uốn sách “Tâm lý học tội phạm – Phác họa chân dung kẻ phạm tội” mở ra cánh cửa dẫn dắt người đọc bước vào thế giới bí ẩn của tâm lý tội phạm, nơi ẩn chứa những góc khuất đen tối nhất của con người. Dựa trên 36 vụ án có thật kinh điển trong hồ sơ FBI, tác phẩm mang đến cái nhìn toàn cảnh về chân dung tâm lý tội phạm, đồng thời giải mã câu hỏi: Làm thế nào phân tích được tâm lý và hành vi tội phạm, từ đó khôi phục sự thật thông qua các manh mối, từ hiện trường vụ án, thời gian, dấu tích,… để tìm ra kẻ sát nhân thực sự.
Đằng sau mỗi vụ án là những câu chuyện rợn tóc gáy về tội ác, hé lộ góc khuất xã hội và những màn đấu trí đầy gay cấn giữa điều tra viên và kẻ phạm tội. Từ những con quỷ ăn thịt người, những cô gái xinh đẹp nhưng xảo quyệt, đến cách trả thù đầy man rợ của các nhà khoa học, tất cả đều được khắc họa một cách chân thực và sống động.
Bằng giọng văn sắc bén và lôi cuốn, “Tâm lý học tội phạm – Phác họa chân dung kẻ phạm tội” dẫn dắt người đọc đi qua các cung bậc cảm xúc từ tò mò, ngạc nhiên đến sợ hãi, hoang mang tận cùng. Chúng ta sẽ lần tìm về quá khứ, từng bước gỡ những nút thắt chưa được giải, khám phá những bí ẩn ẩn sau mỗi vụ án.
Cuốn sách hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm đọc đầy hấp dẫn và ám ảnh, đồng thời mở rộng tầm nhìn về thế giới tội ác và những góc khuất tâm trí con người.
Mời các bạn đón đọc Tâm Lý Học Tội Phạm – Phác Họa Chân Dung Kẻ Phạm Tội của tác giả Diệp Hồng Vũ.
—-
LỜI NÓI ĐẦU
Một người đàn ông đang tận hưởng chuyến đi dạo của mình tại núi Wopsononock ở Altoona thì bỗng vấp phải vật lạ. Cúi đầu nhìn kỹ, anh ta hoảng hốt phát hiện vật ngáng đường mình lại là một xác chết. Quá sợ hãi, người đàn ông này lập tức báo cảnh sát.
Cảnh sát địa phương nhanh chóng có mặt tại hiện trường, kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy thi thể bị cắt xẻ nghiêm trọng. Phần thi thể bị nhân chứng va vào vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Người chết có dấu hiệu bị đánh, hai mắt bầm tím, xương cằm dưới đứt lìa. Tình trạng khuôn mặt nạn nhân chỉ có thể miêu tả bằng hai từ “thê thảm”.
Không chần chừ, cảnh sát vùng Altoona bắt tay vào điều tra án mạng, nhưng không thể tìm ra manh mối khiến vụ án rơi vào bế tắc. Để có thể nhanh chóng bắt được kẻ thủ ác1, họ đã cầu cứu FBI. Chuyên gia lập hồ sơ tội phạm của FBI, John Douglas đã tới trước để hỗ trợ.
Sau khi nghiên cứu tình tiết vụ án, ảnh chụp hiện trường và báo cáo pháp y, Douglas đã phác họa được hồ sơ tâm lý cơ bản của hung thủ bao gồm độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn và một số manh mối khác. Dựa theo những phán đoán của Douglas, cảnh sát địa phương đã tiến hành tìm kiếm và bắt giữ hai đối tượng tình nghi. Sau khi trải qua quá trình thẩm vấn nghiêm ngặt, quả thật một trong hai đối tượng chính là kẻ phạm tội.
Làm thế nào mà John Douglas có thể phân tích được tuổi tác và trình độ học vấn của hung thủ? Rốt cuộc thủ phạm là ai? Vì sao hắn lại xuống tay tàn nhẫn như vậy? Chắc hẳn đây là những thắc mắc mà ai cũng có. Thông qua cuốn sách này, chúng ta sẽ cùng đi tìm đáp án cho những câu hỏi trên.
Thực chất, phương pháp này của Douglas chính là phác họa hồ sơ tâm lý tội phạm, ngày nay được biết đến với cái tên “hồ sơ tội phạm” hoặc “nghiên cứu hành vi”. Tổ khoa học hành vi thuộc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI2) được thành lập vào năm 1972 là đơn vị đầu tiên áp dụng kỹ thuật phân tích tâm lý tội phạm này. Trong quá trình phá án, các điệp vụ của FBI đã tìm hiểu quy luật hành vi và quy luật tâm lý của tội phạm trong quá trình giao tiếp với hung thủ. Sau này, các mật vụ FBI đã đề xuất thành lập một dự án có tính chiến lược và hệ thống để nghiên cứu chủ đề tâm lý và hành vi tội phạm, qua đó có một cái nhìn sâu sắc hơn về bối cảnh trưởng thành, phân tích hiện trường vụ án và các đặc điểm của nạn nhân để nắm bắt được phần lớn nội tâm, hành động và quy luật sinh hoạt của kẻ phạm tội.
Trong quá trình nghiên cứu, FBI còn sử dụng nhiều dữ liệu từ các nhà chức trách, ví dụ như báo cáo điều tra của cảnh sát, biên bản thẩm vấn, lịch sử phạm tội,.. Những tài liệu này sẽ xác định phương hướng trinh sát, đồng thời thông qua hiện trường vụ án để phân tích hành vi, đoán biết đặc trưng tâm lý tội phạm. Tiếp theo đó, dựa vào những đặc điểm được suy đoán để xây dựng hình ảnh nghi phạm, bối cảnh gia đình và tính cách. Đây chính là “phác họa hồ sơ tâm lý tội phạm”. Về sau, kỹ thuật phác họa tâm lý dần dần được áp dụng vào nhiều vụ án khác nhau.
Phương pháp này được biết đến rộng rãi hơn nhờ phim điện ảnh nổi tiếng thế giới “Sự im lặng của bầy cừu3”. Đoàn làm phim đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ FBI và được phép thực hiện một số cảnh phim tại chính trung tâm huấn luyện của Tổ khoa học hành vi. Ngoài ra, một số nhân viên của FBI cũng tham gia đóng những vai nhỏ trong phim. Sau thành công của “Sự im lặng của bầy cừu”, nhiều khán giả đã hiểu nhầm cũng như thần thánh hóa khả năng phác họa tâm lý và phân tích hành vi, cho rằng điều đó có thể giúp phá án tuyệt đối.
Trên thực tế, tuy trực giác và kinh nghiệm rất quan trọng, nhưng mấu chốt vẫn là thu thập và đối chiếu số liệu. Một trong những thành viên sáng lập của Tổ khoa học hành vi John Douglas từng chia sẻ, trong quá trình điều tra, cảnh sát cần thẩm vấn tất cả những người có liên quan, đồng thời đi sâu vào tìm hiểu từng người, bởi như vậy mới có thể thu thập được thông tin tâm lý có giá trị.
Tám chương của cuốn sách sẽ sử dụng những vụ án có thật để dẫn người đọc theo bước các chuyên gia lập hồ sơ tội phạm, trả lời cho câu hỏi làm thế nào để phân tích được tâm lý và hành vi tội phạm, giúp chính quyền bắt được hung thủ. Ngoài ra, cuốn sách cũng giới thiệu cho độc giả quá trình phát triển, các kỹ năng và kiến thức lập hồ sơ tội phạm. Nhờ đó, độc giả sẽ có cái nhìn sâu sắc, rõ ràng hơn về bộ môn tâm lý tội phạm và trở thành những cao thủ phá án đích thực.
—
PHẦN 1: BÓNG MA TUỔI THƠ GIEO MẦM CÁI ÁC
Chương 1
Sát Thủ Uống Máu Người Richard Trenton Chase
Ngày 23 tháng 1 năm 1978, tại một thị trấn nhỏ ở vùng Sacramento, California, tài xế xe tải David Walling kết thúc công việc sớm để trở về với người vợ đang có bầu của mình. Về đến nhà, David không thấy vợ chờ mình ở cửa như thường lệ, anh cất tiếng gọi nhưng không có ai trả lời. Nhất thời, một dự cảm không lành dâng lên trong lòng David.
Sau khi tắt máy, David vội vào nhà tìm vợ. Trong phòng ngủ, cảnh tượng đập vào mắt khiến anh kinh hoàng: Người vợ đang mang thai nằm giữa một vũng máu, phần bụng bị rạch toang ra một cách tàn nhẫn.
Quá sợ hãi, David chạy ra khỏi nhà và cầu cứu hàng xóm, gọi điện báo cảnh sát. Sau khi có mặt, cảnh sát ngay lập tức tiến hành điều tra sơ bộ. Họ phát hiện ra quần áo và đồ đạc trên người nạn nhân đều bị lột sạch nhưng lại không tìm thấy vật tùy thân ở hiện trường. Trên người nạn nhân có nhiều vết đâm, nội tạng bị móc ra, cắt nhỏ. Cạnh thi thể có một lọ sữa chua rỗng, bên trong vẫn dính máu của người bị hại. Vì vậy, cảnh sát kết luận rằng hung thủ là một kẻ vô cùng tàn ác, hắn ta đã đổ máu của người chết vào lọ sữa chua rồi uống. Thêm vào đó, cơ thể nạn nhân còn mất vài bộ phận. Ngoài những điều trên, cảnh sát không thu được manh mối nào khác.
Sau vài lần điều tra, cảnh sát không tìm được động cơ gây án của hung thủ. Ngoại trừ quần áo mặc trên người nạn nhân, đồ đạc có giá trị trong nhà vẫn nguyên vẹn. Cuối cùng, chính quyền địa phương đành phải nhờ đến sự giúp đỡ của FBI. Sau khi tiếp nhận vụ án, đặc vụ FBI Lars Volpagle đã liên hệ với Robert K. Ressler, chuyên gia lập hồ sơ tội phạm được đào tạo đặc biệt của FBI.
Sau khi nắm được thông tin về cách gây án, thời gian, địa điểm và đặc điểm của người bị hại, Ressler đã có những phác họa đầu tiên về hung thủ như sau: Nam giới, người da trắng, độ tuổi trong khoảng từ 25 đến 27, dáng người cao gầy, nơi ở bẩn thỉu, lộn xộn. Nhiều khả năng có thể tìm thấy tang chứng tại nơi ở của kẻ giết người. Ngoài ra, hắn cũng có tiền sử bệnh thần kinh, thậm chí là nghiện ma túy, tính cách quái gở, lầm lì, không giỏi giao tiếp. Người này thường một thân một mình, không có công ăn việc làm, sống dựa vào trợ cấp xã hội. Đồng thời, hắn cũng chưa từng nhập ngũ, bỏ học khi đang học cấp ba hoặc đại học, có một hoặc nhiều bệnh hoang tưởng.
Với kinh nghiệm phá án dày dạn, Ressler có thể đoán được chủng tộc và độ tuổi của hung thủ là vì vụ án có tính chất xâm hại tình dục. Trong những vụ án tương tự, hung thủ thường là nam giới, tuổi từ 20 đến 30. Ngoài ra, có rất ít các vụ án xâm hại tình dục đa sắc tộc, thông thường chỉ có người da trắng tấn công người da trắng, người da đen tấn công người da đen. Thêm vào đó, nạn nhân sống trong khu vực của người da trắng, sự xuất hiện của một người da đen sẽ gây chú ý. Chính vì vậy, Ressler phán đoán rằng đây là án mạng cùng sắc tộc.
Dựa vào các thành quả nghiên cứu về tội phạm, Ressler phân kẻ phạm tội thành hai loại: Kiểu thứ nhất gây án có logic, tuân theo những thủ pháp cố định. Kiểu thứ hai là những kẻ hành sự không có tính logic về mặt tâm lý và hành vi. Ảnh chụp hiện trường và báo cáo suy luận cho thấy hung thủ thuộc loại thứ hai. Kẻ giết người trong vụ án bà Walling không có quy tắc và cũng không dọn dẹp những dấu vết dễ để lộ thân phận. Từ đó có thể đoán ra hung thủ có bệnh thần kinh nghiêm trọng.
Ngoài ra, những hành vi tàn ác của kẻ sát nhân đối với người bị hại cho thấy hắn đã chịu ảnh hưởng của bệnh tâm lý từ rất sớm. Kiến thức tâm lý học giúp Ressler suy đoán rằng hắn có thể mắc chứng hoang tưởng ảo giác. Hầu hết những giai đoạn đầu của chứng hoang tưởng ảo giác sẽ phát tác vào năm 19 tuổi. Vì loại bệnh tâm thần này có thời gian ủ bệnh khoảng mười năm nên Ressler nói rõ hơn độ tuổi của kẻ sát nhân có lẽ là từ 20 đến 30 tuổi.
Những người mắc căn bệnh tâm thần này thường không ăn uống cẩn thận, dinh dưỡng kém, vì vậy có thể đoán được ngoại hình của thủ phạm khá gầy, dong dỏng. Đồng thời, trạng thái tâm lý cũng thường biểu hiện ra bên ngoài. Nhìn chung, người mắc bệnh không chú ý giữ gìn vệ sinh, bộ dạng nhếch nhác nên cũng không được người khác yêu quý, sống độc thân. Từ những điều này, Ressler kết luận rằng nơi ở của hung thủ chắc chắn sẽ rất bừa bộn, bẩn thỉu.
Với những đặc điểm trên, mẫu người này cũng sẽ không được quân đội tuyển chọn, nhờ vậy mà Ressler có thể nói rằng hắn chưa từng nhập ngũ. Người mắc chứng hoang tưởng ảo giác thường có khả năng hoàn thành trung học phổ thông nhưng không thi đậu đại học. Vì vậy, những người này nếu có việc làm thì cũng sẽ là những công việc vặt vãnh hoặc bán thời gian. Tuy nhiên, vì tính cách quái dị, khả năng cao là họ cũng không làm được việc, chỉ có thể sống nhờ vào trợ cấp xã hội.
Bên cạnh việc tiến hành phân tích sơ bộ tâm lý tội phạm, Ressler còn đưa ra phán đoán ở những phương diện khác. Ví dụ như nếu hung thủ lái xe khi hành động, chắc chắn đó sẽ là một chiếc xe lụp xụp. Tuy nhiên, do kẻ sát nhân có tiền sử bệnh tâm thần, trạng thái tinh thần hỗn loạn nên không thể lái xe đến rồi lại lái xe về sau khi gây án. Vì lý do này, Ressler cho rằng thủ phạm là một người sống gần nhà người bị hại, hắn đã đi bộ đến và đi sau khi sát hại nạn nhân. Đồng thời, ông còn đưa ra giả thiết rằng kẻ phạm tội là một bệnh nhân được thả ra khỏi viện tâm thần khoảng một năm trước đó.
Trong thời gian Ressler chuẩn bị tham gia tiếp nhận vụ án, hung thủ tái xuất. Ngày 26 tháng 1, tại một ngôi nhà cách hiện trường vụ án khoảng 1 km, ba người bị bắn chết bằng súng lục 22 ly. Nạn nhân lần lượt là Evelyn Milos 36 tuổi, con trai cô Jason 6 tuổi và người bạn Daniel J. Merris 32 tuổi.
Cả ba người đều bị sát hại thê thảm, đặc biệt là Milos. Không những bị bắn, thi thể nạn nhân còn có nhiều vết dao, các cơ quan nội tạng bị moi ra, cắt nát. Trong phòng, nước bồn tắm bị máu nhuộm đỏ. Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện hung thủ còn uống huyết dịch của nạn nhân.
Sau đó, một nạn nhân nữa xuất hiện khi cháu trai 22 tháng tuổi của Milos cũng biến mất, nhiều khả năng đã bị hung thủ dùng xe ô tô du lịch của Merris bắt đi. Vì vậy, cảnh sát xem xét kỹ lưỡng các khu vực lân cận và tìm thấy chiếc xe bị bỏ lại ở một nơi không xa. Lần theo vết máu dính ở hiện trường, có thể đoán rằng đứa bé lành ít dữ nhiều.
Báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy nhà của người bị hại không mất đồ đạc. Nạn nhân Milos là bảo mẫu, tính tình hiền lành, thân thiện, không có kẻ thù. Khi nghe tin cô bị sát hại, hàng xóm láng giềng đều cảm thấy khó hiểu. Vì vậy, phía cảnh sát lại rơi vào bế tắc, không thể tìm ra động cơ gây án của thủ phạm.
Ressler nghe tin về vụ án bèn bổ sung thêm một số chi tiết trong hồ sơ phác thảo bao gồm sống một mình, nơi trú ẩn cách địa điểm vứt xe khoảng 800 – 1600m. Sau khi thảo luận cùng Lars Volpagle, Ressler cho rằng hung thủ còn có chứng ám ành cuồng tín, những thứ hắn lấy trộm không phải là đồ vật có giá trị mà là nữ trang. Trước khi phạm tội, hắn đã nhiều lần thực hiện hành vi trộm đồ nhằm thỏa mãn nỗi ám ảnh của mình, cội nguồn của căn bệnh này bắt nguồn từ trải nghiệm thời thơ ấu.
Dựa trên những manh mối về chân dung tội phạm do Ressler cung cấp, đặc vụ FBI Lars Volpagle đã phối hợp cùng cảnh sát địa phương lấy chiếc xe du lịch bị bỏ lại làm trung tâm, thu thập vết tích trong bán kính khoảng 800m. Trong quá trình tìm kiếm, một người dân địa phương đã cung cấp cho cảnh sát thông tin hết sức quan trọng: Vào ngày bà Walling bị sát hại, cô đã gặp lại bạn cùng trường cấp ba mười năm trước là Richard Trenton Chase. Nhưng khi trông thấy bộ dạng của Chase, cô đã trở nên sợ hãi vì ngoại hình gầy gò, hai mắt trũng sâu, đầu tóc rối bời và chiếc áo phông dính máu.
Lúc đó, cô đang ngồi trong xe hơi, Chase muốn trò chuyện nên đã nắm lấy cửa xe. Tuy nhiên, cô lập tức lái xe bỏ đi.
Thông tin mà người dân này cung cấp có nhiều điều trùng khớp với chân dung kẻ sát nhân của Resser, vì vậy đặc vụ FBI Lars Volpagel và cảnh sát địa phương quyết định tiến hành một cuộc điều tra sâu và theo dõi Richard Trenton Chase. Họ phát hiện ra rằng Chase sống cách khu vực chiếc xe bị bỏ lại chưa đầy một con phố. Thêm vào đó, cạnh nơi ở của anh ta có một chiếc ô tô cũ nát, chứa đầy báo cũ, chai rượu, chăn màn, v.v… Ngoài ra, họ cũng tìm thấy một con dao phay dài 30cm và một đội ủng dính máu trong xe.
Cảnh sát quyết định bắt giữ Richard Trenton Chase. Lường trước sát nhân là một kẻ độc ác, điên cuồng và sở hữu súng lục 22 ly, lực lượng chức năng dùng kế điệu hổ ly sơn để dụ hắn ra khỏi nơi trú ẩn. Một sĩ quan giả vờ làm người quản lý căn hộ để mượn điện thoại, trong khi đó, một người khác đi vòng qua cửa nhà Chase. Hắn ta nhanh chóng nhận ra điều bất thường, vội vàng cầm theo một chiếc vali, mở cửa và cố gắng tẩu thoát ra xe hơi của mình.
Ngay lập tức, cảnh sát ập tới khống chế Chase. Họ tìm thấy súng và chiếc ví của Merris trên người hắn ta. Ngoài ra, vali mà Chase mang theo cũng dính đầy máu.
Tại căn hộ của Chase, cảnh sát phát hiện phòng ở bừa bộn, quần áo vương vãi khắp nơi. Họ thu được manh mối gồm một số dây xích buộc động vật, ba máy xay lẫn máu và quần áo nhuốm máu. Tủ lạnh có lưu trữ bộ phận cơ thể người và nhiều bát đũa dính máu. Về sau, cảnh sát biết được rằng động cơ giết người của Chase là để uống máu người.
Sau khi Chase bị bắt, nhiều phương tiện truyền thông đã đi sâu vào tìm hiểu và đưa tin về đời tư của hắn. Lúc này, tuổi thơ bi thảm của kẻ giết người mới được làm rõ. Mẹ của Chase là bệnh nhân mắc chứng hoang tưởng điển hình, tính tình hung dữ, nóng nảy và thường xuyên cãi vã với chồng. Từ nhỏ, Chase đã mắc bệnh tâm thần, lớn lên không có bạn bè rồi dần dần sa ngã, hút cần sa và trở thành con nghiện. Hắn từng bị bắt vì tàng trữ cần sa. Sau khi sống một mình, Chase bắt đầu giết, cắt xác động vật và uống máu chúng. Hắn tin rằng đây là cách duy nhất có thể ngăn trái tim mình bị teo nhỏ.
Chase từng bị đưa vào viện tâm thần vì những hành vi kỳ lạ. Trong thời gian điều trị, hắn thường bắt chim trong rừng của bệnh viện và uống máu chúng, trên miệng luôn luôn có vết máu. Vì vậy, các bệnh nhân khác gọi hắn là ma cà rồng.
Một thời gian sau, Chase được phép xuất viện. Sau khi được thả tự do, bằng một cách nào đó hắn có được một khẩu súng lục và bắn chết vật nuôi nhà hàng xóm để uống máu. Dần dần, hắn trở nên tàn bạo hơn và bắt đầu giết người. May mắn thay, cảnh sát đã kịp thời ngăn chặn các vụ thảm sát đẫm máu của hắn.
Nhờ hồ sơ tâm lý tội phạm của chuyên gia tâm lý Robert K. Ressler đã phác họa chính xác hình ảnh về kẻ sát nhân, cảnh sát mới có thể tiến hành khám xét và bắt giữ nghi phạm. Ressler viết trong nhật ký rằng: “Chỉ phác họa thôi không thể tìm được hung thủ, chúng tôi vẫn phải dựa vào cảnh sát tuần tra để bắt kẻ thủ ác… Hồ sơ tâm lý tội phạm của tôi chỉ là một công cụ trong quá trình phá án. Trong trường hợp này, phác họa chân dung giúp thu hẹp phạm vi truy tìm kẻ sát nhân nguy hiểm.”
CHIA SẺ CỦA CHUYÊN GIA LẬP HỒ SƠ TỘI PHẠM
Trong quá trình điều tra, phác họa tâm lý tội phạm cần dựa vào những thông tin đã có về hành vi, đặc điểm tâm lý, động cơ gây án… của kẻ tình nghi để đi vào phân tích, từ đó dùng câu chữ để lột tả hình ảnh nhân vật, quy luật hành động của tội phạm. Điều này sẽ giúp cho việc phá án trở nên thuận lợi hơn.
Phác họa tâm lý tội phạm còn có các cách gọi khác như phác họa hiện trường phạm tội, phác họa hồ sơ tâm lý, phác họa hung thủ, phác họa hành vi… Bộ môn này có nguồn gốc từ FBI, trong những năm 70 của thế kỷ 20, FBI đã thành lập Tổ khoa học hành vi, xây dựng những kỹ năng lập hồ sơ tội phạm dựa trên việc phân tích hiện trường vụ án.
Lập hồ sơ tội phạm bao gồm bốn kỹ năng là điều tra hình sự, giám định pháp y, đánh giá tâm lý và nhân chủng học văn hóa. Thông thường, quy trình lập hồ sơ tội phạm bắt đầu từ việc bàn giao các thông tin về hiện trường vụ án, giám định pháp y, hành vi phạm tội và các chi tiết về người bị hại cho chuyên gia phác họa tâm lý. Sau đó, các chuyên gia sẽ tiến hành phân tích và gửi lại báo cáo về kẻ tình nghi.
Nhìn chung, phác họa tâm lý tội phạm được xây dựng trên nguyên tắc của tâm lý học tội phạm và nhiều kiến thức từ các ngành khoa học khác. Thông qua phân tích tâm lý và các dấu vết hoặc chi tiết mà tội phạm để lại tại hiện trường có thể tìm ra đặc điểm tâm lý của hung thủ. Sau đó, tiếp tục hình dung ra độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, học vấn và các thông tin khác như thói quen cá nhân, bối cảnh gia đình và các mối quan hệ.
Đặc điểm tâm lý gây án của kẻ thủ ác thường được hình thành dần dần từ những trải nghiệm xã hội và kinh nghiệm phạm tội trong thời gian dài. Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua những mối liên hệ mật thiết như môi trường sống, trình độ học vấn, công việc. Những điều này được xây dựng và củng cố trong quá trình sống thực tế và hình thành phong cách hành vi nhất định. Khi gây án, các đặc điểm tâm lý cá nhân của hung thủ sẽ lộ rõ qua sự vật khách quan, lưu lại đầu mối tâm lý. Vì vậy, thông qua việc phân tích tang chứng tại hiện trường, có thể suy ra manh mối và khắc họa tâm lý của kẻ gây án. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả phá án.
—
Chương 2
Xác Chết Không Nguyên Vẹn Ở Bãi Phế Liệu
Betty Jean Shade là một cô gái 22 tuổi vui tươi và lạc quan. Cô làm bảo mẫu trong thời gian rảnh và rất có trách nhiệm với công việc. Vì vậy mà Shade luôn được các bậc phụ huynh yêu quý.
Một tối nọ, Shade kết thúc công việc và trở về nhà như thường lệ. Tuy nhiên, tới tận đêm muộn của ngày hôm đó, gia đình Shade vẫn không thấy cô về nhà. Quá lo lắng, gia đình Shade đã gọi điện cho chỗ làm và bạn bè thân thiết của cô nhưng không một ai biết tung tích của cô gái trẻ. Rơi vào khủng hoảng, người thân của Shade lập tức báo cảnh sát.
Bốn ngày sau vụ mất tích của Betty Jean Shade, một người đàn ông đã vấp phải một xác chết trong lúc đang tản bộ tại địa phận núi Wopsononock ở Altoona. Hoảng sợ tới mức hồn vía lên mây, người đàn ông này đã vội vã gọi điện cho cảnh sát.
Bác sĩ pháp y Charles Burkey và cảnh sát sở tại tức tốc tập trung tại hiện trường vụ án. Điều tra sơ bộ cho thấy xác chết đã bị cắt xẻ nghiêm trọng, phần cơ thể mà nhân chứng va phải ở tình trạng khá nguyên vẹn. Mái tóc vàng của nạn nhân bị cắt và treo lên một thân cây gần đó. Người chết không những bị đánh đập tàn bạo, hai mắt sưng trũng, xương cằm dưới đứt lìa mà còn bị cưỡng hiếp. Vết thương chí mạng nhất nằm ở phần đầu, ngoài ra hai bầu ngực của nạn nhân cũng bị cắt bỏ.
Tình trạng của thi thể khiến bác sĩ pháp y với kinh nghiệm dày dạn như Charles Burkey cũng phải thốt lên: “Thật khủng khiếp.” Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện ra người chết chính là Betty Jean Shade đang mất tích.
Tuy nhiên, khi Charles Burkey khám nghiệm tử thi đã phát hiện ra trong dạ dày của nạn nhân vẫn còn thức ăn chưa tiêu hóa hết. Điều này cho thấy Shade đã bị giết hại không lâu ngay sau khi mất tích. Ngoài ra, thi thể của người bị hại ở trong trạng thái tốt, không có vết côn trùng đốt hoặc động vật cắn, chứng tỏ xác chưa bị vứt quá bốn ngày.
Cảnh sát địa phương đi vào ngõ cụt nên đã tìm đến FBI để xin giúp đỡ, điệp vụ FBI Reid tiếp nhận vụ án. Sau khi tìm hiểu, để nhanh chóng bắt được kẻ thủ ác, Reid đã gửi hồ sơ vụ án cho Jonh Douglas – chuyên gia tâm lý tội phạm của FBI để được giúp đỡ. Đồng thời, Reid cũng đích thân gọi điện cho Douglas để trình bày chi tiết vụ việc.
Sau khi nói chuyện với Reid và cẩn thận nghiên cứu tình tiết vụ án, Douglas đã nhập các thông tin về đặc điểm hiện trường và người bị hại vào kho dữ liệu hồ sơ tội phạm để tiến hành phác họa chân dung tâm lý. Ông đã hình dung về hung thủ như sau: Nam giới, da trắng, độ tuổi trong khoảng từ 17 đến 25, dáng người gầy nhưng rắn chắc, tính tình quái dị, thích đọc hoặc xem ấn phẩm khiêu dâm. Ngoài ra, hung thủ xuất thân từ một gia đình tan vỡ, chịu nhiều ảnh hưởng của người mẹ, được mẹ bao bọc, yêu chiều quá mức. Nhiều khả năng, mẹ của hung thủ đã gieo rắc vào đầu hắn ý nghĩ rằng ngoại trừ bà ta, tất cả những người phụ nữ khác đều là người xấu. Chính điều này khiến kẻ giết người không thể có mối quan hệ bình thường với phái nữ. Từ các vết thương trên người nạn nhân có thể nhìn thấy xu hướng này, khi tấn công, hung thủ đã nhanh chóng đánh ngất nạn nhân.
Dựa vào các vết thương trên mặt và cơ thể, Douglas phỏng đoán, hung thủ rất quen thuộc với nạn nhân. Vì quá tức giận nên hắn đã tìm cách hủy hoại gương mặt và thân thể, cắt ngực và tóc của người bị hại. Tìm hiểu về nạn nhân, Douglas biết được rằng khi còn sống, Shade rất chú ý tới mái tóc của mình, hàng ngày cô luôn chải đầu cẩn thận. Vì vậy, hành động cắt tóc mang ý nghĩa hạ nhục Shade, thể hiện rằng kẻ giết người hiểu rõ nạn nhân mới có thể thực hiện hành vi xúc phạm này.
Thêm vào đó, từ hiện trường vứt xác, Douglas suy đoán rằng kẻ giết người không có công việc tử tế, có thể làm những công việc liên quan đến bùn đất, chất bẩn. Thời gian Shade bị bắt cóc là buổi tối, cộng thêm dấu vết cho thấy thi thể bị di chuyển đến nơi khác càng khẳng định thời gian hoạt động chủ yếu của hung thủ là ban đêm. Hắn có thể đã đến nghĩa địa hoặc tham gia tang lễ. Trong ảo tưởng của hung thủ, hắn và nạn nhân có một mối quan hệ bình thường và bản thân hắn rất mực tin vào điều này. Vì vậy, nếu bắt được kẻ tình nghi và sử dụng máy phát hiện nói dối để thẩm vấn thì sẽ không có tác dụng.
Từ vị trí gặp nạn của Shade có thể suy ra nơi ở của hung thủ ở giữa nhà và nơi làm việc của nạn nhân.
Sau khi được cung cấp manh mối về hồ sơ tội phạm do Douglas xây dựng, Reid và cảnh sát sở tại đã xác nhận được hai đối tượng tình nghi: Charles Soult, bạn trai sống cùng nhà, tự xưng là vị hôn phu của Shade; còn lại là người đã phát hiện ra thi thể, anh ta từng là thợ cơ khí đường sắt nhưng nghỉ việc do gặp chấn thương.
Reid và cảnh sát dồn sự nghi ngờ vào người thợ cơ khí bởi có nhân chứng khác đã nhìn thấy anh ta lảng vảng quanh hiện trường vụ án. Thêm vào đó, lời khai của anh ta thiếu nhất quán, quần áo mặc trên người cũng không phù hợp để đi dạo. Ngày báo án, trời mưa nhưng anh ta lại không bị ướt. Khi nói chuyện với giới chức năng, người này trông rất căng thẳng, thể hiện rằng bản thân vô cùng sợ hãi, lo lắng mình sẽ bị cuốn vào vụ án này. Reid cho rằng đây là cách hắn phân tán sự tình nghi từ phía cảnh sát.
Theo điều tra của cảnh sát, người đàn ông này nghiện rượu và thuốc lá. Ngoài ra, anh ta cũng từng có tiền sử chống đối xã hội. Nhưng cả anh ta và vợ đều khai báo rằng vào thời điểm xảy ra vụ án (tối ngày Shade mất tích) cả hai đều ở nhà xem ti vi. Đây không phải là bằng chứng ngoại phạm thuyết phục, vì vậy, chuyên gia tâm lý tội phạm Douglas cho rằng người này sẽ thuê luật sư riêng và tỏ thái độ thiếu hợp tác.
Kết quả đúng là như vậy, khi cảnh sát muốn điều tra sâu hơn, anh ta đã mời luật sư và từ chối sử dụng máy phát hiện nói dối.
Tuy nhiên, trái ngược với suy đoán của Douglas, người đàn ông này đã kết hôn, sống cùng vợ và hai con. Điều này mâu thuẫn với cách gây án của hung thủ. Nếu kẻ giết người là một người đàn ông có vợ, hắn ta sẽ có xu hướng kéo dài thời gian cưỡng bức và hành hạ nạn nhân trước khi giết chết, đồng thời làm nhiều hành vi nhục mạ chứ không cắt xẻ xác chết. Ngoài ra, độ tuổi của người này cũng không phù hợp với phác họa ban đầu của Douglas do đã quá 30 tuổi.
Douglas cho rằng Charles Soult đáng nghi hơn bởi hắn rất giống với phác họa chân dung tội phạm ban đầu. Bố mẹ của Soult ly hôn từ khi hắn còn rất nhỏ, họ can dự nhiều vào cuộc sống của con cái nên tới tận năm 26 tuổi hắn vẫn rất vụng về và ngờ nghệch trong chuyện tình cảm với phái nữ. Thông tin bổ sung cho biết, Soult rất yêu Shade, mặc dù hai người đã đính hôn nhưng anh ta vẫn đồng ý để Shade đi gặp gỡ, đi chơi với những người đàn ông khác. Trong tang lễ của Shade, anh ta khóc rất dữ dội, chỉ thiếu điều chui vào quan tài để cùng đồng quy vu tận với người yêu. Mỗi lần nói chuyện với cảnh sát, Soult luôn tỏ ra vô cùng đau đớn.
Vào lúc Douglas chuyển sự nghi ngờ sang Soult, cảnh sát đã điều tra và phát hiện ra anh ta có một người anh trai tên là Michael, cả hai đều làm công nhân vận chuyển tại bãi rác. Chi tiết này khiến Douglas càng thêm khẳng định rằng Soult chính là hung thủ bởi hắn có thể tự do ra vào bãi phế liệu và có dụng cụ để di chuyển xác chết.
Tuy nhiên, Douglas vẫn cảm thấy băn khoăn. Thứ nhất là Soult không cao hơn Shade là bao, anh ta dường như cũng không đủ sức khỏe để khiêng cái xác. Thứ hai, khám nghiệm tử thi cho thấy trong người nạn nhân có tinh dịch của nam giới, cho thấy Shade đã bị cưỡng hiếp. Nhưng Soult lại không có khả năng thực hiện hành vi này. Do bị mẹ ruột kiểm soát trong thời gian dài, chức năng sinh lý của anh ta rất kém.