Người Ti-Vi đến phòng tôi lần đầu vào chạng vạng tối chủ nhật.
Đang là mùa xuân. Tôi nghĩ là mùa xuân. Thế nào đi nữa, cũng là mùa không nóng quá, mà cũng không lạnh quá. Nhưng thật tình, thời tiết không quan trọng trong chuyện này. Thời điểm chạng vạng tối chủ nhật mới là điều quan trọng. Tôi vốn không ưa thời khắc chạng vạng tối chủ nhật. Nói đúng hơn là không ưa tất cả những thứ phụ tùng của thời khắc ấy, nghĩa là không ưa cái trạng huống chạng vạng tối chủ nhật một tí nào. Cứ gần đến chạng vạng tối chủ nhật là y như rằng đầu óc tôi bắt đầu nhức nhối từng cơn. Tùy hôm mà nặng nhẹ khác nhau, nhưng hôm nào cũng rờn rợn nhức. Cả hai bên thái dương, sâu trong đầu khoảng 1 cm hay 1 cm rưỡi, như có cục thịt trắng đang giật lên giật xuống, kỳ quặc. Cứ như là có sợi chỉ vô hình cột vào giữa cục thịt ấy, đầu kia của sợi chỉ đang có ai đấy từ đằng xa nhè nhẹ kéo căng ra mà giật nhịp. Cảm giác không hẳn là đau đớn. Mặc dù có đau đớn cũng phải lẽ, vậy mà kỳ dị thay, lại chẳng thấy đau đớn. Tôi cảm thấy như phần thân thể bị gây mê đang có mũi kim dài đâm ngọt vào bên trong.
Và nghe tiếng nữa. Nói đúng hơn là khối tịch mịch dày cộp đang nghiến vào khoảng không tăm tối mà phát ra một chuỗi u u trong tai tôi. Đó là triệu chứng khởi đầu. Rồi rờn rợn nhức. Đồng thời, tầm nhìn dần dần méo lệch đi. Như những đợt triều chồng phủ lên nhau, dự cảm lôi kéo ký ức, ký ức lôi kéo dự cảm. Có phiến trăng trắng mỏng như lưỡi dao cạo nổi bật lên như vừa được buông thõng xuống từ khung trời; nghi vấn đâm rễ luồn chui mải miết trong lòng đất tăm tối. Người người qua lại trên hành lang cố tình dậm chân rầm rập như dằn mặt tôi.
Nhắm đúng vào thời khắc chạng vạng tối chủ nhật như thế, Người Ti-Vi đã xuất hiện ở phòng tôi. Cứ như là suy tư u uất, như cơn mưa bí mật thình lình đổ xuống, bọn Người Ti-Vi ấy đã lẻn chui từ khoảng tranh tối tranh sáng của thời khắc mà mò đến đây.
Trước tiên, xin giải thích về hình dáng của Người Ti-Vi.
So với tôi hay bạn, kích thước của Người Ti-Vi nhỏ hơn đôi chút. Không nhỏ hơn rõ rệt lắm đâu, chỉ nhỏ hơn đôi chút thôi. Áng chừng, vâng, khoảng 20 hay 30 phần trăm. Mà tất cả các phần trên thân thể họ đều nhỏ theo đúng tỉ lệ ấy. Cho nên nói là họ nhỏ thì không đúng, phải nói là toàn thân họ rút gọn lại theo cùng một tỉ lệ, mới biểu hiện chính xác được về mặt từ ngữ.
Nói cách khác, nếu bạn có bắt gặp Người Ti-Vi đâu đó, có lẽ lúc đầu bạn cũng không để ý là họ nhỏ đâu. Mà dù bạn không để ý đến điều ấy đi nữa, chắc chắn rằng họ cũng tạo cho bạn một ấn tượng kỳ dị. Có thể nói là họ làm bạn “khó ở.” Làm cho bạn nghĩ thầm: có gì là lạ. Hẳn là bạn lúng túng chăm chú nhìn họ một lần nữa. Thoạt nhìn thì chẳng thấy có gì không tự nhiên cả, như chính vì thế mà ngờ ngợ rằng có gì đấy không được tự nhiên. Bởi lẽ, Người Ti-Vi nhỏ nhưng hoàn toàn khác người lùn. Bạn và tôi nhìn người lùn thấy “nhỏ”, nhận thức từ cảm giác ấy phần lớn bắt nguồn từ sự thiếu cân đối trong thân thể họ. Đúng là họ nhỏ thật đấy, nhưng không phải tất cả các phần trên thân thể họ đều nhỏ theo cùng một tỉ lệ so với người bình thường đâu. Bộ phận này nhỏ theo một tỉ lệ khác với bộ phận kia. Có khi tay chân họ nhỏ thật, nhưng đầu họ lại ít nhỏ hơn, chẳng hạn. Còn Người Ti-Vi nhỏ hoàn toàn theo một kiểu khác. Trường hợp Người Ti-Vi thì cứ như là bản sao rút nhỏ của người bình thường vậy, tất cả các phần bên trong thân thể họ đều đã rút nhỏ thật quy tắc, thật máy móc theo cùng một tỉ lệ. Nếu chiều cao rút nhỏ theo cỡ 0.7 thì chiều ngang cũng rút nhỏ 0.7, mà bàn chân, đầu, tai… cho đến cả chiều dài ngón tay cũng rút nhỏ đúng theo kích cỡ 0.7 ấy. Cứ như là mô hình chất dẻo chế tạo tinh vi theo kích thước út nhỏ của người thật. Cũng có thể nói Người Ti-Vi trông như mô hình nhìn theo phép vẽ phối cảnh. Họ đứng ngay trước mắt mà trông như đang đứng cách một khoảng xa. Cứ như là tranh ảo tượng thị giác ấy, mặt phẳng méo lệch, dợn sóng. Chỗ thấy thật gần thì tay mình không với tới được; chỗ trong như ngoài tầm tay với thì mình lại chạm tay vào được.
Đấy là Người Ti-Vi
Đấy là Người Ti-Vi
Đấy là Người Ti-Vi
Đấy là Người Ti-Vi
Bọn họ tất cả ba người.
Họ chẳng gõ cửa mà cũng chẳng bấm chuông. Chẳng chào hỏi gì ráo. Chỉ im lìm lẻn vào phòng. Chẳng nghe tiếng chân. Một người mở cửa phòng, hai người còn lại khuân một cái ti-vi. Ti-vi không lớn lắm. Loại ti-vi màu của hãng Sony ở đâu cũng thấy ấy. Tôi nghĩ có lẽ cửa phòng đã khoá lại, nhưng không chắc lắm. Cũng có thể tôi đã quên khoá cửa phòng. Lúc bấy giờ, chuyện có khoá cửa phòng hay không đã chẳng làm tôi bận tâm, nên tôi không thể xác tín được là mình đã khoá cửa phòng hay đã quên mất. Tôi chỉ nghĩ là đã khoá lại rồi, mà thôi.
Lúc họ bước vào phòng, tôi đang nằm thừ người trên ghế dài ở phòng khách, lơ đãng ngắm trần nhà. Trong phòng chỉ có mình tôi. Chiều hôm ấy vợ tôi đã hẹn gặp đám bạn gái của cô ấy. Một đám các cô bạn thân cùng lớp thời trung học cấp ba, tụ họp hàn huyên, rồi đến quán ăn nào đấy ăn tối chung.
“Anh kiếm gì đấy ăn tối hộ em nhé.” Vợ bảo thế trước khi đi. “Tủ lạnh còn rau trái, thức ăn đông lạnh đủ thứ đấy. Ăn tối thì anh tự lo được chứ gì? Và trước khi trời tối, nhớ lấy đồ giặt vào hộ em nhé.”
Tôi đáp:
“Được rồi.” Có gì đâu. Sá gì một bữa ăn tối. Sá gì chuyện đồ giặt. Toàn là chuyện nhỏ mà. Làm một loáng là xong ngay. Tút-xuỵt.
“Anh nói gì thế?” Vợ hỏi.
“Có nói gì đâu.” Tôi đáp.
Thế là suốt buổi chiều, tôi nằm chường trên ghế dài, một mình lơ tơ mơ. Chẳng có việc gì phải làm cả. Đọc sách một tí – cuốn tiểu thuyết mới của Garcia Marquez. Nghe nhạc một tí. Bia cũng uống một tí. Nhưng chẳng chú tâm làm việc gì cả. Nghĩ hay là vào nằm trên giường mà ngủ. Nhưng cũng không chú tâm vào việc ngủ được. Nên cứ thế mà nằm chường trên ghế dài, lơ đãng nhìn lên trần nhà.
Tôi thì chiều chủ nhật nào cũng có những việc hoá ra lặt vặt kiểu ấy. Động đến việc gì cũng thành ra nửa chừng nửa đỗi. Chẳng chuyên chú được vào việc gì cả. Lúc sáng đã tưởng là mọi việc sẽ hoàn tất song suốt đấy chứ. Hôm nay sẽ đọc cuốn sách này, sẽ nghe đĩa nhạc này, sẽ hồi đáp lá thư này. Ngay hôm nay, sẽ dọn dẹp xong ngăn kéo này, đi mua sắm các thứ cần thiết, và lau chùi chiếc xe đã bỏ bê lâu ngày. Thế nhưng, đồng hồ đã chỉ quá 2 giờ trưa, rồi 3 giờ, dần dần đã gần đến chạng vạng, mà các dự định ấy dần thành vô nghĩa. Kết cuộc, lại như thường lệ, chỉ nằm dài suốt buổi. Nằm dài nghe tiếng đồng hồ điểm nhịp. Tích tắc Tích tắc Tích tắc Tích tắc. Như những giọt mưa rơi đều đặn, bào mòn dần sự vật chung quanh mình. Tích tắc Tích tắc Tích tắc Tích tắc. Chiều chủ nhật nào cũng thế, tất cả mọi thứ đều hao mòn dần, từng chút từng chút đều đều rút nhỏ dần dần. Như chính là Người Ti-Vi vậy.
Bọn Người Ti-Vi ngay từ đầu đã chẳng đếm xỉa gì đến tôi. Cả ba đều có vẻ coi như tôi không có mặt trong phòng. Họ mở cửa, khuân ti-vi vào phòng. Hai người đặt ti-vi lên tủ chưng. Người thứ ba cắm dây nối vào ổ điện. Trên tủ chưng có đồng hồ để bàn và một đống tạp chí. Đồng hồ ấy là quà cưới các bạn tôi tặng, rất lớn và nặng. Lớn và nặng nề như chính thời gian vậy. Tiếng kêu cũng lớn, Tích tắc Tích tắc Tích tắc Tích tắc, vang vang cả phòng. Người Ti-Vi lôi đồng hồ ấy xuống, đặt trên sàn. Tôi nghĩ thầm: vợ tôi sẽ nổi giận cho mà xem. Cô ấy thậm ghét chuyện người khác tự tiện di chuyển đồ đạc trong phòng. Vật nào không đặt vào đúng chỗ là cô nổi tam bành lên ngay. Lại nữa, đồng hồ ấy mà để trên sàn, đêm tối chân tôi thế nào cũng đụng phải. Đêm nào khoảng 2 giờ tôi cũng thức dậy đi tiểu, đầu óc còn mơ màng, không vấp phải vật này cũng đụng phải vật kia thôi.
Thế rồi Người Ti-Vi lại dẹp luôn đống tạp chí, vất cả lên mặt bàn thấp trong phòng. Tất cả tạp chí ấy là của vợ tôi. Tôi thì hầu như hoàn toàn chẳng đọc tạp chí, chỉ đọc sách thôi. Cá nhân thôi thì nghĩ rằng các thứ báo bổ gọi là tạp chí ấy, cứ đốt sạch cả đi là tốt nhất. Loại tạp chí như Elle, Marie Claire, Báo Ảnh Gia Đình ấy. Các loại tạp chí chồng chất thật thứ tự trên tủ chưng. Vợ tôi cũng không thích ai đụng đến đống tạp chí của mình. Thứ tự sắp xếp của các tạp chí ấy mà sai lệch đi là có chuyện rầy rà ngay. Cho nên tôi không bén mảng tới gần các thứ tạp chí ấy. Ngay cả chuyện giở xem vài trang cũng chưa hề. Thế mà bọn Người Ti-Vi lại chẳng nề hà gì, cứ thẳng tay dẹp hết đống tạp chí của vợ tôi. Họ chẳng có vẻ gì là dịu nhẹ với chúng cả, chỉ đơn giản là muốn dẹp chúng khỏi tủ chưng, có ném chúng vào chỗ nào khác cũng chẳng sao. Thứ tự trên dưới của các tạp chí vì thế mà đảo lộn cả. Marie Claire mà lại chồng lên Croissant. Báo Ảnh Gia Đình mà lại chui xuống dưới An An. Thế là hỏng rồi. Chẳng những thế, bọn họ lại làm rơi rớt lung tung trên sàn phòng các tấm bài đánh dấu trang mà vợ tôi đã gài cẩn thận vào các tạp chí ấy. Những trang các tấm bài ấy đánh dấu đều là những chỗ có thông tin quan trọng đối với vợ tôi. Tôi chẳng biết thông tin gì và quan trọng như thế nào. Có thể là những điều liên hệ cần thiết cho công việc vợ tôi đang làm, hay có khi cho sinh hoạt cá nhân cô ấy. Nhưng gì gì đi nữa thì đối với vợ tôi cũng là những thông tin quan trọng. Tôi nghĩ thế nào cô ấy cũng sẽ cằn nhằn ghê lắm đây. “Lâu lắm mới được gặp bạn bè, hàn huyên vui thích thế, mà về đến nhà là thấy đồ đạc tung toé cả lên thế này đây…”, đại khái thế. Các câu cằn nhằn của vợ thì tôi vẫn nhớ như in. Chán thật. Tôi lắc đầu.
Kết cuộc, trên tủ chưng không còn gì nữa cả. Bọn Người Ti-Vi đặt ti-vi lên đấy. Dây nối được cắm vào ổ điện, nút điện được bật lên. Tiếng tạp âm tích tích vang lên, màn hình trắng dần. Tôi chờ một hồi, nhưng chẳng thấy hiện lên hình gì cả. Bọn họ lấy hộp bấm, đổi kênh tuần tự. Nhưng kênh nào cũng chẳng có hình. Tôi nghĩ chắc là vì không nối dây ăngten vào. Đâu đấy trong phòng này ắt là có ổ nối ăngten. Tôi nhớ hình như lúc dọn vào chung cư này, người quản lý đã giải thích về chuyện nối ăngten rồi. Chỉ có vị trí ổ nối ăngten ở đâu thì tôi không nhớ. Trong nhà không dùng đến ti-vi nên tôi quên phứt chuyện ấy đi. Thế nhưng, bọn Người Ti-Vi có vẻ chẳng hề quan tâm gì đến chuyện bắt sóng ti-vi. Họ chẳng tỏ vẻ gì là đang tìm ổ nối ăngten cả. Màn hình trắng toát, hoàn toàn chẳng có hình gì, vậy mà họ cũng chẳng tỏ vẻ bận tâm tí nào. Có vẻ bấm nút thấy có điện chạy vào là họ đã đạt mục đích rồi.
Ti-vi thì mới. Tuy không có hộp đựng, nhưng chỉ nhìn thoáng qua cũng biết là ti-vi mới. Cẩm nang sử dụng và giấy bảo hành còn nắm trong bao nhựa gắn băng keo bên hông ti-vi. Cáp điện thì còn bóng loáng như thân cá tươi mới câu lên.
Ba Người Ti-Vi đi tới đi lui trong phòng, ngắm nghía như kiểm tra màn hình trắng toát của ti-vi. Một người trong bọn đến ngay bên cạnh tôi, xác nhận xem từ vị trí tôi ngồi thấy ti-vi như thế nào. Ti-vi được đặt đúng chính diện hướng về chỗ tôi đang ngồi. Khoảng cách cũng vừa phải. Bọn họ có vẻ bằng lòng lắm. Độ chừng như thế là hoàn tất một chuỗi công trình. Một người trong bọn, chính anh chàng đã đến bên cạnh tôi xác nhận màn hình ti-vi ấy, đặt hộp bấm điều khiển ti-vi lên bàn.
Trong suốt khoảng thời gian ấy, bọn Người Ti-Vi không nói một lời nào. Có vẻ họ thi hành chính xác theo đúng trình tự công tác, nên chẳng cần phải nói gì với ai. Cả ba người đều đã làm tròn nhiệm vụ được giao phó với năng suất cao. Khéo léo. Nhanh nhẹn. Thời gian làm việc cũng ngắn gọn. Cuối cùng, một Người Ti-Vi ôm đồng hồ đang đặt trên sàn phòng lên, đưa mắt nhìn quanh một hồi tìm xem có chỗ nào thích hợp, nhưng rồi chẳng tìm được nơi nào cả nên đành thôi, laị đặt đồng hồ xuống sàn. Tích tắc Tích tắc Tích tắc Tích tắc. Đồng hồ lại khắc những tiếng nặng nề lên sàn phòng. Căn chung cư của tôi thì hẹp, mà sách của tôi và tư liệu, giấy tờ của vợ tôi đã choán đầy ra, đến hầu như không còn chỗ đặt chân nữa. Thế nào cũng có lúc tôi sẽ vấp phải cái đồng hồ ấy. Tôi nghĩ, và thở dài. Chắc chắn thế. Không thể khác được. Tôi sẵn sàng cá như thế.
Cả ba Người Ti-vi đều mặc áo vét màu xanh đậm. Không biết bằng thứ vải gì mà bóng láng. Họ mặc quần bò màu xanh, đi giày quần vợt. Cả áo quần và giày đều rút nhỏ theo một tỉ lệ có vẻ còn nhỏ hơn tí nữa. Nhìn họ làm việc một hồi lâu, dần dấn cảm giác của tôi về tỉ lệ rút nhỏ cũng có phần sai lệch đi. Cứ như người mang kính cận nặng độ đang ngồi ngược chiều trên chiếc xe lăn chợ phiên cuống cuồng chạy trên đường dốc và ngoặt gấp. Phong cảnh biến dạng, lộn ngược trước ra sau. Thấy thấm thía rằng cảm gáic thăng bằng mà mình thụ hưởng một cách vô thức từ trước đến nay không còn là thứ gì tuyệt đối nữa. Bọn Người Ti-Vi đã tạo ra cảm giác chênh vênh như thế cho người nào nhìn họ.
Từ đầu đến cuối, bọn Người Ti-Vi hoàn toàn không nói một lời nào. Cả ba kiểm tra ti-vi, xác nhận không có trục trặc gì một lần nữa, xong cầm hộp bấm tắt ti-vi. Màn hình phụt tắt tối đen, những tiếng “tích tích” li ti cũng mất tiêu. Màn hình trở lại màu xám đen trơ trơ cố hữu. Bên ngoài cửa sổ đã bắt đầu tồi. Nghe tiếng ai gọi người nào đấy. Có tiếng chân ai bước chậm rãi ngang qua hành lang chung cư. Như thường lệ, cố ý giẫm mạnh thành tiếng giày cồm cộp cồm cộp cồm cộp cồm cộp. Tối chủ nhật rồi.
Bọn Người Ti-Vi nhìn quanh khắp phòng một lần nữa như để kiểm tra lần cuối, rồi mở cửa bước ra. Cũng như lúc đến, họ chẳng đếm xỉa gì đến tôi cả. Làm như chẳng có tôi ở đấy.
Từ lúc bọn Người Ti-Vi vào phòng cho đến lúc họ ra khỏi, tôi chẳng hề cử động chút nào. Cũng không nói một lời nào. Chỉ nằm suốt trên ghế dài mà nhìn họ làm việc. Có thể bạn bảo là quái dị đấy. Phòng mình mà người lạ thình lình bước vào, lại đến những 3 người lạ, lại còn tự tiện đặt ti-vi lên tủ, vậy mà có thể im lặng nhìn họ mà chẳng nói gì, như thế chẳng quái dị thì là gì?
Nhưng quả thật, tôi đã chẳng nói một lời nào, chỉ im lặng đăm đăm nhìn trạng huống tiến hành như thế nào thôi. Ngay cả bạn nữa, nếu bạn bị đặt vào vị trí của tôi, có lẽ bạn cũng chỉ làm đúng như tôi mà thôi. Chẳng phải tôi muốn tự biện hộ, nhưng quả thật khi có người lạ ngay trước mắt mình, lại làm lơ không đếm xỉa gì đến sự có mặt của mình thì chính mình dần dần cũng không tin chắc là mình có hiện diện không nữa. Ngay cả khi bất chợt nhìn lại bàn tay mình, còn có thể có cảm giác là bàn tay mình trong suốt nữa. Một thứ cảm giác bất lực. Một lời nguyền. Thân thể của mình, hiện hữu của mình nhanh chóng hoá thành trống rỗng. Không cử động gì được nữa. Không nói gì được nữa. Tôi chỉ còn có thể bất động mà nhìn đám Người Ti-Vi ấy vào đặt ti-vi trong phòng mình. Tôi sợ phải nghe cả tiếng nói của mình nữa.
Bọn Người Ti-Vi ra khỏi phòng, tôi chỉ còn có một mình. Cảm giác hiện hữu trở lại. Bàn tay tôi đã trở lại là bàn tay của tôi. Chợt để ý rằng ánh hoàng hôn đã bị nuốt trọn vào đêm tối. Tôi bật đèn trong phòng. Và nhắm mắt lại. Ti-vi quả thật đang có đấy. Đồng hồ tiếp tục điểm nhịp thời gian. Tích tắc Tích tắc Tích tắc Tích tắc.
Điều lỳ lạ là vợ tôi chẳng nói gì về chuyện cái ti-vi xuất hiện trong phòng. Chẳng cho thấy phản ứng gì cả. Không để ý gì đến cái ti-vi ấy. Hoàn toàn không. Thật kỳ lạ. Bởi, như tôi đã nói, cô ấy là mẫu đàn bà kỹ lưỡng từng li từng tí về chuyện phối trí sắp xếp vật dụng bàn ghế trong phòng. Trong thời gian cô ấy vắng nhà mà trong phòng có chút gì dời đổi thì cô ấy nhìn qua cũng nhận ra được ngay. Vợ tôi quả là có năng lực ấy. Và cô ấy sẽ nhíu mày mà sửa lại như cũ ngay. Tôi thì khác. Báo Ảnh Gia Đình có nằm dưới An An, hộp đựng bút chì có lẫn lộn một cây bút bi vào đi nữa, đối với tôi cũng chẳng sao cả. Mà có lẽ, tôi chẳng để ý nữa. Lối sống kỹ lưỡng như cô ấy hẳn là mệt lắm. Thế nhưng đấy là vấn đề của vợ tôi, chẳng phải là vấn đề gì của tôi. Nên tôi cũng chẳng nói gì cả. Cứ để mặc cô ấy. Đại khái tôi suy nghĩ như thế. Nhưng vợ tôi thì không thế. Thỉnh thoảng cô nổi giận đùng đùng lên. Cô bảo không thể chịu đựng nổi cái vô tâm của tôi. Tôi nói ngay cả tôi đôi khi cũng đâu có chịu đựng nổi cái vô tâm của trọng lực, của suất Pi vòng tròn, hay của quy luật E=mc2. Sự thật là thế mà. Nhưng tôi mà nói thế là cô im lặng ngay, không thèm nói gì với tôi nữa. Có lẽ cô cảm thấy bị nhục mạ. Mà có phải thế đâu. Tôi hoàn toàn không có ý gì nhục mạ cá nhân cô ấy. Tôi chỉ nói ra những gì tôi cảm thấy đấy thôi.
Tối hôm ấy, vợ tôi về đến nhà là nhìn quanh phòng một hồi, như thường lệ. Tôi đã chuẩn bị sẵn các câu phân trần rồi. Bọn Người Ti-Vi đã đến, làm lộn xộn các thứ trong phòng đấy. Thật là khó giải thích cho vợ tôi về bọn Người Ti-Vi. Có thể cô ấy không tin đâu. Nhưng dù sao, tôi cũng định sẽ cố giải thích tất cả ngọn ngành cho cô ấy. Nhưng tối ấy, vợ tôi chẳng nói gì cả. Chỉ nhìn quanh khắp phòng thôi. Trên tủ chưng có ti-vi. Đống tạp chí nằm trên bàn mà thứ tự lộn xộn cả lên. Đồng hồ để bàn thì đặt trên sàn. Vậy mà vợ tôi chẳng nói gì cả.
“Anh ăn tối đàng hoàng đấy chứ?” Vợ tôi vừa cởi áo đầm vừa hỏi.
Tôi nói không ăn tối.
“Sao thế?”
“Không thấy đói mấy.” Tôi đáp.
Vợ tôi ngưng cởi áo đầm, suy nghĩ một lúc. Cô nhìn mặt tôi đăm đăm một hồi. Có vẻ phân vân không biết có nên nói gì hay không. Đồng hồ buông những tiếng nặng nề cắt khối im lặng ra từng khúc. Tích tắc Tích tắc Tích tắc Tích tắc. Tôi cố tránh không nghe những tiếng ấy, không cho chúng lọt vào tai mình. Nhưng những tiếng Tích tắc ấy to quá, nặng nề quá, không muốn mà vẫn lọt vào tai tôi. Trông cô ấy cũng có vẻ đang nghe ngóng những tiếng ấy. Rồi cô lắc đầu.
“Em làm món gì giản tiện cho anh nhé?” Cô nói.
“À.” Cũng chẳng phải muốn ăn gì, nhưng nếu có sẵn gì đấy thì ăn cũng được.
Vợ tôi thay áo rộng rãi cho dễ làm việc, rồi vào bếp nấu nồi cháo và chiên trứng, vừa kể chuyện gặp bạn bè. Ai làm gì, ai nói gì, ai đổi kiểu tóc trông đẹp ra, ai đã chia tay với bồ… những chuyện đại loại như thế. Tôi cũng biết sơ các nhân vật ấy. Tôi vừa uống bia vừa ừ hử đệm nhịp cho cô nói. Nhưng thật ra chẳng nghe gì ráo. Từ đầu đến cuối chỉ nghĩ đến bọn Người Ti-Vi. Và tại sao cô ấy thấy có ti-vi mà lại chẳng nói gì cả nhỉ? Không để ý sao chứ? Làm gì có chuyện ấy. Thình lình có ti-vi xuất hiện trong phòng, làm sao àm cô ấy không đế ý được chứ? Vậy thì, tại sao chẳng nói gì cả. Kỳ dị quá. Có gì sai hỏng đâu đấy rồi. Nhưng mà, làm thế nào để sửa chỗ sai hỏng ấy, thì tôi chịu, không nghĩ ra được.
Nồi cháo chín, tôi ngồi vào bàn trong bếp, ăn cháo. Ăn trứng chiên. Và trái mơ phơi khô. Tôi ăn xong, vợ tôi dọn dẹp chén đĩa. Tôi lại uống bia. Cô ấy cũng uống một tí bia. Tôi bất chợt ngước mắt lên nhìn tủ chưng. Ti-vi vẫn còn đấy. Không bật điện. Hộp bấm còn nằm trên bàn. Tôi đứng lên, rời ghế, cầm lấy hộp bấm, mở ti-vi. Màn hình phựt trắng lên, nghe có tiếng tích tích nho nhỏ. Màn hình, như trước, vẫn chẳng cho thấy hình gì. Chỉ có ánh sáng trắng nối lên trên mặt ti-vi. Tôi bấm nút cho âm thanh lớn lên, nhưng chỉ nghe tạp âm lớn thêm mà thôi. Tôi ngắm thứ ánh sáng ấy đâu khoảng 20, 30 giây rồi bấm tắt. Ánh sáng và tạp âm phụt tắt.
Trong khoảng thời gian ấy, vợ tôi ngồi trên thảm, giở xem các trang tạp chí Elle, hoàn toàn không quan tâm gì đến chuyện ti-vi mở tắt. Có vẻ chẳng để ý gì cả.
Tôi đặt hộp bấm xuống sàn, trở lại ngồi ở ghế dài phòng khách. Định đọc tiếp cuốn tiểu thuyết của Garcia Marquez. Hôm nào cũng thế, sau bữa cơm tối là tôi đọc sách. Vậy mà hôm ấy, tôi chẳng đọc được đến nửa trang sách. Dù cố gắng tập trung ý thức vào sách đến mấy đi nữa, tâm trí tôi cũng quay lại chuyện ti-vi ngay. Lại hướng mắt nhìn về cái ti-vi ấy. Màn hình ti-vi hướng thẳng vào ngay mặt tôi.
2 giờ rưỡi khuya.
Lúc tôi mở mắt dậy thì ti-vi vẫn còn đấy. Tôi rời giường, lòng mong ti-vi biến mất đi. Nhưng nó vẫn cứ còn đấy. Tôi đi tiểu xong, đến ngồi trên ghế dài phòng khách, gác chân lên chiếc bàn thấp, cầm hộp bấm, mở ti-vi. Chẳng có gì mới lạ cả, chỉ lặp lại chuyện cũ. Màn hình trắng, tạp âm. Ngoài ra chẳng có gì cả. Ngắm màn hình ấy một lúc, tôi bấm tắt. Cả ánh sáng lẫn tạp âm biến mất. Tôi trở về phòng định ngủ lại. Buồn ngủ quá. Nhưng chẳng ngủ được. Nhắm mắt thì bọn Người Ti-Vi hiện hình lên. Bọn Người Ti-Vi khuân ti-vi vào, bọn Người Ti-Vi dẹp đồng hồ xuống, bọn Người Ti-Vi dời đống tạp chí xuống bàn, bọn Người Ti-Vi cắm dây vào ổ điện, bọn Người Ti-Vi kiểm tra màn hình, bọn Người Ti-Vi mở cửa bước ra. Bọn họ cứ ở lì trong trí tôi. Bọn họ bước vòng vòng trong trí tôi. Tôi lại rời giường đi vào bếp, lấy cốc rót rượu whisky chừng hai lóng tay rồi uống, rồi lại ghế dài nằm xuống, giở lại trang sách Garcia Marquez. Nhưng quả thật, văn chương không làm sao vào lọt trong trí tôi. Hoàn toàn chẳng hiểu gì trong sách cả. Không làm sao hơn, tôi buông sách Garcia Marquez xuống, cầm tạp chí Elle lên đọc. Thỉnh thoảng có đọc Elle chắc cũng chả sao. Nhưng Elle chẳng có gì hấp dẫn tôi cả. Những kiểu tóc mới, những áo sơ mi lụa trắng quý phái, những quán có món hầm thịt bò ngon lành, và chuyện mặc áo quần gì khi đi xem opera, chỉ toàn những chuyện như thế, là thứ tôi hoàn toàn chằng quan tâm. Tôi lại buông tờ Elle xuống. Rồi lại ngắm cái ti-vi trên tủ chưng.
Kết cuộc, cứ thế chẳng làm gì cả mà thức cho đến sáng. Sáu giờ, bắc nước lên pha cà phê uống. Chẳng có việc gì làm nên tôi làm sẵn bánh mì kẹp thịt trước khi vợ thức dậy.
“Anh dậy sớm thế?” Cô nói, giọng ngái ngủ.
“Ừm” Tôi đáp.
Cả hai ăn bữa sáng không nói gì nhiều, xong cùng ra khỏi nhà, người nào đến sở làm nấy. Vợ tôi làm việc trong một nhà xuất bản nhỏ, biên tập một tạp chí chuyên về thực phẩm thiên nhiên, đăng tải những kí sự rất chuyên môn, như món ăn dùng nấm thì tốt cho việc đề phòng thấp; tương lai của kỹ nghệ canh nông hữu cơ… Số in ra không được bao nhiêu, nhưng thực hiện cũng chẳng tốn kém là bao, lại có được tầng lớp người đọc trung thành nhiệt tâm gần như tín đồ phù trợ nên không đến nỗi chết đói. Tôi thì làm việc trong ban quảng cáo của hãng chế tạo dụng cụ điện, làm quảng cáo cho những thứ như máy nướng bánh mì, máy giặt, lò nướng điện tử…
Trên đường đến sở làm, ngay tại bậc cấp ở sở, tôi đi ngang qua một Người Ti-Vi. Tôi chắc chắn đấy là một trong bọn ba người đã mang ti-vi đến phòng tôi hôm qua. Có thể là tên đầu tiên mở cữa bước vào phòng tôi. Tên không khuân ti-vi ấy. Bọn họ mặt mày không có điểm gì đáng gọi là đặc điểm cá nhân cả, nên phân biệt được từng người là chuyện vô cùng khó khăn. Xác tín thì không, nhưng tôi nghĩ có thể đúng đến 80, 90 phần trăm. Tên ấy vẫn mặc áo vét màu xanh như hôm qua. Tay không cầm gì cả. Chỉ bước đi xuống bậc cấp, còn tôi đang đi lên bậc cấp ấy. Tôi vốn ghét đi thang máy, nên lúc nào cũng lên xuống bằng bậc cấp. Phòng làm việc của tôi ở tận lầu 9 nên lên xuống thế này không phải là chuyện dễ dàng. Nhất là khi có việc gấp là toát mồ hôi đầm đìa. Nhưng đối với tôi thì đổ mồ hôi đầm đìa còn tốt hơn đi thang máy nhiều. Mọi người chế nhạo tôi về việc này. Bởi tôi không dùng ti-vi hay video, mà thang máy cũng không đi, nên họ cho rằng tôi là một tên dở hơi. Hoặc là có vẻ họ nghĩ rằng trong ý nghĩa nào đấy, tôi vẫn còn trong giai đoạn chưa trưởng thành. Những suy nghĩ kỳ quái thật. Tôi không thể nào lý giải được tại sao họ lại suy nghĩ như thế.
Dù sao đi nữa, lúc ấy, vẫn như mọi khi, tôi đang bước lên bậc cấp ở sở. Chỉ có một mình tôi đang bước trên bậc cấp ấy. Hầu như hoàn toàn chẳng có ai khác muốn dùng lối bậc cấp này cả. Khoảng từ tầng 4 lên tầng 5, tôi đi ngang qua Người Ti-Vi ấy. Đột ngột quá nên tôi chẳng biết phải làm sao. Cũng đã có nghĩ đến chuyện lên tiếng chào. Nhưng rồi cũng không thốt ra được. Ngay lúc đó không nghĩ ra được lời gì để nói cho phải, mà bọn Người Ti-Vi này lại toát ra vẻ gì khó gợi chuyện với họ. Hắn ta rảo bước xuống bậc cấp, khéo léo như máy. Những bước chân quy củ, chính xác theo nhịp điệu nhất định. Và cũng như hôm qua, hoàn toàn chẳng đếm xỉa gì đến sự có mặt của tôi. Có vẻ thứ như tôi thì chẳng lọt vào mắt xanh hắn ta. Tôi đi ngang qua hắn ta,vẫn bối rối không biết nên làm gì. Lúc giáp mặt nhau, tôi cảm thấy như chung quanh mình, trọng lực đã chao đi phần nào.
Ngày hôm ấy, hãng tôi có hội nghị từ sáng. Một hội nghị rất quan ttrọng về chiến lược bán sản phẩm mới. Vài nhân viên đọc báo cáo về đề án. Bảng đen trình bày những dãy chỉ số, màn hình máy tính hiển thị các biểu đồ. Thảo luận nhiệt thành. Tôi cũng tham gia vào cuộc thảo luận, tuy vị trí của tôi không mấy quan trọng trong hội nghị. Bởi tôi không trực tiếp liên quan đến kế hoạch này. Trong thời gian hội nghị, tôi suy nghĩ lan man. Dù sao cũng đã gắng phát ngôn một lần, tuy chẳng là ý kiến gì to tát, chỉ là ý nghĩ rất thường thức của một quan sát viên mà thôi. Dù gì đi nữa, cũng không thể không nói gì cả, từ đầu đến cuối. Tuy tôi chẳng phải là người đặc biệt nhiệt tình về việc làm, nhưng đã lãnh lương thì cũng phải có trách nhiệm tương xứng. Tôi tóm tắt các ý kiến đã nghe được thành đề nghị chỉnh tề, và còn thêm vài câu nói đùa ý nhị để làm nhẹ bớt không khí thảo luận nữa. Có lẽ cũng vì tôi muốn làm nhẹ bớt cảm giác u uẩn vì bị ám ảnh bởi bọn Người Ti-Vi. Vài người cười góp vào những câu nói đùa của tôi. Khi đã phát ngôn xong, tôi làm bộ chăm chú đọc các bản báo cáo, nhưng thật ra, lại suy nghĩ về bọn Người Ti-Vi. Hãng sẽ đặt tên gì cho lò nướng điện tử mới, chẳng phải là chuyện tôi quan tâm. Trong trí tôi lúc ấy chỉ có chuyện bọn Người Ti-Vi. Tôi cứ nghĩ về họ mãi thôi. Không hiểu cái ti-vi mà họ mang đến có ý nghĩa gì nhỉ? Tại sao bọn Người Ti-Vi lại chọn phòng tôi mà mang đến chứ? Tại sao vợ tôi trông thấy ti-vi mà lại chẳng nói gì cả thế? Tại sao Người Ti-Vi lại lẻn vào tận hãng tôi làm nữa?
Hội nghị có vẻ kéo dài liên miên không dứt. Chỉ có khoảng nghỉ trưa ngắn lúc 12 giờ. Không có thì giờ để ra ngoài ăn nên mọi người được cấp bánh mì kẹp và cà phê. Phòng họp hôi mùi khói thuốc nên tôi mang thức ăn trưa ấy về bàn mình ngồi ăn. Lúc đang ăn thì tay Chủ nhiệm tìm đến. Thật tình, tôi chẳng ưa gì anh chàng này. Lý do tại sao không ưa anh ta thì tôi cũng ko hiểu rõ, mà anh ta cũng chẳng có điểm gì thật đáng ghét. Từ anh ta toát ra vẻ con nhà. Đầu óc cũng không tệ. Cách chọn cà vạt cũng khá. Nhưng đâu phải vì thế mà anh ta có quyền thị uy với nhân viên dưới quyền được. Ừ thì, đối với tôi, anh ta cũng đã để mắt đến đấy. Thỉnh thoảng cũng có rủ tôi đi ăn. Nhưng với anh ta, tôi chẳng làm sao mà thân thiết cho được. Tôi nghĩ có lẽ vì anh ta có tật hay mó máy sàm sỡ thân thể người đang nói chuyện với anh ta. Cứ vừa nói chuyện vừa vươn tay chạm vào đâu đó trên thân thể người đối thoại, bất kể trai hay gái. Những đụng chạm ấy không đến nỗi thô bỉ, thậm chí cách đụng chạm còn khéo và tự nhiên nữa. Tự nhiên đến nỗi người đối thoại chẳng để ý gì đến những đụng chạm ấy. Vậy mà không hiểu sao tôi lại vô cùng khó chịu về chuyện này. Cứ thấy bóng dáng anh ta là tôi thu mình phòng bị ngay. Bảo là chuyện nhỏ nhặt thì đúng là chuyện nhỏ nhặt thật. Nhưng tôi thì không thể nào chịu được.
Anh ta khom người xuống choàng tay lên vai tôi.
“Lúc nãy trong hội nghị, cậu phát biểu rất là tốt.” Chủ nhiệm nói, ra vẻ thân mật.
“Rất giản dị mà lại đúng vào trọng tâm của vấn đề. Đến tôi cũng phải chịu là đúng. Phê bình thế là tốt lắm. Phát biểu của cậu làm cả hội trường giật mình đấy. Thời điểm cũng thật đúng. Ừm, từ nay, cứ tiếp tục như thế nhé.”
Chỉ nói thế xong, anh ta rảo bước đi nơi khác mất hút. Hẳn là đi ăn trưa đâu đấy. Tôi nói lời cảm ơn ngay đấy, nhưng thật tình rất đỗi nhạc nhiên. Bởi vì tôi hoàn toàn chẳng nhớ mình đã phát biểu những gì trong hội nghị. Hoàn toàn im lặng cũng khó coi, nên sực nghĩ ra điều gì thì nói ra miệng, thế thôi. Không lẽ chỉ chừng ấy mà chủ nhiệm phải tự thân tìm đến chỗ tôi để khen ngợi sao? Bao nhiêu là nhân viên khác đã có những phát ngôn hay ho hữu ích kia mà. Kỳ quái thật. Tôi tiếp tục ăn trưa trong nỗi hoang mang như thế. Và chợt nghĩ đến vợ. Không biết cô ấy đang làm gì nhỉ? Đang ra ngoài sở làm, kiếm chỗ ăn trưa chăng? Tự nhiên tôi muốn gọi điện thoại đến sở cô ấy, trao đổi hai ba câu với cô về bất cứ chuyện gì. Tôi đã quay điện thoại ba số đầu, nhưng rồi nghĩ lại mà ngừng tay. Thật tình, chẳng có chuyện gì cần đến nỗi phải gọi đến sở làm của cô ấy. Tuy cảm thấy thế giới mình đang sống có phần nào mất thăng bằng đấy, nhưng ngay giờ nghỉ trưa mà gọi điện thoại đến sở làm của cô ấy rồi biết nói gì đây? Mà vợ tôi lại chẳng thích gì chuyện điện thoại việc riêng mà lại gọi đến sở làm. Tôi gác điện thoại, thở dài, uống nốt chỗ cà phê còn lại, rồi ném ly nhựa vào giỏ rác.