Cuốn sách “Sức mạnh của sự trầm lắng” của tiến sĩ Jennifer Kahnweiler là một nguồn tài liệu quý giá dành cho những người hướng nội, giúp họ nhận ra và phát huy sức mạnh của bản thân để tạo ra sự ảnh hưởng tích cực trong xã hội. Bằng cách phân tích sáu thế mạnh cơ bản của người hướng nội và cung cấp các ví dụ cụ thể cùng với các bước hành động, tác giả tạo ra một hướng dẫn chi tiết và thực tế.
Mỗi thế mạnh được tác giả phân tích đều được minh họa bằng những ví dụ và phân tích sâu sắc, giúp người đọc hiểu rõ về cách sử dụng chúng để tạo ra ảnh hưởng tích cực. Đồng thời, tác giả cũng nhấn mạnh về việc không lạm dụng các thế mạnh, giúp người đọc nhận ra rằng mọi sức mạnh đều cần được sử dụng một cách cân nhắc và đúng đắn.
Không chỉ dừng lại ở việc phân tích và hướng dẫn, cuốn sách còn chia sẻ những câu chuyện thực tế về những người hướng nội thành công, giúp tạo động lực và khích lệ người đọc. Điều này giúp làm cho nội dung của sách trở nên sống động và gần gũi hơn với người đọc, đồng thời khuyến khích họ áp dụng những bài học trong cuộc sống hàng ngày.
Cuối cùng, việc cung cấp “Bài kiểm tra Chỉ số ảnh hưởng thầm lặng” giúp người đọc tự đánh giá và theo dõi sự tiến triển của bản thân trong việc áp dụng những nguyên tắc và kỹ năng được hướng dẫn trong sách.
Đọc cuốn sách các bạn sẽ hiểu được các nội dung
Chương 1: Đừng cố bắt chước người hướng ngoại
Chương 2: Sáu thế mạnh của Người Ảnh hưởng Hướng nội
Chương 3: Chỉ số ảnh hưởng thầm lặng (QIQ)
Chương 4: Thế mạnh #1: Dành thời gian để tĩnh lắng
Chương 5: Thế mạnh #2: Chuẩn bị
Chương 6: Thế mạnh #3: Lắng nghe thấu đáo
Chương 7: Thế mạnh #4: Trao đổi có trọng tâm
Chương 8: Thế mạnh #5: Viết lách
Chương 9: Thế mạnh #6: Sử dụng mạng xã hội một cách cẩn trọng
Chương 10: Tạo ra sự khác biệt theo cách của người hướng nội
Với thông điệp rõ ràng và ý nghĩa sâu sắc, “Sức mạnh của sự trầm lắng” không chỉ là một cuốn sách hữu ích cho người hướng nội mà còn là một nguồn cảm hứng và hiểu biết quý báu cho mọi người muốn hiểu rõ hơn về sức mạnh của sự im lặng và những người có xu hướng hướng nội trong xã hội ngày nay. Mời các bạn đón đọc cuốn sách Sức Mạnh Của Sự Trầm Lắng của tác giả Jennifer B Kahnweiler
—
Lời tựa
“Trong các buổi đánh giá năng lực định kỳ ở công ty, tôi đều được khuyên nên nói lên tiếng nói của mình nhiều hơn và bớt nhốt mình trong văn phòng đóng kín cửa. Cấp trên của tôi luôn nói rằng tôi cần thể hiện nhiệt huyết nhiều hơn nữa để tăng khả năng thuyết phục khi trình bày các ý tưởng của mình. Các đồng nghiệp thì chia sẻ rằng tôi cần thể hiện ‘tinh thần làm việc nhóm’ nhiều hơn và đừng chỉ là một ‘cái máy báo cáo’. Tin tôi đi, tôi đã cố làm theo lời khuyên của họ. Nhưng dường như việc cố gắng phát triển các kỹ năng đó chỉ càng khiến tôi cư xử không giống mình chút nào. Tôi cảm thấy làm như vậy, tôi sẽ ít có sức ảnh hưởng đến người khác hơn thay vì nhiều hơn như mọi người vẫn nghĩ. Làm thế nào để tôi có thể làm nên điều khác biệt mà vẫn là chính mình?”
Sari thở dài và nhún vai với vẻ vô cùng thất vọng khi đặt câu hỏi trên với tôi trong một buổi thảo luận ở công ty cô do tôi dẫn dắt. Tôi đã nhiều lần nhận được câu hỏi tương tự và lần nào tôi cũng có cảm giác buồn khi đưa ra câu trả lời. Thực tế là những người hướng nội thường liên tục được yêu cầu phải thích nghi với môi trường làm việc chủ yếu dành cho người hướng ngoại, một môi trường mà ở đó tinh thần hướng ra bên ngoài và sự thể hiện bản thân được đề cao. Văn hóa tổ chức ủng hộ những người nói về thành tích của bản thân, những người dành nhiều thời gian đi ra ngoài và mở rộng các mối quan hệ thay vì ngồi một mình trầm tư suy nghĩ, và những người luôn nỗ lực để mình là người đầu tiên trình bày ý tưởng hoặc lên tiếng và được người khác lắng nghe.
Nếu là người hướng nội, có lẽ bạn sẽ hiểu được cảm giác của Sari – hoang mang và mất tự tin khi bị đánh giá thấp. Tôi muốn bạn biết rằng bạn không phải là người duy nhất cảm thấy như vậy và chúng ta có giải pháp cho vấn đề này. Giải pháp này không chỉ tôn vinh giá trị của bạn mà còn giúp bạn phát huy hết khả năng để làm nên điều khác biệt một cách đột phá và tức thì ở nơi làm việc. Sức mạnh của sự trầm lắng mang đến cho bạn giải pháp để làm được điều đó và chỉ cho bạn thấy rằng giải pháp ấy luôn sẵn có ở ngay chính nơi bạn cảm thấy thoải mái nhất: ở sâu bên trong con người bạn.
Quyển sách này không nhằm chỉ dẫn người hướng nội phải thích nghi như thế nào trong thế giới chủ yếu dành cho những người hướng ngoại và quảng giao. Thay vào đó, nội dung sách xoay quanh việc chúng ta có thể học hỏi được gì từ những Người Ảnh hưởng Hướng nội1 ở xung quanh chúng ta. Họ là những người đang tạo ra sự khác biệt tương đương hoặc đôi khi lớn hơn so với các đồng nghiệp hướng ngoại của họ. Chỉ là họ tạo ra sự khác biệt theo một cách thầm lặng đến mức chỉ một số ít người nhận ra. Rất nhiều quyển sách viết về cách tạo ảnh hưởng đã không thuyết phục được độc giả vì quá đề cao cách thức của người hướng ngoại khi khuyên rằng để thu phục được người khác, chúng ta cần tự tán dương ý tưởng của bản thân, đưa ra những lập luận sắc bén, đồng thời mau chóng và quyết liệt thuyết phục người khác làm theo ý mình.
Qua nhiều năm làm việc với các đồng nghiệp thuộc kiểu người hướng nội và nghiên cứu quá trình một cá nhân tạo ra sức ảnh hưởng của mình, tôi ngày càng tin rằng người hướng nội có thể trở thành người có sức ảnh hưởng lớn lao, chỉ cần họ ngừng cố gắng bắt chước những người hướng ngoại mà thay vào đó, tận dụng và phát huy tối đa những ưu thế hướng nội bẩm sinh của mình.
Là người hướng nội, có lẽ bạn đã từng thử làm theo cách thức của người hướng ngoại, vậy bây giờ bạn hãy thử sống theo bản tính trầm lắng của người hướng nội xem sao. Bạn có thể trở thành người có sức ảnh hưởng lớn lao nếu bạn biết khai thác những thế mạnh tự nhiên của mình, và tôi sẽ hướng dẫn bạn cách làm điều đó trong phần tiếp sau đây của quyển sách. Bạn sẽ nhận ra được những ưu điểm của bản thân và học được cách nâng cao và phát huy những ưu điểm đó. Bạn sẽ hiểu biết sâu hơn về cách thức giúp những người hướng nội như bạn thành công trong việc tạo sức ảnh hưởng của bản thân. Nếu bạn sẵn sàng phát huy những thế mạnh bẩm sinh của mình thông qua việc thực hành có ý thức, bạn sẽ hoàn thiện được các kỹ năng cốt lõi, phát triển những cảm nhận hay nhận thức bậc cao và tăng cường sự tự tin để có thể tác động đến mọi kiểu người và mọi sự việc xảy ra. Kết quả là xác suất thành công của bạn trong việc tạo ra sức ảnh hưởng sẽ tăng cao đáng kể nhờ đi theo một cách tương tác khác thay vì một mực theo cách của người thuộc típ A2 kiểu phương Tây truyền thống.
Có thể bạn có xu hướng sống theo kiểu của người hướng ngoại nhiều hơn – tiếp nhận năng lượng từ người khác và thế giới bên ngoài. Tại sao bạn không thử sống theo kiểu trầm lắng của người hướng nội? Đọc hết quyển sách này, bạn sẽ hiểu sâu hơn về cách làm thế nào những người hướng nội thành công trong việc tạo ra sức ảnh hưởng của bản thân. Bạn sẽ nhận ra việc học hỏi từ những người hướng nội là cơ hội tốt để bạn khám phá ra làm thế nào để cân bằng lại cách thức gây ảnh hưởng (có phần khoa trương) hiện thời của mình. Nếu bạn sẵn sàng thử nghiệm với một khía cạnh khác của con người mình, bạn sẽ nâng cao tầm ảnh hưởng của bản thân và nhờ đó, bạn sẽ tạo được những tác động lớn hơn trong nhiều tình huống khác nhau. Bạn sẽ có khả năng gây chú ý đúng ở mức bạn mong muốn bởi vì bạn là người chủ động thử cái mới.
—-
Lời giới thiệu
Bạn có phải là nhân viên của một công ty? Hay bạn là thành viên của một tổ chức phi lợi nhuận đang phải cạnh tranh với các tổ chức khác để tìm kiếm nguồn tài trợ?
Bạn đang làm việc cho một cơ quan chính phủ và bạn thường xuyên làm việc với các nhà thầu?
Bạn là người đang khởi nghiệp hay là một người làm việc tự do đang cần bán sản phẩm hay dịch vụ nào đó?
Công việc chuyên môn của bạn thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật hay khoa học?
Hoặc có thể bạn đang hoạt động trong lĩnh vực bán hàng, marketing, quản lý dự án, giáo dục, y tế, pháp lý, nhân sự hay hành chính?
Có một sự thật là dù làm bất cứ công việc gì, chúng ta cũng cần phải có khả năng gây ảnh hưởng đến người khác. Dù ở Seoul hay Seattle, phương Đông hay phương Tây, môi trường làm việc đầy cạnh tranh ngày nay đòi hỏi bạn phải xử lý nhiều tình huống khác nhau và thuyết phục đủ loại người, không phải chỉ thi thoảng mà nhiều lần trong ngày. Mặc dù sự ảnh hưởng đôi khi cần thiết để giải quyết những vấn đề to lớn và nắm lấy những cơ hội lớn lao nhưng đôi khi cũng có nghĩa là tạo ra những thay đổi nhỏ từng bước một.
Những nhà nghiên cứu nổi tiếng như Jay Conger, tác giả của quyển The Necessary Art of Persuasion (tạm dịch: Nghệ thuật thuyết phục thiết yếu), đã khám phá ra rằng việc trình bày ý tưởng để thuyết phục người khác hợp tác hay ủng hộ là một quá trình, chứ không phải một hành động nhất thời. Tạo ra ảnh hưởng không phải là thúc ép mọi người nhìn nhận vấn đề theo quan điểm của bạn, mà là học hỏi từ người khác và cùng nhau thảo luận để đi đến một giải pháp chung. Cách tiếp cận này rất phù hợp với khí chất của người hướng nội vì nó đòi hỏi tính kiên nhẫn, sự bền bỉ cũng như khả năng lên kế hoạch. Nếu ai trong chúng ta cũng cho rằng cách duy nhất để công việc đạt kết quả là nói thật nhiều để gây chú ý và ra sức biến mình thành trung tâm, chúng ta sẽ mất cơ hội lắng nghe, học hỏi và phản hồi một cách thấu đáo.
Có lẽ xã hội của chúng ta đang bắt đầu nhận thức được điều này. Dù ở mức độ chậm, thậm chí một số người còn phản đối, nhưng những người hướng ngoại đang dần nhận ra rằng nếu chúng ta không lắng nghe ý kiến của những người hướng nội, nhiều khả năng chúng ta sẽ để lỡ mất tri thức và những đóng góp của hơn một nửa dân số thế giới. Sự ra đời của quyển sách được xuất bản gần đây nhất của tôi, The Introverted Leader: Building on Your Quiet Strength (tạm dịch: Người lãnh đạo hướng nội: Phát huy thế mạnh trầm tĩnh của bạn) vào năm 2009, quyển sách đầu tiên về người lãnh đạo hướng nội kéo theo một “cơn bão” sách, trong đó có quyển Quiet: The Power of Introverts in a World that Can’t Stop Talking (tạm dịch: Sự trầm tĩnh: Sức mạnh của người hướng nội trong một thế giới nói không ngừng) của Susan Cain cùng rất nhiều bài báo và bài viết trên mạng xã hội nói về những thế mạnh của người hướng nội. Tôi đã rất hài lòng khi theo dõi những cuộc bàn luận về chủ đề đó diễn ra khắp nơi.
Hơn thế, mặc dù người hướng ngoại sẽ không bao giờ hiểu được người hướng nội thật sự cảm thấy như thế nào, nhưng bản thân họ đã bắt đầu nhận ra những khác biệt giữa họ và những người hướng nội trên bình diện cá nhân. Họ đến gặp tôi để nhờ ký tặng trên quyển sách The Introverted Leader họ mua cho con trai, cho người bạn đời hay anh chị em của họ, những người mà họ chưa bao giờ thấu hiểu. Chúng ta hy vọng những kết nối cá nhân như thế này sẽ khơi nguồn cho sự thay đổi lớn hơn.
Tuy nhiên, động cơ mạnh mẽ nhất thúc đẩy xu hướng nhìn nhận lại Sức ảnh hưởng của người hướng nội có lẽ chính là những đóng góp hữu ích của xu hướng đúng đắn đó cho sự thành công trong môi trường làm việc không ngừng đổi mới hiện nay. Có bốn xu hướng cho thấy bây giờ chính là thời điểm để xác định lại giá trị của sức ảnh hưởng thầm lặng của người hướng nội:
1. Mô hình tổ chức phẳng3 mà phần lớn các doanh nghiệp ngày nay áp dụng với mạng lưới tương tác phức tạp giữa người bán, nhà cung cấp và khách hàng đồng nghĩa với việc bạn phải có khả năng thuyết phục để đảm bảo ý tưởng của mình được người khác lắng nghe, bất kể bạn có tính cách như thế nào hay chức vụ của bạn là gì. Đã qua rồi cái thời bạn có thể trông đợi cấp trên hay người phụ trách cao nhất làm việc đó thay bạn. Bạn phải thiết lập những mối quan hệ sống còn và tự mình truyền đạt những thông điệp then chốt.
2. Xu hướng vươn ra toàn cầu đòi hỏi bạn phải tìm ra nhiều cách thức khác nhau để tăng mức độ ảnh hưởng đến những nhóm đồng nghiệp và khách hàng ngày càng trở nên đa dạng. Ví dụ, cách tiếp cận từ tốn và ít khoa trương sẽ hiệu quả với các đồng nghiệp châu Á hơn thay vì tạo ấn tượng theo kiểu các đồng nghiệp phương Tây có tính cách hướng ngoại. Bạn có thể sử dụng những kỹ năng của Người Ảnh hưởng Hướng nội để tạo nên sự khác biệt khi tiếp xúc với những người đến từ các nền văn hóa đánh giá cao lối tiếp cận trầm tĩnh.
3. Thế giới ảo đang phát triển từng ngày và chưa bao giờ phổ biến đến thế. Trong xã hội hiện nay, bạn hầu như không thể tạo ảnh hưởng đến một số đông người trên một phạm vi rộng lớn mà không sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số một cách có chủ đích. Người hướng nội, đặc biệt là những người rất cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội, có thể sẽ là những người thành công ở sân chơi này. Mạng xã hội lôi cuốn họ vì ở đó họ có thể phát huy thế mạnh của mình và quản lý việc giao tiếp với mọi người tốt hơn. Vì đã dành thời gian tìm hiểu và học cách sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, bạn cũng như những Người Ảnh hưởng Hướng nội đã sẵn sàng để có thể ngay lập tức tạo ra những thay đổi cho tương lai nhanh hơn so với những người có tầm ảnh hưởng nhưng thờ ơ với các công nghệ này.
4. Sự cạnh tranh ngày càng tăng trong hoạt động kinh doanh và cơ hội việc làm đồng nghĩa với việc các công ty luôn tìm kiếm những nhà cung cấp và nhân viên có khả năng mang đến cho họ những phương cách mới mẻ và đột phá. Có một sự thật là cách thức quảng bá bản thân và thuyết phục theo kiểu khoa trương nhắm đến người hướng ngoại thật sự đã lỗi thời. Ngày nay, bạn sẽ nổi bật trong đám đông nếu bạn là người giỏi động viên người khác và tận tâm lắng nghe thay vì không ngừng huyên thuyên.
Bởi vì cách thức tạo ảnh hưởng thầm lặng vốn đã là cách hành xử tự nhiên của bạn nên những xu hướng trên càng tạo động lực thúc đẩy bạn nâng cao các kỹ năng cốt lõi. Thời của những người hướng nội như bạn đã đến. Tôi viết quyển sách này nhằm giúp bạn cùng hàng triệu người hướng nội khác nhận ra, phát triển và làm nổi bật những ưu thế tạo ảnh hưởng bẩm sinh của mình để thu hút sự chú ý. Những người hướng nội, trong đó có bạn, chiếm khoảng 50% dân số thế giới, và các bạn hoàn toàn có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho các tổ chức và cộng đồng trên toàn cầu. Tôi rất ủng hộ việc bạn cảm thấy tự hào khi có thể phát huy thành công những điểm mạnh của mình và tích cực trau dồi khả năng làm nên điều khác biệt mà không cần phải khoa trương.
Tôi tin rằng khi những xu hướng trên ngày càng phát triển rõ nét, thời thế sẽ đổi thay và những người hướng ngoại sẽ nhận ra mình cần học hỏi những thế mạnh tạo ảnh hưởng thầm lặng từ những người hướng nội mà họ gặp. Nhiều người hướng ngoại đã nhận ra rằng họ sẽ trở thành người có tầm ảnh hưởng hiệu quả, linh hoạt và thích ứng tốt hơn khi họ sẵn sàng học hỏi thêm nhiều phương thức gây ảnh hưởng khác vào “bộ kỹ năng tạo ảnh hưởng” của mình.
Tôi phải thú nhận điều này: tôi chính là một người hướng ngoại như thế. Tôi đã nhận ra mình cần phải học cách làm thế nào để làm nên điều khác biệt mà không cần quá ồn ào, khoa trương. Suốt một thời gian dài xây dựng sự nghiệp, tôi luôn có một niềm tin thiếu cơ sở rằng cách tiếp cận của người có tính cách loại A, vốn coi trọng khả năng hùng biện và việc thể hiện bản thân trước đám đông, sẽ giúp tôi đạt được nhiều thành tựu. Tôi là một diễn giả, chuyên gia huấn luyện cấp quản lý và là một tác giả viết sách. Công việc của tôi là gây ảnh hưởng để thuyết phục mọi người thử áp dụng những cách thức mới mẻ trong cuộc sống của họ. Dĩ nhiên, tôi từng nghĩ điều này đồng nghĩa với việc tôi luôn hoạt động bên ngoài và luôn sẵn sàng là trung tâm của sự chú ý. Tôi di chuyển rất nhanh, ứng biến linh hoạt và luôn nghĩ ra cách để thu hút sự chú ý của người khác. Khi sự nghiệp của tôi tiến triển tốt, tôi trở thành đại diện cho kiểu người New York quyết đoán và khá ồn ào, khoa trương.
Tuy vậy, ít ai biết từ nhỏ tôi vẫn thường lặng lẽ quan sát mọi người. Cha tôi, Alvin Boretz, là một nhà biên kịch phim điện ảnh và truyền hình, và những cuộc trò chuyện trong bữa tối của cả nhà thường xoay quanh chủ đề con người, động cơ và cách hành xử của họ. Vì công việc của cha tôi phụ thuộc vào khả năng tinh tế chọn lọc ra các sắc thái lời thoại cho kịch bản nên việc rút ra ý nghĩa từ nội dung các cuộc trò chuyện mà chúng tôi góp nhặt được trong cuộc sống hằng ngày là đề tài thú vị không dứt của cả gia đình. Hơi khác thường nhưng bốn người hướng ngoại chúng tôi thường ngồi yên lặng ở nhà hàng Cairo’s, một nhà hàng Ý địa phương, lắng nghe những cuộc trò chuyện ngẫu nhiên xung quanh mình. Trên đường về nhà, chúng tôi chia sẻ với nhau những nội dung câu chuyện mình nghe lỏm được từ các thực khách trong nhà hàng và bàn luận sôi nổi về cuộc sống cũng như các mối quan hệ của họ. Những người hướng nội nói rất ít nên chúng tôi được dịp tha hồ suy đoán về cuộc sống của họ. Những gia đình có tính cách trầm lặng, khép kín như thế, vì rất khác với chúng tôi nên đặc biệt hấp dẫn tôi. Tôi hay tự hỏi cuộc sống của họ đã diễn ra như thế nào.
Khi bắt đầu phát triển sự nghiệp của mình, tôi tiếp tục quan sát để tìm hiểu người hướng nội. Tôi vẫn giữ thói quen quan sát mọi người nhưng thường bị thu hút bởi người hướng nội, những người đôi khi gặp khó khăn khi nắm giữ vị trí quản lý, mặc dù họ vốn đã có sẵn mọi tiềm lực cần thiết để đảm nhận vị trí đó. Vì vậy, tôi đã viết quyển The Introverted Leader: Building on Your Quiet Strength như một quyển cẩm nang giúp những con người tài năng này đảm nhiệm tốt những trọng trách trong khi vẫn là chính mình.
Trong quá trình nghiên cứu để viết quyển sách và trải qua không biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi cho đến khi sách được xuất bản, tôi ngày càng bị cuốn hút vào những câu chuyện và trải nghiệm của người hướng nội. Càng trò chuyện, lắng nghe, tư vấn và viết về người hướng nội, tôi càng đánh giá cao khả năng nhận thức và hiểu biết của họ. Tôi nhận ra thứ ngôn ngữ trầm lắng của người hướng nội thật khác biệt với tính cách cởi mở bẩm sinh của tôi, và tôi nhận ra mình có thể học hỏi, tiếp thu những nét tính cách và cách hành xử của người hướng nội, phối hợp với tính cách bẩm sinh của mình để tạo ra sức ảnh hưởng lớn hơn. Chẳng hạn, thay vì đợi đến phút chót rồi mới hối hả đăng nhập để tham dự một cuộc họp trực tuyến, tôi sẽ ngồi vào bàn làm việc, mở sẵn máy tính và dành chút thời gian yên tĩnh trước cuộc họp để nhìn ra ngoài trời ngắm cỏ cây và nghĩ về mục tiêu của ngày hôm đó. Hoặc thay vì ngẫu hứng vào Facebook đăng một dòng trạng thái, tôi có thể nghĩ về những việc cần làm sắp tới. Hoặc khi đang trong giai đoạn gặp khó khăn với một mối quan hệ, tôi có thể viết ra suy nghĩ của mình để có sự nhìn nhận sáng suốt hơn về bản thân trong mối quan hệ đó.
Nhìn chung, tôi nhận ra bên trong tôi có một sự chuyển biến mạnh mẽ khi tôi đi sâu vào khám phá mặt tính cách ít nổi trội hơn của mình. Khi chọn khai thác nội lực của bản thân, tôi nhìn mọi việc thấu suốt hơn, vận dụng khả năng sáng tạo tốt hơn và trở nên cân bằng hơn. Nói theo cách của các nhà tâm lý học theo trường phái của Carl Jung4, tôi đang giải phóng một sức mạnh chứa đầy công lực bằng cách khai thác mặt tính khí ít nổi trội hơn của mình. Tôi chợt nhận ra mình đã chịu ảnh hưởng từ chính những người hướng nội mà lúc ban đầu tôi định gây ảnh hưởng đến họ.
Được truyền cảm hứng từ những Người Ảnh hưởng Hướng nội mà tôi đã có cơ hội gặp gỡ và chịu ảnh hưởng, tôi chuyển hướng mục tiêu đến việc tìm ra câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào những người hướng nội thành đạt này đã làm nên điều khác biệt. Cụ thể, họ thách thức nhằm thay đổi thực trạng như thế nào; họ kích thích những cách tư duy mới mẻ hay truyền cảm hứng để giúp người khác vươn lên ra sao? Họ tận dụng những sức mạnh nội tại nào để mang lại thay đổi? Họ từng bước làm thế nào để tác động lên người khác?
Trong quá trình tôi làm nghề, hàng ngàn người tôi đã tiếp xúc giúp tôi hiểu sâu thêm về trải nghiệm của người hướng nội và cho tôi những ý tưởng để tìm ra lời giải đáp cho các câu hỏi trên. Những buổi thảo luận trong lớp, những câu hỏi mọi người đặt ra cho tôi vào cuối mỗi buổi diễn thuyết cũng như những vấn đề nảy sinh trong các buổi huấn luyện của tôi đều giúp tôi củng cố thêm kiến thức và mở mang tầm nhìn. Trong vai trò một tác giả viết sách đồng thời là một nhà báo, tôi đã gặp rất nhiều người hướng nội. Tôi viết về họ, phỏng vấn họ cho các bài viết về chủ đề người hướng nội tại môi trường làm việc trên các ấn phẩm như tạp chí Forbes, Bloomberg Business Week và The Wall Street Journal. Thông qua những cuộc trò chuyện ngoài lề, các e-mail trao đổi qua lại với những người hướng nội và những bình luận của họ trên blog của tôi, tôi ngày càng hiểu biết sâu sắc hơn về cách trải nghiệm thế giới của người hướng nội và những phương thức họ dùng để khai thác các thế mạnh bẩm sinh của mình nhằm kết nối với mọi người một cách hữu hiệu.
Tôi cũng may mắn khi kết nối được với một cộng đồng những Người Ảnh hưởng Hướng nội. Đặc biệt, tôi đã hỏi các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực và tổ chức về cách thức tạo nên sức ảnh hưởng của họ. Thường thì họ gửi cho tôi câu trả lời qua e-mail. Sau đó, tôi gọi điện thoại cho họ thêm vài lần để phỏng vấn nhằm mở mang thêm hiểu biết. Với bản tính khiêm nhường, họ chia sẻ với tôi rất nhiều cách thức họ đã áp dụng để giúp nhiều cá nhân và tổ chức làm nên sự khác biệt. Là những người hướng nội coi trọng sự riêng tư, nhiều Người Ảnh hưởng Hướng nội yêu cầu tôi không dùng tên thật của họ. Vì lý do đó, tôi đã thay tên của một số người bằng một tên giả. Nhiều người khác đồng ý cho tôi sử dụng tên thật của họ trong sách.
Tôi cố gắng ghi lại một cách đầy đủ nhất những câu chuyện đã truyền cảm hứng cho tôi trên con đường tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi cốt lõi của mình: “Người hướng nội tạo ảnh hưởng bằng cách phát huy những thế mạnh trầm lắng bẩm sinh của mình như thế nào?”. Tiếp đó, tôi đúc kết các câu trả lời mình nhận được thành Sáu thế mạnh của người hướng nội được đưa vào từng chương trong sách. Với sáu thế mạnh này, tôi hy vọng bạn sẽ thu nhận được những hiểu biết theo cách độc đáo của riêng mình về việc làm thế nào để trở thành Người Ảnh hưởng Hướng nội như bạn mong muốn.