Cuốn sách “NÓNG GIẬN LÀ BẢN NĂNG, TĨNH LẶNG LÀ BẢN LĨNH” của tác giả Tống Mặc là một nguồn tư liệu quý báu về triết lý sống và nhân sinh. Từ những bài học và lời tâm sự của đại sư, chúng ta học được rất nhiều về cách sống một cuộc đời ý nghĩa và bình an.
Qua sách, chúng ta nhận ra rằng việc thể hiện những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, oán trách chỉ là sự phản ánh của sự bất lực và thiếu bản lĩnh trong bản thân. Điều quan trọng là học cách kiểm soát cảm xúc, không để chúng thống trị và làm hỏng cuộc sống của chúng ta.
Tư duy và hành động của chúng ta cũng giống như việc đem muối vào nước – nếu đem vào một cốc nước nhỏ (tức là tâm trí hạn hẹp), muối sẽ làm cho nước trở nên mặn chát; nhưng nếu đem vào hồ nước lớn (tức là lòng nhân từ và thông thái), thì nước vẫn giữ được vị ngọt mát của mình. Điều này cho thấy ý nghĩa của việc tu tâm dưỡng tính và mở lòng ra để chứa đựng sự bao dung và thấu hiểu.
Tóm lại, sách “NÓNG GIẬN LÀ BẢN NĂNG, TĨNH LẶNG LÀ BẢN LĨNH” là một hướng dẫn về sự trưởng thành tinh thần và tâm hồn, khuyến khích chúng ta học cách kiểm soát cảm xúc, tạo ra một tâm trí bình an và một cuộc sống ý nghĩa.
—
Nhắc tới đại sư Hoằng Nhất[1], nhiều người sẽ lập tức nhớ tới một cái tên khác – Lý Thúc Đồng. Ngài xuất thân trong một gia đình thương nhân giàu có, hồi còn trẻ ăn ngon, mặc đẹp, thích rất nhiều thứ thuộc nhiều lĩnh vực như âm nhạc, hý kịch, mỹ thuật, thơ ca, khắc ấn, vàng bạc đá quý, thư pháp, giáo dục, triết học, dù là lĩnh vực nào ngài đều có trình độ hơn người.
“Trường đình ngoại, cổ đạo biên
Phương thảo bích liên thiên”
(Tạm dịch:
Ngoài trường đình, bên đường cũ,
Cỏ thơm xanh tận chân trời.
Bài thơ “Tống biệt” đã làm cảm động biết bao người. Tuy nhiên, một tài tử tuyệt thế như vậy, tới độ trung niên lại đột ngột từ bỏ hồng trần, xuất gia đi tu, sống cuộc đời tăng lữ khổ hành với một chiếc cà sa, một cây trượng, chịu đạm bạc, ôm quạnh hiu.
Trong 24 năm, từ lúc đại sư xuất gia tới khi viên tịch, ngài đã chuyên tâm tu hành, dày công nghiên cứu Phật học, phát huy mạnh mẽ Phật pháp, phổ độ chúng sinh, giúp cho Phật Giáo Nam Sơn Luật Tông thất truyền nhiều năm được phục hưng. Ngài được đệ tử Phật môn tôn là thế tổ đời thứ 11 của Luật Tông, để lại cho người đời của cải tinh thần vô tận.
Tại sao đại sư Hoằng Nhất lại xuất gia, là vì ngài đã chán ngán với trần thế, hay vì ngài đã nhìn thấu nhân sinh? Rất nhiều người không hiểu được. Khi còn sống, đại sư có một câu nói, “Lấy tinh thần xuất thế, để làm sự nghiệp nhập thế”, đây có thể coi là lời giải thích hay nhất cho việc ngài xuất gia. Còn nói tới duyên cớ xuất gia, chính đại sư từng nói thế này:
“Có không ít người phỏng đoán nguyên nhân tôi xuất gia, hơn nữa còn tranh luận rất nhiều. Tôi không muốn đi thông cáo với thiên hạ tại sao tôi xuất gia, vì mỗi người khi làm việc gì, đều có nguyên tắc, hứng thú, phương thức và cách lý giải của riêng họ, những thứ này sẽ không bao giờ giống nhau, cũng có thể nói người khác sẽ không thể hiểu được, vậy nên dứt khoát không nói ra, dần dần người khác cũng sẽ quên nó đi. Còn về tâm tư tôi lúc đó, tôi nghĩ phần nhiều là vì tôi muốn theo đuổi một cách thức cao hơn, lý tưởng hơn, để giáo hóa bản thân và người đời!”
Nửa đời trước của đại sư Hoằng Nhất, ngài đã sống rất sôi nổi, tất cả những việc mà bản thân yêu thích, ngài đều làm từng việc một; tất cả những khổ đau mà bản thân nên gánh chịu, ngài cũng đã gánh chịu hết. Từ nhỏ ngài đã mất cha, sau khi lớn lên thì mất mẹ. Ở Nhật Bản, ngài gặp được người phụ nữ làm mình động lòng và đã mạnh dạn theo đuổi. Thân là thầy giáo, ngài đã làm tốt nhất có thể, thậm chí còn nguyện từ bỏ tu hành vì học phí của học trò, nỗ lực làm việc kiếm tiền giúp cậu học trò hoàn thành sự nghiệp học tập. Có người sẽ không hiểu được tại sao đại sư lại phải từ bỏ xuất gia tu hành, chỉ có đại sư mới biết, nếu không từ bỏ sẽ không có cách nào thực hiện được lý tưởng giáo hóa bản thân và người đời. Cũng giống như việc chúng ta cầm quá nhiều thứ trong tay, nếu không biết bỏ xuống thì sẽ càng ngày càng nặng, hơn thế nếu gặp được thứ gì thấy thích hơn, sẽ phát hiện ra rằng mình không thể đưa tay đón nhận chúng nữa. Lúc này, chỉ có bỏ thứ đang cầm trong tay xuống, mới có được thứ mới. Nếu một người vừa muốn đạt tới cảnh giới cao nhất của việc tu hành, lại không nỡ buông bỏ gia đình và tất cả những thứ thuộc về trần thế, vậy chẳng qua cũng chỉ là một câu nói suông mà thôi.
Sau khi xuất gia, đại sư đã buông bỏ tất cả những thứ thuộc về trần thế, tình nguyện sống một cuộc đời thanh đạm khổ hạnh mà người thường khó lòng tưởng tượng được, tự trải nghiệm lĩnh hội đời người. Chúng ta thường nói, không phải tôi muốn có nhiều phiền não như vậy, chỉ là vì đời người có quá nhiều vướng bận và nhiều chuyện bất lực. Thật ra, đời người không gì không thể buông bỏ, nhỏ thì là bất hòa giữa làng xóm với nhau, lớn thì là sống chết, bạn có buông bỏ hay không, kết cục cũng không có gì thay đổi. Cái khác biệt là, người buông bỏ được sẽ nhận về sự thoải mái và vui vẻ, còn người không buông bỏ được chỉ có thể cõng gánh nặng cả đời mà sống, không được vui vẻ. Vậy thì, hãy để đại sư dạy chúng ta làm sao để buông bỏ đi!
Điềm đạm là sự điềm tĩnh xuất phát từ nội tâm. Cổ nhân cho rằng: “Điềm tĩnh dưỡng thần, phật dịch ô vật.” Ý muốn nói, điềm tĩnh có thể dưỡng tâm, giúp con người không phụ thuộc vào thứ bên ngoài. Điềm tĩnh nói đến một thái độ sống “lùi”, vạn sự thuận theo tự nhiên, người giữ được tinh thần như vậy, chắc chắn có thể làm tốt việc dưỡng tâm.
Hiện giờ, ngày càng có nhiều người theo đuổi việc “dưỡng sinh”. Dưỡng sinh gồm có dưỡng tâm, dưỡng tính và dưỡng thân. Nhưng rất nhiều người chỉ quan tâm đến việc dưỡng thân, cho rằng chỉ cần chăm sóc cơ thể cho thật đẹp đẽ, khỏe mạnh, thì có thể hưởng thụ cuộc sống lâu dài. Cho nên, số người có thể kiên trì hằng ngày tập luyện thể thao, ăn uống lành mạnh thì nhiều, nhưng số người có thể kiên trì dưỡng tâm hằng ngày lại rất ít.
Có một bà mẹ cực kỳ chú trọng việc dưỡng sinh. Gặp ai cô ấy cũng thao thao bất tuyệt về đạo lý dưỡng sinh, về việc mỗi ngày phải ăn cái gì, ăn bao nhiêu, ăn thế nào, vận động bao lâu… Cô ấy nói hết lần này đến lần khác: Chỉ có làm như vậy, mới không bị bệnh! Nhưng mỗi lần nghe những điều này, tôi đều thấy rất lạ. Một người ngày nào cũng bận rộn chuẩn bị đồ ăn lành mạnh cho bản thân từ sáng đến tối, sợ mình ăn phải đồ ăn không tốt sẽ sinh bệnh, không thể sống thọ, ngày nào cũng lo lắng như vậy, liệu có vui vẻ được không?
Nếu như chúng ta dưỡng sinh mà không bắt đầu từ việc dưỡng tâm dưỡng tính, trong lòng sẽ có nhiều phiền não, có nhiều ham muốn. Như vậy, “hạnh phúc” mà chúng ta được hưởng chỉ dừng ở mức ăn ngon mặc đẹp và cơ thể khỏe mạnh, đó không phải cuộc sống thăng hoa chân chính.
Đại sư Hoằng Nhất cho rằng điềm đạm là “điều đầu tiên của việc dưỡng tâm”. Điềm đạm mà ngài nói tới suy cho cùng là cần con người phải tĩnh tâm. Thế gian này bao chuyện phiền não, dễ ảnh hưởng đến tâm lý của con người. Cho nên, nhiều người nghĩ rằng tâm mình không tĩnh là vì đang bị quá nhiều chuyện quấy nhiễu. Thật ra, ta bị quấy rầy không phải vì những chuyện phiền nhiễu trên đời, mà vì tâm không tĩnh. Khi chúng ta có thể tách khỏi tất cả sự vật bên ngoài, cho dù ở trong hoàn cảnh nào, ta cũng có thể hưởng thụ cuộc sống an nhàn thực sự.
Trong xã hội hiện thực này, rất nhiều chuyện sẽ làm cho chúng ta “dao động”.
Khi một người mỗi ngày kiếm được 10 đồng, chỉ đủ để ăn no, anh ta cảm thấy rất thoải mái, nhưng lại mơ mỗi ngày kiếm được 100 đồng; khi kiếm được 100 đồng mỗi ngày, anh ta lại cảm thấy mệt hơn trước rất nhiều, và không thấy hài lòng lắm, bởi vì có người mỗi ngày kiếm được 1.000 đồng; anh ta làm việc chăm chỉ hơn, cuối cùng cũng có thể kiếm 1.000 đồng mỗi ngày, anh ta bắt đầu mua xe, mua nhà, sống cuộc sống tốt đẹp mà anh ta từng ao ước, nhưng anh ta lại bắt đầu hướng về cuộc sống mỗi ngày kiếm được 10.000 đồng… Chúng ta luôn rơi vào một vòng tròn kỳ lạ như vậy. Chúng ta luôn cho rằng khi đạt được điều gì mình mong đợi đã lâu, trong lòng sẽ cảm thấy yên tâm, hài lòng, từ đó có thể hạnh phúc. Nhưng sau khi đạt được điều mình muốn, ta lại có cảm giác cũng chỉ thế mà thôi. Những ham muốn lớn hơn nối tiếp nhau, mục tiêu ngày càng cao, và chúng ta càng ngày càng mệt hơn. Do đó, một người sau khi có biệt thự, xe hơi, anh ta càng không hạnh phúc, bởi anh ta lo sợ một ngày nào đó sẽ mất đi cuộc sống như vậy, do đó đành phải dốc sức làm việc nhiều hơn, ép bản thân phải kiếm được 100.000 mỗi ngày, nếu chỉ kiếm được 80.000 thì thở dài ngao ngán. Ngày nào cũng sống trong nỗi sợ mất đi danh lợi, gánh áp lực khủng khiếp, làm sao mà không sinh bệnh cho được? Dĩ nhiên, không phải con người không thể sống như vậy, danh lợi vốn là sự theo đuổi lớn nhất cuộc đời đối với một người bình thường. Nhưng ý ở đây muốn nói, nếu như cuộc sống như vậy làm cho chúng ta cảm thấy thêm áp lực, thêm phiền muộn, không hề có cảm giác hạnh phúc, thì bạn hoàn toàn có thể suy nghĩ theo hướng khác. Không nhất thiết phải từ bỏ những thứ như biệt thự, xe hơi, chỉ cần từ bỏ việc cố chấp gắn bó với những thứ này, dù kiếm được 1.000.000 mỗi ngày cũng không ngạo mạn, mà mỗi ngày kiếm được 10 đồng cũng không chán chường, muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ, không cần gượng ép bản thân, bạn có thể cảm nhận được sự hạnh phúc ngay lập tức.
Người có nội tâm điềm đạm là người ngay cả khi mặc một chiếc áo vải, ăn một bữa cơm đạm bạc, vẫn có thể an nhàn thoải mái, không có chút cảm giác khó chịu hay không vui nào. Cho dù đối mặt với phiền não và sinh tử, họ cũng có thể thản nhiên đối diện, trong lòng không một chút gợn sóng đau khổ, không cần ăn ngon mặc đẹp vẫn cảm thấy yên bình và hạnh phúc.
“Quả dục” là ít ham muốn, giống như “tịnh tâm” trong Phật giáo có nói, nhưng mức độ thì khác nhau. “Tịnh tâm” có ý nghĩa siêu phàm thoát tục, người phàm khó mà làm được, “quả dục” thì lại có thể làm được. Tâm không tĩnh thường là vì có quá nhiều ham muốn.
Con người có ham muốn là chuyện bình thường. Cuộc sống mà không có một mục tiêu để theo đuổi thì thật là buồn chán, tẻ nhạt. Ai cũng có thể theo đuổi những ham muốn bình thường bằng các cách thức đường hoàng, từ đó tăng chất lượng cuộc sống của chính mình. Nhưng không hài lòng lại là bản tính của con người, chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ rằng bản thân ham muốn quá nhiều. Ở thời đại của đại sư Hoằng Nhất, đại đa số mọi người đều ăn cơm canh đạm bạc, được ăn no đã là phước lắm rồi, nếu ở thời đó mà mơ mộng ngày ngày được ăn thịt, thì đúng là ham muốn xa xỉ; có quần áo mặc để không bị lạnh đã là có phúc rồi, nếu như được mặc một bộ quần áo lành lặn, không bị chắp vá thì đúng là sung túc. Nếu như ngày nào cũng mơ tưởng đến việc mặc nhung gấm lụa là, thì đó là vượt lên trên ham muốn bình thường của con người, nếu lúc này không cố gắng kiềm chế, ta sẽ rơi vào sự đau khổ vì ham muốn không được đáp ứng; còn nếu như vì tiền mà làm những việc không tốt, thì ta sẽ khiến cuộc sống của mình rơi vào hố sâu tội ác. Nhưng ngày nay, việc chúng ta mong muốn bản thân được ăn ngon mặc đẹp mỗi ngày không còn là chuyện xa xỉ. Thế nên “ít ham muốn” không thể xác định dựa vào những tiêu chuẩn của quá khứ. Vậy đối với con người hiện đại, rốt cuộc thế nào được gọi là ham muốn, và đến mức nào là thích hợp?
Thật ra, chỉ cần đáp ứng những ham muốn này nhờ việc lao động chân chính, thì đó đều là chuyện bình thường. Quan trọng hơn, để thấy được ham muốn trong lòng mỗi người là nhiều hay ít, ta có thể quan sát người đó khi họ không đáp ứng được ham muốn của bản thân.
Liệu họ sẽ bình thản an nhiên, hay không thoải mái, oán trách và đau khổ? Ví dụ, hai người có điều kiện sinh hoạt tương đương nhau đi du lịch ở một vùng núi nghèo khổ, trong tình trạng thiếu thốn vật chất nghiêm trọng, điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, A vẫn có thể sống vui vẻ, ăn thức ăn mà người khác không ăn nổi; còn B lại cảm thấy thật sự đau khổ, ngày nào cũng than vãn, dường như thấy mình đang sống trong địa ngục. Trong cuộc sống thường ngày, tuy hai người tiêu xài như nhau, nhưng B vẫn sống không vui vẻ gì, bởi vì anh ta có quá nhiều ham muốn.
Nhà Nho cho rằng tu tâm dưỡng tính chủ yếu là “tĩnh”, “tĩnh nhờ dưỡng đức”, một con người buộc phải có cái tâm tĩnh, không có tạp niệm, mới có thể tu dưỡng tâm trí và cơ thể. Đại sư Hoằng Nhất cho chúng ta một phương pháp “tĩnh”, đó chính là “ít ham muốn thì tâm tĩnh lặng”. Ham muốn là nguồn gốc cho mọi hành động của con người, khi con người có ham muốn, họ sẽ “động” để thỏa mãn ham muốn đó. Nếu như giữ cho mình “ít ham muốn”, tự khắc ta sẽ “tĩnh”. Khi chúng ta không có ham muốn, thì quyền thế, tiền bạc, danh lợi trên thế gian này đều không thể lay động nội tâm của chúng ta, tâm trí sẽ được an định, điều này cực kỳ có lợi cho việc tu tâm dưỡng tính. Do đó, hầu hết những người ít ham muốn đều không màng đến danh lợi, họ chú trọng tới việc tu dưỡng tâm tính và không mệt mỏi vì những sự vật bên ngoài.
Tiếc thay, thời nay chúng ta đều bận rộn vì có quá nhiều ham muốn, sau khi chúng ta đáp ứng được một ham muốn, một ham muốn mới lại xuất hiện, không bao giờ có kết thúc. Do đó, chúng ta chẳng bao giờ được nhàn rỗi, khó mà dành được chút thời gian để tu tâm dưỡng tính.
Tôn Tư Mạc[2] từng chỉ ra, trường thọ đối với hầu hết mọi người có “5 cái khó”: khó bỏ danh lợi, khó bỏ hỉ nộ, khó bỏ thanh sắc, khó bỏ hương vị, khó bỏ tinh thần. “Tĩnh tâm” thì có thể bài trừ “5 cái khó”, con người sẽ được trường thọ. Đại sư Hoằng Nhất đã đưa ra thêm một bước “có chủ kiến nhưng vẫn phải khiêm tốn”, “có chủ kiến” chính là có mục đích. Khi chúng ta đạt được trạng thái “tĩnh”, thì cần một thứ khác để lấp đầy nội tâm, không thì tâm trống rỗng, giống như lục bình không có rễ, trôi dạt theo sóng.
Một nhà thư pháp khi nói về lý do lúc đầu mình luyện tập thư pháp đã bày tỏ: “Con người mọc ra cái tay nên luôn muốn cầm thứ gì đó. Ví dụ, nhìn thấy tiền thì muốn vơ; nhìn thấy ấn quan thì muốn chiếm làm của riêng. Nhưng tôi biết những thứ này sẽ khiến cho tôi làm những việc mất lý trí. Để xoay chuyển ham muốn của mình, một ngày nọ, tôi nghĩ, để cánh tay này cầm bút đi, ngày nào cũng đặt hết tâm tư vào việc luyện chữ, tay không lúc nào rảnh, những ham muốn kia cũng tiêu tan hết.”
Sử dụng một thói quen lành mạnh thay thế cho các ham muốn quá đà đúng là một biện pháp tốt. Giống như nhiều người cao tuổi sau khi nghỉ hưu thấy không quen với việc bỗng nhiên trở nên nhàn rỗi, nên một số người bắt đầu học thư pháp, hội họa, ca hát… Con người sống phong phú, tinh thần sẽ trở nên sung túc, mọi phiền não trong đầu đều được quét sạch.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Nóng Giận Là Bản Năng, Tĩnh Lặng Là Bản Lĩnh của tác giả Tống Mặc