Trở về Los Angeles để nghỉ lễ Giáng Sinh, Clay một lần nữa bước vào một thế giới nơi ai ai cũng lái xe hạng sang, ăn ở nhà hàng thượng hạng, đắm chìm trong tình dục và ma túy, nơi tiền như chiếm hết chỗ của hy vọng và yêu thương. Cậu cố nối lại tình cảm với bạn gái, Blair, và với Julian, người bạn thân từ trung học. Nhưng rồi những nỗ lực đầy tính người ấy đều như bị nuốt chửng trong nỗi tuyệt vọng thăm thẳm lớn hơn hết thảy, ngay giữa vòng xoáy của những bữa tiệc vô mục đích triền miên, những quán rượu tồi tàn, câu lạc bộ rock ngầm và phía bên kia nhớp nhúa của bóng tối thành Los Angeles.
Không nhiều tình tiết thắt nút, mở nút, Như không hề có là cuốn sách về một trải nghiệm nhiều hơn là một chuyện kể ly kỳ. Đừng đọc nó nếu bạn định kiếm tìm sự dễ chịu hay ngọt ngào. Đừng đọc nó nếu bạn đang cần chút gì nhẹ nhàng và hài hước. Hãy đọc nó khi bạn đang ở giữa tuổi thiếu niên đầy bất ổn, hay bỗng hoài nhớ về những ngày tháng hoang mang đã qua. Hoặc là, đơn giản hơn, khi muốn kiếm tìm một Bắt trẻ đồng xanh ở gần hơn với thời hiện tại.
Bret Easton Ellis sinh ngày 7 tháng Ba năm 1964 ở Los Angeles, bang California, Hoa Kỳ. Với sáu tiểu thuyết và một tập truyện ngắn, Ellis đã trở thành một trong những cái tên ăn khách nhất, có sức hút nhất của văn học đương đại. Năm 1985 ông xuất bản tác phẩm đầu tay Như không hề có (Less than zero). Năm 1987, xuất bản tiếp cuốn tiểu thuyết thứ hai – The rules of attraction…
Các tác phẩm: Như không hề có (Less than zero), American psycho, The rules of attraction, Glamorama, The informers và Lunar park của Bret Easton Ellis đều đã được chuyển thể thành phim và gặt hái được nhiều thành công lớn.
Thiên hạ sợ phải nhập làn trên xa lộ ở Los Angeles. Đó là điều đầu tiên tôi được nghe khi trở về thành phố. Blair đón tôi tại LAX 1 và thì thầm câu này khi lái xe chạy lên đoạn dốc nhập vào đường chính. Cô bảo: “Thiên hạ sợ phải nhập làn trên xa lộ ở Los Angeles.” Dù câu nói vốn chẳng đáng bận tâm, nó vẫn đeo đẳng tâm trí tôi suốt một thời gian dài đến khó chịu. Dường như không điều gì khác còn đáng kể nữa. Từ chuyện tôi mười tám và giờ đã là tháng Mười hai, chuyến bay lại khá xóc và đôi tình nhân đến từ Santa Barbara ngơi đối diện tôi trên khoang hạng nhất thì đã ngà ngà say. Từ mảng bùn bắn lên ống quần jeans của tôi hồi sớm tại một phi trường ở New Hampshire, khiến tôi thấy vừa lạnh vừa lùng nhùng sao đó. Từ vết ố trên tay áo sơ mi ẩm ướt và nhàu nhĩ tôi đang mặc, chiếc áo mới sáng nay còn mới tinh, sạch sẽ. Từ chỗ rách trên cổ chiếc áo khoác ca rô xám của tôi, chiếc áo có chút gì đậm hơi hướng miền Đông hơn trước, đặc biệt là bên chiếc quần jeans bó và cái áo phông xanh nhạt của Blair. Tất thảy như vô nghĩa bên cạnh mỗi một câu nói ấy. Dường như vụ dân tình sợ nhập làn xa lộ nghe lọt tai hơn chuyện “Em dám chắc Muriel bị biếng ăn tâm lý” hay tiếng cô ca sĩ trên đài gào thét về sóng điện từ. Dường như với tôi, chẳng còn gì đáng kể ngoài mười hai từ ấy. Từ những cơn gió ấm như đang đẩy chiếc xe trôi xuống con đường nhựa vắng tanh cho đến mùi cần sa đã nhạt vẫn phảng phất trong xe Blair. Tất cả những gì đọng lại đó là cái thằng tôi trở về nhà trong một tháng, gặp một người tôi không thấy mặt đã bốn tháng và thiên hạ sợ phải nhập làn trên xa lộ.
Blair lái xe rời xa lộ và gặp đèn đỏ. Một cơn gió dữ dội làm chiếc xe rung lên trong thoáng chốc, rồi Blair mỉm cười nói gì đó về chuyện có lẽ phải nâng mui xe cao hơn và chuyển sang kênh phát thanh khác. Trên đường về, Blair phải dừng xe vì có năm công nhân đang khênh những xác cọ bị gió giật đổ, nhét lá cây cùng những mẩu vỏ cây chết lên một xe tải lớn màu đỏ, Blair lại mỉm cười. Cô dừng xe trước nhà tôi, cổng nhà để ngỏ, rồi tôi ra khỏi xe, ngạc nhiên khi nhận thấy tiết trời khô nóng đến độ nào. Tôi đứng đó một lúc khá lâu, Blair cười toe toét hỏi, “Sao thế?” sau khi đã phụ tôi nhấc các va li ra khỏi khoang hành lý, tôi liền nói, “Không” và Blair bảo, “Trông anh nhợt nhạt quá,” thế là tôi nhún vai, rồi chúng tôi chào tạm biệt và cô lên xe lái đi.
Không có ai ở nhà. Điều hòa đang chạy và căn nhà tỏa ra mùi gỗ thông. Trên bàn bếp có mẩu giấy nhắn cho biết mẹ và các em gái đang đi sắm sửa cho Giáng sinh. Từ chỗ đứng, tôi trông thấy con chó đang nằm ngủ cạnh bể bơi, thở phì phì, bộ lông gợn sóng trước gió. Tôi bước lên lầu, đi ngang qua cô phục vụ mới, cô này mỉm cười và có vẻ như đã biết tôi là ai, rồi tôi đi qua phòng các em, hai phòng trông vẫn giống hệt nhau, chỉ những mẫu báo cắt ra từ GQ 2 dán trên tường là khác, rồi tôi vào phòng mình, nhận thấy không có gì thay đổi. Tường vẫn màu trắng, các đĩa hát vẫn nằm đúng vị trí, ti vi chưa hề bị dịch chuyển, cửa chớp vẫn để mở đúng như khi tôi rời đi. Có vẻ như mẹ và ả phục vụ mới, hoặc ả phục vụ cũ, đã dọn sạch tủ tường khi tôi vắng nhà. Trên chồng truyện tranh chất ở bàn có mẩu giấy nhắn, “Vẫn cần đống truyện này hả con?” ngoài ra còn có tin nhắn cho biết Julian đã gọi và một tấm thiệp với dòng chữ “Mẹ kiếp Giáng sinh.” Tôi mở thiệp ra, trong đó viết “Nào ta cùng đú với Giáng sinh,” lời mời dự tiệc Giáng sinh của Blair. Tôi bỏ thiệp xuống, nhận thấy không khí trong phòng đã bắt đầu lạnh thực sự.
Tôi tháo giày, lên giường nằm, sờ trán xem mình có sốt không. Tôi nghĩ là có. Rồi vẫn đặt tay trên trán, tôi ngước lên săm soi tấm áp phích lồng kính treo trên bức tường phía đầu giường, nhưng cả nó cũng vẫn y như cũ. Đó là áp phích quảng cáo cho một đĩa hát cũ của Elvis Costello. Elvis nhìn qua tôi, nhếch môi cười mỉa mai, mắt đăm đăm hướng ra ngoài cửa sổ. Từ “Trust” 3 lơ lửng trên đầu ông, cặp kính râm bên xanh bên đỏ của ông bị kéo xệch xuống dưới sống mũi để ta có thể thấy đôi mắt ông, chúng hơi lệch tâm. Nhưng đôi mắt ấy không nhìn tôi. Chúng chỉ nhìn bất cứ ai đứng bên cửa sổ, mà tôi thì chẳng còn hơi sức đâu mà nhổm dậy đứng bên cửa sổ.
…
Mời các bạn đón đọc Như Không Hề Có của tác giả Bret Easton Ellis.