Cuốn sách “Sáu Đợt Thức Tỉnh” của Mur Lafferty mở đầu với Maria Arena, một bản sao vô tính, tức là sau mỗi lần chết, cô sẽ tái tỉnh dậy trong một thân xác trẻ trung mới, mang theo ký ức của mọi “kiếp đời” trước. Cô và năm bản sao khác được giao nhiệm vụ làm phi hành đoàn trên tàu vũ trụ Dormire, thực hiện một chuyến bay kéo dài hàng thế kỷ để định cư trên hành tinh Artemis.
Tuy nhiên, cuộc sống của họ bị đảo lộn khi cả sáu phi hành gia đồng loạt thức tỉnh giữa một bể máu, không nhớ chuyện gì đã xảy ra và cả thậm chí không nhớ về nhau. Mọi thứ trên tàu đều bị phá hủy và nguy hiểm hơn, có một kẻ trong nhóm bọn họ đã sát hại cả sáu người. Trong tình huống nguy cấp như vậy, họ phải tìm cách tìm ra kẻ thủ ác trước khi cơ hội thứ bảy tỉnh dậy lại.
“Sáu Đợt Thức Tỉnh” là một cuốn trinh thám tương lai đầy kịch tính và ly kỳ của Mur Lafferty. Cuốn sách đã nhận được sự công nhận từ giới phê bình và độc giả khi liên tục được đề cử cho các giải thưởng uy tín như Hugo, Nebula, và Goodreads Choice. Được biết đến với biệt danh “10 người da đen nhỏ ngoài vũ trụ,” cuốn sách đưa độc giả vào một cuộc hành trình gay cấn để tìm hiểu về bí mật đằng sau sự kiện kinh hoàng trên tàu vũ trụ Dormire.
—
LUẬT PHÁP QUỐC TẾ VỀ BỘ ĐIỀU KHOẢN BỔ SUNG QUẢN LÝ SỰ TỒN TẠI CỦA BẢN SAO VÔ TÍNH
LẬP NGÀY 9 THÁNG 10 NĂM 2282
1. Đồng thời tạo ra nhiều hơn một bản sao vô tính của một người là phi pháp. Mỗi bản sao vô tính tương đương với một con người riêng biệt. Công nghệ sao chép vô tình chỉ được áp dụng để kéo dài tuổi thọ, không phải để nhân bản. Nếu một bản sao bị chính bản thân hay người khác nhân bản, bản sao vô tính mới nhất nắm quyền sở hữu danh tính gốc, trong khi (những) bản sao còn lại được liệt vào diện dư thừa.
2. Mang thai hay sinh con và hành động phi pháp đối với một bản sao vô tính. Một bản sao vô tính được coi là con của chính mình trong suốt phần đời còn lại, gồm cả trong những khía cạnh liên quan đến luật thừa kế. Các bản sao vô tính phải được triệt sản ngay khi tái sinh.
3. Cấy một não đồ lên một cơ thể không mang ADN gốc là phi pháp.
4. Các bản sao vô tính phải luôn mang theo người một ổ ghi dữ liệu, bên trong lưu não đồ thức gần đây nhất của mình. Họ và các não đồ của họ có thể bị giới chức trách kiểm tra bất cứ lúc nào.
5. Sửa đổi bất kỳ mẫu ADN hay não đồ của bất kỳ bản sao vô tính nào là phi pháp (Điều khoản Bổ sung 2 là một ngoại lệ). Các bản sao vô tính phải tiếp tục sử dụng mẫu ADN của cơ thể gốc và não đồ gốc của mình.
6. Vỏ xác do một bản sao vô tính để lại phải được loại bỏ một cách nhanh chóng, hợp vệ sinh và giản dị.
7. Tự kết liễu sinh mạng hiện tại nhằm được tái sinh là hành động phi pháp đối với một bản sao vô tinh.
• Ngoại lệ một: Một bản sao vô tính có thể ký một thỏa thuận an tử, nếu một bác sĩ đủ năng lực đồng ý rằng bản sao ấy đang sắp chết và đang phải chịu đau đớn.
• Ngoại lệ hai: Xem Điều khoản 1.
—
Thanh âm trầy trật tìm cách truyền qua làn dịch ối nhân tạo đặc quánh. Khi lọt đến tai Maria Arena, nó nghe hệt như tiếng cưa máy: ầm ĩ, vả bôm bốp vào tai và cứ dai dẳng mãi. Cô chẳng tài nào nghe được tròn vành rõ chữ, nhưng xem chừng đấy không phải chuyện nên dây dưa đến.
Chính sự ngần ngại không muốn tái sinh ấy đã gợi cho cô nhớ mình đang ở đâu, kèm cả danh tính bản thân. Cô mò lại lần sao lưu cuối cùng của mình. Đội ngũ phi hành đoàn vừa mới dọn lên trên boong tàu Dormire, và khoang sao chép là nơi cuối cùng họ ghé vào trong chuyến tham quan. Họ đã tiến hành sao lưu lần đầu trên tàu tại đấy.
Hẳn là không bao lâu sau, Maria đã gặp tai nạn hay gì đó và thiệt mạng, khiến bản sao tiếp theo của cô phải thức tỉnh. Tiêu hoang sinh mệnh sẽ chẳng tạo được ấn tượng tốt đối với thuyền trưởng đâu. Nhiều khả năng chính cô ta đang phát ra tiếng cưa máy đầy giận dữ kia.
Cuối cùng Maria cũng mở mắt. Cô cố gắng xác định xem mấy giọt dịch tròn thấm màu trôi nổi phía trước buồng chứa của mình là gì, nhưng làm vậy với một bộ não mới được sao chép và lần đầu phải tư duy thì khó kinh. Cái mới hỗn độn kia có quá nhiều điểm bất ổn.
Căn cứ vào mấy vết bẩn bám ngoài buồng chứa và sắc tím quan sát được thông qua chất dịch xanh xanh nơi cô đang ngâm mình, Maria đoán các giọt dịch kia chính là máu. Máu me đáng lẽ đâu được trôi vật vờ như thế. Đó là vấn đề thứ nhất. Nếu máu mà trôi nổi kiểu kia thì tức là động cơ trọng lực chịu trách nhiệm xoay tàu đã ngưng hoạt động. Đây chắc cũng là lý do khiến người kia la hét váng trời. Máu và động cơ trọng lực.
Bản thân việc máu xuất hiện trong một khoang sao chép vô tính cũng bất thường nốt. Các khoang sao chép là những chốn tinh khôi, sạch sẽ, nơi con người được tải vào cơ thể vô tính mới lúc cơ thể cũ chết đi. Làm vậy vừa sạch mà lại vừa đỡ đau đớn hơn hẳn kiểu sinh đẻ gào thét điên loạn và máu me bê bết thuận tự nhiên.
Lắm máu quá.
Khoang sao chép có sáu buồng chứa, xếp thành hai hàng ngay ngắn, đựng đầy dịch ối nhân tạo màu xanh, và đợi sẵn bên trong là các bản sao vô tính của những phi hành viên còn lại. Máu phải nằm trong khoang y tế, mạn dưới hành lang. Nếu có giọt máu nào từ khoang y tế trôi dọc hành lang, sau đó lọt vào khoang sao chép và trôi lơ lửng trước buồng chứa của Maria thì đúng là phi thường quá thể. Nhưng đó không phải là chuyện đã xảy ra. Có một thi thể lừ đừ trôi trên mấy giọt máu. À đâu, có vài thi thể.
Cuối cùng, nếu động cơ trọng lực thực sự gặp trục trặc, và nếu có ai thực sự bị thương trong khoang sao chép, một phi hành viên khác sẽ chùi dọn chỗ máu đi. Luôn có người trực sẵn để đảm bảo quá trình chuyển giao từ cõi chết vào cơ thể mới của một bản sao được diễn ra trôi chảy.
Không. Đáng lẽ ra không thể có khối cầu máu tím tròn vo nào trôi nổi trước mặt cô được.
Maria hiện đã thức tỉnh chừng nguyên một phút. Không ai điều khiển máy tính cho dịch ối nhân tạo rút đi để thả cô ra.
Một phần nhỏ trong não cô bắt đầu tru tréo, bắt cô phải lưu tâm hơn đến mớ thi thể, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ thôi.
Cô chưa có dịp dùng van mở cửa khẩn cấp bên trong các buồng sao chép bao giờ. Giới khoa học đã cho lắp đặt bộ phận ấy sau lần mấy tay kỹ thuật viên nổi hứng bày trò trêu một bản sao. Bọn họ đánh thức rồi bỏ mặc cô ta một mình bên trong buồng chứa hàng tiếng đồng hồ. Theo lời đồn thì lúc thoát được ra, cô nàng gây cảnh hỗn loạn và bạo lực vô cùng, khiến vài kỹ thuật viên phải đầu thai thành bản sao mới. Sau vụ kia, các kỹ sư lắp thêm một nút mở gắn trong để các bản sao có thể tự mình ra khỏi buồng nếu họ bị mắc kẹt vì bất kỳ lý do gì.
Maria nhấn nút và nghe thấy chốt mở đánh cạch một tiếng, nhưng mớ dịch ối nhân tạo vẫn đọng im chỗ cũ.
Có một rãnh thoát dùng trọng lực để giúp chất dịch chảy đi. Cơ chế hoạt động căn bản của hệ thống dẫn nước đấy. Van đã được mở những thứ chất lỏng này cứ lì lợm bao lấy Maria như cái tử cung.
Cô cố gắng tìm xem tiếng gào la kia từ đâu mà ra. Một phi hành viên đang lơ lửng trôi gần dàn máy tính, người ngợm trần truồng, mái tóc ướt sũng chĩa tua tủa như một vương miện lởm chởm gai nhọn, trông phát rợn. Lại thêm một bản sao nữa thức tỉnh. Bọn họ toi mất hai mạng rồi ư?
Đằng sau cô là các phi hành viên ngâm trong bốn buồng chứa. Họ đã mở mắt hết, và ai nấy đều đang lần mò tìm van mở khẩn cấp. Ba tiếng cạch vang lên, nhưng cũng như Maria, tình cảnh của họ vẫn nguyên trạng.
Maria dùng một công tắc khẩn cấp khác để mở cửa buồng chứa. Đúng chuẩn thì nó sẽ được bấm sau khi chất dịch đã rút hết, nhưng tình hình bấy giờ có đúng chuẩn tí nào đâu. Cô và một đống dịch ối trôi ra khỏi buồng chứa, khẽ va trúng khối cầu máu lềnh phềnh trước mặt. Độ căng bề mặt của cả hai chất dịch đều không bị suy chuyển, và giọt máu kia nảy tưng đi.
Maria chưa phải loay hoay tính cách thoát khỏi một nhà tù chất lỏng giữa môi trường vô trọng lực bao giờ. Cô thử quẫy đạp loạn xạ, nhưng làm vậy chỉ khiến một chút dịch tách rời khối dịch chính và trôi đi chỗ khác. Trong biết bao nhiêu kiếp đời của mình, cô đã nhiều lần gặp thế oái oăm rồi, nhưng ca này mới ghê.
Lực và phản lực, cô nghĩ thầm và liền hít căng vào người chất dịch giàu ôxi ấy, sau đó xả sạch khỏi phổi theo kiểu xì mũi. Vì đang kẹt trong dịch nhầy, cô không lao nhanh được như ngoài không khí, nhưng mánh ấy vẫn giúp đẩy. Cô lùi ngược lại và chui tọt ra ngoài khối bong bóng dịch. Cô hít khí vào, thế rồi ho khạc và ói nốt phần dịch còn dư thành một luồng trước mặt. Hành động vô thức ấy của cơ thể cô đẩy cô đi xa hơn, làm cô đập bốp đầu lên bảng điều khiển máy tính.
Khi cuối cùng cũng đã thoát được khỏi mớ dịch, cô vừa hổn hển hớp hơi vừa ngước lên nhìn.
“Ôi bỏ mẹ.”
Ba phi hành viên chất lừ đừ trôi quanh phòng giữa một bể máu và đủ thứ chất dịch khác. Một đống xúc tu bong bóng máu me nhoe nhoét phòi ra từ hai cái xác, dứt khoát không chịu tách khỏi các vết thương chí mạng. Còn một xác chết thứ tư nữa bị gài cứng vào ghế bên máy tính.
Hàng bao lít dịch ối nhân tạo hòa vào với chỗ máu vấy tứ tung trong lúc đội phi hành viên mới được sao chép chật vật tìm cách rời buồng chứa của mình. Họ nhìn ngó cảnh quan xung quanh với vẻ sững sờ chẳng kém gì cô.
Thuyền trưởng Katrina de la Cruz trôi đến cạnh cô, mắt vẫn dán vào chiếc máy tính. “Maria, đừng có đứng đực ra nhìn nữa, làm gì hữu ích đi. Xem những người khác thế nào rồi đi.”
Maria loạng quạng với lấy một mấu vịn trên tường để kéo mình tránh xa thuyền trưởng trong khi cô ta cố gắng truy cập máy tính.
Katrina nện lên bàn phím và chọc màn hình điều khiển. “IAN, chuyện quái gì đã xảy ra thế?”
“Chức năng nói của tôi hiện không thể truy cập được.” giọng đàn ông hơi đớt âm robot của chiếc máy tính vang lên.
“Ceci nest pas une pipe,” một giọng lẩm bẩm vọng xuống từ trên đầu Maria. Nó giúp cô bừng tỉnh khỏi cơn choáng, đồng thời cũng nhắc cho cô nhớ về mệnh lệnh đi kiểm tra tình hình phi hành đoàn của thuyền trưởng.
Người phát biểu câu vừa rồi là Akihiro Sato, lái tàu kiêm hoa tiêu. Cô đã gặp nhân vật này vài tiếng trước, tại buổi tiệc nhẹ trước khi tàu Dormire khởi hành.
“Hiro, sao anh lại bắn tiếng Pháp thế?” Maria bối rối hỏi. “Anh có sao không?”
“Một người oang oang nói rằng mình không nói được nghe cứ giống cái bức tranh cổ vẽ một chiếc tẩu, nhưng mà lại đề, “Đây không phải là một chiếc tẩu.” Làm vậy nhằm giúp đám sinh viên nghệ thuật tập nghĩ sâu. Thôi bỏ qua đi.” Anh phẩy tay một vòng quanh khoang sao chép. “Mà đã có chuyện gì thế?”
“Chịu,” cô nói. “Nhưng… Trời ơi, tởm quá đi mất. Tôi phải đi kiểm tra những người khác.”
“Tiên sư, mày vừa sửa còn gì,” thuyền trưởng nói với chiếc máy tính, đồng thời dịch vài biểu tượng đi khắp màn hình. “Trong người mày vẫn có thứ còn hoạt động. Nói tao nghe nào, IAN.”
“Chức năng nói của tôi hiện không thể truy cập được.” con AI lại nói, và de la Cruz đập tay lên bàn phím đánh rầm một phát, xong tóm lấy nó để không bị trôi đi.
Hiro bám theo Maria trong lúc cô di chuyển quanh căn phòng bằng các mẫu vịn trên tường. Và rồi Maria giáp mặt với thi thể gớm ghiếc của Wolfgang, phó chỉ huy của bọn họ. Cô nhẹ nhàng đẩy gã sang bên, cố gắng không để mấy xúc tu máu tòi tóe loe từ các vết thương trên cơ thể gã bị đứt rời.
Cô và Hiro trôi về phía tay Wolfgang còn sống, bấy giờ đang gục người ho hết dịch ối nhân tạo ra khỏi phổi. “Chuyện quái gì đang diễn ra thế?” gã khàn giọng hỏi.
“Chúng tôi cũng ngơ ngơ như anh thôi,” Maria nói. “Anh ổn chứ?”
Gã gật đầu và phẩy tay xua cô đi. Gã vươn thẳng lưng lên, và vóc dáng cao kều của gã lại được cộng thêm ít nhất ba chục phân nữa. Wolfgang sinh ra trên Luna, khu định cư Mặt Trăng. Xương cốt của mấy thế hệ trong gia đình gã đã mọc dài ra nhờ sống cả đời trong môi trường trọng lực yếu. Gã tóm lấy một mẩu vịn và đẩy mạnh về phía thuyền trưởng.
“Anh nhớ được những gì?” Maria hỏi Hiro lúc họ lại gần một phi hành viên khác.
“Lần sao lưu cuối cùng của tôi là ngay khi ta lên tàu. Chúng ta thậm chí còn chưa rời đi,” Hiro nói.
Maria gật đầu. “Tôi cũng thế. Đáng lẽ ra ta phải vẫn đang neo ở bến, hoặc mới chỉ rời Trái Đất được cùng lắm vài tuần.”
“Tôi nghĩ chúng ta có một số vấn đề cấp bách hơn, chẳng hạn như tình trạng hiện thời của mình,” Hiro nói.
“Cũng đúng. Tình trạng hiện thời của chúng ta là đã có bốn người thiệt mạng,” Maria nói, đồng thời chỉ vào các thi thể. “Và tôi đoán hai người còn lại cũng vậy nốt.”
“Thứ gì đủ sức giết sạch chúng ta nhỉ?” Hiro vừa hỏi vừa né một mẩu da đẫm máu, mặt mày trông hơi tái. “Và tôi với thuyền trưởng gặp chuyện gì rồi?”
Anh chàng này đang nhắc đến “hai người còn lại” hiện đang không trôi nổi trong khoang sao chép. Wolfgang, viên kỹ sư Paul Seurat của họ và Bác sĩ Joanna Glass đều đã chết, lững thững trôi trong phòng, nhẹ nhàng va vào các buồng chứa hoặc vào nhau.
Lại thêm một tiếng ho vang lên từ dãy buồng chứa cuối cùng, theo sau là một giọng nhẹ nhàng. “Tôi tin là một chuyện khá thô bạo.”
“Chào mừng chị quay trở lại, bác sĩ à. Chị có sao không?” Maria vừa hỏi vừa kéo mình về phía người phụ nữ ấy.
Bản sao mới của Joanna gật đầu, mấy lọn tóc xoăn bị dính ối bóng nhẫy. Thân trên của chị thon gầy và chắc khỏe như mọi bản sao mới khác, nhưng cặp chân thì lại tong teo và vẹo vọ. Chị liếc lên nhìn mớ xác và bặm môi. “Đã xảy ra chuyện gì thế này?” Chị chẳng buồn đợi họ trả lời mà nắm luôn một mẩu vịn và kéo mình lên phía trần, nơi một thi thể đang trôi lững thững.
“Xem Paul sao rồi đi,” Maria bảo Hiro, sau đó bám theo Joanna.
Viên bác sĩ lật xác mình lại để quan sát, và rồi chị tròn mắt. Chị khẽ chửi thề. Maria tiến đến từ phía sau và chửi đổng một câu to hơn hẳn.
Họng chỉ có một vết đâm, và ộc ra từ cổ là những mảng máu lớn. Vẻ già nua của viên bác sĩ cho thấy họ đã triển khai nhiệm vụ từ đời tám hoánh nào rồi. Maria nhớ chị trước là một người trạc ngoài ba mươi với làn da sẫm màu mịn màng và mái tóc đen nhánh. Giờ thì những nếp nhăn đã in hằn trên phần da quanh mắt cùng với khóe miệng chị, và chạy dọc mái tóc búi chặt là những sợi bạc. Maria nhìn sang các thi thể khác. Từ vị trí trên cao của mình, cô giờ đã thấy được rằng thi thể nào cũng mang dấu hiệu lão hóa.
“Tôi thậm chí còn không nhận ra điều ấy,” cô hổn hển nói. “Tôi… tôi chỉ thấy mỗi máu me. Chúng ta ở trên con tàu này đã mấy thập kỷ rồi. Cô có nhớ gì không?”
“Không.” Joanna nói đều giọng và đầy u ám. “Chúng ta cần báo cho thuyền trưởng.”
Mời các bạn mượn đọc sách Sáu Đợt Thức Tỉnh của tác giả Mur Lafferty & Nguyễn Thành Long (dịch).