Cuốn sách Những kẻ đáng ngờ được tạo nên từ bảy chương ngắn, đăng trên tờ Viên ngọc tiểu thuyết và Phụ lục Viên ngọc tiểu thuyết. Trừ Chương 6, tất cả các chương còn lại đều được kể với đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất – “tôi”. Đặc biệt cuốn sách có hai truyện ngắn trong tuyển tập đã được chuyển thể trên Higashino Keigo Mystery Series (FujiTV).
- Chương 1: Cô gái đang ngủ
- Chương 2: Cho tôi làm lại một lần nữa
- Chương 3: Chết rồi thì không thể làm việc nữa
- Chương 4: Lẽ ra đã rất ngọt
- Chương 5: Ngọn hải đăng
- Chương 6: Thông báo kết hôn
- Chương 7: Cơn mưa ở Costa Rica thật lạnh
Dù không phải những tác phẩm lớn và khiến người đọc kinh ngạc với từng tình tiết trong đó, nhưng chúng đều là những truyện ngắn xuất sắc với đoạn kết sắc bén, là tuyển tập tác phẩm chứng minh Keigo Higashino không chỉ có tài năng xuất chúng ở thể loại tiểu thuyết dài mà còn rất xuất sắc khi viết truyện ngắn.
*******
Tập truyện ngắn Những Kẻ Đáng Ngờ gồm 7 chương là 7 câu chuyện khác nhau, kể lại những phút nghi ngờ của các nhân vật với những người chung quanh khi một vấn đề/sự cố/tai nạn xảy ra và thế là ai cũng trở thành “những kẻ đáng ngờ” đối với nhân vật chính. Dù là những truyện ngắn nhưng tình tiết, dẫn dắt cao trào, mở nút,… đều rất đầy đủ, thậm chí còn cô đọng và hấp dẫn hơn một số truyện dài của cùng tác giả.
Bất kỳ ai trong chúng ta đều có những lúc nghi ngờ người khác, hoặc trở thành nghi phạm trong mắt của họ. Có những nghi ngờ có thể hoá giải, nhưng có những nghi ngờ dẫn đến những hậu quả quá muộn màng để giải quyết, có những cái chết do vô tình, cũng có những án mạng do hữu ý. Tập truyện ngắn đem lại những lát cắt ấy của tâm lý và tội phạm.
► Đừng bỏ qua sách này nhé:
********
Khác với các tác phẩm của Higashino Keigo đã xuất bản ở Việt Nam, Những kẻ đáng ngờ không phải một cuốn tiểu thuyết dài hàng trăm trang. Mà đây là một tập truyện ngắn, bao gồm 7 truyện khác nhau từng được Keigo tiên sinh đăng tải trên hai tờ tạp chí Viên ngọc tiểu thuyết cùng Phụ lục Viên ngọc tiểu thuyết. Và với thể loại được ví như một lát cắt cuộc sống, Higashino Keigo đã chứng tỏ, ông là một nhà văn đa phong cách như thế nào trong việc xây dựng, khai thác đề tài, đồng thời, thâu tóm vấn đề, câu chuyện trong sự giới hạn dung lượng của thể loại.
Những kẻ đáng ngờ, những câu chuyện ngắn tựa lát cắt của cuộc đời nhân vật và cũng tựa như lát cắt trong cuộc đời sáng tác của Keigo tiên sinh. Mà tại đó, mỗi truyện không bao chứa tầng tầng lớp lớp lớp plot twist hay những chi tiết ẩn dụ cho hàng loạt vấn đề nhức nhối trong xã hội giống với nhiều tiểu thuyết đã làm nên tên tuổi Higashino Keigo. Nhưng trang viết vẫn ẩn chứa cái nhìn sắc sảo về nhân sinh, xã hội nước Nhật từ một cây bút đa giọng văn, đa phong cách.
Có những vấn đề đặt ra tưởng chừng hết sức nhỏ nhặt, như chuyện gia đình, vợ chồng, con cái hay chỉ là một khoảnh khắc thuộc về quá khứ con người. Cũng có truyện mang tầm vi mô hơn, về cả một nền công nghiệp Nhật Bản hay không gian truyện đã mở rộng vượt tầm biên giới. Song tất cả, đó đều là lát cắt của một nước Nhật những năm 90 của thế kỷ XX. Những năm mang ý nghĩa như tấm bản lề, chuyển tiếp hai thiên niên kỷ với đầy biến động. Và con người nước Nhật, đứng giữa khoảnh khắc giao thời, vẫn vật mình với cuộc mưu sinh lẫn hành trình kiếm tìm bản ngã.
Những kẻ đáng ngờ, nhan đề cuốn sách này của Higashino Keigo thật sự rất gợi, vừa tạo sự bí ẩn cho không gian tác phẩm, vừa kích thích sự tò mò của người đọc. Nhan đề ấy không được lấy lại từ một truyện ngắn trong tác phẩm như cách nhiều tác giả đã làm khi ra một tập truyện. Mà tựa đề này, giống một sự tóm gọn từ chính Keigo tiên sinh về những cá nhân ông xây dựng trong 7 truyện ngắn, vốn không có bất kì sự liên hệ về mặt nội dung, tình tiết.
Trọn vẹn 7 truyện ngắn, trải dài hơn 200 trang truyện, là muôn mặt kiếp người được khắc họa qua lăng kính đa chiều, đa diện. Để độc giả nhận ra, những kẻ đáng ngờ đó, ngỡ vậy mà lại chẳng phải vậy. Và xây dựng lên hàng loạt gương mặt “đáng ngờ” như thế trong dung lượng hạn chế thuộc về thể tài truyện ngắn, cũng là cái tài của một nhà văn viết truyện trinh thám hàng đầu Nhật Bản hiện nay.
Ở đấy, có những cá nhân thoạt tiên thật khó lòng tin tưởng. Họ cợt nhả, sống phóng túng, buông thả. Họ khó tính, khó chịu, thích gây sự. Họ có hiềm khích, xích mích với người thân của nhân vật chính. Quyết định của họ ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai, cuộc đời người khác. Nhưng khi hoài nghi qua đi, những con người đó, lại hiện lên trên trang sách với trọn vẹn sự trong sạch và hơn cả, là tấm lòng nhân ái, bao dung với cả kẻ đã từng nghi ngờ, thậm chí là muốn triệt tiêu họ.
Ở đấy, có những cá nhân thoạt nhìn thật có cảm tình. Họ nhu mì, hiền lành, yếu đuối. Họ tốt bụng, nhiệt tình. Hay đơn thuần, họ chỉ là những người ngỡ rằng không có bất cứ sự quan hệ trực tiếp nào tới mạch truyện chính. Nhưng khi sự thật phơi bày, mỗi kẻ ấy hiện lên với đủ đầy sự tắc trách, bất cẩn, tham lam, vị kỉ,…
Và ở tập truyện Những kẻ đáng ngờ, còn xuất hiện cả các “kẻ”, chẳng phải con người. Thực thể vô tri hay thuộc về chiều không gian khác, xuất hiện trong các truyện ngắn dưới bút pháp tả thực và bút pháp hư ảo đan xen, quyện hòa lần nữa, khẳng định sự đa phong cách trong sáng tác của Higashino Keigo, không chỉ với thể loại dài hơi như tiểu thuyết mà còn ở ngay cả thể tài mang tính cô đọng như truyện ngắn.
Để rồi, qua muôn mặt “những kẻ đáng ngờ”, tác giả Higashino Keigo tựa muốn nhắn gửi câu chuyện lớn, không đơn thuần là “cách nhìn nhận con người” mà hơn cả, là tinh thần, như đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt sáng tác của tiên sinh từ những ngày đầu ông cầm bút tới hiện tại: Cuộc sống tựa một vũ hội Carnaval và con người trong vũ hội ấy, ai cũng mang theo những chiếc mặt nạ. Và nếu ta lật tẩy mặt nạ để đi tới hiện thực, thì sự thật chẳng phải lúc nào cũng chiều lòng người. “Nếu chỉ nhìn vào hành động của đối phương thì khó mà giải tỏa hiểu lầm được. Cháu hãy nghĩ về việc đó thêm một lần nữa đi.”
Người ta trở thành “kẻ đáng ngờ” vì ai cũng mang theo “mặt nạ”. Nhưng lột bỏ hay giữ lại chiếc mặt nạ đó, là lựa chọn của bản thân mỗi người. Trên hành trình người ta luôn đặt nghi vấn với cuộc đời và hoài nghi với chính bản thân.