Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, sinh ngày 7/3/1914 (giấy tờ ghi 1915) tại làng Tân Uyên, tổng Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hoà (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai); mất ngày 7/3/1987 tại Rancho Cordova, Sacramento, California, Hoa Kỳ. Các bút hiệu khác: Phong Ngạn, Hồ Văn Huấn. Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, mười đời ở đất Tân Uyên, cha là Tô Phương Sâm làm nghề buôn gỗ, mẹ là Dương Thị Mão. Thuở nhỏ học chữ nho với thầy đồ, tiểu học ở trường làng; trung học (1928-1934) Pétrus Ký, Sài Gòn. Rời trường không bằng cấp. 1934, kết hôn với cô Dương Thị Thiệt, 1935, vào làm công chức ở kho bạc Thủ Dầu Một. 1936, đổi về Sài Gòn làm kế toán viên ở Tổng Nha Ngân Khố. Tháng tám 1945, bỏ việc, tham gia kháng chiến. 1946, hồi cư về Lái Thiêu và 1949 rời Lái Thiêu về hẳn Sài Gòn viết văn làm báo.
Bình Nguyên Lộc bắt đầu viết từ 1942, cộng tác với tạp chí Thanh Niên của Huỳnh Tấn Phát, nhưng đến 1946, mới thực sự bước vào nghề văn, nghề báo. 1950, in tập truyện ngắn Nhốt gió. 1958, chủ trương tuần báo Vui Sống và nhà xuất bản Bến Nghé. 1985, di cư sang Hoa Kỳ, hai năm sau ông mất.
Bình Nguyên Lộc đã viết hàng trăm tác phẩm, nhưng bản thảo bị thất lạc cũng nhiều, phần in trên các báo, chưa xuất bản thành sách cũng lớn.
Làm xong bài toán hình học không gian, Nhan ngáp dài. Nàng xem lại đồng hồ tay thì thấy đã mười giờ bốn mươi rồi.
Cô nữ sinh đệ tứ ấy xếp giấy má sách vở lại, đứng lên toan tắt ngọn đèn tọa đăng rồi đi ngủ, nhưng còn chần chờ đứng lại trước bàn để lắng nghe tiếng mưa đêm xào xạc ngoài vườn, và tiếng gió hú đằng xa, nơi cánh đồng vắng sau nhà. Sanh hứng, cô ngâm lên bài ca dao hay bài thơ của ai, cô không còn nhớ nữa:
Tục truyền tháng bảy mưa Ngâu
Con trời lấy chú chăn trâu cũng kỳ
Một là duyên,
Hai là nợ …
Bỗng tiếng mở cửa buồng bên trái làm Nhan giựt mình. Nàng day lại thì thấy ông Tám Huỳnh, cha của nàng, hiện ra nơi khung cửa buồng ấy, trong ánh mờ của cây đèn dầu bàn học của nàng.
Tám Huỳnh mặc áo mưa, đi giày ống bằng cao su và tay cầm một chiếc nón lá cũ.
Hai cha con lặng lẽ nhìn nhau rồi Tám Huỳnh như sợ con, trốn mắt nó và ngó xuống gạch.
– Ba ! Trời mưa mà ba đi đâu vậy ba ?
Tám Huỳnh ú ớ không nói được, lâu lắm ông mới thốt ra vài tiếng, nhẹ như hơi gió thoảng, Nhan cố lắng tai mới nghe:
– Ba đi, con ở nhà vài bữa với bà Tư.
Nhan châu mày rồi hỏi:
– Có phải ba đi việc đó không ba ?
Tám Huỳnh đưa ngón tay trỏ lên trước miệng ra hiệu bảo con chớ có to tiếng rồi đáp:
– Ừ …
– Con sợ quá ba à ! Nhan nói mà giọng nàng run run.
– Không sao, con cứ an lòng.
– Con không muốn ba đi nữa …
– Ba đã hứa nghe lời khuyên can của con, nhưng còn phải chờ dịp như ba đã cắt nghĩa, mà dịp ấy chưa đến.
Nhan nghẹn ngào, cố nuốt nước mắt, nàng cắn môi dưới lại để khỏi khóc ra tiếng. Ông Tám Huỳnh bước tới và đứng gần con. Ông xẳng giọng, nghiêm mặt lại mà rằng:
– Con biết tánh ba hay tin dị đoan. Người trong nghề, ai cũng thế. Con đừng làm cho ba sợ, con nghe chưa ?
Nhan sợ hãi, lấm lét, liếc lên nhìn trộm cha. Ông Tám Huỳnh ngày thường trông cũng hiền từ, nhưng hễ ông nổi giận thì gương mặt ông hung tợn lạ kỳ, khiến cho người con gái độc nhứt và được thương mến hết sức của ông cũng phải kinh hoảng, không dám hó hé.
Thương con quá, ông Tám dịu mặt và dịu gọng lại rồi nhỏ nhẹ nói:
– Con ở nhà đừng thức khuya, hôm nào mưa thì đừng đi học, kẻo mắc mưa sanh bịnh. Đây, ba cho con tiền chợ và tiền bánh hàng.
Ông Tám vừa nói vừa móc trong túi ra một ghim giấy bạc một trăm, đặt lên bàn học của con và dặn thêm:
– Ai có hỏi, nói ba đi Sài Gòn uống thuốc.
Nhan nhìn xấp giấy bạc rồi nức nở thêm:
– Nín, kẻo bà Tư hay ! Ông Tám lại xẳng giọng.
Nhưng Nhan không còn sợ nữa, nàng nói:
– Con… thương …ba !
– Cố nhiên, ba lại không biết hay sao. Nhưng chính vì ba cũng thương con nên…
– Con đi buôn gánh bán bưng nuôi ba được.
– Đã lỡ rồi con à, đặt lại vấn đề làm gì. Ba có muốn theo nghề nầy đâu, nhưng hoàn cảnh đã đưa đẩy ba tới đó, rồi ba không thoát được nữa. Nhưng ba sẽ cố gắng làm vừa lòng con. Con nên nén lòng đợi một thời gian. Thôi, ba đi con nhé ! Nhớ đóng cửa cẩn thận.
Tám Huỳnh lặng lẽ bước tới mở hé cửa rồi lách mình ra ngoài. Nhan cũng vội bước theo cha, rồi nhìn vào bóng tối. Chớp nhoáng lên và nàng trông thấy bóng dáng dình dàng của cha nàng dưới chiếc nón lá và chiếc áo tơi, bước mau trong mưa gió: ông Tám quẹo ra sau nhà để tiến vào rừng sâu.
Bóng đêm lại tràn ngập không gian, khiến Nhan kinh sợ, vội đóng cửa lại và cài then cẩn thận. Đoạn nàng tắt đèn và đánh diêm lên soi đường để đi vào buồng nàng ở phía hữu.
Ông Tám Huỳnh góa vợ từ lâu, nhưng ông ở vậy để nuôi con. Nhà chỉ có ba người: ông Nhan và bà Tư, một người dì họ của ông. Bà nầy ngủ ớ nhà sau, vì thế mà ông ra đi bằng cửa trước cho khỏi bị một người như bà bắt chợt bí mật của ông.
Bí mật ấy, cách đây một tháng, do một sự tình cờ; Nhan đã khám phá được, sau nhiều năm nghi hoặc. Nàng đã khóc thầm nhiều ngày, rồi rốt cuộc quyết định cật vấn cha.
Thấy không thể chối cãi được, ông Tám đành thú nhận với con rằng ông buôn lậu, hơn thế ông chỉ huy một toán tải hàng lậu từ biên giới Việt-Miên đến một khu rừng gần chợ Trà Võ để giao lại cho đoàn khác đưa về Sài Gòn bằng xe hơi.
Nhan đã khuyên dứt cha, nhưng ông Tám bảo không khá lắm, phải đợi tìm dịp để xoay nghề mới, mới buông nghề cũ được, và nhứt là phải tìm chỗ ở mới cho thật xa, vì hễ cải tà qui chánh thì phải trốn bọn đồng đảng cũ, chúng sợ bị tố cáo, dám thủ tiêu ông lắm.
Chỉ có một đứa con, mà là con mất mẹ, ông Tám cưng Nhan vô cùng, vì thế nên nàng tríu mến cha y như là tríu mến mẹ. Nên chi nàng đã âm thầm đau khổ nhiều sau cuộc khám phá đó, phần lo sợ cho an ninh của cha, phần ngại cho danh dự của gia đình vì ông Tám Huỳnh đă được thiên hạ kính nể bởi nếp sống ra mặt của ông, không có vết nhơ và không ai biết đời sống thứ nhì bí ẩn của ông hết.
Nhan đi nằm nhưng trằn trọc mãi không sao nhắm mắt được. Nàng lắng tai nghe mưa gió và hình dung ra người cha già đang lướt đi dưới phong vũ, trong bóng đêm, có thể lâm nguy bất cứ vào lúc nào.
Nàng xấu hổ mà nghĩ rằng tiền nàng ăn xài từ thuở giờ do một nguồn lợi bất chính mà ra, và thầm trách cha đã làm xằng. Tuy nhiên đêm nay, như bao đêm rồi, rốt cuộc Nhan vẫn tha thứ cho cha vì có bằng cớ hiển nhiên là ông Tám đã không muốn thế và chỉ bị hoàn cảnh đẩy đưa vào đó thôi.
Mời các bạn đón đọc Nửa Đêm Trảng Sụp của tác giả Bình Nguyên Lộc.