Kính thưa chư vị đồng tu,
Lần này thời gian tụ hội của chúng ta tuy rất ngắn, gần đây đúng lúc tôi giảng kinh ở Los Angeles và San Jose, có không ít đồng tu đến gặp tôi nói đến việc công phu tu học không đắc lực. Ở trong kinh luận, Phật nói đến công đức lợi ích thù thắng nhưng chúng ta vẫn không thể gặt hái được gì. Rốt cuộc nguyên này nằm ở đâu? Cho nên ba ngày này, tôi nghĩ chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận một chút về vấn đề này.
Mục Lục
A. Vì sao tu hành pháp môn Tịnh độ?
B. Tam phước
1. Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp
2. Thọ trì Tam quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi
3. Phát Bồ-đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại thừa, khuyến tấn hành giả
C. Chướng ngại của hành giả
D. Tiêu trừ chướng ngại
1. Không tìm lỗi người
2. Không khen mình chê người
E. Pháp thanh tịnh giải thoát
1. Xa rời huyên náo
2. Ít muốn biết đủ
4. Dùng tâm không mong cầu thuyết pháp
5. Không dùng tâm tham ô để thuyết pháp
6. Không lấy việc cung kính, cúng dường để bản thân yên vui làm lợi ích
7. Dùng tụng kinh niệm Phật để đè nén vọng niệm
F. Chánh pháp tuyệt đối tương ứng với lợi ích chân thật
G. Bốn nguyên tắc để phân biệt chánh tà
H. Hạnh tốt và hạnh xấu
I. Ba cương lĩnh lớn của hành môn
G. Điểm quan trọng của hành môn
H. Phụ lục
1. Người nội trợ trong gia đình làm sao để tu Bồ-tát đạo ngay trong đời sống thường ngày
2. Tinh yếu pháp thập niệm
A. VÌ SAO TU HÀNH PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ?
Tu học Phật pháp, mục tiêu hàng đầu của chúng ta đương nhiên sẽ là liễu thoát sanh tử, siêu vượt luân hồi, đây là một vấn đề lớn, chính là “một đại sự nhân duyên” mà Phật giảng trong kinh Pháp Hoa. Trong rất nhiều kinh luận Đại thừa đức Thế Tôn nói cho chúng ta biết, bất luận là trên lý luận hay phương pháp, không gì không lấy điều này làm mục tiêu cuối cùng.
Nhưng Phật pháp truyền đến ngày nay, y theo ghi chép của lịch sử Trung Quốc thì đã được 3000 năm, còn theo ghi chép của người ngoại quốc thì cũng đã hơn 2500 năm. Pháp truyền qua thời gian dài như vậy sẽ không tránh khỏi sanh ra những điều không tốt. Trong kinh điển Đại thừa thường gọi hiện nay là thời kỳ mạt pháp, cũng tức là 2500 năm sau khi đức Phật Thích-ca Mâu-ni diệt độ, căn tánh của chúng sanh ở thời đại này dĩ nhiên là không giống với thời xưa. Bởi vì có rất nhiều kinh luận và pháp môn không phải là không tốt, nhưng người hiện nay như chúng ta tu học không được, thực sự là nói được mà làm không được!
► Đừng bỏ qua sách này nhé:
Y cứ theo lý luận và nguyên tắc của kinh điển Đại thừa, cho dù là tu học bất kỳ pháp môn nào, Hiển giáo cũng tốt, Mật giáo cũng tốt, Thiền tông cũng tốt, Giáo hạ cũng tốt, tất cả đều cần phải đoạn kiến tư phiền não mới có thể liễu thoát sanh tử. Cái gì gọi là kiến tư phiền não? Nói một cách đơn giản thì “kiến” chính là chỉ cho kiến giải sai lầm, cách nhìn sai lầm đối với vũ trụ nhân sinh, đó gọi là “kiến phiền não”. “Tư” là chỉ cho tư tưởng sai lầm và cách nghĩ sai lầm. Phạm vi bao hàm của “kiến tư” quá rộng, quá lớn.
Trong kinh luận đức Phật đem vô lượng kiến tư phiền não quy nạp thành mười loại lớn, đây là để thuận tiện cho việc thuyết pháp. Mười loại lớn này đã bao gồm tất cả, nhưng thật ra mà nói người hiện nay không đoạn được, một thứ cũng đoạn không nổi, huống hồ là mười loại lớn! Nếu như đoạn không được phiền não thì tu học cả đời này sẽ không thể thành tựu. Đây không phải là vấn đề của một người nào đó mà là căn bệnh chung của người hiện nay.
Chúng ta từ trong cuốn “Niệm Phật Luận” của Đại sư Đàm Hư có thể xem thấy được, ngài đã rất cảm khái mà nói, cả đời ngài gặp được, nghe được người tham thiền đắc thiền định đã là rất ít, rất ít rồi; còn người tham thiền khai ngộ thì không những cả đời chưa gặp, mà nghe cũng chưa từng nghe qua, đây là nêu ra một thí dụ để nói.
Nếu như tham thiền không thể đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh thì không tính là thành tựu; đắc thiền định, công phu của định có cạn có sâu, công phu cạn thì sanh tới Sơ thiền, Nhị thiền; công phu sâu thì sanh tới Tam thiền, Tứ thiền. Trời Tứ Thiền và trời Tứ Không cũng chưa thoát khỏi Thiên đạo, huống hồ người đạt được thiền định đã như “lông phụng sừng lân” rồi. Đây chính là nói rõ chúng sanh trong thời kỳ mạt pháp phiền não tập khí của bản thân rất nặng, lại còn thêm hoàn cảnh ngoại duyên không tốt. Cái gì là “không tốt”? Danh văn lợi dưỡng, tài sắc danh thực thùy (tiền tài, sắc đẹp, tiếng tăm, ăn uống, ngủ nghỉ) đều đang mê hoặc dụ dỗ; bên trong có phiền não, bên ngoài có mê hoặc thì bạn làm sao có thể thành tựu cho được?
Huống hồ trong lúc tu học, những đại đức thời xưa thường nói là “không thật thà”, câu nói này nghe rất có sức nặng, ý nghĩa cũng rất sâu, rất rộng. Chúng ta nghe xong thường không để ý, cười cười rồi thôi, không hề xem trọng, không biết được câu nói này đã nói trúng yếu điểm của chúng ta.
Vì sao không thật thà? Việc này không ngoài hai nguyên nhân, nếu y theo kinh Phật mà nói thì đây gọi là thiện căn mỏng, không có phước báo. Nếu dùng lời hiện nay mà nói thì:
Thứ nhất: Chúng ta đối với nghĩa kinh chưa thực sự hiểu rõ.
Thứ hai: Chúng ta chưa nếm đủ nỗi khổ cực trong thế gian.
Cho nên tu học không thành thật, như vậy sẽ bỏ lỡ việc lớn của cả đời chúng ta.
Vậy thì phải làm sao mới có thể đạt được lợi ích thù thắng trong Phật pháp? Tu học như thế nào để ngay trong một đời này của chúng ta mới chân thật có thành tựu? Đây đều là sự mong mỏi trong lòng của mỗi vị đồng tu. Chúng ta đã có nguyện vọng này, nhưng tâm nguyện này có thật sự khẩn thiết hay không? Nếu như thật sự có nhận thức này, thật sự có tâm nguyện khẩn thiết, vậy thì người này trong kinh Phật gọi là “người giác ngộ”, họ chân thật đã giác ngộ rồi!
Nếu như chúng ta vẫn sống mơ mơ màng màng, qua được ngày nào hay ngày đó, dùng tâm thái như vậy để học Phật thì vẫn là sống trong vô minh mê hoặc y như cũ, chẳng có giác ngộ, công phu tu học của họ làm sao đắc lực cho được!
Những năm gần đây, chúng tôi trong các buổi diễn giảng, quý vị cũng nghe được từ các băng ghi hình, đã có một số được viết thành sách, mọi người cũng đều xem thấy, chúng ta phải bắt đầu học từ đâu? Nhất định phải từ “Tam phước, Lục hòa”, Lục hòa không phải chỉ dành riêng cho đạo tràng của người xuất gia, nếu như Lục hòa chuyên dành cho đạo tràng của người xuất gia vậy thì người tại gia làm sao mới có thể thành tựu?
Chúng ta nhất định phải hiểu được Lục hòa không phân biệt tại gia hay xuất gia, cho nên Phật pháp là pháp bình đẳng. Đặc biệt là pháp môn Tịnh độ, A-di-đà Phật là đại từ đại bi, có thể giúp đỡ hết thảy chúng sanh trong chín pháp giới bình đẳng thành Phật, cho nên trong thời mạt pháp muốn thành tựu được thì chỉ có pháp môn này mà thôi.
Trong số những người niệm Phật vãng sanh, có người đứng mà đi, có người ngồi mà đi, biết trước ngày giờ ra đi, không có bệnh khổ, chúng ta đích thực là tận mắt nhìn thấy, cũng có khi nghe thấy. Pháp môn này gọi là “đạo dễ hành”. Nền tảng tu học của pháp môn này vẫn là Tam phước, Lục hòa. Tôi nghĩ đồng tu chúng ta ai ai cũng biết Tam phước, Lục hòa, ai cũng có thể nói được, nhưng đã làm được chưa? Chưa làm được thì không có tác dụng gì.
Mấy tuần trước tôi thuyết giảng ở Los Angeles, có một vị đồng tu đến nói với tôi, ông nói ông trì kinh.
Tôi hỏi: Ông trì kinh gì vậy?
Ông nói: Ông đã trì kinh Vô Lượng Thọ được ba ngàn lần.
Tôi liền bảo với ông: Ông không phải trì kinh.
Ông hỏi: Vậy thì là gì? Mỗi ngày con đều đọc tụng mà.
Tôi nói: Ông chỉ đọc kinh, ông đọc được ba ngàn lần, ông không có trì.
Ông hỏi: Thế nào gọi là trì?
Tôi trả lời: Trì nghĩa là làm được, những gì Phật dạy trong kinh ông đã làm được hay chưa? Nếu chưa làm được thì gọi là đọc kinh, ngay cả “niệm kinh” cũng không phải, niệm là gì? Niệm là trong tâm ông thật có, ông chỉ là hữu khẩu vô tâm, có đúng hay không?”
Ông nói: “Dạ đúng”.
Hữu khẩu vô tâm thì gọi là đọc kinh, niệm kinh còn không có thì sao có thể gọi là “trì kinh” cho được?
Tôi đưa ra một câu nói trong kinh: “ Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”, ông làm được hay không? Kể ra thì ông vẫn thật thà, ông lắc đầu và nói: “Con chưa làm được”, nếu chưa làm được thì không phải là trì kinh. Trong kinh luận Đại thừa đức Phật nói với chúng ta: “ Thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói ”, thọ trì được đặt ở đầu tiên. Bạn đã hiểu những lý luận mà Phật giảng, bạn đã rõ ràng phương pháp, bạn có thể đem lý luận, phương pháp hoàn toàn làm được trong đời sống thường ngày, đó mới gọi là thọ trì. Cho nên thọ trì và đọc tụng là hai chuyện khác nhau, không thể xem là giống nhau.
Tôi dạy những người mới học Phật, ban đầu phải đem kinh đọc ba ngàn lần, mục đích để làm gì? Đó là dạy bạn ghi nhớ những lời giáo huấn trong kinh điển không bao giờ quên, nhất định phải ở trong đời sống, ở trong xử sự, đối người tiếp vật làm cho được, đây gọi là thọ trì, như vậy mới có cảm ứng. Giả như bạn không làm theo, sau đó bạn đến nói với tôi là bạn có cảm ứng, tôi có tin tưởng hay không? Tôi tin. Tại sao tôi tin? Cảm ứng của bạn không phải là cảm ứng với chư Phật, Bồ-tát, mà bạn cảm ứng với yêu ma quỷ quái, thật sự có cảm ứng! Yêu ma quỷ quái gia trì cho bạn, giúp cho bạn tăng trưởng thêm tham sân si, giúp cho bạn tạo thêm ác nghiệp, giúp cho bạn nhanh đọa địa ngục A-tỳ hơn.
Trong kinh Lăng Nghiêm đoạn sau cùng đức Thế Tôn nói người học Phật chúng ta có năm mươi loại ấm ma, ma sẽ gia trì, chúng ta không thể xem thường sức mạnh, oai thần của ma. Nếu tâm của bạn chánh, hạnh chánh thì sẽ cảm ứng đạo giao với Phật, Bồ-tát; nếu tâm tà, hạnh tà thì sẽ cảm ứng đạo giao với yêu ma quỷ quái.
Xã hội ngày nay rất phức tạp, tình hình trong lục đạo so với chúng ta lại càng phức tạp hơn. Một người ở trong thời đại này muốn liễu sanh tử, thoát tam giới đích thực không phải là chuyện dễ, nhưng cũng không thể xem nó là việc quá khó, nếu xem quá khó thì cũng là sai lầm. Đích thực là có con đường, có phương pháp, nhất định phải tuân theo lời dạy của Phật-đà, y giáo phụng hành.