Cuốn sách “Thư” của Higashino Keigo là một câu chuyện về sự kì thị và hậu quả của nó đối với những người thân của tội phạm. Câu chuyện tập trung vào cuộc đời của một người thanh niên, từ khi cậu là học sinh cho đến khi có vợ con, và cảm nhận của anh về việc bị kì thị vì người anh trai của mình là một sát nhân.
Câu truyện được kể tuyến tính, mỗi sự kiện trong cuộc đời của nhân vật chính đều được thuật lại chi tiết, kèm theo những cảm xúc và suy nghĩ của anh ta. Các bức thư xen kẽ trong câu chuyện là một sợi dây kết nối với người anh phạm tội và đồng thời là bằng chứng cho sự kì thị mà nhân vật chính phải đối mặt.
Chủ đề chính của câu chuyện là vấn đề kì thị và hậu quả của nó đối với những người không có tội. Tác giả tạo ra những nhân vật bình thường, đời thường nhưng đầy cảm xúc, giúp độc giả cảm nhận được mức độ thiệt thòi và tàn nhẫn của sự kì thị.
Những cảm xúc của nhân vật được thể hiện một cách rõ ràng và hiển nhiên, khiến cho độc giả cảm thấy tội nghiệp và đồng cảm. Câu chuyện không có happy ending, không giải quyết được vấn đề, điều này khiến cho độc giả phải đối mặt với sự cay đắng và day dứt của cuộc sống.
“Thư” không cần những tình tiết phức tạp hay những lật mặt bất ngờ, chỉ đơn giản là việc chọn đúng vấn đề và kể nó một cách thẳng thắn. Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn đánh vào sâu trong lòng người đọc và khiến họ suy ngẫm về nhiều vấn đề đạo đức và xã hội. Mời các bạn đón đọc cuốn sách Thư của tác giả Higashino Keigo
********
Cuốn sách “Thư” của Higashino Keigo đọc chỉ thấy bi kịch từ đầu đến cuối, giáng một đòn vào cái lòng nhân đạo nửa mùa của con người. Lần đầu tiên tớ đọc cuốn thuần tâm lý như này của bác Keigo mà thấy hợp gu dễ sợ, thích hơn cả mấy tác phẩm trinh thám của bác nữa. Thích ở nội dung, ở cái cách viết câu chữ đơn giản mà vẫn khiến cho người đọc cảm thấy ngột ngạt, nặng nề, thậm chí tù túng cùng với nhân vật trong Thư.
Thư với câu chuyện bắt đầu bằng vụ trộm của Takashi, kẻ này sau đó bị bắt. Nhưng liệu có thể nào một phạm nhân đang ở trong tù lại có cách cầm tù luôn những người thân xung quanh của mình trong suốt 15 năm? Ấy thê mà Takashi lại cần mẫn làm được việc tưởng chừng bất khả thi ấy.
Chúng ta tin rằng chúng ta không có sự kỳ thị, nhưng khi bản thân gặp người có hoàn cảnh éo le như anh Naoki trong Thư – em trai của kẻ phạm tội- thì nhiều người lại chọn cách né xa Naoki dù rằng bản thân anh này không có lỗi gì, chỉ có cái mác “em trai kẻ giết người” duy nhất tồn tại và song hành với con người anh ta gần như cả cuộc đời. Sự kỳ thị ấy của xã hội không chỉ là một đòn giáng vào Naoki mà còn giáng vào gia đình, bạn bè và các mối quan hệ xã hội của Naoki sau này, khiến Naoki trở thành đơn độc lẻ loi, bất giác thành một thành phần của ngoài rìa cuộc sống.
Thư không chỉ nói về sự thống khổ mà còn cả sự tước đoạt, hoàn cảnh sống của Naoki mỗi ngày chỉ có bị tước đoạt hơn chứ không có tước đoạt nhất. Mà người tước đoạt đi cái quyền hoà nhập vào xã hội của Naoki lại chính là Takashi – người anh ruột và cũng là kẻ phạm tội giết người chứ chẳng phải ai khác.
Người ta cho rằng hình phạt thích đáng nhất của tên tội đồ chính là đằng sau song sắt, nhưng Takashi vẫn có cách để cầm tù từ xa những người vô tội 15 năm, từ người thân nhất cho đến cả những người không quen. Takashi hối cải nhưng đồng thời sự hối cải của anh ta đã chôn vùi cuộc đời người khác cùng với mình.
Keigo Higashino bằng lời văn dung dị đơn giản nhưng đã đánh thẳng vào tâm lý người đọc rằng hãy nhìn vào thực tế và tự đặt cho mình câu hỏi, tại sao xã hội lại kết án những con người vô tội như Naoki chỉ vì anh trai phạm tội giết người.
Chi tiết thích nhất với tớ trong này là ca khúc Imagine của John Lennon xuyên suốt cùng với chủ đề của Thư. Đọc xong rồi mà thông điệp vẫn cứ âm oang bên tai mãi: “Một thế giới không có phân biệt hay thành kiến, chỉ có thể là sản phẩm của trí tưởng tượng.” Với những ai là fan của bác Keigo, hoặc những bạn nào u mê thể loại tâm lý như tớ thì highly recommend cuốn này nhá
*********
Mình nghĩ nếu không bao giờ đọc Cuốn sách “Thư” của Higashino Keigo, sẽ là một sự đáng tiếc trong đời mình. Keigo lại một lần nữa kinh ngạc mình, đã đọc qua 4 tác phẩm của ông và chưa tác phẩm nào mình đánh giá dưới 3.75 sao.
Quyển sách “Thư” của Higashino Keigo sẽ không có gì đáng nói nếu phần sau Keigo không bóp nghẹt trái tim người đọc. Hình ảnh cuối của Tsuyoshi cứ ám ảnh mình mãi còn lời bộc bạch của Naoki lại khiến tâm can mình nặng trĩu. Cái kết cảm xúc nhất của Keigo, tàn nhẫn hơn cả Phía sau Nghi can X. Mình đã quen với những tác phẩm trinh thám pha chút tâm lý xã hội của ông rồi nhưng chưa tác phẩm nào mạnh mẽ và gay gắt như Thư, vượt xa Bạch Dạ Hành.
Có thật sự một người từng có tiền án như Tsuyoshi chỉ cầm tù tại trại giam và cầm tù chính con người mình không. Không, họ còn có thể cầm tù cả những người thân của mình đến nhiều đời sau. Quyển sách như một đòn tâm lý đánh thẳng vào con người, con người có thật sự lên án nạn phân biệt đối xử hay đó chỉ là để thỏa mãn lòng ích kỉ của bản thân và để cảm thấy bản thân mình lương thiện. Nếu đặt họ vào trường hợp những người tiếp xúc với Naoki, liệu họ sẽ ứng xử như thế nào, giúp đỡ hay xa lánh?
Ở Thư, đọc giả sẽ không tìm thấy câu trả lời mà câu trả lời ở chính trong tâm chúng ta, giống như ở mục “Cảm nhận” ở cuối truyện, Thư là một tấm gương phản chiếu. Có thể mình không tìm thấy sự nổi bật và bất ngờ thường có ở Keigo trong nửa phần đầu nhưng 1/3 cuối đúng là tinh túy, đặc biệt là cái kết. Tạm gạt bỏ Keigo với những mẩu chuyện trinh thám sang một bên, đây sẽ là một quyển sách thuần tâm lý và u tối. Hồi đọc Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya mình đã bị chính tài lồng ghép yếu tố xã hội của Keigo thu hút, nhưng Thư lại còn ở một đẳng cấp khác.
*******
Nếu nhìn vào quá trình sáng tác của Higashino Keigo, đặc biệt là giai đoạn sau khi cho ra mắt “Ác ý”, rõ ràng sự nghiệp của ông đã có bước chuyển mình với nhiều tiểu thuyết viết về đề tài tâm lý xã hội hơn là về trinh thám cổ điển. Với “Thư”, không khí truyện cũng đậm đặc sự ngột ngạt và bế tắc như trong truyện “Bí mật của Naoko”, cùng đẩy người đọc vào thế lưỡng nan rất khó để phân định rạch ròi điều gì đúng điều gì sai và con người ta phải sống tiếp thế nào.
“Thư” là câu chuyện của hai anh em mồ côi cha mẹ Tsuyoshi và Naoki. Sau khi người anh phạm tội cướp của giết người, người em phải tự lập cuộc sống từ khi còn là một học sinh cấp 3 và sau đó từng bước cố gắng phấn đấu để vượt qua những khó khăn, trắc trở của một người có xuất thân từ gia đình phạm nhân, để sống một cuộc sống bình thường như bao người.
“Thư” hoàn toàn không phải là một cuốn sách trinh thám. Nó chỉ lấy một yếu tố phạm tội hình sự rất nhỏ để tập trung khai thác sự phát triển trong tâm lý nhân vật đằng sau đó. Với “Thư”, bức tranh xã hội Nhật Bản đầy rẫy định kiến và kỳ thị đối với những gia đình có người thân phạm tội trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Ẩn sau những tư tưởng tự do cởi mở, Nhật Bản vẫn là vùng đất bị trói chặt trong những quan niệm truyền thống và tư tưởng Á Đông vốn đã ăn sâu vào gốc rễ. Đó là một xã hội coi trọng xuất thân, bằng cấp và quan hệ.
Tuy nhiên, tác giả không lên án điều đó. Trái lại, có cảm giác ông đang đưa một góc nhìn mới mẻ vào trong khía cạnh này, khi sự kì thị hay định kiến của xã hội là một dạng tâm lý có thể hiểu được. Điều này thể hiện rất rõ qua các nhân vật phụ đã xuất hiện trong truyện: thầy giáo chủ nhiệm, chủ nhà hàng đồ ăn nước ngoài, cô người yêu đầu tiên và đặc biệt là chủ tịch công ty điện tử. Ai cũng đều hiểu bản chất việc kì thị Naoki là không đúng khi anh hoàn toàn không có tội, nhưng vấn đề của xã hội là họ không biết phải cư xử như thế nào thì mới được coi là “chống phân biệt đối xử”.
“Không biết phải đối xử với cậu ra sao cho phải, mọi người cũng khổ tâm lắm. Thật ra họ chẳng muốn dính líu tới cậu, nhưng tỏ thái độ lộ liễu thì lại thành trái đạo đức. Thế nên họ mới khách sáo một cách thái quá. Đây chính là hành vi ‘chống phân biệt đối xử’ mà người ta nhắc tới.”
Đặc biệt hơn, phạm nhân ngoài việc ăn năn hối lỗi về việc mình làm gây tổn hại thế nào đến nạn nhân và gia đình nạn nhân, còn phải hiểu rằng hành động phạm tội của mình cũng chính là đã giết chết tính xã hội của người thân, cũng là một dạng “cầm tù” người thân trong rất nhiều đau khổ và dằn vặt. Có lẽ đây cũng chính là thông điệp tác giả muốn gửi gắm cho tất cả mọi người, dù bằng bất cứ lí do gì, việc phạm tội cũng sẽ mang lại rất nhiều hậu quả, không chỉ cho bản thân mà còn cho cả những người chúng ta yêu quý.
Đoạn kết của “Thư” sẽ khiến cho nhiều người đọc rớt nước mắt. Những lời hát trong Imagine của John Lennon về một thế giới không có định kiến hay phân chia ranh giới cuối cùng cũng không thể được cất lên từ giọng của Naoki. Có lẽ cho đến tận lúc đó, hình ảnh người anh nhỏ thó nhắm mắt chắp tay cầu nguyện đã chấm dứt cho gần 15 năm đau khổ của Naoki. Hoặc cũng có thể lại tiếp tục mở ra một chặng đường mới, một “đêm trường tăm tối” mãi mãi không có lối ra.