“Người dọn dẹp hiện trường án mạng” – Góc khuất đằng sau nghề dọn dẹp hiện trường vụ án: đầy tính nhân văn nhưng cũng hết sức thảm khốc.
Nhiệm vụ của những nhân viên dọn dẹp hiện trường là làm sạch và khôi phục trạng thái của nơi xảy ra vụ án lại như ban đầu. Để hoàn thành việc dọn dẹp hiện trường, người trong nghề phải trải qua một khóa huấn luyện. Họ được cung cấp những kiến thức về cách xử lý hiện trường khi xảy ra các vụ gi…ết người, t…ự t…ử hay t…ai n…ạ Họ luôn phải giữ cho tinh thần ổn định, sự can đảm, khả năng phục hồi khi bị “chấn thương” tâm lý bất chấp nơi cần xử lý sẽ phải kinh khủng đến mức nào. Hiển nhiên đây không phải công việc dành cho người “yếu tim”.
“Người dọn dẹp hiện trường án mạng” sẽ đưa bạn đi từ hiện trường này tới hiện trường khác đầy sự kinh hoàng và bi thương như: khách thuê nhà ch,ết trong căn nhà trên tầng thượng; ự t…ử bằng cách treo cổ hay đốt than trong phòng kín; thi thể trương phình thối rữa trong bồn chứa nước… Hầu hết hiện trường án mạng thường là người đã qua đời nhiều ngày (hoặc nhiều tháng) mới được phát hiện, lúc này thi thể đã xuất hiện hiện tượng thối rữa, gây ra kết quả thi thể sưng phù, giòi sinh sôi, nội tạng tự phân hủy, da nhầy nhụa… Khiến quá trình dọn dẹp trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Cảnh tượng kinh hoàng đến ngã quỵ, thậm chí còn hay mê sảng, ngủ mơ đến hình ảnh xác ch…ết… là những gì người dọn dẹp hiện trường án mạng thường xuyên phải trải qua dù đã có thâm niên làm việc trong nghề.
“Chúng tôi cùng nhau lật người quá cố lại, nhìn thấy giòi chui ra từ cơ mặt và trong răng, da mặt thì vẫn còn dính lại chỗ cũ. Sau khi chúng tôi đưa người quá cố vào túi đựng xác, nhân viên lễ nghi đưa cho tôi một con dao cạo, bảo tôi cạy da mặt lên để thi thể đối phương được toàn vẹn. Tôi bỏ da mặt cạy được vào túi đựng xác trong tâm trạng chua xót và bất lực. Xúc cảm đó, tâm trạng đó, đến bây giờ đã mười năm trôi qua, tôi vẫn chưa quên được.”
Không chỉ dừng lại trong việc miêu tả chi tiết đầy rùng rợn về những hiện trường vụ án, “Người dọn dẹp hiện trường án mạng” còn khéo léo bày tỏ bí mật về nghề nghiệp dọn dẹp hiện trường án mạng và những câu chuyện éo le của chính những thi thể họ chứng kiến tận mắt, dọn dẹp tận tay.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Người Dọn Dẹp Hiện Trường Án Mạng của tác giả Lư Lạp Lạp
► Đừng bỏ qua sách này nhé:
- Sách Tự Học Excel Từ Cơ Bản Tới Nâng Cao
- Sách Bấm Huyệt Chữa Bệnh Và Bảo Vệ Sức Khoẻ
- Sách Dịch Bệnh Atlantis
NGƯỜI QUÉT DỌN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Mọi người thường hỏi tôi làm nghề dọn dẹp hiện trường án mạng, vậy gia đình cũng kinh doanh dịch vụ mai táng ư? (Nếu không tại sao lại làm nghề này?) Câu trả lời là không.
Tôi sinh ra trong một gia đình bình thường, bố là lính cứu hỏa, mẹ làm nội trợ. Lúc nhỏ, do bố phải trực ban nên chúng tôi không có nhiều cơ hội để gặp bố, cũng vì thế mà mỗi lần xem tin tức, hễ xảy ra hỏa hoạn trong khu vực bố phụ trách là chúng tôi đều lo lắng cho sự an toàn của bố.
Bố tôi dùng sinh mạng của mình để bảo vệ an toàn cho tính mạng và tài sản của mọi người. Còn tính mạng của ông, chỉ có thể để trời cao bảo vệ. Bấy giờ toàn bộ chi tiêu trong nhà đều là tiền thưởng bố nhận được sau khi chiến đấu với thần lửa. Lúc hỏa hoạn xảy ra, mọi người cố thoát khỏi đám cháy, còn ông lại khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ nặng nề, xách vòi cứu hỏa chạy ngược vào hiện trường nơi đang bị ngọn lửa nuốt chửng. Đối mặt với biển lửa hừng hực trước mắt, ông dùng tính mạng của bản thân để tìm kiếm và cứu giúp một tính mạng khác. Công việc này thật sự rất vất vả, mỗi lần thực hiện nhiệm vụ đều có thể là lần cuối cùng, mỗi lần dập lửa đều dốc cả sinh mạng và mồ hôi vào đó. Tuy ông không phải bác sĩ hành y cứu người, nhưng cũng là chiến sĩ cứu mạng người khác.
Bố không muốn chúng tôi đi vào con đường cũ của ông (lính cứu hỏa là công việc đánh cược sinh mạng), và mong tôi đạt được thành tựu nào đó, nên hồi nhỏ tôi thường nghe bố ân cần dạy bảo: “Con phải học hành chăm chỉ, nếu con không thích học, sau này chỉ có thể làm ‘con Thổ Địa(*)’ thôi, đừng làm gia đình thất vọng” Nhớ mỗi lần thành tích thi cử của tôi không được tốt, bố cũng thường bảo: “Nếu con không thích học thì đừng học nữa, không cần lãng phí thời gian, ngày mai con đến nhà mai táng xem thử có việc gì làm được không”
Và thế là từ nhỏ tôi đã thấy tò mò về nghề mai táng, cứ thắc mắc mãi, tại sao lại không được chọn công việc này nhỉ? Vài năm qua đi, bố vẫn không ngừng khuyên nhủ tôi cố gắng học hành, chỉ là nội dung hơi khác, ông thường hay nói: “Con phải chăm chỉ học hành, thi đậu đại học. Con xem, bây giờ có cả tá người tranh nhau ghi danh vào đội vệ sinh, cả tiến sĩ cũng chạy đi dự tuyển vào đội vệ sinh, nếu con học không giỏi, cả đội vệ sinh cũng không vào được. Nếu không muốn học nữa, bây giờ con chỉ có thể đi quét dọn cho người khác, nói không chừng con muốn quét dọn cho người ta, người ta còn không để cho con quét dọn ấy chứ”.
Thật ra nghề nghiệp không phân biệt sang hèn, những lời bố nói đều vì muốn tốt cho tôi, không cần phải kiếm miếng cơm manh áo bằng công việc vất vả liều mạng.
Tiếc thay, mong mỏi chỉ là mong mỏi, nghĩ thôi thì được. Vì nghĩ càng tốt đẹp thì hiện thực sẽ cho bạn một cái bạt tai càng mạnh, để bạn nhìn rõ nó.
Tôi là người duy nhất trong nhà học lên đại học, tuy phù hợp với mong mỏi của bố, thậm chí bố còn nghĩ sau này tôi có thể làm công việc bàn giấy, không cần phải bán mạng ở bên ngoài giống ông, nhưng tương lai tươi đẹp có vẻ vừa lòng bố đã thay đổi một trăm tám mươi độ từ khi tôi còn chưa tốt nghiệp. Tôi chọn làm dịch vụ mai táng, quyết định này thật sự đã khiến bố tôi “nôn ba lít máu”. Thời gian tôi mới vào nghề, ngày nào cũng bị ông mắng cùng một câu: “Uổng công con học cao đến thế, lại còn là sinh viên đại học duy nhất trong nhà, vậy mà cuối cùng vẫn chạy đi làm con Thổ Địa, sớm biết thế năm đó con tốt nghiệp cấp ba là có thể đi làm nghề này rồi. Bố vất vả kiếm tiền cho con ăn học, không phải để con đi học khiêng quan tài như thế nào, chỉ mong sau này con đừng giống bố, học hành không đến nơi đến chốn, chỉ có thể làm công việc không ai muốn làm!” (Cách đây rất rất lâu, vì mức lương quá thấp, không có mấy ai muốn làm nhân viên công chức.)
Công việc mai táng rất cực nhọc và vất vả, phải thức khuya dậy sớm, ngày đêm đảo lộn. Làm nghề này phải luôn sẵn sàng đợi lệnh mọi lúc mọi nơi, kể cả khi ngủ cũng sợ mình không nhận được điện thoại, đang ngủ giữa chừng vẫn giật mình tỉnh dậy kiểm tra di động. Có lúc nhiều việc, hai, ba ngày không về nhà cũng là điều bình thường. Kể cả khi tan làm rồi muốn nghỉ ngơi một chút, điện thoại của khách hàng vẫn tấn công hết đợt này sang đợt khác…
Vài năm sau, bố tôi cũng không còn ý kiến nhiều về việc tôi theo nghề mai táng nữa, thậm chí còn cảm thấy đây là một công việc rất tốt. Nhưng ngay lúc này, tôi lại chọn rời khỏi ngành nghề mai táng, dấn thân vào nghề dọn dẹp vệ sinh. Sau khi bố biết chuyện, nói là “giận dựng tóc gáy” cũng không quá chút nào. Tôi cứ tưởng sẽ bị bố mắng cho không ngóc đầu lên được, nhưng ông chỉ nói với vẻ đầy bất lực: “Năm xưa bảo con chăm chỉ học hành, nếu không con chỉ có thể làm nghề tổ chức tang lễ, kết quả con lại chạy đi làm nghề mai táng Bảo con cố gắng, nếu không sau này chỉ có thể đi dọn vệ sinh, con lại chạy đi làm vệ sinh thật! Muốn con đừng làm nghề gì con sẽ làm nghề đó, con muốn chọc bố tức chết phải không?” Kể từ sau khi nói ra những câu này, bố không còn phát biểu bất cứ điều gì về công việc của tôi nữa.
Tuy bố tôi không nói, nhưng lại đến lượt mẹ tôi bắt đầu tiếp sức: “Một người tốt nghiệp đại học mà chạy đi quét dọn, uổng cho con lúc trước còn làm chuyên viên tổ chức tang lễ, công việc ngon lành không làm, bây giờ lại muốn làm nghề này, con tưởng nghề này dễ kiếm ăn lắm sao? Đâu ra nhiều hiện trường tai nạn để xử lí như thế? Cho dù con muốn quét dọn giúp người khác thì bây giờ ở ngoài có nhiều công ty vệ sinh thế kia, cạnh tranh rõ là khốc liệt, con muốn chết đói đúng không? Sao nhà mình lại có một đứa ngu ngốc như con thế này? Con đậu đại học bằng cách nào vậy? Sao không biết nghĩ xem làm thế nào có lợi cho mình hơn, đã lớn đến ngần này rồi, còn để người nhà phải lo lắng nữa. Con nhìn con nhà người ta xem, thành đạt biết mấy, con đã ngần ấy tuổi rồi, chỉ biết nghĩ đến việc chạy đi quét dọn @#$%^&**&1%$#…. (phía sau đã lược bỏ ba nghìn chữ).”
Bị một tràng càm ràm có hỏa lực như súng liên thanh tấn công, tôi chồng chất vết thương, nhưng vẫn kiên trì với ý định của mình, tiếp tục công việc dọn dẹp hiện trường án mạng. Mới đầu quả thật rất vất vả, người nhà không ủng hộ, nhưng tôi đã vượt qua được, cũng khiến người nhà chấp nhận công việc và suy nghĩ của mình. Song, tiếng càm ràm của mẹ tôi thi thoảng vẫn văng vẳng bên tai! *Ôm đầu… Á…*
ĐỐI ĐÃI CHÂN THÀNH VỚI VẾT TÍCH CUỐI CÙNG CỦA SINH MẠNG
Tôi chưa bao giờ nghĩ công việc dọn dẹp hiện trường án mạng vĩ đại cỡ nào, cũng không ôm suy nghĩ siêu hình như tích cóp của cải trời ban hay làm công đức, thật ra chỉ vì muốn kiếm miếng cơm ăn nên tình cờ chọn đúng nghề này mà thôi. Nhưng cũng phải nói rằng, vì chuyên ngành đại học của tôi là Khoa học về sự sống và cái chết, những năm làm công việc tổ chức tang lễ đã giúp tôi thấu hiểu được sâu sắc sinh tử vô thường và duyên tới duyên đi.
Sau khi chứng kiến vô số lần sinh ly tử biệt, tôi cảm nhận được con người thời nay đã không còn tránh né vấn đề “cái chết” như ngày xưa nữa, ngược lại còn dần hiểu được cái chết là quá trình không thể tránh và là kết cục chắc chắn sẽ xảy ra, nên khi phải đối mặt với “cái chết có thể dự đoán trước”, họ cũng có suy nghĩ chuẩn bị trước “chuyện hậu sự”, chẳng hạn như lập di chúc và hợp đồng tang lễ, thậm chí còn xuất hiện “quán cà phê tử vong”, mọi người có thể ở đó bàn về sự sống và cái chết, tiến hành “nghi lễ từ biệt cuộc sống”, đồng thời trải nghiệm cảm giác được người thân bạn bè yêu thương và tưởng nhớ.
Nhưng khi đối mặt với “cái chết không thể dự đoán”, người thân bạn bè còn sống nên làm sao? Tai nạn bất ngờ có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào, mỗi khi những chuyện như vậy xảy ra (chết cô độc, tự sát….), thường thì người nhà của người quá cố khi về đến nhà mở rộng cửa nẻo, hoặc khi nhận được thông báo của cảnh sát mới hay tin xấu, còn chưa kịp chuẩn bị tâm lý để đối mặt với việc người thân đột ngột qua đời, đã phải chấp nhận sự thật kiếp này không thể gặp lại nhau nữa.
Khi tôi làm dịch vụ tổ chức tang lễ, từng chứng kiến những cái chết bất ngờ. Người thân, gia đình của người quá cố vô cùng đau buồn. Họ chỉ có thể kìm nén nỗi đau, cố gắng giữ tỉnh táo, đến sở cảnh sát cho lời khai, sau đó đến nhà xác để kiểm tra thi thể, kế tiếp nhận giấy chứng tử từ tay nhân viên tư pháp, tiếp nữa là lo liệu hậu sự, còn phải tạm gác toàn bộ cảm xúc để đến nơi xảy ra chuyện dọn dẹp hiện trường… Với người nhà mà nói, tất cả những việc này đều là tổn thương lần hai, như giáng thêm một đòn thật mạnh lên con tim đang chồng chất vết thương, cầm lòng sao đặng!
Thế nên, với một số tình huống đặc biệt (tỷ như hiện trường thảm không thể tả, máu thịt bê bết, hỗn loạn khôn tả), một số đơn vị mai táng hoặc người làm dịch vụ liên quan sẽ cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Suy cho cùng, không phải tất cả những người làm nghề dọn dẹp vệ sinh đều bằng lòng nhận nhiệm vụ này, đa số vừa nhìn thấy thảm cảnh của hiện trường đã lập tức tung cửa chạy xa nghìn dặm, chạy mất dạng còn không kịp.
Tuy dịch vụ mai táng bằng lòng hỗ trợ, nhưng suy cho cùng cũng không phải nhân viên vệ sinh chuyên nghiệp, có lẽ chỉ nhờ vào ba món vũ khí thần thông “Axit clohydric, chổi lau nhà, nước tẩy” để xử lí hiện trường, chỉ cần lau sạch dấu vết, vứt bỏ đồ đạc, át đi mùi là xong, dùng cách vệ sinh nào là chính xác nhất (chẳng hạn như loại bỏ nguồn gây ô nhiễm và khôi phục hiện trường) vẫn còn chờ nghiên cứu thêm. Cách làm này đúng hay là sai? Khi còn làm dịch vụ tang lễ tôi cũng không rõ, chỉ biết đó là cách xử lý thích hợp nhất mà những người đi trước nói với tôi. Dần dà cũng tạo nên hiện tượng lạ lùng “người dám làm không chuyên nghiệp, người chuyên nghiệp không dám làm”.
Nhưng thời gian qua đi, cách xử lí hiện trường án mạng này vẫn không có bất cứ sự thay đổi nào. Tôi bắt đầu suy nghĩ, khi dọn dẹp hiện trường, liệu có còn không gian để tiến bộ hay không?
Nghề mai táng ban đầu kinh doanh theo mô hình gia tộc (cả nhà từ lớn tới bé bao trọn gói toàn bộ công việc), đến nay cũng chia nhỏ thành các nghề chuyên môn riêng như phụ trách nghi lễ, tổ chức tang lễ, thợ trang điểm… Ví dụ như thợ trang điểm, lúc trước chỉ trang điểm theo phong cách xác chết, nay đã chuyển sang phong cách trang điểm thời thượng cá tính hóa, có lúc nếu thi thể bị tổn hại, bàn tay khéo léo của họ sẽ chỉnh sửa, khâu vết thương, khôi khục dung mạo khi còn sống; còn một người phụ trách nghi lễ chuyên nghiệp, không chỉ là người dẫn chương trình cho buổi tang lễ, nhờ vào tài ăn nói tài tình và khả năng ứng biến khơi dậy tình đồng cảm của mình, giúp tang lễ diễn ra hợp nghi lễ, ngôn từ cảm động của người phụ trách nghi lễ làm cho người thân bạn bè giải tỏa tâm trạng đau thương, xoa dịu nỗi đau mất đi người thân. Sự diễn giải điều tiết của nhân viên nghi lễ, có thể giúp người nhà hoàn thành một lễ tang vừa mang tính truy điệu vừa hợp mong muốn. Nhân viên lễ nghi không cần một mình lo liệu toàn bộ công việc, chỉ cần phụ trách phần việc trong chuyên môn, dịch vụ lễ nghi sẽ chu đáo và tỉ mỉ hơn, cũng do được đào tạo chuyên nghiệp theo từng lĩnh vực khác nhau, năng lực làm việc của người trong nghề cũng được cải thiện hơn.
Vậy, hiện trường đặc biệt thì sao? Tại sao không có công ty chuyên môn và nhân viên chuyên nghiệp xử lý? Có lúc tôi tán gẫu với bạn bè đồng nghiệp, thường nghe họ nói đùa rằng, “Làm gì khó đến mức đó? Thu dọn đồ đạc, khi ra về vẩy nước tẩy rồi đóng cửa lại là xong. Sau khi nghe xong, tôi suy đi nghĩ lại rất lâu, cảm thấy cách xử lý hiện trường đặc biệt nên được chuyên môn hóa mới phải. Ở nước ngoài, các ngành nghề liên quan đã ra đời nhiều năm, tại sao Đài Loan lại không có? Tại sao ai nấy đều cho rằng không cần thiết, thậm chí còn xem nhẹ lĩnh vực này? Tôi mang theo tấm lòng “dẫu ngàn vạn người thì ta vẫn tiến, cùng với niềm tin “người dám làm cũng phải là người chuyên nghiệp nhất”, quyết định đệ đơn từ chức, từ bỏ công việc chuyên viên nghi lễ với thu nhập hàng triệu một năm, đi học cách dọn dẹp vệ sinh thích hợp, hợp tác với bạn mình thành lập đội ngũ dọn dẹp chuyên nghiệp, trở thành “người dọn dẹp hiện trường án mạng” – nghe có vẻ rất oai phong, nhưng tôi thường nói đùa rằng mình chỉ là một người quét dọn (nên mới bị mẹ càm ràm mãi không thôi…).
Sau khi học tập và nâng cao trình độ, tôi mới thêm hiểu rằng việc dọn dẹp hiện trường đặc biệt không hề đơn giản chút nào, tỉ như đủ các loại nguyên nhân tử vong, thời gian phát hiện dài hay ngắn, môi trường sống, cách sinh hoạt của người quá cố… có rất nhiều nhân tố cần phải suy xét, phải xem xét toàn diện mới giải quyết được vấn đề một cách hiệu quả, nhanh chóng. Với tôi mà nói, mỗi lần làm việc ngoài là đang học tập, còn là sự thấu hiểu dành cho việc “qua đời” và sự quý trọng dành cho việc “còn sống”.
Do tính chất công việc, tôi thường được chứng kiến nhiều góc độ cuộc sống “đặc sắc”, có khi còn độc đáo hơn những bộ phim truyền hình chiếu lúc tám giờ. Có một lần, tôi vẫn đang ở trong phòng dọn dẹp hiện trường người đã mất nhiều ngày mới được phát hiện, người nhà lại ở bên ngoài hăng hái thảo luận xem mình sẽ được chia bao nhiêu di sản, nhìn họ tươi cười vui vẻ, không giống như nhà đang có tang mà giống như vừa trúng số độc đắc hơn. Tôi cũng từng gặp một số người vì kết hôn, công việc và nhiều nhân tố khác, rất lâu mới gặp người nhà và cũng là người quá cố một lần, khi mở cửa ra nhìn thấy người quá cố nằm đó, ánh mắt họ đầy vẻ kinh ngạc. Có rất nhiều cách thức chết, nhưng kết quả đều như nhau, song với người nhà mà nói, là vui hay buồn? Như người uống nước, ấm lạnh tự biết.
Ngày xưa đa số mọi người đều ra đi trong nhà, có người nhà kề bên, còn thời nay phần lớn lại đón nhận cái chết trên giường bệnh trong bệnh viện, hoặc ra đi thanh thản trong giấc ngủ, đây có thể nói là trường hợp tử vong thường gặp nhất. Những trường hợp trong phạm vi công việc của chúng tôi, trăm phần trăm đều là trường hợp bất thường, khác với tình huống mà người bình thường hay thậm chí là người hành nghề mai táng thường tiếp xúc: Có người cao tuổi sống một mình, đang ngủ thì tắt thở “chết cô độc” (khi được phát hiện không phải nằm trên giường thì cũng là ngã dưới đất), cũng có người dùng những cách có thể ngờ hoặc không thể ngờ để kết liễu cuộc sống. Với một bộ phận nhân viên mai táng mà nói, có thể nhìn thẳng và hỗ trợ vận chuyển mà không nôn mửa đã là thách thức lớn nhất rồi, đừng nói đến việc xử lý hiện trường sau đó.
Mục đích duy nhất của việc dọn dẹp hiện trường là hi vọng có thể đưa hiện trường trở về nguyên trạng, không để người nhà phải chịu đả kích lần hai. Chúng tôi không chỉ dọn sạch vết máu, mà còn dọn đi nỗi sợ và đau thương trong lòng con người.
Có lúc những người nhà mà chúng tôi tiếp xúc, có thể vì một vài nguyên nhân nào đó, vài ngày mới gặp người quá cố một lần, nhưng trong quá trình xử lý vụ án vẫn cảm nhận được sự dụng tâm của người nhà. Nhớ từng có người tìm được tôi qua trang Facebook, mời tôi đến cung cấp dịch vụ, khi nhìn thấy người ủy thác phải gắng gượng vực dậy tinh thần mới có thể nói chuyện với tôi, tôi thầm nghĩ chắc là do nỗi sợ của cái chết, mùi hôi và tình cảnh trước mắt đã không ngừng tấn công con tim yếu đuối của anh ta. Sau khi chúng tôi dọn dẹp xong, người ủy thác cũng có can đảm bước vào phòng của người nhà, trong mắt anh ta đong đầy tình thương và nước mắt nhung nhớ dành cho người nhà, còn có lời cảm ơn dành cho tấm lòng của chúng tôi. Những lúc như vậy, dù vất vả khổ cực hơn nữa tôi cũng thấy rất đáng.
Từng có người ủy thác nói chúng tôi là thầy tâm linh, thấu hiểu người quá cố, cũng hiểu người thân của họ, tỉ mỉ, chuyên nghiệp không cần phải nói, tấm lòng giúp đỡ người khác thật đáng quý. Họ tiếc nuối khôn cùng do không kịp thời phát hiện ra người thân đã mất, cũng nhờ có sự trợ giúp của đội ngũ chúng tôi mà thấy yên lòng hơn nhiều.
Thật ra, chúng tôi chỉ cố gắng làm việc trọn vẹn nhất có thể, đặt mình vào vị trí của đối phương để suy nghĩ. Đột nhiên gặp phải chuyện như vậy, hoảng loạn là điều khó tránh khỏi, việc chúng tôi có thể làm là hỗ trợ và bầu bạn với người nhà để họ vượt qua cú sốc, giúp họ giảm nhẹ nỗi đau, xoa dịu nỗi buồn. Dọn dẹp chỉ là công việc cơ bản nhất, trọng điểm là lớp bụi trong lòng người nhà, cứ để chúng tôi phủi đi.