Cuốn sách “Người Mẹ Cầm Súng” mô tả cuộc đời và hành trình chiến đấu của chị Nguyễn Thị Út Tịch, một anh hùng lực lượng vũ trang của tỉnh Trà Vinh trong cuộc kháng chiến chống lại quân thù Mỹ. Từ một cô bé nghèo đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, chị đã trải qua sự giác ngộ cách mạng và trưởng thành, trở thành một chiến sĩ du kích có nhiều kinh nghiệm, góp phần vào việc lập nhiều chiến công cống hiến.
Chị Út Tịch, một người phụ nữ dũng cảm và quyết đoán, đã dấn thân vào cuộc kháng chiến với tinh thần cao thượng và ý chí kiên cường. Cuốn sách mở đầu bằng việc miêu tả về nguồn gốc và nhân vật của chị trong làng, nơi mà mọi người gọi chị bằng nhiều biệt danh khác nhau như “Út Trầu”, “Bà Hồng” hoặc “Út Tịch”.
Một sự kiện đặc biệt được nhấn mạnh trong cuốn sách là việc chị Út Tịch cứu một gia đình khỏi nạn đắm ghe trên dòng sông trong một đêm tối giáp Tết. Chị đã dũng cảm nhảy xuống nước, giữ chặt đứa bé mới sinh trên vai mình và cùng ba đứa trẻ khác thoát ra khỏi nguy hiểm. Hành động can đảm và nhân văn này là một minh chứng cho lòng nhân ái và sự quả cảm của chị Út Tịch.
Cuốn sách tiếp tục kể về cuộc đời và những chiến công của chị trong cuộc kháng chiến, mang lại cái nhìn sâu sắc về tinh thần và ý chí của những người phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến tranh.
► Đừng bỏ qua sách này nhé:
- Sách Đám Đông Cô Đơn
- Sách Hệ Miễn Dịch: Khám Phá Cơ Chế Tự Phòng Chữa Bệnh Của Cơ Thể Người
- Sách Nghệ Thuật Tư Duy Ngược Dòng
I. Căm thù và nghị lực
Tại xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh có một người đàn bà đã sáu con tên là Nguyễn Thị Út. Dáng người nhỏ gọn, chị có khuôn mặt tròn và đôi mắt to, sáng. Cô bác lớn tuổi quen gọi chị là con Út Trầu, vì chị hay ăn trầu. Lại có người đặt danh chị là “Bà Hồng” vì chị đánh giặc rất giỏi. Xóm giềng theo tục địa phương, ghép luôn tên chị với tên chồng, cứ kêu là Út Tịch. Mới đây bà con lại bàn tán một chuyện mới xảy ra về chị.
Một đêm tối trời tháng giáp Tết vừa qua, dân làng đáy ở ngoài cồn Bần Chát bỗng nghe tiếng đàn bà kêu cứu. Vào mùa nước rong, sông chảy xiết, sóng to, có lượn lớn bằng con trâu, dân nghèo đi làm ăn bị chìm ghe, đồ đạc trôi láng sông. Người ta chạy ghe máy ra giữa dòng, vớt lên được một người đàn bà chỉ có đôi mắt to là còn tỉnh táo. Trên vai chị, một đứa bé tuổi còn bú, cứng đờ, thở thoi thóp. Cùng với chị còn có ba đứa nhỏ gái run rẩy, da tím ngắt.
Đó là chị Út Trầu. Hỏi ra mới biết hôm đó nghe tin giặc bố ngoài bờ sông, chị mướn xuồng chở ít dưa sang Cầu Lộ bán, tiện dịp thăm dò tình hình giặc ngoài đó ra sao. Giặc chặn đường ban ngày, chị phải đi đêm. Ra tới giữa sông, sóng lưỡi búa đã bốc nước làm chìm xuồng chị. Sông Hậu Giang mênh mông, bề ngang bốn ki-lô-mét, chèo thẳng tay cũng mất ba tiếng. Mấy mẹ con ngụp lặn giữa trời nước tối đen. Chị Út vai vác đứa con mới đẻ, lội đứng, miệng hò hét điều khiển ba đứa con gái, đứa nhỏ nhất mới lên tám tuổi, bám theo mép xuồng còn chìm lờ đờ, thả trôi. Xuồng muốn chìm luôn xuống đáy sông, chị cố nâng lên. Mọi việc đều phải tỉnh táo, chính xác. Nếu không khéo, đứa nhỏ trên vai sẽ chết. Quá tay một chút, cái xuồng cũng có thể chìm luôn. Cứ như vậy, hai tiếng đồng hồ, sóng lớn, sóng cả đã thua chị.
Lên bờ, thoa bụng con, chị thử sức con bằng cách thọc lét[1] cho nó cười.
Mấy mẹ trong xóm nói:
– Đàn bà như tao thì sình lên rồi[2]. Nó vậy mà mẹ con còn y.
Mấy mẹ Khơ-me nói:
– Con đó chuyện gì nó cũng làm như đụng giặc vậy.
Bà Sáu Hò kêu lên:
– Nó uống toa thuốc gì mà gan trời vậy chớ!
– Có uống thuốc gì đâu. Hồi nhỏ cực quá nên bây giờ gan thôi. Mười hai tuổi từng đánh vợ Hàm Giỏi mà.
Cô bác hay nhập chuyện đời xưa vào chuyện đời nay của chị như vậy.
Ngày đó, Út mặc quần bố tời[3]. Rận ôi là rận! Lấy chai lăn, nó kêu như muối rang. Út ở giữ con cho vợ Hàm Giỏi, vừa phải leo cau, vừa leo dừa. Hai bên hông Út sần sượng, nổi cục. Leo cau tối ngày, đói, đến lúc đút cơm cho con nó ăn, Út rất thèm. Thịt nạc nó kho nước dừa béo vàng. Những miếng thịt lưng cá trê nó lòe ra trắng như bông. Út ăn đại một miếng, ngọt quá, Út làm luôn cả chén, rồi chén nữa. Chiều thấy con đói, vợi Hàm Giỏi kêu Út lại chửi: – Bộ ông nội bay hồi đó chết đói thụt lưỡi hả?
Rồi mụ đánh Út, quyết cho lòi thịt, lòi cá ra. Nhưng thịt cá vào bụng Út rồi, ra sao được? Mụ quất Út một roi, làm Út nằm giãy như sâu bị bắn. Lúc ngồi dậy, sẵn tay, Út liệng luôn cái chén vào mặt mụ. Út không hiểu sao lúc đó mình dám làm như vậy. Vợ Hàm Giỏi cao, mập. Ngay thằng chồng đứng cạnh mụ cũng chỉ như “lóc nói[4] mà ôm cột dừa”. Uy thế của mụ cũng ghê gớm như cái thây mụ. Mỗi lần ngồi ghe đi góp lúa[5], mụ ngả người ra sau, chỏi chân ra trước, hai bên ghe chạm hai con khỉ bằng cây ngồi chầu.
Cái chén đập lại của Út làm mụ Hàm Giỏi tím mặt. Mụ nắm tóc Út, mớ tóc non có chút tị. Út với con dao cau lia vào tay mụ. Mụ vốn sợ dao, buông ngay. Út phóng ra ngoài.
Bắt đầu ở đợ, Út là một con bé tám tuổi, cởi truồng, ốm nhách. Đến lúc đánh lại địa chủ, Út mới mười hai tuổi, vẫn ốm nhách, nhưng lại thêm có một mối thù trong người.
Trốn nhà này đi, Út lại phải đi ở đợ. Một nhúm tuổi, biết làm đâu, ăn đâu bây giờ. Con gái hội đồng Thanh mướn Út để leo dừa, leo cau và đổ đờm ho lao. Cho đến ngày cách mạng, rồi kháng chiến. Một buổi Tây vào bố[6], các anh đàng mình rút, bỏ quên cái máy chữ. Út mến các anh nên rất thương cái máy. Em lấy dây buộc, lôi nó lên ngọn dừa, giấu kỹ. Chiều, các anh về, cách mạng còn cái máy, nhưng đồ đạc và hộp vàng của con gái mụ địa chủ bị Tây lấy sạch. Chờ các anh đi, nó kêu Út lại chửi:
– Bây giấu đồ cho người ta còn đồ nhà bây bỏ. Quân bây ăn xong rồi quẹt mỏ như gà.
Nó xấn xổ tới. Từ chiều, thấy các anh đi, biết là thế nào cũng sẽ bị đòn, Út đã thủ sẵn nắm ớt bột. Con kia lớn gấp ba Út. Nó vừa quơ cây lên thì nắm ớt bột đã đập vào mặt nó. Lần trước, Út không hiểu sao mình dám đánh vợ Hàm Giỏi, lần này, Út đã hiểu rằng phải đánh nó để nó không đánh được mình. Năm ấy, Út mười bốn tuổi. Có uống thuốc gì đâu! Bị đòn nhiều quá mà cứ phải ngậm ngậm ở trong lòng nên nó nảy ra cái gan như vậy.
Nhân dịp chìm ghe, nhớ chuyện cũ, ông Sáu Hò, thông tin xã, đặt tặng Út mấy câu thơ:
Vợ Hàm Giỏi thây to, mặt mốc,
Vợ hội đồng Thanh vai cóc, mình lươn
Đập cho bể mặt bể sườn,
Bản mặt chườn trờn, hết đánh Út chưa!
Út ơi, Út hỡi, bây giờ Chìm ghe, sóng cả, con thơ, giữa dòng.
Sông sâu phải chịu thua cùng…
—
II. Cách mạng đã đem lại cuộc sống và hạnh phúc
Một buổi sáng, các anh bộ đội thấy một em bé gái ốm tong teo, mặc quần cụt, áo cánh vải xe lửa vá chằng, vết roi đòn còn hằn trên cổ, đến năn nỉ xin đi theo bộ đội. Các anh hỏi:
Tại sao em xin đi!
Em nói:
Ở đợ cực quá mà.
Đi đánh Tây cũng cực vậy!
Đánh Tây sướng bằng tiên chớ cực gì.
Các anh đều cười, em nói tiếp:
Nó đánh mình, mình đánh lại nó mới sướng chớ. Em ở đợ, chủ đánh em, em phải chạy.
Em đưa cổ cho các anh coi. Các anh rất thương em nhưng hoàn cảnh lúc đó đem em theo sao được.
Mấy ngày sau, má, chị Hai, chị Ba của Út đều thôi ở đợ cho hội đồng Thanh. Một đồng bạc nợ của nhà nó đã có các anh bộ đội trả giúp. Út, cô bé hụt đi bộ đội lần đầu, theo mẹ về lập chòi, làm mướn.
Út lại leo cau, leo dừa, đồng xu một cây. Chiều về, Út đem tiền cho má và báo tình hình giặc đã nhìn thấy trong lúc leo dừa cho chú Chín – một cán bộ bộ đội.
Ba năm sau, cách mạng mở chiến dịch Cầu Kè. Út đem cả tuổi mười bảy của mình lao vào chiến dịch. Út chạy thư mặt trận, phất khăn ra hiệu cho chú Chín Luông chỉ huy bộ đội đánh trận Rạch Cách, chọi đất báo tin cho các anh biết để đánh bọn bót Bến Cát, Út giết Tây bằng khăn và bằng những cục đất của quê mình.
Một buổi sáng, Út có dè đâu, chú Chín dắt một anh bộ đội mặt mũi hiền khô đến nhà nói với má:
– Con Út nó đã lớn. Tôi lựa được thằng nầy tướng tá coi cũng được, chị gả cho nó đi.
Út chạy một hơi ra bờ sông, ngồi.
Anh bộ đội đó tên là Tịch, người Khơ-me. Sau đó cả tiểu đội anh Tịch đến đóng nhà Út, Út rủ bạn gái tới nhảy cò, nhảy u, đánh banh, vật lộn cho anh Tịch chê, vì đàn bà con gái mà chơi những trò đó thì quá lắm! Nhưng anh Tịch vẫn không chê.
Trong trận đánh bót Chuông Nô, thấy Út tay không, anh Tịch hỏi:
– Hồi nào tới giờ cô có biết chọi lựu đạn không?
Út nói không. Anh cho Út một trái, rồi làm điệu bộ dạy Út chọi, rất giỏi. Út nghĩ: anh này đánh giặc ngon đây!
Bót Chuông Nô bị diệt, anh Tịch vác ra một vác súng. Út mừng hoa mắt, đón lấy từng cây xếp xuống xuồng. Út hỏi:
– Trước anh có ở đợ không?
– Sao không! Mới bỏ bò theo chú Chín đi bộ đội đây.
Pháo giặc bắn như giã gạo. Chiến dịch còn dài. Anh Tịch lại đi. Út chở súng về. Miểng pháo rơi quanh người lụp bụp.
Bộ đội ta hạ đồn Bắc-sa-ma, bao bót Bến Cát, đánh tàu. Tàu giặc bắn như vãi cát. Trận này, Út cùng chị Chương, cô bạn ở đợ ngày trước, bò ra dưới làn đạn giặc, lấy cây súng nồi của anh em ta rút còn để sót lại. Cây súng tốt quá, anh Tịch và các anh bộ đội đã từng nhảy vào đồn, đổ máu ra mới lấy được nó. Hai chị em è ạch lôi cây súng dưới sình.[7]
Chiều hôm ấy, nó được trao trả tận tay bộ đội.
Nửa chừng chiến dịch, bỗng có tin anh Tịch hy sinh. Chưa phải là vợ, cũng chưa biết yêu, nhưng Út khóc anh Tịch, thù thằng Tây lắm. Út đi trinh sát, thấy tàu nó vô sông Cầu Kè, Út chạy băng băng về báo. Nó bắn moọc-chê đuổi theo. Mỗi lần nghe éo éo trên đầu, Út chỉ hụp xuống một chút, lại chạy. Thương anh Tịch quá, Út không biết sợ chết là gì. Bộ đội được tin ra dàn kịp. Trận ấy, tàu sắt giặc bị thương tháo chạy. Tây chết ục ục dưới sông. Một chiếc tàu cây[8] bị súng “ống trúm”[9] của ta thổi thủng một lỗ bằng cái nia. Út la:
– Trám đất sét, kéo nó về để dành độc lập chạy chơi!
Tưởng nói chơi, chẳng dè các anh làm thật. Chiếc tàu được kéo về, gỡ hết máy, chỉ còn cái bộng. Đứng dưới tàu, Út nghĩ hoài không biết mình đã trả thù được cho anh Tịch hay chưa!
Chiến dịch hết. Đột nhiên, anh Tịch trở về. Thì ra, ở đời, con người ta trùng tên là chuyện thường. Út trở thành cô dâu. Ngày cưới, vui hơn Tết. Út ra điều kiện với chồng: hễ theo giặc là thôi nhau luôn, còn đánh lộn chết bỏ cũng không thôi nhau! Anh Tịch gật. Bộ đội kéo đến đầy một chùa. Má của Út lên ngồi ghế danh dự. Út mặc áo mới. Chú Chín, người chỉ huy cao nhất quận Cầu Kè, ra xin thưa với má mấy lời…
Chị Hai của Út nói:
– Phải tao biết đằng mình nổi dậy, tao nhín để bây giờ hãy lấy chồng.
Má khóc:
– Tao có ngờ đâu đời nó bây giờ lại được vậy…
Út lên nói cảm tưởng:
– Tôi vừa được đi đánh giặc, lại vừa được chồng…
Sau đó trẻ con hát nghêu ngao lời các anh bộ đội dạy:
Ai đi chiến dịch Cầu Kè,
Về giồng Tam Ngãi, giang ghe xóm chùa,
Hỏi thăm cô Út ngây thơ,
Ngày xưa cực khổ, bây giờ thì sao?…
—-
III. Trong bước khó khăn
Cưới xong, anh Tịch đi chiến đấu. Út ở nhà trồng dưa, lúc nào có công tác thì chú Chín tới kêu đi. Hai năm sau, Út mười chín tuổi. Sông bao lớn Út cũng không sợ. Út còn ao ước có một cây dừa nào cao tới trời để leo lên ngọn theo dõi địch. Út đi bán bánh tận nhà giam Cầu Kè, trao kế hoạch của chú Chín cho cơ sở cứu một đồng chí huyện ủy viên bị bắt. Đồng chí đó thoát, nhưng sau đó ít lâu, Út được tin buồn: chú Chín hy sinh.
Út khóc, kêu anh Tịch cùng đi trả thù. Lúc đó, huyện nhà đang gặp khó khăn. Giặc đóng bót tràn lan. Sông Hậu Giang ngày nào cũng có xác người chết. Đêm đêm, Tây đem anh em mình ra bắn ở cầu sắt. Người làm việc trong xã chỉ còn lơ thơ. ạng Chín Đông, chủ tịch xã, phải lánh trong chùa. Hàng ngày, Út đi bán mì nấu và nước mía ở chợ Cầu Kè, Út đã bỏ súng sáu vào thúng mì, mang vào giữa chợ, giao cho anh em giết thằng quận Hùm, trả thù cho chú Chín. Việc bại lộ, thù chú Chín chưa trả, lại bị giặc rượt bắt ráo riết. Cuộc sống hình như bị co hẹp lại, nhưng cái quyền đánh Tây thì vẫn còn nguyên vẹn. Út tìm được một tấm hình Bác Hồ in trong tấm bằng khen, cắt ra, giấu kỹ. Bác Hồ ở xa, Út chưa gặp Bác nhưng có Bác thì cách mạng nhất định sẽ thành công.
Bị giặc lùng bắt, Út bồng đứa con mới đẻ lưu lạc lên Sa Đéc. ở đó, chị lại móc được với cơ sở nội tuyến, đi tìm anh em mình vô phá cầu, lấy bót Cai Châu. Thấy chị lạ, anh em trên đó không tin, chị đưa tấm hình Bác Hồ ra. Đồng chí chỉ huy nhìn Út từ đầu đến chân. Út nghèo thật, quần phèn, đầu không nón. Đồng chí đó cầm tấm hình Bác Hồ lâu lắm, rồi hỏi:
– Chị nói thiệt chớ?
Út gật, đôi mắt sáng long lanh. Cầu Cai Châu bị đốt, đồn giặc bị san bằng, Út lại bồng con trở về Tam Ngãi.
Tây thua to ở miền Bắc, Nam Bộ ùn ùn trỗi dậy. Du kích Tam Ngãi bung ra, giải phóng xã nhà.
Đình chiến. Các anh bộ đội, đội nón lưới có gắn sao, kéo về đầy nhà Út. Vợ chồng Út tiễn anh em đi tập kết, ra tận ngã ba Chà Bang. Có bao nhiêu tiền, chị may đồ tặng anh em hết.
Út chưa lường hết được những khó khăn của người ở lại, nhưng chị nghĩ: Trước mình đã dám đánh nó thì bây giờ chẳng có gì đáng sợ nó.
Một buổi sáng, Út mang khoai đi chợ bán. Thằng ấn, một thằng phản bội dắt lính tới bắt anh Tịch. Được tin, chị bỏ khoai, bồng con, cũng chưa vội đi thăm chồng mà tìm ngay thằng ấn, chửi vào mặt nó:
– Mày ăn của tao còn dính kẽ răng mà đã vội quẹt mỏ dắt lính bắt chồng tao!
Bà con kéo tới. Thằng ấn cao lớn, mặt tái, đứng chết trân giữa lộ. Đôi mắt Út dữ quá.
Chị lại bồng con vào dinh quận. Qua mả chú Chín, chị vái:
– Chú Chín, anh em mình đi tập kết vắng, nhưng còn chú, chú phù hộ cho vợ chồng con.
Tới trước dinh quận, chị la:
– Thằng ấn khai chồng tôi làm công an xung phong giết quận Hùm. Nhưng giết quận Hùm hỏi có gì là sai mà mấy ông bắt?
Bà con kéo tới thật đông. Thằng quận mới đến nhậm chức, phải ra. Út lại la:
– Quận Hùm là quân giết người, cả hai dãy phố chợ đều biết. Bây giờ nó còn sống nhăn ở Sài Gòn. Sao mấy ông không bắt nó mà đi bắt chồng tôi?
Thằng quận nói như ngậm sỏi:
– Gần đây vợ chồng mày có nối với Cộng sản không?
– Vợ chồng tôi nối với cục đất, với cái gánh trên vai, Cộng sản làm sao ai biết đâu mà nối.
Chiều hôm đó, nó phải thả anh Tịch. Út ngồi ngoài hè, bồng con, nhìn chồng ăn cơm, nghĩ: Chưa hết khó đâu! Những cái gì sẽ xảy ra với vợ chồng Út trong thời gian tới? Út sẽ phải làm gì? Chưa biết. Út đã trải qua nhiều cực khổ. Bây giờ cực hơn nữa chị cũng không sợ. Hồi nào tới giờ Út có bao giờ được sướng? Nhưng bọn giặc mong Út cúi đầu khuất phục như đời ở đợ ngày xưa thì “xin lỗi”, không được đâu! Út nói với chồng:
– Còn cái lai[10] quần cũng đánh!