Cuốn sách “Những đỉnh cao chỉ huy” là một hành trình sâu rộng qua lịch sử kinh tế của thế kỷ 20, đưa ra những tư duy và tư liệu phong phú trải dài trên gần 900 trang sách. Trong tác phẩm này, câu hỏi cơ bản về sự chuyển đổi từ kỷ nguyên “nhà nước” sang kỷ nguyên với những ý tưởng về cạnh tranh, mở cửa, tư nhân hóa và giảm quy định, được đặt ra và điều tra một cách sâu sắc.
Tại sao chúng ta cần phải chuyển đổi sang thị trường? Câu trả lời không chỉ đơn giản là về việc tối ưu hóa hiệu suất kinh tế, mà còn liên quan đến những thách thức và cơ hội của một thế giới ngày càng toàn cầu hóa và phức tạp hơn. Sự chuyển đổi này không phải là một quá trình đơn giản hay không thể đảo ngược, mà là một phần không thể thiếu của quá trình phát triển và tiến hóa của xã hội.
Ranh giới giữa nhà nước và thị trường không bao giờ được giải quyết một cách đơn giản, mà luôn là tâm điểm của những cuộc đấu tranh về trí tuệ và chính trị. Các cuộc chiến này đã và đang tạo ra những biến động lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến diện mạo của thế giới hiện đại và đang tiếp tục dẫn đường cho bức tranh của thế kỷ XXI.
Cuốn sách này không chỉ là một tài liệu nghiên cứu mà còn là một cẩm nang quý giá, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những cuộc đấu tranh, những thách thức và cơ hội của thế giới kinh doanh và chính trị trong thế kỷ vừa qua và đương đại. Mời các bạn đón đọc cuốn sách Những Đỉnh Cao Chỉ Huy của tác giả Daniel Yergin
*****
Hiếm có cuốn sách nào làm tôi đọc lâu đến vậy, khi gấp lại trang cuối cùng của cuốn sách Những Đỉnh Cao Chỉ Huy ở trang 767, tôi giật mình, mình đã đọc cuốn sách này trong hơn một tháng. Hơn 30 ngày với việc đọc lần lượt từng chương, tra lại các từ ngữ kinh tế, tìm hiểu lại một số cuốn sách hiếm có liên quan, điều cuối cùng tôi cảm thấy thực sự vui mừng là cuốn sách này may mắn vẫn được tái bản và còn có thể tiếp tục đến được tay các độc giả. Đó thực sự là món quà cho những ai sẽ đọc nó và đọc đến trang cuối cùng, tôi mong là vậy!
Có lẽ việc sinh ra và sống từ những năm đầu của thời kỳ xóa bao cấp đã làm tôi hiểu được sự chuyển đổi thần kỳ đến với đất nước chúng ta, đến sự ảnh hưởng sâu đậm đối với cuộc sống của chính mình và những người xung quanh như thế nào. Những năm đầu thập kỷ 90 đó, khi Liên Xô tan rã, khi bức tường Berlin sụp đổ, tôi thấy một sự đổ vỡ lớn, một sự mất mát không gì bù đắp được trong niềm tin và lý tưởng của bố mẹ tôi. Một điều mà thế hệ chúng tôi hoàn toàn chưa hiểu lắm thời điểm đó, chúng tôi lúc này chỉ là đang thực sự háo hức chứng kiến cuộc sống quanh mình thay đổi ngày một rõ rệt. Những ký ức về thời kỳ chiến tranh, về thời bao cấp tem phiếu tuy nghèo nhưng giàu tình nghĩa, giờ chỉ còn có thể tìm lại qua những mảnh ghép ký ức rời rạc, qua những cuốn sách chuyền tay phản ánh một phần của lịch sử.
Vậy rốt cục, điều gì đã xảy ra với đất nước mình và bối cảnh thế giới như thế nào đã dẫn thế hệ của ông bà, của bố mẹ tôi, và cả tôi nữa cùng đi qua một thế kỷ đầy biến động như vậy. Tôi đặt mục tiêu cho mình cần phải tự tìm hiểu để bù đắp những lỗ hổng lớn mà sách vở trên ghế nhà trường thực sự đã không giúp ích được nhiều cho bản thân. Tò mò như một đứa trẻ khi có được cuốn sách này, tôi đi từ những năm tháng huy hoàng của chủ nghĩa xã hội đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai thế giới tư tưởng, tìm hiểu sự sụp đổ tất yếu của một hệ tư tưởng quan liêu, trì trệ, thấu hiểu những khó khăn của quá trình phục hồi, phát triển trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Khối lượng dữ liệu và những phân tích thấu đáo của các tác giả cuốn sách đã làm tôi choáng ngợp, khâm phục và “ngộ” ra nhiều điều.
Tháng 11/1922, khi V.I.Lenin khởi xướng chính sách Kinh tế mới trong lần xuất hiện cuối cùng trước công chúng ở St. Petersburg, ông đã cho phép sự quay trở lại của tiểu thương và nông nghiệp tư nhân, nhưng đồng thời chỉ rõ Nhà nước sẽ vẫn nắm giữ “những đỉnh cao chỉ huy”, những yếu tố quan trọng nhất của nền kinh tế. Những năm tháng sau Thế chiến thứ hai là thời kỳ hoàng kim của quản lý nhà nước, của nền kinh tế hỗn hợp vận hành dưới sự điều hành của chính phủ và sự kiểm soát được mở rộng đến từng ngõ ngách đời sống người dân. Sau ba mươi năm huy hoàng của chủ nghĩa Keynes với những thành tựu thần kỳ của các nền kinh tế theo quan điểm hỗn hợp, nơi nhà nước chiếm lĩnh các đỉnh cao chỉ huy, điều gì phải đến rồi cũng đã đến.
Sự suy yếu nền chính trị, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng mất niềm tin tràn ngập khắp nơi trên thế giới khi những điểm yếu đã dần dần lộ rõ. Các chuỗi sự kiện đã dẫn đến một sự chuyển biến lớn từ kiểm soát của nhà nước sang điều tiết bởi thị trường. Sự thay đổi toàn diện về tư tưởng hay quá trình đảo ngược trên toàn thế giới này bắt đầu từ sự kiên định của Margaret Thatcher, người đàn bà thép nước Anh, rồi lan tới châu Âu, châu Á. Khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, bức tường Berlin sụp đổ, Liên Xô tan rã, Trung Quốc, các nước Mỹ Latinh… cũng nhanh chóng chuyển mình, thì cũng là lúc “Thị trường” lấy lại vị thế vốn có của nó và khẳng định tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Sự sụp đổ cùng sự đảo cực trong tư tưởng kinh tế – chính trị toàn cầu đã tự nó đưa ra câu trả lời, dù nghiệt ngã và đau đớn với nhiều quốc gia, nhiều chế độ nhà nước. Giống như một cuộc thanh tẩy tâm hồn hay liều thuốc đắng cho cơ thể mang nhiều bệnh tật, điều cần thiết là lòng dũng cảm chấp nhận thay đổi và niềm tin vào đích đến cuối cùng, dù nó tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức.
“Rủi ro là một phần tất yếu trong thế giới mới này… điều quyết định thực sự vẫn là dựa vào sự cân nhắc lại niềm tin và quan điểm… Niềm tin sẽ tồn tại nếu nó có điểm tựa và được kiểm nghiệm.”
Điểm đánh giá: 9/10
Nhận xét: Có thể cuốn sách Những Đỉnh Cao Chỉ Huy sẽ làm người đọc ban đầu mệt mỏi, sẽ có lúc chán nản, muốn buông xuống, nhưng như thưởng thức chuyện đời, chuyện người bên ấm trà mạn với những người bạn tâm giao, vị đắng ban đầu sẽ thấm dần qua đầu lưỡi, lưu lại những cảm xúc nhẹ nhàng, rồi chuyển sang vị ngọt thanh sảng khoái khi đến những trang sách cuối cùng. Qua từng chương, cuộc sống của bao kiếp người được lật giở nhanh qua từng trang sách, qua từng con số thống kê khô khan nhưng biết nói, những điều mà chỉ những người đã trải nghiệm trực tiếp mới thấu hiểu khoảng thời gian đó khắc nghiệt nhưng đáng nhớ đến chừng nào.
*****
Tôi thực sự thích cuốn sách Những Đỉnh Cao Chỉ Huy vì sự sắp xếp hợp lý về bố cục và nội dung của tác giả. Cuộc sách là một công trình đồ sộ về chuyển biến của kinh tế thế giới trong thế kì 20 và một phần thời gian của thế kỉ 21. Nếu bắt đầu đọc, tôi cũng thắc mắc vì sao hệ thống sắp xếp các khu vực tương đối lung tung, tức là lúc thì nhóm quốc gia ở châu lục này, sau lại quay lại nhóm quốc gia ở châu lục kia. Cho đến khi hoàn thành chương 12, tôi mới hiểu ra được trình tự sắp xếp này. Trình tự này dựa trên cả hai yếu tố là thời gian và sự kiện bên trong các khoảng thời gian, từ các sự kiện này dẫn đến sự quyết định của nhóm quốc gia khác. Vậy nên, trình tự đúng theo tôi đang hiểu chính là sự xoay vòng nhân-quả.
Đặc điểm thứ hai, tôi nghĩ muốn đọc được cuốn Những Đỉnh Cao Chỉ Huy, độc giả phải nắm được lịch sử kinh tế thế giới và cách mà các thế dẫn dắt kinh tế quốc gia. Ở vế hai, tôi khuyến khích bạn đọc nên đọc cuốn Why the nations fail? để nắm rõ được khái niệm hồn hợp và chiếm đoạt về mặt thể chế, dẫn đến cách thức lựa chọn đường lối kinh tế của chính phủ. Với tôi, cuốn này được xem như sự mở rộng của cuốn sách kể trên, kèm với đó là các sự kiện để chứng minh cho sự cần thiết của kinh tế thị trường. Ai yếu lịch sử kinh tế chính trị giống tôi, đọc xong cuốn này sẽ thấy sự bao quát với kinh tế thế giới cũng như hiểu thêm một khía cạnh khác về cách vận hành của các quốc gia lớn trong thời điểm hiện tại.
Tôi đánh giá cuốn Những Đỉnh Cao Chỉ Huy này 4.5/5
*****
LỜI GIỚI THIỆU
Tại sao phải chuyển sang cơ chế thị trường? Tại sao và như thế nào mà sự chuyển đổi từ kỷ nguyên, trong đó, chính phủ các quốc gia luôn tìm cách nắm giữ và kiểm soát nền kinh tế nhà nước sang kỷ nguyên với những ý tưởng về cạnh tranh, mở cửa, tư nhân hóa và bãi bỏ các phép tắc đã và đang thống trị tư tưởng kinh tế thế giới?
Cách đây 8 năm (năm 1998), công trình nghiên cứu Từ thần kỳ tới khủng hoảng – những bài học có ích cho Việt Nam của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Hà Nội về cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ Đông Á 1997-1998 đã đưa ra một khuyến cáo gây sự chú ý đặc biệt. Đó là khuyến cáo về “thất bại nhà nước” trong việc điều hành nền kinh tế thị trường, được UNDP coi là nguyên nhân chính gây ra sự sụp đổ của hàng loạt nền kinh tế “thần kỳ” ở Đông Á. Đối với nhiều người trong giới nghiên cứu và hoạch định chính sách ở Việt Nam lúc đó, lời cảnh báo này có phần gây “sốc”. Đơn giản vì nó đưa ra một luận điểm khá mới mẻ so với nhận thức phổ biến trong xã hội, mang tính chuẩn mực giáo khoa nhưng lại khá thiên lệch, quy mọi thứ bất ổn xảy ra trong nền kinh tế thị trường cho cái gọi là “thất bại thị trường”. Công trình nghiên cứu này cho rằng “thất bại nhà nước” vẫn thường xảy ra và gây tai họa to lớn không kém “thất bại thị trường”.
Thực ra, câu chuyện “thất bại nhà nước” và “thất bại thị trường” hay mối quan hệ “nhà nước” – “thị trường” không phải chủ đề nghiên cứu mới hay của riêng công trình do UNDP thực hiện. Nó chỉ góp thêm một tiếng nói, rất thiết thực và bổ ích, trực tiếp cho người Việt Nam lúc đó mới “chập chững” bước vào kinh tế thị trường – một thị trường mới mở cửa (mới được mươi năm kể từ khi đổi mới), nhằm làm sáng tỏ thêm một vấn đề có thể coi là “xưa cũ”, một vấn đề đã từng đeo đẳng, giày vò loài người nhiều thế kỷ mãi cho tới tận ngày hôm nay.
Cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay cũng là một công trình được viết trong nỗi ám ảnh của sự giày vò đó. Nó cũng bàn về vấn đề “nhà nước – thị trường”. Như hàng ngàn cuốn sách khác, nó bàn về một trong những vấn đề lớn nhất, phức tạp nhất, gây nhiều “phiền hà” nhất, do đó, cũng là thú vị nhất của lịch sử phát triển nhân loại.
Nhưng dù là bàn về một chủ đề “xưa cũ”, đây vẫn là một cuốn sách đáng đọc vì giá trị xuyên suốt lịch sử vấn đề, vì sự mổ xẻ kỹ càng bản chất vấn đề từ các chiều cạnh khác nhau của nó, đáng đọc vì tính mục đích và tính định hướng tương lai của cuốn sách. Tựa đề cuốn sách: Những đỉnh cao chỉ huy: Cuộc chiến vì nền kinh tế thế giới – đã bao hàm những giá trị đó. Đọc một cuốn sách có độ dày hơn 800 trang, trong thời đại mà “văn hóa nghe nhìn” đang lấn lướt “văn hóa đọc hiểu”, lại về một chủ đề không mới, quả thật là mạo hiểm. Nhưng khi đã cầm cuốn sách và đọc nó, mọi người sẽ thấy ngay từ trang đầu tiên rằng đó là một sự mạo hiểm đáng giá. Hơn 800 trang là độ dày cần thiết và có thể chấp nhận. Đọc từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng của cuốn sách, điều ta cảm nhận được sẽ là một bức tranh toàn cảnh đủ chân thực, rất phong phú và sinh động về lịch sử phát triển của loài người trong suốt thế kỷ XX, một thế kỷ biến động nhất của lịch sử, được dựng lên xuyên qua một cái trục quan trọng bậc nhất của nó là trục nhà nước – thị trường.
Như chính các tác giả viết, cuốn sách có nhiệm vụ trả lời những câu hỏi lớn của lịch sử hiện đại: “Tại sao phải chuyển sang cơ chế thị trường? Tại sao và như thế nào mà sự chuyển đổi từ kỷ nguyên, trong đó, chính phủ các quốc gia luôn tìm cách nắm giữ và kiểm soát nền kinh tế nhà nước sang kỷ nguyên với những ý tưởng về cạnh tranh, mở cửa, tư nhân hóa và bãi bỏ các phép tắc đã và đang thống trị tư tưởng kinh tế thế giới? Liệu những thay đổi này có phải là không thể đảo ngược? Chúng có phải là một phần của quá trình phát triển và tiến hóa liên tục? Hơn thế nữa kết quả và viễn cảnh chính trị, xã hội, kinh tế của sự thay đổi căn bản này trong mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường là gì?”
Giải thích thêm cho việc lựa chọn những câu hỏi đó, cũng là để xác định một cách tiếp cận đến các câu trả lời, các tác giả cho rằng “ranh giới giữa chính phủ và thị trường không thể được phân định dứt khoát bởi một số cuộc hội thảo ôn hòa. Đây là chủ đề của các cuộc chiến lớn nhỏ về trí tuệ và chính trị trong suốt một thế kỷ. Các cuộc chiến nói chung đã tạo nên một trong những vở kịch lớn định hình thế kỷ XX. Ngày nay, mâu thuẫn giữa thị trường và sự kiểm soát của chính phủ đã trở nên sâu rộng đến mức đang làm thay đổi cả thế giới và làm nền cho thế kỷ XXI”.
Theo cách tiếp cận như vậy, cuốn sách chính luận này làm một cuộc khảo sát lại lịch sử tiến triển, cũng là sự thăng trầm, của các “đỉnh cao chỉ huy” trong sự giằng co nhà nước – thị trường, giúp nhận diện rõ hơn thực chất lý luận của quá trình này. Chúng ta sẽ tìm thấy qua các chương của cuốn sách những diện mạo khác nhau của nhà nước và thị trường. Đó là những diện mạo khác nhau trong các giai đoạn phát triển của lịch sử, giữa các hệ thống chính trị – xã hội, giữa các châu lục với các nền văn hóa và truyền thống khác nhau, giữa các trường phái khác nhau. Chân dung lịch sử của nhà nước, cũng như của thị trường, được cuốn sách vẽ lại từ nhiều chiều cạnh, góc độ và trong mối tương quan so sánh.
Cuốn sách đáng trân trọng vì nó cung cấp một cái nhìn khách quan và công bằng về lịch sử, về một đối tượng có tầm quan trọng sống còn của lịch sử, về một mối quan hệ có một số phận rất thăng trầm, dễ bị phán xét một cách phiến diện, thiên lệch, theo kiểu “giậu đổ bìm leo”. Nhà nước và mối quan hệ nhà nước – thị trường trong đa số trường hợp, cho đến nay vẫn thường là “nạn nhân” của sự phán xét như vậy.
Cuốn sách cho người đọc thấy rằng nhờ nắm được “các đỉnh cao chỉ huy”, nhà nước đã từng đóng vai trò rất to lớn trong sự phát triển quốc gia. Vai trò này không chỉ thể hiện ở các nước xã hội chủ nghĩa – kế hoạch hóa tập trung trước đây mà còn đặc biệt rõ ràng trong các nền kinh tế thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa, từ các nước phát triển cao nhất cho đến các nước kém phát triển. Các tác giả đã chứng minh không bác bỏ được rằng thậm chí ngay cả ở những nước tư bản phát triển nhất, tức là nơi có nhiều thị trường nhất, thì nhà nước cũng đã từng – và hiện vẫn đang – đóng vai trò to lớn, không chỉ là vai trò quan trọng mà còn là yếu tố quyết định sự phát triển, trong những giai đoạn lịch sử xác định. Lịch sử các nước Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, của các nền kinh tế thần kỳ Đông Á, của Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, và của rất nhiều nước khác đã xác nhận điều đó. Dựng lại lịch sử, cuốn sách làm một việc là giúp người đọc thấy rõ hơn “bàn tay hữu hình”, tức là nhà nước, quan trọng đến nhường nào đối với loài người, cả trong hệ thống XHCN “cũ” lẫn hệ thống TBCN hiện đang tồn tại. Trong sự biện chứng của lịch sử, các chứng cứ thực tiễn được cuốn sách nêu ra khẳng định một điều: bàn tay vô hình của thị trường chỉ thực sự hữu ích một khi nó kết hợp với bàn tay hữu hình của nhà nước nhằm mục tiêu phục vụ sự phát triển của nền kinh tế thị trường.
Vì những công lao to lớn, nhà nước xứng đáng được nhận những bản tụng ca đẹp nhất. Cuốn sách đã đưa ra nhiều luận cứ, nhiều bằng chứng để chứng minh một cách thuyết phục nhận định đó. Người đọc, dù đứng trên lập trường nào, cũng sẽ cảm nhận được sự công bằng lịch sử của phán xét này.
Nhưng xét về bản chất, cuốn sách này được viết ra không phải để ngợi ca nhà nước. Nó không phải là bản tụng ca về nhà nước. Nó mổ xẻ thực tiễn và chứng tỏ rằng bên cạnh những “công lao” to lớn, nhà nước còn phạm không ít sai lầm, gây ra nhiều hậu quả, kể cả những hậu quả làm rung chuyển lịch sử. Sự sụp đổ của hệ thống XHCN thế giới dựa trên nền tảng cơ chế kế hoạch hóa tập trung hay gần đây hơn, cuộc khủng hoảng của các nền kinh tế “thần kỳ” của Đông Á cách đây một thập niên là những ví dụ điển hình minh chứng cho điều đó. Những sai lầm của nhà nước, như cuốn sách chỉ ra, hiện diện trong tất cả các hệ thống kinh tế, ở khắp các châu lục, trong mọi giai đoạn phát triển và có nguồn gốc lý luận từ các quan niệm khác nhau về vai trò của nhà nước và thị trường.
Tất nhiên, kể ra đầy đủ, toàn diện “lỗi lầm” của các loại nhà nước không phải là cách mà các tác giả sử dụng để xóa nhòa các ranh giới, làm mờ đi bản chất của nhà nước. Mục tiêu của cuốn sách là rõ ràng: cần phải chỉ ra thất bại nhà nước mà không bị sự chi phối của các thiên kiến, làm rõ các nguyên nhân lịch sử của chúng để giúp nền kinh tế thị trường vận hành hiệu quả hơn.
Thiết nghĩ cuốn sách đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình. Nhưng cũng cần nói thêm rằng đây là cuốn sách dựng lại chân dung lịch sử để hướng tới tương lai.
Đối diện với loài người là một thế giới ngày càng toàn cầu hóa. Trong thế giới đó, không gian thu hẹp lại, thời gian được rút ngắn lại, các hàng rào biên giới hạ thấp, và thế giới trở thành một “ngôi làng”. Khi đó, nền kinh tế thị trường vận hành với nhiều quy tắc mới. Toàn cầu hóa, như các tác giả viết, là một thách thức đối với nhà nước. Vì vậy mà vai trò và chức năng của nhà nước chắc chắn cũng sẽ có những thay đổi mạnh mẽ. Quyền lực nhà nước bị giới hạn trong phạm vi quốc gia có thể sẽ xung đột với quá trình toàn cầu hóa các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Khi đó, câu hỏi đặt ra sẽ là: “những đỉnh cao chỉ huy” mà các nhà nước – quốc gia luôn muốn chiếm lấy để “khống chế” nền kinh tế thị trường liệu có những giá trị nào? Nhà nước sẽ tham gia vào quá trình phát triển mang tính toàn cầu với những công cụ và phương cách nào?
Đó là những câu hỏi rất lớn đang đặt ra. Cũng là về nhà nước – thị trường, về “những đỉnh cao chỉ huy” nhưng với nội dung rất mới. Cuốn sách tiếp cận đến các câu hỏi này không chỉ để gợi suy. Nó còn là những câu trả lời. Có thể những câu trả lời hãy còn xa mới đầy đủ và đúng đắn. Song tất cả những gì hiện có trong cuốn sách là rất bổ ích, cả từ góc độ nhận thức luận lẫn phương pháp luận.
Đối với Việt Nam chúng ta, một đất nước đã 20 năm đi vào quỹ đạo phát triển kinh tế thị trường và mở cửa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình này, nhiều “đỉnh cao chỉ huy” đã được Nhà nước bàn giao lại cho Thị trường. Nhờ đó, nền kinh tế đã gặt hái được nhiều thành công ngoạn mục. Nhưng dường như quá trình này vẫn chưa hoàn thành. Khuynh hướng muốn “giành lại”, “ôm chặt” lấy các “đỉnh cao chỉ huy” vẫn còn rất mạnh. Trên thực tế, vẫn đang tồn tại tình trạng “thiếu và thừa” nhà nước. Thiếu ở nơi cần, thừa ở nơi đã đủ. Đó là một nghịch lý phát triển mà chúng ta đang chấp nhận và phải trả giá. Tham nhũng, hiệu quả đầu tư thấp, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh chậm được cải thiện, cải cách thị trường bị phanh hãm, v.v… có nguồn gốc từ nghịch lý này.
Giờ đây, khi quá trình cải cách thị trường vẫn chưa hoàn thành, nền kinh tế nước ta lại bước vào một giai đoạn phát triển mới về chất: hội nhập sâu hơn và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới. Cơ hội nhiều hơn, lớn hơn. Nhưng rủi ro, thách thức cũng gay gắt và khốc liệt hơn. Số phận của nền kinh tế đang tùy thuộc vào chỗ cái nào trong số đó – cơ hội hay thách thức – sẽ trở thành hiện thực sớm hơn.
Chắc chắn trong việc giải quyết vấn đề sinh tử này, Nhà nước sẽ đóng một vai trò lớn chưa từng thấy. Nhưng vai trò đó thực sự là gì? Và bằng cách nào để thực hiện nó đúng đắn?
Những khó khăn mà chúng ta đang gặp phải trong quá trình cải cách hành chính, hay rộng hơn, cải cách nhà nước và hệ thống chính trị, cho thấy rõ mức độ phức tạp của việc trả lời các câu hỏi mà đất nước đang bắt buộc phải trả lời đó.
Trong lộ trình đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó, có thể tin rằng cuốn sách này là một người bạn tốt.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2006
PGS. TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN
VIỆN KINH TẾ VIỆT NAM
—