Cuốn sách “Tâm lý học tội phạm” là bộ sách gồm 2 tập, đi sâu vào phân tích những góc khuất tâm trí của con người, từ đó lý giải nguyên nhân và hành vi của những kẻ phạm tội.
Tác giả Stanton E. Samenow, với hơn 3 thập kỷ kinh nghiệm làm việc với tội phạm, đã đưa ra những lập luận đầy thuyết phục về bản chất của tội ác. Ông khẳng định rằng các yếu tố như nghèo đói, ly hôn hay bạo lực truyền thông không phải là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội. Thay vào đó, tư duy méo mó và suy nghĩ sai lệch chính là yếu tố then chốt tạo nên những kẻ tội phạm.
Ấn bản mới nhất của “Tâm lý học tội phạm” được cập nhật với những thông tin mới mẻ về các loại tội phạm hiện nay, từ bạo lực gia đình, lừa đảo mạng đến khủng bố chính trị.
Cuốn sách là một lời cảnh tỉnh cho xã hội về sự nguy hiểm của những kẻ phạm tội, đồng thời đề xuất những giải pháp hiệu quả để phòng chống và ngăn ngừa tội ác.
Mời các bạn đón đọc Tâm Lý Học Tội Phạm Tập 2 của tác giả Stanton E. Samenow.
—
MỞ ĐẦU
LOẠI BỎ RÀO CẢN VỚI HOẠT ĐỘNG NẮM BẮT TƯ DUY TỘI PHẠM
Mục đích chính của cuốn sách này là nhằm giúp bạn hiểu được tư duy tội phạm Chương “Cha mẹ không hề biến con cái thành tội phạm” giới thiệu các phương thức tư duy và chiến thuật của những cá nhân ngày càng vô trách nhiệm và thực hiện các hoạt động phạm tội trước khi đến tuổi vị thành niên. Các chương sau bộc lộ các phương thức tư duy ở người trưởng thành khi chúng trở thành thói quen và gây ra tổn thương lớn cho người khác. Nguy cơ phát triển “căn bệnh của sinh viên y khoa” luôn tồn tại, trong đó bạn bắt đầu nghĩ rằng, “Chồng tôi làm một số việc này. Con trai tôi cũng làm như vậy. Và tôi nghĩ một số điều này cũng áp dụng cho tôi”. Bạn có thể bắt đầu nhìn thấy tội phạm ở khắp mọi nơi.
Hãy nhớ rằng, hầu hết các mặt của tính cách luôn có sự chuyển biến không ngừng. Ví dụ như đối với sự lo lắng. Một người cảm thấy lo lắng khi dự đoán kết quả xét nghiệm y tế chẩn đoán là điều bình thường. Ở một khía cạnh khác, một người có thể không hoạt động bình thường vì lo lắng đến mức anh ta chỉ ở trong nhà và sợ đi ra ngoài. Chỉ cần cân nhắc việc đi đến cửa hàng tạp hóa cũng có thể gây ra một cơn hoảng loạn toàn diện.
Để hiểu được cấu tạo tinh thần của những cá nhân có tính cách tội phạm thì việc nắm được khái niệm về sự liên tục cũng là điều cần thiết. Nói dối là một trường hợp điển hình. Gần như tất cả chúng ta đều nói dối. Một đứa trẻ hai tuổi làm đổ ly sữa và chỉ vào con mèo để bảo con mèo là thủ phạm. Bạn của bạn hỏi bạn có thích kiểu tóc mới của cô ấy không và để tránh làm tổn thương cảm xúc của cô ấy, bạn tuyên bố nó tuyệt đẹp mặc dù bạn cho rằng nó không phù hợp với cô ấy. Quá mệt mỏi và muốn có một ngày nghỉ, bạn gọi điện đến nơi làm việc để xin nghỉ ốm mặc dù bạn không thực sự ốm.
Bạn đảm bảo với con mình rằng thuốc sẽ không có vị khó chịu để thuyết phục con uống thuốc mặc dù bạn biết nó rất đắng. Nhưng có một sự khác biệt đáng kể giữa một người nói dối vô hại để tránh xấu hổ hoặc làm tổn thương ai đó, và một người nói dối giống như một lối sống. Tội phạm nói dối để che giấu dấu vết (anh ta có rất nhiều thứ cần che giấu) và thoát khỏi sự bế tắc anh ta đã tạo ra cho chính bản thân. Anh ta nói dối nhằm bảo vệ quan điểm bản thân đặc biệt và mạnh mẽ, một sự tự nhận thức về bản thân được củng cố mỗi lần anh ta lừa dối người khác thành công. Trong các chương sau sẽ trình bày chi tiết hơn về hành vi nói dối kinh niên của tội phạm.
Hãy cân nhắc bỏ qua những cảm xúc của người khác. Đôi khi chúng ta gây ra đau khổ cho người khác khi quyết tâm theo đuổi những gì chúng ta mong muốn. Chúng ta có thể cắt ngang cuộc trò chuyện của ai đó hoặc vô tình coi thường tầm quan trọng trong thành tích gần đây của một người bằng lời phát biểu tùy tiện. Nhưng khi nhận ra những gì mình đã làm, chúng ta sẽ hối hận về những tổn hại đã gây ra. Ngược lại, tội phạm rất cương quyết. Khi theo đuổi một mục tiêu, chúng không để ý đến các tác động xung quanh từ hành vi của bản thân.
Chúng coi người khác như những con tốt có thể thao túng. Chúng có thể sử dụng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Một phạm nhân nghiêm túc đưa ra nhận xét với cán bộ quản chế của mình, “Sự đồng cảm này; vậy có gì trong đó là dành cho tôi?”
Khái niệm về sự liên tục cũng áp dụng cho sự tức giận. Một số người thường thể hiện sự vui vẻ và ít khi nổi nóng. Họ duy trì sự bình tĩnh ngay cả khi đối mặt với những thách thức và thất vọng to lớn. Ở một thái cực khác, tội phạm sẽ âm ỉ tức giận trong suốt cuộc đời mình. Khi mọi người không thực hiện được những kỳ vọng không thực tế của anh ta, anh ta sẽ phản ứng như thể toàn bộ sự tự nhận thức về bản thân đang bị đe dọa. Trong suốt cuộc đời, anh ta tức giận vì mọi người không làm theo những gì anh ta muốn và anh ta không thể kiểm soát họ.
Bộ môn tâm lý học và xã hội học từ lâu đã đưa ra quan điểm tội phạm về cơ bản giống như mọi người khác, nhưng trở nên gây hại cho người khác vì người đó bị tổn thương hoặc bị cản trở trong việc thực hiện nguyện vọng của mình. Một thiếu niên “rơi” nhầm vào một nhóm người và gia nhập một băng đảng nào đó vì anh ta chưa bao giờ có một cuộc sống gia đình tốt đẹp. Hoặc một kẻ buôn ma túy bắt đầu công việc này vì những kỹ năng của anh ta chỉ đủ để làm những công việc với mức lương tối thiểu. Do đó, cả hai đều bị coi là những người chịu tác động của những yếu tố bên ngoài mà họ không thể kiểm soát, bất chấp thực tế rằng, hầu hết thanh niên xuất thân từ các gia đình xảy ra lục đục lại không tham gia các băng nhóm, và việc thiếu giáo dục và kỹ năng làm việc của kẻ buôn ma túy là một sự thất bại mang tính cá nhân chứ không thuộc về xã hội. Trong nhiều phạm vi khác nhau, tội phạm được coi là nạn nhân chứ không phải thủ phạm.
Những người theo quan điểm này thậm chí còn khẳng định rằng theo một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều là “tội phạm” bởi vì chúng ta đều nói dối, ham muốn và khuất phục trước sự cám dỗ. Nhưng thật vô lý nếu đánh đồng lời nói dối nhỏ nhặt hiếm hoi của người có trách nhiệm với hàng tá những lời nói dối của tội phạm. Một điều cũng vô lý không kém là đánh đồng việc đứa trẻ ăn cắp một món đồ chơi nhỏ với việc kẻ phạm tội ăn cắp mọi thứ mà không được làm sáng tỏ. Việc cho rằng tội phạm muốn những gì mà người có trách nhiệm muốn, rằng anh ta cũng coi trọng những thứ mà người có trách nhiệm coi trọng là một điều sai lầm.
Cả hai đều có thể mong muốn sự giàu có, nhưng chỉ có một người làm việc kiên trì và trung thực để đạt được nó. Tội phạm tin rằng anh ta có quyền sở hữu nó bằng mọi cách, không quan tâm đến việc ai bị tổn thương và sau đó anh ta muốn sở hữu nhiều hơn nữa. Cả hai đều có thể mong muốn một cuộc sống gia đình, nhưng người có trách nhiệm biết cho đi và nhận lại, biết thể hiện sự chu đáo và quan tâm mà điều đó đòi hỏi. Trong khi đó, tội phạm thường nói lời đãi bôi trước những công việc nặng nhọc, sự liêm chính và trách nhiệm, nhưng hành động lại chứng tỏ điều ngược lại với những quan niệm này.
Khi thảo luận về các phương thức tư duy và chiến thuật của tội phạm, cần phải tránh phân chia mọi người thành thiện hay ác một cách đơn giản. Trong một cuộc phỏng vấn công khai đăng trên tạp chí Playboy số tháng 11 năm 1976, cựu Tổng thống Jimmy Carter đã tuyên bố: “Tôi cố gắng không phạm tội có chủ ý… Tôi đã ngoại tình tư tưởng nhiều lần”. Giống như Tổng thống Carter, chúng ta thường có suy nghĩ rằng, nếu hành động, điều đó sẽ gây tổn hại cho người khác hoặc chính chúng ta. Những suy nghĩ tội lỗi (thuật ngữ của Tổng thống Carter) sẽ lướt qua tâm trí, và chúng ta sẽ dễ dàng và nhanh chóng gạt chúng sang một bên. Chúng biến mất và không tái diễn nữa. Nhưng chúng ta có thể phải đấu tranh với những suy nghĩ khác bởi vì chúng lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, gần như chắc chắn là chúng ta không nuôi dưỡng những ý nghĩ phạm các tội nghiêm trọng như cướp của, gây hỏa hoạn, hiếp dâm hoặc giết người.
Tội phạm thường phản ứng với những thất bại và nỗi thất vọng hàng ngày theo những cách khác hẳn với những người bình thường. Một người lái xe ô tô cắt ngang qua đầu xe chúng tôi trên đường cao tốc. Hầu hết mọi người đều bỏ qua và tiếp tục hành trình của mình. Tuy nhiên, người có tư duy tội phạm có thể truy đuổi người lái xe vi phạm, biến mâu thuẫn đó trở thành cơn thịnh nộ dữ dội trên đường. Khi bị nhân viên trong cửa hàng đối xử thô lỗ, hầu hết mọi người chỉ đơn giản là phớt lờ hành vi xấu đó. Tuy nhiên, người có tư duy tội phạm có thể lao vào lăng mạ tục tĩu và thậm chí đánh người. Để đối phó với bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống, chúng ta cần suy nghĩ và đưa ra những lựa chọn quan trọng về việc cần phải làm với những suy nghĩ đó. Người chịu trách nhiệm sẽ nghĩ đến hậu quả và lương tâm của mình. Do đó, anh ta làm những gì mà Tổng thống Carter đã nói – anh ta cố gắng “không phạm tội có chủ ý”.
Nếu ai đó tin vào số liệu thống kê thì gần một nửa số cuộc hôn nhân ở Mỹ rơi vào bế tắc, dẫn đến ly thân và ly hôn. Có nhiều cách phản hồi khác nhau về vấn đề hôn nhân. Nếu một người ngoại tình, những người khác ngoài vợ hoặc chồng và con cái của người đó có thể bị gài bẫy, bao gồm cả đại gia đình, hàng xóm, đồng nghiệp và bạn bè. Nói dối và sống cuộc sống hai mặt là nét đặc trưng của sự không chung thủy cũng có mức độ tương tự với hành vi của tội phạm. Tuy nhiên, trong các khía cạnh khác của cuộc sống, người có hành vi ngoại tình có thể là người trung thực, thấu cảm và có trách nhiệm.
Bạn có thể tranh luận rằng, hoạt động tội phạm chỉ mang tính chất tương đối. Những gì cấu thành tội phạm ngày hôm nay có thể không cấu thành nên tội phạm vào ngày mai nếu luật thay đổi. Trường hợp này xảy ra khi Lệnh cấm được bãi bỏ. Một số hành vi có thể gây tổn hại nghiêm trọng nhưng không phạm pháp. Có những cá nhân bị coi là “tội phạm,” theo cách sử dụng thuật ngữ này của tôi, bất kể luật pháp gì. Hãy xem lời tuyên bố của một kẻ hiếp dâm: “Nếu hiện nay hiếp dâm được hợp pháp hóa, tôi sẽ không hiếp dâm. Nhưng tôi sẽ làm một cái gì đó khác đi”. Đối với người này và những người khác như anh ta, làm bất cứ điều gì bị cấm là chìa khóa thể hiện hình ảnh bản thân.
Ngoài ra còn có “tội phạm không thể bắt giữ” và có thể bạn sẽ biết một số người. Đây là những người cực kỳ tự cao tự đại, luôn luôn nói dối, phản bội lòng tin, xây dựng bản thân bằng cách vùi dập người khác, cố gắng kiểm soát người khác, phớt lờ các nghĩa vụ cá nhân và tài chính và đổ lỗi cho người khác vì những hành vi sai trái. Họ có thể không thực hiện các hành vi có thể bị bắt (hoặc đủ khôn khéo để không bị bắt) nhưng lại rất nhẫn tâm phá hoại gia đình, đồng nghiệp và bất kỳ ai khác họ thường xuyên liên hệ.
Khi bạn thâm nhập vào tâm trí của tội phạm, cần phải nhớ rằng, các phương thức tư duy và chiến thuật được mô tả tồn tại ở một mức độ nào đó. Trong quá trình thực hiện phỏng vấn tội phạm suốt 44 năm, tôi đã gặp hàng trăm trường hợp có thể chọn ra khi viết cuốn sách này. Tôi muốn chọn những người cả nam và nữ ở mức độ cao nhất của việc liên tục phạm tội làm ví dụ. Khi bạn hiểu được biểu hiện cực đoan của một hình thức, bạn sẽ dễ dàng nhận ra khi nó ở trạng thái ít cực đoan hơn.
Nếu một người đàn ông, phụ nữ hoặc trẻ em thể hiện sự cực đoan ở mọi đặc điểm mà tôi mô tả – tự cao tự đại, kiểm soát, không trung thực, VÔ trách nhiệm và nhẫn tâm – thì tổng thể sẽ ở mức độ lớn hơn so với từng khía cạnh gộp lại. Kết quả là một người có cái nhìn hoàn toàn khác về bản thân[1] và thế giới so với một người sống có trách nhiệm. Nói cách khác, cá nhân đó có tính cách tội phạm.
—
10
TỘI PHẠM KHỦNG BỐ
Thông thường, chúng ta nghĩ về những kẻ khủng bố là những kẻ kích nổ các thiết bị nổ ở những khu vực công cộng, cho nổ máy bay, đe dọa những người có đức tin trái ngược với đức tin của chúng hoặc tham gia vào cuộc diệt chủng chống lại một nhóm dân tộc. Không giống như nhiều kẻ phạm tội bạo lực khác, những kẻ khủng bố biện minh cho hành vi tàn phá của chúng bằng những tuyên bố rằng chúng đang ủng hộ một mục đích hoặc niềm tin tôn giáo.
Trải qua nhiều thập kỷ phỏng vấn và tư vấn cho những người thực hiện nhiều hành vi tội phạm khác nhau, tôi bắt đầu ghi nhận những điểm tương đồng giữa những cá nhân như vậy và những nguyên thủ quốc gia từng thực hiện hành vi tàn bạo đối với công dân của họ. Vốn quen thuộc với lối suy nghĩ và hành vi của những người có tính cách tội phạm, tôi quan sát thấy những đặc điểm dường như là những hình mẫu song song bên trong những kẻ tham gia chủ nghĩa khủng bố chính trị và quốc tế. Không ai biết được thời điểm, vị trí hay cách thức mà những kẻ vẫn luôn xuất hiện trước công chúng này thực hiện một vụ tấn công. Chúng thể hiện tư duy tội phạm mà tôi đã mô tả trong cuốn sách này. Mặc dù không tiếp xúc trực tiếp với những người này, tuy nhiên tôi có lý do để phỏng đoán rằng các đặc điểm tính cách tội phạm có thể áp dụng cho rất nhiều kẻ phạm tội trong số này.
Bộ luật Hoa Kỳ xác định khủng bố trong nước và quốc tế đều thực hiện các hành vi “nhằm đe dọa hoặc cưỡng bức dân thường”.1 Tội phạm hoạt động như những kẻ “khủng bố” cho dù chúng nhắm vào một người, một gia đình, một cộng đồng hay cả một quốc gia. Một kẻ hiếp dâm, một kẻ cướp ô tô, một kẻ đột phá và một tay súng bắn tỉa đều thực hiện hành vi khủng bố.
Thủ phạm thực hiện các hành vi bạo lực gia đình là những kẻ khủng bố. Cuộc hôn nhân của Colin và Judy minh họa cho các hành vi bạo lực của một người bạn đời khiến người kia luôn phải nghe theo và cảm thấy bất ổn với những nỗi sợ hãi, đe dọa, lạm dụng tâm lý và bạo lực thể chất. Judy và Colin từng bị sở dịch vụ xã hội của quần chú ý vì một trong những đứa con của họ nói với giáo viên rằng nó cảm thấy sợ hãi khi cha mẹ đánh nhau. Mối quan hệ hôn nhân nảy sinh mâu thuẫn đến mức tòa án đã tạm thời đưa con trai của cặp vợ chồng ra khỏi nhà và giao cho ông bà nội nuôi dưỡng.
Colin từng có tiền án bao gồm giả mạo séc, trộm cắp tài sản, trộm xe và nhiều lần lái xe bằng giấy phép bị đình chỉ. Anh ta buộc Judy ký séc khi biết tài khoản ngân hàng của họ không còn đủ tiền để chi tiêu.
Judy nói với người tư vấn rằng cô đã đánh mất một phần bản thân, rằng cô không còn tự tin và là người thất bại trong hôn nhân. Bất cứ khi nào Judy cố gắng thảo luận bất cứ điều gì với Colin, anh ta đều đáp lại theo cách khiến cô ấy cảm thấy “như thể tôi không biết gì cả”. Cho rằng việc chống lại anh ta là vô ích, cô nhượng bộ bất cứ điều gì anh ta yêu cầu. Tình dục trở thành một vấn đề trọng tâm, trong đó người chồng của cô luôn muốn thực hiện việc đó theo yêu cầu, đánh dấu vào lịch những ngày họ quan hệ tình dục, sau đó ghi lại đánh giá về khả năng tình dục của cô. Colin còn làm nhục vợ khi đề nghị trả tiền cho cô ấy sau mỗi lần quan hệ. Một đêm, Colin bước ra ngoài và hét lên, “Tôi sẽ chỉ phải mua dâm thôi”.
Ngày qua ngày, Colin khiến Judy dần suy sụp. Khi họ đi bộ trên phố, anh ta đánh đập cô vì đi quá chậm. Colin chỉ trích những gì Judy mặc, trở nên tức giận khi cô cắt tóc và chỉ trích cay độc nếu cô không xức nước hoa. Ngay cả khi Judy mải mê đọc sách, Colin vẫn phì phèo: “Cô thích cuốn sách hơn cả thích tôi à”, và đòi hỏi cô ấy phải luôn chú ý đến anh ta. Nếu bữa tối chưa sẵn sàng chính xác theo những gì Colin mong muốn, anh ta sẽ thông báo cho cô chính xác số phút cô phải dọn bữa ăn lên bàn. Judy nhớ lại một lần anh ta la hét và ném đồ đạc về phía cô: “Tôi đã khóc trong phòng ngủ. Anh ta nói với tôi, “Nếu cô còn nói một từ nào nữa thì tôi sẽ đập vào mặt cô đấy”.
Judy quản lý tài chính của gia đình, nhưng điều đó không ngăn được Colin xâm phạm tài khoản chung của họ để tiêu xài vào bất cứ thứ gì anh ta nghĩ đến. Cô và Colin không có bạn bè thân thiết và cô không được phép giao du với ai ngoài công việc. Công việc của Judy là một khía cạnh trong sự tồn tại của cô mà không nằm trong sự kiểm soát của người chồng. Colin phàn nàn rằng Judy coi trọng công việc hơn tất cả mọi thứ và cư xử quá quan trọng hóa bản thân. Đối với Judy, công việc là một cứu cánh vì cô có người để trò chuyện và được đánh giá cao và năng lực của cô.
Những cuộc cãi cọ của cặp đôi này ngày càng liên quan nhiều hơn về mặt thể xác. Trong một cuộc cãi vã, Colin đã ném một chùm chìa khóa và đánh vào cổ cô. Khi Judy thông báo sẽ bỏ đi và đi về phía xe rồi lái đi, Colin đã đuổi theo bằng xe của anh ta và đâm vào đuôi xe của cô. Sau đó, anh ta tháo các sợi dây dưới mui xe và cảnh báo nếu cô ấy cố gắng rời đi lần nữa, anh ta sẽ lấy một khẩu súng và “cho cô nằm dưới 2m đất”. Trong một lần khác, khi cô ấy sợ hãi chạy vào phòng tắm, anh ta đã phá cửa. “Anh ta tóm lấy tôi và dùng móng tay cào cấu tôi, rồi khiến tôi bị thâm đen một bên mắt”. Judy vô cùng sợ hãi khi khai báo những vết thương cô đã phải gánh chịu.
Judy bày tỏ với người tư vấn của mình, “Có một điều tôi muốn làm là đứng lên chống lại anh ta và cho anh ta biết cảm giác của tôi”. Nhưng cô ấy vẫn tiếp tục sống cùng Colin vì một số lý do. Dù Judy có thu nhập riêng, tuy nhiên hai người đã phát sinh nợ chung và cô ấy không thể tưởng tượng được làm thế nào để tồn tại độc lập về mặt tài chính. Cô chắc chắn Colin sẽ đeo bám nếu cô rời đi. Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi giữ Judy trong cuộc hôn nhân này là sự bất an của chính cô. Cô ấy nói với cố vấn của mình, “Tôi mong đợi quá nhiều từ anh ta”, và chỉ trích bản thân là một quản gia yếu kém và không ham muốn tình dục. Thực hiện lời thề trong hôn nhân một cách cực kỳ nghiêm túc, Judy hy vọng rằng cô và Colin sẽ hàn gắn những khác biệt và giành lại quyền nuôi con. Một điều nữa cũng khiến cô tiếp tục là những khoảng thời gian họ hòa thuận với nhau, khi đó Colin âu yếm, tặng quà và đưa cô ấy đi ăn tối.
Judy đã tham gia một nhóm do tòa án bảo trợ dành cho các nạn nhân bạo lực gia đình. Tình cảm suy sụp, cô ấy liên tục mệt mỏi, đau đầu và lo lắng. Cuối cùng, cô quyết định rời đi và xây dựng một kế hoạch. Điều kiện dần trở nên thuận lợi. Cô ấy được tăng lương. Các con được bình an vô sự, cô có xe hơi, được mục sự hỗ trợ và có nơi để đi. Cô đóng gói đồ đạc, lái xe đến nhà của một người bạn và thu xếp sẵn sàng để di chuyển gần một nghìn dặm, nơi cô đã có gia đình và triển vọng công việc tốt hơn. Các dịch vụ xã hội đã khôi phục quyền giám hộ những đứa trẻ cho cô ấy vì chúng sẽ được sống trong một môi trường an toàn hơn.
Judy đã kết hôn với một kẻ khủng bố trong gia đình. Những kẻ khủng bố hoạt động trên các đấu trường khác nhau. Dưới vỏ bọc vì một sự nghiệp nào đó, một người có thể che giấu tính cách tội phạm tiềm ẩn của bản thân. Tôi nhớ vào những năm 1960, khi phỏng vấn một sinh viên đại học bỏ học tham gia các cuộc tuần hành vì quyền công dân ở Alabama. Khi anh ta trở về, chúng tôi đã nói về những sự kiện trong chuyến đi của anh ta. Với sự phấn khích tột độ, anh ta mô tả các chiến thuật tàn bạo của cảnh sát, những con chó lao vào người biểu tình, vòi rồng phun vào người biểu tình. Tôi không hề nghe được một lời nào về công bằng xã hội và bình đẳng chủng tộc và chính những nguyên nhân bề ngoài đã thúc đẩy anh ta thực hiện chuyến đi về phía nam. Anh ta không phải là một kẻ khủng bố, nhưng anh ta là một kẻ dối trá, một tên trộm và một kẻ sử dụng ma túy. Các sinh viên trong cộng đồng đại học phải chú ý bảo vệ chiếc xe đạp của mình vì anh ta có thể lấy trộm chúng nếu không được khóa an toàn. Mặc dù anh ta tán thành những lời hùng biện về quyền công dân, nhưng điều quan tâm đối với anh ta là được tham gia vào một khung cảnh phấn khích, sau đó trở lại như một nhân vật quan trọng để gây ấn tượng với người khác bằng những câu chuyện của bản thân.
Khả năng cao là hầu hết những kẻ khủng bố đều có tâm trí tội phạm. Có lẽ một số người có động cơ trong sáng và chân thành để theo đuổi sự nghiệpcủa họ. Nó không phải là một bước nhảy vọt lớn đối với một người hiểu được cấu tạo tinh thần của bọn tội phạm để ngoại suy tính cách của những kẻ để tiện và bạo ngược. Khi chúng hành động nhân danh chính nghĩa, những cá nhân tàn nhẫn này sẽ khủng bố và tàn sát kẻ thù.
Hầu hết những người đàn ông trở thành kẻ độc tài tàn nhẫn đều là tội phạm từ rất lâu trước khi đạt được vị trí quyền lực tuyệt đối. Trong cuốn sách kinh điển The Psychopathic God (tạm dịch: Thánh tâm thần), Robert G. L. Waite đã dành ra hơn 500 trang phân tích về Adolf Hitler.2 Những quan sát của ông cung cấp bằng chứng cho thấy, từ thời thơ ấu, Adolf Hitler đã thể hiện những kiểu suy nghĩ và hành vi phổ biến đối với tội phạm. Waite lưu ý rằng những cơn giận dữ là “phương tiện được Adolf bé nhỏ sử dụng để khiến người mẹ già cả của mình phải tuân theo các yêu cầu của ông ta”. Đến năm 11 tuổi, Hitler “không còn là cậu học trò ngoan ngoãn của những năm trước nữa”. Thay vào đó, cậu ta là người “thích tranh luận, tự cho mình là chính kiến, cố ý, kiêu ngạo và nóng tính”. Hitler khi trẻ tuổi “yêu cầu các học sinh phải phục tùng, tự cho mình là người lãnh đạo”. Theo tác giả Waite, năm thứ 12 của Hitler “đóng vai trò quan trọng một cách bất thường trong sự phát triển cá nhân của ông ta”. Cậu bé từng là học sinh ngôi sao của các ngôi trường bắt đầu thất bại, đứa trẻ bề ngoài tự mãn, hiếu động với những trò chơi mạnh mẽ trong khu phố đã trở thành một đứa trẻ tuổi vị thành niên đầy ngang ngược, thu mình, nói chuyện với cây cối trên những ngọn đồi hiu quạnh, ca ngợi gió, đánh nhau với cha mẹ, biếm họa giáo viên và căm ghét thế giới”. Thành tích học tập của Hitler sa sút đến mức ông ta phải rời khỏi ngôi trường này và nhập học ở trường khác, sau đó bỏ học trước khi tốt nghiệp. Ở tuổi 16, Hitler mua một tờ vé số, bản thân điều đó không có gì là lạ, tuy nhiên Waite viết, “Điều gây ấn tượng ở Hitler khi trẻ tuổi là niềm tin tuyệt đối rằng mình sẽ trúng số”. Ông ta lên kế hoạch chi tiêu số tiền đó. Khi không trúng số, ông ta rơi vào “cơn thịnh nộ mù quáng”. Hitler vừa đa cảm vừa tàn bạo đối với động vật. Một nghị định năm 1936 cho thấy “sự quan tâm đặc biệt đối với nỗi đau của tôm hùm và cua” và quy định cách thức giúp chúng có cái chết nhân đạo” nhất. Tuy nhiên, Hitler đã “[hành hạ] một cách dã man với con chó của mình”, đánh con chó “như một kẻ điên”. Vào thời điểm quan tâm đến tôm hùm, Hitler được cho là đã nhận xét với một cộng sự, “Liệu tôi có ý định tiêu diệt toàn bộ loài này không nhỉ? Tất nhiên tôi có ý định đó… Tính tàn nhẫn và bạo lực… Mọi người muốn điều đó. Họ cần trải qua cảm giác kinh hoàng để phải rùng mình phục tùng”. Phần còn lại của câu chuyện khét tiếng về Adolf Hitler là về một tên tội phạm đã tích lũy sức mạnh để khủng bố, tra tấn và tàn sát hàng triệu người.
Những kẻ khủng bố hiện đại cho thấy mô hình tương tự ở chỗ, giống như Hitler, chúng là tội phạm trước khi nắm được những động cơ mà chúng lợi dụng để nắm giữ quyền lực. Mỹ treo thưởng 25 triệu đô la để đổi lấy mạng sống của Abu Musab al-Zarqawi, chiến binh thánh chiến khét tiếng. Viết trên tờ The Atlantic về “cuộc đời ngắn ngủi, đầy bạo lực” của mình, Mary Anne Weaver mô tả al-Zarqawi là tội phạm trước khi hắn thực hiện bất kỳ mục đích nào.3 “Khi còn là thiếu niên, al-Zarqawi đã từng là một kẻ luôn đi bắt nạt và côn đồ, một kẻ buôn lậu và nghiện rượu nặng… Hắn quậy phá, thường xuyên tham gia vào các cuộc ẩu đả… Mười lăm tuổi, hắn đã tham gia vào một vụ cướp tại nhà của một người họ hàng và giết chết người họ hàng đó”. Năm 1994, ở tuổi 28, al-Zarqawi bị kết án 15 năm tù vì sở hữu vũ khí trái phép và tham gia một tổ chức bị cấm ở Jordan. Theo lời kể của bà Weaver, al-Zarqawi “phát triển mạnh mẽ” trong thời gian bị giam giữ. “Hắn nghiêm khắc, cứng rắn và không ngừng làm bất cứ điều gì được coi là vi phạm các quy tắc của bản thân, nhưng hắn thường được bắt gặp đang khóc trong sân nhà tù khi đọc kinh Koran”. Al-Zargawi được cho là đã “đi qua khu nhà tù như một con công” và “cuộc sống trong tù có tổ chức như một thủ lĩnh băng đảng”. Sau khi được trả tự do, hắn thành lập các trại để huấn luyện các chiến binh và bị Hoa Kỳ truy lùng vì chủ mưu các vụ đánh bom, phi vụ liều chết và các vụ hành quyết. Dường như al-Zarqawi muốn tạo ra tình trạng lộn xộn và tàn sát hơn là thúc đẩy một tôn giáo hoặc hệ tư tưởng cụ thể. Gọi anh ta là “chiến binh siêu sao”, tạp chí Time chỉ ra,“Theo quan điểm của hắn ta, việc tàn sát những người Ả Rập theo các hình thức khác nhau của Hồi giáo cũng quan trọng như giết người phương Tây”.4 Vào ngày 7 tháng 6 năm 2006, al-Zarqawi cuối cùng đã bị các lực lượng của Hoa Kỳ tiêu diệt.
Nhiều nhà quan sát tuyên bố rằng, những thủ phạm khủng bố hành động nhân danh một cuộc thánh chiến được tôn giáo của họ chấp nhận đã làm sai lệch chính những giáo lý của tôn giáo đó.
Các nhà bình luận như Stanley Bedlington viết trên tờ Washington Post rằng trùm khủng bố Osama bin Laden đã “làm ô uế tôn giáo của chính mình” và sẵn sàng vi phạm “các điều cấm nghiêm ngặt của kinh Koran”.5 Và, nhiều năm trước, một cây bút của tạp chí Time đã chỉ ra, “Trong mắt hầu hết các học giả tôn giáo, cuộc thánh chiến [của bin Laden] tuyên bố chống lại Hoa Kỳ chưa bao giờ là một cuộc thánh chiến; đó là một sự lừa đảo trắng trợn”.6
Trong đánh giá về Osama bin Laden, giáo sư tâm lý học Aubrey Immelman nhận thấy, thủ lĩnh của al-Qaeda không phù hợp với hồ sơ của một người chính thống tôn giáo có lương tâm, có tư tưởng khép kín, cũng như không phải của một người tử đạo tôn giáo”. Trích dẫn “sự pha trộn giữa các mẫu tính cách tự ái và chống đối xã hội” của bin Laden, bà mô tả hắn là “người thành thạo trong việc khai thác chủ nghĩa chính thống Hội giáo để phục vụ cho tham vọng và ước mơ vinh quang của bản thân”.7
Cuối năm 2013, Cộng hòa Trung Phi đứng trước bờ vực diệt chủng. Các nhóm vũ trang Hồi giáo từ phía Bắc, được gọi là Séléka (“liên minh”) đã giết hại, cưỡng hiếp và cướp bóc tại các cộng đồng người Thiên Chúa giáo sinh sống. Tờ Washington Post đưa tin, “một cuộc xung đột liên quan đến mục đích diệt chủng và quyền lực hơn là tôn giáo” diễn biến theo chiều hướng tồi tệ hơn khi lực lượng dân quân Thiên Chúa giáo bắt đầu tấn công các cộng đồng người Hồi giáo, “cắt cổ phụ nữ và trẻ em và có thời điểm thông báo rằng họ muốn tiêu diệt tất cả người Hồi giáo”.8 Theo Aljazeera, có 400 người đã bị giết trong ba ngày xảy ra các hoạt động bạo lực?9
Những kẻ khủng bố có thể tham gia vào mọi hoạt động, bao gồm bảo vệ môi trường, quyền động vật, bảo tồn lịch sử hoặc bất kỳ phong trào chính trị nào. Sau đó, chúng biện minh cho hành vi phạm tội bằng cách viện dẫn mục đích cao cả của hành vi đó.
Hãy xem xét trường hợp của Paul Jennings Hill, người gốc Florida, một nhà hoạt động chống phá thai, đã tốt nghiệp chủng viện và được phong chức mục sư. Vào ngày 30 tháng 7 năm 1994, Hill tiếp cận The Ladies Center ở Pensacola, Florida, một phòng khám phá thai mà anh ta biết rất rõ. Ở đó, anh ta nhắm đến Tiến sĩ John Britton, một bác sĩ phòng khám; và cận vệ của ông, một trung tá Không quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu. Hill bắn chết cả hai người và nhanh chóng bị bắt. Anh ta bị kết án tội giết người và bị hành quyết bằng cách tiêm thuốc độc tại nhà tù bang Florida vào ngày 3 tháng 9 năm 2003. Có hàng nghìn công dân phản đối việc phá thai và một số người phản đối kịch liệt. Tuy nhiên, phải cần đến một kiểu người nhất định quá khích đến mức anh ta có thể giết người nhân danh chính nghĩa.
Theo các báo cáo, ở tuổi vị thành niên, Paul Hill “có xu hướng nổi loạn và thậm chí bạo lực”. Anh ta bị bắt vì hành hung cha mình, người đã cố gắng bắt anh ta điều trị vì lạm dụng cần sa và LSD. Một người hàng xóm cách anh ta hai nhà chia sẻ trên tờ Washington Post, “Tôi luôn cảm thấy anh ta không quan tâm đến hậu quả của những việc mình đã làm”. 10 Người này nhớ lại, khi 13 tuổi, Hill đã cạy miệng con chó của mình và khạc nhổ vào cổ họng nó. Paul Hill là một người theo chính thể chuyên chế “không khoan nhượng với màu xám”. Anh ta được miêu tả là đang chuyển mình từ một đứa trẻ ngỗ nghịch đang nỗ lực trở thành “một tín đồ Thiên Chúa gương mẫu”. Tuy nhiên, trích lời một mục sư trên Pensacola Neos Journal, Paul Hill “đã gặp vấn đề với tất cả giới mục sư bởi vì anh ta dễ có những cảm xúc thái quá và không thể sống với những người bất đồng quan điểm”.11Kẻ giết người này, được báo chí gọi là “kẻ khủng bố trong nước”, đã không hề ăn năn cho đến giây phút cuối cùng.
Mọi sự chú ý đều dồn vào trọng tâm vào cách thức khiến mọi người trở nên “cực đoan hóa” hoặc bị thuyết phục tham gia vào một hoạt động cụ thể, đặc biệt sau khi “chủ nghĩa khủng bố nội tại” diễn ra. Những tội phạm đang tìm kiếm cảm giác phấn khích đã sẵn sàng gia nhập. Gần như không cần phải thuyết phục hay đào tạo đối với những đối tượng này. Tờ Washington Jeavish Week gọi Internet là “thư viện ảo dành cho chủ nghĩa khủng bố, ở đó chúng kích động sự bất mãn của kẻ khác.12 Internet là nơi cung cấp hệ tư tưởng và thực hiện công tác tuyên truyền. Nó là một công cụ rẻ tiền được các nhóm khủng bố sử dụng để tuyển mộ thành viên, gây quỹ và đặt mua các trang thiết bị. Nghị sĩ Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nhận xét, “các trang web thù địch trên mạng” đem đến “sự cuồng dại đến phấn khích” cũng như “những hướng dẫn chi tiết”.13
Tội phạm không cần phải tham gia trại huấn luyện ở Afghanistan để có thể học cách chế tạo bom. Trên thực tế, những kẻ đánh bom cuộc thi Marathon ở Boston đã chế tạo bom dựa trên một bài báo của al Qaeda có tựa đề “Cách chế tạo bom từ trong căn bếp của mẹ bạn”. Giáo sư về thông tin quản lý Marie Wright lưu ý, cả Internet và môi trường mở của các trường cao đẳng và đại học ở Hoa Kỳ đều “cung cấp các diễn đàn để trình bày các thông điệp cấp tiến” thu hút một số người trẻ tuổi nhất định. Theo quan sát của bà, “Các cá nhân có xu hướng tìm kiếm những người có cùng tư tưởng”.14 Quan điểm này càng được củng cố thêm trong một báo cáo của Cơ quan Tình báo Trung ương, “Nhiều nhóm khủng bố dựa vào hoạt động tuyển mộ tù nhân để nâng cấp hàng ngũ của chúng. Các tù nhân chiêu mộ trực tiếp những bạn tù đồng thời phát hiện và đánh giá những người khác để tuyển mộ sau khi họ được thả”.15
Al-Shabaab, nhóm khủng bố nhận trách nhiệm về vụ thảm sát vào tháng 9 năm 2013 tại trung tâm mua sắm ở Kenya, đang cố gắng thu hút những người đàn ông Mỹ gia nhập hàng ngũ của chúng. Sau đó, Al-Shabaab nhấn mạnh ba trong số các chiến binh thánh chiến đến từ Minnesota.