Giới thiệu, tóm tắt, đọc online và link tải xuống cuốn sách Phật Tổ Tam Kinh của tác giả Hòa thượng Thích Phổ Tuệ.
Đệ Tam Pháp Chủ Toàn Tập gồm có:
- Tập 1: Kinh Bách Dụ
- Tập 2: Kinh Di Đà Lược Giải Viên Trung Sao
- Tập 3: Phật Tổ Tam Kinh
- Tập 4: Phật Học Là Tuệ Học
Kinh Phật lệ thường chia làm ba bộ phận lớn:
- 1. Phần tựa
- 2. Chính tông
- 3. Lưu thông
Phần duyên khởi chung là phần tựa. Giờ đây hãy giải từng danh từ, từng câu, rồi giảng ý nghĩa.
Thế Tôn là hiệu tôn xưng Đức Phật, chữ “Thế Tôn” có hai nghĩa: là thế gian hữu tình (loài có cảm giác) và thế gian chỗ ở (đất nước, cửa nhà) gọi là khí thế gian.
Bởi vì Phật được thế gian tôn kính cho nên gọi là “Thế Tôn”, tiếng Phạn gọi là Bạc Già Phạm. Tất cả chư Phật đều được xưng là Thế Tôn. Ở kinh này thì chuyên chỉ vào giáo chủ cõi Ta Bà là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vậy.
Thân ứng hóa của Phật Thích Ca là con vua Tịnh Phạn và Ma Gia thái hậu ở thế gian Ta Bà này. Mười chín tuổi Ngài xuất gia, ba mươi tuổi Ngài thành đạo.
Thành đạo, tức là thành Vô thượng Chính biến giác. Phật Đà nghĩa là giác ngộ (giác giả) nhưng để khác với nghĩa khác nên gọi là Chính giác, khác với nghĩa giác ngộ (chưa chính, chưa khắp), thì còn phải tôn Phật là Chính biến giác. Lại còn những bậc giác ngộ không thể sánh kịp được, cho nên gọi là Phật Vô thượng Chính biến giác.
Viên thành được đạo quả Vô thượng Chính biến giác này là nghĩa thành đạo; cảnh trong tâm Phật sau khi thành đạo.
Ly dục là không ham muốn gì, dù ham muốn rất nhỏ cũng không còn nữa. Khi làm Bồ tát, công hạnh chưa đủ vẫn không khỏi có những mong cầu nguyện muốn, tâm còn khuynh hướng động dao. Đến khi thành Phật rồi, tâm lượng đầy đủ không còn ham muốn gì nữa thì tinh thần vẳng lặng yên ổn đến cực độ, thế nghĩa là Niết bàn viên tịch, là rốt ráo nhất cho nên gọi là tối thắng.
Chữ Thiền tiếng Phạn gọi là Thiền na, nghĩa là tĩnh lự, cũng là tĩnh định, tư duy. Sách Đại học của Trung Hoa nói: Định rồi sau tĩnh, tĩnh rồi yên. Tĩnh lự cũng như sách Phật gọi là định tuệ, tĩnh là định, lự là tuệ. Định tuệ hợp nhau nên tâm sáng láng, yên lặng phát ra năng lượng lớn, thần thông biện tài đều được đầy đủ cả, có thể hàng phục khắp mọi đạo ma vậy.
Ma là nghĩa sát hại, sát hại người tu đạo. Phàm kẻ gian tà mặt người dạ quỷ, dùng mọi phương tiện làm tổn hại người chân chính đạo đức đều là loài ma.
Ở trong sách Phật thì nói phá hoại người tu định tuệ là ma, như bảy tình (mừng, giận, thương, vui, yêu, ghét, muốn), sáu thói ham (tiền của, sắc đẹp, tiếng khen, ăn nhậu, ngủ nghỉ, lười biếng) và các bạn ác quấy rối làm tâm phiền não đều cho là ma cả, còn có thiên ma, quỷ thần ma, v.v.
Khi thành Phật thì tâm yên lặng và sáng chói, tất cả việc ma làm chướng đạo, hại đức đều không thể hiện ra trong cảnh tâm kia được nữa cho nên gọi là hàng chư ma đạo (hàng phục mọi đạo ma). Đoạn văn trên đây nêu rõ tướng chân thật cõi tinh thần trong tâm Phật vậy.
Đoạn dưới đây giảng việc Phật hiện thân thuyết pháp độ người. Ban đầu ở vườn Lộc Dã (vườn Hươu), ngày xưa trong nước Ba La Nại xứ Ấn Độ, dạy ra pháp tứ đế: khổ, tập, diệt, đạo. Gọi là ban đầu chuyển xe pháp tứ đế, “đế” nghĩa là thật của chân lý.
Chuyển pháp luân: “Chuyển” có nghĩa là chuyển xoay, chuyển mê thành ngộ, chuyển ngu thành trí, chuyển khổ thành vui, chuyển phàm thành thánh, v.v. “Pháp luânˮ (xe pháp): Giáo lý Phật dạy ví như bánh xe, nhờ bánh xe đó chuyển tới chốn giải thoát.
Hay như bánh xe xát gạo loại bỏ trấu, cám, chất thô mà chỉ còn lại hạt gạo trắng tinh, nghĩa là: Loại trừ hết phiền não ác từ trong ý nghĩ mà phát huy trí tuệ chiếu phá hết vô minh phiền não.
Ý nói Phật thuyết pháp là đem thắng nghĩa tứ đế từ nơi tâm Phật, đã giác ngộ chuyển vào trong tâm hiểu biết của chúng sinh là ba lần chuyển bánh xe tứ đế (âm nghĩa đã nói).
Phật thành đạo rồi: Chỉ lấy việc thuyết pháp độ người làm sự nghiệp. Vì vậy trong đồ chúng có ngờ gì chưa quyết, cầu Phật dạy bảo, điều phải thì tiến hành, điều trái thì thôi bỏ (tiến chỉ), ai nấy đều thân tâm cung kính lĩnh nhận vậy.
Các kinh thường ghi những thời kỳ hoặc ba, bảy ngày hay 49 ngày, chính là những thời kỳ Phật ở trong thiền định rất sâu, vì thụ dụng niềm vui Chính biến giác tuyệt đối, đoạn này với những nghĩa lìa ham muốn ở đại thiền định.
Ở trong định màu nhiệm này, mười phương chư Phật, Bồ tát cùng thụ dụng niềm vui đạo pháp hội, thuyết các kinh điển rất sâu, gọi là tịch tràng bất động khắp mọi nơi, phàm phu không thể thấy được, chỉ cho là Phật vào thiền định rất sâu mà thôi.
Thực ra những đại pháp hội: Kinh Hoa Nghiêm, Đại Tỳ Lô, v.v. đều ở ngay trong thiền định này vậy.
Ở vườn Lộc đã thuyết pháp tứ đế là bốn bộ A Hàm. Khi thuyết pháp là đem những chỗ ngờ ra hỏi, được khai ngộ cả là giáo lý các bộ: Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa, và Niết Bàn. Đó là giải thích một thời giáo hóa của Phật.
Chữ Tỷ khiêu, đời nhà Tống dịch là: Trì tịnh giới (giữ giới trong sạch) hoặc là phá phiền não, hoặc dịch là tịnh khất thực, hoặc dịch là năng phố ma. Một tên của Thiên Trúc đủ bốn nghĩa này cho nên người dịch giữ nguyên vậy.