Trong câu chuyện “Người Thay Thế H23”, một tác phẩm miêu tả sự cố đấu giữa CIA và Fidel Castro, chúng ta được giới thiệu với một âm mưu đen tối: CIA muốn đầu độc, sát hại hoặc ám sát Fidel Castro, lãnh đạo Cuba. Tuy nhiên, dường như mọi kế hoạch của họ đều gặp phải những thất bại không ngờ khi phải đối mặt với sự tài giỏi và tinh ranh của các điệp viên Cuba.
Câu chuyện này là một cuộc đối đầu căng thẳng và ly kỳ giữa hai phe phái, với các điệp viên Cuba phải nỗ lực bảo vệ lãnh tụ của họ trước những âm mưu ác ý từ bên ngoài. Sự thông minh, khéo léo và sự quyết đoán của họ đã ngăn chặn những kế hoạch đen tối của CIA và duy trì sự an toàn cho Fidel Castro và chế độ của ông. Điều này làm nổi bật sự tài năng và bản lĩnh của các điệp viên Cuba trong việc đối phó với các thách thức nguy hiểm từ phía quốc tế.
Người thay thế H.23 ca ngợi tinh thần quả cảm,tài lược mưu trí của lực lượng an ninh Cu-Ba,tinh thần cảnh giác cách mạng cao của nhân dân đập tan các âm mưu phá hoại nhiều mặt của đế quốc Mỹ và bọn phản động quốc tế,bảo vệ vững chắc Nhà nước Xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên lục địa Châu Mỹ.
Chiếc đồng hồ treo tường trong phòng tác chiến Phân cục Tình báo trung ương Mỹ ở Mai-a-mi thong thả điểm sáu tiếng. Đã chạng vạng tối. Mai-cơ, người chỉ đạo trực tiếp chiến dịch sắp được mở màn sau mười lăm phút nữa, giơ tay ấn nút chuông điện và cất cao giọng Tây Ban Nha khá sõi:
– Mời vào!
Một gã đàn ông cao lớn, to khoẻ nước da màu đồng hun hiện ra trước ngưỡng cửa. Bộ âu phục ghi sẫm, lịch sự đã tôn thêm dáng vẻ gã lên. Giơ tay nhấc nhẹ chiếc mũ phớt mốt nhất trên đầu và thong thả gỡ cặp kính đen khỏi mắt, gã nói nhỏ nhẹ:
– Chào ngài.
– Ngồi xuống đây, Rô-béc-tô,- Mai-cơ nói với người vừa vào phòng.
– Cám ơn ngài.
– Anh đã hiểu rõ nhiệm vụ của anh có ý nghĩa lớn thế nào chứ?
– Vâng, tôi hiểu rõ cả.
– Thời gian gần đây công việc của chúng ta không được trôi chảy cho lắm. Phần lớn những người của ta tung sang Cuba, bằng cách này hay cách khác đều bị cơ quan an ninh Cuba lần lượt cho vào tròng hết. Hoặc người của ta vừa mới hành động đã bị chúng bắt ngay, hoặc cũng có kẻ tự ra đầu thú với bọn an ninh Cuba.
Vừa nghe Mai-cơ nói, Rô-béc-tô vừa thong thả hút xì gà và ngắm nhìn những vòng tròn khói thuốc đang loang toả lên cao.
– Anh cần hỏi thêm điều gì nữa không? – Mai-cơ hỏi.
– Có ạ, tôi chỉ muốn hỏi một câu nữa thôi. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tôi sẽ trở về bằng cách nào?
Thay vì câu trả lời, Mai-cơ nhếch mép.
– Chỉ có mình Đ-45 là biết rõ nhiệm vụ cụ thể của anh ở Cuba. Ngay khi đến nơi anh cần gọi ngay số điện thoại này báo cho Đ-45 hay tin. – Rô-béc-tô liếc nhìn mảnh giấy Mai-cơ vừa chìa ra trước mặt và dễ dàng nhớ ngay các con số, sau đấy Mai-cơ đốt luôn mảnh giấy nhỏ.
– Như vậy là rất tốt, – Rô-béc-tô nói – nhưng ngài vẫn chưa trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi.
Nheo đôi mắt vẻ không hài lòng, Mai-cơ đáp:
– Đ-45 sẽ chịu trách nhiệm đưa anh rời khỏi đất Cuba, nhưng anh cần phải nhớ một điều quan trọng: Sau khi gọi dây nói báo cáo cho ông ta biết anh đã đến Cuba an toàn thì phải quên ngay ông ta ta đi. Đó chính là sự đảm bảo cho anh hoàn thành nhiệm vụ thắng lợi và mặt khác, đấy cũng chính là đảm bảo cho việc anh trở về nữa.
Mai-cơ giơ tay xem đồng hồ.
– Anh còn ý kiến gì nữa không?
– Hết rồi ạ.
Mai-cơ bước lại gần bàn giấy và bắt chặt tay con người đang đứng trước mặt mình. Nhìn thẳng vào mắt Rô-béc-tô, ông ta nói khẽ:
– Từ giờ phút này trở đi, anh sẽ lấy bí số là Đ-54. Đêm nay anh sẽ trở về đất Cuba. Chúc anh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao!
– Cám ơn ngài!
Rô-béc-tô cúi đầu và bước ra khỏi phòng.
Đến cổng, gã lặng lẽ ngồi vào chiếc xe đã chờ sẵn và đưa mắt nhìn bãi trống đằng trước, hút tiếp điếu xì gà, nghĩ thầm:
– Giờ định mệnh đã đến!
Trong lúc đó từ cửa sổ phòng mình, Mai-cơ quan sát từng cử chỉ của Rô-béc-tô. Khi chiếc xe vừa rú ga lao đi, ông ta liền ấn nút máy bộ đàm, hạ lệnh:
– Hãy theo dõi hắn.
Suốt nửa giờ liên, Mai-cơ chăm chú xem xét tập tài liệu đặt trên bàn. Ông ta đặc biệt chú ý đến tập hồ sơ riêng của con người vừa mới rời khỏi phòng. Một hồi chuông điện thoại bất ngờ đổ dồn.
– Tôi nghe đây. Vâng, chính Mai-cơ đây… Được. Hẹn gặp lại nhé.
Cuộc nói chuyện trong điện thoại chỉ diễn ra gần một phút nhưng cũng đủ làm cho Mai-cơ xúc động mạnh. Đặt ống nghe xuống, ông ta đứng dậy và im lặng hồi lâu nhìn vào khoảng không xa xăm, mờ ảo. Bên tai Mai-cơ hình như vẫn còn vẳng lại giọng báo cáo của điện báo viên: “”Những bông hoa Ngài đặt sẵn sẽ được gửi theo địa chỉ số 24””. Điều đo có nghĩa là đêm nay điệp viên F-1 sẽ đổ bộ lên Cuba.
Ngả lưng xuống chiếc ghế bành, Mai-cơ quay số điện thoại:
– Trực ban hả?
– Vâng.
– Cho tôi nói chuyện với tiến sĩ.
– Ngài là ai đấy ạ?
– Mai-cơ đây.
– Xin ngài vui lòng chờ một phút.
Mới vài giây trôi qua, Mai-cơ đã cảm thấy nóng ruột. Cuối cùng trong ống nghe vang lên:
– Mọi việc tốt đẹp cả chứ, ông Mai-cơ?
– Hoàn hảo cả, thưa sếp. Một ngày nữa tôi sẽ chuẩn bị bay đi…
– Còn một vấn đề này, ông Mai-cơ ạ. Không có gì khó khăn phiền nhiễu với mấy tấm hộ chiếu ấy chứ?
– Không đâu ạ, thưa sếp.
– Thôi được rồi, vậy hãy hành động đi.
– Tôi sẽ gửi về biếu ngài chai rượu rum “ca nhây”. Xin chào ngài.
Mai-cơ đặt ống nghe xuống.
Ông ta xếp cẩn thận các tập tài liệu vào tủ sắt, mà mỗi ngăn đều có khoá riêng và dấu niêm phong đặc biệt. Sau khi đã kiểm tra lần cuối và đánh dấu riêng cho từng loại, Mai-cơ tắt đèn, bước ra khỏi phòng.
Trên đường ra xe, Mai-cơ thầm nghĩ: “Mọi việc đều đúng với dự tính. Cứ thể xem vận may của chuyến du lịch đang đợi ta ở Cuba sẽ ra sao. Đây không phải là lần đầu và ta cảm thấy cũng chưa phải là lần cuối”.
Thấy Tiến sĩ để nhẹ máy điện thoại lên bàn, người hầu phòng bước lại bàn và hỏi:
– Ngài dùng rượu trước khi về?
– Đúng đấy, anh Ha-xin-tô. Rót ra ly đi!… Khoan đã, loại Rum “Ca-nhây” uống ngon lắm hả?
Ha-xin-tô chăm chú nhìn Tiến sĩ rồi chậm rãi đáp:
– Lúc tôi rời Cuba, thưa ngài, tôi thường uống “Bác-ca-di” nhưng tôi được biết bọn cộng sản dự định đổi tên rượu “Bác-ca-di”. Hiên nay “Ca-nhây” có hai loại nhãn – vàng và trắng. Người ta nói nó cũng khá lắm.
– Cám ơn Ha-xin-tô. Một người bạn định mang về cho tôi chai “ca-nhây”, bởi thế tôi mới phải anh thêm vấn đề này.
Cùng thời gian đó tại một điểm đối diện với cảng La Ha-ba-na cách bờ hai mươi hải lý trên một chiếc tàu thuỷ đã tắt động cơ, lần lượt có hai người nhảy sang chiếc xuồng máy có tốc độ nhanh mang ký hiệu “U-20” bên mạn thành.
Một thanh niên trạc ba nhăm tuổi, dáng cao, nhưng tóc đã điểm bạc ngồi ở đầu mũi. Gã mặc chiếc quần bò, áo sơ mi kẻ sọc, ngoài khoác thêm chiếc Blu-dông đen, đôi mắt nhíu lại chăm chú nhìn dải bờ xa xa đang tiến dần lại. Bóng tối và sự yên tĩnh bao phủ xung quanh. Chiếc xuồng máy tắt động cơ và giờ đây chỉ còn nghe tiếng sóng oàm oạp vỗ nhẹ vào hai bên mạn.
Người thanh niên nhìn đồng hồ. Mười hai giờ kém mười lăm. Máy nổ lại từ từ vang lên, chiếc xuồng máy lao lên và khoảng năm phút sau đã trườn đến phần bắc hòn đảo nhỏ.
Nhảy nhẹ lên bờ, tay lăm lăm khẩu súng ngắn nhỏ, gã ẩn mình sau những tảng đá lởn chởm, nhấp nhô bên bờ biển. Nghe ngóng động tĩnh vài phút, gã băng mình chạy đến gần con đường lớn cách đấy không xa. Đến đó, gã dừng lại, thõng chân xuống hố cát cố làm ra vẻ bình tĩnh ngồi hút thuốc. Đằng xa kia có ánh đèn pha ô tô buýt nhấp nháy, và khi chiếc xe vừa dừng lại, gã nhanh chóng nhảy phóc lên xe. Thế là điệp viên F-1 đã thực hiện được phần đầu kế hoạch xâm nhập vào Cuba của mình.
Cũng lúc ấy, phòng trực ban của cơ quan An ninh Cuba nhận được một bức điện báo: “Điệp viên “Thần thông” sẽ đến thăm các anh. H-23”.
Mời các bạn đón đọc Người Thay Thế H23 của tác giả D. L. I-ba-nhec.