Năm 1934 trong Tập san văn nghệ Xô-viết, người ta thấy đăng truyện “Trong thành phố Béc-đi-sép” của một cây bút mới lạ: Va-xi-li Gơ-rô-xman. Truyện đó nổi bật ngay trong vô số những tiểu thuyết và truyện ngắn của các nhà văn quen thuộc. Các độc giả, các nhà văn nhất trí chào mừng ở Gơ-rô- xman một tài năng mới có nhiều triển vọng.
Va-xi-li Gơ-rô-xman sinh ngày 12-12-1905 ở thành phố Béc-đi-sép, con một ông kỹ sư hóa học và một bà giáo dạy tiếng Pháp. Năm 1914, Gơ-rô-xman học ở Ki-ép, rồi về Béc-đi-sép học ở một trường phổ thông lao động, vừa học vừa lao động và dạy học thêm. Năm 1923, Gơ-rô-xman vào học khoa hóa của trường đại học Mát-xcơ-va, đến năm 1929 thì tốt nghiệp và làm việc ở vùng Đôn-bát. Ông đã làm việc ở nhiều viện nghiên cứu khoa học tại địa phương và tham gia một công trình nghiên cứu về thuốc nổ và hơi độc. Năm 1932, bị lao nhẹ, ông phải dời Đôn-bát về Mát-xcơ-va, làm việc ở một xí nghiệp chì.
Sáu bảy năm trước chiến tranh, Gơ-rô-xman đã viết một truyện ngắn và tiểu thuyết, trong đó có hai tập “Hạnh phúc” và “Bốn ngày”. Tháng 7 năm 1936, Gơ-rô-xman bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết “Xtê-pan Côn-sư-ghin” gồm 3 tập nhưng vì chiến tranh nổ ra nên không hoàn thành được, và đã xuất bản được hai tập.
Tháng 8 năm 1941, Gơ-rô-xman gia nhập Hồng quân, được cử ra mặt trận trung tâm dưới danh nghĩa phóng viên chiến tranh của báo Sao đỏ, cơ quan ngôn luận của Hồng quân, và đến năm I943, ông được phong cấp trung tá.
Ông đã tham dự cuộc rút lui gian khổ của Hồng quân ra khỏi Biê-lô-rút-xi và U-cơ-ren. Chính trong thời kỳ này, ông đã tích lũy được nhiều tài liệu cho cuốn “Nhân dân bất diệt” nổi tiếng, xuất bản năm 1942. Ông đã tham dự chiến dịch Xta- lin-gơ-rát từ đầu đến cuối và những phóng sự ông viết về chiến dịch này đã được xuất bản thành tập sau khi in trên báo Sao đỏ. Ông cũng đã được tham dự các chiến dịch giải phóng Ki-ép, Ô-đét-xa, Min-xcơ, Vác-sa-va và Bá-linh. Xuân 1943, ông bắt đầu viết một bộ trường ca, ca ngợi cuộc chiến đấu vĩ đại cha quân dân Xta-lin-gơ-rát, và đó là công trình lớn nhất sau thời kỳ chiến tranh của ông. Tập đầu “Vì sự nghiệp chính nghĩa” viết trong bảy năm, đã xuất bản năm 1952 trên báo Thế giới mới.
Trong chiến tranh, Gơ-rô-xman đã được tặng thưởng huân chương Cờ đỏ, huân chương Sao đỏ và sáu huy chương. Năm 1955, ông lại được tặng thưởng huân chương Lao động Cờ đỏ.
Cuốn “Nhân dân bất diệt” được in lần đầu tiên năm 1942 trên báo Sao đỏ. Sau đó, nó được xuất bản thành sách, được tái bản nhiều lần trong nước và được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài. Nó là một trong những cuốn tiểu thuyết xuất sắc nói về đề tài chiến tranh của nền văn học Xô-viết.
Bối cảnh lịch sử của nó là thời kỳ đầu cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của nhân dân Liên-xô. Địch tấn công như vũ bão trên đường đi tới Gô-men, chiếm đóng và cướp bóc nhiều nơi. Bô-ga-rép, cựu giáo sư dạy về chủ nghĩa Mác – Lê-nin ở một trường đại học, được cử về làm chính ủy của trung đoàn do thiếu tá Méc-xa-lốp chỉ huy. Trung đoàn được trao nhiệm vụ hậu vệ và trong khi bảo vệ đường rút cho đại quân, một tiểu đoàn do chính ủy Bô-ga-rép trực tiếp chỉ đạo, đã bị rớt lại trong vòng vây quân Đức. Bác bỏ kế hoạch của tiểu đoàn trưởng đề nghị cho bộ đội bí mật luồn rút ra khỏi vòng vây, Bô-ga-rép đã lợi dụng hoàn cảnh, bắt liên lạc với trung đoàn, tổ chức phối hợp hai bên, trong đánh ra ngoài đánh vào, và giành được thắng lợi lớn. Đó cũng là trận mở màn cho thời kỳ phản công trên mặt trận đó.
Đó là nội dung vắn tắt của cuốn truyện. Thực ra “Nhân dân bất diệt” thuộc loại tiểu thuyết khó tóm tắt. Cốt truyện đơn giản trên chỉ là cái nền trên đó tác giả vẽ nên những bức tranh đậm nét về những con người với những suy nghĩ và xúc cảm của họ trong những giờ phút nghiêm trọng đang quyết định vận mệnh của Tổ quốc. Bằng một lối viết nhẹ nhàng, trong sáng, súc tích, và chỉ bằng vài nét đặc sắc, Gơ-rô-xman đã nêu bật lên được những nét điển hình của con người và hoàn cảnh. Trong “Nhân dân bất diệt”, cũng như trong các tác phẩm khác của mình, Gơ-rô-xman tỏ ra là một nhà văn có tài thâm nhập cuộc sống, thâm nhập nội tâm của những nhân vật rất khác nhau, hiểu họ như hiểu bản thân mình, dẫn người đọc đi thẳng vào đời sống tinh thần của họ, suy nghĩ về số phận của họ, thông cảm sâu sắc với những nỗi vui buồn của họ, và đó chính là sức lôi cuốn của cuốn sách.
Vào truyện
Chính ủy Bô-ga-rép và chiến sĩ nông dân I-nha-chi-ép là hai nhân vật chính của truyện. Bô-ga-rép là con người mà mỗi hơi thở nói lên tình yêu thắm thiết đối với đất nước Xô-viết của anh, đất nước của nhân dân, “một đất nước giành được trong sự phấn đấu vĩ đại của nội chiến, trong đói rét, một đất nước tất nhiên còn nghèo, sống được nhờ lao động gian khổ, và do những quy luật ngặt nghèo chi phối”, nhưng là đất nước ở đó giấc mơ ngàn đời của bao nhiêu thế hệ lần đầu tiên đã được thực hiện. Kẻ thù giày xéo lên đất nước anh, anh hết lòng căm thù và khinh bỉ chúng. Anh coi chủ nghĩa phát xít là một cái gì đê tiện và phản động nhất trên đời, nó không có một chút yếu tố gì sáng tạo, nó tượng trưng cho bùn lầy nước đọng, nó chỉ mang được một yếu tố vào lịch sử và đời sống chính trị là: sự man rợ có tổ chức, sự cướp bóc giết người. Anh đấu tranh quyết liệt với những ai tỏ vẻ sợ sệt nó, khuyên họ chỉ nên khinh bỉ và chế giễu nó mà thôi.
Trong người chiến sĩ bình thường, anh nhìn thấy người anh hùng chân chính làm nên thắng lợi. Đây là cảm giác của anh khi anh dẫn đầu chiến sĩ lên xung phong: anh đang lôi cuốn họ theo anh, còn họ thì hợp với anh thành một tổng thể thống nhất, vĩnh viễn, không thể chia cắt, như đang đẩy anh lên phía trước, như nước dâng thuyền. Anh đem chân lý của Đảng ra nhẫn nại thuyết phục quần chúng, đem sự thật không chút tô điểm trình bày một cách trung thực cho quần chúng, vạch cho họ biết những hy sinh nào đang chờ đợi họ bởi vì anh tin quần chúng không sợ hãi sự thật. Anh là người chỉ huy tỉnh táo, trong những giờ phút khó khăn nhất vẫn tin tưởng ở thắng lợi (“nhất định là phải thế, nếu không thì là tôi không trông thấy gì, không hiểu gì hết”, anh nói như vậy) và biết tìm ra phương hướng hành động tích cực nhất. Anh phản đối tác phong của người chỉ huy không biết bao quát tình hình và quán xuyến toàn bộ lực lượng của mình, mà chỉ biết cầm cây súng trực tiếp dẫn đầu một bộ phận, xông vào khói lửa, mong lấy hành động dũng cảm không sợ hy sinh để tự lừa dối lương tâm, trốn tránh trách nhiệm trước sự thắng bại.
Chiến sĩ nông dân I-nha-chi-ép là con người mà toàn bộ đặc tính được tóm tắt trong câu nhận xét của thượng sĩ Moóc-vi-nốp: “I-nha-chi-ép ạ, cậu có một tâm hồn rất là Nga”. Anh là một người lực lưỡng, dẻo dai, có một bàn tay lao động cừ khôi biết sử dụng mọi thứ công cụ một cách khéo léo. Anh yêu cuộc sống, yêu ruộng đồng, quê hương đất nước anh. Anh thích lang thang trên cánh đồng, nghe chim hót, đắm mình trong cảnh thiên nhiên của đất nước, trên vai đeo một khẩu súng chim cà khổ để che mắt thiên hạ — vì anh sợ người ta cho là mình lập dị. Trước giờ chiến đấu anh có thể nằm sấp xuống đất hàng tiếng đồng hồ, hít thở hương rừng, theo dõi đàn kiến đang bận rộn dưới cỏ, suy nghĩ về đất nước anh, về cuộc chiến tranh khốc liệt đang tàn phá khắp nơi và đây là kết luận anh đã rút ra: “Chà ! Các cậu ạ, sống đến là thú! Phải một ngày như hôm nay mới thấy rõ như vậy. Có thể nằm đây hàng triệu năm mà không chán. Nằm mà thở cho đã !”. Cuộc sống ấy, thiên nhiên ấy, đất nước ấy, anh là chủ. Ở ngay giữa lòng địch, trong vùng bị chiếm, anh vẫn nghĩ dứt khoát như vậy. Cho nên, khi xe địch sắp tới, anh em giục anh trốn đi, anh đã trả lời với một vẻ ngạc nhiên ranh mãnh: “Các cậu bảo tớ trốn đi đâu? Rừng này là của tớ, tớ là chủ ở đây. Nếu tớ chuồn, người ta sẽ hỏi: Thưa ông chủ, ông chủ chuồn đi đâu vậy?”. Anh thuộc rất nhiều dân ca và truyện dân gian mà anh có tài kể lại một cách rất sinh động. Anh láu lỉnh, vui tính có thể uống hàng vò rượu mà không say, cũng có thể “chơi xỏ” người khác những vố khá đau, một cách hồn nhiên, không có ác ý. Nhưng anh chiến đấu cũng rất dũng cảm và mưu trí, với cái mưu trí ranh mãnh của quần chúng. Cho nên, không có gì là khó hiểu nếu ở đại đội, mọi người đều quý anh và nghe theo anh.
Chính ủy Bô-ga-rép và chiến sĩ I-nha-chi-ép là như vậy đó. Người thứ nhất là người cán bộ lãnh đạo tiêu biểu cho phẩm chất, trí tuệ, quyết tâm, vai trò tổ chức và lãnh đạo quần chúng của Đảng. Người thứ hai tiêu biểu cho phẩm chất, sức mạnh và tài trí của chính bản thân quần chúng. Họ đại diện cho nhân dân và nhân dân là bất diệt. Đối với Gơ-rô-xman, nhân dân là kẻ sáng tạo nên mọi giá trị tinh thần và vật chất, là tượng trưng cho tất cà những cái gì cao cả nhất: trí tuệ, tinh thần sáng tạo, lòng yêu cuộc sống, yêu tự do, tình đồng chí, lòng nhân nghĩa, lòng dũng cảm… Còn kẻ thù của nhân dân, bọn bóc lột, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa phát-xít, thì mang trong mình nó tất cả những cái gì đê tiện nhất: lòng thù hằn con người, sự man rợ, tính hèn nhát, sự khô cằn về mọi mặt… Cuộc đấu tranh của nhân dân chống kẻ thù, chính là cuộc đấu tranh của con người chiến thắng con vật, của sự sống chiến thắng cái chết, của điều thiện chiến thắng điều ác, của ánh sáng chiến thắng bóng đêm.
Trong cuộc chiến đấu ấy cho cuộc sống, Đảng và quần chúng kết thành một khối và điều đó được nêu bật trong hình ảnh kết thúc cuốn truyện: tiếng súng của trận đánh thắng lợi vừa chấm dứt mọi người đang đi tìm chính ủy, thì thấy chính ủy Bô-ga-rép cùng chiến sĩ I-nha-chi-ép, mình mấy đầy thương tích, loạng choạng dìu dắt nhau từ trong khói lửa cùng bước tới, như đi ra với cuộc sống.
Người dịch
Mời các bạn đón đọc Nhân Dân Bất Diệt của tác giả Va-xi-li Gơ-rô-xman.