Cuốn sách “NUNCHI: NGHỆ THUẬT NẮM BẮT SUY NGHĨ VÀ CẢM XÚC CỦA NGƯỜI KHÁC” giới thiệu về khái niệm Nunchi, một siêu năng lực được coi là đặc trưng của người Hàn Quốc. Nunchi không chỉ là khả năng đọc được suy nghĩ của người khác, mà còn là nghệ thuật nắm bắt tức thời suy nghĩ và cảm xúc của họ, giúp cải thiện mối quan hệ và tạo điều kiện thuận lợi trong cuộc sống.
Cuốn sách giải thích rằng thuần thục Nunchi đòi hỏi việc liên tục điều chỉnh phán đoán của bản thân dựa trên biểu cảm và hành động của người khác. Tốc độ cũng là yếu tố quan trọng, vì người sử dụng Nunchi một cách thành thạo thường được coi là có “Nunchi nhanh”.
Nunchi mang lại lợi ích là tránh được những tình huống khó xử và tạo điều kiện thuận lợi cho sự thành công trong cuộc sống. Cuốn sách cũng phân tích về tầm quan trọng của Nunchi trong mối quan hệ, tại nơi làm việc, và trong việc giảm bớt căng thẳng xã hội.
Cuốn sách gồm 9 phần với các chủ đề
- Chương 1: Nunchi là gì?
- Chương 2: Siêu năng lực của người Hàn
- Chương 3: Những chướng ngại của nunchi
- Chương 4: Không có nunchi, hay là cách đánh mất bạn bè và bị mọi người xa lánh
- Chương 5: Hai mắt, hai tai, một miệng
- Chương 6: Tin vào ấn tượng đầu tiên
- Chương 7: Nunchi và mối quan hệ
- Chương 8: Nunchi tại nơi làm việc
- Chương 9: Nunchi dành cho những người hay lo lắng
- Kết luận
- Phụ lục: Nunchi nâng cao
Cuối cùng, cuốn sách kết thúc bằng một phần phụ lục về cách nâng cao Nunchi, cung cấp cho độc giả những bí quyết và chiến lược để trở thành người sử dụng Nunchi thành thạo hơn.
—
Chương 1 NUNCHI LÀ GÌ?
Nunchi (noon-chee): “nhãn cảm”, hay nghệ thuật nắm bắt suy nghĩ và cảm xúc của người khác để tạo dựng sự hòa hợp, lòng tin và xây đắp mối quan hệ.
Hãy hình dung bạn vừa mới chân ướt chân ráo vào làm tại một công ty lớn. Bạn được mời đến dự một buổi liên hoan của công ty và muốn tạo ấn tượng tốt với mọi người. Khi bạn bước vào phòng, một người phụ nữ lạ mặt lớn tuổi đang kể một câu chuyện đùa nhạt nhẽo trong khi ai nấy đều cười hưởng ứng có phần hơi thái quá. Bạn sẽ:
A) Chen vào kể một câu chuyện đùa đúng nghĩa, chắc chắn là hài hước hơn nhiều câu chuyện bạn vừa được nghe. Những đồng nghiệp mới của bạn nhất định sẽ cười không ngậm miệng lại được!
B) Cười theo những người khác, mặc dù bạn không cảm thấy buồn cười cho lắm.
C) Lựa thời điểm để chào hỏi người phụ nữ lớn tuổi nọ, vì bạn đoán chắc người này là lãnh đạo công ty.
Nếu chọn A, bạn thật sự cần cải thiện nunchi của mình. Nếu chọn B, rất tốt, bạn đã thu nhận được đúng tín hiệu từ những đồng nghiệp mới, nhờ đó nắm bắt chính xác suy nghĩ và cảm xúc của những người trong phòng, có thể nói là bạn đã đọc vị được căn phòng. Nếu chọn C, xin chúc mừng, bạn đã và đang trên con đường làm chủ sức mạnh của nunchi.
Nunchi là một siêu năng lực của người Hàn Quốc. Một số người còn thổi phồng lên rằng đó là cách người Hàn đọc được suy nghĩ của đối phương – mặc dù không hề tồn tại yếu tố siêu nhiên nào ở đây cả. Nunchi là nghệ thuật nắm bắt tức thời suy nghĩ và cảm xúc của người khác nhằm giúp bạn cải thiện các mối quan hệ trong cuộc sống. Thuần thục nunchi là liên tục điều chỉnh những phán đoán của bản thân dựa theo mỗi lời nói, điệu bộ cử chỉ hoặc biểu cảm khuôn mặt của đối phương, nhờ đó bạn sẽ luôn đặt ý thức vào khoảnh khắc hiện tại. Tốc độ là yếu tố quan trọng nhất của nunchi; kỳ thực, khi ai đó sử dụng thuần thục nunchi, người Hàn sẽ không nói rằng họ có nunchi “tốt”, mà là có nunchi “nhanh”.
Lợi ích nhãn tiền là nunchi sẽ tránh cho bạn khỏi những tình huống bẽ mặt nơi công cộng – bạn sẽ không bị hớ nếu biết đọc vị căn phòng một cách chính xác. Về lâu dài, nunchi sẽ mang lại cho bạn những điều không tưởng. Mọi người sẽ mở ra những cánh cửa mà bạn chưa từng biết rằng chúng tồn tại. Nunchi sẽ giúp bạn có được cuộc sống tốt đẹp nhất.
Nói đến sức mạnh của nunchi, người Hàn có câu ngạn ngữ: “Nếu có nunchi nhanh nhạy, bạn ăn tôm trong tu viện cũng được.” Mà cần biết rằng các tu viện Phật giáo truyền thống tại Hàn Quốc đều nghiêm cấm ăn thịt, thế nên nói không ngoa là luật chùa cũng thua ý người.
Trên đời này, ai cũng có thể thay đổi vận mệnh nếu biết mài giũa năng lực nunchi; bạn không cần phải là “con ông cháu cha” hoặc quen biết đúng người đúng chỗ, hay có bằng cấp hơn người. Kỳ thực, người Hàn xem nunchi là “lợi thế của những người bị lép vế” chính là vì những lý do trên. Đó là vũ khí bí mật của bạn, kể cả bạn chẳng còn gì khác trong tay. Và với những người sinh ra trong nhung lụa, thiếu hụt nunchi là cách nhanh nhất khiến họ mất đi những lợi thế của mình trong cuộc sống.
Người Hàn có câu: “Một nửa cuộc sống xã hội xoay quanh nunchi.” Một nunchi nhanh nhạy và được trau dồi thường xuyên giúp bạn lựa chọn chính xác đối tác trong cuộc sống hoặc công việc, hỗ trợ bạn tỏa sáng tại chỗ làm, bảo vệ bạn khỏi những kẻ có ý đồ mờ ám, và nó còn có thể giảm thiểu chứng lo âu xã hội. Nó có thể khiến người khác ủng hộ bạn kể cả khi họ không hiểu rõ lý do. Trái lại, nếu thiếu hụt nunchi, bạn có thể bị người khác ghét mà cả đôi bên đều không hiểu tại sao.
Thế nên, nếu bạn đang nghĩ rằng, “Trời ạ, lại một trào lưu nữa của người phương Đông – tôi đã vứt bỏ một nửa số quần áo theo lời khuyên của Marie Kondo1 rồi đấy”, thì trước hết xin khẳng định rằng đây không phải là một trào lưu. Người Hàn đã sử dụng nunchi để khéo léo tránh khỏi hoặc vượt qua những trắc trở trong suốt hơn 5.000 năm qua.
1 Marie Kondo là chuyên gia bài trí người Nhật, cô được mệnh danh là “thánh nữ dọn nhà” và là tác giả cuốn sách nổi tiếng thế giới Dọn dẹp cùng Marie Kondo. (Chú thích của ban biên tập tiếng Việt, từ đây viết tắt là BT).
Bạn chỉ cần nhìn vào lịch sử Hàn Quốc cận đại là thấy được tác động của nunchi đến đất nước này: Hàn Quốc vươn lên từ một nước thuộc Thế giới thứ ba thành một nước thuộc Thế giới thứ nhất chỉ trong nửa thế kỷ. Mới chỉ 70 năm trước, sau Chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới – nghèo hơn hầu hết các quốc gia châu Phi
hạ Sahara. Tệ hơn nữa là Hàn Quốc không có nguồn dự trữ tài nguyên thiên nhiên nào đáng kể: dầu không có đến một giọt, đồng chẳng có nổi một gam. Ấy vậy mà đến thế kỷ 21, Hàn Quốc đã trở thành một trong những quốc gia thịnh vượng, hiện đại và có nền công nghệ tân tiến nhất thế giới.
Hiện nay, phần lớn thiết bị bán dẫn và điện thoại thông minh trên thế giới đều được sản xuất tại Hàn Quốc. Trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc cũng là thành viên duy nhất mà ban đầu là một quốc gia đi vay tiền và giờ trở thành một quốc gia cho vay tiền.1
1 Kongdan Oh, “Korea’s Path from Poverty to Philanthropy”, Viện Brookings, 14 tháng Sáu 2010. https://www.brookings.edu/articles/koreas-path-from- poverty-to-philanthropy/ (Chú thích của tác giả, từ đây viết tắt là TG).
Tất nhiên, một số thành tựu trên có được là do may mắn, lao động chăm chỉ và sự hỗ trợ phần nào của các nước đồng minh, nhưng nếu sự thể chỉ đơn giản như vậy thì bất kỳ quốc gia đang phát triển nào khác cũng có thể đạt được thành tựu tương tự. Ấy thế mà chỉ có Hàn Quốc làm được như vậy. Sự phát triển thần kỳ của kinh tế Hàn Quốc vốn luôn dựa trên nunchi: năng lực “đọc vị” những nhu cầu đang gia tăng nhanh chóng của các quốc gia khác, từ đó sớm sản xuất các mặt hàng xuất khẩu đáp ứng những nhu cầu này, đồng thời tinh chỉnh lại các chính sách dựa trên yếu tố bất biến duy nhất của vũ trụ này – sự thay đổi.
Nếu bạn vẫn còn ngờ vực về giá trị của nunchi, hãy tự hỏi xem tại sao K-pop lại trở thành một hiện tượng.
Nunchi đi vào mọi khía cạnh của xã hội Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, cha mẹ dạy dỗ con cái về tầm quan trọng của nunchi từ khi chúng còn rất nhỏ, cùng với những bài học như “Nhìn hai bên đường trước khi băng qua” và “Không được đánh em gái”. “Sao con chẳng có nunchi gì cả vậy?!” là một câu mắng phổ biến của các bậc phụ huynh người Hàn. Tôi còn nhớ hồi nhỏ mình từng vô tình xúc phạm một người bạn thân thiết của gia đình, và tôi đã chống chế với bố tôi rằng: “Con đâu có cố ý chọc giận mẹ của Jinny.” Bố tôi đáp lại: “Việc con không cố ý không hề khiến chuyện này bớt nghiêm trọng. Trái lại, con càng đáng trách hơn.”
Một vài người có thể không hiểu nổi lập luận của bố tôi. Ông bố bà mẹ nào lại muốn con cái mình chủ động hành xử xấu tính hơn là vô ý cơ chứ? Nhưng hãy nghĩ theo hướng khác: chí ít thì những đứa trẻ quyết định hành xử xấu tính cũng biết chúng mong muốn đạt được điều gì, dù đó là trả đũa anh chị em ruột hoặc trêu tức bố mẹ. Nhưng một đứa trẻ còn không biết lời nói của mình có tác động thế nào đến người khác thì sao? Một đứa trẻ không có nunchi? Bất luận đứa trẻ đó có dễ thương và tốt bụng đến thế nào, tiền đồ của nó cũng khó mà xán lạn, trừ phi nó được dạy dỗ để tu sửa dần tính vô tâm đó.
Một số người bẩm sinh đã có nunchi, số khác nỗ lực để có được, còn tôi thì thuộc diện có nunchi vì bị dòng đời xô đẩy. Năm tôi 12 tuổi, gia đình tôi chuyển từ Mỹ về Hàn Quốc. Mặc dù chẳng biết nửa chữ tiếng Hàn nhưng tôi vẫn được nhập học một trường công Hàn Quốc. Đây thực sự là một khóa học cấp tốc tối ưu về nunchi vì tôi buộc phải hòa nhập vào một môi trường xa lạ trong khi không biết tiếng. Để hiểu được những gì đang diễn ra tại đất nước mới của mình, tôi phải hoàn toàn phụ thuộc vào nunchi của bản thân, nó đã trở thành giác quan thứ sáu của tôi.
Khoảng cách khổng lồ về nunchi giữa Mỹ và Hàn Quốc lại càng làm cho mọi sự thêm phần thử thách. Tại Mỹ, mọi người cư xử với nhau một cách xuề xòa, và bạn có thể xoay xở chỉ với nunchi tối thiểu. Người Mỹ không cúi đầu chào nhau, tiếng Anh không có hệ thống kính ngữ; và bạn có thể gọi người lớn bằng tên riêng của họ. Trái lại, văn hóa và ngôn ngữ Hàn Quốc có phân chia cấp bậc và lượng quy tắc còn nhiều hơn cả sao trên trời. Chẳng hạn, người Hàn không được phép gọi anh chị ruột bằng tên riêng, họ phải sử dụng kính ngữ như “anh trai” hoặc “chị gái”. Theo phép tắc Nho giáo, một xã hội thuận hòa đòi hỏi mọi người trong đó phải biết địa vị của mình và ứng xử đúng mực. Vấn đề là lúc đó tôi còn chẳng biết từ giờ phải xưng hô kiểu gì với anh chị em mình thì làm sao tôi biết được ứng xử như thế nào là phải phép tại một trường học Hàn Quốc.
Tôi chẳng biết vin vào đâu ngoài việc quan sát những học sinh khác trong trường. Nhờ vậy, tôi đã học được hai nguyên tắc chính của nunchi: 1) nếu mọi người đều đang cùng làm điều gì đó, khắc luôn tồn tại một lý do. Tôi chẳng hề biết động tác đứng nghiêm hay đứng nghỉ là như thế nào cả; tất cả những gì tôi biết là mọi người khác đều đang làm vậy, thế nên tôi quan sát kỹ chuyển động cơ thể của họ rồi bắt chước theo; 2) nếu bạn kiên nhẫn chờ đợi đủ lâu, phần lớn các câu hỏi của bạn sẽ được giải đáp mà bạn không cần phải lên tiếng. Điều này quả là quá tiện bởi tôi chẳng biết từ tiếng Hàn nào cả.
Thử thách nunchi cam go này đã giúp tôi hiểu được những gì mọi người trông đợi ở mình, nó mở mang tâm trí tôi để học cách yêu thương, và nó cũng khiến các giáo viên và học sinh khác trong trường nhẫn nại hơn với tôi. Chỉ hơn một năm sau khi chuyển đến Hàn
Quốc, tôi đạt thành tích đứng đầu lớp và giành được giải thưởng về vật lý và toán học. Trong vòng 18 tháng, tôi đã được bầu làm lớp phó và có quyền nhắc nhở các học sinh khác (một đặc quyền nhỏ được trao cho một số ít học sinh được thầy cô yêu quý). Dẫu vậy, mặc dù phải thừa nhận là tiếng Hàn của tôi hồi đó còn rất tệ, tôi vẫn bị trêu chọc vì những lề thói theo kiểu phương Tây của mình. Thế nhưng dù sao thì tôi cũng là bằng chứng sống cho thấy rằng để thắng cuộc, bạn không cần phải là người giỏi nhất – miễn là bạn có nunchi nhanh nhạy.
Đúng là tôi học hành rất chăm chỉ, nhưng nếu không có nunchi thì tôi đã không thể tiến xa đến vậy. Nunchi có thể biến bất lợi khổng lồ (trong trường hợp của tôi là không biết tiếng Hàn) thành lợi thế không ngờ tới: bởi các giáo viên luôn nói quá nhanh đến nỗi tôi không thể hiểu hết hoặc ghi chép được toàn bộ, thế nên tôi cố gắng nhận biết biểu cảm và tông giọng của họ khi họ đề cập đến những điểm thực sự quan trọng, chẳng hạn như những chủ đề mà họ sẽ đưa vào bài kiểm tra. Tôi đã học được rằng giọng trầm tức là phần đó sẽ được đưa vào bài kiểm tra. Tôi cũng nhận thấy cô giáo dạy Lý năm lớp Bảy của tôi sẽ cầm gậy gõ nhẹ vào lòng bàn tay mỗi khi cô cố nhấn mạnh một luận điểm. (Giáo viên Hàn Quốc lúc nào cũng mang theo gậy bên mình – những đoạn gỗ cứng được bọc băng keo điện. Họ thường dùng chúng để phạt học sinh). Thế nên, mặc dù tôi vẫn ngu ngơ như bò đội nón và gần như chẳng ghi chép được mấy, các giáo viên vẫn đang “nói” với chúng tôi những gì sẽ có trong bài kiểm tra mà không cần nói hẳn ra.
Nunchi là một phần trong cuộc sống thường ngày tại Hàn Quốc, bởi lẽ văn hóa Hàn Quốc được biết đến là văn hóa “giàu ngữ cảnh”, tức là trong giao tiếp, phần lớn các thông tin không được truyền đạt qua ngôn ngữ, mà là thông qua toàn bộ ngữ cảnh, thứ bao gồm vô số yếu tố như ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm khuôn mặt, phong tục truyền thống, những người có mặt ở đó và thậm chí cả sự im lặng. Tại Hàn Quốc, những gì không được nói ra cũng quan trọng trong mọi nhẽ như những lời được nói ra, thế nên người nào để tâm đến mỗi lời nói thì ắt chỉ tiếp nhận được một nửa thông điệp. Nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là chỉ ở Hàn Quốc thì bạn mới cần đến nunchi. Ở bất cứ đâu, kể cả tại phương Tây, cuộc sống cũng không hề thiếu những tình huống giàu ngữ cảnh đòi hỏi chúng ta vận dụng năng lực nunchi – dẫu cho bạn không biết đến sự tồn tại của khái niệm này.
BẠN CẦN CÓ NUNCHI
Ắt hẳn bạn cũng nhận thấy rằng trong những tình huống càng quan trọng, những thông tin cốt yếu nhất lại càng nhiều khả năng bị diễn đạt sai lệch hoặc không rõ ràng. Trong những thời điểm như vậy, nunchi có thể là trợ thủ đắc lực duy nhất của bạn.
Để tập vận dụng nunchi trong cuộc sống thường ngày, bạn cần hiểu rằng đơn vị của nunchi là phòng. Ý tôi ở đây là đối tượng quan sát của bạn không phải là một cá nhân, mà là toàn bộ căn phòng cùng với cách hành xử và phản ứng của các cá nhân trong căn phòng đó.
Bạn đã bao giờ ở trong một căn phòng rồi bất chợt có một người nổi tiếng bước vào chưa? Kể cả bạn có quay lưng lại cửa ra vào và không thể nhìn thấy đó là ai, nhưng bạn có thể biết được có điều gì đó thay đổi khi nhìn vào phản ứng của mọi người xung quanh. Đó chính là nunchi: nhận thức được các tín hiệu từ những người khác.
Có thể bạn không xem một căn phòng là một thực thể sống, nhưng nó đúng là vậy đấy. Nó có “nhiệt độ” riêng, “khí áp”, âm lượng, tâm trạng – và tất cả những yếu tố đó đều không ngừng thay đổi. Người Hàn Quốc nói rằng mỗi căn phòng đều có một boonwigi – dịch nôm na là bầu không khí hoặc mức độ lành mạnh của căn phòng. Chỉ cần có mặt trong phòng, ai nấy đều là một thành viên góp phần tạo nên boonwigi này. Hành xử thiếu nunchi, bạn sẽ phá hỏng boonwigi của toàn bộ căn phòng. Hành xử với nunchi tốt, hoặc “nhanh nhạy”, và bạn có thể làm tăng bầu không khí của căn phòng đối với tất cả mọi người.
Để dễ hình dung thì có thể xem một căn phòng giống như một tổ ong. Mặc dù có vẻ như ai nấy đều hoạt động độc lập, nhưng một phần não bộ của họ đang góp phần tạo nên tâm trí của tổ ong. Ai cũng có vai trò riêng. Gồm cả chính bạn. Vậy nhiệm vụ của bạn là gì?
Tìm ra vai trò của mình.
Trước khi khám phá ra được vai trò của mình – và kể cả sau đó – bạn cần phải luôn quan sát để đánh giá tình hình: điều này đem lại những lợi ích tức thì! Bạn không phải lo lắng về chuyện làm gì hay nói gì cho đúng mực nếu bạn luôn ghi nhớ rằng ưu tiên hàng đầu là đoán định mọi thứ bằng mắt.
Vậy thì bạn đang quan sát cái gì? Một người vận dụng thành thạo nunchi hiểu rằng họ đang tìm kiếm đáp án cho hai câu hỏi sau:
“Năng lượng cảm xúc của căn phòng này là gì?” và “Mình nên bộc lộ loại năng lượng cảm xúc nào để hòa hợp với nó?”
Và tại sao bạn cần để tâm đến những cảm xúc mà mình đang truyền tải ra ngoài? Câu nói thường được cho là của Maya Angelou1 sau đây có lẽ là lời giải thích chính xác nhất cho điều này: “Tôi đã học được rằng mọi người sẽ quên đi những điều bạn từng nói, quên cả những điều bạn từng làm, nhưng mọi người sẽ không bao giờ quên cảm giác mà bạn mang lại cho họ.”
1 Maya Angelou (1928-2014) là một nhà thơ, diễn viên người Mỹ. Bà cũng là nhân vật quan trọng trong phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc (Chú thích của người dịch, từ đây viết tắt là ND).
Dưới đây là một vài ví dụ về nunchi kém. Nếu bạn thấy quen thuộc, hãy nghĩ đến những hậu quả mà bạn hoặc người khác đã phải gánh chịu:
• Bạn bước vào một căn phòng và thấy ai nấy đều có vẻ ủ đột. Bạn liền bông đùa: “Đám ma ở đâu thê?” Và rồi hóa ra là bố của ai đó vừa mới mất thật.
• Sếp của bạn tức tối đóng sập cửa phòng và bạn nghe thấy ai đó đang khóc trong nhà vệ sinh. Ngày hôm đó bạn quyết định đề nghị sếp tăng lương cho mình.
• Bạn dự một buổi tham quan tự do của một công ty danh tiếng mà bạn đang muốn ứng tuyển vào. Suốt cả buổi, bạn tìm cách gây ấn tượng với một nhân viên nọ bởi anh ta đầu tóc bóng mượt và tỏ ra là người quan trọng. Mãi sau, khi bạn nhận được tin nhắn của anh ta, “Có hứng ăn tối với xem kịch không?”, thì bạn mới nhận ra là anh ta đang tán tỉnh bạn. Bạn cũng được biết rằng chính mấy người ăn mặc lôi thôi nhếch nhác mà bạn tưởng là nhân viên thực tập hóa ra lại là những người điều hành công ty.
Một phần cốt lõi của nunchi là sự thay đổi: hiểu rằng vạn vật trên thế gian luôn vận động, không có thứ gì tồn tại lâu hơn một khoảnh khắc. Luận điểm này đã được nhà triết học người Hy Lạp Heraclitus nêu ra một cách hết sức thông thái từ thế kỷ thứ 6 TCN: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông.” Vận dụng nguyên tắc này vào nunchi: căn phòng mà bạn bước vào mười phút trước không còn là căn phòng ở thời điểm hiện tại. Việc nhận thức được bản thân đang đưa ra những phỏng đoán, biết chúng hạn chế năng lực quan sát và thích ứng của bạn như thế nào, là một yếu tố quan trọng giúp bạn mài giũa nunchi. Hầu hết chúng ta đều hiểu rằng những tình huống khác nhau đòi hỏi những cách hành xử khác nhau – chúng ta hành xử tại một tang lễ khác với tại một bữa tiệc sinh nhật – nhưng đôi khi do tình huống xảy ra lại quá quen thuộc, thành thử chúng ta quên mất thực tế rằng mọi thứ trong tình huống này đã thayđổi, thế nên chúng ta cũng phải thay đổi theo.
Một doanh nhân thành đạt là người luôn ý thức được tầm quan trọng của việc thích ứng nhanh chóng để thay đổi. Tại một số ngân hàng đầu tư, những người phỏng vấn sẽ giữa chừng đề nghị chuyển sang phòng khác, chính là để xem các ứng viên phản ứng như thế nào với những thay đổi bất ngờ. Trong phỏng vấn và trong cuộc sống nói chung, những người không thể thích ứng với tình huống bất ngờ ắt sẽ bị thiệt.
Khi bạn bước vào một căn phòng, nếu có nunchi tốt, bạn sẽ quan sát trước khi bắt đầu nói hoặc tương tác. Ai đang đứng cạnh ai? Ai có ba cái bánh quy trên đĩa trong khi những người còn lại chỉ có một cái? Chúng ta đều có bản năng xã hội đủ mạnh để nhận ra những manh mối rõ rệt về căn phòng, nhưng chúng ta phải tinh ý quan sát – tập trung vào người khác hơn là vào bản thân – có thế mới đọc vị được họ.
Sherlock Holmes, một nhân vật thám tử hư cấu thời nữ hoàng Victoria của nhà văn Arthur Conan Doyle, là một chuyên gia đọc vị căn phòng. Ngay từ lần đầu gặp mặt người bạn và đồng sự của ông là bác sĩ John Watson, Holmes đã có thể suy luận được rằng Watson vừa mới phục vụ trong quân đội với vai trò bác sĩ quân y tại Afghanistan, dựa trên màu da rám nắng của ông (“mặt anh ta sạm màu, và đó không phải là nước da tự nhiên bởi da ở hai cổ tay rất trắng”), khuôn mặt hốc hác, và cánh tay cử động không tự nhiên cho thấy đó là một vết thương cũ. Sau này trong truyện, Holmes đã tinh tế phê bình Watson vì không có khả năng làm điều tương tự: “Anh nhìn, nhưng anh lại không quan sát.”
Holmes là một bậc thầy sử dụng kỹ năng quan sát để giải mã những bí ẩn: váy của một người phụ nữ chỉ bị dính bùn ở ống tay áo bên trái, vậy là Holmes có thể biết được rằng người phụ nữ đó chắc hẳn đã ngồi phía bên trái của người đánh xe trên một chiếc xe ngựa không được che chắn. Trong một số truyện khác, Holmes có thể thu thập được manh mối khi tìm hiểu thói quen hút thuốc của đối tượng, hoặc tàn thuốc mà họ bỏ lại.
Lẽ dĩ nhiên là không phải ai cũng có thể trở thành Sherlock Holmes, nhưng chúng ta có thể học cách vận dụng một số kỹ năng của nhân vật này vào cuộc sống thường ngày. Và tương tự như đối với Sherlock Holmes, người đưa ra mọi suy đoán trong chưa đầy một giây, tốc độ là yếu tố then chốt của nunchi. Bạn cần phải nhanh chóng điều chỉnh theo mọi mảnh thông tin mới xuất hiện cũng như tất cả những người vừa bước vào phòng.
Giả sử bạn đang trong buổi phỏng vấn cho công việc mà mình ứng tuyển, vị trưởng phòng có tên là Jack nói với bạn rằng: “Công việc này đòi hỏi khả năng chủ động xử lý. Bạn có cho rằng mình là người làm việc độc lập tốt không? Chúng tôi đang muốn tìm người như vậy.” Đúng lúc bạn định trả lời thì một người phụ nữ bước vào và tự giới thiệu là Jill nhưng không đưa ra thêm thông tin gì về bản thân.
Cô ta nói với bạn: “Tôi cũng có vài câu hỏi. Công việc này sẽ yêu cầu bạn làm việc chặt chẽ với một đội. Bạn có khả năng làm việc nhóm không? Bởi chúng tôi không có ý định tuyển những người chỉ ưa hoạt động độc lập.” Nói cách khác, Jack và Jill đưa ra những mô tả công việc trái ngược nhau.
Bạn sẽ nói rằng bạn là người ưa hoạt động độc lập để nương theo ý Jack? Hay bạn sẽ nói rằng mình thích hoạt động nhóm để lấy lòng Jill? Bạn cần phải đưa ra quyết định nhanh chóng. Bạn không thể tra google chức danh của Jill.
Thế nhưng, bạn có thể nhận thấy rằng Jack thể hiện thái độ kính trọng đối với Jill và hoàn toàn im lặng trong khi Jill nói chuyện. Hơn nữa, bạn còn thấy là cô ta không hề xin lỗi vì đến muộn.
Nếu gặp tình huống trên, bạn sẽ nói với họ như thế nào:
A) “Jack và Jill này, hai vị nói những điều hoàn toàn trái ngược nhau. Tại sao hai vị không bàn lại rồi gọi cho tôi sau, ha-ha.”
B) “Tôi nghĩ sở trường của mình là hoạt động độc lập.” Lập luận của bạn: Jack là người đầu tiên bạn gặp, thế nên anh ta là người đưa ra quyết định tuyển dụng. Jill không hề xin lỗi vì đến muộn, như thế thật bất lịch sự và mình sẽ không nghe theo cô ta. Hơn nữa cô ta là nữ, thế nên chắc hẳn là trợ lý của Jack.
C) “À thì, tôi làm việc nhóm và làm việc độc lập đều tốt như nhau. Thực ra cái gì tôi cũng làm tốt hết.”
D) “Trước giờ, dù là làm việc độc lập hay theo nhóm thì tôi đều làm được, nhưng tôi nghĩ là mình thực sự giỏi làm việc theo nhóm hơn.” Suy nghĩ trong bạn: đó là những gì Jill mong muốn, và nhìn vào cung cách của cô ta thì cô ta hẳn là cấp trên của Jack.
Xét đến các khả năng có thể xảy ra thì phương án tối ưu là phương án D. Jill không hề xin lỗi vì đến muộn bởi cô ta không quan tâm Jack nghĩ gì. Thế nên cũng hợp lý nếu kết luận rằng Jill là cấp trên của Jack và chính Jill mới là người mà bạn cần gây ấn tượng. Cô ta là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Trau dồi nunchi nhanh nhạy có thể giúp bạn nhận được công việc đó. Nó giúp bạn có thêm nhiều bạn bè. Nó khiến người khác đứng về phía bạn kể cả khi họ không rõ lý do tại sao. Chặng đường hướng đến thành công sẽ suôn sẻ hơn nếu bạn có nunchi tốt. Bạn có thể học cách trau dồi nunchi ngay lúc này, ngay tại nơi bạn sinh sống, bất kể học vấn và công việc của bạn là gì hoặc bạn nghĩ sao về tiền đồ của mình. Bạn không cần sắm sửa đồ nghề hoặc tham gia những khóa đào tạo để trở thành một ninja nunchi. Tất cả những gì bạn cần là đôi mắt và đôi tai của bạn, cùng một vài chỉ dẫn để biết cách vận dụng chúng một cách khôn ngoan.
Trường thiên tiểu thuyết sử thi nổi tiếng The Song of Ice and Fire (Khúc ca của băng và lửa) – được chuyển thể thành loạt phim truyền hình đình đám Game of Thrones (Trò chơi vương quyền) – cũng có thể được gọi là Game of Nunchi (Trò chơi nunchi): cuốn sách đưa ra những nhân vật có nunchi hết sức nhanh nhạy bên cạnh những nhân vật có nunchi thậm tệ cùng cực. Nhân vật có nunchi tốt nhất hiện nay trong truyện là “gã lùn” Tyrion Lannister. Phẩm chất đặc biệt của anh ta là có thể cảm nhận được khi nào những mối nguy hiểm trở nên rõ ràng để chú tâm vào chúng. Gần như tất cả các nhân vật khác trong loạt truyện này đều có nunchi kém, nhất là những người không tin vào sự tồn tại của Bóng Trắng – những sinh vật băng giá đáng sợ – mặc cho hàng núi bằng chứng cho thấy rằng chúng chuẩn bị hủy diệt nhân loại. Ở phần đầu của loạt truyện, toàn bộ thành viên của gia tộc Stark đều có nunchi kém – nhất là Sansa, cô bé đã phá hỏng cuộc sống của tất cả mọi người vì không có mắt nhìn người và muốn thành thân với tay hoàng tử Joffrey tàn ác. Qua thời gian, khi những điều tồi tệ nhất trên đời giáng xuống đầu họ, nunchi của họ mới được cải thiện… một cách chậm chạp.
Đừng sống như gia tộc Stark. Hãy trau dồi nunchi của bản thân trước khi cuộc đời buộc bạn phải làm điều đó, theo cái cách không hề dễ chịu chút nào.
Để rèn luyện nunchi, bạn sẽ phải tốn không ít thời gian và công sức. Nhưng bạn có biết điều gì còn tốn thời gian công sức hơn không?
Cố gỡ gạc sau khi đã tạo ra một ấn tượng xấu. Lo lắng không hiểu tại sao người khác tự dưng lại nổi đóa lên với mình. Giải độc một giếng nước mà bạn còn không hề có ý định đầu độc.
Cuốn sách này sẽ chỉ cho bạn thấy rằng nunchi không phải là một phong tục của người Hàn Quốc như bỏ giày dép ra trước khi bước vào nhà. Nunchi chính là tiền là bạc của cuộc sống.