Giới thiệu, tóm tắt, đọc online và link tải xuống cuốn sách Phật Đà Pháp Ngữ – 365 Ngày Để Yêu Thương của tác giả Pháp sư Sharavasti Dhammika
Pháp sư Shravasti Dhammika sinh năm 1951 tại Australia. Pháp sư xuất gia tại Ấn Độ từ khi còn trẻ, sau đó ngài đến Srilanka tu hành. Ngài nổi tiếng với những cống hiến to lớn trong việc truyền bá và phát triển Phật giáo ở Srilanka. Năm 1985, Pháp sư Shravasti Dhammika đến Singapore đảm nhiệm chức cố vấn tôn giáo cho Buddha Dhamma Mandala Society và một số tổ chức Phật giáo khác. Pháp sư cũng từng giảng dạy tại Vụ Thiết kế chương trình học của Bộ giáo dục Singapore, đồng thời thực hiện nhiều video giảng dạy (phóng sự truyền hình về giáo dục) cho Vụ này. Một số tác phẩm tiêu biểu của pháp sư như: Good question, good answer; Gemstones of the Good Dhamma; Matrceta’s Hymn to the Buddha; Encounte’s with Buddhism; All About Buddhism; Middle Land Middle Way v.v.
***
Trong cuộc đời hành đạo của mình, Đức Phật đã thuyết vô số bài pháp mà bất cứ ai chỉ cần chuyên tâm “đọc” một vài bài, thì liền nhận thức được sự hài hòa, yên tĩnh, siêu việt, vững chãi, lòng từ bi kiên định và lòng nhẫn nại vô biên chứa đựng trong đó. Nội dung những bài pháp này bao gồm những lời khuyên, châm ngôn và gợi ý, phương hướng cũng như phương pháp giúp ta đạt được sự tĩnh lặng trong tâm hồn.
Hermann Hesse1
1. Hermann Hesse sinh ngày 2 tháng 7 năm 1877 ở Calw, Đức và mất vào ngày 9 tháng 8 năm 1962 ở Montagnola, Thụy Sĩ. Ông là một nhà thơ, nhà văn và họa sĩ người Đức. Năm 1946 ông được tặng giải Goethe và giải Nobel Văn học.
Mục tiêu mà Đức Phật hướng tới khi Ngài thuyết pháp, đó chính là sự tự do – tự do vì có thể thoát khỏi sự trói buộc về tình cảm, thoát khỏi những lo lắng do vô minh áp đặt lên bản thân và cuối cùng là giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, tức là Niết bàn.
Tự do của Niết bàn như một ngọn núi lấp lánh phủ đầy băng tuyết nằm ở cuối con đường, có thể nhìn thấy từ xa nhưng chưa thể đặt chân đến, đó chính là điểm cuối của Bát chính đạo. Con đường đó rất dài, khúc khuỷu quanh co, có lúc gồ ghề nhưng có lúc lại bằng phẳng. Nếu chúng ta muốn mình đi đúng phương hướng và có thể vững bước tiến vào con đường này thì phải cần có những yếu tố bên ngoài hỗ trợ. Đối với các tín đồ Phật giáo, sự hỗ trợ từ bên ngoài đó chính là Quy y Tam Bảo1 – Phật, Pháp, Tăng.
1. Quy y Tam Bảo: Quy y Tam Bảo là một nghi lễ trong Phật giáo, được xem như là điểm khởi đầu cho người bắt đầu theo học giáo lý đạo Phật. Quy y có nghĩa là quay trở về nương tựa ba ngôi báu, tức là chỉ cho người Phật tử nương vào Tam Bảo để đạt được an ổn vô hạn của tâm thức, thoát khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Phật là nơi chúng ta quay về nương tựa, bởi vì câu chuyện cuộc đời và sự giác ngộ của Ngài đã chứng minh rằng chân lý của sự giác ngộ là có thật, sự thành công viên mãn mới là mục đích thực sự của cuộc đời. Đức Phật là hình mẫu tối cao cho tất cả những ai đang tìm kiếm sự trưởng thành trong tâm hồn. Suy ngẫm về cuộc đời và những việc làm của Đức Phật khiến chúng ta có thêm nhiệt huyết và sự chân thành mà bản thân cần phải có để vững chân tiến bước trên con đường Chính đạo.
Pháp, những lời dạy của Đức Phật, là nơi chúng ta quay về nương tựa. Vì giáo pháp của Đức Phật đưa ra cho chúng ta những lời giải thích thực tế và đầy đủ về mọi vấn đề, đồng thời cũng mang đến cho chúng ta những lời khuyên về đạo đức, các mối quan hệ, thiền định và hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống.
Tăng, chỉ cho những vị đệ tử của Đức Phật ở trong quá khứ, hiện tại, đã giác ngộ và chưa giác ngộ, những người có cùng một niềm tin, lĩnh hội được những điều mà Đức Phật đã chứng ngộ và cùng nhau tu tập. Tăng đoàn là nơi chúng ta quay về nương tựa, bởi vì trên con đường này, những người đi trước có thể cho chúng ta lời khuyên; những người đang đi cùng có thể làm bạn đồng hành, giúp chúng ta đi đúng hướng khi chúng ta lạc lối và nâng đỡ khi chúng ta vấp ngã.
Khi Đức Phật khám phá ra những chân lý tuyệt diệu và thuyết giảng cho các đệ tử của Ngài, chúng tăng đã tha thiết hy vọng rằng bằng cách thực hành những lời dạy của Đức Phật, họ cũng có thể đạt được những điều mà Đức Phật đã chứng ngộ. Vì vậy, có thể nói giáo pháp của Đức Phật (pháp) là nơi lý tưởng nhất trong ba nơi quay về nương tựa. Bản thân Đức Phật nói rằng trong cuộc đời mình, Ngài vẫn luôn nương vào Phật pháp, cung kính Phật pháp, tôn trọng Phật pháp, tuân theo Phật pháp; lấy pháp làm ngọn cờ, lấy pháp làm tiêu chuẩn, lấy pháp làm trọng tâm.
Đức Phật đạt được giác ngộ vào năm 528 TCN, sau đó không lâu Ngài bắt đầu giảng dạy những chân lý mà Ngài đã khám phá ra. Đôi khi Ngài giảng dạy bằng lời nói, đôi khi lại chỉ dạy bằng những ví dụ. Khi thuyết giảng, ngôn ngữ của Ngài vừa gần gũi vừa rõ ràng. Đức Phật cũng thường sử dụng những phép ẩn dụ có ý nghĩa sâu xa để nhấn mạnh nội dung bài thuyết giảng của mình, khiến những người may mắn được nghe sẽ khắc cốt ghi tâm không bao giờ quên. Hành động của Ngài phản ánh một cách hoàn hảo lòng nhân từ mà bình thường Ngài vẫn hay khuyến khích mọi người làm theo và thực tế mọi người vẫn luôn ghi nhớ những lời dạy đó.
Sáu tháng sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, chúng đệ tử bắt đầu nhớ lại những điều Ngài đã từng giảng và từng làm, như một sợi chỉ vàng xuyên qua những hạt pha lê, những lời dạy đó được khẩu truyền xuyên suốt từ bậc thầy truyền đến hàng đệ tử. Sau đó, phương thức truyền khẩu này được thay bằng chữ viết. Ban đầu là được biên tập thành ba tác phẩm nổi tiếng, được gọi là Tam Tạng với ngôn ngữ Pali mà sinh thời Đức Phật vẫn hay sử dụng. Quyển thứ nhất là Kinh Tạng, ghi chép lại những bài thuyết giảng của Đức Phật và một số đệ tử đã đắc đạo của Ngài, miêu tả những câu chuyện về cuộc đời Ngài. Quyển thứ hai là Luật Tạng, ghi chép lại các giới luật và quy định hành chính của Tăng đoàn. Quyển thứ ba là Luận Tạng, thu thập những phân tích tường tận về các quá trình tâm lý khác nhau.
Nhiều thế kỷ trôi qua, để tỏ lòng tôn kính đối với bộ Tam Tạng kinh điển bằng tiếng Pali của Đức Phật, các đệ tử của Ngài đã biên chép những nội dung đó lên trên chiếc đĩa bằng vàng, có một số trang trong đó được khảm vào mặt đá quý, hoặc lưu trữ các tác phẩm kinh điển trong những thư viện lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đó là họ rất xem trọng Tam Tạng, nỗ lực khiến cuộc sống của mình luôn xoay quanh “Pháp” mà Tam Tạng đề cập đến, tìm kiếm sự hướng dẫn cũng như niềm khích lệ trong Tam Tạng, mà Tam Tạng luôn luôn chỉ dẫn phương hướng đi đến Niết bàn tự do, sẽ khiến các ý niệm của họ được bình tĩnh, tâm hồn được gột rửa sạch sẽ. Tóm lại, việc thấu hiểu và thấm nhuần những lời dạy của Đức Phật là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của chúng ta.
Thiền định được xem là quan trọng nhất trong đời sống tu tập của người đệ tử Phật. Phương pháp tu tập thiền định quan trọng bậc nhất mà Đức Phật giảng dạy chính là Tưởng niệm pháp (Dhammanussati), tức là chúng ta chọn một câu trong Tam Tạng, rồi sau đó yên lặng thiền định nghiền ngẫm về hàm ý của nó. Nếu ai có thể giữ vững một thái độ tôn trọng và chấp nhận, mỗi lần tu tập thiền định đều trầm tư suy nghĩ về những hàm ý trong câu kinh như vậy, thì chắc chắn câu kinh sẽ luôn khắc sâu trong tâm họ.
Đọc hay lắng nghe, nghiền ngẫm những lời dạy của Đức Phật, cảm giác giống như chúng ta đang được tiếp xúc trực tiếp với Đức Phật vậy. Mặc dù cuốn sách này được viết cho những người thực hành thiền định trong Phật pháp, nhưng với bất cứ ai quan tâm đến lời dạy của Đức Phật sẽ thấy cuốn sách này rất hữu ích. Cuốn sách bao gồm các đoạn trích từ các bài thuyết giảng có trong Tam Tạng và các đoạn trích ở những bài diễn thuyết có trong các tài liệu chính thống. Các trích đoạn được sắp xếp theo ngày, ngoại trừ một số bản được dịch mới, còn lại hầu hết được Hiệp hội Thánh điển Pali (Pali Text Society) sắp xếp lại từ các bản dịch tiếng Anh. Có quá nhiều phần bị lặp lại trong văn bản thiêng liêng của Phật giáo, điều này vốn rất quan trọng trong thời kỳ Phật pháp được truyền trao bằng phương pháp truyền miệng, tuy nhiên hầu hết những độc giả hiện đại đều cho rằng đều này khiến người đọc dễ phân tâm. Trên nguyên tắc không làm thay đổi ý nghĩa ban đầu của văn bản, tôi đã xóa bỏ những đoạn trùng lặp hoặc gộp chúng lại với nhau.
Sau khi tôi viết xong cuốn sách này, cư sĩ Lưu Diệu Liên và cư sĩ Quách Cẩm Bưu đã giúp dịch sang tiếng Hán, cư sĩ Thi Tính Quốc và cư sĩ Trần Anh Đức hỗ trợ hiệu đính. Xin cùng nhau chia sẻ công đức pháp thí và mong muốn tất cả độc giả đều nhận được lợi ích từ cuốn sách này.
Pháp sư Shravasti Dhammika