Giới thiệu, tóm tắt, review (đánh giá) cuốn sách Thế Giới Mới Tươi Đẹp của tác giả Aldous Huxley, cũng như link tải ebook Thế Giới Mới Tươi Đẹp miễn phí với các định dạng PDF, EPUB sẽ được ebookvie chúng mình chia sẻ trong bài viết này, mời mọi người đọc nhé
“Thế Giới Mới Tươi Đẹp”, một tiểu thuyết viễn tưởng của Aldous Huxley, đưa chúng ta đến với một xã hội tương lai có vẻ hoàn hảo nhưng ẩn chứa bên trong là sự rùng mình về một thế giới phi nhân tính. Trong thế giới ấy, con người được sản xuất hàng loạt trong phòng thí nghiệm, được phân chia thành các đẳng cấp với trí tuệ và ngoại hình được định sẵn. Mọi thứ đều được kiểm soát chặt chẽ bởi Nhà nước Thế giới, từ lúc sinh ra cho đến khi chết đi. Xã hội không còn chiến tranh, đói nghèo hay bệnh tật. Thay vào đó là sự ổn định tuyệt đối, niềm vui được tạo ra bởi soma – một loại thuốc mang lại hạnh phúc nhân tạo, và tình dục tự do được khuyến khích.
Giới thiệu sách Thế Giới Mới Tươi Đẹp
Cuốn tiểu thuyết Thế Giới Mới Tươi Đẹp này, thuộc loại viễn tưởng, đúng hơn là phản-không tưởng hay không tưởng-đen, cực kỳ nổi tiếng từ khi nó ra đời. Không một trí thức nào ở phương Tây không biết đến nó. Một hình dung ghê rợn về tương lai của loài người. Là không tưởng, tức là chỉ có trong tưởng tượng, nhưng nó gợi cho ta suy nghĩ về những xu thế có thể có của sự phát triển công nghệ, của nền văn minh, và những hệ lụy đối với nhân tính của loài người.
Thế giới mới tươi đẹp mô tả London vào năm A.F.632 (năm 632 Kỷ nguyên Ford) tức năm 2540 Công lịch, đó là thế giới của một nhân loại mới, một loài người được làm lại hoàn toàn bằng công nghệ. Phôi thai người được thụ tinh trong ống nghiệm, được chăm sóc theo quy trình đặc biệt, và ra lò theo số lượng kế hoạch hóa. Sản phẩm-người của quá trình sản xuất hàng loạt theo dây chuyền ấy được chia thành năm loại, năm đẳng cấp cách biệt, gọi tên theo các chữ cái Hy Lạp: Alpha, Beta, Gamma, Delta, và Epsilon, trong đó Alpha là đẳng cấp cao nhất và Epsilon là thấp nhất. Alpha, Beta được chế tác và tinh chọn để có những phẩm chất thể chất và trí năng hoàn hảo, lớn lên thành những con người khỏe mạnh thông minh, cân đối, đẹp đẽ; còn Gamma, Delta, và Epsilon, những đẳng cấp thấp, được sản xuất từng mẻ lớn theo quy trình Bokanovsky, từ một trứng có thể ra đến 96 con, hoàn toàn đồng nhất về mọi mặt, “giống nhau một cách kinh hoàng” và trong quá trình phôi thai còn bị xử lí hóa học cho còi cọc, đần độn, vì chúng “không cần khả năng suy nghĩ”. Dễ hiểu là Alpha, Beta được giao những chức năng lãnh đạo và điều hành xã hội, còn Gamma, Delta, và Epsilon lao động để làm ra sản phẩm cho xã hội tiêu dùng. Khi ra đời, những đứa trẻ được đào luyện một cách đặc biệt bằng phản xạ có điều kiện, chẳng hạn những đứa bé Delta được lập phản xạ để “sợ sách và hoa”. Mọi đứa bé đều được lập phản xạ để suốt đời hài lòng với số phận dành cho mình. Việc giáo dục trẻ dựa trên phương pháp “học trong khi ngủ”: Trong lúc ngủ chúng được nghe từ loa phóng thanh những câu nói soạn sẵn, có vần điệu như những châm ngôn, lặp lại hàng trăm hàng nghìn lần để in vào tiềm thức của chúng, tạo thành những ám thị, và trong suốt cuộc đời những châm ngôn này sẽ tự động bật ra trong những tình huống thích hợp. Mỗi đẳng cấp mặc đồng phục cùng màu để phân biệt với những đẳng cấp khác. Những đẳng cấp cao được ám thị để hãnh diện về đẳng cấp của mình và khinh bỉ đẳng cấp dưới. Những đẳng cấp thấp tất nhiên được ám thị để chỉ biết phục tùng. Nhưng tại sao không tạo ra một xã hội toàn Alpha Cộng, khi về mặt công nghệ, điều ấy hoàn toàn có thể? Bởi vì, như một thí nghiệm trong Thế giới mới tươi đẹp đã cho thấy: Một xã hội toàn Alpha Cộng thì không thể vận hành được, do không ai chịu làm những công việc hạ cấp, và nội chiến đã nổ ra. Như thế những đẳng cấp thấp là hoàn toàn cần thiết, và theo Mustapha Mond, tỉ lệ tối ưu được tính theo mô hình “tảng băng trôi”: 1/9 trên mớn nước, 8/9 bên dưới, bảo đảm xã hội ổn định. Vậy 8/9 đó sẽ hạnh phúc được ở bên dưới sao? Cố nhiên! Với những con người như vậy, một xã hội mới đã hình thành: Thế giới mới tươi đẹp.
Và thế giới ấy quả là tươi đẹp. Đó là một Nhà nước Toàn cầu, được điều hành bởi mười vị Đại Kiểm soát tối cao. Khẩu hiệu của nó là “Cộng đồng, Đồng nhất, Ổn định”. Các công nghệ sinh sản và nuôi dạy con người đảm bảo tính Đồng nhất và Ổn định này; nhờ sự phát triển tột bực của công nghệ, sản xuất dư thừa đảm bảo thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất; tiêu dùng và hưởng thụ được khuyến khích; tất cả mọi người đều hài lòng với thân phận mình, ganh tị – căn bệnh mãn tính của nhân loại (cũ), nguồn gốc của mọi bất bình và rối loạn – không còn đất sống. Mục tiêu của xã hội là hạnh phúc cho tất cả mọi người, và khi mà mọi người đều cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn thì còn mong muốn gì hơn nữa ngoài việc mong cho cuộc sống cứ như thế ổn định đến muôn đời?
Vì tên sách hứa hẹn trình ra cho chúng ta một thế giới mới, chúng ta hãy chú tâm đến những cái mới ở đây, mới một cách cực đoan và triệt để, tạo nên ý nghĩa chủ đạo của tác phẩm. Trước hết, con người được sinh ra hoàn toàn theo lối mới. Không còn tàn dư gì của những mối quan hệ gia đình và huyết thống, chúng đã lùi sâu vào quá khứ, vì theo lời Mustapha Mond, vị Đại Kiểm soát Thế giới, “Lịch sử, nói chung, là chuyện nhảm nhí, tầm phào, ba láp”. Khi nói chuyện với sinh viên, ông mô tả cuộc sống gia đình, chồng vợ, việc sinh đẻ và nuôi con (của “thời xưa”) bằng những cảnh nhớp nhúa, kinh tởm mà những thanh niên thời ấy không thể hình dung nổi. Thời mới bây giờ những từ như “cha”, “mẹ” bị tránh nói như húy kị, thậm chí một nhân viên viết báo cáo lên thượng cấp phải ghi “m…” thay cho từ “mẹ”. Chung thủy bị coi là lố bịch, trinh tiết là tởm lợm. Sao vậy? Vì xã hội có phong tục và chuẩn mực đạo đức mới về tình dục. Thanh niên trai gái được thay đổi bạn tình luôn luôn, việc duy trì một mối quan hệ thân mật trong thời gian dài là điều cấm kị. “Mỗi người thuộc về mọi người khác”, tất cả đều thuộc về cộng đồng, không có gì là thầm lén, riêng tư. Ở đây tình dục không có chức năng sinh sản, mà chỉ có mục đích duy nhất là khoái lạc, bản năng tình dục được buông thả không giới hạn, nhưng những biện pháp tránh thai được áp dụng nghiêm ngặt. Ngoài thời gian lao động không mấy nặng nhọc, mọi người thoải mái vui chơi, xã hội lo cung cấp cho họ những phương tiện tiêu khiển, cá nhân không được dùng thời gian một mình, vì không phải lo thiếu nhu cầu vật chất và không có những mối quan hệ riêng tư, nên không cần (và không được phép có) những phút suy tư trầm lắng. Và đấy là điều mà người ta gọi là hạnh phúc: Một hạnh phúc cho tất cả, ngang nhau! Và để cho hạnh phúc luôn luôn đầy đủ, còn có thêm một thứ: soma, đó là những viên thuốc gây ảo giác được phát cho mọi người theo khẩu phần; mỗi khi người ta thấy buồn phiền, bất an, thiếu hạnh phúc, một viên soma sẽ đưa họ vào trạng thái lơ mơ phiêu bồng, không cảm giác, không ý thức, và họ lại thấy hạnh phúc.
Bernard Marx là một Alpha Cộng, nhưng là một Alpha khiếm khuyết: Theo lời đồn, khi anh còn là bào thai, một nhân viên thao tác tưởng nhầm anh ta là một Gamma nên đã đổ rượu vào chất Giả-máu của anh, lớn lên mặc dù thông minh nhưng anh bị còi cọc không có tầm vóc bình thường của một Alpha, và suốt đời anh mang mặc cảm tự ti, rụt rè khốn khổ, bị khinh thường, chế giễu, và nhìn mọi người bằng con mắt hằn học. Lenina Crowne – một cô gái Beta “phổng phao” và nồng nhiệt – thích Bernard, sau khi bị cô bạn Fanny phê phán vì đã quan hệ với một chàng trai hoàn hảo khác (Henry Foster) đến bốn tháng trời mà chưa thay đổi. Lenina là mẫu người lí tưởng của thế giới mới, hoàn toàn đáp ứng mọi đòi hỏi của thế giới này, nhưng Bernard lại là người duy nhất có những băn khoăn, bất mãn, những câu nói báng bổ và những ý nghĩ “phi chính thống”. Trong khi Lenina vồ vập thì Bernard đến với cô một cách khó khăn, anh mong muốn có những phút tâm tình kín đáo “chỉ có hai người với nhau”, nhưng cô lại chỉ muốn cùng nhau vui chơi tập thể, vì “với nhau” thì đã có cả đêm trên giường rồi! Trong khi nàng hành xử đúng theo phong hóa của thế giới mới, coi tình dục chỉ là thú vui chơi tiêu khiển, thì chàng lại ôm ấp những cảm xúc yêu đương lãng mạn cổ hủ. Nhưng mọi chuyện rồi cũng qua, vì Bernard dù bất tuân nhưng cũng là con người của thế giới mới, có thể chấp nhận được những tiêu chuẩn đạo đức của nó. Chỉ đến khi gặp John-người Hoang dã, người tình mà Lenina chọn cho mình để thay thế Bernard, bi kịch mới xảy ra.
Bernard đưa Lenina đến chơi Khu Bảo tồn Hoang dã ở New Mexico, tại đó họ gặp mẹ con Linda và John. 25 năm trước, trong một chuyến đi thăm Khu Bảo tồn Hoang dã với người đàn ông của bà ta, Linda – một cô gái Beta Cộng lúc đó – gặp tai nạn và bị bỏ lại. Linda khi đó đã có mang, rồi sinh ra John, (đây đúng thật là một tai nạn vì nếu ở thế giới mới, với những biện pháp tránh thai hữu hiệu và cả trung tâm nạo phá thai, người ta không để chuyện đó xảy ra). Thời gian dài sống ở Khu Hoang dã đã biến Linda thành hoang dã thật sự, với nỗi luyến nhớ thế giới văn minh (“Nơi Khác”, như bà ta kể với con) và thói quen “quan hệ” bừa bãi với đàn ông ở đây mà bà ta không bỏ được khiến bà ta luôn gặp rắc rối với các bà vợ thổ dân. John lớn lên đau khổ và cô độc vì mẹ cậu bị căm ghét và khinh bỉ, nhưng bù lại, cậu được mẹ dạy đọc và tình cờ được làm quen với những tác phẩm của William Shakespeare. Và thật là nghịch lí: Một chàng trai được nuôi dạy hoàn toàn trong môi trường hoang dã lại là người duy nhất thấm nhuần tinh hoa của nền văn hóa Victoria. John rất đẹp trai, đã lập tức mê hoặc được Lenina, và với nàng, lần đầu tiên cậu cảm thấy rung động si mê như Romeo lần đầu gặp Juliet.
Qua câu chuyện kể của John, Bernard phát hiện ra người đàn ông đã đưa Linda đến Khu Hoang dã và bỏ bà ta lại đấy, tức là cha đẻ của John, chính là Giám đốc Trung tâm Xử lí và Điều kiện hóa Phôi thai, một sếp lớn vô cùng quan trọng, hiện thân của trật tự thế giới mới, đang muốn nghiêm trị những ý nghĩ phi chính thống và nổi loạn của Bernard. Bernard xin và được Mustapha Mond cho phép đưa Linda và John về “thế giới văn minh”, và khi viên Giám đốc đang gay gắt buộc tội Bernard và tuyên bố sa thải anh ta trước đám đông nhân viên, thì Bernard đưa Linda và John ra. Những tràng cười bung ra dữ dội khi John quỳ xuống trước Giám đốc và kêu “cha ơi”. Quá nhục nhã, lão Giám đốc lủi mất, ngay lập tức từ chức và không bao giờ xuất hiện ở trung tâm nữa.
Ở London – xứ sở văn minh, “thế giới mới tươi đẹp” – John trở thành người quan trọng và nổi tiếng dưới tên “người Hoang dã”, anh được mọi người săn đón nhưng anh trốn tránh tất cả. Người Hoang dã lạc lõng trơ trọi giữa chốn văn minh, vì hầu như anh là người duy nhất mang trong mình văn hóa của thời đại Phục Hưng ở châu Âu, hoàn toàn xa lạ với những con người thời đại Hậu Ford. Mới gặp John, Lenina lần đầu cảm thấy trong cô có cái gì như thể tình yêu, nhưng nó nhanh chóng chuyển thành ham muốn nhục dục đơn thuần, vì cô luôn tuân thủ ước lệ, lễ giáo của xã hội đương thời. Người Hoang dã cũng yêu cô, một cách trang trọng thầm kín, anh luôn thấy mình là Romeo và Lenina là Juliet để anh tôn thờ, anh chàng luôn sợ không xứng đáng với “sự trong trắng cao quý” của nàng. Dịp may đến, cô được giao đưa anh đi xem một tối phim tình fili, thật ra là một loại phim kích dục, kết hợp âm nhạc tổng hợp và các mùi hương kích động tất cả các giác quan của người xem (nhìn – nghe – sờ – ngửi), nhưng trong khi cô mê say với phim thì anh phẫn nộ, thấy nó ghê tởm. Sau buổi chiếu phim, cô rạo rực chờ đợi, nhưng anh lịch sự cáo từ (good night!) khiến cô tức điên, thầm rủa anh là “quỷnh” và nghĩ chắc tại anh không yêu cô. Nhưng rồi anh cũng thắng được nỗi e dè để tỏ tình với cô với tất cả sự kính cẩn và lòng ngưỡng mộ. Một cách tự nhiên nhất đời, Lenina lập tức tự lột hết quần áo, sẵn sàng cho một cơn xác thịt cuồng loạn như thường lệ, khiến John giận dữ điên cuồng, mắng cô là “đồ đĩ thõa trơ tráo”. Cuộc tình cả hai bên đều mong đợi ấy đi đến một kết cục ê chề. Chàng quay về với Shakespeare còn nàng cầu cứu soma.
Linda, mẹ của John, được đưa trở lại thế giới văn minh theo đúng với sở nguyện của bà ta, nhưng đã không còn thích ứng với nó nữa: lối sống quái đản của bà ta ở nơi hoang dã, những cuộc lang chạ liên miên với đàn ông thổ dân và việc lạm dụng mescal, một chất ma túy của thổ dân mà bà ta dùng để thay thế soma, đã hủy hoại thân xác và tâm thần của bà. Xuất hiện trước “Giám đốc – người tình cũ” như một con quái vật lạ lùng và đáng tởm, cái dị dạng của bà ta, biểu hiện lão suy ở tuổi 48, làm mọi người khiếp sợ. Nhưng rồi bà ta mãn nguyện: trở về thế giới văn minh là được trở về với soma. Bà ta chỉ việc nằm suốt ngày trên giường, được cấp lượng soma không hạn chế giúp bà ta chìm vào trạng thái phởn phơ bất tận. Vô tình trở thành vật thí nghiệm soma, cơ thể bà ta suy sụp và nhanh chóng tiến đến cái chết đau đớn. Quả là soma đã rút ngắn cuộc sống của bà ta, nhưng mặt khác, như một bác sĩ đã nói, nó đã thật sự kéo dài cuộc sống của bà ấy… Soma có thể làm người ta mất đi một số năm về thời gian. Nhưng hãy nghĩ về độ dài khổng lồ, không thể đo lường được mà nó có thể cho người ta sống ngoài thời gian. Mọi thứ ảo giác vui chơi do soma gây ra chẳng phải là một phần giấc mơ thần tiên vĩnh cửu của tổ tiên chúng ta hay sao? Soma là bức tường thành kiên cố ngăn cách tâm trí người ta khỏi thực tại, với mọi thứ lo âu muộn phiền, nếu có.
Nhưng “Thế giới mới tươi đẹp” là một thế giới không phiền muộn, không có những ám ảnh Sinh – Lão – Bệnh – Tử của cõi Ta Bà. Mọi người sinh ra không đau đớn, lớn lên đẹp đẽ và mạnh khỏe, mọi bệnh tật đã được xử lí triệt tiêu từ trong ống nghiệm, và cứ trẻ đẹp như thế đến tuổi 60 thì chấm dứt, để được đưa vào Đài Lột xác (tức Lò thiêu), và mang lại lợi ích cuối cùng cho cộng đồng là một nắm phốt-pho bón ruộng. Không có những mối quan hệ lâu dài và thân thiết, nên cái chết của một người không gây thương cảm cho bất cứ ai. Sự khóc thương bi lụy của John trước cái chết của Linda bị coi như một trò lố bịch, diễn ra trước mắt cô y tá và lũ trẻ đang được cô đưa đến để “thực tập chết”, tức là chứng kiến và tạo phản xạ có điều kiện cho quen với sự chết. Những tình cảm lâu bền và sâu sắc giữa con người ở đây là không cần thiết và gần như cấm kị: Cấm kị là một yếu tố quan trọng của sự ổn định xã hội.
Triết lí nền tảng của “Thế giới mới tươi đẹp” được Mustapha Mond thảo luận một cách hệ thống với người Hoang dã khi ông hạ cố giải đáp các thắc mắc của anh, sau khi anh cùng với Bernard Marx và Helmholtz bị bắt đưa đến gặp ông. Cuộc thảo luận của người Hoang dã, người duy nhất lúc này có đủ trình độ để thảo luận, với một trong mười người lãnh đạo (kiểm soát!) cao nhất của thế giới, người rất biết lắng nghe, cho thấy tính chất của một nền “chuyên chế nhân từ”. Mustapha cho biết xã hội cần tiêu khiển, bằng những trò vui vô tâm, chứ không cần nghệ thuật cao cấp. (Kịch) Shakespeare chẳng hạn, bị cấm ở London, trước hết, vì nó cũ. Nghệ thuật phải Mới và dễ hiểu, đại chúng. Cái Đẹp thì hấp dẫn, mà hấp dẫn là nguy hiểm: Nó dẫn đến mất ổn định. Toàn bộ xã hội được xây dựng trên những thành tựu cao ngất của khoa học, nhưng nghiên cứu khoa học thật sự bị cấm đoán, hay ít ra, phạm vi nghiên cứu bị hạn chế. Nghệ thuật thật sự thì làm ra Cái Đẹp, khoa học thật sự thì khám phá ra sự thật về thế giới và con người, nhưng mục tiêu của xã hội không phải là sự thật và cái đẹp, mà là tiện nghi và hạnh phúc. Hạnh phúc phổ biến đảm bảo ổn định xã hội, điều mà sự thật và cái đẹp không làm được. Dễ hiểu là trong một xã hội như thế, tôn giáo là không cần thiết, vì Thượng đế thì “vắng mặt”, “Thượng đế không tương hợp với máy móc và thuốc men khoa học, và hạnh phúc phổ biến”. Theo Mustapha: “Người ta tin điều gì đó bởi vì người ta đã được đào luyện để tin chúng. Tìm lí do tồi cho những gì người ta tin vì những lí do tồi khác – đó là triết học”. Ông nói “không thể có một nền văn minh lâu dài nếu thiếu những trò vui đồi bại… Nền văn minh tuyệt đối không cần những thứ như sự hy sinh, cái tuyệt mỹ, cái cao cả hoặc cái anh hùng” và không có cơ hội nào để xuất hiện những thứ đó. Tóm lại, nhân danh hạnh phúc phổ biến và ổn định xã hội, tất cả những gì là cao quý, cũng như những tình cảm thông thường của con người, bị xóa bỏ hoàn toàn. Cái gọi là nhân phẩm, nhân cách hoàn toàn vắng bóng. Cá nhân không được phép tự ý thức quá mạnh, không được phép có tư duy độc lập, có khuôn mặt riêng của mình, vì sẽ không thích hợp với đời sống cộng đồng.
Mustapha có tài hùng biện, nhưng ông đã không thuyết phục được người Hoang dã. Anh nói:
“Nhưng tôi không muốn thoải mái. Tôi muốn Thượng đế, tôi muốn thơ ca, tôi muốn nguy hiểm thật sự, tôi muốn tự do, tôi muốn lòng tốt. Tôi muốn tội lỗi.”
“Thật ra” – Mustapha Mond nói – “anh đang đòi quyền được bất hạnh”.
“Vậy thì được” – người Hoang dã nói giọng thách thức – “tôi đòi quyền được bất hạnh”.
Anh đã khước từ thứ “hạnh phúc” không xứng đáng với Con Người.
Gần một thế kỷ đi qua, tính tiên tri trong tiểu thuyết Thế giới mới tươi đẹp của Huxley đã làm sửng sốt nhiều thế hệ. Dưới hình thức viễn tưởng khoa học, cuốn tiểu thuyết không đơn thuần là tưởng tượng phóng túng của tác giả, đúng hơn, nó là một phép ngoại suy của một trí óc vượt tầm thời đại, từ cái hiện thực đang diễn ra trước mắt tới những xu hướng có thể có trong tương lai. Một xã hội hoàn chỉnh như trong truyện thì không thể có thật, ta gọi nó là không tưởng, và cái thực tại ảo mà nó biểu hiện khiến ta rùng mình sởn gáy về sự phi nhân tính của nó, nên cái không tưởng ấy ta gọi là không tưởng-đen (dystopia); nhưng từng khía cạnh của nó thường khi ló ra trong hiện thực không khỏi khiến ta giật mình. Cái hiện thực trong truyện không phải là tiếng khóc than của một nhân loại đói khổ và lầm than, như từ Dickens đến Tolstoy, từ Hugo đến Jack London, mà là tiếng cười đắc thắng của khoa học và công nghệ. Khi Huxley viết quyển sách này (1931), thì I.P. Pavlov (1849 – 1936), Henry Ford (1863 – 1947) và Sigmund Freud (1856 – 1939) đều là người đương thời với ông; sản xuất theo dây chuyền, phản xạ có điều kiện hay libido vẫn đang là thời sự mới mẻ. Tác phẩm của Huxley không “phản ánh hiện thực”; từ hiện thực, thậm chí từ những thời sự của ngày ấy, Huxley nghĩ về cái có thể đến trong tương lai. Những thành tựu khoa học rực rỡ quả là những ân sủng diệu kỳ mà loài người tự ban cho mình, nhưng chúng làm biến đổi bộ mặt loài người ra sao thì có ai dám chắc, chẳng hạn, khi quyền sử dụng chúng được đặt vào những bàn tay vô trách nhiệm? Diễn biến lịch sử đã chứng tỏ nỗi lo như thế không bao giờ là thừa cả. “Thế giới mới tươi đẹp” có tham vọng giải quyết những vấn đề lớn của loài người từ bao đời nay: Nhờ tiến bộ khoa học và công nghệ, nó cung cấp dư thừa của cải vật chất đảm bảo một cuộc sống tiện nghi thoải mái nhất, và nhằm đến cái đích cao nhất mà con người muốn đạt đến: Hạnh phúc! Mà lại là hạnh phúc cho tất cả mọi người! Nhưng hóa ra cái đích cao nhất ấy, hạnh phúc ấy, chỉ là thỏa mãn khoái lạc vật dục, vì xã hội chỉ có thể cung cấp đến đó, tiến bộ khoa học và vật chất dư thừa không mang lại văn hóa. Văn hóa và nghệ thuật cao cấp không tồn tại, nghệ thuật duy nhất là phim tình fili, một thứ giải trí thấp kém và dung tục. Tình dục chỉ có mục đích tiêu khiển (recreational sex). Các đẳng cấp cao thì thông minh nhưng cá tính sáng tạo phải bị triệt tiêu để bảo đảm cho xã hội ổn định, nghĩa là giữ nguyên ở một trạng thái, không thay đổi, không tiến hóa, không phát triển; bởi khả năng suy nghĩ độc lập của mỗi cá nhân chính là nhân tố thúc đẩy tiến bộ của loài người. Con người có thể hành động không suy nghĩ, vì đã được dẫn dắt bằng những châm ngôn học được trong lúc ngủ nằm sẵn trong tiềm thức; tự do ý chí của cá nhân bị ngăn chặn vì nguy hiểm cho xã hội. Các đẳng cấp thấp được điều kiện hóa trong những “Phòng Tiền định Vận mệnh”, để suốt đời mãn nguyện với địa vị của bản thân, khi kẻ nô lệ biết yêu thân phận nô lệ của mình thì xã hội ổn định. “Mỗi người thuộc về mọi người khác”, nên ngay trong “tình trường” cũng không có ghen tuông; không có chênh lệch trong hưởng thụ thì không có ganh tị, do đó cũng không có bất bình, xung đột, chiến tranh. Một xã hội như thế được tạo ra như một hệ khép kín sẽ tồn tại vĩnh viễn. Nó là không tưởng, nhưng không phải vì thế mà không đập vào ý thức chúng ta như những cảnh báo mạnh mẽ: Trong mọi hình thức tàn phá hủy diệt, không gì đáng sợ hơn hủy diệt tính người.
Review nội dung sách Thế Giới Mới Tươi Đẹp
Ưu điểm:
- Ý tưởng táo bạo và có tính tiên tri: Huxley đã xây dựng một xã hội giả tưởng tương lai vừa hấp dẫn vừa đáng sợ. Ông tiên đoán một cách đáng kinh ngạc về sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học, và tác động của nó đến mọi mặt của đời sống con người, từ tình dục, tình yêu đến hạnh phúc và tự do.
- Châm biếm sâu cay: Thông qua xã hội “tươi đẹp” trong truyện, Huxley châm biếm một cách sâu cay những trào lưu tư tưởng thời đại như chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa khoái lạc, sự tha hóa của con người trong thế giới hiện đại.
- Văn phong sắc sảo, hóm hỉnh: Huxley sử dụng ngôn ngữ một cách tài tình, vừa châm biếm, hài hước, vừa sâu sắc, khiến người đọc phải suy ngẫm.
Nhược điểm:
- Kết cấu hơi rời rạc: Câu chuyện được kể theo lối phi tuyến tính, nhảy cóc giữa các nhân vật và sự kiện, đôi khi khiến người đọc cảm thấy hơi khó theo dõi.
- Một số nhân vật chưa được phát triển trọn vẹn: Do tập trung vào việc khắc họa bức tranh xã hội nên một số nhân vật trong truyện chưa được phát triển tâm lý một cách đầy đủ, mối quan hệ giữa các nhân vật cũng chưa thực sự sâu sắc.
Kết luận: “Thế Giới Mới Tươi Đẹp” là một tác phẩm dystopia kinh điển, mang đến cái nhìn vừa hài hước vừa đáng sợ về tương lai của nhân loại. Cuốn sách đặt ra nhiều câu hỏi lớn về bản chất của hạnh phúc, tự do, tình yêu và ý nghĩa của cuộc sống con người trong một thế giới bị chi phối bởi công nghệ và chủ nghĩa tiêu thụ.
Đánh giá: 4.5/5 sao
Giới thiệu về tác giả Aldous Huxley
Nhà văn Anh Aldous Leonard Huxley, tác giả Thế giới mới tươi đẹp là nhà tiểu thuyết, nhà triết học sinh ngày 26/7/1894 trong một gia đình của dòng họ Huxley có nhiều người nổi tiếng. Ông viết tiểu thuyết, truyện ngắn, sách du ký, kịch bản phim, nhiều tác phẩm phi hư cấu, (trong đó đáng chú ý là Những cánh cửa của nhận thức hồi tưởng lại những trải nghiệm dùng ma túy), và những tiểu luận về nhiều chủ đề khác nhau. Là một triết gia nhân văn chủ nghĩa, hòa bình chủ nghĩa và nhà văn châm biếm, ông được coi là một trong những trí thức kiệt xuất nhất của thời đại. Từ năm 1937, Huxley chuyển sang sống ở Mỹ đến khi mất. Giai đoạn sau ông quan tâm đến lĩnh vực tâm linh như cận tâm lý (parapsychology), thuyết thần bí triết học (philosophical mysticism), thuyết phổ biến (universalism). Năm 1962, một năm trước khi mất, ông được Hội Văn học Hoàng gia Anh (RSL) trao tặng danh hiệu cao quý Companion of Literature. Ông cũng được đề cử giải Nobel trong nhiều năm.
Huxley mất ngày 22/11/1963, cùng ngày nhà văn C.S. Lewis mất và tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị ám sát.