Câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết Những Ngày Cách Ly này là tác phẩm văn học hư cấu. Tên nhân vật, địa danh và sự kiện là sản phẩm từ trí tưởng tượng của tác giả hoặc được vận dụng theo lối hư cấu. Bất kỳ sự trùng hợp hoặc tương tự với các sự kiện, địa danh, hoặc con người thực nào cũng hoàn toàn là ngẫu nhiên.
Trong tiểu thuyết Những Ngày Cách Ly có sử dụng một phần nội dung của bài hát “Thơ tình cuối mùa thu” do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ theo lời thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh.
“… Trong con người cô ẩn giấu những hạt màu quý giá mà chỉ những loại dầu tinh luyện nhất và bàn tay của một họa sĩ điêu luyện nhất mới có thể hòa trộn thành những màu sơn rực rỡ và vẽ lên thành một bức tranh hoàn thiện”.
Giới thiệu cuốn sách Những Ngày Cách Ly
Đối với không ít người trong số chúng ta hôm nay, đặc biệt là với các bạn trẻ, đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên phạm vi toàn cầu có thể được xem là một trong những biến cố xã hội lớn lao nhất, một thử thách nghiêm trọng cho cuộc sống thanh bình mà chúng ta đang được hưởng. Hầu như không có một ai mà đời sống thường ngày của họ, bằng cách này hay cách khác, lại không bị tác động ít nhiều bởi đại dịch. Con số những nạn nhân tử vong vì đại dịch trên thế giới vẫn tăng từng ngày, cuộc sống đôi khi thật mong manh. Thế nhưng, tự ngàn xưa, thiên tai, dịch bệnh, hay chiến tranh, chẳng có những thử thách đau thương nào mà nhân loại chưa từng trải. Bằng ý chí kiên cường và với khát vọng sống mãnh liệt của mình, con người vẫn luôn vượt qua tất cả những đau thương ấy chỉ để trưởng thành hơn, thương yêu và có trách nhiệm hơn với mầm sống nhỏ nhoi trong vũ trụ vô tận.
Cuốn sách Những ngày cách ly là câu chuyện xoay quanh gia đình ông bà Trương và cô tiểu thư Hoàng Cúc; họ đã phải đối mặt với đại dịch và đã trải qua một quãng đời tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng đặc biệt trong cuộc đời mình. Mỗi người một cách, họ đã đi qua những ngày khó khăn ấy theo những hành xử rất khác nhau. Có người nhận ra rằng những giá trị vật chất mà một đời anh ta tôn thờ bỗng dưng vụn vỡ tan tành trước một thử thách vô tiền khoáng hậu; có người lại tìm thấy những giá trị mới, tìm thấy niềm tin và cả tình yêu ở những con người mới chỉ hôm trước còn xa lạ; hay thậm chí họ đã tìm thấy giá trị mới ở ngay trong chính con người của mình – những giá trị nhân văn vốn bị lãng quên và chôn vùi ở nơi sâu thẳm nhất trong chính mình như thứ mỏ quặng quý giá trong lòng đất bỗng được khai phá bằng những nhọc nhằn và khổ đau. Với những con người như thế thì thử thách đôi khi không phải là lúc cuộc sống dừng lại mà là lúc họ dừng lại để sống, sống đầy từng ngày và sống đúng với bản thân mình nhất. Ngay cả những thử thách, những hoạn nạn, và cả những sai lầm của chính chúng ta cũng sẽ không bao giờ qua đi một cách vô ích nếu như chúng ta có thể học được những bài học từ đó – nó có thể là sự cảnh tỉnh cho sự chủ quan hoặc lối sống thiếu trách nhiệm của chúng ta, cho sự tham lam vô độ hay những khát vọng điên cuồng của chúng ta.
Một tuyến khác nhưng gắn bó mật thiết trong Những ngày cách ly là những câu chuyện về người trẻ, về lối sống, tâm tư và tình yêu ở những người còn cả thanh xuân trong tay mình. Nhưng nếu như một mặt, những gian nan thử thách cũng có thể là cơ hội để bao điều thiện lành, tích cực bộc lộ thì mặt khác, những gì mà ta đang say mê hưởng thụ cũng có thể là con dao hai lưỡi, là sự trừng phạt cho chính những sai lầm của chúng ta. Cuộc sống luôn có hai mặt và đó chẳng phải là điều gì mới mẻ xưa nay.
Và cuối cùng, sẽ không thể nào khác được, đại dịch rồi cũng sẽ qua nhưng cơn đại hồng thủy mà nó gây ra trong tâm hồn mỗi người có thể còn kéo dài. Nhưng, nói như Tuấn, chàng học viên quân sự trong Những ngày cách ly thì: “Điều quan trọng nhất không phải là chuyện gì sẽ xảy đến với mình mà là mình sẽ đối diện với nó như thế nào”.
Tác giả Bùi Quang Thắng