Cuốn sách “Tàn Lửa” không phải là một tiểu thuyết trinh thám, và không có những plot twist bất ngờ ở phút chót. Tuy nhiên, đó là một tiểu thuyết tâm lý xuất sắc, nặng đô và nghẹt thở từng trang. Cuốn sách miêu tả cuộc sống gia đình Isao, một gia đình “kiểu mẫu” Nhật Bản, nhưng dưới bề ngoài hoàn hảo là những mảng tối và mâu thuẫn.
Isao, người chồng dành hầu hết thời gian ở nhà nhưng không thể nào thể hiện tình cảm với vợ và con. Hiroe, vợ của Isao, phải chịu đựng sự đày đọa từ mẹ chồng và chị chồng, đến mức cô gần như kiệt sức. Sau khi mẹ chồng qua đời, tình hình không dễ dàng hơn khi Yukimi, con dâu, cũng phải đối mặt với sự đối xử không công bằng từ gia đình chồng.
Những nhân vật nam trong cuốn sách, như Isao và con trai của ông ta, gây ra cảm giác ghét bỏ từ độc giả với tính cách thiếu nhân văn và tự ái. Cuộc sống của hai người phụ nữ trong gia đình này, Hiroe và Yukimi, được mô tả một cách rất đau lòng và đáng thương.
Cuốn sách gồm 24 chương, giúp người đọc trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, nội dung chính bao gồm:
1 PHÁN QUYẾT
2 GẶP LẠI
3 NGƯỜI HÀNG XÓM
4 ÁNH NHÌN
5 DI CHÚC
6 LAO LỰC
7 TRỢ LỰC
8 KHÔNG VỀ
9 KHẢ NGHI
10 MỘ CHÍ
11 RẠN NỨT
12 LOẠI TRỪ
13 ẢO ẢNH
14 THAM CHIẾN
15 ĐỐI ĐẦU
16 CHỨNG CỨ GIẢ
17 BẢN TÍNH
18 TẤN CÔNG
19 CỐP XE
20 NGĂN CHẶN
21 BIỆT THỰ
22 TIỂU XẢO
23 DỊ THƯỜNG
24 PHÁN QUYẾT
Mặc dù không phải là một tiểu thuyết trinh thám, “Tàn Lửa” vẫn là một tác phẩm đầy cảm xúc và sâu sắc, đem lại những suy tư sâu xa về cuộc sống gia đình và tâm lý con người. Dù có một số tình tiết khiến cho đọc giả cảm thấy hơi kì cục, nhưng những nhân vật phức tạp và tình huống đầy rẫy xung đột vẫn khiến cho cuốn sách trở nên đáng đọc. Mời các bạn đón đọc cuốn sách Tàn Lửa của tác giả Shizukui Shusuke
******
Tàn lửa mở đầu bằng phiên tòa xét xử bị cáo Takeuchi Shingo – người đàn ông bị cho là hung thủ đã sát hại ba mạng người. Tuy nhiên, Takeuchi đã được phán “vô tội” bởi vị thẩm phán Kajima Isao. Vài năm sau đó, Takeuchi lần nữa gặp lại vị ân nhân xưa xưa của mình – ông Isao – giờ đây chỉ là một cựu thẩm phán. Trùng hợp thay, Takeuchi lại trở thành hàng xóm mới cạnh nhà ông Isao, và liên tục giúp đỡ gia đình Kajima; liệu những việc làm đó chỉ đơn giản là ơn nghĩa? Hay còn một ý đồ nào đó?
So với quyển 希望之罪 (Hy vọng mong manh) thì mình thích cách tác giả đặt góc nhìn nhân vật ở quyển này hơn. Mình vốn nghĩ câu chuyện sẽ xoay quanh ông Isao là chủ yếu, nhưng không! Shusuke Shizukui đã đặt góc nhìn nằm ở hai người phụ nữ trong gia đình Kajima – vợ của ông Isao, bà Hiroe, và cô con dâu, Yukimi. Ở hai người phụ nữ này họ đều có những vấn đề trong gia đình khiến họ mệt mỏi, kiềm nén; bản thân mình càng đọc những vấn đề của hai người phụ nữ này càng khiến mình ngột ngạt vì khó chịu, đặc biệt là bà Hiroe khiến mình liên tưởng đến mẹ của mình – người chỉ biết quan tâm tới gia đình và rốt cuộc bà chẳng nhận được gì.
Ông Isao và cậu con trai Toshiro – hai người đàn ông vốn dĩ là trụ cột trong gia đình, nhưng vốn dĩ họ chẳng làm được gì ngoài sự vô tâm.
Bằng những vấn đề trong gia đình Kajima, Takeuchi đã có thể tìm kẽ hở – giúp đỡ và đối tốt với họ mà chẳng nề hà điều gì. Sau đó liên tiếp các sự việc kỳ lạ luôn xảy ra với gia đình Kajima.
Điều mà mình thấy bất kỳ ai cũng nói tới, đó là sự biến thái bên trong con người của Takeuchi. Ban đầu mình vốn đã có sự thương cảm cho nhân vật này, bởi chính cách Takeuchi thể hiện thái độ, lẫn cách tác giả đặt vấn đề khiến mình tự hỏi “Pháp luật có công bằng không?”; Nhưng rốt cuộc tất cả chỉ là một cuộc chơi được sắp đặt, và mình rất thích cách tác giả xây dựng con người của Takeuchi.
Nếu bạn mong đợi một tác phẩm Trinh thám có điều tra, có thủ tục pháp lý này nọ thì Tàn lửa không dành cho bạn. Thay vào đó, Tàn lửa thể hiện được sự hồi hộp qua việc mô tả tâm lý nhân vật, lẫn tình tiết. Đặc biệt là tâm lý của hai người phụ nữ được miêu tả rất chi tiết, sự mệt mỏi và kiềm nén của bà Hiroe, sự lo lắng và sợ hãi của cô con dâu Yukimi. Mình luôn hồi hộp vì không biết điều gì sẽ xảy ra với gia đình Kajima, diễn biến xung quanh họ cũng khó mà đoán được đâu là thật, đâu là giả. Diễn biến của những phần cuối truyện thực sự kịch tính. Đặc biệt là tâm lý của ông Isao được khắc họa rất ổn, thậm chí mình còn tức vì hành động chậm chạp của ông Isao ở cuối. Một tác phẩm để lại sự nuối tiếc, tức giận lẫn ám ảnh.
****
Trong Tàn lửa, ta có thể thấy được không khí ngột ngạt, nguy hiểm luôn đe dọa, rình rập dù không có nhiều tình huống thay đổi đột ngột gây căng thẳng – sự căng thẳng, nguy hiểm cứ dần dần trườn đến, phủ lên những thành viên trong gia đình của thẩm phán Isao.
Bên cạnh đó là cuộc sống thường nhật của 1 gia đình “tứ đại đồng đường” – nơi mà chỉ bằng những đoạn mô tả không quá dài cũng đủ để vẽ nên bức tranh tâm lý của từng thành viên trong gia đình đó – những bức bối, mâu thuẫn trong mối quan hệ mẹ chồng con dâu, chị chồng với em dâu, mẹ với con, vợ với chồng..v..v..cũng như bức tranh về cơ cấu 1 gia đình Nhật, với nếp nghĩ và những nét văn hóa ứng xử của người Nhật. Ngoài phạm vi gia đình ra thì còn là mối quan hệ giữa những người hàng xóm, giữa những bà mẹ có con nhỏ như nhau, giữa người thẩm phán và nghi phạm từng được vị thẩm phán đó tuyên vô tội, và còn ti tỉ những mối quan hệ râu ria khác nữa. Và dù trên phạm vi nào, bình diện nào thì việc miêu tả tâm lý của Shizukui Shusuke cũng đều vô cùng tỉ mỉ, sắc sảo và chân thật, khiến cho độc giả dù đến từ 1 quốc gia khác, 1 nền văn hóa khác cũng có thể thấu hiểu để mà cảm thấy hoang mang, lo sợ.
Từ những tâm lý do tác động của các mối quan hệ đến những suy nghĩ tự thân của nhân vật, từ những tâm tư cố định đến sự biến chuyển từ từ của tâm lý – tất cả đều vô cùng uyển chuyển và hợp lý, rất đáng khâm phục tác giả về khả năng này của ông! (thực ra tôi muốn nói thêm về những chi tiết khiến tôi khâm phục khả năng khắc họa tâm lý của tác giả, nhưng sợ sẽ spoil mất – với lại dù sao cũng là cảm nhận cá nhân nên nếu nói nhiều quá sợ các bạn ko cùng cảm nhận lại nghĩ mình seeding)
Vì tôi đánh giá cao truyện này ở yếu tố tâm lý, nên yếu tố trinh thám tôi không quá quan trọng, và cũng thấy không quá lắt léo, phức tạp, khó đoán. Tất nhiên, vẫn có những đoạn lập luận lật kèo nho nhỏ có thể khiến độc giả lung lay quan điểm, và quan trọng là khỏi lăn tăn xem liệu có đúng mình đang đọc 1 tiểu thuyết trinh thám hay không? :D. Tuy nhiên thì đoạn kết làm hơi nhanh khiến cho cá nhân tôi chưa thực sự cảm thấy thỏa mãn, và đó có lẽ là điểm trừ duy nhất của Tàn lửa đối với tôi.
Kết luận lại thì đây là 1 tiểu thuyết tâm lý tội phạm, tâm lý xã hội xuất sắc và đủ để khiến độc giả háo hức, mong chờ rằng những tác phẩm khác của tác giả sớm được đưa về Việt Nam – dù cho có đủ để cướp hết chỗ đứng của Keigo hay không….
Chấm điểm: 9/10
********
Tàn lửa có cốt truyện không quá phức tạp: Gia đình cựu thẩm phán Kajima Isao bỗng chốc đảo lộn trước sự xuất hiện của người hàng xóm mới. Đó là Takeuchi Shingo, bị cáo của một vụ sát hại ba người trong một gia đình từng được Isao tuyên vô tội. Liệu rằng một con người cư xử lịch thiệp và tinh tế như Takeuchi có dính líu đến những sự kiện kỳ lạ xảy đến với gia đình ông Isao hay không?
Câu trả lời sẽ dần được gợi mở cho đến cuối tác phẩm. Đối với những người đọc nhanh nhạy, có lẽ sẽ không quá khó để tìm ra đáp án. Nhưng có điều gì lại khiến Shizukui Shusuke tự tin với một Tàn lửa không chạy theo mô típ giật gân, đấu trí, hay những pha phá án căng thẳng nghẹt thở để níu chân người đọc? Có lẽ, chính là việc định hình ra một thủ phạm mà người ta không dám nghĩ đến, một kẻ mà người ta e sợ nếu gặp chính gã người đời thực, một câu chuyện mà bản thân ai cũng sẽ lạnh gáy khi chính chúng ta quá dễ dàng để bước vào nó.
Nói về trải nghiệm khi đọc Tàn lửa, đó là những lần nâng lên đặt xuống cuốn sách liên tục. Không phải không muốn tiếp tục mà là không thể tiếp tục, rồi nhận ra không thể không tiếp tục đọc. Những bức bối, ngột ngạt, những kêu gào tâm tưởng đầy tuyệt vọng muốn gửi đến nhân vật trong câu chuyện khiến người đọc có cảm giác như đang chứng kiến mười mươi kẻ săn mồi đang trườn bò đến tấn công con thú non ngơ ngác, nhưng tất cả những gì mình có thể làm chỉ là trân trân đứng nhìn, dù có gào thét thì bức vách vô hình ngăn cách cũng sẽ dội ngược lại những nỗ lực của chúng ta. Hay ngắn gọn hơn, đó là sự bất lực cùng cực.
Ở Tàn lửa, không có những câu văn quá mức hoa mỹ, cách viết và phát triển nội dung đều có nhịp điệu từ tốn và chậm rãi, dễ dàng thấm nhuần vào người đọc. Tuyến nhân vật cũng được lột tả tâm lý sắc sảo, điều này ta có thể dễ dàng bắt gặp ở những tác phẩm trinh thám Nhật. Tuy nhiên, thứ khiến người ta phải day dứt với Tàn lửa chính là độ chân thực, việc không ngần ngại động chạm vào cả những góc tối nhất bản chất con người, việc khai thác những diễn biến tâm lý hiện đại cũng khiến người đọc đôi khi phải giật mình.
Phần kết mang đậm tính nhân văn nhưng phần nào lại xung đột với chất hiện thực trước đó, nếu đem câu chuyện ra hiện thực, hẳn sẽ là một cái kết tàn nhẫn hơn. Nhưng đó chẳng phải là mục đích của văn chương hay sao? Chính là cứu rỗi và hướng con người đến sự tốt đẹp. Quả thực, Tàn lửa đủ sức là một tác phẩm khiến người ta phải trăn trở và nhìn nhận thực tế về chính mình và cuộc sống xung quanh mình.