Nội dung trong cuốn sách Nhựa cây kể về gia đình của cô bé Liv sống tách biệt mọi người và hòa mình với thiên nhiên trên một hòn đảo nhỏ thưa thớt dân cư. Một gia đình gắn bó, các thành viên rất mực yêu thương nhau, mặc dù người bố với sở thích nhặt nhạnh đồ phế thải có vẻ khá lập dị trong con mắt của cư dân địa phương. Mẹ của Liv cũng ít khi ra ngoài và bị mọi người đồn đang ốm liệt giường. Ngôi nhà của họ được chăng đủ thứ bẫy và biển cảnh báo để làm nản lòng những kẻ hiếu kỳ. Nhân viên phát thư là người duy nhất có lí do tiếp cận vòng rào, nhưng ngay cả anh ta cũng buộc phải bỏ lại thư từ trên lối đi vào nhà.
Liv qua đời năm lên sáu, hay ít ra đó là phiên bản câu chuyện được giới chức địa phương ghi nhận. Bố của Liv tin rằng ông là người duy nhất có thể giữ an toàn cho cô bé trong cái thế giới này. Thế là một đêm, ông rời khỏi nhà, đẩy chiếc thuyền ra biển và để nó lao vào đá ngầm vỡ tan. Sau đó, ông đi bộ cả quãng đường dài tới thị trấn để báo cảnh sát về vụ mất tích của cô con gái độc nhất.
Kể từ đó, Liv thường xuyên ẩn mình phía sau những chiếc hộp và sọt đựng được lèn chặt trong xưởng của bố, tránh mọi nguy cơ bị người khác nhìn thấy. Như thế, theo lời bố, cô bé sẽ không bao giờ phải đi tới trường; như thế, cô sẽ không bao giờ phải rời xa bố mẹ. Như thế, Liv sẽ được an toàn.
Lớn lên trong sự biệt lập, trường học của cô bé Liv chính là thiên nhiên, là khu rừng, là bờ biển với vô số những điều kỳ thú. Nhưng đằng sau vẻ hấp dẫn của những chuyến du ngoạn ban ngày để tìm nhựa cây trong rừng hoặc đi xoáy trộm thức ăn ban đêm trong nhà của các cư dân trên đảo là mối nguy hiểm lớn dần của một thứ tình yêu bảo bọc đến cuồng dại. Vì thương con, muốn ở gần con mọi lúc mà ông bố sẵn sàng làm mọi điều sai trái, kể cả trộm cắp, giết người trong sự bất lực đến tột cùng của bà mẹ. Và thứ nhựa cây màu hổ phách trong veo mà ông nhờ Liv tìm về là để chuẩn bị cho một việc vô cùng khủng khiếp…
**********
Trong “Nhựa Cây” của Ane Riel, toàn bộ người dân trên nột hòn đảo tin rằng Liv Horder 6 tuổi đã chết. Tuy nhiên, sự thật còn đáng lo ngại hơn nhiều. Cha của Liv, bị thôi thúc bởi ý nghĩ bảo vệ con gái mình khỏi những nguy hiểm của thế giới bên ngoài, đã bảo đứa bé giả chết và cô lập cả gia đình trong ngôi nhà hẻo lánh, bừa bộn đồ phế liệu của họ.
Câu chuyện diễn ra theo hai dòng thời gian. Ở hiện tại, Liv phải ẩn náu trong một chiếc container kế bên nhà, không được tiếp xúc với người dân. Mẹ cô, bị bất lực trước sự kiểm soát của người chồng, suốt ngày chỉ nằm trên giường cho đến khi càng lúc càng béo phì. Ở dòng thời gian quá khứ, tác giả đào sâu vào tuổi thơ rắc rối của chính người cha trong cùng một ngôi nhà, tiết lộ nguồn cơn của những quan điểm lệch lạc và những hành vi bất thường của ông.
Khi câu chuyện phát triển, ranh giới giữa tình yêu và sự kiểm soát ngày càng mờ đi. Người đọc chứng kiến những hậu quả tàn khốc do hành động của người cha gây ra đối với gia đình mình và những tổn thương tinh thần mà họ phải chịu đựng.
Với mình, đây không hẳn là một quyển tiểu thuyết trinh thám như được dán nhãn mà chính xác hơn là một câu chuyện cổ tích đen tối giữa đời thường. Người cha, người chồng ấy đã thể hiện tình yêu vợ và các con của mình đến mức cực đoan, để rồi nó không còn là thương yêu nữa mà trở thành sự ám ảnh và kiểm soát. Đáng buồn thay, đứa trẻ với sự thơ ngây trong sáng không nhận ra điều đó vì nghĩ mọi lời bố nói đều có lý và mội hành động bố làm đều là tốt cho mình.
“Bố giết mẹ mình như thế thì có đúng không ạ?”
“Liv, nếu bố không làm chuyện này, bà sẽ đem con đi. Con sẽ không còn ở đây với bố mẹ nữa. Mẹ con và bố sẽ không thể sống nổi với chuyện đó…”
Xuyên suốt quyển sách là một màu u ám. Giọng văn đẹp, từ ngữ chất chứa nỗi buồn cứ thế len lõi vào tâm trí người đọc. Nhịp điệu truyện không nhanh nhưng không lê thê, đọc không thấy chán. Gần đến những chương cuối, các tình tiết trở nên dồn dập hơn, như một bộ phim hành động.
Quả thật đây không phải là thể loại sách mình thường đọc: không phải trinh thám vì không có điều tra, cũng không giống thriller vì không có sát nhân giấu mặt, nhưng rõ ràng mình đọc rất cuốn hút. Quyển sách có được sự đồng cảm của mình cho các nhân vật, cũng như sự vui mừng và xúc động về cái kết của truyện.
► Các sách này cũng hay lắm nè:
*********
Đầu tiên, cuốn sách Nhựa cây là 1 câu chuyện gây bối rối! Bởi rõ ràng là có tội ác ở đây – nhiều hơn 1 tội ác là khác – nhưng thật khó để tôi coi đó là tội ác đơn thuần, vì tôi không thấy ác ý, ko cảm thấy ghê tởm đối với kẻ phạm tội mà chỉ thấy bế tắc và 1 nỗi buồn thật sẫm màu. Bởi vì yêu thương là ngọn nguồn của những tội ác đó – đáng buồn thay!
Bên cạnh đó, Nhựa cây là cuốn sách tạo sự liên tưởng rất nhiều. Ngay khi đoc những trang đầu tiên, trong đầu tôi đã vâng lên giai điệu của 1 ca khúc về Giáng sinh của Ylvis – 2 chàng trai tài năng người Na Uy – 1 ca khúc mà giai điệu và MV thì đẹp tuyệt vời, nhưng ý nghĩa lyric thì đúng kiểu dark comedy. Từ nội dung đến cách thức truyền tải đều có nét tương đồng với đêm Giáng sinh trong Nhựa cây, không biết có phải cảm hứng cho nhau hay ko….
Đọc tiếp lại khiến tôi liên tưởng đến 1 hội chứng OCD gọi là Diogenes – rối loạn tích trữ – 1 hội chứng nghe có vẻ buồn cười nhưng lại vô cùng nguy hiểm, mà nguy hiểm như nào thì có lẽ Nhựa cây đã thể hiện rõ nét nhất!
Khi đọc đến gần hết Nhựa cây, tôi lại liên tưởng đến 2 cuốn sách khác tôi đọc gần đây, đó là Xa ngoài kia nơi loài tôm hát và Mê cung thần Nông. Cả 3 cuốn sách đều nói đến bi kịch của những đứa trẻ, nhưng có thể nói Nhựa cây tổng hòa các yếu tố đặc sắc của 2 cuốn sách còn lại, và ở một mức độ hoàn thiện hơn. Nếu như Ofelia trong Mê cung thần Nông phải bảo vệ bản thân và người mẹ khỏi cha dượng thì Liv phải tìm cách bảo vệ cuộc sống và sự gắn kết của cả gia đình, và em không biết mình phải làm thế nào để bảo vệ điều đó, không biết mình đang phải chống lại cái gì, không biết điều gì là đúng để theo, điều gì là sai để tránh. Tôi đặc biệt đồng ý với nhận định của chủ nhân bài review 2600 từ đỉnh cao đã nhắc đến ở trên khi bạn ý cho rằng Nhựa cây là 1 truyện cổ tích phiên bản đen tối, và tôi thấy nó còn dark hơn cả Mê cung thần Nông – truyện cổ tích của del Torro….Nếu như Kya của Delia Owens phải chịu cảnh cô đơn và ghẻ lạnh của loài người thì Liv của Ane Riel dù sống cạnh bố mẹ nhưng cũng vẫn cô đơn, thậm chí em còn phải chứng kiến những bi kịch tăm tối, tội lỗi mà đáng ra 1 đứa trẻ không phải chịu. Nếu như Kya còn có đồng lầy tươi đẹp làm điểm tựa thì Liv phải sống trong đống rác khổng lồ, và hàng ngày phải chứng kiến đống rác đó chiếm dần chỗ của rừng cây mà em yêu quý. Chưa kể, thực ra em đã chết dù em vẫn sống – đó là điều mà chính em, một cô nhóc vừa đến tuổi đi học phải tự nhận ra khi nằm trong bóng tối….
Cuối cùng, tôi yêu thích giọng văn của Ane Riel! Tôi thích cái cách viết dark comedy lạnh lùng và phi giới tính này, vì nó khiến mọi nụ cười đều phải trả giá! Và những đoạn tôi yêu thích nhất là những đoạn tự sự dưới góc nhìn của Liv, nó ngây thơ mà tăm tối, nó chơi vơi trong khát khao được hạnh phúc, được yêu thương, nó mang đầy triết lý mà chỉ trẻ con mới nhận ra!
Đấy, dự định là sẽ viết ngắn mà cũng ko ngắn nổi, bởi vì tôi thật sự hy vọng cuốn sách Nhựa Cây này được tìm đọc nhiều hơn. Gần đây tôi đọc được 2 cuốn sách rất hay là Nhựa cây và Ảo ảnh hạnh phúc, và tôi ko hiểu sao sách hay như thế mà lại ế. Nhựa cây thì ngoài bài review 2600 chữ tuyệt hay kia, chẳng còn mấy bài review khác, còn Ảo ảnh hạnh phúc thì thậm chí tìm trên Goodreads ko ra bản tiếng Việt luôn. Điểm chung là 2 cuốn này đều của NXB Phụ nữ làm, đều được dịch rất mượt, biên tập kĩ càng – nhưng vẫn ế! Và tôi rút ra kết luận là tôi sẽ tìm đọc những cuốn ế do nhà Nữ làm (đùa thôi, mong là sẽ không có cuốn nào ế nữa, để sách của những tác giả như Delacourt hay Ane Riel có mặt nhiều hơn ở thị trường sách Việt!)