Cuốn sách “Thuật Thao Túng: Góc khuất ẩn sâu mỗi câu nói” của tác giả Wladislaw Jachtchenko không chỉ là một tài liệu giúp bạn nắm vững các kỹ năng thao túng, mà còn là một tài nguyên quý giá để hiểu rõ hơn về bản chất của giao tiếp và tương tác con người.
Tác giả không chỉ đưa ra những kỹ thuật thao túng cụ thể mà còn đào sâu vào bản chất của thao túng, nhấn mạnh vào việc nhận biết và tránh xa khỏi những chiêu trò thao túng mà người ta thường gặp phải trong cuộc sống hàng ngày.
Với 10 kỹ năng và 37 thủ thuật được trình bày một cách chi tiết và minh họa, cuốn sách này cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan và sâu sắc về thế giới của thao túng. Đồng thời, nó cũng khuyến khích sự tự nhận biết và phản kháng đối với những nỗ lực thao túng từ người khác.
Cuốn sách này không chỉ hướng dẫn bạn cách thực hiện thao túng một cách hiệu quả, mà còn nhấn mạnh vào việc xây dựng một lối sống có đạo đức, tránh xa những hành vi thao túng không lành mạnh. Đó là lý do vì sao “Thuật Thao Túng” không chỉ là một cuốn sách về kỹ năng giao tiếp mà còn là một tài liệu giáo dục đạo đức quý báu.
—
Trên đời này, những người tốt bụng, ngây thơ thường chẳng mấy khi có kết cục tốt đẹp, bởi lẽ họ thường bị kẻ xấu vượt mặt bằng những chiêu trò thao túng xảo quyệt. Nhưng thế là đủ rồi! Đã đến lúc phản công, chào tạm biệt lối cư xử lịch thiệp và bắt đầu giành lấy những thứ thuộc về mình. Có thể bạn chưa biết, hầu như tất cả mọi người xung quanh đều đang cố gắng thao túng ta, dù là vô tình hay cố ý. Thế nên từ giờ, đây sẽ là luật chơi duy nhất: Thao túng người khác trước khi bị họ thao túng! Có một điều khá hiển nhiên là: Để vươn lên trong xã hội khốc liệt này, bạn không cần phải quá giỏi giang. Bạn chỉ cần trông có vẻ giỏi giang và biết cách gây ảnh hưởng lên những người xung quanh.
Chưa cần xét tới các chính trị gia để thấy sự thao túng được thực hành như thế nào trong đời thật, cuộc sống hàng ngày của chúng ta vốn dĩ đã tràn đầy những nhận xét cay nghiệt, những lời khen có cánh, những cuộc tranh giành quyền lực, hay những câu từ “gây chết người”. Tất nhiên, chỉ những ai sành sỏi mới có thể sống sót! Cuốn sách đầy chiêu trò và mẹo vặt này sẽ trang bị cho bạn tất cả những công cụ giao tiếp cần thiết. Bạn sẽ học được cách đứng vững trong thế giới đầy rẫy những kẻ thao túng, để đặt mong muốn của bạn lên hàng đầu, và để khẳng định bản thân trong cuộc sống cũng như trong công việc.
Phần mở đầu sẽ hé lộ lý do tại sao bạn sinh ra đã là một người biết thao túng. Sau đó, bạn sẽ khám phá Top 10 kỹ năng thao túng hàng ngày. Đây là những tuyệt chiêu sống còn giúp bạn thành công trong thế giới đầy thao túng. Tiếp theo, tôi sẽ mở ra Ba chiếc hộp chiêu trò giao tiếp xấu xa. Chương này sẽ đưa ra ánh sáng những thủ thuật thao túng cao tay nhất, bổ trợ cho top 10 kỹ năng. Bạn sẽ học được nghệ thuật thao túng người khác một cách ngấm ngầm và chính xác, đồng thời có trong tay một bộ công cụ đa dạng để sử dụng trong nhiều tình huống. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tôi sẽ giải đáp kỹ càng hơn câu hỏi liệu thao túng có trái đạo đức hay không, và đâu là giới hạn. Bạn không cần phải đọc cuốn sách này theo thứ tự từ đầu đến cuối. Nếu thích, bạn có thể bắt đầu từ một chương bất kỳ khiến bạn tò mò nhất. Lảm nhảm đến đây thôi. Bắt đầu đọc nhé!
—-
Bạn đã và đang thao túng người khác mỗi ngày, từ khi mới ra đời. Và người ta cũng thao túng bạn như vậy mỗi ngày. Vấn đề là: Ai giỏi hơn ai? Ai đạt được điều mình muốn? Ai bị đè bẹp? Chắc bạn sẽ không tin khi tôi nói rằng bạn sinh ra đã thao túng người khác. Từ hơi thở đầu tiên, bạn đã liên tục thao túng người khác để có được thứ mình cần, và sẽ tiếp tục làm điều đó cho đến cuối đời. Nếu bạn vẫn chưa tin thì hãy luót qua những ví dụ này xem:
- Khi còn là trẻ sơ sinh, chúng ta khóc cho đến khi được ăn no, uống đủ và giành được sự chú ý của bố mẹ. Và nếu họ không đáp ứng thì ta sẽ gào to hơn nữa cho đến khi bố mẹ không chịu nổi và phải chiều theo ý ta.
- Khi lớn hơn một chút, chúng ta quậy tung quầy thanh toán của siêu thị, hét toáng lên rồi rền rĩ cho đến khi bố mẹ mua cho ta món đồ chơi ưa thích. Và khi Giáng Sinh gần đến, ta sẽ ngoan ngoãn hết cỡ với hy vọng tìm được món quà trong mơ dưới gốc cây thông.
- Khi đi học, chúng ta gian lận trong thi cử, giả vờ đau đầu trước kỳ thi quan trọng và nói dối thầy cô về lý do ta chưa làm bài tập về nhà.
- Đến tuổi vị thành niên, ta cố gắng tỏ ra thật “ngầu”, mặc quần áo thời thượng để gây ấn tượng với người ta yêu mến.
- Lần đầu tiên ứng tuyển cho một công việc, chúng ta ghi trong sơ yếu lý lịch và thể hiện trong buổi phỏng vấn rằng mình là “người đáng tin cậy, tràn đầy động lực và làm việc nhóm hiệu quả”. Nhưng rồi sau đó, ta lại luôn tỏ ra chán nản và đếm ngược từng phút cho đến giờ tan làm.
- Đối với đồng nghiệp của mình, chúng ta thường tỏ ra tử tế hơn ngày thường khi cần họ giúp đỡ.
- Khi trở thành những ông bố bà mẹ, ta gửi con ở nhà ông bà để tranh thủ chút bình yên ít ỏi, nhưng lại bảo con rằng ông bà đang nhớ con lắm, hãy đến chơi với ông bà nhé.
- Khi trở thành sếp, chúng ta vỗ về cái tôi của nhân viên bằng những câu như: “Cậu là người duy nhất tôi có thể tin tưởng giao cho nhiệm vụ quan trọng như thế này” Nói thế thì họ từ chối sao được?
- Khi lên chức ông bà, ta chiều hư cháu mình nhằm “dự” chúng đến thăm ta thường xuyên hơn.
Danh sách này còn dài lắm. Thao túng hiện diện trong mọi vai trò xã hội của chúng ta, vậy nên, sẽ là thiếu sót nếu chỉ gắn thao túng với chính trị gia, dân môi giới bảo hiểm và đội ngũ kinh doanh xe hơi. Tất cả chúng ta, không ít thì nhiều, đều có xu hướng thao túng đối phương. Đôi khi ta cố tình, nhưng thường là vô ý. Đôi khi thao túng thành công,song cũng có lúc bất thành.
Tóm lại, ai trong chúng ta cũng đều đang thao túng người khác. Mỗi ngày. Vậy nên, vấn đề không phải là chúng ta có thao túng ai hay không, mà là chúng ta thực hiện việc đó hiệu quả như thế nào. Và liệu đến cuối cùng, chúng ta có đạt được những gì mình muốn hay không. Có một điều chắc chắn rằng: Nếu hiểu được bí quyết của cuộc chơi, bạn sẽ nắm giữ trên tay toàn bộ át chủ bài. Còn nếu không thì bạn sẽ mất sạch, chẳng có gì cả!
Câu hỏi lớn: Liệu việc thao túng có phi đạo đức? Có phải việc thao túng người khác hoàn toàn trái với đạo đức? Đa số mọi người, và hầu hết các tác giả, đều sẽ đồng thanh nói rằng: “Đúng vậy! Thao túng là phi đạo đức! Bạn chỉ nên dùng những chiêu trò như thế khi cần phải tự vệ mà thôi!” Nhưng làm gì đơn giản như thế. Đầu tiên, ta cần xác định rõ thao túng thực sự là gì. Dưới đây là định nghĩa đầy đủ: “Thao túng nghĩa là ngầm tác động lên người khác vì lợi ích của riêng bạn.” Thao túng ai đó không phải là thuyết phục họ (công khai tác động họ vì lý do đáng tin) hoặc nài nỉ để khiến họ đổi ý (công khai tác động họ một cách bền bỉ). Hầu hết mọi người cho rằng thuyết phục là cách tốt nhất (thành thật và lý trí nhất) để tác động lên ai đó. Với nhiều người, việc nài nỉ nghe có vẻ bất hợp lý và gượng ép, đồng thời cũng thường mang hàm ý tiêu cực.
Rốt cuộc, họ vẫn phải thực hiện cái việc mà ngay từ đầu họ không hề muốn làm. Tuy nhiên, việc thuyết phục hay nài nỉ vẫn tương đối minh bạch: khó mà không nhận ra khi người ta thôi làm phiền bạn nữa. Trong ba hành vi trên thì sự thao túng vẫn là tai tiếng nhất. Điều này thật bất công, và tôi sẽ giải thích tại sao. Lý do được viện dẫn nhiều nhất để giải thích tại sao việc thao túng trái với đạo đức chính là vì hành vi này thường diễn ra ngầm. Nói cách khác, thao túng chính là lợi dụng sự thiếu thông tin của “nạn nhân” khi họ không hề đề phòng hay nghi ngờ, rồi khiến họ sập bẫy với chiêu trò đen tối. Thế nhưng, ta không thể kết luận một việc là phi đạo đức chỉ vì nó diễn ra “trong bóng tối” được. Chỉ là đối phương không nhận ra hành động đó mà thôi. Nếu tôi giúp hàng xóm dập ngọn lửa bùng lên trong vườn nhà họ khi họ đi vắng và chẳng hề hay biết, bạn đâu thể lên án tôi vì điều đó, đúng không? Và cả khi bạn làm điều gì đó vì lợi ích của bản thân, hành vi ấy chẳng hề đi ngược lại với đạo đức.
Miễn là hành động của tôi không ảnh hưởng gì tới ai (tình huống 1: Tôi được lợi, và không ai bị thiệt hay có thêm lợi ích gì), hoặc là chúng tôi cùng có lợi (tình huống 2: Tôi được lợi, và người nào đó cũng được lợi dù không nhận ra họ vừa bị thao túng). Việc thao túng chỉ trở nên thiếu đạo đức khi bạn làm vì lợi ích của bản thân mà không hề quan tâm đến nhu cầu của người khác, rồi cuối cùng làm hại đến họ. Điều quan trọng là bạn thao túng người ta như thế nào và tại sao lại làm như thế.
Chúng ta nên cân nhắc rằng trong một số trường hợp, những hành vi phi đạo đức thực ra vẫn chính đáng. Và nếu vậy, đâu mới là giới hạn? (Nếu bạn muốn biết rõ hơn, hãy lật đến phần đánh giá tổng quan một cách có hệ thống về tính đạo đức của thao túng với ví dụ đi kèm). Cách dễ nhất để thao túng người khác là gì? Không hề có kỹ thuật thao túng nào là hiệu quả nhất. Tùy vào từng đối tượng mà ta có thể áp dụng những phương pháp thao túng khác nhau. Một số người dễ bị dắt mũi bởi ngôn ngữ hình thể chuyên nghiệp, có người lại dễ xuôi theo nếu ta có thể gợi nên trong họ sự đồng cảm, một số người khác sẽ dễ đồng thuận khi được nghe những “sự thật phiên phiến” hoặc lời khen ngợi. Những người giỏi thao túng sẽ đi tìm “gót chân Achilles” của đối tượng, rồi đưa điểm yếu này vào tầm ngắm. Chúng ta đều biết rằng ai cũng có nhược điểm của riêng mình. Và bạn chỉ cần tìm ra nhược điểm đó.
Điều mấu chốt cần nhớ là một khi bạn đã thu hút được sự quan tâm của đối phương, thì mỗi tương tác đều trở thành một nước đi trên bàn cờ giao tiếp, và bạn luôn có cơ hội để chiếu tướng đối thủ. Bạn có thể phản đối rằng “Tôi không muốn thao túng ai. Tôi thà dùng lý lẽ còn hơn!” Song, tôi xin đưa ra hai lập luận như sau: Đầu tiên, việc tranh luận thường giống như một trận đấu vậy. Triết gia người Đức Jürgen Habermas đã ví như thế khi ông nói về “sức ép tự nhiên của bên tranh luận giỏi hơn”.
Nhưng con người nào thích bị thúc ép, và trong khi tranh luận, hầu như lần nào họ cũng sẽ tự động đối đầu với bạn. Một góc nhìn khác là của triết gia Arthur Schopenhauer: Bản chất phù phiếm của bản thân khiến ta đặc biệt muốn bảo vệ suy nghĩ của mình, vậy nên trong tranh luận, ta chẳng bao giờ muốn đối thủ giành chiến thắng. Bởi thế, những trận cãi tay đôi hiếm khi kết thúc với việc một bên nói rằng “Thật sự thì cậu đã đúng” Trong đa số trường hợp, cuộc tranh luận sẽ đi vào bế tắc. Thao túng thì hiệu quả hơn nhiều vì đối thủ thậm chí còn không nhìn ra những kỹ thuật khéo léo của bạn.
Và chính vì vậy, họ không tài nào biết rằng bạn đang dắt mũi họ, nói chi là dùng trí thông minh của mình để chống lại bạn. Thứ hai, thao túng khá dễ thực hiện. Trong cuộc tranh luận, bạn luôn đối diện với rủi ro phạm lỗi: bắt đầu từ tiền đề sai, sử dụng định nghĩa không chính xác hoặc đưa ra kết luận lệch hướng. Khi tranh luận càng lâu thì bạn càng đưa ra nhiều mục tiêu để đối thủ nhắm vào. Đó là lý do các tổng thống và thủ tướng trên khắp thế giới thường phát biểu ngắn gọn thay vì những chuỗi lý luận dài dòng. Những chiêu trò thao túng, ngược lại, có hiệu quả ngay lập tức, đơn giản là vì nó dễ học, và người thao túng lại hay hành động trong bóng tối nên họ được bảo vệ khỏi sự tấn công. Vì vậy, sự thao túng dễ dàng đánh bại sự tranh luận với tỉ số 2-0.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Thuật Thao Túng: Góc khuất ẩn sâu mỗi câu nói của tác giả Wladislaw Jachtchenko