Cuốn sách “Tiền Không Mua Được Gì?” của Michael J. Sandel là một tiếng chuông cảnh tỉnh về sự lấn át của giá trị thị trường trong đời sống xã hội hiện đại. Tác giả đặt ra câu hỏi nhức nhối: Khi mọi thứ đều có thể mua được bằng tiền, thì những giá trị đạo đức và phi thị trường sẽ ra sao?
Sandel cho rằng, trong những thập niên gần đây, chúng ta đang chứng kiến sự xâm lấn ngày càng mạnh mẽ của các giá trị thị trường vào các lĩnh vực vốn không thuộc về nó. Từ giáo dục, y tế, cho đến nghệ thuật, chính trị, mọi thứ đều được định giá và trao đổi như hàng hóa. Hệ quả là những giá trị đạo đức, phi vật chất dần bị lu mờ, và con người trở nên coi trọng lợi ích cá nhân hơn lợi ích cộng đồng.
Tác giả lập luận rằng, nếu chúng ta không sớm nhận thức được nguy cơ này, xã hội sẽ dần biến thành một “nền kinh tế thị trường”, nơi mọi thứ đều được định giá bằng tiền. Con người sẽ đánh mất bản sắc và những giá trị đạo đức cốt lõi, dẫn đến những hậu quả khó lường cho xã hội.
Cuốn sách “Tiền Không Mua Được Gì?” là lời kêu gọi con người cần nhìn nhận lại vai trò của thị trường trong xã hội. Thị trường cần được kiểm soát bởi các giá trị đạo đức và phi thị trường, chứ không thể để nó chi phối mọi mặt đời sống. Chúng ta cần bảo vệ những giá trị đạo đức mà tiền không thể mua được, như tình yêu thương, lòng nhân ái, sự công bằng, và tinh thần cộng đồng.
Sandel cũng đưa ra một số giải pháp để giải quyết vấn đề này. Một trong những giải pháp quan trọng là cần giáo dục con người về giá trị đạo đức và phi thị trường. Chúng ta cần dạy cho con người biết trân trọng những giá trị này và biết cách bảo vệ chúng khỏi sự xâm lấn của thị trường.
Cuốn sách “Tiền Không Mua Được Gì?” là một tác phẩm giá trị, giúp con người nhìn nhận lại những vấn đề đạo đức trong thời đại thị trường. Cuốn sách là lời kêu gọi con người cần hành động để bảo vệ những giá trị đạo đức và phi thị trường, vì một xã hội tốt đẹp hơn.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Tiền Không Mua Được Gì? của tác giả Michael J. Sandel
► Sách khác bạn cũng sẽ thích:
—
LỜI GIỚI THIỆU
Chúng ta đã quen và bị thuyết phục bởi nền kinh tế thị trường: thông qua giá, thị trường điều phối tài nguyên quý hiếm để phục vụ xã hội một cách tốt nhất. Ai sẵn sàng bỏ nhiều tiền nhất để mua một cái gì đó sẽ là người sử dụng nó một cách hiệu quả nhất.
Nhưng, sâu thẳm trong lòng mình, chúng ta cũng tin rằng tiền không thể mua được tất cả mọi thứ: nó không mua được danh dự, không mua được sự sống và cái chết.
Nhưng đâu là ranh giới giữa những gì có thể mua được bằng tiền và những gì thì không. Chúng ta đã quen với việc những người mua vé máy bay có quyền lên máy bay trước mà không cần xếp hàng. Chúng ta cũng quen, tuy rằng cảm thấy khó chịu hơn, khi có người bỏ tiền để tranh giành cho được một chỗ trong trường tốt cho con mình đi học. Nhưng chúng ta rất khó chấp nhận khi người ta bỏ tiền để chen hàng cho người nhà mình vào phòng mổ cấp cứu. Chúng ta cũng rất khó chấp nhận khi người ta bỏ tiền ra để mua bộ phận trên cơ thể người khác hầu cấy vào cơ thể mình.
Vậy thì đâu là ranh giới giữa những gì chúng ta chấp nhận để tiền có thể mua được và những gì thì không?
Trong Tiền Không Mua Được Gì?, tác giả cung cấp những cơ sở triết học, những lập luận căn bản để mỗi người trong chúng ta có thể xác định được ranh giới cho chính mình. Có những thứ mà khi ta coi nó như một mặt hàng có thể mua đi bán lại thì ta đã hủy hoại giá trị làm nên bản chất của nó.
Đọc xong Tiền Không Mua Được Gì? trên ebookvie , dù ta có không trả lời trọn vẹn được câu hỏi này, ít ra ta cũng nhận thức được rằng đặt ra câu hỏi này là vô cùng cần thiết. Nếu chúng ta không đặt câu hỏi, không tranh cãi để đi đến xác định một ranh giới mà toàn bộ cộng đồng, xã hội chấp nhận, thì rất có thể thị trường sẽ quyết định hộ chúng ta. Tôi thấy đây là một nhận định rất quan trọng của Michael Sandel.
Ngô Bảo Châu
—
KỶ NGUYÊN TÔN VINH THỊ TRƯỜNG
Những năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là thời kỳ niềm tin vào thị trường và quan điểm nới lỏng quản lý lên đến đỉnh cao nhất. Một kỷ nguyên tôn vinh thị trường, khởi đầu vào đầu thập niên 1980, khi Ronald Reagan và Margaret Thatcher tuyên bố rằng thị trường – chứ không phải chính phủ – chính là chìa khóa dẫn đến thịnh vượng và tự do. Kỷ nguyên này kéo dài đến những năm 1990, thời kỳ của những người ủng hộ tư tưởng tự do và thị trường như Bill Clinton và Tony Blair. Hai ông có quan điểm ôn hòa, nhưng có niềm tin vững chắc rằng thị trường là giải pháp cơ bản để mang lại lợi ích cho cả xã hội.
Giờ đây, niềm tin đó đang bị lung lay. Kỷ nguyên tôn vinh thị trường đang bước vào giai đoạn cuối. Cuộc khủng hoảng tài chính không chỉ khiến người ta nghi ngờ khả năng chia đều rủi ro của thị trường, mà còn khiến nhiều người có cảm giác rằng thị trường ngày càng xa rời các giá trị đạo đức, và chúng ta cần mang chúng lại gần nhau. Nhưng chúng ta vẫn còn mơ hồ về tiến trình này, và vẫn chưa biết phải giải quyết ra làm sao.
Một vài người cho rằng bản thân lòng tham đã là biểu hiện của suy đồi đạo đức ở cốt lõi của tư tưởng tôn vinh thị trường, và lòng tham là thứ khiến con người ta nhắm mắt làm liều. Vì vậy, theo họ, giải pháp là kiềm chế lòng tham, đòi hỏi giới chủ ngân hàng và các giám đốc ở Wall Street phải tự trọng hơn, có tinh thần trách nhiệm hơn. Đồng thời, cần áp dụng các quy định phù hợp nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tương tự diễn ra lần nữa.
Giỏi lắm thì luận điểm trên cũng chỉ đúng phần nào đó thôi. Tất nhiên, lòng tham đóng vai trò đáng kể trong cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng còn có nguyên nhân lớn hơn nhiều. Thay đổi lớn nhất trong suốt ba thập niên qua không phải là con người tham lam hơn, mà là sự mở rộng của thị trường, của các giá trị thị trường. Chúng đã thâm nhập cả vào những lĩnh vực trong đời sống vốn không phải nơi của chúng.
Để chống lại tình trạng này, chúng ta không thể chỉ công kích lòng tham. Chúng ta cần nhìn nhận lại vai trò của thị trường trong xã hội; cần tranh luận công khai về ý nghĩa của việc giữ thị trường ở đúng vị trí của nó. Để làm được vậy, chúng ta cần phải xem xét các giới hạn đạo đức của thị trường. Chúng ta cần đặt câu hỏi: liệu có cái gì mà có tiền cũng chẳng mua được hay không?
Ảnh hưởng của thị trường và tư duy thị trường lên những khía cạnh của đời sống vốn không bị các chuẩn mực thị trường chi phối là một trong những thay đổi đáng kể nhất của thời đại chúng ta.
Hãy xem sự xuất hiện như nấm của các trường học, bệnh viện, nhà tù hoạt động vì lợi nhuận và hiện tượng thuê các nhà thầu quân sự tư nhân trong chiến tranh. (Thực tế là ở Iraq và Afghanistan, lính đánh thuê thuộc các nhà thầu tư nhân đông hơn quân nhân chính quy thuộc quân đội Mỹ [16]).
Hãy xem sự lu mờ của lực lượng cảnh sát trước các công ty an ninh tư nhân – nhất là tại Mỹ và Anh, nơi cảnh sát tư nhân đông gấp đôi cảnh sát nhà nước [17].
Hãy xem chiến dịch marketing thuốc hùng hổ của các công ty dược phẩm hướng vào người dân các nước giàu. (Nếu bạn đã từng xem chương trình quảng cáo trong các bản tin buổi tối của truyền hình Mỹ thì hoàn toàn có thể hiểu được chuyện bạn nghĩ rằng vấn đề y tế nghiêm trọng nhất thế giới không phải bệnh sốt rét, bệnh mù sông [18] hay bệnh ngủ, mà là dịch bệnh khủng khiếp có tên là rối loạn cương dương).
Và hãy xem xét hiện tượng quảng cáo xuất hiện trong trường học; mua bán “quyền đặt tên” công viên và không gian công cộng; quảng cáo “thiết kế” trứng và tinh trùng cho những người cần hỗ trợ trong sinh sản; thuê phụ nữ ở các nước đang phát triển mang thai hộ; các công ty và các quốc gia mua bán quyền phát thải; hay một hệ thống tài chính trong bầu cử gần như cho phép mua bán phiếu bầu.
Ba mươi năm trước, việc sử dụng thị trường để phân bổ các dịch vụ liên quan đến y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng, công lý, bảo vệ môi trường, giải trí, sinh con và các hàng hóa xã hội khác là điều chưa ai nghe đến. Giờ đây, chúng ta cho rằng hầu hết những hiện tượng này là hiển nhiên.
MỌI THỨ ĐỀU MUA BÁN ĐƯỢC
Tại sao phải băn khoăn chuyện chúng ta đang trở thành một xã hội mà trong đó mọi thứ đều mua bán được?
Vì hai lý do. Thứ nhất là bất công, và thứ hai là tham nhũng. Hãy nói về bất công trước. Trong một xã hội mà mọi thứ đều mua bán được, những người có càng ít của cải thì cuộc sống sẽ càng khó khăn. Tiền càng mua được nhiều thứ thì sự giàu có (hoặc nghèo đói) càng đáng quan tâm.
Nếu lợi thế duy nhất mà người giàu có được là họ có thể mua du thuyền, mua ô tô thể thao, hưởng những kỳ nghỉ tuyệt vời thì bất công bằng về thu nhập và tài sản không phải vấn đề quá lớn. Nhưng nếu tiền mua được ngày càng nhiều thứ – ảnh hưởng chính trị, y tế chất lượng tốt, nhà ở nơi an toàn chứ không phải nơi có nhiều tội phạm, trường học nổi tiếng – thì việc phân chia thu nhập và của cải càng quan trọng hơn. Nếu mọi điều tốt đẹp đều có thể mua bán được thì tiền sẽ tạo ra mọi sự khác biệt trên đời này.
Vì lý do đó mà vài thập kỷ vừa qua là quãng thời gian hết sức khó khăn đối với các gia đình nghèo và trung lưu. Cách biệt giữa người giàu và người nghèo tăng lên, hơn nữa, việc mọi thứ đều có thể trở thành hàng hóa đã làm hậu quả của bất công bằng thu nhập trở nên tồi tệ hơn, và việc kiếm được tiền càng trở nên cần thiết.
Khó mà nói tường tận ngọn ngành lý do thứ hai. Đây không phải vấn đề bất công/công bằng, mà là chuyện thị trường có xu hướng làm xói mòn cuộc sống. Khi những điều tốt đẹp trên đời bị định giá, chúng sẽ không còn tốt đẹp nữa. Vì thị trường không chỉ phân bổ hàng hóa mà còn bộc lộ, khuyến khích con người có những thái độ nhất định với các loại hàng hóa. Trả tiền cho trẻ có thể làm các em đọc sách nhiều hơn, nhưng đồng thời các em cũng sẽ coi đọc sách như làm việc vặt chứ không phải là một cách để thỏa mãn nhu cầu tự thân. Trao một ghế sinh viên năm thứ nhất đại học cho người trả giá cao nhất trong cuộc đấu giá sẽ tạo thu nhập cho trường đại học, nhưng cũng làm xói mòn uy tín của trường, suy giảm giá trị tấm bằng mà trường cấp. Sử dụng lính đánh thuê người nước ngoài cho cuộc chiến nước mình tham gia sẽ hạn chế tổn thất tính mạng người dân trong nước, nhưng cũng làm mất đi ý nghĩa về bổn phận công dân.
Các nhà kinh tế học thường giả định rằng thị trường có tính “trơ”, không tác động gì đến các loại hàng hóa trong đó. Nhưng không phải vậy. Thị trường có tạo ra ảnh hưởng. Đôi khi, giá trị thị trường lấn át những giá trị phi thị trường đáng quan tâm.
Dĩ nhiên, không ai nhất trí được với nhau giá trị nào đáng quan tâm, giá trị nào không và tại sao. Vì vậy, để xác định xem cái gì nên và không nên mua được bằng tiền, chúng ta phải xác định được những giá trị nào chi phối các lĩnh vực khác nhau trong đời sống cá nhân và xã hội. Cách suy nghĩ về vấn đề này chính là nội dung chủ đạo của cuốn sách.
Tôi xin trình bày tóm tắt câu trả lời mà tôi nghĩ là phù hợp: khi quyết định những hành vi, sự vật nào được phép mua bán, chúng ta đang ngầm cho rằng chúng phù hợp với vai trò hàng hóa – tức là công cụ sinh lợi và đáp ứng nhu cầu sử dụng. Nhưng không phải hàng hóa nào cũng phù hợp với cách đánh giá này[19].
Ví dụ rõ ràng nhất là con người. Chế độ nô lệ thật kinh khủng bởi nó coi con người là hàng hóa, có thể mua bán ở phiên chợ đấu giá. Đối xử với con người theo cách ấy là sai trái, vì mỗi người đều có phẩm giá và đáng được tôn trọng chứ không thể bị coi là một vật để sở hữu hay một công cụ để sử dụng.
Có thể đánh giá tương tự về nhiều sự vật hoặc hành vi tốt đẹp khác. Chúng ta không cho phép mua bán trẻ em trên thị trường. Ngay cả khi người mua đối xử tốt với những em bé họ mua được thì việc cho phép hình thành thị trường trẻ em đã khuyến khích xã hội đánh giá sai về giá trị của các em nhỏ. Trẻ em không thể là hàng hóa tiêu dùng, mà phải là đối tượng của tình yêu, sự quan tâm. Hoặc vấn đề quyền và nghĩa vụ công dân. Nếu bạn được yêu cầu thực hiện một nghĩa vụ pháp lý thì bạn không thể thuê người khác làm hộ bạn. Chúng ta cũng không cho phép người dân được bán lá phiếu của mình cho dù có nhiều người sẵn lòng mua chúng. Tại sao? Vì chúng ta tin rằng không thể coi nghĩa vụ công dân là tài sản của cá nhân mỗi người mà phải coi đó là trách nhiệm đối với xã hội. Thuê người khác thực hiện nghĩa vụ công dân của mình chính là hạ thấp và đánh giá sai nghĩa vụ đó.
Những ví dụ nói trên minh họa cho một điều có ý nghĩa lớn hơn: Có những điều tốt đẹp trong cuộc sống sẽ bị xói mòn, bị hư hỏng nếu chúng bị coi là hàng hóa. Vì vậy, để xác định xem thị trường có thể tồn tại ở đâu, cái gì nên tránh xa thị trường thì chúng ta phải tìm ra cách thức đánh giá giá trị một số thứ như sức khỏe, giáo dục, cuộc sống gia đình, tự nhiên, nghệ thuật, trách nhiệm công dân, v.v… Chúng đều là những vấn đề mang tính đạo đức và chính trị chứ không chỉ đơn thuần là kinh tế. Muốn trả lời câu hỏi nói trên, chúng ta phải tranh luận từng vấn đề một về ý nghĩa đạo đức của chúng và cách đánh giá chúng sao cho hợp lý.
Cuộc tranh luận này không hề tồn tại trong kỷ nguyên tôn vinh thị trường. Hậu quả là khi không nhận biết được vấn đề, không bao giờ nghĩ đến chuyện tranh luận về chúng, từ chỗ có một nền kinh tế thị trường, chúng ta đã trượt sang trạng thái trở thành một xã hội thị trường.
Sự khác biệt là ở chỗ: Nền kinh tế thị trường là một công cụ đáng giá và hiệu quả, giúp chúng ta tổ chức được hoạt động sản xuất. Còn xã hội thị trường là một phương thức sống mà trong đó, các giá trị thị trường thâm nhập vào mọi ngóc ngách của cuộc sống con người. Trong xã hội thị trường, các mối quan hệ xã hội đều thay đổi cho phù hợp với hình ảnh thị trường.
Thiếu sót lớn của nền chính trị đương đại là chúng ta chưa từng tranh luận về vai trò, phạm vi của thị trường. Chúng ta muốn một nền kinh tế thị trường hay một xã hội thị trường? Vai trò của thị trường trong đời sống xã hội và các mối quan hệ cá nhân là gì? Làm sao chúng ta xác định được hàng hóa nào được phép mua bán, còn hàng hóa nào phải chịu sự chi phối của các giá trị phi thị trường? Chỗ nào không nên có vai trò của đồng tiền?
Cuốn sách này sẽ tìm cách trả lời các câu hỏi trên. Vì chúng liên quan đến những quan điểm còn đang gây tranh cãi về một xã hội tốt đẹp, một cuộc sống tốt đẹp nên tôi không dám hứa mình có câu trả lời dứt khoát. Nhưng tôi hy vọng ít nhất mình cũng khởi xướng được cuộc tranh luận công khai về chúng, đồng thời đưa ra được cơ sở triết học cho các lập luận.
TƯ DUY LẠI VỀ VAI TRÒ CỦA THỊ TRƯỜNG
Ngay cả nếu bạn đồng ý rằng chúng ta cần tranh luận về những vấn đề lớn liên quan đến đạo đức của thị trường thì hẳn bạn cũng không tin là cuộc tranh luận sẽ đi đến hồi kết. Lo ngại này là chính đáng. Nếu muốn tư duy lại về vai trò và phạm vi của thị trường, trước hết chúng ta cần biết rằng sẽ gặp phải hai trở ngại lớn, dễ gây nản chí.
Thứ nhất là tư duy thị trường đã có uy tín và quyền lực từ lâu, ngay cả sau khi thị trường vừa gặp phải thất bại lớn nhất trong 80 năm qua. Thứ hai là các cuộc tranh luận công khai xưa nay thường vô nghĩa và chứa đầy ác ý. Hai trở ngại này không phải hoàn toàn độc lập với nhau.
Trở ngại đầu tiên khá khó hiểu. Giờ đây, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 được đa phần mọi người coi là hậu quả đạo đức của việc o bế thị trường một cách mù quáng trong ba thập kỷ, trải qua nhiều thay đổi về chính trị. Nhưng khi các công ty tài chính một thời lừng danh của Wall Street gần như sụp đổ, đòi hỏi ngân sách nhà nước – vốn là thuế người dân đóng vào – phải chi một số tiền cứu trợ khổng lồ thì có vẻ cần xem xét lại vai trò của thị trường. Ngay cả Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, một “thầy cả” của tín ngưỡng tôn vinh thị trường cũng phải thừa nhận mình bị rơi vào “tình trạng choáng váng mất niềm tin” vì hóa ra thị trường tự do không còn khả năng tự sửa chữa sai lầm [20]. Trang bìa The Economist – một tạp chí ủng hộ mạnh mẽ thị trường tự do của Anh – đã đăng hình một cuốn giáo trình kinh tế học đang tan thành bùn dưới hàng tít lớn: KINH TẾ HỌC ĐÃ SAI Ở ĐÂU? [21]
Kỷ nguyên tôn vinh thị trường đi đến kết cục thảm hại. Vì vậy, giờ hẳn là lúc để nghĩ về đạo đức, là khoảng thời gian để suy ngẫm lại, thật kỹ càng, về niềm tin vào thị trường. Nhưng mọi chuyện không diễn ra như thế.
Thất bại ngoạn mục của thị trường tài chính nhìn chung không làm suy giảm đi bao nhiêu niềm tin vào thị trường. Thực tế là cuộc khủng hoảng tài chính làm tổn thất uy tín của chính phủ nhiều hơn là của ngân hàng. Năm 2011, các cuộc điều tra cho thấy người dân Mỹ cho rằng chính phủ liên bang có lỗi lớn hơn các thể chế tài chính Wall Street trong vấn đề kinh tế mà đất nước đang gặp phải – với tỷ lệ cao hơn 2:1 [22].
Cuộc khủng hoảng tài chính đã nhấn sâu nước Mỹ và phần lớn thế giới vào một đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ thời Đại Khủng hoảng và khiến hàng triệu người mất việc làm. Nhưng nó vẫn không làm cho chúng ta suy nghĩ lại một cách nghiêm túc về thị trường. Tại Mỹ, hậu quả rõ ràng nhất về mặt chính trị chỉ là sự nổi lên của phong trào Tea Party của những người thù ghét chính phủ và ủng hộ thị trường tự do quyết liệt đến mức Ronald Reagan cũng phải xấu hổ. Mùa thu năm 2011, phong trào Chiếm phố Wall đã gây ra những cuộc biểu tình ở khắp các thành phố trên nước Mỹ và cả thế giới. Người dân biểu tình chống lại sức mạnh của các ngân hàng và công ty lớn và phản đối sự bất công về thu nhập và tài sản đang ngày càng gia tăng. Mặc dù có xu hướng tư tưởng khác nhau, nhưng cả hai đều thể hiện sự giận dữ kiểu dân túy trước cách nhà nước tung tiền cứu trợ [23].
Mặc dù các phong trào biểu tình đã lên tiếng phản đối, nhưng một cuộc tranh luận nghiêm túc về vai trò, phạm vi của thị trường gần như vẫn chưa xuất hiện trong đời sống chính trị. Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, như bấy lâu nay, vẫn cãi cọ về thuế, chi tiêu, thâm hụt ngân sách, chỉ khác là giờ tư tưởng đảng phái của họ mạnh hơn và gần như không có khả năng tạo cảm hứng hay thuyết phục người khác. Ảo tưởng về nền chính trị vỡ tan khi người dân trở nên chán nản trước một hệ thống chính trị không thể hành động vì lợi ích chung hay làm gì để giải quyết những vấn đề gay cấn nhất.
Trở ngại thứ hai ngăn cản chúng ta tranh luận về giới hạn đạo đức của thị trường là các cuộc tranh luận công khai chẳng đâu vào đâu. Giờ đây, các cuộc tranh luận chính trị chủ yếu chỉ là hai người hét vào mặt nhau trên truyền hình, những bài đả kích chua cay nặng tính đảng phái trên sóng phát thanh, những trận “ẩu đả” tư tưởng tại Quốc hội. Trong tình hình đó, thật khó tưởng tượng xã hội sẽ tranh luận nghiêm túc về những vấn đề đạo đức gây tranh cãi để đánh giá đúng giá trị của những thứ như sinh con, trẻ em, giáo dục, sức khỏe, môi trường, trách nhiệm công dân… Nhưng tôi tin là chúng ta có thể tranh luận nghiêm túc, và nó sẽ tiếp thêm sinh lực cho đời sống xã hội chúng ta.
Một số người thấy trong nền chính trị đầy ác ý này lại chứa niềm tin đạo đức thái quá: Quá nhiều người tin tưởng quá sâu sắc, quá phấn khích vào niềm tin của họ và muốn áp đặt nó cho mọi người xung quanh. Với tôi, nghĩ như vậy là hiểu sai tình hình tồi tệ hiện tại. Vấn đề mà nền chính trị đang gặp phải không phải là người ta tranh luận quá nhiều về đạo đức mà thực ra là quá ít. Và căng thẳng chính trị lên quá cao chính là vì nó hầu như không có chút đạo đức, tinh thần nào cả. Nó không thể trả lời được những câu hỏi lớn mà mọi người quan tâm.
Có nhiều nguyên nhân khiến chính trị hiện đại thiếu vắng yếu tố đạo đức. Một trong số đó là chúng ta thường tìm cách loại bỏ các khái niệm về sống đẹp ra khỏi các cuộc tranh luận công khai. Với mong muốn tránh xung đột bè phái, chúng ta thường yêu cầu các công dân phải cởi bỏ niềm tin đạo đức và tinh thần của họ trước khi bước vào diễn đàn chung. Mong muốn ấy đúng, nhưng khi ngần ngại tranh luận thế nào là sống đẹp trong chính trị, chúng ta đã tạo cơ hội thuận lợi cho tư tưởng tôn vinh thị trường và lập luận dựa vào thị trường phát triển.
Lập luận dựa vào thị trường cũng làm đời sống xã hội mất đi ý nghĩa đạo đức theo cách của riêng nó. Thị trường hấp dẫn một phần là ở chỗ nó không phán xét lựa chọn của con người. Nó không hỏi cách đánh giá giá trị hàng hóa này có tốt hơn, đáng coi trọng hơn cách kia hay không. Nếu có người sẵn lòng trả tiền để được phục vụ nhu cầu tình dục hay để mua một quả thận, và có một người trưởng thành khác sẵn lòng đáp ứng thì câu hỏi duy nhất các nhà kinh tế học đưa ra là: “Bao nhiêu tiền?” Thị trường không chỉ tay vào mặt ta và bảo: Không được. Nó không phân biệt lựa chọn nào cao quý, lựa chọn nào tầm thường. Mỗi người tham gia giao dịch được tự quyết định mình đặt giá bao nhiêu cho hàng hóa, dịch vụ được đem ra mua bán.
Quan điểm không phán xét đối với các giá trị là cốt lõi của lập luận dựa vào thị trường và nó giải thích đáng kể tại sao thị trường được ưa chuộng. Nhưng khi ngại ngần tranh luận về đạo đức và tinh thần, cộng với việc quá o bế thị trường, chúng ta đã phải trả giá đắt. Dòng chảy đạo đức và tinh thần công dân trong các cuộc tranh luận chung đã cạn kiệt. Nền chính trị kiểu kỹ trị, quản lý đã hình thành, ảnh hưởng xấu đến rất nhiều xã hội hiện nay.
Một cuộc tranh luận về giới hạn đạo đức của thị trường sẽ cho phép chúng ta, với tư cách là một xã hội, quyết định được ở đâu thì thị trường có thể mang lại điều tốt đẹp và ở đâu thì không. Nó cũng sẽ tiếp thêm sinh lực cho nền chính trị khi mời gọi các quan điểm khác nhau về sống đẹp quay trở lại diễn đàn chung. Vì những lập luận này còn đem lại điều gì nữa? Nếu bạn đồng ý rằng việc mua bán một loại hàng hóa sẽ làm hư hỏng, suy thoái hàng hóa ấy thì hẳn bạn phải tin rằng có cách khác phù hợp hơn để đánh giá giá trị của nó. Thật vô nghĩa nếu nói rằng một hành vi, một vai trò nào đó có thể bị hư hỏng – chẳng hạn như làm cha mẹ hay tư cách công dân – nếu bạn không nghĩ rằng có cách làm cha mẹ, hoàn thành nghĩa vụ công dân tốt hơn những cách khác.
Những phán xét đạo đức nói trên chính là nguyên nhân khiến thị trường vẫn có một số rất ít giới hạn nó chưa vượt qua. Chúng ta không cho phép cha mẹ bán con hay công dân bán phiếu bầu. Và một trong những lý do chính là rõ ràng chúng ta đang phán xét: chúng ta tin rằng bán con hay bán phiếu bầu có nghĩa là chúng ta đánh giá sai giá trị của con cái, của lá phiếu, đồng thời gieo mầm cho nhiều tư tưởng xấu.
Khi suy ngẫm về giới hạn đạo đức của thị trường, chúng ta sẽ không tránh được những vấn đề trên. Nó đòi hỏi chúng ta phải công khai tranh luận cùng nhau về cách thức đánh giá giá trị của những điều tốt đẹp mà chúng ta coi trọng. Thật điên rồ nếu ta hy vọng rằng một môi trường tranh luận chung chú trọng hơn về đạo đức, kể cả khi chú trọng hết mức có thể, sẽ giúp chúng ta đồng thuận về mọi vấn đề đang gây tranh cãi. Nhưng nó sẽ làm cho xã hội lành mạnh hơn. Và nó sẽ khiến chúng ta biết rõ hơn cái giá mình phải trả khi sống trong một xã hội mà mọi thứ đều đem ra mua bán được.
Mỗi khi nghĩ về đạo đức trong thị trường, chúng ta liên tưởng ngay đến các ngân hàng ở Wall Street với những việc làm khinh suất của họ; các quỹ phòng ngừa rủi ro với khoản tiền cứu trợ và cải cách quy định quản lý. Nhưng thách thức đạo đức và chính trị mà chúng ta đang phải đối mặt lại trần tục hơn, rộng lớn hơn nhiều. Đó là phải tư duy lại về vai trò, phạm vi của thị trường trong đời sống xã hội, mối quan hệ giữa con người và cuộc sống hằng ngày của chúng ta.