Cuốn sách “Nội Tình Của Ngoại Tình” là cuốn sách bán chạy nhất của tác giả Esther Perel, hứa hẹn mang đến cho bạn cái nhìn khách quan và tích cực hơn về những vấn đề tưởng chừng nhạy cảm trong đời sống tình cảm. Thay vì vội vàng phán xét, Esther Perel, chuyên gia tâm lý nổi tiếng, dẫn dắt bạn đi sâu vào tâm lý của từng nhân vật trong mối quan hệ tay ba: người đi ngoại tình, người thứ ba và người bị phản bội.
Phân tích dựa trên khoa học và tâm lý, cuốn sách giúp bạn phá vỡ những quan điểm phiến diện về ngoại tình, từ đó có cái nhìn đúng đắn và tích cực hơn. Cuốn sách khẳng định rằng không ai hoàn toàn có tội hay vô tội trong một mối quan hệ tay ba. Mọi chuyện đều có nguyên nhân từ tất cả những người liên quan.
Cái nhìn mới mẻ này mở ra khả năng biến “ngoại tình” thành đòn bẩy giúp hâm nóng đời sống tình cảm đang nguội lạnh.
Nội dung hấp dẫn:
- Phân tích tâm lý của người đi ngoại tình, người thứ ba và người bị phản bội.
- Giải mã những nguyên nhân sâu xa dẫn đến ngoại tình.
- Thay đổi quan điểm về ngoại tình, hướng đến giải pháp tích cực.
- Khơi gợi khả năng hàn gắn và vun đắp mối quan hệ sau tổn thương.
Cuốn sách “Nội tình của ngoại tình” là món quà ý nghĩa dành cho bất kỳ ai đang tìm kiếm sự thấu hiểu và giải pháp cho những vấn đề trong đời sống tình cảm.
Mời các bạn đón đọc Nội Tình Của Ngoại Tình của tác giả Esther Perel.
—-
Lời tác giả
Có một hành vi vi phạm đơn giản đang diễn ra mọi lúc mọi nơi, có thể tàn phá một mối quan hệ, niềm hạnh phúc lứa đôi, thậm chí cả nhận thức về bản thân của mỗi người, đó chính là ngoại tình. Thế nhưng chúng ta chẳng hiểu biết mấy về chuyện ngoại tình!
Gần 30 năm qua, trong vai trò một nhà trị liệu tâm lý, nhà văn, nhà huấn luyện và một nhà diễn thuyết, tôi đã và vẫn đang tìm hiểu sự phức tạp của tình yêu và những ham muốn thể xác của các cặp đôi. Trong quyển sách đầu tay có tựa Mating in Captivity (tạm dịch: Yêu giữa cùm gông), tôi đã viết hẳn một chương về ngoại tình. Tôi đã rất ngạc nhiên khi mỗi lần tôi diễn thuyết hay trả lời phỏng vấn về quyển sách ấy, bất kể ở nơi đâu trên thế giới, chủ đề ngoại tình luôn được mọi người quan tâm nhiều hơn so với tất cả các vấn đề còn lại sách đề cập.
Quyển sách bạn đang cầm trên tay – Nội tình của ngoại tình (The State of Affairs) – là quyển sách thứ hai của tôi. Quyển sách này không chỉ nói về chuyện ngoại tình mà còn về rất nhiều khía cạnh khác. Một mối quan hệ bất chính dạy chúng ta rất nhiều thứ về hôn nhân: những gì chúng ta kỳ vọng, những gì chúng ta mong muốn, những gì chúng cảm thấy mình xứng đáng phải có trong cuộc hôn nhân.
Ngày nay, những cuộc đối thoại về ngoại tình dễ mang tính chia cắt, phán xét và có lối suy nghĩ thiển cận. Chúng ta chưa khi nào cởi mở về tình dục hơn ngày nay, nhưng sự bội bạc vẫn còn chìm khuất, vẫn được giấu giếm và phổ biến.
Rất nhiều người đã viết ra cách ngăn ngừa ngoại tình và chữa lành vết thương lòng khi bị phản bội. Nhưng ít ai viết về ý nghĩa và động cơ của các mối quan hệ bất chính. Càng ít hơn nữa những người nói về những điều chúng ta có thể học được từ những chuyện ngoại tình và làm thế nào để những kiến thức ấy có thể biến đổi và hoàn thiện các mối quan hệ của chúng ta.
Một số người sẽ xem những điều trên đây chẳng hề cần thiết. Họ xem ngoại tình như một vụ… rơi máy bay, hãy tóm lấy những người còn sống sót và nhanh chóng đưa họ rời hiện trường. Nhưng ngày càng có nhiều người đến với tôi vì muốn biết điều gì vừa xảy ra, vì sao “máy bay” lại rơi và liệu chuyện ấy đã có thể được ngăn chặn hay không. Họ muốn hiểu, muốn học hỏi từ chính tai nạn đó và muốn “bay” một lần nữa. Tôi thường bắt đầu cuộc đối thoại ngay tại nơi mà hai người trong cuộc đã không còn có thể đối thoại với nhau nữa, và cùng họ xử lý một số những câu hỏi chẳng chút dễ chịu do vụ ngoại tình đặt ra.
Trong quyển sách này, tôi sẽ thăm dò nhiều phương diện khác nhau của ngoại tình: nỗi đau, sự hủy diệt nó gây ra, sự hưng phấn khi ngoại tình, việc khám phá bản thân khi ngoại tình, mặt tốt của ngoại tình,…
Là một nhà trị liệu tâm lý, tôi luôn mong mình là nơi an toàn để các cặp đôi tìm đến chia sẻ tâm tư, nỗi niềm và được chữa lành vết thương lòng. Là một tác giả sách, tôi mong quyển sách này mang đến cho chúng ta một cuộc đối thoại thật sự hữu ích về chủ đề ngoại tình, từ đó giúp chúng ta hiểu được cách củng cố tình cảm, hôn nhân. Tôi khuyến khích mỗi người hãy trao đổi cởi mở, chân thành, thành thực với người yêu/ vợ/chồng mình về các vấn đề như ngoại tình, chung thủy, dục vọng, ham muốn tình dục, ghen tuông, thói chiếm hữu,… Tôi khuyến khích mỗi người hãy mạnh dạn nói ra những ẩn ức và không còn sợ sệt khi đòi hỏi sự đúng đắn về tình dục lẫn cảm xúc từ bạn đời của mình.
Tôi cũng hy vọng quyển sách này sẽ hữu ích cho những ai đang đương đầu với khủng hoảng ngoại tình, dù họ đang ở bất cứ vai trò nào.
Dù không tán thành những quan niệm cũ về ngoại tình và mong muốn được thảo luận về vấn đề này một cách thấu đáo thì tôi vẫn không hề tán thành sự dối gạt hay xem nhẹ sự phản bội. Tại văn phòng trị liệu tâm lý của mình, hầu như ngày nào tôi cũng chứng kiến nỗi khổ sở, đau đớn của những người bị phản bội. Hiểu về sự phản bội không đồng nghĩa với việc cho rằng phản bội là chuyện nên làm. Tuy nhiên, chúng ta cần có cái nhìn thấu đáo, sáng suốt hơn về chuyện ngoại tình và những vấn đề liên quan.
Xin nói một chút về cách tôi thu thập tư liệu cho quyển sách này. Tôi không dùng phiếu khảo sát hay làm những nghiên cứu xã hội. Cách tiếp cận của tôi tương tự như cách của một nhà nhân học và một nhà thám hiểm. Tôi nói chuyện và lắng nghe mọi người. Tư liệu thô cho quyển sách này đến từ các buổi trị liệu, huấn luyện, các bài giảng vòng quanh thế giới, những cuộc trò chuyện thân mật và từ hàng trăm người đã gửi thư cho tôi, những bình luận của họ trên trang web, blog, dưới các bài thuyết trình ở TED Talks và trang Facebook của tôi.
Trong quá trình hành nghề tâm lý trị liệu, tôi đã hỗ trợ nhiều cặp đôi giải quyết khủng hoảng ngoại tình. Có khi họ đi một mình đến gặp tôi, có khi đi cùng nhau. Thế nên tôi có cơ hội thu được một cái nhìn khác lạ về trải nghiệm của người lầm lạc lẫn niềm đau của người bị phản bội.
Tôi may mắn được làm việc với những người đến từ khắp thế giới, điều đó giúp tôi có được những góc nhìn văn hóa khác nhau. Nhưng tôi cũng ý thức được rằng các thân chủ của mình, tức những người tự nguyện chọn tham gia tư vấn, không nhất thiết đại diện cho các nhóm xã hội hay các nhóm kinh tế.
Quyển sách này chứa đựng nhiều bí mật cá nhân. Để đảm bảo bí mật cho các thân chủ, tôi đã phải giấu đi một vài chi tiết và thay tên tất cả các nhân vật. Nhưng tôi đã cố gắng giữ lại những từ ngữ cụ thể họ đã dùng và sự chân xác về cảm xúc trong từng tình huống.
Khi tiến hành nghiên cứu và viết quyển sách này, tôi đã nhận được nguồn cảm hứng, được giảng giải từ rất nhiều các nhà tư tưởng, nhà văn và chuyên gia khác. Nhưng hơn tất cả, phải nói đến quyển sách tôi đã vay mượn tên để đặt tên cho quyển sách của tôi: The State of Affairs: Explorations in Infidelity and Commitment (tạm dịch: Nội tình của ngoại tình: Các khám phá về ngoại tình và cam kết, xuất bản năm 2004). Cuốn sách này là một trích yếu các quan điểm xã hội học về ngoại tình, đã xem xét chủ đề này như một chủ đề học thuật nghiêm túc.
Dù ta thích hay không, thói trăng hoa vẫn cứ luôn hiện diện. Tất cả giấy mực hao tổn để tư vấn cho chúng ta cách xây dựng các mối quan hệ “miễn nhiễm” với ngoại tình cũng chưa thể kiềm cương nổi con người lầm lối. Ngoại tình xảy ra trong các cuộc hôn nhân êm đẹp, không êm đẹp, và thậm chí ngay cả khi bị đe dọa trừng phạt bằng cái chết. Ngoại tình xảy ra cả trong các mối quan hệ mở, tức hai người trong cuộc đã thương lượng cẩn thận từ trước chuyện quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Quyền được tự do rời bỏ mối quan hệ hoặc tự do ly hôn cũng chẳng “tiêu giảm” được chuyện ngoại tình vốn xưa như Trái đất.
Sau khi đắm mình vào chủ đề ngoại tình, tôi nhận ra rằng chẳng hề tồn tại một chân lý duy nhất nào cả trong chuyện này, chẳng có kiểu phân loại nào có thể mô tả trọn cái hỗn hợp đối nghịch giữa đam mê và bội phản ấy. Điều duy nhất tôi có thể đoan chắc chính là tất cả những câu chuyện ngoại tình tôi sắp kể sau đây đều hoàn toàn là sự thật.
– Esther Perel
—
PHẦN I: Ta nói gì khi nói về ngoại tình?
Chương 1: Cuộc đối thoại mới về hôn nhân và ngoại tình
Ngay lúc bạn đang đọc cuốn sách này, ở mọi nơi trên thế giới, có ai đó đang bị phản bội hoặc đang phản bội tình cảm của ai đó, có ai đó đang nghĩ đến chuyện ngoại tình hoặc đang khuyên nhủ ai đó đang vật vã đau khổ vì bị phản bội, có ai đó đang đóng vai người tình bí mật.
Không có chủ đề nào trong đời sống đôi lứa lại khiến người ta vừa sợ hãi vừa thích thú vừa khoái bàn tán bằng chuyện ngoại tình. Ngoại tình hình thành từ khi có hôn nhân và những điều luật cấm ngoại tình. Ngoại tình đã bị đưa vào luật pháp, bị tranh biện, bị chính trị hóa và bị xem như quỷ dữ trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Ngoại tình chính là tội lỗi duy nhất nhận đến hai điều răn trong Kinh Thánh, một cấm ngăn trong hành động và một cấm ngăn trong suy nghĩ. Ấy vậy mà bất chấp sự phản đối rộng khắp đó, ngoại tình vẫn cứ “sống khỏe”, vẫn cứ phổ biến tràn lan đến mức hôn nhân phải ghen tị.
Ngoại tình xảy ra mọi lúc, mọi nơi trên thế giới, bất chấp bao luật lệ, hình phạt. Hầu như ở tất cả những nơi hôn nhân được thừa nhận thì ngoại tình bị xem là hành động bất chính. Vậy chúng ta nên làm gì với hiện tượng bị cấm khắp toàn cầu nhưng vẫn cứ phổ biến khắp toàn cầu này?
Tôi đã liên tục nghiên cứu, tư vấn, diễn thuyết, thảo luận,… về ngoại tình suốt sáu năm qua, không chỉ trong phòng tư vấn trị liệu của tôi mà trên cả máy bay, tại các dạ tiệc, hội thảo, tiệm làm móng, không chỉ với các đồng nghiệp mà còn với bất kỳ ai, không chỉ ngoài đời thực mà cả trên mạng xã hội, không chỉ tại Pittsburgh (Mỹ) mà còn ở Buenos Aires (Argentina), Delhi (Ấn Độ), Paris (Pháp)….
Ở mọi nơi trên thế giới, mỗi khi hỏi mọi người quan điểm của họ về “ngoại tình”, tôi nhận được đủ kiểu trả lời, từ cay đắng kết tội, miễn cưỡng chấp nhận, bao dung một cách cẩn trọng đến hoàn toàn cảm thông. Tại Bulgary, một nhóm phụ nữ xem chuyện chồng trăng hoa là chuyện xui xẻo chẳng thể nào tránh khỏi. Ở Paris, chủ đề ngoại tình khiến nhiều người đang ăn tối tức khắc rùng mình, điều này giúp tôi có thể xác định được bao nhiêu người ủng hộ ngoại tình và bao nhiêu người phản đối. Tại Mexico, phụ nữ tự hào khi thấy ngày càng nhiều phụ nữ ngoại tình, và coi đó như một sự nổi loạn chống lại nền văn hóa trọng nam khinh nữ vốn vĩnh viễn tạo điều kiện cho nam giới có “hai mái nhà” – la casa grande y la casa chica (tạm dịch: nhà lớn và nhà nhỏ, tiếng Tây Ban Nha) – một dành cho vợ, một dành cho bổ nhí.
Chuyện ngoại tình nhan nhản khắp nơi, thế nhưng cách chúng ta định nghĩa ngoại tình, chịu đựng nó, nói về nó – hoàn toàn liên quan đến thời điểm và nơi chốn xảy ra chuyện ngoại tình.
Xin hỏi bạn: “Khi nghĩ đến ngoại tình, những từ ngữ, những liên tưởng và hình ảnh đầu tiên hiện ra trong đầu bạn là gì?”. Cái nhìn của bạn về ngoại tình liệu có thay đổi không khi tôi gọi ngoại tình là “cuộc phiêu lưu tình ái”, “chuyện tình lãng mạn”? Còn nếu tôi dùng những từ như “bổ nhí”, “người quen qua đường”, “hẹn hò”, “bạn tình” thì sao? Bạn sẽ thấu hiểu, cảm thông hay kịch liệt phản đối chuyện ngoại tình? Bạn sẽ cảm thông với ai, người bị phụ bạc, người ngoại tình, người thứ ba hay lũ trẻ? Và liệu các câu trả lời của bạn về ngoại tình có thay đổi không nếu chính bạn phải đối diện với cơn bão ngoại tình?
Các cáo buộc về các mối quan hệ ngoài giá thú đã ăn sâu vào văn hóa của chúng ta. Tại Mỹ, những quan điểm về ngoại tình dường như thiên về bản năng, nặng nề và phân cực, ví dụ:
“Ngoại tình à? Nó sẽ làm đi tong tất cả.”
“Kẻ nào đã ngoại tình một lần thì thế nào cũng ngoại tình lần nữa.”
“Chung thủy một vợ một chồng thì đúng là quý hiếm.”
“Ngoại tình là chuyện hoàn toàn vó vấn! Chúng ta là người trưởng thành rồi chứ có phải lũ mèo động đực đâu. Làm ơn trưởng thành dùm!”
Chúng ta không thể ngăn cản nạn ngoại tình dù có thể đều đồng tình rằng chuyện ấy hoàn toàn không nên làm. Khi biết đến những vụ ngoại tình đình đám, công chúng thường kêu gào “thủ phạm” phải xin lỗi công khai. Người nào ngoại tình, bất kể đang ở địa vị xã hội nào, cũng đều cho thấy sự ái kỷ, sự hai lòng, sự vô đạo đức và gian trá. Theo quan điểm này thì ngoại tình không bao giờ là một hành vi phạm pháp đơn giản, một mối quan hệ thoáng qua vô nghĩa hay là một tình yêu đích thực.
Những tranh cãi hiện nay về ngoại tình có thể tóm tắt như sau: Ngoại tình hẳn là triệu chứng của một mối quan hệ thất bại, nếu ta đã có tất cả mọi thứ mình cần ngay tại nhà thì không có lý do gì để ra ngoài tìm “món lạ”. Đàn ông ngoại tình vì chán ngán và sợ gần gũi vợ, đàn bà ngoại tình vì cô đơn và khát khao gần gũi ai đó. Người bạn đời chung thủy là người trưởng thành, có cam kết và thực tế; người sa ngã là kẻ ích kỷ, kém trưởng thành và thiếu kiểm soát bản thân. Mọi quan hệ bất chính đều nguy hại, không bao giờ mang lại ích lợi gì cho hôn nhân, và cũng không bao giờ được người ta chấp nhận.
Cách duy nhất để người đã sa ngã khôi phục được lòng tin và sự gần gũi gối chăn với bạn đời chính là nói ra sự thật, ăn năn và được người kia bao dung tha thứ. Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng: ly hôn phần lớn là do lòng tự trọng hơn là do tha thứ.
Những giọng điệu đạo đức này dường như đã đóng đỉnh “vấn để” ngoại tình vào vài cá nhân hoặc vài cặp đôi bất ổn mà bỏ qua những câu hỏi lớn hơn về hiện tượng toàn cầu này. Ngoại tình nói lên rất nhiều điều về hôn nhân – không chỉ cuộc hôn nhân của một vài người mà đến cả thể chế hôn nhân. Ngoại tình cũng đưa chúng ta đi vào nền văn hóa quyền cá nhân ngày nay – tức những quyền ta nghĩ đương nhiên là mình có. Bạn đang nghĩ rằng ngoại tình tràn lan là vì… vài người “bệnh hoạn”? Chắc chắn là không phải hàng triệu người đang bội tình đều đang mắc “bệnh”!
Nên bênh vực hay phản đối chuyện ngoại tình?
Những từ ngữ chúng ta dùng trong thực tế khi nói về ngoại tình đã hàm chứa sự sỉ nhục, phản đối hành vi này: kẻ phản bội, kẻ dối trá, kẻ nghiện tình dục, kẻ trăng hoa, người đàn bà lăng loàn,… Những từ ngữ này không chỉ phản ánh phán xét của chúng ta mà thậm chí còn khuyến khích sự phán xét đối với ngoại tình.
Từ “ngoại tình” (adultery) có nghĩa gốc từ tiếng Latin là “thối nát” (corruption). Khi cố gắng tìm cách mang đến một góc nhìn trung dung hơn về chủ đề ngoại tình, tôi đã gặp một số khó khăn khi tìm kiếm những từ ngữ trung tính.
Ngay cả các nhà trị liệu tâm lý cũng hiếm khi có những đối thoại không thiên kiến về chủ đề ngoại tình. Họ thường tập trung chú ý đến những tổn thương do ngoại tình gây ra, cách ngăn ngừa những tổn thương hoặc làm sao phục hồi sau khi bị phản bội. Vay mượn từ ngôn ngữ của bộ luật hình sự, các nhà trị liệu viên thường gọi người bị phản bội là “bên bị tổn thương” và người phản bội là “kẻ phạm tội”. Nói chung, người bị phản bội thường được quan tâm rất nhiều. Các nhà trị liệu tâm lý thường có rất nhiều lời khuyên chi tiết cho người đã lỡ “ăn vụng” về những việc cần làm để giúp vợ/chồng mình vượt qua nỗi đau bị phản bội.
Hậu quả của ngoại tình có thể hết sức đau đớn, và không có gì ngạc nhiên khi hầu hết mọi người đều muốn có quan điểm rõ ràng đối với ngoại tình, hoặc là phản đối, hoặc là ủng hộ. Mỗi khi tôi kể với ai đó rằng tôi đang viết một quyển sách về ngoại tình, người đó liền lập tức hỏi: “Chị bênh vực hay phản đối chuyện ngoại tình?”, cứ như thể chỉ có hai thái độ có thể lựa chọn đối với chuyện ngoại tình. Tôi thường chỉ trả lời lập lờ rằng: “Vâng…”.
Đằng sau câu trả lời lập lờ nước đôi này chính là mong mỏi chân thành của bản thân tôi muốn mở ra một cuộc đối thoại ít phán xét và tế nhị hơn về chủ đề ngoại tình và những tình thế khó xử mà ngoại tình tạo ra. Chuyện tình yêu, ham muốn vốn rất phức tạp, thế nên chúng ta không thể dễ dàng phân định rạch ròi tốt – xấu, đúng – sai, nạn nhân – thủ phạm.
Xin nói rõ hơn, không kết tội không đồng nghĩa với tha thứ, và có một sự khác biệt rất lớn giữa thấu hiểu và bào chữa cho ngoại tình. Nhưng một khi ta thu gọn cuộc đối thoại về ngoại tình xuống mức chỉ còn là đưa ra những phán xét thì chúng ta sẽ chẳng còn gì để nói với nhau!
Tôi còn nhớ, trong một buổi nói chuyện của tôi, ông cụ Benjamin, khoảng 70 tuổi, đã gặp riêng tôi để giãi bày tâm sự. Ông hỏi: “Theo cô, khi một bà vợ đã quên tất cả mọi thứ, quên luôn cả tên chồng, rồi ông chồng yêu một người phụ nữ khác, thì ông chồng ấy có bị xem là đã ngoại tình không?”.
Rồi ông kể tiếp: “Vợ tôi mắc bệnh Alzheimer. Bà ấy đã ở viện dưỡng lão ba năm qua, cứ nửa tháng tôi lại đến thăm bà ấy. Trong 14 tháng qua, tôi đã quen một người phụ nữ khác. Chồng của bà ấy ở cùng tầng bệnh viện với vợ tôi. Tôi và bà ấy cảm thấy rất thoải mái khi ở bên nhau”.
Ông Benjamin có thể là một trong những “kẻ lừa dối” tử tế nhất mà tôi từng gặp, và có không ít người ngoại tình kiểu như ông. Nhiều người vừa chăm sóc tận tụy người yêu/vợ/ chồng của mình, vừa ngoại tình. Nhiều người bị phản bội vẫn tiếp tục yêu thương người đã phản bội mình, vẫn tìm mọi cách để chung sống với người ấy. Vì biết đến nhiều trường hợp như thế nên tôi đã tự hứa sẽ tìm kiếm một cách tiếp cận nhân văn và hiệu quả đối với chuyện ngoại tình.
Nhiều người xem ngoại tình sẽ gây ra những nỗi đau không cách nào xoa dịu được, và thường sẽ khiến quan hệ tan vỡ. Nhưng cũng có người nhờ… bị phản bội mà nhận ra nhiều điều, từ đó thay đổi bản thân theo hướng tích cực. Ta hoàn toàn có thể chữa lành vết thương lòng khi bị phản bội, thậm chí, khi cơn bão ngoại tình quét qua, người trong cuộc thêm hiểu nhau, trân trọng và gắn bó với nhau hơn.
Có lần, một khán giả hỏi tôi: “Chị cho rằng ngoại tình cũng có lợi ích của nó không? Nếu có thì chị có khuyên một cặp đôi đang cơm chẳng lành canh chẳng ngọt thử… ngoại tình hay không?”. Câu trả lời của tôi là gì à? Rất nhiều người sau khi vượt qua trọng bệnh đã thay đổi lối sống theo chiều hướng
tích cực hơn, nhưng chẳng lẽ ta khuyên mọi người hãy… ráng mắc trọng bệnh để thấu hiểu giá trị cuộc sống? Tương tự, tôi không khuyến khích mọi người… thử ngoại tình để biết… ích lợi của nó.
Bạn có từng bị ảnh hưởng bởi chuyện ngoại tình không?
Khi diễn thuyết, tôi thường hỏi các khán giả rằng: “Trong số các bạn, có ai từng ngoại tình hoặc từng bị phản bội chưa?”. Chẳng có gì ngạc nhiên khi không có cánh tay nào đưa lên vì ai lại đi công khai thừa nhận những chuyện tế nhị này!
Có lần, tôi thay đổi cách hỏi câu hỏi trên: “Ai trong số các bạn từng bị ảnh hưởng bởi chuyện ngoại tình?”, hàng loạt cánh tay đưa lên. Một người phụ nữ kể rằng đã nhìn thấy chồng của bạn mình hôn một cô gái xinh đẹp trên chuyến tàu, cô ấy không biết có nên kể cho cô bạn nghe chuyện đó hay không. Một cô gái tuổi vị thành niên phát hiện ra cha mình đã ngoại tình từ khi cô chào đời.
Những bí mật, dối trá vang vọng khắp các thế hệ, để lại đằng sau những tình yêu bị phụ bạc, những con tim tan nát. Ngoại tình không đơn thuần là câu chuyện của hai hay ba người mà gắn chặt vào cả một mạng lưới quan hệ. Nhiều người bị ảnh hưởng bởi chuyện ngoại tình đã không đủ dũng khí giơ cánh tay lên giữa đám đông, thế nên họ thích kể riêng với tôi. Tại nhiều bữa tiệc, nhiều người kéo tôi ra một góc riêng để nói chuyện. Cũng có nhiều người đến văn phòng của tôi để thổ lộ những bí mật, những hoang mang, những khao khát tội lỗi và tình yêu bị ngăn cấm.
Trong quá trình làm nghề trị liệu, tôi đã gặp những người ái kỷ, những người thích quan hệ bừa bãi, những người bất cẩn, ích kỷ hay người lúc nào cũng quay quắt ý định trả thù tình. Tôi cũng đã chứng kiến những hành vi lừa dối khủng khiếp khiến bạn đời của họ sốc nặng khi tình cờ phát hiện ra “quỹ đen”, “phòng nhì”. Tôi đã gặp những người “bền bỉ” nói dối tôi trong suốt lộ trình trị liệu.
Những câu chuyện họ kể về ngoại tình mở ra một cách nghĩ nhún nhường hơn về con người. Cô đơn, những năm tháng lạnh lẽo gối chăn, sự phẫn uất, nuối tiếc, sự lãnh đạm trong hôn nhân, thanh xuân vụt qua, mong mỏi nhận được sự quan tâm, những chuyến bay phải hủy bỏ, những ngày say túy lúy – đấy chính là những hiện thực sinh động của chuyện ngoại tình vốn đang diễn ra hằng ngày ở mọi nơi. Nhiều người trong nhóm người ngoại tình này đang xung đột sâu sắc với hành vi của mình, thế nên họ tìm gặp tôi để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Động cơ ngoại tình rất đa dạng, và những hậu quả, những kiểu phản ứng khi biết mình bị phản bội cũng đa dạng không kém. Những động cơ ngoại tình có thể kể như để phản kháng, vì lầm lỡ, vì muốn thoát khỏi mối quan hệ hiện tại, vì muốn nổi loạn, vì khao khát điều mới lạ, vì muốn biết xem mình có còn sức hút hay không, vì không thể chạy trốn tình yêu mãnh liệt với người kia,…
Điều ngược đời là nhiều người đi ra ngoài cuộc hôn nhân cốt để… bảo vệ hôn nhân. Khi hôn nhân trở nên tồi tệ, ngoại tình có thể trở thành nguồn sinh lực, thành tiếng chuông cảnh tỉnh những người trong cuộc phải lập tức quan tâm ngay chuyện cứu vãn cuộc hôn nhân, và cũng có thể trở thành hồi chuông báo tử của cuộc hôn nhân. Ngoại tình là một hành động phản bội nhưng cũng đồng thời là biểu hiện của những khao khát, ham muốn và mất mát.
Do đó, tôi tiếp cận chủ đề ngoại tình từ nhiều góc nhìn khác nhau. Tôi cố trân trọng và cảm thông với quan điểm của cả hai phía – tức ngoại tình gây ra những gì với bên bị phản bội và có ý nghĩa ra sao với bên phản bội. Tôi thỉnh thoảng cùng trò chuyện với những người liên quan khác như người tình, con cái, bạn bè.
Ngoại tình là câu chuyện mà hai người (hoặc nhiều hơn) có trải nghiệm hoàn toàn khác nhau, thế nên nó trở thành nhiều câu chuyện nhỏ. Do đó, chúng ta cần một cái khung nhận thức khách quan, toàn diện, đa chiều có thể chứa đựng tất cả các câu chuyện khác nhau, thậm chí đối chọi nhau này.
Sẽ là vô ích nếu ta chỉ cố tập trung đào sâu một khía cạnh như hậu quả của ngoại tình hay ngợi ca thiên hướng khám phá của con người. Tiếp cận ngoại tình dưới nhiều góc nhìn sẽ phù hợp hơn cho đa số các trường hợp. Chúng ta cần một chuyện kể phù hợp với cuộc sống để giúp những con người trong thực tế lèo lái bản thân qua muôn mặt của chuyện ngoại tình, tức những động cơ, ý nghĩa và hậu quả của nó. Chắc chắn sẽ luôn có những người cương quyết rằng ngoại tình không đáng được thấu hiểu, nhưng đây chính là công việc của một nhà trị liệu.
Xin kể về một ngày làm việc của tôi.
Khách hàng đầu tiên trong ngày là anh Rupert, 36 tuổi, theo vợ mình từ Anh sang New York. Anh biết vợ mình đang có nhân tình, nhưng anh quyết định không chất vấn. Anh nói: “Tôi có một cuộc hôn nhân cần tái thiết và một tổ ấm cần gìn giữ. Tôi đang tập trung vào quan hệ vợ chồng của chúng tôi. Tôi hiểu rằng vợ mình đang phải lòng ai đó, nhưng điều tôi đang băn khoăn là liệu cô ấy có thể yêu tôi trở lại hay không”.
Tiếp theo là cặp đôi Delia và Russell. Họ yêu nhau từ thời đại học nhưng không đến được với nhau. Rất lâu sau khi mỗi người đều đã có tổ ấm riêng, họ tìm lại được nhau qua trang mạng tìm việc LinkedIn, ngọn lửa tình yêu xưa lại bùng cháy mãnh liệt. Và rồi họ rơi vào những cuộc dằn vặt nội tâm dữ dội.
Anh Russell nói với tôi: “Hai chúng tôi đã tham gia rất nhiều buổi trị liệu và hiểu ra rằng những chuyện tình ngoài luồng hiếm khi bền vững. Nhưng tôi cho rằng chuyện tình của tôi và Delia hoàn toàn khác, hoàn toàn không phải kiểu sớm nở tối tàn, mà là một chuyện tình trọn đời bị gián đoạn. Liệu tôi có nên vứt bỏ cơ hội được ở bên người phụ nữ của cuộc đời mình, có nên phủ nhận mọi cảm xúc yêu thương đang tràn ngập trái tim mình để bảo vệ cuộc hôn nhân hiện tại vốn chưa bao giờ hạnh phúc không?”.
Hai khách hàng tiếp theo là Farrah và Jude – cặp đồng tính nữ đã ở bên nhau sáu năm. Cô Jude đang tìm cách hiểu vì sao cô Farrah lại có chuyện vụng trộm sau khi cả hai đã đồng ý có một mối quan hệ mở. Cô Jude kể: “Chúng tôi đã quyết định rằng cả hai có thể ngủ với những người phụ nữ khác, miễn là báo cho nhau biết. Tôi nghĩ rằng một mối quan hệ mở có thể bảo vệ cả hai chúng tôi, nhưng Farrah đã nói dối. Tôi có thể làm gì hơn đây?”.
Bạn thấy đấy, ngay cả một mối quan hệ mở cũng không thể đảm bảo chuyện lừa dối sẽ không xảy ra.
Giờ nghỉ trưa, tôi tranh thủ đọc e-mail được gửi từ bà Barbara, 68 tuổi, sống ở Minnesota (Mỹ), vừa mới góa bụa: “Trong những ngày thương khóc ông nhà, tôi phát hiện ra chuyện vụng trộm thâm niên của ông ấy. Giờ đây tôi đang đối mặt và phải giải quyết những chuyện tôi chưa bao giờ nghĩ tới, ví dụ như tôi có nên kể chuyện này với con gái không. Chưa hết, chồng tôi là một người được cộng đồng kính nể, thế nên tôi và các bạn bè của tôi thường được mời đến những buổi tưởng niệm ông. Tôi cảm thấy rất mâu thuẫn, một phần tôi muốn giữ gìn thanh danh cho ông ấy, một phần lại muốn tiết lộ sự thật này”.
Trong các e-mail trao đổi qua lại, tôi và bà đã thảo luận về việc một phát hiện có thể làm thay đổi quan điểm về cả một cuộc đời, về cách tái thiết cuộc sống và cả nhận thức về bản thân sau khi phải chịu đựng nỗi đau kép bị phản bội và góa bụa.
Cô Susie – con gái của bà Barbara – đã nổi giận hoàn toàn chính đáng khi biết cha mình từng ngoại tình. Cô Susie viết: “Mẹ tôi quả là một vị thánh khi đã ở bên cha tôi đến tận khi ông qua đời, bất luận mối quan hệ ngoài luồng dai dẳng của ông”. Tôi tự hỏi liệu cô Susie đã từng nghĩ đến việc kể lại câu chuyện về cha mình theo một cách khác không, ví dụ: “Cha tôi đã thật lòng yêu một người phụ nữ khác nhưng vẫn ở lại với mẹ tôi và hy sinh bản thân vì gia đình?”.
Khách hàng tiếp theo là anh Adam – một trị liệu viên trẻ tuổi – đã gửi tôi một tin nhắn trên Facebook sau khi tham gia một trong những buổi huấn luyện do tôi tổ chức: “Tôi luôn nghĩ rằng những kẻ lừa dối trong tình cảm là những kẻ hèn nhát. Họ ít nhất cũng nên có chút liêm sỉ để quý trọng người mà họ đã kết hôn và chớ có làm chuyện lén lút sau lưng người ấy. Ấy vậy mà sau khi tham gia buổi thảo luận của chị, tôi thực sự đã giật mình và bàng hoàng thức tỉnh. Căn phòng hội thảo an toàn và thoải mái, nhưng tôi chẳng thể ngồi yên trên ghế của mình, cứ như thể có than trên ghế, đánh thức một sự thật nơi tôi. Tôi đã luôn bỏ qua thực tế là cha mẹ tôi đều đã kết hôn trước khi họ gặp gỡ nhau. Thực tế là cha tôi đã tư vấn cho mẹ tôi khi bà đang tìm cách thoát khỏi người chồng bạo hành. Kết quả chuyện tình của cha mẹ chính là sự hiện diện của tôi trên cõi đời này. 34 năm về trước, nhờ ngoại tình mà cha mẹ tôi đã tìm ra được người mình muốn dành trọn phần đời còn lại để ở bên”.