“Trái tim chó” kể về câu chuyện xảy ra khi nhà bác học Preobrajenski qua thí nghiệm kết hợp thể xác chó với tuyến yên não người đã tạo ra một sinh vật biết sử dụng ngôn ngữ người.
Ông hi vọng cải biến sinh vật đó thành người có trí tuệ. Nhưng vừa có được chỗ đứng trong cộng đồng người, sinh vật đó đã trở thành mối nguy hiểm đe doạ ngay cả người tạo ra nó, và cái sai lầm của thí nghiệm là ở chỗ nhà bác học đã cấy não của một con người cụ thể là Clim Trugunkin – một kẻ vô sản lưu manh chuyên trộm cắp, rượu chè, dối trá. Cho nên Saricov – cái sinh vật đã tiếp thu “ý thức” của Klim – không đại diện cho loài người nói chung, mà ở hắn tập trung những gì xấu xa, thấp hèn của tầng lớp vô sản lưu manh, cái phần bản năng tối tăm trụy lạc trong cuộc sống quần chúng.
Qua “Trái tim chó” tác giả cảnh báo về nguy cơ “Saricov”, một dạng người có trái tim chó, hay nói đúng hơn là một dạng người mang tâm lí chó vốn không quá hiếm trong cuộc đời xung quanh.
Sharikov vẫn nhớ thời nó phải làm 1 con chó, lang thang kiếm ăn và bị người ta đánh đập. Giờ nó muốn đòi lại sự “công bằng”, trả món nợ áp bức bất công trước đây. Nó bắt đầu chống lại loài người với tất cả những gì xấu xa nhất, đểu giả nhất và vô lương nhất trong tim 1 con chó. Từ săn đuổi 1 con mèo, gây gổ với nhà bên, nhậu nhẹt, gẹo gái, trộm cắp, dối trá và lừa đảo cho đến giết người.
Hối hận vì đã biến 1 con chó thành người, vị giáo sư đáng kính Preobrazhensky muốn sửa chữa sai lầm… nhưng đã muộn.
Xuất thân trong một gia đình trí thức thần học tại thành phố Kiev, nhà văn tương lai với tấm bằng Bác sĩ cứu người đã bị cuốn vào những sự kiện sôi động đẫm máu của cuộc Đại chiến Thế giới I, rồi Cách mạng Vô sản tháng Mười và Nội chiến. Khi tiếng súng lắng lại, từ cuối năm 1921, ông đến Moskva và sống ở đó tới cuối đời, hiến mình cho văn chương, nghệ thuật.
M. Bulgacov bắt đầu sự nghiệp bằng viết báo, sáng tác các tiểu phẩm, hoạt cảnh kịch. Tác phẩm lớn đầu tiên mang lại danh tiếng cho ông là tiểu thuyết Bạch vệ, sau được chuyển thành kịch bản Những ngày tháng của anh em Turbin mang đến một thành công vang dội. Tiếp sau đó là các truyện vừa Ổ quỷ, Những quả trứng định mệnh, Trái tim chó… cùng hàng loạt vở kịch, và cuối cùng là Tiểu thuyết sân khấu. Đặc biệt trong 12 năm cuối đời, ông đã viết nên kiệt tác bất hủ Nghệ nhân và Margarita.
Sáng tác của Bulgacov thường gây nhiều tranh cãi, nhiều vở kịch của ông bị cấm diễn, hàng mấy chục năm, cả khi ông còn sống và sau khi ông đã qua đời, tác phẩm của ông không được in một dòng nào. Tuy nhiên đến cuối thế kỉ XX, chân lí nghệ thuật đã trở lại, và chiến thắng: tất cả các tác phẩm của ông được in, được hâm mộ, phần lớn tác phẩm chính được đưa lên sân khấu, màn ảnh, được dịch ra nhiều thứ tiếng, đưa lên mạng internet…
Tôi đã làm gì động đến hắn? Chẳng lẽ nếu để tôi đào bới trong đống thức ăn thải thì cái Hội đồng Kinh tế Quốc dân kia sẽ khánh kiệt đi sao? Đồ súc sinh bần tiện! Có khi nào đó các người thử nhìn cái mặt của hắn xem – chiều ngang rộng hơn chiều dọc! Một thằng ăn cắp mặt dầy. Ôi, bàn dân thiên hạ ôi! Giữa trưa, hắn dội cho tôi một gầu nước sôi, còn bây giờ trời đã nhập nhoạng tối, cứ ước theo mùi hành phi bay ra từ khu nhà ở của đội cứu hoả phố Pretristenca thì chắc đã khoảng bốn giờ chiều rồi. Như các người biết đấy, bữa tối lính cứu hoả thường ăn cháo. Đấy là một món mạt hạng, cũng giống như nấm ấy. Thế nhưng mấy thằng chó đực quen trên phố Pretristenca lại kể rằng, dường như ở nhà hàng “Bar” trên đại lộ Neglinnưi người ta thường chén món nấm dầm nước sốt cay giá ba rúp bảy mươi lăm copek một suất. Tuy nhiên đó là chuyện khẩu vị từng người, nó cũng chẳng khác gì việc liếm giầy cao su vậy… Ư-ư-ư-ư-ư…
Hông đau không chịu nổi, và tôi đã thấy rõ mồn một cái viễn cảnh của tôi: ngày mai sẽ bắt đầu những vết loét, và thử hỏi lúc đó tôi lấy gì để chữa chạy? Mùa hè thì còn có thể dông tuốt lên công viên Soconiki, ở đấy có một loại cỏ đặc biệt làm thuốc hết sẩy; ngoài ra đến đó còn được chén đẫy không mất tiền các mẩu lạp xường thừa, tha hồ liếm láp những tờ giấy gói đẫm mỡ mà quý vị công dân vứt tứ tung khắp nơi. Và nếu như không gặp phải một mụ già cáu bẳn nào đó hát trong dàn đồng ca dưới trăng – “Ôi Aida yêu dấu”(1) – đến rụng tim, thì cuộc đời thật sự hết ý. Còn bây giờ tôi biết đi đâu? Người ta có thường phết giầy vào đít các người không? Có chứ. Các người đã được nếm món gạch chọi vào sườn chưa? Từng xơi đủ. Tôi đã trải qua tất cả, tôi nhẫn nhục cam chịu cái số kiếp của mình. Nếu bây giờ tôi khóc rên thì cũng chỉ là bởi thân xác của tôi lạnh cóng và đau đớn, vì linh hồn tôi hãy còn chưa tắt… Linh hồn loài chó vốn sống dai. Nhưng thân thể tôi thì đã bị tàn giập, xơ xác, cái giống người hành hạ giày vò nó kể cũng gớm ghê.
…
Mời các bạn đón đọc Trái Tim Chó của tác giả Mikhail Bulgakov.