bộ phận, dụng, có tính quy tắc, nguyên tắc.
Ở góc độ động – tĩnh: tròn là động, vuông là tĩnh.
Người xưa cho rằng: trời tròn, đất vuông; trời động, đất tĩnh. Do đó có hàm nghĩa “tròn động, vuông tĩnh”.
Nghiên cứu thảo luận quẻ thứ 64 của “Kinh Dịch” có “phương đồ” và “viên đồ”, nếu kết hợp phương đồ và viên đồ thì sẽ có thể phân tích và giải quyết được các vấn đề về không gian và thời gian.
Ở góc độ chỉnh thể – bộ phận: tròn là chỉnh thể, là toàn bộ tính khả năng, tính đa dạng của sự vật. Vuông là bộ phận, là một phương diện của sự vật. Kết hợp tất cả “vuông” sẽ tạo thành “tròn”.
Ở góc độ thể – dụng: tròn là thể của sự vật, tức là cái bản chất, cái trừu tượng, tổng hợp. Vuông là dụng, tức tính ứng dụng và hiện tượng, là cụ thể, là phân hóa.
Ở góc độ linh hoạt – nguyên tắc: tròn có tính linh hoạt, tùy cơ ứng biến, tùy từng vấn đề mà phân tích cho phù hợp. Vuông là cứng nhắc, là quy định bất di bất dịch, là lấy bất biến ứng vạn biến.
Người xưa nói “Trí dục viên nhi hạnh dục phương”, ý nói: trí tuệ con người thì phải tròn, còn hành động thì phải vuông. Không chỉ nhìn thấy mặt tĩnh tại, bất biến của sự vật mà còn phải nhìn thấy mặt vận động, phát triển; không những phải thấy được đặc tính của từng sự vật khác nhau và đặc tính riêng mà phải nhìn thấy chỉnh thể các sự vật và đặc tính chung; không chỉ thấy hiện tượng và ứng dụng cụ thể của sự vật mà còn phải thấy bản chất của sự vật, không chỉ có khả năng giữ vững nguyên tắc, lấy bất biến ứng vạn biến mà còn phải cực kỳ linh hoạt, phân tích cụ thể từng lúc, từng nơi, từng người và chọn phương pháp tốt đẹp nhất. Điều này nói từ góc độ của “trí viên”.
Về mặt hành vi, tuy trí tuệ con người phải vô hạn nhưng những việc cụ thể không thể đại khái qua loa. Tức là, làm người phải tuân theo những nguyên tắc, mức độ nhất định mới có chỗ đứng trong xã hội. Đây chính là hàm ý của “hành dục phương” (hành động phải theo “vuông”). Cho nên “vuông” là nền tảng khi làm người.
1. ĐẠI TRƯỢNG PHU LÀM NGƯỜI, PHẢI ĐƯỜNG ĐƯỜNG CHÍNH CHÍNH
Lập chí trong sự nghiệp là chí hữu hình – vuông
Lập chí trong lý tưởng là chí vô hình – tròn.
Đại trượng phu làm người phải đường đường chính chính, tấm lòng ngay thẳng. Lý Bạch có câu thơ: “Đại trượng phu tất hữu tứ phương chi chí” (Đại trượng phu phải có chí tung hoành bốn phương). Lưu Viêm đời Tống nói: “Quân tử chí vu trạch thiên hạ, tiểu nhân chí vu vinh kỳ thân” (Người quân tử chí ở việc ban phúc cho thiên hạ, kẻ tiểu nhân chỉ cầu vinh hoa cho mình). Mạnh Tử thì cho rằng: “Sỹ hà sự, viết thượng chí”. Sở dĩ chúng sinh chỉ là chúng sinh bởi vì họ không có chí lớn. Kẻ có chút sĩ khí nhưng chỉ màng chuyện công danh lợi lộc, ăn mặc, thê thiếp, con cái… Người như thế cũng có thể làm quan lớn, tài nhiều, lộc lắm, hưởng thụ vinh hoa phú quý suốt đời, nhưng sẽ chẳng lưu dấu tích gì cho thiên thu vạn cổ, chẳng hiểu chút gì về thế thái nhân sinh, rốt cuộc vẫn chỉ là kẻ phàm phu tục tử.
Lập chí ở đây phải là chí lớn vượt hẳn người đời, chí lớn chuyển xoay trời đất, sáng tạo lịch sử. Như vậy dù có không hơn người nhưng cũng đứng vững được, từ đó khiến cho sự sống chết của mình khác với sự sống chết của loài cầm thú. Con người hội tụ linh khí trời đất mà sinh ra, nên cố gắng làm gì đó cho trời đất, cho nhân loại lịch sử, cho bố mẹ gia đình… Đó không chỉ là những chuyện ăn uống, ăn mặc, sinh con đẻ cái. Vì vậy, lập chí là việc lớn nhất, căn bản nhất của việc làm người.
Tăng Quốc Phiên đã nói: “Hữu chí tắc bất cam vi hạ lưu” (Người có chí thì không cam chịu phận làm hạ lưu), nhân tài lấy chí khí làm gốc. Tạ Lương Tá cũng đã nói: “Người ta trước tiên phải lập chí, lập chí phải có căn bản, cũng như cây cối, cần phải có rễ rồi mới chăm bẵm và lớn thành cây vừa người ôm”. Người đời thường cứ mở miệng là nói “chí khí” rồi thì “chí hướng”. Nói đến chí khí thì lập chí là cái gốc của việc làm người, cũng là sức mạnh để làm người. Nói đến chí hướng thì lập chí là mục tiêu, cũng là đạo lý để làm người. Muốn làm một nam tử hán đội trời đạp đất, trước hết phải lập lên chí hướng đội trời đạp đất, lập chí làm đại nhân thì phải noi theo thánh hiền, lập chí làm đại sự thì phải noi theo các anh hùng hào kiệt, lập chí để giàu sang thì chỉ lo đến danh lợi, lập chí làm kẻ tiểu nhân thì chỉ nghĩ đến ăn mặc.
Làm người phải lập được chí mới có hướng đi. Vương Dương Minh đã nói: “Không lập chí sẽ không có việc gì thành công. Dù là những kẻ tài giỏi trăm bề, cũng phải là người có chí. Ngày nay nhiều học giả tài cao nhưng cả trăm người không có ai thành công, đều do chưa lập chí. Lập được chí thì làm thánh hiền cũng được, không lập chí thì cũng như con thuyền không có bánh lái, con ngựa không có đường đi, cứ lang thang trôi dạt, cuối cùng chẳng thể chống đỡ nổi!”. Lập được chí rồi thì không được thay đổi, không dao động, mới có thể thành công. Từ trước đến nay chẳng có ai không có chí hướng mà có thể thành công. Làm người chỉ có lập chí, lập chí lớn đứng đầu thiên hạ, lập chí coi thiên hạ là trách nhiệm của mình, mới có thể thành người có ích.
2. LÀM NGƯỜI NÊN LẤY SỰ NGAY THẲNG LÀM GỐC
Lập tâm vì trời đất là “tròn”
Lập mệnh vì dân chúng là “vuông”
Trong thơ của Văn Thiên Tường có nói “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” (từ trước đến nay có ai là không phải chết, nguyện lấy tấm lòng son để chiếu sáng sử xanh). Vương Hỗn đời Nguyên cũng viết: “Thành sự tự lai du hữu chí, bất giáo huân nghiệp kính trung khán” (sự nghiệp thành công do có chí, những người có công trạng chính là những tấm gương soi).
Là con người sống trên cõi đời này, phải có lý tưởng, có hoài bão, có mục tiêu, không thể hồ đồ cả đời được. Lý tưởng và mục tiêu chính là chí hướng của con người, chính là sự ngay thẳng ở tâm. Trương Hoành Cừ có câu nói rất nổi tiếng. “Vị thiên địa lập tâm, vị sinh dân lập mệnh, vị vãng thánh kế tuyệt học, vị vạn thế khai thái bình”. (Lập tâm sống theo trời đất, lập mệnh vì dân chúng, học kế tiếp thánh hiền xưa, giữ thái bình cho muôn đời”. Ông tổ thứ sáu, Thiền Tông có nói “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Đây chính là chí hướng và hoài bão làm người của họ, cũng là lý tưởng và mục tiêu làm người của họ, đây dường như là khí khái nhất trong thiên hạ, cũng là biểu hiện cao cả của tinh thần.
Muốn làm thánh nhân thì phải có lý tưởng của thánh nhân, muốn làm anh hùng hào kiệt phải có lý tưởng của anh hùng hào kiệt. Điều này có thể khiến người ta phấn đấu vươn lên, nâng cao phẩm chất, tinh thần; nâng cao nhân cách, địa vị; khiến người ta tuy sống trên đời nhưng lại vượt hơn hẳn người đời. Từ đó đã sáng tạo ra lịch sử, không bị lịch sử đào thải và nhấn chìm. Triết gia cổ đại đã nói: “Thất phu nhất lập chí, tiện khả tham thiên địa” (người dân thường nếu nuôi chí thì có thể so sánh với đất trời). Người ta không sợ không đủ tài mà chỉ sợ không lập được chí hướng. Có đại chí mưu lược chính là có cơ sở để sự nghiệp thành công vĩ đại. Thế gian này không có ai không có chí lớn, mưu lược mà đạt thành tựu to lớn cả. Vì thế tất cả tài trí, tự tin, dũng cảm đều cần phải lấy chí hướng ngay thẳng làm gốc.
3. NGƯỜI KHÔNG CÓ CHÍ HƯỚNG KHÔNG ĐẠT ĐƯỢC VUÔNG, TRÒN
Khí chất của con người là nguồn tài nguyên trời phú – tròn
Chí hướng con người là công lao khổ luyện – vuông
Tăng Quốc Phiên đã nói về cái đạo của người quân tử: “Quân tử lập chí, phải lớn như dân giàu nước mạnh, có nghiệp như của thánh hiền, đế vương, không kém những người đi trước và không hổ thẹn với những con người hoàn mỹ trong thiên hạ. Lo khi không bằng Thuấn, không bằng Chu Công, lo khi chưa tu đức, chưa học hành, lo khi tiểu nhân đắc thế, hiền tài không được dùng, lo khi dân chúng không được yên vui, thương cho số phận và xót cho dân nghèo, tất cả những điều ấy là những nỗi lo của bậc quân tử. Sự thăng trầm của đời người, sự no ấm của mỗi nhà, nhục và vinh, được và mất, tôn quý và hạ tiện, danh dự và sỉ nhục, người quân tử không thể không lo”. Đây là những lời nói đáng kính mà chúng ta đời đời ghi nhớ, cũng là cái căn bản của đạo làm người, tức là tâm phải “vuông”.
Người xưa nói “Trạch vô thuỷ, khốn, quân tử dĩ trí mệnh toại chí”. Câu nói này có nghĩa là: Dù khó khăn người quân tử vẫn phải gắng sức thực hiện chí nguyện của mình, kiên trì với nó suốt cả cuộc đời, dù có chết nhưng chí vẫn còn, dù khốn cùng vẫn không nản lòng. Cho nên Tô Thức đã nói: “Những người làm nên nghiệp lớn ngày xưa, không những phải có tài năng xuất chúng mà phải có tài chí kiên cường không thay đổi. Người không có chí lớn, thì không làm được việc lớn, lập lên nghiệp lớn. Hàn Thuỵ Chi nói: “Thiên hạ không có người có chí mà không thành công, cũng không có người không có chí mà thành công”. Bất cứ việc gì cũng phải lập chí hướng trước, có chí hướng thì chắc chắn sẽ thành công. Lập được chí lớn rồi thì phải kiên trì không thay đổi, dù phải dùng cả mạng sống của mình để đấu tranh. Đúng như lời Chu Tang đã nói: “Lập chí bất kiên, chung bất tế sự” (Nếu chí không vững vàng, cuối cùng sẽ chẳng được việc gì). Làm người nếu giữ được chí khí, làm nổi bật chí khí, thì còn có việc gì mà không đạt được, có việc gì mà không làm được? Có chí mà không làm được việc, chỉ bởi vì lập chí không kiên định, giữa chừng gặp trở ngại liền từ bỏ. Cho nên Napoleon đã nói “Tài trí thực sự chính là một ý chí cương nghị và bền bỉ”.
Triết gia cổ đại cho rằng: “Bần mạc bần vu vô tài, tiện mạc tiện vu vô chí”. Sự bần tiện của con người có thể thay đổi và người có chí sẽ thay đổi được; nếu không có chí việc gì cũng khó khăn. Kê Khang nói: “Vô chí giả, phi nhân dã”, (người không có chí không phải là người). Người ta nếu muốn lập công mà lại không có chí thì dù thánh nhân cũng chẳng làm gì được, phật tổ cũng chẳng có cách nào và thượng đế cũng bó tay. Vì vậy Khổng Tử nói: “Tam quân khả đoạt soái dã, thất phu bất khả đoạt chí dã” Chí ở Đông thì hướng về Đông, chí ở Tây thì hướng về Tây, chí làm vĩ nhân thì học theo thuyết của vĩ nhân, nói lời mà vĩ nhân đã nói, đi con đường mà vĩ nhân đã đi, làm những việc mà vĩ nhân đã làm. Nếu chí làm kẻ tiểu nhân, tất nhiên chẳng cần phấn đấu vươn lên mà chỉ cam chịu đứng vào đội ngũ của những kẻ tiểu nhân.
Nếu chúng ta muốn thay đổi cuộc sống, sáng tạo ra cuộc sống, đều phải xuất phát từ điều căn bản là việc lập chí. Tăng Quốc Phiên từng nói: “Tính cách con người do trời sinh ra, khó mà thay đổi. Nếu muốn thay đổi “vuông” thì phải có ý chí kiên cường, vững vàng. Chí hướng đã quyết, phải nỗ lực không ngừng để thực hiện ý chí đó, kiên trì với ý chí đó, nuôi dưỡng ý chí dó, tự nhiên sẽ đổi mới từng ngày, sẽ thay đổi một trời một vực. Đào Giác từng nói “Bậc trượng phu nếu ý chí kiên định sẽ chẳng còn việc gì không thể thành công. Những kẻ chỉ cần có tiền tài thì chẳng thể tạo được công trạng gì. Người có chí tức là “Phương-Viên”, “Phương-Viên” tức là người có thể làm nên nghiệp lớn”.
4. DÂN THƯỜNG NẾU CÓ CHÍ
Sỹ là gốc của chí – tròn
Khí là ngọn của chí – vuông
“Thất phu dưỡng khí, có thể sánh ngang trời đất”, đây là điều quan trọng nhất khi người quân tử lập chí. Cho nên Chu Hy khi ở Tinh Xá, Thương Châu đã dạy học sinh rằng: “Sách không nhớ, đọc kỹ sẽ nhớ; nghĩa không hiểu, nghĩ kỹ sẽ hiểu. Chỉ có kẻ không nuôi chí thì sẽ không làm gì được. Những kẻ ham lợi lộc mà không ham đạo nghĩa, muốn làm quý nhân mà không muốn làm người tốt, đều là những kẻ có bệnh” không lập chí, có tật trí không “vuông”. Cần phải suy nghĩ thật kĩ, tìm ra mầm mống của các bệnh về tư tưởng, phải dũng cảm phấn đấu, vươn lên, “vuông” ở trong nghìn vạn lời răn dạy của thánh hiền xưa, chẳng có câu nào sai cả, “Vuông” bắt đầu từ “chí” này đây và cũng chính từ đó gom góp công sức, cố vươn cao, làm nên việc lớn”.
Trương Hoành Cự thì nói: “Đức” mà thắng “khí” tức là tính cách có đức, “khí” mà thắng “đức” tức là tính cách có khí. Những kẻ mà tính có khí thường sẽ bác bỏ khí, những kẻ có đức thường sẽ nuôi dưỡng khí. Không thắng được “khí” thì chỉ vì không có chí, nếu dưỡng được chí rồi thì khí sẽ phải tuân theo”. Chí là gốc của khí, khí là ngọn của chí. Phạm Văn Chính coi việc thiên hạ là việc của mình, có chí khí của một vị quan tể tướng nhưng hết lòng làm việc chỉ mong mang lại lợi ích cho người khác, vừa là bậc hiền nhân vừa là trang hào kiệt, làm quan hay dân sỹ đều được. Nếu người ta chỉ biết nghĩ cho mình, không biết nghĩ đến người khác, ngoài bản thân mình ra, tất cả việc khác đều bỏ qua, đã không có chí lớn như vậy, làm sao có thể làm nên việc lớn? Lã Duy Kỳ cũng nói “Lập chí phải học thánh nhân, chứ không nên chỉ dừng lại ở bậc trung nhân, và cũng không thể cho mình là bậc anh hùng hào kiệt”. Nếu không có chí lớn tầm nhìn sẽ hạn hẹp, chí hướng tất sẽ không lớn, kiến thức nông cạn, chí khí ắt cũng sẽ yếu.
Hãy một đời hết lòng làm việc theo lý tưởng và phương pháp làm việc của mình, không gò bó mình trong một phạm vi nhỏ hẹp. Lập chí làm người về mặt tâm lý phải chứa đựng những yếu tố như: Phải làm cho quốc gia không thể thiếu mình, nhân loại không thể thiếu mình, lịch sử không thể thiếu mình, trời đất cũng không thể thiếu mình. Những tấm lòng cao cả, tự gánh trọng trách như vậy là ý chí lớn nhất của đời người. Như vậy, có thể siêu thoát một cách khí khái, hiên ngang độ lượng. Thành tựu của những con người như vậy tất nhiên không có giới hạn.
Quản Trọng thời xưa phò tá Tề Hoàng Công, xưng bá chư hầu, thao túng thiên hạ. Vậy mà Khổng Tử cho rằng Quản Trọng Tử chỉ là một kẻ tiểu nhân, ông ta không chí hướng hoài bão, khí chất của thánh nhân. Gia Cát Lượng từng nói: “Người có chí lớn nhìn xa trông rộng, học thánh hiền xưa, đoạn tuyệt tình sắc dục, không bị sự đình đốn che lấp chí khí. Nhẫn nhục chịu đựng, ghét thói ích kỷ keo kiệt; dù bị ức chế cũng không làm mất hứng thú, cho dù có bệnh tật gì cũng chẳng để ý. Nếu như chí không mạnh mẽ, ý không khẳng khái, bị tình cảm trói buộc, mãi ẩn nấp trong sự tầm thường… chắc chắn chỉ là kẻ hạ lưu!”. Đây đều là những ý bàn luận con người nên có chí nguyện cao xa, chí khí rộng lớn, chí hướng kiên định, trí lực kiên nghị, nếu có bốn điều này mà không phải là kẻ siêu phàm xuất chúng thì rất hiếm thấy.
Nếu chúng ta muốn trở thành kẻ đội trời đạp đất, trở thành một kẻ xưa không ai bằng, người đời sau không ai sánh nổi, thì chí nguyện phải cao xa, chí khí phải rộng lớn, chí hướng phải kiên định, trí lực phải kiên cường, cương nghị. Nếu thiếu một trong bốn điếu này, khó mà có thể đạt được sự nghiệp thành công không ai vượt nổi.
5. ĐẠO DƯỠNG TÂM LÀ GỐC CỦA LẬP CHÍ
Vẻ ngoài không khác gì quần chúng – ngoài tròn
Trong lòng luôn ngay thẳng – trong vuông
Ngụy Bí Khang thời Tam Quốc đã nói: “Ngoại bất thù tục, nội bất thất chính”. Khi giao tiếp với thế giới bên ngoài thì có thể thích ứng với phong khí của thế tục, nhưng chí hướng của bản thân vẫn không xa rời chính đạo.
Tăng Quốc Phiên cho rằng: “Quan tướng cũng có nhiều, thánh nhân hào kiệt cũng vô cùng đông, chỉ cần chịu lập chí thì đều có thể làm được”. Nếu muốn thực sự làm được thì phải dựa vào chí khí. Chí có thể bổ sung cho khí, khí có thể duy trì chí, tuy nhiên, về tu dưỡng chí, khí chỉ đóng góp một phần công sức. Nếu việc leo lên đỉnh núi cao nhất thế giới Everest là lập chí, thì việc muốn leo lên chính là chí khí, từng bước từng bước leo lên chính là tu dưỡng chí khí.
Cái đạo của sự dưỡng tâm, thứ nhất là cần chí hướng kiên định, thứ hai cần chí hướng thuần chính; kiên định thì sẽ không bị lung lay, không bị thay đổi ý chí… Thuần chính tức là làm điều thiện, không làm điều ác, theo chính nghĩa chứ không theo gian tà. Lập chí không kiên định thì việc gì cũng không thành công. Mạnh Tử đã nói: Phải giữ khí không tỏ ra nóng nảy. Nếu nóng nảy khí sẽ rời rạc mất, nếu nản chí thì khí sẽ nguy mất, nếu chí kiệt thì khí sẽ yếu. Khí thế hơn người khác, chí hướng có thể kém người khác, nếu chí hướng hơn người khác thì không được ngang ngược, ngạo mạn đi ức hiếp người khác. Dùng khí để hiếp áp người khác là kém cỏi, kém cỏi tức là không dưỡng khí. Khí thế cô đọng ở bên trong là khí chất chứa, khí chất chứa là khí được nuôi dưỡng. Việc nuôi dưỡng khí này hàng nghìn năm nay vẫn chưa có ai chê trách cả. Thực tế đó chính là gốc rễ vững chắc trong đạo làm người của thánh nhân hào kiệt.
Rễ có sâu thì cây mới có thể mạnh, gốc có chắc thì lá cây mới tốt tươi, chẳng có thứ cây nào gốc rễ thưa thớt mà lại xum xuê xanh tốt cả. Chí khí là điều quan trọng nhất trong tính cách của con người. Nếu nắm vững được điều quan trọng này và tất cả những thứ quan trọng khác thì chí khí sẽ được bảo tồn và phát huy. Nếu có thể nuôi dưỡng chí khí thì tự nhiên sẽ cải tạo được cuộc sống, bổ sung cho cuộc sống, làm cho cuộc sống cao thượng hơn, con người tốt đẹp hơn, vững vàng trong cuộc sống, hiên ngang giữa vũ trụ. Cho nên, Kỳ Thừa Diệp từ việc tu chí suy rộng ra đến việc tu chí cho con em, ông nói: “Tu chí cho con em cũng giống như việc nuôi dưỡng Chi Lan vậy, vừa phải dùng tri thức phong phú để nuôi dưỡng, lại vừa phải dùng chí khí cao thượng để thấm đẫm cho chúng.
6. NGƯỜI TỰ TIN SẼ SỐNG MÃI
Bạn đã bao giờ cảm thấy trống rỗng và cô đơn chưa
Tặng cho bạn một phương thuốc kỳ diệu: tự tin
Cô lập chỉ là căn nguyên nhỏ, rộng mở mới là căn nguyên to lớn. Đây chính là sự tự tin cao hơn hết thảy, lớn hơn tất cả mà chúng ta đang bàn luận tới.
Chúng ta làm người, lập được chí vẫn chưa đủ, mà còn phải có sự tự tin mạnh mẽ. Không những tự tin với sự nghiệp to lớn và lý tưởng của mình, mà còn phải tự tin với dân tộc và quốc gia, với truyền thông văn hóa dân tộc của nước mình. Như vậy, chúng ta mới có thể kế thừa và nối tiếp quá khứ, đồng thời có thể truyền lại cho đời sau. Đây chính là sự rộng mở và phát huy lòng tự tin. Cho nên chúng ta mới khuyên người khác “Tự tin”. Bàn về “Tự tin” nhưng sự tự tin được nói đến ở đây không phải là sự tự tin của kẻ lầm lì, hẹp hòi quái gở.
Làm người, bất kể bậc thánh nhân hay anh hùng, không được cô lập mình giữa nhân loại. Phải hấp thụ và tiếp thu tất cả từ quốc gia dân tộc, mọi người, mọi thứ dương đại. Phải kế thừa truyền thống và lịch sử văn hóa để truyền lại cho con cháu đời sau. Phải coi mình là một phần của quốc gia dân tộc và toàn nhân loại. Đây chính là nguyên nhân phải tiếp thu. đồng thời cũng phải phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa vĩ đại. Nếu bạn làm được như vậy, lịch sử văn hóa truyền thống ngược lại cũng sẽ hoàn thiện bạn, làm vẻ vang bạn. Hơn thế, bạn làm rạng rỡ hơn cho lịch sử văn hóa tương lai nên lịch sử văn hóa tương lai cũng sẽ đền đáp lại bạn như thế. Đây chính là nguyên nhân bạn tiếp thu và sáng tạo lịch sử. Đây cũng chính là cái mà lịch sử văn hóa con người gọi là “trời đất và con người hòa làm một”.
Do đó nói, Phật Thích Ca trở thành Phật Thích Ca, nhưng không phải là Phật Thích Ca cô lập; Khổng Tử trở thành Khổng Tử, nhưng không phải là Khổng Tử cô lập. Họ đều kế thừa những người đi trước, tiếp thu cuộc sống đương đại và để lại, mở đầu cho đời sau. Bỏ nhân thế đi quy y cửa Phật, bỏ một đời để góp đức cho ba đòi, đó cũng chính là “một người trong tất cả, tất cả trong một người”.
7. LÒNG TIN Ở TRONG VUÔNG TRÒN
Làm người có chủ kiến
Làm việc có vuông tròn thì không bao giờ gặp trở ngại
Tự tin là phẩm chất tốt đẹp để con người là chính bản thân mình. Có niềm tin to lớn sẽ có thành công to lớn, có niềm tin nhỏ bé sẽ có thành công nhỏ bé, không có niềm tin sẽ chẳng có thành công nào cả. Thế gian này chẳng bao giờ có người thiếu lòng tin mà lại thành công. Đây là một chân lý không bao giờ xoay chuyển nổi.
Người có chủ kiến trước hết phải có lòng tin không đổi. Có chủ kiến thì sẽ xử lý được mọi việc chính xác, khi “tròn” có thể “tròn”, khi “vuông” có thể “vuông”.
Độ cao của suối phun nước không bao giờ vượt quá đầu nguồn của nó. Sự nghiệp của mỗi con người cũng vậy, thành tích của anh ta không bao giờ vượt quá mức tin tưởng ở bản thân anh ta. Sức mạnh của sự tự tin là không thể tưởng tượng được, nó có thể biến tất cả những cái không thể thành có thể, đưa một người từ mặt đất đứng dậy sánh ngang với trời cao.
Sức mạnh của sự tự tin đối với sự nghiệp quả là những kỳ tích, có nó, bạn có thể dùng mãi không vơi cạn tài trí của mình. Một người thiếu đi sức mạnh tự tin, bất kể anh ta tài năng như thế nào cũng sẽ không có cơ hội để thành công. Tất nhiên, những người muốn xây dựng nghiệp lớn nhất định phải tự tin, nhưng trước khi làm việc phải vẫn luôn nên lắng nghe mọi người, tìm các quy luật để làm tốt công việc, nhất định phải xoá bỏ sự cố chấp ngu ngốc, sự ngoan cố ương ngạnh cho mình là đúng. Nhưng cũng phải nói, hai điều này là hai bệnh mà người lãnh đạo rất hay mắc phải.
Rất nhiều người, hễ vừa có chút thành tích, thường không coi ai ra gì, tự coi chỉ có mình là thông minh, mọi mặt đều tốt. Họ không hiểu như thế rất dễ mắc phải thói “Dùng riêng cái ngu của mình, dùng riêng cái kém của mình”.
Bàn về điều này, có học giả cho rằng: Tự tin không có nghĩa là chỉ tin mỗi bản thân mình, cố chấp thành kiến, bảo thủ ý kiến riêng, rơi vào con đường ngang ngạnh ương bướng. Song cũng không phải là chỉ nghe người khác, tin vào số đông, không có chủ trương định kiến riêng, mù quáng bước đi trên con đường a dua, nịnh hót.
Vậy thì làm sao để có thể đạt được sự chí thiện mà không gặp trở ngại? Đáp án chính là “Vận dụng khéo léo, dốc hết sức mình”.
8. TẠO NIỀM TIN LỚN CHO THIÊN HẠ
Tạo niềm tin ở con người, trong mọi việc và cả thiên hạ
Sự tự tin cần xây dựng trên nền tảng niềm tin của xã hội, giữa các đồng nghiệp, người thân với nhau. Không có chỗ dựa là niềm tin của cộng đồng và sự tin tưởng lẫn nhau, sự tự tin cũng như cái cây không có gốc, như dòng nước không nguồn. Cho nên để có thể thực sự tự tin, trước tiên phải có lòng tin của cộng đồng và sự tin tưởng lẫn nhau tạo nên tín ngưỡng và sự tín nhiệm. Nói một cách đơn giản thì chính là: lập tín – “tạo dựng lòng tin”. Đây chính là một khía cạnh của lòng tin. Phải tạo lòng tin với mọi người, trong mọi việc và cả thiên hạ. Tự tin ở mình và phải khiến mọi người cũng tin mình, cả thiên hạ tin ở mình… Như vậy sẽ được gọi là “Đại tín”.
Trong “Kinh dịch” có nói: “Lý hành tư thuận” (hành động giữ chữ tín, mọi suy nghĩ sẽ đều thuận lợi). Nói phải để ý đến hành động, hành động phải chú ý đến lời nói; như vậy là lập tín. Ra chính sách phải thi hành chính sách, ra lệnh phải thi hành lệnh, như vậy là lập tín; thưởng phạt đều phải thi hành, không kể quyền thế, thân thích, không bỏ mặc những kẻ thấp cổ bé họng, như vậy cũng là lập tín.
Ngày xưa, Tử Công hỏi Khổng Tử về chính sự. Khổng Tử nói: “Lương thực đầy đủ, binh lực dồi dào chính là coi sức mạnh quốc phòng lên hàng đầu, khi được dân chúng tin tưởng thì phải dùng lòng tin đó vào những việc lớn. Đây là ba điều căn bản của chính sự”. Tử Cống lại hỏi: “Nếu vạn bất đắc dĩ thì trong ba điều này phải bỏ điều gì trước?”. Khổng Tử nói: “Phải bỏ sức mạnh quốc phòng” Tử Cống lại hòi: “Nếu vạn bất đắc dĩ thì trong hai điều đó phải bỏ điều gì trước?”. Khổng Tử đáp: “Bỏ lương thực. Từ xưa đến nay, người ta ai cũng phải chết, nhưng lòng tin của nhân dân không thể mất được”. Cho nên nói rằng nếu người ta có thể “lập tín” mới có thể đứng vững trong trời đất, giỏi vuông giỏi tròn.
9. ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG ĐÃ NGỦ QUÊN
Chiến thắng sự tự ti và nhút nhát là lời chúc phúc tốt lành nhất cho sự nghiệp.
Mao Chủ tịch có câu thơ: “Tự tin nhân sinh nhị bách niên, hội đương thủy kích tam thiên lý” (kẻ tự tin có thể sống hai trăm năm, có thể đánh trận thủy chiên khắp ba nghìn dặm).
Tự tin là bí quyết số một để thành công trong sự nghiệp. Lương Khởi Siêu cũng từng nói rằng “Muốn làm bất cứ việc lớn gì trong thiên hạ, không thể không có sự tự tin. Mỗi khi làm một việc gì, có thể nhìn thấu suốt, tự tin mà vượt qua, thì phải nắm bắt lấy nó bằng dũng khí chưa từng có, giữ lấy nó bằng sự kiên trì không ngăn cản nổi, dù trăm nghìn ngọn núi cùng một lúc sụp đổ cũng không hề gì, dù giận như sóng cồn nhưng sắc mặt không đổi”. Từ đó chúng ta có thể thấy rằng, đối với một người muốn làm nên nghiệp lớn, sự tự tin vô cùng quan trọng.
Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, giá trị tồn tại của cái tôi cá nhân và tác dụng cải tạo xã hội của cái tôi cá nhân ngày càng bộc lộ một sức mạnh to lớn, lòng tin và sự tự tin trở thành điều kiện tiên quyết để thành công. Huyên Viên đại đế đã sáng tạo ra bánh xe khi có một gợi ý, Đại Thục ba lần qua cổng nhà mà không vào để dẫn dân chúng đi trị thuỷ, cho đến tinh thần Ngu Công dời núi – tất cả đều ẩn giấu sự tự tin mạnh mẽ và lòng tin dám thách thức với thiên nhiên để làm nên một sự nghiệp thành công.
Những người đã làm nên nghiệp lớn từ xưa đến nay không có ai là kẻ thiếu tự tin và nhút nhát cả. Tần Hoàng Hán Vũ, Đường Tông Tống Tổ đều thể hiện rất rõ sự tự tin đầy kiêu hãnh của mình. Lý Gia đã viết về khí phách hơn hẳn người đời của Tần vương “Tần vương kỵ hổ du bát cực, kiếm quang chiếu không thiên tự bích”. (Vua Tần cưỡi hổ dạo chơi khắp chốn, lưỡi kiếm chiếu lên bầu trời nên nhuốm màu xanh biếc). Lư Luân cũng đã miêu tả về khí thế điềm tĩnh thản nhiên, giết rồng giết hổ của tướng quân Lý Quảng: “Lâm án thảo kinh phong, tướng quân dạ dẫn cung. Bình minh tầm bạch vũ, một tại thạch lăng trung”. Tần vương và Lý Quảng không phải là những nhân vật lịch sử cùng một mẫu hình nhưng trong các chiến tích lẫy lừng để thống nhất Trung Quốc, họ đều có sự tự tin khiến trời xoay đất chuyển và giúp họ thoát mọi hiểm nguy.
Nên tự tin nâng cao giá trị bản thân, nhận thức đúng về bản thân mình. Lý Bạch trong “Tướng Tiến Tửu” có viết: “Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng” tức là: ta có thể sinh ra trên thế gian này nhất định bởi thế gian cần có ta, ta có thể phát huy được sự hữu ích của mình cho thế gian, thậm chí có những cống hiến nhất định cho thế gian.
Có những người sống cuộc sống “thuận buồm xuôi gió”, giọng điệu hùng hồn như thể đầy niềm tin, nhưng vừa gặp phải khó khăn thì đã nản lòng nhụt chí, không thể gượng dậy nổi như thể đóa hoa sen héo rũ vì sương muối, cần phải biết rằng: “chiến thắng sự tự ti nhút nhát là lời chúc phúc tốt đẹp nhất cho sự nghiệp”. Trong nghịch cảnh, không những phải “tay cầm thanh kiếm trí tuệ, người khoác tấm giáp nhẫn nhục” mà còn phải tự tin và dốc lòng cho đất nước.
Mời các bạn đọc cuốn sách Nghệ Thuật Xử Thế: Giỏi Vuông Giỏi Tròn của tác giả ĐINH VIỄN TRÍ – ĐÔNG PHƯƠNG TRI