Mikhail Afanasievitr Bulgacov (15/5/1891 – 10/3/1940) là một nhà văn có số phận – cuộc đời cũng như sáng tác – chìm nổi, nhiều khát vọng, đau khổ, vinh quang. Với những gì xảy ra trong hơn một thế kỉ từ khi ông sinh ra và hơn bảy mươi năm từ khi ông qua đời, có thể khẳng định rằng tên tuổi ông sẽ được lưu giữ lâu dài.
Xuất thân trong một gia đình trí thức thần học tại thành phố Kiev, nhà văn tương lai với tấm bằng Bác sĩ cứu người đã bị cuốn vào những sự kiện sôi động đẫm máu của cuộc Đại chiến Thế giới I, rồi Cách mạng Vô sản tháng Mười và Nội chiến. Khi tiếng súng lắng lại, từ cuối năm 1921, ông đến Moskva và sống ở đó tới cuối đời, hiến mình cho văn chương, nghệ thuật.
M. Bulgacov bắt đầu sự nghiệp bằng viết báo, sáng tác các tiểu phẩm, hoạt cảnh kịch. Tác phẩm lớn đầu tiên mang lại danh tiếng cho ông là tiểu thuyết Bạch vệ, sau được chuyển thành kịch bản Những ngày tháng của anh em Turbin mang đến một thành công vang dội. Tiếp sau đó là các truyện vừa Ổ quỷ, Những quả trứng định mệnh, Trái tim chó… cùng hàng loạt vở kịch, và cuối cùng là Tiểu thuyết sân khấu. Đặc biệt trong 12 năm cuối đời, ông đã viết nên kiệt tác bất hủ Nghệ nhân và Margarita.
Sáng tác của Bulgacov thường gây nhiều tranh cãi, nhiều vở kịch của ông bị cấm diễn, hàng mấy chục năm, cả khi ông còn sống và sau khi ông đã qua đời, tác phẩm của ông không được in một dòng nào. Tuy nhiên đến cuối thế kỉ XX, chân lí nghệ thuật đã trở lại, và chiến thắng: tất cả các tác phẩm của ông được in, được hâm mộ, phần lớn tác phẩm chính được đưa lên sân khấu, màn ảnh, được dịch ra nhiều thứ tiếng, đưa lên mạng internet…
Những quả trứng định mệnh là một truyện giả tưởng mang tính ngụ ngôn xã hội, được viết từ năm 1924 nhưng đến nay vẫn giữ được giá trị đối với bạn đọc cùng lời cảnh báo của nó trước những nguy cơ mà sự vô học nông nổi trong khoa học – và cuộc sống nói chung – mang lại.
Nhân vật chính của tác phẩm là nhà Động vật học thiên tài Persicov, ông phát minh ra một tia sáng đỏ kì diệu có tác dụng kích thích sự phát triển và sinh sản của các loại sinh vật bậc thấp. Chưa được nghiên cứu và kiểm nghiệm, cái phát minh vĩ đại đó bị cưỡng chiếm vào tay những kẻ thừa nhiệt tình hành động nhưng vô học đã tạo nên tai họa khủng khiếp: làm sinh ra đội ngũ những đàn rắn và cá sấu khổng lồ tàn phá các làng mạc và thành phố, rùng rùng tiến về thủ đô mà không quân đội, vũ khí nào cản nổi. Sự nóng vội duy ý chí, bất chấp mọi tri thức khoa học và kinh nghiệm lịch sử, chỉ căn cứ đơn thuần vào các động cơ chính trị, xã hội và các quyền lợi cấp thời, là nguyên nhân đưa đất nước rơi vào thảm họa và giết chết thiên tài…
Bản in lần này được dịch giả đọc lại với một số sửa chữa nhỏ, chỉnh lại phiên âm, hi vọng nhận được sự quan tâm của bạn đọc.
Chiều tối ngày 16 tháng 4 năm 1928, Giáo sư khoa Động vật học thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia số Bốn kiêm Viện trưởng Viện Động vật học Moskva, Persicov(2) bước vào phòng làm việc của mình ở Viện Động vật học tọa lạc trên phố Gersen. Giáo sư bật ngọn đèn tròn đục ở trên trần và đưa mắt nhìn quanh.
Khởi đầu của cả một chuỗi dài tai họa khủng khiếp, có thể nói, đã có mầm mống vào ngay cái buổi tối định mệnh hôm đó, cũng như nguyên nhân khởi thủy của những thảm kịch này chính là Giáo sư Vladimir Ipatievitr Persicov.
Năm nay Giáo sư năm mươi tám tuổi. Một cái đầu tuyệt vời ngang bướng, trán hói bóng, những túm tóc hoe vàng lưa thưa hai bên tai. Râu ria cạo nhẵn, vành môi dưới dẩu ra khiến cho nét mặt của ông bao giờ cũng như có một vẻ giận dỗi, trái tính trái nết. Cặp kính gọng bạc cổ lỗ sĩ bé xíu kẹp phía trên hai cánh mũi đỏ ửng, đôi mắt nhỏ tinh nhanh, dáng người dong dỏng, lưng hơi gù, giọng nam cao the thé, rin rít; và một trong nhiều thói quen kì quặc của Persicov là khi nói về điều gì đó chắc chắn và tự tin thì ngón trỏ bàn tay phải của ông liền biến thành một chiếc móc câu nhỏ, và hai mắt ông nheo tít lại. Vì bao giờ Giáo sư Persicov cũng nói hết sức chắc chắn và tự tin, bởi sự hiểu biết của ông trong các lĩnh vực ông quan tâm quả là phi thường, nên chiếc móc câu nhỏ rất hay xuất hiện trước mặt những người nói chuyện với ông. Mà ngoài lĩnh vực của ông, nghĩa là ngoài các bộ môn Động vật học, Phôi thai học, Giải phẫu học, Thực vật học và Địa lí học, Giáo sư Persicov hầu như không nói gì bao giờ.
Báo chí Giáo sư không đọc; phim ảnh, nhà hát Giáo sư không xem; còn về chuyện gia đình thì năm 1913 vợ ông đã bỏ ông để chạy theo một giọng tenor của nhà hát opera Dimin, gửi lại cho ông một mẩu giấy với nội dung như sau:
“Lũ ếch nhái của ông khiến tôi kinh tởm không chịu nổi. Tôi sẽ suốt đời bất hạnh vì chúng”.
Giáo sư không có con và từ đó không lấy vợ nữa. Tính khí thất thường, dễ giận nhưng cũng dễ vui, thích uống chè với mứt dâu đất, sống trên phố Pretristenca trong căn hộ năm phòng. Một trong năm phòng đó dành cho người giúp việc già gầy đét đẹt là bà Maria Stepanovna. Bà chăm sóc Giáo sư như một vú nuôi chăm trẻ.
Năm 1919, người ta trưng thu ba trong số năm phòng của Giáo sư. Lần đó ông đã tuyên bố với bà Maria Stepanovna:
– Nếu họ không chấm dứt ngay những trò quái gở này, Maria Stepanovna ạ, thì tôi sẽ ra nước ngoài!
…
Mời các bạn đón đọc Những Quả Trứng Định Mệnh của tác giả Mikhail Bulgakov.