Cuốn sách “Thử Vai” của tác giả Ryu Murakami mở đầu bằng câu chuyện đầy xúc động về Asoyama, một người đàn ông đã sống trong cảnh đơn độc nuôi con suốt bảy năm sau cái chết của vợ. Không bao giờ nghĩ đến việc tiến xa hơn trong cuộc sống, Asoyama bất ngờ bị con trai duy nhất thúc đẩy bằng khao khát tình thân gia đình, một khao khát đã tắt lịm trong lòng anh từ lâu.
Cuộc sống của Asoyama bất ngờ thay đổi khi bạn thân Yoshikawa, một người trong ngành giải trí, sắp xếp cho anh tham gia vào một cuộc thi tuyển vợ giả. Với 2000 hồ sơ ứng viên, chỉ có một người phụ nữ làm cho trái tim của Asoyama rung động. Tuy nhiên, cuộc sống đầy kinh hãi và những khám phá đen tối sắp chờ đợi anh ta.
Ryu Murakami, với phong cách viết dựng dưng đặc trưng, tái hiện một câu chuyện mà khiến độc giả không khỏi rùng mình. Qua câu chuyện này, người đọc nhận ra sự tàn ác và đau đớn của con người có thể tạo ra những quỷ dữ trong tâm hồn. Ông vẫn tiếp tục khai thác các đề tài gây sốc, khám phá sâu vào tâm lý con người và tạo ra những trải nghiệm đọc đầy kịch tính và sâu sắc.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Thử Vai của tác giả Ryu Murakami
—
Bảy năm trời trong cảnh gà trống nuôi con sau khi vợ chết, Aoyama chưa từng nghĩ đến việc đi bước nữa. Thế rồi chính cậu con trai độc nhất đã thối bùng lên ngọn lửa khao khát gia đình tưởng chừng đã tắt lịm bấy lâu. Tay bạn thân trong ngành giải trí của gã, Yoshikawa, đã dàn xếp cho gã một cuộc thử vai trá hình để tuyển vợ. Hai nghìn hồ sơ đăng ký, chỉ duy nhất một người con gái làm gã xiêu lòng. Nhưng điều gì đang chờ đợi gã, hạnh phúc hay nỗi kinh hoàng?
Lại một lần nữa Ryu Murakami khiến độc giả phải rùng mình. Giọng kể dửng dưng đặc trưng của Ryu không làm vơi đi cảm giác kinh hoàng độc giả thấm thía từ câu chuyện. Hơn tất cả, từ nỗi sợ ấy người ta nhận ra, sự hành hạ con người sẽ tạo ra quỷ dữ…
“Tinh tế nhưng vô cùng ám ảnh, Thử vai củng cố thêm danh tiếng bậc thầy của Ryu Murakamt trong dòng truyện tâm thần-kinh dị Nhật Bản. ” —Amazon.co.uk
“Giọng văn đầy bi thương và chấn động lòng nguời, nhưng vẫn không thiếu đi nét tỉnh táo và sắc lạnh như dao mổ… ” —The Guardian
► Đừng bỏ qua sách này nhé:
Aoyama Shigeharu bắt đầu muốn tái hôn từ lần cậu con trai Shigehiko gợi ý: “Bố đi bước nữa đi.”
Bảy năm trước, khi Aoyama ba mươi lăm tuổi và con trai Shigehiko mới lên tám, vợ gã là Yoko đã lặng lẽ lìa bỏ cõi đời bởi chứng ung thư do virus. Ở người trẻ tuổi, ung thư phát triển rất nhanh, dù đã được phẫu thuật một lần nhưng Yoko ra đi chỉ một tháng sau khi phát bệnh và có chẩn đoán chính thức. Nhanh đến ngỡ ngàng. Aoyama thổ lộ với bạn bè rằng: “Còn chẳng kịp để mà buồn đau.”
Yoko là con gái độc nhất của giám đốc một công ty sản xuất nhạc cụ quy mô nhỏ nhưng rất uy tín và có lịch sử lâu đời, cô trưởng thành trong vòng tay yêu thương và nghiêm khắc của người cha yêu nhạc cổ điển và Jazz. Cô có gương mặt thanh tú, cá tính mạnh mẽ và khiếu thẩm mỹ kiểu truyền thống, hơn thế, cô luôn âm thầm là chỗ dựa cho Aoyama trong công việc cũng như trong cuộc sống. Đến giờ Aoyama vẫn nghĩ rằng, việc gã dám mạo hiểm rời bỏ hãng quảng cáo lớn sau mười năm gắn bó, rồi tự lập công ty sản xuất băng video thương mại và PR cũng là do có Yoko luôn ở phía sau cảm thông và chung sức.
Vào thời kỳ kinh tế bong bóng, công ty sản xuất băng phim quảng cáo và PR của gã vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt ngay từ khi mới thành lập, mấy tháng liên tục bấp bênh trên bờ vực phá sản. Lúc đó, bố Yoko đã ra tay cứu giúp. Ông có mối giao hảo với nhiều nhà thờ Công giáo ở vùng Đông Á nhờ việc chế tạo và cung cấp các loại đàn organ ống lớn. Đúng thời điểm thiết bị chạy băng từ VHS bắt đầu được phổ cập nhanh chóng tại các nước công nghiệp mới vùng Đông Á, Aoyama đã cho thu hình lại một phần Kinh Thánh và bán được dễ đến hàng chục, hàng trăm nghìn bản.
Dầu có như thế, Yoko luôn giữ ý tứ với chồng. Cô tuyệt nhiên chưa bao giờ tỏ thái độ kiêu căng. Đương nhiên Aoyama luôn tôn trọng và cảm kích Yoko nhưng ngay từ hồi đi làm thuê, gã vốn đã có thói trăng hoa. Khi băng video về Công giáo bắt đầu bán chạy như tôm tươi, gã từng tốn hàng triệu yên vào đám gái trong các hộp đêm của khu Roppongi. Vậy mà Yoko vẫn cứ nhẫn nhịn không để xảy ra xung đột nghiêm trọng nào trong gia đình, một lòng nuôi nấng Shigehiko nên người.
Chẳng có thằng đàn ông nào không từng nghĩ rằng mình sẽ tự do đến nhường nào nếu một mai vợ chết đi. Lại có nhiều thằng bấm ngón tay đếm từng ngày chờ vợ dẫn con về ở luôn nhà ngoại. Ấy thế mà cứ thử vắng bóng vợ là đại để lũ đàn ông chẳng làm được gì ra hồn. Thậm chí chúng không thể nảy ra ý định làm điều gì khuất tất bởi còn đang chìm trong cảm giác hẫng hụt vì đột ngột phải rời xa chỗ dựa tinh thần mà cho tới lúc đó bọn chúng còn chưa kịp nhận thức ra.
Khi mất Yoko, Aoyama bị một cảm giác bơ vơ tột cùng xâm chiếm. Một người bạn là bác sĩ của gã đã chẩn đoán đó là những dấu hiệu tiền trầm cảm và khuyên gã nên nghĩ ra việc để làm, nếu không sẽ phát bệnh ngay. Nghe vậy, gã liền lên kế hoạch cho hai việc.
Đầu tiên là cố gắng dành thời gian cho Shigehiko. Shigehiko cũng đang trong tình trạng bị sốc mạnh, và trước đó, việc chăm sóc con lại phó mặc hết cho Yoko nên mất khá nhiều thời gian để hai bố con nói chuyện bình thường với nhau. Aoyama mua bóng và găng tay để thỉnh thoảng hai bố con cùng chơi trò ném bóng, chơi trò chơi điện tử, đến rạp xem phim.. gã làm bất cứ điều gì nghĩ ra được. Gã mua thẻ hội viên tại một câu lạc bộ thể thao gần nhà, dành thời gian thích hợp và hầu như ngày nào cũng dẫn Shigehiko qua đó. Gã dạy Shigehiko bơi sải và bơi ếch dù đó vốn là sở đoản của cậu. Nửa năm sau, khi Shigehiko bơi sải được 100 mét cũng là lúc hai cha con gần như dần gượng dậy được sau cú sốc mang tên Yoko. Cô mất vào giữa mùa đông, giờ tiết trời đã chuyển sang mùa mưa nồng ẩm ướt. Lúc rời câu lạc bộ thể thao đi ra bãi xe, chợt nhìn thấy khóm hoa tú cầu, Shigehiko liền chỉ tay khen: “Bố ơi, đẹp quá !” Màu hoa tú cầu tim tím phản chiếu như thấm sâu vào cơ thể vốn mệt nhoài nhưng đầy sảng khoái sau khi bơi. Ừ, đẹp thật, gã thầm nghĩ. Khi còn đang bị sốc, người ta đâu có ngắm hoa.
Việc thứ hai là mời nữ nhạc công chơi đàn organ ống tầm cỡ thế giới từ Đức sang. Sinh ra tại Đông Đức cũ, nữ nhạc công nổi tiếng đó chưa bao giờ tổ chức công diễn với mục đích thương mại. Aoyama bắt đầu từ việc viết thư. Để viết thư thì trước tiên cần phải học về lịch sử Công giáo, sau là về cuộc đời Bach, rồi về văn hóa châu Âu thời Trung cổ. Gã bắt đầu học cả tiếng Đức. Đồng thời bắt tay vào việc tìm thuê hội trường nhưng cứ nhắc đến tên nữ nhạc công đó là gã bị những nhà tổ chức chuyên nghiệp cười khẩy. Một loạt những việc ấy, Aoyama tự làm tất cả, không nhờ cậy chút nào đến bố Yoko, thậm chí còn không cho ông biết mình đang làm gì. Gã muốn tự mình làm hết. Suốt hai năm trời, Aoyama liên tục viết thư mà không cần biết khổ chủ có đọc hay không, và cuối cùng, khi nhận được trả lời dù là câu từ chối lịch sự, gã cũng mừng đến rơi nước mắt. Sau đó gã lại tiếp tục gửi hàng chục bức thư với nội dung kiểu như: “Việc ghi lại buổi trình diễn của bà với nhạc cụ tuyệt hảo nhất là sứ mệnh của chúng tôi, những kẻ sùng bái thánh thần.” Trên thực tế, Aoyama chẳng tin gì vào thần thánh mà chính những băng video ngày xưa gã làm cho các nhà thờ ở vùng Đông Á đã phát huy tác dụng. Năm năm sau ngày gã gửi đi bức thư đầu tiên, nữ nhạc công luống tuổi đó đã đến biểu diễn duy nhất một buổi hòa nhạc miễn phí tại trường Đại học Âm nhạc ở Mejiro. Buổi hòa nhạc thành công tốt đẹp, gã đã thu băng lại tất cả. Người mừng hơn hết thảy là bố Yoko, ông hiểu tâm nguyện của gã, đó vừa là lễ cầu siêu dành cho Yoko, vừa tượng trưng cho xuất phát điểm mới của một con người.
Shigehiko mới mười lăm tuổi mà đã vượt quá chiều cao 1 mét 74 của Aoyama, bây giờ cậu bơi sải và bơi ếch nhanh thoăn thoắt. Đánh tennis cậu cũng lên tay nhanh hơn dù hai bố con mới tập từ hai, ba năm trước. Shigehiko giống Yoko cả về tướng mạo và tính cách. Hiện hai bố con vẫn sống tại căn nhà thuê ở quận Suginami, nơi bố Yoko giới thiệu. Tuy là nhà thuê nhưng rất thoải mái với diện tích lên tới hai trăm năm mươi mét vuông. Chủ nhà là một nhạc sĩ nhạc Pop cao tuổi không muốn bán nhà cho người lạ, hiện ông đang sống tại khu nhà an dưỡng đầy đủ tiện nghi, có cả suối nước nóng nằm dưới chân núi Phú Sĩ. Đối với gã, một người điều hành công ty có mười bốn nhân viên, văn phòng được đặt trong tòa nhà đa chức năng cạnh đường Meiji ở khu Shibuya, thì giờ đây số tiền thuê nhà hơn năm mươi vạn yên một tháng chẳng phải gánh nặng gì to tát.
Shigehiko học tại một trường cấp III dân lập phía Tây Tokyo, cậu đam mê tiếng Anh và hóa học, quan hệ với bạn bè rất tốt. Chính cậu đã gợi ý Aoyama lấy vợ khi hai bố con đang xem truyền hình trực tiếp chương trình Marathon nữ vào một buổi chiều mùa hè chủ nhật.
Aoyama đang nằm dài uống bia lon trên ghế sofa trong phòng khách. Từ phòng khách nhìn được ra vườn qua cửa kính. Qua kẽ hở của tấm rèm đăng ten do tự tay Yoko may khi xưa, con chó săn tên Gang đang vừa sủa vừa chạy vòng quanh cô giúp việc Rie. Cô Rie năm nay bốn mươi chín tuổi, dáng người đậm đà, tính tình dễ mến, thích nghe chanson, thích du lịch, thích cầu thủ Furuta của đội bóng chày Swallows. Cô được một công ty môi giới người giúp việc giới thiệu, hiện cô đang sống ở khu Musashisakai. Cô khá hợp với Shigehiko nên Aoyama quyết định ký hợp đồng dài hạn, đến giờ đã được bốn năm.
Cuộc thi Marathon diễn ra được khoảng hai mươi phút thì Shigehiko bước vào hỏi “Bố xem gì thế ?” rồi thả mình xuống ghế sofa đối diện tivi.
“Ô, trời sập hay sao mà mày ở nhà.”
Vươn mình khỏi ghế sofa, châm điếu thuốc, gã hỏi lại.
“Chiều tối con mới đi chơi, bây giờ ngoài đường nóng phát rồ. Mà bố sao thế nhỉ ?”
“Sao là làm sao ?”
“Bố mà thích xem Marathon cơ à ?”
“Ghét là đằng khác.”
“Thế sao lại còn xem ?”
“Thì xem bọn con gái nó chạy.”
“Chẳng có cô nào xinh, trông lại còn gân guốc đầy mình nữa chứ.”
“Này, môn Marathon này về sau rồi kiểu gì nữ cũng sẽ chạy nhanh hơn nam.”
“Làm gì có chuyện.”
“Căn cứ vào lượng mỡ trong cơ thể chẳng hạn, về thể chất bố nghĩ là được thôi. Giá có lúc chứng kiến được cái ngày lịch sử ấy ! Ờ, nhưng hôm nay chắc không ăn thua rồi.”
“Rỗi hơi quá đấy bố ơi.”
“Rỗi hơi cái gì, đôi lúc cũng cần phải nghỉ ngơi cho thư thái đầu óc chứ.”
“Có tuyển thủ Uzbekistan nào tham gia không nhỉ ?”, ngồi xem được một lúc, Shigehiko lại nói.
“Cứ khoảng hai ngày con lại gặp một cô bé trên tàu, xinh đáo để. Mãi gần đây mới dám bắt chuyện thì biết cô bé người Uzbekistan. Cô ấy nói đang học trường y tá và làm thêm cho một quán bánh ở khu Tachikawa. Cô bé đẹp thật ! Ở trường con ấy à, toàn những đứa ma chê quỷ hờn. Cấp II thì cũng có vài đứa đáng liếc qua nhưng đúng là chẳng hiểu tại sao mà bọn con gái xinh cứ biến đi đâu hết.”
Máy quay đang hướng vào trung tâm của nhóm dẫn đầu, nơi có hai tuyển thủ Nhật nhưng mặt mũi đều chẳng có gì nổi bật. Cũng từng có tuyển thủ Nhật Bản khá xinh tham dự Olympic mấy năm trước ở Barcelona hay Seoul gì đấy nhưng Aoyama chẳng còn nhớ nữa.
“Gái xinh giờ hiếm khác gì bọ cánh cứng có sừng hay bọ vừng đâu” Aoyama nói với Shigehiko.
“Phải hiếm như giống báo đen gần tuyệt chủng, hay giống cá vây tay sống ở eo biển Madagascar ấy chứ. Bọ cánh cứng cũng không đến nỗi bò đầy ngoài kia nhưng vào rừng mà nhìn dưới các gốc cây xem, kiểu gì chẳng thấy.”
“Các trung tâm thương mại có đầy !”
“Đắt lắm !”
“Thế con gái xinh ở đâu không biết !”
“Lại chẳng đầy ở những chỗ như sảnh chờ trước các chương trình ca nhạc của Fuji TV này, hay ở các quán đèn mờ trong tầng hầm khu Roppongi ấy.”
Suýt nữa thì gã buột miệng “Bọn đó thì hiển nhiên là đắt rồi.” Tính cách Shigehiko giống hệt Yoko nên cậu có chỗ khuôn phép khác thường.
Sau đó, hai bố con lại tiếp tục xem, Aoyama nhận thấy con mắt xem Marathon của gã dường như đã thay đổi hẳn. Hồi xưa, khi theo dõi Abebe Bikira ở Olympic Tokyo, Marathon với gã đã là một biểu tượng. Gã xem Marathon với cảm giác hòa nhịp cùng các vận động viên đang chạy miệt mài bằng tất thảy nguồn động lực trong cơ thể. Lúc ấy đã có những động lực mang tầm quốc gia ăn sâu vào ý thức từng người. Mục tiêu không chỉ là vì sự phát triển kinh tế, và chắc cũng không đơn giản là nỗ lực nâng giá trị đồng Yên thành đồng tiền quốc tế. Giờ gã cho rằng động lực mang tầm quốc gia đó hẳn là những gì liên quan đến thông tin. Nếu loại trừ lương thực, quần áo, thuốc men, mà không, ngay cả để có được chúng thì giá trị của thông tin cũng chẳng hề thấp. Hai, ba năm sau chiến tranh, nạn đói đã hoàn toàn được giải quyết. Ấy thế mà người Nhật vẫn miệt mài lao động với khối lượng công việc khủng khiếp. Liệu có phải vì một cuộc sống sung túc ? Nếu đúng thế thì chẳng thấy sự sung túc ở đâu. Không gian sống không hề thoải mái, đi đâu cũng thấy bẩn thỉu, rồi cả những toa tàu điện lèn chật người đến mức súc vật có bị nhét vào đấy thì cũng đi đời, ấy thế mà đến giờ mấy toa tàu điện đó vẫn cứ chạy hàng ngày. Cái mà người Nhật mong muốn không phải là cuộc sống mà là “hàng hóa”. Và đương nhiên “hàng hóa” cũng là một loại thông tin. Khi “hàng hóa” thừa mứa thì giá trị thông tin cũng sẽ giảm đi nhiều, mọi nguồn động lực đều tiêu tan. Rồi hầu hết mọi người đều đắm chìm trong cái khái niệm gọi là hạnh phúc. Tuy nhiên, mỗi khi cơ thể không còn đủ sức chống cự, những nỗi buồn bã thấu tim gan liền xâm chiếm lòng người mà không rõ lý do từ đâu. Tâm tư trở nên bất an. Những thứ tạm thời dập tắt được sự bất an đó là tình dục, giết người, hay bạo lực.
Ngày trước, khi xem qua truyền hình, gã thấy rằng tất cả vận động viên chạy Marathon đều có chung một động lực thi đấu. Giờ đã khác xưa. Lẽ dĩ nhiên, người ta thi đấu với vô số động cơ riêng. Đau đớn thay là những người cùng sinh ra trên đất nước này lại thản nhiên thừa nhận điều ấy.
Trong khi gã đang nhìn màn hình tivi miên man suy nghĩ thì bỗng dưng Shigehiko cất tiếng: “Bố này, hay bố đi bước nữa đi.”
Tối hôm đó Shigehiko đi chơi nhà bạn. Aoyama xoay xở bữa tối một mình. Nhờ cô Rie đặt hộ nồi cơm, gã ra ngay siêu thị chuyên bán hàng nhập khẩu cách đó vài phút đi bộ, mua trứng gà Pháp, thịt vịt quay, rồi cá hồi hun khói và nấm. Chẳng phải gã thích nấu ăn mà chỉ đơn giản thấy việc đó không có gì phiền phức. Đầu tiên xếp nấm đã chần qua nước sôi, trải những lát cá hồi hun khói lên đĩa, sau đó là rải nụ bạch hoa và rắc lên tiêu đen còn tươi nguyên. Nấm thì vắt một ít chanh và rưới chút xì dầu. Đồ uống trong tủ lạnh có đến mười mấy loại bia luôn được ướp lạnh ở nhiệt độ vừa phải. Vừa nhâm nhi ly bia xuất xứ từ Bỉ, Aoyama nhớ lại: “Ngày xưa chẳng thể được thế này”. Khi sang Đông Đức để gặp nữ nhạc công chơi đàn organ ống, gã đã sống ba tuần tại thành phố cổ Writtenberg bé tí xíu lọt thỏm giữa Leipzig và Berlin. Đồ ăn và hàng hóa ở đó vô cùng nghèo nàn, chỉ có phong cảnh ven dòng sông Elbe là đẹp đến ngất ngây. Không phải là thành phố lớn nên cũng chẳng có cửa hàng nào chuyên bán thực phẩm cho người nước ngoài. Hàng ngày gã lặng lẽ xếp hàng mua bánh mì, rau, thịt, cả thứ bia tự chế của nông dân trong vùng. Ba tuần đều đều trôi qua chẳng có gì ầm ĩ nhưng cũng không đến mức tẻ nhạt. Vào một giờ nhất định hàng chiều, gã lại đến nhà người nữ nhạc công già, một ngôi nhà đá thiết kế đơn giản nằm trên đỉnh đồi, tán những chuyện chẳng liên quan gì đến hòa nhạc bằng thứ tiếng Đức bập bõm. Những lúc khác, gã vẫn thường tản bộ trên lối đi lát đá phiến cạnh dòng Elbe êm đềm, thỉnh thoảng lại nhặt được đầu đạn từ hồi Thế chiến II giữa Đức với quân Liên Xô. Còn buổi tối, gã tự mình nấu nướng. Đánh lửa chiếc bếp ga cổ lỗ trong căn hộ chật chội ấy cũng là cả một vấn đề, nhưng gã vẫn thích thú mê mẩn ngắm ngọn lửa có màu xanh nhạt kỳ lạ đó. Ngày xưa đó thật hoàn hảo, Aoyama hồi tưởng lại, cái cảm giác viên mãn ấy đã làm thay đổi cả con người mình… Sau đó gã tiếp tục sống với cảm giác mãn nguyện có được từ công việc chuẩn bị cho chuyến biểu diễn của nữ nhạc công và thành quả của việc đó. Với việc sản xuất băng video quảng cáo và PR, gã không phút nào xao nhãng. Mọi việc đều thuận buồm xuôi gió. Gã đã tách biệt hẳn với lối sống bừa bãi như hồi còn sống với Yoko. Thi thoảng gã vẫn lui tới những quán rượu có gái, cơ hội tiếp cận đàn bà trong công việc cũng chẳng ít, cũng không hẳn không có đối tượng để làm tình. Thế nhưng, cái có thể gọi là tình yêu vẫn chưa thành hình dạng. Chẳng phải gã thấy phiền hà khi cặp kè với đàn bà hay có cảm giác tội lỗi với Yoko, cũng không vì Shigehiko mà gã ngại ngần. Bạn bè, người thân xung quanh cũng thường xuyên gợi ý xa gần. Thậm chí đến bố Yoko cũng có lần rào trước đón sau: “Ta nói thì có vẻ hơi buồn cười…”, rồi mang ảnh ra định giới thiệu một phụ nữ khoảng trên ba mươi trông rất quý phái. Nhưng sau đó, không ai nhắc đến nữa khi Aoyama cứ từ chối hết lần này đến lần khác. Bạn bè đều xem gã như một nhà đạo đức chính thống. Gã cũng mặc nhiên chấp nhận điều đó dù chẳng qua chỉ là gã thấy quá phiền phức. Giả như nhu cầu tình dục không thể kiềm chế được hay nghèo xơ nghèo xác thì có khi gã đã nghĩ đến chuyện đi bước nữa. Gã đã tốn quá nhiều thời gian để hoàn thành cả hai tâm nguyện tự đặt ra sau khi Yoko mất. Gã đã phải cẩn trọng từng bước một để có một vị trí chắc chắn trong giới nghệ thuật. Thế nên gã chẳng còn hơi đâu mà dành quỹ thời giờ bận đến tối mắt ấy cho đàn bà.
Thế nhưng Shigehiko đã lên tiếng: “Bố này, dạo này nhìn bố cứ ủ rũ làm sao ấy. Hay bố đi bước nữa đi.”
Yoshikawa trước là đồng nghiệp với Aoyama. Hiện y đang làm trong mảng điện ảnh sau gần hai mươi năm lăn lộn ở lĩnh vực truyền hình. Công việc của Aoyama và Yoshikawa chẳng có gì liên quan nhưng được cái hai gã hợp tính nhau nên hay gặp gỡ và tán chuyện không biết chán. Một người có năng lực như Yoshikawa thay đổi công việc không phải do thời hoàng kim của phim ảnh đã trở lại như xưa. Mảng công nghệ liên quan đến các công cụ lưu trữ phim ảnh, như video hay CD- ROM đã có những bước phát triển lớn. Còn các nguồn video kỹ thuật số dành cho người tiêu dùng cá nhân thì phần mềm hiện tại chỉ đáp ứng được chất lượng phim nhựa chứ chưa đạt được mức như video kỹ thuật số. Chỉ phần cứng để tiếp nhận tín hiệu chất lượng cao là sẵn sàng còn phần mềm vẫn chưa theo kịp bước tiến công nghệ. Đặc biệt, máy quay chất lượng cao cho đến giờ vẫn chưa thành hiện thực. Cũng không hẳn Yoshikawa chỉ xem xét đến sự phát triển của thiết bị lưu trữ rồi chuyển sang làm phim. Lĩnh vực điện ảnh cần có những cuộc đàm phán phức tạp với các hãng phim lớn hay các nhà tài trợ, và để khai thác triệt để những điều đó thì không thể thiếu những nhân tài như Yoshikawa.
Yoshikawa luôn chọn quán bar trong khách sạn cho các cuộc hẹn. Tối hôm đó, y chọn một quán bar dành cho giới trưởng giả có biểu diễn đàn hạc ở khu Akasaka.
“Giờ chẳng còn chỗ nào cho cánh đàn ông ngồi nhâm nhi với nhau nữa rồi.”
Yoshikawa đến muộn năm phút, y đảo mắt nhìn quanh, nhấp một ngụm Cherry on the rock, rồi phán.
“Ông nhìn xem, toàn những cặp trời ơi đất hỡi, cái lũ ấy sao mà hiểu được vị ngon của Bloody Mary cơ chứ, ừ thì thây kệ chúng nó thôi, nhìn hai đứa con gái phía kia kìa, nhăn nhăn nhở nhở, uống cái gì thế kia, Gimlet à, chắc tầm năm năm nữa thôi thì quán bar nào cũng thành quán rượu hết.”
“Tôi thì chẳng nghĩ các quán hồi xưa là hay, nó có cái kiểu phân biệt đẳng cấp mà tôi không thích. Hồi ấy, ngay cả tại những quán trông màu mè trịch thượng, thứ cocktail chính hiệu cũng chỉ có trong tưởng tượng đấy thôi.”
“Ừ, nhưng có cái gì đó không bình thường ở đây, loạn hết cả rồi. Tình trạng như thế này chẳng có vẻ gì là do xã hội đã hết ranh giới giàu nghèo.”
“Liệu có phải đơn giản là bọn mình đã già rồi chăng ?”
“Tôi thấy thế chỉ nói lên được một điều. Đứa nào chẳng nghĩ sau mười năm, trái đất vẫn quay chứ ? Mình vẫn sống, dù có động đất hay khủng bố hàng loạt đi chăng nữa. Sao ai cũng nghĩ thế cơ chứ.”
“Tức là sao ?”
“Tức là có làm gì cũng thế thôi, chẳng có việc gì là nhất thiết phải làm ngay cả. Từ những cái nhỏ nhặt như chuyện hẹn hò của lũ choai choai vật vờ ngoài kia đến tầm cải cách hệ thống thuế má, không làm ngay bây giờ cũng có chết ai.”