Tóm lược & Review (Đánh Giá) sách Thần kỳ Kinh Tế Tây Đức Giai Đoạn 1949-1669 của tác giả Tôn Thất Thông.
Nói đến lịch sử Tây Đức sau Thế chiến thứ hai đầu tiên là nói về thành công trong phát triển kinh tế. Cũng chính lĩnh vực này đã chi phối mạnh mẽ nhiều mặt khác trong đời sống. Không chỉ là phồn vinh vật chất được nâng cao nhanh chóng, mà thành công này còn là động lực xúc tiến quá trình phát triển con người, tạo nên một bản sắc mới, một ý thức tự tín mới, một nhân sinh quan mới trong quan hệ với thế giới bên ngoài, đặc biệt với các nước láng giềng chung quanh.
Đầu năm 1945, khi tiếng súng vừa tắt và bom đạn ngưng giội xuống, mỗi thành phố là một đống gạch ngói đổ nát, có những khu phố ở Berlin, Hamburg, Cologne, người dân không còn tìm lại được những con đường đã quen. Lúc ấy không ai nghĩ rằng đất nước của họ có thể vươn lên trở lại ngang bằng, chứ chưa nói tới cao hơn các nước chung quanh. Thế nhưng họ đã đạt được giấc mơ sau một thời kì rất ngắn, không dài bằng một nửa đời người. Khách quan nhận xét, thành công đó là một sự thần kỳ, và sự phát triển kinh tế vũ bão hậu chiến xứng đáng được tặng danh hiệu thần kỳ kinh tế.
Nhưng chúng ta giải nghĩa thế nào về sự phát triển kỳ lạ đó? Mỗi người có một cách lý giải khác nhau, việc đi tìm các nhân tố quan yếu hàng đầu dẫn đến thành công cũng khác nhau. Ngoài ra, không riêng về kinh tế vốn là đề tài đáng lưu ý, mà sự vươn dậy nhanh chóng và vững bền của Tây Đức còn được xúc tiến bởi những thành công trong nhiều lĩnh vực khác mà sách báo ít đề cập. Vì thế, dù không bàn hết mọi vấn đề, tập sách mà bạn đọc đang cầm trên tay sẽ cố gắng vẽ lên vài nét chấm phá về những lĩnh vực nói trên.
Lịch sử kinh tế tất nhiên là nội dung chính của tập sách này. Bạn đọc sẽ tìm thấy tản mạn trong sách nhiều đoạn nói về chính sách kinh tế, về lý thuyết, về tổ chức, về cách thức thực hành v.v… Đấy là những dữ liệu lý thú. Nhưng chắc hẳn còn lý thú hơn, nếu chúng ta giải đáp được những câu hỏi như: Sự phát triển kinh tế của Đức chắc hẳn khác các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, nhưng khác nhau ở chỗ nào? Lý thuyết kinh tế của họ khác với lý thuyết mà các nước phát triển đương thời vận dụng ở chỗ nào? Điều gì đã làm cho họ tự tín vào sự thành công của những nguyên lý chưa ai từng thử nghiệm? Từ đâu mà vị kiến trúc sư kinh tế hậu chiến quyết đoán rằng, mọi sườn trật tự kinh tế trong tương lai được thành lập và hoạt động ở bất kỳ quốc gia tự do nào trên thế giới, bằng cách này hay cách khác, đều phải dựa trên luồng tư tưởng của mô hình họ đưa ra? Câu hỏi lý thú hơn cho người Việt Nam là, từ đâu họ dám quyết đoán rằng mô hình kinh tế đó cũng vận dụng được cho các nước đang phát triển? Tập sách này không giải đáp trực tiếp những câu hỏi đó, nhưng sẽ cung cấp cho bạn đọc những dữ liệu cấp thiết và những mối liên hệ giữa chúng với nhau để bạn đọc suy đoán.
Nhưng thật là thiếu sót nếu chúng ta chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế khi bàn về lịch sử hậu chiến Tây Đức.
Chính sách xã hội đóng vai trò gì trong sự phát triển toàn diện? Khi bàn về công bằng và an toàn xã hội, chúng ta thường nghĩ đến những dịch vụ tốt đẹp mà một quốc gia tốt đẹp mang đến cho người dân xứ họ, hòng giảm bớt chênh lệch giàu nghèo và làm cho xã hội được đồng đẳng hơn. Cũng đúng, nhưng chưa đủ. Nếu người Đức chỉ nghĩ như thế thì chắc hẳn sự phát triển hậu chiến sẽ không đạt đến mức xứng đáng được gọi là thần kỳ. Từ đâu họ quyết đoán rằng chính sách xã hội đúng đắn sẽ có tác dụng xúc tiến tăng trưởng kinh tế? Dựa trên nền tảng tư tưởng nào mà họ có thể thiết lập được những chính sách xã hội vốn dĩ rất tốn kém và phi kinh tế, cuối cùng vẫn thành công về mặt xã hội và còn có tác dụng tương trợ cho tăng trưởng kinh tế? Và một câu hỏi lý thú hơn đối với những người thương đồng đẳng: Có phải sự phát triển vững chắc của Tây Đức suốt một thời kì dài có cỗi nguồn từ những chính sách xã hội được thiết kế trên những nguyên tắc hợp đạo đức và hợp qui luật kinh tế?
Quan hệ mới trong công nghiệp được thiết kế thế nào, dựa vào nền tảng tư tưởng xã hội và đạo đức nào mà họ đã hóa giải một phần các xung khắc triền miên trong công nghiệp từ hơn một thế kỷ trước? Tây Đức đạt được một điều mà ít nước khác làm được trong thời hậu chiến: Ấy là sự hợp tác hiếm có giữa chủ nhân và cần lao trong hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp. Từ đâu họ làm được chuyện đó? Dựa vào những nguyên tắc nào, sử dụng công cụ nào mà họ duy trì tình trạng đó một cách lâu dài? Việc giảm bớt xung khắc giữa các thành viên đối kháng trong công nghiệp đã tác động thế nào lên sự phát triển tổng thể?
Ngoài ra có những câu hỏi lý thú liên quan đến sự phát triển của Tây Đức. Thí dụ, việc tạo đồng đẳng thời cơ trong giáo dục và tập huấn tại Tây Đức đã đóng góp thế nào vào quá trình xóa bỏ phân hóa giai cấp trong xã hội? Nhưng cũng quan yếu không kém, nó đóng góp thế nào vào việc nâng cao số lượng và chất lượng lực lượng cần lao cũng như năng suất cần lao? Và nhiều câu hỏi tương tự trong mối liên hệ hỗ tương giữa hai lĩnh vực kinh tế và xã hội.
Đến đây, chúng ta thử nêu thêm một câu hỏi: Chúng ta học được gì từ lịch sử Tây Đức? Giữa Việt Nam bữa nay và Tây Đức hậu chiến có rất nhiều điều dị biệt, nhưng cũng có những chỗ giống nhau đến lạ kỳ. Cuốn sách này bàn về lịch sử kinh tế Đức, nên thật không đúng cách nếu tác giả tham lam bàn vào câu hỏi nêu trên. Tuy nhiên, chắc hẳn bạn đọc sẽ không khỏi ưu tư về một đôi câu hỏi sát sườn trong bối cảnh phát triển ở nước nhà: Làm thế nào Tây Đức có thể chuyển đổi từ một nền kinh tế phi thị trường sang kinh tế thị trường với thành công trong một thời kì ngắn? Mà đó lại là nền kinh tế thị trường tự do với rất ít vấn nạn xã hội? Điều gì đã giúp Tây Đức chuyển từ thiết chế chính trị tập trung phi dân chủ sang thiết chế dân chủ tự do với quyền lực phân tán? Và còn nhiều câu hỏi tương tự. Tập sách này hy vọng sẽ cung cấp cho bạn đọc những chất liệu cấp thiết để tìm câu giải đáp.
Có bạn hỏi: Vì sao sách này lấy thời đoạn 1949 – 1969 làm chuẩn? Không có một nguyên tắc cố định nào để chọn thời đoạn lịch sử, nhưng chúng tôi khởi đầu năm 1949, vì đó là năm khai sinh CHLB Đức, là năm số 0 của một quốc gia Đức đương đại, kết thúc các triều đại phong kiến, độc tài và chủ nghĩa dân tộc xuất phát từ tư tưởng “Đế chế Đức”. Cũng từ năm 1949, Liên minh Cơ Đốc (CDU/CSU) nắm quyền suốt 5 nhiệm kỳ liên tục. Thần kỳ kinh tế cũng là kết quả của chính sách kinh tế thể hiện qua cương lĩnh chính trị của họ. Trên góc nhìn kinh tế, đấy là điều may mắn lịch sử cho dân tộc Đức.
1969 là năm đảng Dân chủ Xã hội (SPD) lên nắm quyền. Hai góc cạnh nổi trội trong hai thập niên sau đó là: Thứ nhất, giấc mơ xã hội mà đảng SPD ấp ôm từ lâu, giờ đây được tiến hành triệt để. Với SPD, chế độ xã hội tiến bộ hơn, phúc lợi xã hội nhiều hơn, cuộc cải tổ giáo dục được tiến hành kiên quyết và hiệu quả hơn. Thứ hai, Thủ tướng Willy Brandt thi hành chính sách hòa hoãn (Entspannungspolitik) thay cho sự đối đầu trong chiến tranh lạnh và ông thực hành chính sách phía đông (Ostpolitik) thay vì chỉ co cụm ở phương Tây. Chắc hẳn hai chính sách này đã góp phần đáng kể cho cuộc cách mệnh hòa bình năm 1989 dẫn đến sự thống nhất nước Đức.
Trọng điểm sách này bàn về lịch sử kinh tế, nhưng chúng tôi cố gắng gạt bỏ những công thức trừu tượng, những đồ thị khô khan khó hiểu, những thuật ngữ chuyên môn, những lý luận rườm rà phức tạp. Thay vào đó là tiếng nói đời thường cho mọi người cùng đọc. Hy vọng quí bạn đọc tìm thấy niềm vui khi đọc những trang sách khô khan này, đặc biệt đối với các bạn trẻ nặng lòng với đất nước và thích thú tri thức mới lạ. Muốn tìm thấy chân lý, chắc hẳn chúng ta cần biết nhiều nguồn tri thức khác nhau để so sánh và chọn lựa. Các bạn hãy so sánh nội dung sách này với những điều đã học ở trường, đã đọc trên báo, nghe trên đài, đã chứng kiến trong đời sống nghề nghiệp, đã trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày. Rồi so sánh, rồi suy đoán, rồi quyết định. Biết đâu các bạn sẽ thấy vài điều hay để cải tạo xã hội, để giúp đời, giúp người, giúp cả chính mình và con cháu tương lai.
CHLB Đức, tháng 5 năm 2017
Tôn Thất Thông
Mời các bạn tải đọc sách Thần kỳ Kinh Tế Tây Đức Giai Đoạn 1949-1669 của tác giả Tôn Thất Thông.