Jostein Gaarder tốt nghiệp Đại học Oslo chuyên ngành ngôn ngữ, thần học và lịch sử tư tưởng, ông từng dạy triết học ở trường phổ thông nhiều năm. Trong sự nghiệp viết lách của mình, Jostein Gaarder cho ra đời gần 20 cuốn sách, tất cả đều đậm tính kỳ ảo, triết luận và Thế giới của Sophie cũng không ngoại lệ.
Thế giới của Sophie vừa là một tiểu thuyết vừa là một hướng dẫn căn bản về triết học phương Tây. Cuốn sách chứa đựng những thông tin về lịch sử văn hóa và lịch sử triết học thông qua các câu chuyện của 2 nhân vật Sophie và Hilde. Nhưng phần lớn nội dung tác phẩm là những đoạn đối thoại giữa nhân vật chính Sophie và một người đàn ông bí ẩn có tên Alberto Knox.
Cầm trên tay cuốn sách Thế giới của Sophie, chắc chắn các phụ huynh cũng phải hoa mắt khi lướt qua mục lục: Socrates, Platon, Descartes, Kant, Chủ nghĩa lãng mạn, Thế kỷ khai sáng, Vụ nổ lớn, thời Trung cổ… đều có chung suy nghĩ liệu trẻ có thể tiếp thu được một lượng kiến thức khổng lồ, khô khan như vậy?
Sophie Amundsen từ trường về. Cô đi cùng đường với Joanna. Họ trò chuyện về người máy. Theo Joanna, bộ óc của con người giống như một cái máy tính cao cấp. Sophie không rõ có đồng ý được không. Chắc chắn một con người phải hơn là một cái máy chứ?
Khi đến siêu thị, mỗi người rẽ về phía nhà của mình. Sophie sống ở cuối một khu nhà ngoại ô, đường đến trường xa gấp đôi Joanna. Nhà cô như ở tận cùng của thế giới, vì sau khu vườn đã là cửa rừng.
Cô rẽ vào đường Cỏ Ba Lá. Cuối đường có một chỗ ngoặt gấp – “khúc ngoặt của Thuyền trưởng”. Hầu như chẳng có ai đến đây trừ thứ bảy và chủ nhật.
Bấy giờ là đầu tháng Năm. Trong các khu vườn, hoa thuỷ tiên mọc xen với cây ăn quả. Những cây phong đã được phủ một màu lá xanh dịu.
Thật kỳ diệu khi mọi vật bừng nở vào thời kỳ này trong năm! Cái gì đã làm cho cỏ cây xanh tốt ùa ra từ lòng đất chết, ngay khi trời vừa ấm lên và tuyết tan hết?
Khi Sophie mở cánh cửa vườn, cô ngó vào hộp thư. Ở đó thường có cả đống quảng cáo và một vài phong bì khổ lớn gửi cho mẹ cô. Thỉnh thoảng cũng có một vài lá thư từ ngân hàng gửi cho bố cô, nhưng phải nói ngay rằng, ông không như các ông bố bình thường khác. Bố Sophie là thuyền trưởng của một tàu chở dầu lớn và ông vắng nhà gần như quanh năm. Khi có được vài tuần ở nhà, ông sẽ đi lại loẹt xoẹt quanh nhà và làm mọi thứ trở nên xinh đẹp và ấm cúng. Nhưng khi ở ngoài biển, ông lại có vẻ rất xa cách
Chỉ có mỗi một bức thư trong hộp thư, và nó được gửi cho Sophie. Chiếc phong bì trắng ghi “Sophie Amundsen, số 3 đường Cò Ba Lá”. Chỉ có vậy, không có tên người gửi, cũng chẳng có cả tem.
Sophie vội vàng khép cổng và mở phong bì. Bên trong chỉ có một mảnh giấy nhỏ với dòng chữ: Bạn là ai?
Không có gì khác, chỉ có ba chữ viết tay với một dấu chấm hỏi to tướng.
Cô nhìn lại chiếc phong bì. Rõ ràng bức thư được gửi cho cô. Ai đã thả nó vào hộp thư?
Sophie chạy nhanh vào ngôi nhà màu đỏ. Như thường lệ, chú mèo Sherekan đã kịp chui ra khỏi bụi cây, nhảy lên bậc thềm và lách vào nhà trước khi cô đóng cửa.
Mỗi lần bực bội, mẹ Sophie thường gọi ngôi nhà họ đang ở là một cái chuồng thú. Sophie khá hạnh phúc về bộ sưu tập động vật của mình. Đầu tiên, cô có ba con cá vàng Lưng Vàng, Mũ Đỏ, và Cờ Đen. Tiếp theo là hai con vẹt Smitt và Smule, rùa Govinda, và cuối cùng là con mèo vàng Sherekan. Chúng đều được tặng cho cô để bù đắp cho chuyện mẹ cô luôn đi làm về muộn còn bố cô thì luôn vắng nhà, lái tàu khắp thế giới.
Sophie liệng cặp xuống sàn và cho mèo ăn. Sau đó, cô ngồi xuống chiếc ghế nhà bếp với lá thư bí ẩn trên tay.
Bạn là ai?
Làm sao biết được? Tất nhiên, cô là Sophie Amundsen, nhưng đấy là ai? Cô chưa nghĩ ra.
Nếu thực ra cô được đặt một cái tên khác, Anne Knutsen chẳng hạn, liệu cô có thành người khác không?
…
Mời các bạn đón đọc Thế giới của Sophie của tác giả Jostein Gaarder.