Cuốn sách “Những Ảo Tưởng Về Thiên Tài” khám phá về khả năng năng khiếu mà mỗi người đều có thể phát triển thông qua việc tập luyện và thích nghi. Tác giả chia sẻ về các ví dụ như Wolfgang Amadeus Mozart, các học sinh của Sakakibara và Ray Allen để minh họa rằng thiên tài không chỉ là vốn có từ khi sinh ra mà còn có thể được phát triển thông qua nỗ lực và tinh thần không ngừng.
Cuốn sách không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu về khả năng năng khiếu mà còn tìm cách hướng dẫn độc giả cách sử dụng năng khiếu của mình để cải thiện trong lĩnh vực mà họ lựa chọn. Qua đó, độc giả có cơ hội hiểu rõ hơn về tiềm năng của bản thân và cách khai thác nó để đạt được thành công.
Cuối cùng, cuốn sách mở ra một góc nhìn mới về tiềm năng con người và khẳng định rằng chúng ta có thể kiểm soát cuộc sống của mình hơn bằng cách phát huy và phát triển những khả năng bản thân một cách tích cực và linh hoạt. Điều này đánh dấu sự khác biệt với những quan điểm trước đây về thiên tài chỉ là vốn có từ bẩm sinh.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Những Ảo Tưởng Về Thiên Tài của tác giả Anders Ericsson
—-
VỀ CUỐN SÁCH NÀY
Đây là cuốn sách về chủ đề năng khiếu mà Wolfgang Amadeus Mozart, các học sinh của Sakakibara và Ray Allen đều có – đó là khả năng tạo ra những kỹ năng mà bình thường họ sẽ không bao giờ có được thông qua việc tập luyện đúng đắn, thông qua cách tận dụng khả năng thích nghi tuyệt vời của não bộ và cơ thể. Ngoài ra, cuốn sách còn nói về cách mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng năng khiếu này để cải thiện trong một lĩnh vực mà mình chọn. Và cuối cùng, theo nghĩa rộng nhất, đây là cuốn sách với góc nhìn hoàn toàn mới về tiềm năng của con người, cụ thể là chúng ta có nhiều quyền năng hơn nhiều so với chúng ta tưởng tượng trong việc kiểm soát cuộc sống của chính mình.
Từ thời cổ đại, người ta thường giả định rằng tiềm năng của một người trong bất kỳ lĩnh vực nào đều chắc chắn bị hạn chế bởi tài năng vốn có của người đó. Rất nhiều người học piano, nhưng chỉ có một số ít người với năng khiếu đặc biệt mới trở thành những nghệ sĩ piano hay nhà soạn nhạc thực sự vĩ đại. Mỗi đứa trẻ đều tiếp xúc với toán học ở trường, nhưng chỉ có một số ít sở hữu những gì cần thiết để trở thành nhà toán học, nhà vật lý hoặc kỹ sư nổi tiếng. Theo quan điểm này, mỗi người chúng ta đều được sinh ra với một bộ tiềm năng cố định – tiềm năng về âm nhạc, tiềm năng về toán học, tiềm năng về thể thao, tiềm năng về kinh doanh – và chúng ta có thể lựa chọn phát triển (hoặc không) bất kỳ tiềm năng nào trong số đó, nhưng chúng ta không thể đổ đầy những chiếc “cốc” đặc biệt đó vượt quá giới hạn của nó. Vì vậy, mục đích của việc huấn luyện hoặc đào tạo đã chuyển thành giúp cho một người đạt được tiềm năng của mình – để đổ chiếc cốc đầy nhất có thể. Điều này có nghĩa là một cách tiếp cận nhất định với việc học hỏi, với điều kiện là đặt trước các giới hạn.
Nhưng bây giờ chúng ta hiểu rằng không có thứ gọi là một “kỹ năng được xác định trước”. Bộ não có thể thích ứng, và tập luyện có thể tạo ra các kỹ năng – chẳng hạn như thính giác hoàn hảo – vốn chưa hề tồn tại trước đó. Điều này hoàn toàn thay đổi cuộc chơi, bởi việc học bây giờ đã trở thành một cách tạo ra những khả năng mới, chứ không còn là yếu tố giúp mọi người tận dụng những khả năng bẩm sinh của mình. Trong thế giới mới này, sẽ là sai lầm lớn nếu bạn nghĩ mọi người sinh ra với tiềm năng đã được cố định; thay vào đó, tiềm năng như một chiếc bình có thể mở rộng, hình thành bởi nhiều việc mà chúng ta làm trong suốt cuộc đời. Học tập không phải là cách để đạt được tiềm năng của một người, mà đúng hơn là cách để phát triển nó. Chúng ta có thể tạo ra tiềm năng của riêng mình, và điều này luôn đúng bất kể mục tiêu của chúng ta là trở thành nghệ sĩ piano thực thụ hay chỉ cần đủ để chơi được đàn piano, tham gia thi đấu golf chuyên nghiệp hay chỉ để vung gậy thư giãn.
Câu hỏi sau đó trở thành: Làm thế nào để chúng ta thực hiện điều đó? Làm thế nào để chúng ta tận dụng năng khiếu này và bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực mà mình lựa chọn? Những nghiên cứu của tôi trong suốt vài thập kỷ qua là để trả lời câu hỏi này – để xác định và hiểu chi tiết những cách tốt nhất để cải thiện hiệu suất trong một hoạt động cụ thể. Tóm lại, tôi đã đặt câu hỏi “Điều gì thì hiệu quả, điều gì thì không và tại sao?”
Đáng ngạc nhiên là, câu hỏi này ít được những người đã viết về chủ đề chung này quan tâm. Trong vài năm qua, một số cuốn sách lập luận rằng mọi người đã đánh giá quá cao giá trị của tài năng bẩm sinh và đánh giá thấp giá trị của những yếu tố khác như cơ hội, động lực và nỗ lực. Tôi không thể không đồng ý với điều này, và rõ ràng là chúng ta cần để mọi người biết rằng họ có thể cải thiện (thậm chí là rất nhiều) nhờ tập luyện, nếu không họ sẽ không có động lực để thử. Nhưng đôi khi những cuốn sách này để lại ấn tượng rằng: chỉ cần có mong muốn và nỗ lực là chúng ta sẽ cải thiện được hiệu suất, kiểu như “Hãy cứ cố gắng, và bạn sẽ thành công” – điều này là sai. Tập luyện đúng cách trong một khoảng thời gian đủ dài mới dẫn đến sự cải thiện. Ngoài ra không có gì khác.
Cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay sẽ mô tả chi tiết “tập luyện đúng cách” là gì và có thể ứng dụng nó như thế nào.
Những chi tiết về loại hình tập luyện này được rút ra từ một lĩnh vực tâm lý tương đối mới mẻ, được mô tả ngắn gọn là “khoa học về sự thể hiện lão luyện”. Lĩnh vực mới này tìm hiểu về khả năng của “những người thể hiện lão luyện”, những người giỏi nhất trong lĩnh vực của họ, những người đã đạt được hiệu suất cao nhất, và tôi đã xuất bản một số cuốn sách về chủ đề này, bao gồm Toward a General Theory of Expertise: Prospects and Limits (tạm dịch: Hướng đến lý thuyết chung về chuyên môn: triển vọng và giới hạn) vào năm 1991, The Road to Excellence (tạm dịch: Con đường đến với sự xuất sắc) vào năm 1996 và The Cambridge Handbook of Expertise and Expert Performance (tạm dịch: Cẩm nang của trường Cambridge về tài năng chuyên môn và sự thể hiện lão luyện) vào năm 2006. Chúng tôi nghiên cứu để tìm ra điều gì phân biệt những người đặc biệt này với tất cả những người khác. Chúng tôi cũng cố gắng diễn giải theo từng bước cách mà những người thể hiện lão luyện này đã cải thiện hiệu suất của họ theo thời gian, và khi họ cải thiện như vậy thì những khả năng về tinh thần và thể chất của họ đã thay đổi ra sao. Hơn hai thập kỷ trước, sau khi nghiên cứu về những người thể hiện lão luyện từ nhiều lĩnh vực khác nhau, các đồng nghiệp và tôi nhận ra rằng dù là lĩnh vực nào, cách tiếp cận hiệu quả nhất để cải thiện hiệu suất đều tuân theo một bộ nguyên tắc chung. Chúng tôi gọi cách tiếp cận đa năng này là “tập luyện có chủ ý”. Ngày nay, tập luyện có chủ ý vẫn là tiêu chuẩn vàng cho bất cứ ai muốn tận dụng năng khiếu về sự thích nghi để xây dựng những kỹ năng mới cho bản thân, và đó là trọng tâm chính của cuốn sách này.
Nửa đầu cuốn sách mô tả tập luyện có chủ ý là gì, tại sao nó hiệu quả như vậy, và các chuyên gia áp dụng nó để có được những khả năng vượt trội như thế nào. Để làm được điều đó, chúng ta sẽ phải xem xét nhiều loại hình tập luyện khác nhau, từ đơn giản nhất đến phức tạp nhất, và thảo luận về điểm khác biệt giữa chúng. Bởi vì một trong những khác biệt chính giữa các loại hình tập luyện là mức độ mà chúng khai phá khả năng thích nghi của não bộ và cơ thể, chúng ta sẽ dành chút thời gian để bàn về khả năng thích nghi đó và tác nhân kích hoạt nó. Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu cụ thể những thay đổi nào diễn ra trong não liên quan đến phản ứng trước tập luyện có chủ ý. Bởi vì đạt được sự lão luyện chủ yếu là vấn đề liên quan đến sự cải thiện các hoạt động tinh thần của một người (bao gồm cả các hoạt động tinh thần kiểm soát vận động cơ thể) và những thay đổi thể chất như tăng cường sức mạnh, linh hoạt và độ bền đều đã được hiểu rõ, nên cuốn sách này sẽ tập trung chủ yếu ở khía cạnh tinh thần của sự thể hiện lão luyện, mặc dù chắc chắn yếu tố thể chất có đóng góp đáng kể trong thể thao và các môn về thể chất khác. Sau những tìm hiểu này, chúng ta sẽ xem xét làm sao để kết hợp tất cả các yếu tố với nhau nhằm tạo ra một người thể hiện lão luyện – một quá trình dài hạn thường mất đến cả thập kỷ hoặc lâu hơn.
Tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn vấn đề tài năng bẩm sinh và vai trò của nó trong việc cản trở một số người đạt đến độ xuất sắc. Có một số đặc điểm di truyền về thể chất (chẳng hạn như chiều cao và kích thước cơ thể) mà có thể ảnh hưởng đến hiệu suất trong các môn thể thao và những hoạt động thể chất mà không thể thay đổi nhờ tập luyện. Tuy nhiên, hầu hết các yếu tố đóng vai trò lớn trong việc đạt đến trình độ xuất sắc đều có thể được điều chỉnh bằng cách tập luyện đúng đắn, ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định của cuộc đời mỗi người. Nói chung, có một sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố di truyền và các hoạt động tập luyện mà chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu. Một số yếu tố di truyền sẽ ảnh hưởng đến khả năng tập luyện có chủ ý của một người – ví dụ như bằng cách hạn chế khả năng tập trung của người đó trong các khoảng thời gian dài mỗi ngày. Ngược lại, thực hiện quá trình tập luyện kéo dài có thể ảnh hưởng đến cách các gen được kích hoạt và ngắt trong cơ thể.
Phần cuối cùng của cuốn sách đề cập đến tất cả những gì chúng ta đã học về tập luyện có chủ ý và giải thích ý nghĩa của nó đối với chúng ta. Tôi sẽ đưa ra lời khuyên cụ thể về việc áp dụng tập luyện có chủ ý trong các tổ chức chuyên nghiệp để nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên, về cách các cá nhân có thể áp dụng tập luyện có chủ ý để làm tốt hơn trong các lĩnh vực mà họ quan tâm, và thậm chí về cách trường học có thể đưa tập luyện có chủ ý vào các bài giảng.
Dù các nguyên tắc về tập luyện có chủ ý được phát hiện bằng cách nghiên cứu những người thể hiện lão luyện, nhưng bản thân các nguyên tắc này có thể được áp dụng cho bất cứ ai muốn cải thiện ở bất cứ mặt nào, dù chỉ một chút. Bạn muốn cải thiện kỹ năng chơi tennis? Hãy tập luyện có chủ ý. Khả năng viết lách? Hãy tập luyện có chủ ý. Kỹ năng bán hàng? Hãy tập luyện có chủ ý. Vì tập luyện có chủ ý được phát triển đặc biệt để giúp chúng ta trở thành những người giỏi nhất trong công việc của mình, chứ không chỉ đơn thuần là “giỏi vừa đủ”, nên nó là phương pháp học tập mạnh mẽ nhất từng được nghiên cứu và phát hiện.
Một cách hay để suy nghĩ về điều đó là: Bạn muốn leo một ngọn núi. Bạn không chắc rằng mình muốn leo cao chừng nào – bởi đường lên đỉnh trông có vẻ rất xa – nhưng bạn biết mình muốn leo cao hơn điểm hiện tại. Bạn có thể chọn con đường nào có vẻ dễ đi và hy vọng gặp may mắn, nhưng khả năng là bạn sẽ không đi xa được. Hoặc bạn có thể nhờ cậy một người hướng dẫn đã từng lên đỉnh và nắm rõ đường đi. Điều đó sẽ đảm bảo rằng không cần biết bạn quyết định leo cao đến đâu, bạn đang làm việc đó một cách hiệu quả nhất. Phương pháp tốt nhất chính là tập luyện có chủ ý, và cuốn sách này sẽ hướng dẫn cho bạn. Nó sẽ chỉ cho bạn con đường lên đến đỉnh; còn đi xa đến đâu trên con đường đó hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.
—-
Chương 1
Sức mạnh của tập luyện có mục đích
Chỉ sau bốn buổi gặp, Steve đã bắt đầu thấy nản chí. Đó là ngày thứ năm trong thử nghiệm mà tôi dự kiến sẽ kéo dài trong 2-3 tháng, nhưng sau những gì Steve đã nói với tôi, có lẽ không cần thiết phải tiếp tục. “Dường như em đã đạt ngưỡng giới hạn khi lên đến tám hoặc chín chữ số,” từng lời của cậu được ghi lại bởi chiếc máy ghi âm chạy suốt mỗi buổi làm việc của chúng tôi. “Đặc biệt là với chín chữ số, thực sự là dù sử dụng cách gì, em vẫn rất khó để nhớ được.”
Steve, một sinh viên của Đại học Carnegie Mellon nơi tôi giảng dạy đã được thuê để thực hiện một công việc đơn giản nhiều lần trong một tuần: ghi nhớ các chuỗi số. Tôi sẽ đọc cho cậu ấy một loạt các chữ số với tốc độ khoảng 1 số/giây – “7… 4… 0… 1… 1… 9…” – Steve sẽ cố nhớ tất cả và đọc lại cho tôi. Mục đích đơn giản là xem Steve có thể cải thiện khả năng ghi nhớ được bao nhiêu nhờ tập luyện. Giờ đây, sau bốn buổi làm việc, cậu ấy đã có thể nhớ chính xác những dãy bảy chữ số – tương ứng với độ dài của số điện thoại địa phương – và cậu ấy thường nhớ đúng cả các dãy tám chữ số, nhưng khi lên đến 9 chữ số thì độ chính xác giảm hẳn, còn với chuỗi 10 chữ số thì Steve chưa bao giờ nhớ nổi. Và tại thời điểm đó, với trải nghiệm chán nản của những buổi đầu tiên, Steve đã chắc chắn rằng cậu sẽ không thể tiến xa hơn được nữa.
Điều mà Steve không biết – nhưng tôi thì biết – đó là tất cả các tài liệu tâm lý học ở thời điểm đó đều chỉ ra rằng cậu ta nói đúng. Những nghiên cứu suốt bao năm đã cho thấy có một giới hạn nghiêm ngặt về số lượng những thứ mà một người có thể lưu lại trong bộ nhớ ngắn hạn, vốn là loại bộ nhớ mà não bộ sử dụng để lưu giữ lượng nhỏ thông tin trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu một người đưa cho bạn địa chỉ của anh ta, chính bộ nhớ ngắn hạn của bạn là thứ giữ thông tin đó chỉ cần đủ lâu để bạn ghi nó lại. Hoặc nếu bạn làm phép nhân có hai chữ số trong đầu, bộ nhớ ngắn hạn là nơi giúp bạn theo dõi tất cả các phép tính: “Hãy xem nào: 14 lần 27… Đầu tiên, 4 lần 7 là 28, viết 8 và nhớ 2, sau đó 4 lần 2 là 8… “ v.v.. Có một lý do khiến nó được gọi là “ngắn hạn”: bạn sẽ không nhớ được địa chỉ đó hoặc những phép tính đó sau năm phút, trừ khi bạn dành thời gian để lặp đi lặp lại chúng nhiều lần – vốn là cách để chuyển chúng qua bộ nhớ dài hạn.
Vấn đề với bộ nhớ ngắn hạn – và vấn đề mà Steve đang phải đối mặt – đó là bộ não có giới hạn nghiêm ngặt về số lượng thông tin nó có thể giữ trong bộ nhớ ngắn hạn ở cùng một thời điểm. Đối với một số người thì đó là sáu số, với những người khác thì có thể là 7 hoặc 8, nhưng giới hạn chung là khoảng 7 số – đủ để lưu giữ một số điện thoại nhưng không đủ cho một mã số thuế. Bộ nhớ dài hạn thì không có những hạn chế như vậy – trên thực tế, chưa ai có thể tìm ra giới hạn của bộ nhớ dài hạn – nhưng nó mất nhiều thời gian hơn để triển khai. Nếu có đủ thời gian tập luyện, bạn có thể ghi nhớ hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm số điện thoại, nhưng bài kiểm tra mà tôi đặt ra cho Steve được thiết kế để đưa ra các chữ số nhanh đến nỗi cậu ta bị buộc phải sử dụng bộ nhớ ngắn hạn của mình. Tôi đã đọc các chữ số với tốc độ 1 số/giây – quá nhanh để cậu ta có thể chuyển các chữ số đó vào bộ nhớ dài hạn, vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi cậu ta cảm thấy như đang húc đầu vào một bức tường toàn những dãy 8 hoặc 9 chữ số.
Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng cậu ấy có thể làm tốt hơn một chút. Ý tưởng cho nghiên cứu này đến từ một bài báo mơ hồ mà tôi đã đọc được khi tìm kiếm các nghiên cứu khoa học cũ, bài báo đăng trên tạp chí American journal of Psychology xuất bản năm 1929 của Pauline Martin và Samuel Fernberger, hai nhà tâm lý học tại Đại học Bang Pennsylvania. Martin và Fernberger báo cáo rằng sau bốn tháng tập luyện, hai đối tượng là sinh viên đã có thể tăng lượng chữ số mà họ có thể nhớ khi được nghe con số với tốc độ khoảng 1 số/giây. Một người đã cải thiện từ trung bình là 9 số lên đến 13 chữ số, trong khi người kia thậm chí lên từ 11 đến 15 chữ số.
Kết quả này đã bị cộng đồng nghiên cứu tâm lý học bỏ qua hoặc lãng quên, nhưng nó ngay lập tức khiến tôi chú ý. Liệu một sự cải thiện như vậy là có thực? Và nếu có thì bằng cách nào? Martin và Fernberger đã không cung cấp chi tiết về cách mà hai sinh viên đó cải thiện bộ nhớ ngắn hạn của họ, nhưng đó chính xác là loại câu hỏi khiến tôi hào hứng nhất. Thời điểm đó, tôi vừa mới ra trường, và lĩnh vực quan tâm chính của tôi là những diễn biến tinh thần xảy ra khi ai đó đang học hoặc phát triển một kỹ năng nào đó. Trong luận văn của mình, tôi đã xây dựng một công cụ nghiên cứu tâm lý được gọi là “giao thức suy nghĩ lớn tiếng”, được thiết kế để nghiên cứu các diễn biến tinh thần như vậy. Sau đó, với sự hợp tác cùng Bill Chase, giáo sư tâm lý học nổi tiếng của trường Carnegie, tôi đã quyết tâm thực hiện lại nghiên cứu của Martin và Fernberger, và lần này tôi sẽ quan sát chính xác cách mà đối tượng thí nghiệm cải thiện bộ nhớ ngắn hạn của mình – nếu cậu ta cải thiện được.
Đối tượng mà chúng tôi tuyển dụng là Steve Faloon, người không thể điển hình hơn cho một sinh viên tại Đại học Carnegie Mellon. Cậu ấy là sinh viên ngành tâm lý học và dành quan tâm cho chủ đề sự phát triển tâm lý của trẻ nhỏ. Steve vừa hoàn thành năm học đầu tiên. Điểm số của cậu ấy ở các bài kiểm tra cũng tương tự những sinh viên khác, trong khi điểm cuối năm thì cao hơn mức trung bình. Trong thân hình cao gầy với mái tóc vàng đậm, Steve rất thân thiện, thoải mái và nhiệt tình. Và cậu là một vận động viên marathon rất nghiêm túc – một dữ liệu dường như không có ý nghĩa đối với chúng tôi vào thời điểm đó, nhưng sau này lại trở nên rất quan trọng cho nghiên cứu.
Vào ngày đầu tiên Steve xuất hiện trong buổi thí nghiệm, hiệu suất của cậu ấy là cực kỳ trung bình. Steve thường nhớ được các dãy bảy chữ số và đôi khi là 8, nhưng không hơn. Đó là hiệu suất có thể thấy ở bất kỳ người nào mà bạn gặp trên đường. Vào ngày thứ ba, thứ tư và thứ năm, cậu ấy đã khá hơn một chút – trung bình là dưới 9 chữ số – nhưng vẫn không khá hơn bình thường. Steve nói rằng có lẽ sự khác biệt chính so với ngày đầu tiên là cậu đã biết sẽ gặp phải những gì trong bài kiểm tra bộ nhớ, do đó cảm thấy thoải mái hơn. Đến cuối buổi làm việc thứ năm, Steve giải thích cho tôi lý do tại sao cậu nghĩ rằng mình khó có khả năng làm tốt hơn.
Và rồi vào ngày thứ sáu, có một bước ngoặt làm thay đổi mọi thứ: Steve đã tìm ra cách đột phá. Các buổi gặp trước đó thường là như sau: tôi sẽ bắt đầu với một chuỗi năm chữ số ngẫu nhiên, và nếu Steve nhớ đúng (mà cậu ấy luôn đúng với chuỗi năm số), tôi sẽ tiếp tục với chuỗi sáu chữ số. Nếu cậu ta cũng nhớ đúng, tôi sẽ tăng lên bảy chữ số, và cứ như vậy, tăng chiều dài của chuỗi số lên một số mỗi lần nếu Steve nhớ đúng. Nếu cậu ấy nhớ sai, ở lần sau tôi sẽ bớt đi hai chữ số và tiếp tục. Bằng cách này, Steve liên tục bị thách thức nhưng không quá nhiều. Cậu ấy luôn nhận được chuỗi chữ số nằm ngay ở ranh giới giữa những gì cậu có thể và không thể làm được.
Vào ngày thứ sáu đó, Steve đã vượt qua ranh giới. Cho đến thời điểm đó, cậu ấy chỉ nhớ chính xác các chuỗi chín chữ số được vài lần, và chưa từng nhớ được một chuỗi 10 chữ số, vì vậy cậu ấy thậm chí chưa bao giờ có cơ hội thử với chuỗi 11 chữ số hoặc dài hơn. Nhưng Steve bắt đầu buổi làm việc thứ năm một cách thần tốc. Cậu nhớ đúng ba lần thử đầu tiên – năm, sáu và bảy chữ số, sai ở lần thứ tư, và ngay sau đó lại chính xác trở lại: sáu chữ số, đúng; bảy chữ số, đúng; tám chữ số, đúng; chín chữ số, đúng. Sau đó, tôi đọc một con số gồm 10 chữ số – 5718866610 – và cậu ta cũng đúng tiếp. Cậu ta bị sai ở chuỗi 11 chữ số sau đó, nhưng sau khi nhớ đúng một chuỗi chín chữ số và một chuỗi 10 chữ số khác, tôi lại đọc cho cậu ta chuỗi 11 chữ số thứ hai – 90756629867 – và lần này, cậu ta lặp lại toàn bộ một cách trơn tru. Như vậy, đồng nghĩa với việc nhiều hơn hai chữ số so với khả năng ghi nhớ của cậu ta trước đó, và mặc dù hai chữ số nghe thì có vẻ không quá ấn tượng, nhưng đó thực sự là một thành tựu lớn vì vài ngày làm việc trước đó đã xác định rằng Steve đã chạm đến ngưỡng “giới hạn” – số lượng chữ số mà cậu có thể lưu giữ dễ dàng trong bộ nhớ ngắn hạn chỉ là 8-9 số. Cậu ấy đã tìm ra cách để vượt qua ngưỡng đó.
Đó là khởi đầu của hai năm đáng ngạc nhiên nhất trong sự nghiệp của tôi. Từ thời điểm đó, theo phương thức “chậm nhưng chắc”, Steve đã dần cải thiện khả năng nhớ chuỗi chữ số của mình. Ở buổi làm việc thứ 60, cậu đã có thể nhớ 20 chữ số – hơn rất nhiều so với tưởng tượng của Bill và tôi. Sau hơn 100 buổi, thành tích của cậu đã lên đến 40, nhiều hơn bất cứ ai – thậm chí cả những chuyên gia về trí nhớ, và cậu vẫn tiếp tục tiến xa hơn nữa. Steve đã làm việc với tôi trong hơn 200 buổi tập luyện, và cuối cùng cậu đã đạt tới 82 chữ số – 82! Nếu dành chút thời gian nghĩ về điều đó, bạn sẽ nhận ra khả năng của bộ nhớ đáng kinh ngạc đến mức nào. Đây là 82 con số ngẫu nhiên:
0326443449602221328209301020391832373927788917267653245037746120179094345510355530
Hãy tưởng tượng bạn nghe tất cả những chữ số đó với tốc độ 1 số/giây và nhớ tất cả chúng. Đây là điều mà Steve Faloon đã tự dạy chính mình trong suốt hai năm thí nghiệm của chúng tôi – mà không hề biết điều đó là có thể, chỉ bằng cách tiếp tục nỗ lực tuần này qua tuần khác.
SỰ TRỖI DẬY CỦA NHỮNG NGƯỜI THỂ HIỆN XUẤT SẮC
Vào năm 1908, Johnny Hayes đã giành huy chương vàng marathon tại Thế vận hội Olympic trong cuộc đua mà báo chí ngày ấy miêu tả là “vĩ đại nhất thế kỷ”. Thời gian chiến thắng của Hayes (cũng là kỷ lục thế giới ở môn marathon khi đó) là 2 giờ 55 phút và 18 giây.
Ngày nay, chỉ sau hơn một thế kỷ, kỷ lục thế giới cho marathon là 2 giờ 2 phút và 57 giây – nhanh hơn gần 30% so với kỷ lục của Hayes – và nếu bạn là nam giới, từ 18 đến 34 tuổi, bạn thậm chí không được phép tham gia giải marathon nổi tiếng ở Boston trừ khi bạn đã tham gia một giải marathon khác với thời gian dưới 3 giờ và 5 phút. Tóm lại, kỷ lục thế giới của Hayes vào năm 1908 sẽ đủ cho ông dự giải Boston Marathon ngày nay (có khoảng 30.000 vận động viên), nhưng cũng chỉ là “vừa đủ”.
Thế vận hội Olympic mùa hè năm 1908 đó cũng đã chứng kiến một sự cố gần như là thảm họa ở bộ môn nhảy cầu của nam. Một trong số các vận động viên suýt gặp phải một chấn thương nghiêm trọng trong khi cố gắng thực hiện cú nhảy lộn hai vòng, và một báo cáo chính thức được đưa ra vài tháng sau kết luận rằng cú nhảy đó quá nguy hiểm và khuyến cáo rằng nó cần bị cấm ở các kỳ Thế vận hội sau. Ngày nay, nhảy lộn nhào hai vòng chỉ được coi là cú nhảy ở trình độ nhập môn. Những đứa trẻ 10 tuổi thực hiện nó một cách chuẩn xác tại các cuộc thi, và lên đến cấp trung học thì những vận động viên giỏi nhất đã có thể nhảy lộn bốn vòng rưỡi. Các vận động viên đẳng cấp thế giới thậm chí còn thực hiện những cú nhảy như “twister” – nhảy lộn ngược hai vòng rưỡi kèm thêm xoắn người hai vòng rưỡi nữa. Thật khó mà tưởng tượng các chuyên gia của những năm đầu thế kỷ XX kia – những người đã coi cú lộn nhào hai vòng là nguy hiểm, sẽ nghĩ gì về cú twister, nhưng tôi đoán là họ sẽ coi nó như là điều bất khả thi đến nực cười – dĩ nhiên, với điều kiện là ai đó phải có trí tưởng tượng và sự táo bạo để đề xuất nó trước đã.
Vào đầu những năm 1930, Alfred Cortot là một trong những nghệ sĩ nhạc cổ điển nổi tiếng nhất trên thế giới, và các bản thu của ông về 24 bản Etudes của Chopin được coi là phiên bản thể hiện chính thức. Vậy mà ngày nay, các giáo viên lại đem chính những bản thu đó – cẩu thả và bị phá hỏng bởi các nốt sai – ra làm ví dụ cho những cách chơi tệ hại khi trình diễn nhạc Chopin. Bất kỳ nghệ sĩ piano chuyên nghiệp nào đều được chờ đợi có khả năng thể hiện các bản Etudes với kỹ năng và sự mạnh mẽ hơn hẳn Cortot. Thật vậy, Anthony Tommasini, nhà phê bình âm nhạc của tờ New York Times, đã từng nói rằng mặt bằng trình độ trong âm nhạc đã tăng lên rất nhiều kể từ thời Cortot, đến nỗi Cortot ngày nay có lẽ sẽ không được nhận vào Học viện Âm nhạc Juilliard.
Năm 1973, David Richard Spencer, một anh chàng người Canada đã nhớ được nhiều chữ số pi hơn bất kỳ ai trước đó: 511. Nhưng chỉ năm năm sau, sau một chuỗi kỷ lục mới được thiết lập bởi các đối thủ cạnh tranh nhằm chiếm lấy danh hiệu về khả năng ghi nhớ, kỷ lục đã thuộc một người Mỹ, David Sanker – người đã nhớ được tất thảy 10.000 chữ số pi. Vào năm 2015, sau hơn 30 năm kỷ lục liên tục được phá, người nắm giữ danh hiệu được công nhận là Rajveer Meena của Ấn Độ, người đã ghi nhớ được 70.000 chữ số của pi – và anh đã mất 24 giờ và 4 phút để đọc lại – mặc dù Akira Haraguchi của Nhật Bản tuyên bố rằng mình đã ghi nhớ được tới 100.000 chữ số, nói cách khác là gấp gần 200 lần so với kỷ lục của 42 năm trước.
Đây không phải là những ví dụ riêng lẻ. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy những người có khả năng phi thường – những khả năng mà ở hầu hết các thời điểm khác trong quá khứ được coi là bất khả thi. Hãy nhìn vào phép thuật của Roger Federer với trái bóng tennis hoặc cú nhảy kinh ngạc mà McKayla Maroney đã thể hiện trong Thế vận hội Mùa hè năm 2012: một cú nhảy liên hoàn lên ván nhún, một cú nhảy ngược lên bàn nhảy và sau đó là một pha bay người đẹp mắt, McKayla hoàn tất cú nhảy xoắn hai vòng rưỡi trước khi tiếp đất một cách đầy kiểm soát và chắc chắn. Có những kỳ thủ có thể chơi cùng lúc hàng chục ván khác nhau – trong khi bị bịt mắt – và dường như có vô số thần đồng âm nhạc trẻ tuổi có thể làm kinh ngạc người hâm mộ của thế kỷ trước.
Trong khi những khả năng này thực sự phi thường, cách họ phát triển chúng lại không có gì là bí ẩn. Họ đã phải tập luyện rất nhiều. Kỷ lục thế giới ở môn chạy marathon được rút ngắn tới 30% trong vòng một thế kỷ không phải vì chúng ta được sinh ra với nhiều năng khiếu hơn đối với việc chạy đường dài. Cũng như không phải nửa sau của thế kỷ XX chứng kiến sự gia tăng đột biến của những người có năng khiếu chơi nhạc của Chopin, Rachmaninoff1 hoặc ghi nhớ hàng chục nghìn con số ngẫu nhiên.
Thứ mà nửa sau của thế kỷ XX thực sự đã chứng kiến là sự gia tăng về lượng thời gian mà mọi người dành cho việc tập luyện trong các lĩnh vực khác nhau, kết hợp với các kỹ thuật huấn luyện ngày càng phát triển. Điều này là đúng trong rất nhiều các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực có tính cạnh tranh cao như trình diễn âm nhạc và khiêu vũ, thể thao cá nhân và đồng đội, cờ vua và các môn thi đấu khác. Sự gia tăng về lượng và mức độ tinh vi trong tập luyện này dẫn đến sự cải thiện vững vàng về khả năng của những người thể hiện trong các lĩnh vực trên – một sự cải thiện không phải lúc nào cũng rõ ràng nếu xét theo từng năm, nhưng lại rất mạnh mẽ khi được nhìn nhận qua nhiều thập niên.
Một trong những chỗ tốt nhất (dù đôi khi hơi khác thường) để xem kết quả của loại hình tập luyện này là cuốn sách Kỷ lục thế giới Guinness. Hãy lướt qua các trang của cuốn sách hoặc truy cập vào phiên bản online và bạn sẽ thấy những người như giáo viên người Mỹ Barbara Blackburn có thể gõ đến 212 từ mỗi phút; Marko Baloh của Slovenia từng đạp xe 562 dặm trong suốt 24 tiếng đồng hồ; và Vikas Sharma của Ấn Độ, người chỉ trong một phút có thể tính được căn từ bậc 15 đến 50 của 12 số lớn, mỗi số có từ 20-51 chữ số. Sharma có lẽ là ấn tượng nhất vì anh có thể tính nhẩm 12 phép tính cực kỳ khó chỉ trong 60 giây – nhanh hơn tốc độ mà nhiều người cần để gõ số vào máy tính và đọc câu trả lời.
Tôi đã nhận được e-mail từ một kỷ lục gia Guinness, Bob J. Fisher, người từng nắm giữ 12 kỷ lục thế giới khác nhau về ném tự do trong môn bóng rổ. Các kỷ lục của anh bao gồm số điểm ném tự do cao nhất trong 30 giây (33 điểm), cao nhất trong 10 phút (448 điểm) và cao nhất trong một giờ (2.371 điểm). Bob kể với tôi rằng anh tìm đọc các nghiên cứu của tôi về những tác động của tập luyện và đã tích cực áp dụng vào việc phát triển khả năng ném rổ nhanh hơn bất cứ ai khác.
Những nghiên cứu này đều bắt nguồn từ thử nghiệm mà tôi đã thực hiện với Steve Faloon vào cuối những năm 1970. Kể từ đó, tôi đã cống hiến sự nghiệp của mình cho việc hiểu rõ cách mà sự tập luyện tác động để tạo ra các khả năng mới và sâu rộng cho con người, với sự tập trung đặc biệt vào những người nhờ tập luyện mà dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực của họ. Và sau vài thập kỷ nghiên cứu về những người tốt nhất trong những người tốt nhất này (thuật ngữ chuyên môn gọi là những “người thể hiện lão luyện”), tôi đã phát hiện ra rằng dù bạn học về lĩnh vực nào, âm nhạc hay thể thao, cờ vua hay bất cứ gì khác, các loại hình tập luyện hiệu quả nhất đều tuân theo một tập hợp các nguyên tắc chung.
Không có lý do rõ ràng cho điều này. Tại sao những kỹ thuật huấn luyện để biến các nghệ sĩ nhiều tham vọng trở thành những người chơi piano chuyên nghiệp lại liên quan đến kỹ thuật huấn luyện để những người bình thường có thể trở thành một nữ diễn viên múa ballet thực thụ hay một kỳ thủ bậc thầy? Câu trả lời là các loại hình tập luyện hiệu quả và có tác động mạnh mẽ nhất trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng hoạt động bằng cách khai thác khả năng thích nghi của cơ thể và bộ não con người để từng bước tạo ra khả năng làm những điều mà trước đó là không thể. Nếu bạn muốn phát triển một phương pháp huấn luyện thực sự hiệu quả cho bất cứ việc gì – ví dụ như đào tạo các vận động viên thể dục dụng cụ đẳng cấp thế giới, hoặc thậm chí là dạy cho các bác sĩ cách tiến hành phẫu thuật nội soi – thì cũng đều cần tính đến yếu tố nào thì hiệu quả và yếu tố nào thì không hiệu quả trong việc thúc đẩy sự thay đổi trong cơ thể và bộ não. Vì vậy về cơ bản, tất cả các kỹ thuật tập luyện hiệu quả sẽ hoạt động theo cùng một cách.
Tất cả những hiểu biết này là tương đối mới mẻ và không hề được các thế hệ giáo viên, huấn luyện viên và vận động viên biết tới, mặc dù họ chính là những người đã tạo ra sự cải thiện đáng kinh ngạc về hiệu suất trong thế kỷ qua. Thay vào đó, những cải thiện này đã được thực hiện thông qua phương pháp “thử và sai”, những người có liên quan không hề biết do đâu mà một phương pháp huấn luyện có thể đạt hiệu quả. Hơn nữa, những người trong các lĩnh vực khác nhau đã xây dựng khối kiến thức của họ một cách độc lập, mà không biết rằng tất cả những điều này đều liên quan với nhau – rằng vận động viên trượt băng đang tập cú nhảy ba vòng cũng đang tuân thủ cùng một bộ nguyên tắc chung giống như một nghệ sĩ piano đang cố hoàn thiện bản sonat của Mozart. Vì vậy, hãy tưởng tượng các khả năng có được nhờ những nỗ lực được dẫn đường bởi sự hiểu biết khoa học về những cách tốt nhất để vươn tới sự lão luyện. Và hãy tưởng tượng những khả năng có được nếu chúng ta áp dụng những kỹ thuật đã chứng minh tính hiệu quả trong thể thao, âm nhạc và cờ vua cho tất cả các loại hình học tập khác, từ việc giảng dạy ở trường cho đến đào tạo bác sĩ, kỹ sư, phi công, doanh nhân và mọi loại nhân công. Tôi tin rằng những cải tiến mạnh mẽ ở số ít những lĩnh vực trong 100 năm qua hoàn toàn có thể đạt được trong hầu hết mọi lĩnh vực khác, nếu chúng ta áp dụng những bài học từ việc nghiên cứu các nguyên tắc của việc tập luyện hiệu quả.
Những loại hình tập luyện khác nhau sẽ phát huy hiệu quả ở mức độ này hoặc mức độ kia, nhưng một loại hình đặc biệt – mà tôi đã gọi là “tập luyện có chủ ý” từ đầu những năm 90 – được coi là tiêu chuẩn vàng. Đây là hình thức tập luyện hiệu quả và mạnh mẽ nhất mà chúng ta từng biết, và việc áp dụng các nguyên tắc của tập luyện có chủ ý là cách tốt nhất để thiết kế các phương pháp tập luyện ở bất kỳ lĩnh vực nào. Chúng tôi sẽ dành hầu hết phần còn lại của cuốn sách này để giải thích tập luyện có chủ ý là gì, tại sao nó hiệu quả đến vậy và cách áp dụng tốt nhất trong các tình huống khác nhau. Nhưng trước khi nghiên cứu về tập luyện có chủ ý, sẽ tốt hơn nếu chúng ta dành chút thời gian để tìm hiểu qua về một số loại hình tập luyện cơ bản mà hầu hết mọi người đã trải nghiệm.