Cuốn tiểu thuyết “Tiếng thét” của nhà văn trẻ Hamanaka Aki tóm gọn lại hành trình cuộc đời của Suzuki Yoko qua 40 năm, từ những năm 1990 đầy khủng hoảng kinh tế đến sự cố động đất và vụ rò rỉ nhà máy hạt nhân vào ngày 11/3/2011 tại Nhật Bản. Diễn biến tâm lý của Yoko là điểm nổi bật nhất trong tác phẩm này, khi cô dần dần trở thành một phần của mặt trái xã hội, từ một cô gái ngây thơ làm việc tại quê nhà đến việc bị cuốn vào công việc bán bảo hiểm và phải đối mặt với sự mất mát và đau khổ.
“Tiếng thét” mang đậm phong cách trinh thám của Nhật Bản và liên kết một cách khéo léo các chi tiết để tạo nên một câu chuyện hợp lý và gây bất ngờ cho độc giả. Từ những chi tiết nhỏ như số ngón tay của ông chủ bán cá đến các vụ án kỳ bí, cuốn sách khám phá sâu vào tâm trí của nhân vật chính và hé lộ sự thật đáng kinh ngạc về cuộc đời đầy bi kịch của Suzuki Yoko.
“Tiếng thét” là tác phẩm trinh thám mới nhất của Hamanaka Aki, một tác giả trẻ được vinh danh với giải thưởng cho gương mặt mới có tác phẩm xuất sắc nhất tại Nhật Bản. Cuốn sách đã được xếp hạng thứ 6 trong danh sách 10 tiểu thuyết trinh thám hay nhất năm 2014, theo tạp chí Shukan Bunshun.
Trong căn phòng là cả một biển chết lênh láng. Chính giữa biển là thi thể của một người phụ nữ, xung quanh là núi xương của những con mèo mà cô ta nuôi.
Theo chân nữ thanh tra Okunuki Ayano, cuộc đời đầy sóng gió của một người phụ nữ tên Suzuki Yoko dần dần được hé mở…
Suzuki Yoko, một cô gái “tầm thường”, nhút nhát, chưa bao giờ nhận được tình yêu thương và sự khích lệ từ người mẹ
Suzuki Yoko, người phụ nữ có may mắn kết hôn với mối tình đầu của mình nhưng đã ly hôn chỉ sau ba năm, vì không thể sinh con
Suzuki Yoko, người phụ nữ chấp nhận làm gái gọi để có thể tồn tại, hết lần này đến lần khác bị đàn ông lợi dụng, biến thành công cụ kiếm tiền và thỏa mãn dục vọng cho họ
Dẫu vậy, trong suốt bốn mươi năm của cuộc đời, người phụ nữ tên Suzuki Yoko đó luôn khát khao được là chính mình và tìm thấy “một nơi chốn mà mình thuộc về”. Rồi khi bị chà đạp dưới đáy xã hội, cô đã quyết định phản kháng. Nếu không thể tìm thấy một nơi chốn mà mình thuộc về, cô sẽ tự tay “tạo ra” nơi chốn ấy…
***
Review Thu Hoài:
Tác phẩm mới nhất của Hamanaka Aki tiếp tục là một dấu ấn thành công với phong cách trinh thám tâm lý của anh.
Suzuki Yoko đã chết. Nhưng người ta chưa biết điều ấy. Xác của cô chỉ được tìm thấy sau đó nửa năm trong một căn hộ chung cư với tình trạng chỉ còn là xương trắng nằm rải rác cùng với xác lũ mèo cô nuôi.
Theo chân nữ cảnh sát tài giỏi Ayano, cuộc đời đầy sóng gió của Yoko được hé mở từ đây, khởi đầu cho một chuỗi những bất hạnh lớn hơn bất cứ người phụ nữ nào có thể chịu đựng được.
Yoko, cô gái sinh ra trong một gia đình hạng trung với cái tên vô cùng phổ biến, mang nhan sắc và bằng cấp trung bình, không bao giờ vượt qua cái bóng của người em trai tài giỏi đã chết để nhận được tình yêu thương từ cha mẹ.
Yoko, người phụ nữ hết lần này đến lần khác bị phản bội, bị lừa gạt, bị lợi dụng, bị chà đạp trong một xã hội Nhật Bản đầy nhức nhối và không có lối thoát.
Yoko, một con người ám ảnh với quá khứ, ghét bỏ hiện tại và hão huyền về tương lai. Cả cuộc đời cô chỉ có một ao ước, đó là tìm được nơi chốn mà cô thuộc về, nơi cô thực sự có thể sống là chính mình.
Cuốn tiểu thuyết dày gần 600 trang sách mang tựa đề Tiếng thét đã tóm gọn lại một xã hội Nhật Bản qua cuộc đời dài 40 năm của một người phụ nữ. Từ nền kinh tế bong bóng những năm 1990, kỷ băng hà việc làm đầu thiên kiên kỷ, sự bùng nổ của ngành công nghiệp tình dục cho đến trận động đất kinh hoàng ngày 11/3/2011, kèm theo đó là vụ rò rỉ nhà máy hạt nhân, tất cả đều góp phần tạo nên những biến cố trong cuộc đời Suzuki Yoko.
Diễn biến tâm lý của Yoko là điểm đặc sắc nhất trong tác phẩm của Hamanaka Aki. Bước vào đời là một cô gái ngây thơ, làm công việc trực điện thoại ở quê, Suzuki Yoko dần dần tiến sâu vào mặt trái xã hội khi bị lôi kéo vào công việc bán bảo hiểm. Cô đã dần đánh mất lòng tự trọng, phải dùng đến cách bán thân để có thể bán được từng hợp đồng bảo hiểm. Cô chịu đau khổ vì cả nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn khi chấp nhận làm tiền để chu cấp cho người mẹ vẫn luôn căm ghét mình. Chính việc bị dồn ép đến đáy xã hội đã nảy sinh trong tâm trí Yoko một kế hoạch táo bạo gây rúng động cộng đồng.
Mang đậm phong cách trinh thám thiên về lối miêu tả của Nhật Bản, nhưng Tiếng thét lại vô cùng khéo léo khi liên kết tất cả các chi tiết tưởng như thừa thành một câu chuyện hợp lý. Từ ông chủ bán cá có 6 ngón tay cho đến vụ án bé Cosmos hay quán cafe thảo mộc, cuốn sách gây đã bất ngờ cho độc giả cho đến bốn dòng cuối cùng, hé lộ sự thật tàn khốc về người phụ nữ bất hạnh mang tên Suzuki Yoko.
Tiếng thét là cuốn tiểu thuyết trinh thám mới nhất của nhà văn trẻ Hamanaka Aki sau khi anh nhận được giải thưởng cho gương mặt mới có tác phẩm xuất sắc nhất lần thứ 16 của Nhật Bản. Tác phẩm đã vinh dự đứng thứ 6 trong số 10 tiểu thuyết trinh thám hay nhất năm 2014, theo bảng xếp hạng của tạp chí Shukan Bunshun.
***
Review Nguyệt Nguyệt:
Nếu bạn trông chờ vào tính giải trí kịch tính, kinh dị máu me ở tác phẩm này thì không có đâu. Nhưng sẽ thấy thật kinh khủng và đáng sợ khi cuộc đời người phụ nữ Yoko được phơi bày từng bước từng bước.
Từ nỗi buồn thầm lặng đến sự tuyệt vọng cùng cực chỉ như một cái chớp mắt. Giống như tựa một cuốn sách, miệt mài đi qua năm tháng ngoảnh lại mọi thứ đã hóa tro tàn.
Cuộc đời Yoko từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành đã không hề may mắn. Mẹ ghét bỏ, em trai tự sát, bố vỡ nợ bỏ trốn, chồng phản bội theo người đàn bà khác, rồi bán thân để kiếm hợp đồng bảo hiểm, bị bạo hành… Cứ thế đời ngang trái đẩy đưa khiến cô sa chân vào vũng lầy lúc nào chẳng hay. Một vũng bùn bẩn thiu, hôi tanh, nhớp nhúa khủng khiếp nhất. Quá nhiều bi kịch, quá nhiều nỗi đau. Vừa buồn thay lại vừa đáng trách người phụ nữ ấy.
Không chỉ thế, cuốn sách còn phản ánh thực trạng xã hội Nhật Bản, một cách thật dữ dội, những góc khuất tăm tối, những vấn nạn nhức nhối bốc mùi. Đào sâu vào tận gốc rễ vấn đề, giống như xới tung đống rác để thấy nó xộc lên mùi thối rữa. Thật nặng nề mà cũng chân thực xiết bao.
Tuy vậy, điểm trừ của truyện là có phần đều đều, đôi khi dài dòng, thảng hoặc câu văn bị lặp lại khá khó chịu. Nếu tác giả viết khéo hơn, biên dịch tốt thì tác phẩm sẽ rất tuyệt vời. Có lẽ không chỉ đứng vị trí 6/10 tiểu thuyết trinh thám hay 2014 đâu mà có khi lên top 1 không chừng.
Còn về đoạn kết, có đúng như Đinh Tị quảng cáo “gay cấn cho đến 4 dòng cuối cùng” không? Quả có phải. Vẫn bất ngờ dù thủ đoạn không mới. Cái vụ án cuối cùng ấy, cái chết cuối cùng ấy đã đạt đến giới hạn của xấu xa và tội ác, của tha hóa đạo đức.
Mời các bạn đón đọc Tiếng Thét của tác giả Hamanaka Aki.